Trí thức và hội chứng “ngớ ngẩn chính trị”
Thái Hữu Tình – Nhân bi kịch của một “Triết gia hú còi”
Tháng Mười Hai 22, 2009
http://ledienduc.wordpress.com/2009/12/22/tri-th%e1%bb%a9c-va-h%e1%bb%99i-ch%e1%bb%a9ng-ng%e1%bb%9b-ng%e1%ba%a9n-chinh-tr%e1%bb%8b/
Xin gạt ra một bên những trí thức cơ hội ranh ma, biết mình nói láo nhưng vẫn nói láo để kiếm chác, vì khi xuất phát điểm đã đen tối thì với họ không có gì để nói.
Không thuộc loại ấy, nhiều trí thức bước vào sai lầm hoặc tội lỗi chính trị một cách rất tự tin, tự hào. Họ tin vào những luận lý mà họ có do sách vở và những nỗ lực suy nghĩ chủ quan. Họ tin vào “tấm lòng” của họ muốn làm điều tốt. Họ cho rằng bài toán xã hội có đáp số rất rõ nhưng mọi người còn thiếu “tâm” hay thiếu “tầm” nên không nhìn ra. Vì thế họ dấn thân chính trị làm gương, hoặc kẻ nhát thì ngược lại, coi khinh mọi chính trị tầm thường để đứng ở “tầm cao triết lý” mà xót thương xã hội, để chỉ dẫn về chính trị chân chính và khuyên bảo lòng nhân ái cho mọi người biết hòa thuận, biết nói biết nghe nhau.
Vì thế mà những phương án chủ quan ảo tưởng mà họ bày ra tưởng là hợp Chân lý và Đạo lý nhưng khi đem vào cọ xát trong thực tế sẽ thành trò cười ngớ ngẩn trước thực tiễn gian ngoan của chính trị. Thực tiễn luôn phong phú hơn tất cả những tri thức sách vở, dù là sách vở tuyệt vời nhất.
Giữa những quy luật luôn còn vô số nghịch lý, vô số những khoảng trống phi quy luật mà những người hoạt động chính trị luôn biết cách luồn lách giữa những khe hở ấy. Kẻ quá tin vào thiện tâm và vào sự học hành, nhưng không biết lấy thực tế cay nghiệt làm chuẩn cao nhất, thì luôn bị chính trị đánh lừa, để hoặc bị lợi dụng làm công cụ hoặc trở thành nạn nhân bi đát. Từ đó đến chỗ trở thành kẻ tự nguyện tiếp tay cho cái ác chỉ trong gang tấc. Cuộc sống, với quy luật đấu tranh sinh tồn buộc người ta phải sáng tạo ra những mưu tính bất ngờ, biến mọi lý luận đã có trở thành “màu xám” đáng kính và cổ lỗ. Trí thức ôm lấy sách vở sẽ bị thực tế đánh lừa.
Số trí thức do quá tự tin một cách sách vở nên bị chính trị đánh lừa đã đầy rẫy trong lịch sử, ở nhiều tầm cỡ khác nhau, sau đó không ít người đã phản tỉnh. Sự hiểu biết (nửa chừng) và “tấm lòng” lương thiện chung chung luôn là con dao hai lưỡi, nếu có thêm nhãn quan thực tiễn sắc sảo để sàng lọc có thể thành nguyên khí quốc gia, nếu đóng cửa để tư biện và tự đắc thì dễ thành uế khí quốc gia hay quốc tế. Ví dụ “vĩ đại nhất” của bệnh “trí tuệ , cao thượng” nhưng “ngớ ngẩn chính trị” này chính là Karl Marx, thì có lạ chi những ví dụ tầm thường?
Kẻ chính trị gian hùng tất nhiên “cười vào mũi” những thứ “đạo lý ngớ ngẩn” này nhưng chúng giả bộ đề cao để mượn họ đánh lừa quần chúng, cho đến khi tấm gương ảo tưởng ấy bị nhận diện, hết tác dụng lừa đảo thì vứt vào sọt rác.
California, 3 ngày trước lễ Nôen
* Bài nhận được từ tác giả
No comments:
Post a Comment