Có phải là bán độ?
Trần Khải
21-12-2009
http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=7003
Trận bóng đá chung kết giữa đội tuyển Việt Nam và Mã Lai có một bàn thắng bất ngờ, dẫn tới tỷ số đội Mã Lai thắng đội Việt 1-0. Có thật rằng trận chung kết đội tuyển U23 trong Đông Nam Á Vận Hội SEA Games kỳ thứ 25 giữa Việt Nam và Mã Lai hoàn toàn không có bàn tay phù thủy nào thò ra dàn dựng kết quả trước? Có phải rằng đội Việt Nam đã bán độ? Hay, có phải thực sự đội tuyển Việt đã kiệt sức trong trận cuối này? Hay là có chỉ thị nào từ nhà nước CSVN rằng đội tuyển VN phải thua, để tránh làn sóng dân chúng tràn xuống đường biểu tình và cơ nguy các “nhà hoạt động dân chủ lợi dụng” ném truyền đơn, biểu tình lên án vụ Trung Quốc chận bắt tàu cá của ngư dân Việt?
Chúng ta thực sự không biết chính xác câu trả lời, nhưng các băng hình về quả bóng khả nghi này đã cho chúng ta nghi vấn. Nghĩa là, thấy vậy mà không phải là vậy. Nghĩa là, thấy chỉ là biểu kiến thôi, còn sự thực ám muội phía sau lại là điều khó hiểu. Một điều nữa, nếu thực sự là có bán độ, hay là có dàn dựng để thua, thì ở mức độ lớn hơn, có thể nào chính phủ CSVN sẽ bán độ để chịu thua thiệt ở đất rừng Tây Nguyên và các đảo Biển Đông?
Lùi bước ở sân vận động có khi là chuyện thường: Chúng ta có thể thua một trận bóng đá, và vài năm sau có thể sẽ thắng trở lại trong các trận bóng khác. Tuy nhiên, lùi bước ở lãnh thổ là chuyện bất thường: nếu mất một phần lãnh thổ Tây Nguyên và một phần lãnh hải Biển Đông, có thể sẽ vĩnh viễn mất luôn, hoặc nếu có cơ may thì phải nhiều thập niên hay cả thế kỷ sau mới lấy về lại được.
Trở lại chuyện bóng đá. Bạn có thể xem trận bóng chung kết với bàn thua kỳ lạ của đội Việt Nam trên mạng www.YouTube.com, và trong đó, đội VN mặc áo trắng, đội Mã Lai áo xanh.
SEA Games 2009 : Malaysia 1-0 Vietnam (TV3)
http://www.youtube.com/watch?v=JluJBZJokrs&feature=player_embedded
Trước tiên là nói chuyện tường thuật, theo báo nhà nước, tổng hợp từ các báo SGGP,Tuổi Trẻ, thông tấn nhà nước TTXVN, Dân Trí, ngày 17/12/2009 vưà qua, trong trận chung kết môn túc cầu nam của Đông Nam Á Vận hội (SEA Games) kỳ thứ 25 diễn ra tại thủ đô Lào, đội tuyển túc cầu U23 (gồm các cầu thủ dưới 23 tuổi, theo quy định của SEA Games) đã thua đội U23 Mã Lai với tỉ số 0-1 ở phút 84 của hiệp nhì, dù rằng trong trận đấu ở vòng bảng, VN đã thắng Mã Lai 3-1.
Bản tin báo Tuổi Trẻ ghi rằng sau trận chung kết, các cầu thủ Việt Nam đổ gục xuống sân nức nở... Các cầu thủ Mã Lai an ủi họ...
Khi đọc, chúng ta chỉ hiểu theo mô tả của phóng viên. Khi nghe qua đài phát thanh, chúng ta chỉ hình dung theo lời người kể. Nhưng phải nhìn thấy bằng mắt, để tự mình có suy luận riêng. Khi xem nhiều băng hình về cú banh lọt gôn nhà này, quả tình là nhiều người Việt nghẹn lời. Câu hỏi là, có phải như là bán độ, đã đột khởi trong suy nghĩ cuả nhiều người.
Trên blog của bác sĩ Hồ Hải (bshohai.blogspot.com), bài đăng hôm Thứ Năm 17-12-2009, nhan đề “Nói Chuyện Triết Học của Người Ngoại Đạo: Bóng Đá và Tiền,” nêu lên nhận xét tác giả nghe từ một cò cá độ bóng đá, trích:
“...Xem hiệp II, tôi nghe bình luận viên thông báo: Nếu huy chương vàng sẽ được thưởng nóng 200.000USD. Nếu huy chương bạc cũng sẽ được thưởng nóng 100.000USD do một công ty truyền thông đình đám. Thấy hôm nay cả hiệp I các chàng trai Việt đá cứ như gà mắc tóc, dù có tấn công áp đảo. Tôi trộm nghĩ, nếu thế thì chỉ cần huề 2 hiệp chính, chắc các cháu sẽ có 1 số tiền mà người ta thường gọi là bán độ. Rồi hai hiệp phụ sẽ thanh toán cũng chưa muộn...
... Vào phút 60 trận đấu, một tay cò nói rằng: Nó bán cho thua luôn, vì kèo bây giờ là đá đồng Việt Nam lún tiền. Tôi hỏi lún tiền là sao? Cậu ta bảo: Bố ơi, bố không hiểu thì đừng hỏi, vì hỏi mà biết thì sẽ ghiền, mà ghiền thì hết nhà đấy bố. Cứ ngỡ cậu ta nói chơi. Ai ngờ là thật. Phút 84 định mệnh khi cậu hậu vệ biên có bóng, không chịu phá ra biên khi bóng quanh quẩn ở khu 16,50 mà lại đưa cho cầu thủ Malaysia. Điều gì đến đã đến. Thế là cầm vàng mà để vàng rơi...
... Tan trận, tôi hỏi cậu làm cò, vì sao tụi nhỏ nó bán độ? Cậu ta thản nhiên trả lời. Bán độ nó cũng được thưởng 100.000USD, nhưng tụi nó có thêm tiền tỷ bố ạ. Đó là chưa kể đến chuyện nếu tụi nó đá thắng thì có thể đời cầu thủ của tụi nó không ai dùng! Thắng chỉ có chiếc huy chương vàng, sắc nước mà uồng với 200.000USD, nhưng số ấy có được đến tay tụi nó đầy đủ đâu hả bố? Ban đầu tụi nó chủ huề 90 phút để chia tiền kèo chấp thôi. Nhưng hiệp II dân cá cược dồn nhiều quá với kèo Việt Nam đá đồng sau 15 phút. Nên lệnh phải thua bố ạ. Bố cứ nghĩ mà xem. Trước trận đấu ra kèo Việt Nam chấp 1 trái. Nhưng chỉ 60 phút thi đấu còn đá đồng là sao? Rồi cậu ấy rồ xe đi nhậu. Vì sau mỗi trận đấu ai thắng, ai thua cậu ta cũng có tiền cò. Tôi cứ ngớ người ra: Ai lệnh phải thua vậy cà?..” (hết trích)
Chúng ta thực sự không có chứng cớ nào hiện nay để nói rằng đội nhà bán độ, dù rằng hình ảnh trên băng hình có những điều thật khó giảỉ thích, và dù rằng anh cò tin tưởng như thế. Thêm nữa, không thể nào đòi hỏi rằng sức khỏe các vận động viên phải sung mãn như những trận đầu. Nhưng một câu hỏi có thể nêu lên rằng, sau khi đội tuyển VN thắng trận bán kết, hạ đội U23 Singapore để vào chung kết, tất cả các thành phố lớn đều có tuổi trẻ xuống đường, lái xe gắn máy chạy ào ạt, phất cờ (tất nhiên là cờ đỏ sao vàng), mang biểu ngữ hoan hô đội nhà... làm công an lo giữ an ninh mệt mỏi.
Báo An Ninh Thủ Đô ngày Thứ Tư 16-12-2009 có bản tin, trích:
“Sau trận bán kết bóng đá SEA Games 25 giữa U23 Việt Nam và U23 Singapore: Bắt giữ nhiều trường hợp vi phạm pháp luật.
(ANTĐ) - Đêm 14, rạng sáng 15-12-2009, lực lượng Cảnh sát cơ động Công an TP Hà Nội đã tổ chức hơn 400 lượt CBCS tuần tra kiểm soát, chống đua xe trái phép và gây rối trật tự công cộng trên địa bàn thành phố.
Kết quả đã phát hiện, lập biên bản bắt giữ và xử lý 87 trường hợp người tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm. Đáng chú ý, trong đêm 14, rạng sáng 15-12-2009, sau khi đội tuyển U23 Việt Nam chiến thắng U23 Singapore ở loạt trận bán kết bóng đá nam của SEA Games 25, nhiều đối tượng quá khích đã điều khiển xe máy có những dấu hiệu gây rối trật tự công cộng...” (hết trích)
Bản tin không ghi rõ “gây rối trật tự công cộng” là như thế nào. Thí dụ, uống rượu, la hét, đánh nhau, đập phá...? Hay là ném truyền đơn, hát nhạc vàng, kêu gọi dân chủ, hô hào gìn giữ Trường Sa và Hoàng Sa? Bản tin không nói rõ.
Tuy nhiên, một số diễn đàn tuổi trẻ trong dịp hậu bán kết này đã đưa ra lời kêu gọi chuẩn bị cho hậu chung kết, rằng nếu đội VN thắng huy chương vàng bóng đá SEA Games, lần này sẽ có nhiều thanh niên đi lẫn trong dòng thác người ra phố để hô khẩu hiệu và phát truyền đơn đòi giữ gìn lãnh thổ, lãnh hải. Thực tế, từ lời kêu gọi cho tới hiện thực xảy ra cũng là khoảng cách lớn. Nhưng có phải mối lo về an ninh này đã làm Bộ Công An lo ngại, để dặn dò tuổi trẻ trong đội U23 Việt Nam là nên thua trận chung kết.
Thêm nữa, từ mấy hôm nay, đêm nào cũng có hàng chục, hàng trăm tín đồ Tin Lành tới cầu nguyện trước sân vận động Mỹ Đình ở Hà Nội để xin nhà nước cấp giấy phép tổ chức Lễ Giáng Sinh, đặc biệt đêm 16-12-2009 có một xe phun nước của nhà nước chạy tới “gây rối trật tự công cộng” bằng cách phun nước nhằm vào tín đồ đang quỳ cầu nguyện bên hè phố... Có phải nỗi lo sợ mùa Lễ Giáng Sinh sẽ có đông người bất ngờ, cộng với làn sóng mừng bóng đá SEA Games đã làm nhà nước lo sợ, nếu làn sóng hàng triệu người tràn ra phố Hà Nội và đột khởi bạo động? Chúng ta không biết suy nghĩ của chính phủ thế nào. Đây chỉ là suy đoán về một khả thể.
Điều quan ngại, rằng nếu có thể xảy ra bán độ, hay có thể xảy ra chuyện ra lệnh bán độ cho một trận bóng đá, thì ở mức độ lớn, có thể nhà nước CSVN sẽ bán độ cho an ninh lãnh thổ hay không?
Nhìn bề ngoài, chúng ta thấy rằng chính phủ CSVN đang kết thân hơn với Mỹ, đang tìm mua vũ khí tối tân hơn từ Nga, và có vẻ như các diễn tiến cho thấy một quyết tâm gìn giữ cõi bờ. Thậm chí, Bộ Trưởng Quốc Phòng CSVN, Tướng Phùng Quang Thanh, còn bay sang họp với Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ... Nghĩa là, lộ vẻ sẽ không nhu nhược trước các ngang ngược của Trung Quốc nữa.
Tuy nhiên, không hề có không khí của một lời kêu gọi đoàn kết toàn dân để bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải. Mới tuần trước, Tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ Trưởng Quốc Phòng, nói rằng VN đang gặp thế lực phản động giả danh làm ‘dân chủ và nhân quyền’ để chống đảng và nhà nước, nhằm ‘diễn biến hòa bình.’
Trước đó, bài diễn văn ngày 5-12-2009 của Tổng Bí Thư Đảng CSVN Nông Đức Mạnh cũng kêu gọi quân đội chống lại ‘diễn biến hòa bình.’
Nghĩa là, nhà nước CSVN nhìn các hoạt động dân chủ đáng sợ hơn là hiểm họa quân đội Trung Quốc ở Tây Nguyên và Biển Đông.
Nhưng thực sự, các vận động dân chủ đòi gì? Bản tin của mạng Tin Lành Hoa Kỳ CNSNews ghi lời ông Đoàn Việt Trung, một người hoạt động nhân quyền từ Úc, nói rằng Mỹ hợp tác với CSVN có thể lại làm thiệt hại cho người dân bình thường VN, vì sẽ củng cố quyền lực độc tài cho một chế độ không chấp nhận bầu cử tự do và tăng lực chống các nhà bất đồng chính kiến. Ông Trung nhắc tới cuộc đàn áp hồi tháng 2-2001, khi 20,000 người Thượng vùng cao biểu tình đòi đất và đòi quyền tự do tôn giáo.
Như thế, nội bộ Việt Nam thực sự bao giờ có thể có một Hội Nghị Diên Hồng, để mọi người chung sức chống mưu đồ của TQ đòi lấn biển, lấn đất VN? Nếu nhà nước CSVN thực sự không tìm thỏa hiệp, tìm đối thoại, để mọi người chung sức cho các trận chiến gian nan sắp tới, thì có nghĩa là, Đảng CSVN thấy chính phủ Bắc Kinh còn ít nguy hiểm hơn các nhà dân chủ VN?
Nếu thực sự thấy rằng Bắc Kinh kém nguy hiểm, có phải đó là mầm mống của một suy nghĩ để Hà Nội sẽ bán độ cho trận chiến Biển Đông tương lai? Rồi sẽ thương thuyết để dự toán thua bao nhiêu, 0-1, hay 0-2, hay nhiều hơn?
Cần suy nghĩ về nỗi lo này vậy.
----------------------------------------
Bài do tác giả gởi. DCVOnline biên tập và minh hoạ.
No comments:
Post a Comment