Monday, December 14, 2009

CHẤT LƯỢNG ĐẠI HỌC VIỆT NAM - CÓ CHẤT LƯỢNG ?

Chất Lượng Đại Học Việt Nam – Có Chất Lượng?
Thanh Nguyên
Tạp Chí Thanh Niên Phía Trước số 29
Bộ Giáo dục & Đào tạo thừa nhận, do các trường chưa công bố tiêu chuẩn năng lực sinh viên tốt nghiệp nên chưa có đủ cơ sở để đánh giá chất lượng giáo dục một cách khách quan, toàn diện. Chất lượng đào tạo còn thấp, quản lý còn yếu kém và chưa có quy chế phối hợp rõ ràng giữa các Bộ, ngành đã góp phần trị trệ nền giáo dục tại Việt Nam. Sau hơn 20 năm đổi mới, hệ thống giáo dục cấp Đại học – Cao đẳng Việt Nam đang lâm vào tình trạng sa sút, khủng hoảng sâu rộng và nghiêm trọng, thậm chí thua xa ngay cả những nước ở Đông Nam Á.

“Còn nhiều hạn chế”
Ngày 29/10, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã gửi Chính phủ báo cáo về sự phát triển của hệ thống giáo dục đại học, các giải pháp đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo. Theo đó, Bộ GD&ĐT thừa nhận, việc thành lập trường, triển khai thực hiện quy hoạch mạng lưới trường đại học, cao đẳng còn bộc lộ nhiều hạn chế. Khoảng 20% trường được thành lập mới hoặc nâng cấp lên đại học từ năm 2005 chưa thực hiện đầy đủ cam kết trong đề án khả thi thành lập trường và mở ngành, chưa chuẩn bị đồng bộ về đất đai, giảng viên, vốn đầu tư và điều kiện đảm bảo chất lượng khác.
Bài diễn văn của Thứ trưởng Bành Tiến Long phát biểu vào hội nghị giáo dục toàn quốc ngày 5/11/2008 vừa qua là một bản báo cáo dài “nhìn khá thẳng thắn vào thực trạng làm hạn chế nền giáo dục hiện nay”. Theo ông Long, tựu trung có bảy nguyên nhân làm hạn chế đến chất lượng giáo dục ĐH VN: tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng chưa rõ ràng, thiếu đội ngũ chuyên gia hoạt động đánh giá và kiểm định chất lượng, chưa chú trọng nghiên cứu khoa học, thiếu nhà khoa học đầu đàn, hợp tác quốc tế còn hạn chế v.v…
Ngoài ra, hiện nay chưa có quy định bắt buộc về kiểm tra thực tế điều kiện cần thiết khi cho phép mở ngành đào tạo và tuyển sinh; chế tài xử lý các trường không thực hiện đúng cam kết chưa đủ mạnh; chưa có quy định các trường phải xây dựng chuẩn năng lực người tốt nghiệp (chuẩn đầu ra) nên chưa có cơ sở đánh giá đúng chất lượng đào tạo. Các trường đại học, cao đằng vẫn tập trung chủ yếu ở năm thành phố lớn.
Năm 2009, cả nước tuyển sinh hơn nửa triệu sinh viên, gấp 4 lần năm 1997 và 14 lần năm 1987. Về quy mô, tổng số sinh viên cả nước là 1,7 triệu em trong khi năm 1997 là hơn 700.000 và năm 1987 là 130.000. Năm 1987, một giảng viên đào tạo bình quân 6,6 sinh viên, năm 2009 một giảng viên đào tạo tới 28 sinh viên. Sau 22 năm, số sinh viên tăng 13 lần, số trường tăng 3,7 lần, nhưng số giảng viên chỉ tăng 3 lần. Số giảng viên có trình độ tiến sĩ chỉ đạt hơn 10% trong 20 năm qua.

Quản lý yếu kém
Dù đã triển khai các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học nhưng Bộ GD&ĐT vẫn phải thừa nhận, quản lý chất lượng giáo dục là khâu yếu nhất hiện nay. Chưa trường nào công bố chuẩn năng lực sinh viên tốt nghiệp nên hiện chưa có đủ cơ sở để đánh giá chất lượng giáo dục của các trường một cách khách quan, toàn diện.
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, nhìn chung trong 30 năm qua thì chất lượng đào tạo vẫn còn thấp. Ông nhận định thêm rằng chưa có chuyển biến trên diện rộng, chưa tạo được sự đồng hướng về lợi ích, sự quan tâm đủ mạnh đến chất lượng giáo dục giữa người học, người dạy, nhà đầu tư cho giáo dục, người sử dụng lao động và xã hội.
Thêm vào đó, hiện nay việc quản lý và chịu trách nhiệm của cơ quan nhà nước về các trường đại học, cao đẳng rất phân tán. Phó Thủ tướng lưu ý, trong tổng số 376 đại học, cao đẳng trên cả nước, Bộ GD&ĐT chỉ quản lý 54 trường (14%); các Bộ, ngành khác quản lý 116 trường (31%); UBND các tỉnh, thành phố là cơ quan chủ quản của 125 trường (33%); và có 81 trường dân lập, tư thục (22%).
Sau 22 năm, số sinh viên tăng 13 lần, số trường tăng 3,7 lần, nhưng số giảng viên chỉ tăng 3 lần.
Hiện Bộ GD&ĐT là cơ quan duy nhất được ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý giáo dục cấp Bộ, nhưng ngành khác và UBND các tỉnh vẫn tự ý ban hành nhiều văn bản chồng chéo. Ngoài ra, chưa có quy chế phối hợp giữa Bộ GD&ĐT và các Bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố về quản lý các trường này.
“Do đó, xét về tổng thể Bộ GD&ĐT chưa thể trả lời được ba câu hỏi: Chất lượng đào tạo của các trường thế nào? Các trường tuân thủ các quy định pháp luật liên quan đến đào tạo thế nào? Hiệu quả đầu tư từ ngân sách cho các trường ĐH, CĐ công lập thế nào?”, ông Nhân cho biết thêm.
Báo cáo của Bộ Giáo dục cũng nhấn mạnh, các trường ĐH, CĐ không thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo hàng năm. Kết thúc năm học 2008-2009, 46% số trường không gửi báo cáo. Vì vậy, đến nay Bộ vẫn chưa có cơ sở dữ liệu đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý của các trường ĐH, CĐ.
Quản lý nhà nước về giáo dục đại học còn nhiều trì trệ là nguyên nhân cơ bản của việc chất lượng giáo dục đại học không có cải thiện đáng kể và nếu không có giải pháp kiên quyết, có tính đột phá, chất lượng giáo dục đại học sẽ ngày càng tụt hậu trước đòi hỏi của phát triển đất nước.

Chạy theo hình thức
Để đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2009-2012, Bộ GD&ĐT đề xuất tổ chức thảo luận trong toàn ngành và xã hội xung quanh chủ đề “Làm gì để đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo”, nhằm không vì tiếp tục phát triển quy mô giáo dục đại học mà lại buông lỏng quản lý chất lượng.
Từ năm 2010 mỗi năm cử khoảng 1.000 giảng viên làm tiến sĩ ở trong nước và 1.000 giảng viên làm thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài. Từ năm học 2009-2010, thực hiện sinh viên tham gia đánh giá giảng dạy của 100% giảng viên. Triển khai xây dựng ký túc xá sinh viên, đảm bảo mục tiêu 60% sinh viên có chỗ ở tại ký túc xá vào năm 2020. Thực hiện thi và xét tuyển vào đại học nghiêm túc…
Bản báo cáo của Bộ nói về chất lượng giáo dục đại học mà không hề đả động tới rất nhiều phê phán của các nhà giáo dục và của xã hội nói chung. Những quy chế lạc hậu lại được áp dụng rất nghiệt ngã về chương trình, về học thuật, hay khía cạnh tài chính cũng không được nhắc đến. Bộ GD&ĐT cũng không tiếp thu các ý kiến đóng góp bên ngoài và không nêu ra kế hoạch sửa đổi.

Lại tăng học phí

Chất lượng học phí chưa triển khai thì học phí đã vượt quá xa con số thực tế, mức học phí ở các trường công tiếp tục xé rào. Nhiều trường đại học ngoài công lập thu học phí cao hơn mức đã cam kết trong cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH-CĐ 2009, còn đại học công lập thu vượt ngưỡng học phí quy định của Nhà nước. Nhiều sinh viên bức xúc trước thực tế nói một đằng, thu một nẻo của các trường đại học. Bên cạnh học phí, sinh viên trường còn có các khoản phí, lệ phí “thu chung cho các loại đối tượng” như thư viện 50.000 đồng/năm, thẻ sinh viên, sách giáo trình định hướng 50.000 đồng/năm, v.v…
Giáo sư Mai Trọng Nhuận, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết rằng trường có hai chủ trương khi tăng học phí. Đó là những ngành hấp dẫn như tài chính ngân hàng, công nghệ thông tin, tài chính kế toán… sẽ tăng mức cao nhất mà Chính phủ cho phép là 240.000đ/tháng/sinh viên.
Riêng tại Đại học Công nghiệp Tp.HCM đã thông báo “nhà trường cân đối mức thu học phí theo năm học 2009-2010.” Năm học trung bình sinh viên lấy khoảng 32,5 tín chỉ/năm, học phí là 3,575 triệu đồng, vượt “trần” (2,4 triệu/năm) 1,17 triệu đồng.
Những ngành ít người theo học như khối xã hội, kinh tế chính trị, triết học, khoa học cơ bản… dự kiến sẽ giữ như các năm trước. Sinh viên giỏi sẽ được miễn học phí và tặng học bổng. Tuy nhiên, theo Giáo sư Nhuận, Đại học Quốc gia Hà Nội không quyết định cụ thể mức học phí, mà để hiệu trưởng các trường thành viên quyết định.

Sa sút, khủng hoảng sâu rộng
Vấn đề giáo dục đại học, cao đẳng của Việt Nam trở nên đáng ngại hơn khi thời gian gần đây, đại học danh tiếng Harvard, Hoa Kỳ công bố bản phúc trình nhấn mạnh tới thực trạng không mấy sáng sủa của nền giáo dục đại học Việt Nam. Theo bản phúc trình thì hệ thống giáo dục cấp đại học, cao đẳng Việt Nam đang lâm vào tình trạng sa sút, khủng hoảng sâu rộng và nghiêm trọng, thậm chí thua xa ngay cả những nước “tầm thường” ở Đông Nam Á.
Phần lớn thời gian kể từ thời điểm 1986 khi Việt Nam bắt đầu công cuộc đổi mới, mức độ cải cách giáo dục đại học của Việt Nam vẫn trì chậm. Theo yêu cầu của Việt Nam, các cơ quan tài trợ quốc tế hỗ trợ chương trình trao đổi sinh viên, đầu tư nhiều vào hệ thống giáo dục đại học trong nước. Nhưng theo các chuyên gia của đại học Harvard thì những nỗ lực đầu tư này không hiệu quả nếu vấn đề tự trị đại học không được giải quyết. Vẫn theo các chuyên gia Harvard, những viện đại học danh tiếng sẽ không để tiêu chuẩn đại học của họ bị ảnh hưởng nếu chính quyền Việt Nam không cam kết cải thiện phương cách quản trị, kể cả việc đại học được tự do và tự trị trong lãnh vực chuyên môn của mình.
Và bản phúc trình kết luận rằng Việt Nam cần phải cải tổ toàn diện phương cách quản lý, điều hành vốn là yếu tố chủ chốt giúp cải thiện hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.
Theo lời giáo sư Hoàng Tụy thay cho lời kết, “… có những mục tiêu nghe thật hoành tráng, nào là từ nay đến 2020 (tức trong 11 năm tới) đào tạo 20 ngàn tiến sĩ, xây dựng 4 trường đại học đẳng cấp quốc tế, 1 trường vào tốp 200 thế giới, v.v… Song người dân vẫn phân vân: 3 năm qua ta đã làm được gì mà có thể đặt kỳ vọng cao như thế cho 11 năm tới? Hay là ta đang mơ mộng thiếu thực tế, thiếu trách nhiệm, và căn bệnh thành tích từ ngoài da đã đi vào xương tủy?”

Thanh Nguyên



Tạp Chí Thanh Niên Phía Trước số 29

Link Tạp chí (thường) [Mirror]
Link Tạp chí (dung lượng thấp) [Mirror]
Link Tạp chí (bản in)




No comments: