Tuesday, December 8, 2009

CÁC NHÀ LÃNH ĐẠO CỘNG SANT TRUNG HOA ĐÃ PHÁ HỘI TÌNH HỮU NGHỊ VIỆT-TRUNG

Nhân kỷ niệm 56 năm “Tháng Hữu nghị Việt – Trung – Xô” (18/1/1954 – 18/1/2010):
Các nhà lãnh đạo cộng sản Trung Hoa đã phá hoại tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt – Trung
Bài này được đăng lúc 07:23 ngày Thứ Ba, 08/12/2009
http://bauxitevietnam.info/c/20531.html
GS Vũ Cao Đàm cũng như tôi, thuộc thế hệ vào đại học vài năm sau hòa bình lập lại 1954. Tôi vào Trường Tổng hợp còn anh thì vào Trường Bách khoa là nơi tôi đã nộp đơn thi vào đó nhưng đến phút cuối cùng lại rút.
Phải nói, thuở ấy chúng tôi sống trong tình cảm yêu mến chân thành với nhân dân hai nước đàn anh Liên Xô, Trung Quốc không hề vẩn một chút bóng đen nào, không chỉ vì chính sách tuyên truyền khôn khéo của lãnh đạo thấm sâu vào đầu óc non nớt của mình, mà chính là từ thực tế, những người bạn người thầy của LX và TQ mà chúng tôi được tiếp xúc đều là những con người có phẩm chất đẹp đẽ, cởi mở, ngay thẳng và giàu lòng vị tha một cách lạ thường. Người Liên Xô tôi được quen biết có thể nói là khá thân tình mãi về sau này là GS NiKulin, người đã cùng tôi, PGS Trần Thị Băng Thanh và GS Hoàng Tuệ thức trắng một đêm nhớ đời trong đêm trừ tịch Dương lịch năm 1990 tại Khách sạn Viện Hàn lâm LX giữa lúc ngoài trời Moscova mờ mịt bão tuyết, nhưng người Trung Hoa thì có quan hệ với chúng tôi từ năm 1956, những lưu học sinh ở Trường Tổng hợp thuở ấy. Có người như anh Lý Tu Chương, rất chất phác, quê một cục, có lần đã chịu khó đi bộ về nơi gia đình tôi ở trọ, một túp nhà tranh lụp xụp bên góc đình An Cư ở Ô Đống Mác để diện kiến ông thân tôi. Mãi năm 1998, tôi và GS Phong Lê trong đoàn Viện Văn học sang nghiên cứu ở Bắc Kinh, anh tuy đã về hưu vẫn được phân công làm người đón tiếp. Vẫn mộc mạc như xưa, PGS Lý Tu Chương không quản tuổi già sức yếu, đã chịu khó lặn lội dẫn chúng tôi đi thăm hết mọi chợ búa, hàng sách cũ, nhất là đến các di tích thắng cảnh có khi xa Bắc Kinh đến cả ngày đường, lại có cả những di tích dù ở giữa Bắc Kinh chính anh cũng chưa rành như Cố cung.
Trong chuyến đi này, chúng tôi còn gặp GS NB, một người thầy mà mình quen trong nhiều Hội thảo quốc tế, đã sống nhiều năm tại Việt Nam trước 1945. Gặp nhau như người trong nhà, GS NB không ngại kể hết mọi chuyện giông tố đã ập xuống đầu mình và tầng lớp mình trong suốt những năm ĐCMVHTQ. Bằng giọng kể đều đều, không thay đổi ngữ khí nhưng cũng không chút dè dặt, ông nhắc kỹ đến từng chi tiết những chuyện con đấu bố, những chuyện đối xử khủng khiếp của đám Hồng vệ binh. Nói về cuộc chiến tranh biên giới năm 1979, ông sầm mặt lại, rất buồn, hồi lâu mới khẽ bảo: "Một sự cố không ai hiểu được!". Đấy, trí thức chân chính của Trung Quốc là như thế đấy. Họ vẫn giữ bản tính hồn hậu và tấm lòng thủy chung với Việt Nam.
Những cảm nhận trên đây của tôi cũng phù hợp với ý kiến GS Vũ Cao Đàm khi anh có cả một tuổi thơ sống sát biên giới Trung Quốc, chơi thân với người Trung Quốc, rồi lại có dịp sang dự khóa "Tiến tu Giáo sư" tại Học viện Khoáng sản Bắc Kinh giữa những năm 60, hay trong những lần đi dự hội thảo khoa học tại Bắc Kinh sau khi Trung Quốc Việt Nam đã nối lại quan hệ. Cái nhìn hồi ức về một quá khứ xa xăm nhưng chưa khuất bóng của anh bổ sung cho tôi nhiều kỷ niệm êm đềm tuổi trẻ và những ấn tượng sâu sắc mà trong một bài viết trước trên Bauxite Việt Nam KTS Trần Thanh Vân đã có dịp
gợi lại, cũng như không ít bạn bè của chúng tôi từng học ở Trung Quốc sau này trở lại chốn cũ đều mang về mỗi người một mảnh ân tình.
Vậy thì, mối tình hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc vốn được xây đắp từ lâu đời và phải tin là có thật ấy sở dĩ tan vỡ là do đâu? Không thể nói do đâu khác ngoài âm mưu nham hiểm và nhất quán lâu dài của Trung Nam Hải. Những dẫn chứng xác thiết, tỷ mỉ rút ra từ thực tế và từ tin tức báo chí mạng trong khoảng vài thập niên lại đây được GS Vũ Cao Đàm hệ thống lại làm người ta sững sờ kinh ngạc - dù chuyện này chuyện khác người ta cũng đã biết rồi - y như được chứng kiến những bước đi bài bản của một lũ cướp chuyên nghiệp giở thủ đoạn cướp lột xảo trá đối với một ngôi nhà quen có tí chút tài sản vật dụng mà chúng đã rình mò và nắn gân từ lâu, cũng y như mưu kế hiểm độc giữa các nước Tấn Tần Tề Sở... đem ra thi thố nhằm thôn tính lẫn nhau trong thời Xuân thu - Chiến quốc. Nghe mà rùng mình! Không thể nói gì khác hơn ngoài việc mượn lời Fucick: "Con người ơi, hãy cảnh giác!". Cảnh giác, cảnh giác, cảnh giác mấy cũng không thừa.
Thế nhưng cũng có một điều để trở thành nỗi băn khoăn day dứt: Tại sao trước một âm mưu thâm căn cố đế đến vậy mà về phía chúng ta, những người nắm cán cân quyền lực lại tỏ ra "ngây thơ" một cách không thể nào hiểu nổi? Phải chăng trong đối sách với Việt Nam, đi kèm với sự nham hiểm, tính toan đường đi nước bước rất cặn kẽ, các vị chúa tể nước láng giềng còn để lại được cho nhau cái bí quyết "quốc truyền" mà ta tạm gọi là "bát cháo lú" của Diêm Vương, nó làm lú lẫn chúng ta? Nếu không thì vì sao mà những việc sờ sờ như thế lại không thấy và không hề có chính sách đối phó kịp thời để hóa giải? Nhà nước chúng ta là nhà nước của các ông bụt chăng? Cứ tính lại mà xem, ngoài những hiện tượng nhức nhối xảy ra trong đời sống như GS Vũ Cao Đàm đã dẫn ra, còn biết bao nhiêu chuyện ký kết hợp tác kinh tế kỹ thuật từ trước đến nay mà phần hậu quả thua thiệt bao giờ Việt Nam cũng gánh chịu, nào là xi măng lò đứng, nào là dây chuyền công nghệ mía đường, nào là nhập ồ ạt xe máy Trung Quốc, rồi dự án Bauxite Tây Nguyên và chủ trương xuất khẩu ồ ạt than Quảng Ninh do TKV đầu têu...
Rút lại, bài học lớn nhất, nói như nhà nghiên cứu Trung Quốc Dương Danh Dy: phải thẳng thắn nhìn lại mình, xem xét "nội lực" của chính mình. Một đất nước cũng như một sinh vật, sống được là nhờ có cái đầu. Cái đầu của đất nước chúng ta chắc chắn lâu nay đang lâm bệnh.
Dưới đây, xin trân trọng giới thiệu những dòng tâm huyết của GS Vũ Cao Đàm.

Nguyễn Huệ Chi
------------------------------------------------------------------

Nhân kỷ niệm 56 năm “Tháng Hữu nghị Việt – Trung – Xô” (18/1/1954 – 18/1/2010):
Các nhà lãnh đạo cộng sản Trung Hoa đã phá hoại tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt – Trung
Vũ Cao Đàm
(Cựu Tiến tu Giáo sư Học viện Khoáng nghiệp Bắc Kinh)
Gần hết cuộc đời, tôi đã nuôi trong lòng tình hữu nghị cao cả với đất nước quê hương của Đức Tổ họ Vũ của tôi. Tôi có lai lịch là người gốc Trung Hoa. Đức Tổ khai sinh ra dòng họ Vũ của tôi là một người thuộc dòng họ Vũ xã Long Khê, huyện Phúc Điền, tỉnh Phúc Kiến, bên Trung Hoa. Đức Tổ của tôi là Vũ Hồn, được Vua Đường Vũ Tông cử làm An Nam Đô hộ sứ [1] cai trị xứ An Nam trong khoảng thời gian 841-843 theo Tây lịch. Nhưng rồi vì thất sủng với Nhà Đường, Vũ Hồn đã về sống ẩn dật với người vợ An Nam ở làng Mộ Trạch, huyện Đường An, nay thuộc tỉnh tỉnh Hải Dương sinh cơ lập nghiệp, dựng nên dòng họ Vũ ở Việt Nam ngày nay.
Tôi nuôi những tình cảm ấm áp với người Trung Hoa từ cuối những năm 1930, khi tôi mới 3-4 tuổi, ở một vùng quê rất xa thành phố. Đó là châu Dực Yên thuộc tỉnh Hải Ninh ngày xưa, mà hôm nay vẫn còn giữ nếp sống bằng lặng, yên bình, ngay sát thành phố Móng Cái, ở đó, vẫn còn dấu ấn của hàng xóm là những người Hoa chất phác, đôn hậu, tắt lửa tối đèn cùng gia đình chúng tôi chia sẻ từng bát cháo hoa ăn với chao [2] và trứng muối.
Tháng 10 năm 1950 sau Chiến thắng Đông Khê sát biên giới Việt – Trung, Việt Nam kháng chiến được mở thông với nước Trung Hoa và Liên Xô anh em. Một hậu phương lớn của cuộc kháng chiến chống Pháp được mở rộng. Những vùng đất bao la trải dài từ biên giới Việt –Trung đến miền đồng bằng quê tôi được giải phóng từng mảng lớn, quân đội Pháp và quân đội của Chính phủ Bảo Đại chỉ còn co cụm lại ở những thành phố lớn. Lớp thiếu niên như chúng tôi hồ hởi hít thở những làn gió mới của cách mạng lan tỏa từ đất nước của Lênin qua sa mạc Mông Cổ, Tân Cương,… đến những vùng đồng bằng bát ngát của Hoàng Hà và Dương Tử… Tôi không bao giờ quên được những đêm không ngủ từ sau ngày 18 tháng 1 năm 1954, ngày toàn quốc phát động “Tháng hữu nghị Việt – Trung – Xô”. Khắp các miền quê thuộc quyền kiểm soát của Chính phủ kháng chiến, đâu đâu cũng rộn rã, điệu múa với lời ca: “Thắm thiết tình Việt – Trung – Xô / Đế quốc càng nhiều mối lo / Đó là tình người lao động / Mối tình tràn ngập núi sông / Cố công xây đắp tình Việt – Trung – Xô”
Quả thật, những năm tháng xa xưa ấy Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vun đắp cho lớp thanh thiếu niên thuộc thế hệ chúng tôi tình cảm anh em thân thiết với hai “người anh lớn” Trung Quốc và Liên Xô. Và thế hệ chúng tôi đã sống với niềm tin rằng, “bốn phương vô sản đều là anh em”. Tình cảm ấy sẽ đưa thế giới đến đại đồng và nhân loại khỏi khốn cùng và áp bức.
Tôi đến tu nghiệp giảng dạy và nghiên cứu khoa học theo chế độ “Tiến tu Giáo sư” tại Học viện Khoáng nghiệp Bắc Kinh từ năm 1964 đến năm 1966. Đó là thời kỳ đất nước Trung Hoa vẫn còn đang kiệt quệ về kinh tế sau sự thất bại của “Ba ngọn cờ hồng” (Tổng lộ tuyến, Công xã nhân dân và Đại nhảy vọt ) do Mao Trạch Đông chủ xướng. Mặc dầu còn đầy những khó khăn chồng chất của đất nước, nhưng nhà trường và các bạn đồng nghiệp Trung Hoa vẫn dành cho chúng tôi những mối quan tâm hết sức chu đáo, làm đám “tiến tu Giáo sư” chúng tôi cảm động hết chỗ nói. Chúng tôi được ăn ở theo một chế độ đặc đãi, trong khi các Giáo sư Trung Quốc mỗi bữa chỉ có một cái bánh bao, một bát cháo kê và vài lát ca la thầu (củ cải muối trong nước xì dầu); Khi ốm đau chúng tôi được chăm sóc thuốc men thậm chí quá mức cần thiết; Những ngày nghỉ chúng tôi được đưa đi thăm đất nước Trung Hoa. Chưa đầy hai năm ở Bắc Kinh, tôi được đi thăm và làm việc ở hàng chục thành phố lớn. Sau này, tôi đã sống và làm việc ở nhiều quốc gia ở Châu Âu và Châu Á, nhưng không ở đâu tôi được các đồng nghiệp chăm chút tận tình và tỉ mỉ như ở Trung Quốc. Tôi không thể nào quên được những Giáo sư của tôi, Giáo sư Vương Tỉnh Thân, Giáo sư Hoàng Nguyên Bình, và các đồng nghiệp mà tôi có dịp được làm việc ở các viện khoa học và các trường đại học ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Nam Kinh, Đường Sơn, Thẩm Dương, Sơn Đông, Phủ Thuận, Hợp Phì. Họ để lại trong lòng chúng tôi những tình cảm thân thiết, những tưởng không thể phai mờ.
Với tất cả những cảm nhận đó, tôi từng nghĩ rằng, đất nước Trung Hoa vĩ đại là Tổ quốc thứ hai của mình, là nơi mình có thể gửi gắm tất cả niềm tin yêu và tình cảm gắn bó “vạn cổ trường sinh”, như cách nói của người Trung Hoa. Trong những bức thư gửi cho thầy học và các bạn bè Trung Quốc, tôi rất thích trích câu thơ lưu truyền trong dân gian Trung Hoa: “Hữu duyên thiên lý lai tương hội / Vô duyên đối diện bất tương thức” (người Việt Nam có câu thơ tương tự: “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ / Vô duyên đối diện bất tương phùng”).
Hai mươi năm sau, năm 1985 tôi được dịp trở lại Bắc Kinh tham dự một hội thảo khoa học của ESCAP (Economic and Social Commission for Asia and Pacific). Đây là lần đầu tiên sau cuộc Chiến tranh biên giới Việt – Trung do Đặng Tiểu Bình phát động năm 1979, tôi có cơ hội được tiếp xúc với các đồng nghiệp Trung Quốc. Tôi rất ngạc nhiên thấy họ hồ hởi, thân tình, dường như không hề quan tâm gì về cuộc chiến giữa hai nước Việt – Trung vừa nổ ra trước đó chỉ mới dăm năm. Quanh bàn cà phê bên lề hội thảo, một đồng nghiệp Trung Quốc nói với tôi rất nhiều điều day dứt về chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Cuối cùng chị tặc lưỡi: “Chúng ta là khoa học gia, chúng ta bàn chuyện khoa học. Chiến tranh là do các chính trị gia gây ra. Lịch sử sẽ phán xét họ. Các nhà lãnh đạo của cả hai nước đều phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến tranh đẫm máu này. Tuy nhiên, Trung Quốc là nước lớn. Nước lớn phải chịu trách nhiệm lớn hơn”.
Tôi hơi sững sờ về cách nghĩ đó của chính người bạn Trung Quốc này, bởi vì sau hai năm ở Bắc Kinh, tôi hiểu được sở trường đưa tin của bộ máy tuyên truyền của cộng sản Trung Quốc là luôn đổi trắng thay đen. Vậy mà người dân vẫn có cách nhìn không hề méo mó về cuộc xung đột giữa hai quốc gia. Điều lạ là, thời đó đâu đã có nối mạng toàn cầu.
*
Bẵng đi nhiều năm sau, hai nước Việt – Trung nối lại các loại quan hệ cần có giữa hai quốc gia láng giềng. Rồi hai đảng cộng sản nối lại quan hệ anh em quốc tế vô sản trên tinh thần “đồng chí tốt”, “láng giềng tốt”, như cách nói luôn gặp trên đầu lưỡi của các nhà lãnh đạo cộng sản ở Trung Nam Hải.
Tôi những tưởng từ đây, người Việt Nam lại sẽ tìm thấy những tình cảm như trước kia, như chúng ta đã có thể đọc các tác phẩm văn học của Việt Nam, chẳng hạn, trong bài thơ “Mẹ Việt Nam, Chị Trung Quốc” mà tôi chép được từ các bạn học sinh thuộc thế hệ tôi, đã từng học tập ở Khu Học xá Nam Ninh (thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) vào đầu những năm 1950: “Mẹ tôi áo một manh / Ăn cơm gạo đỏ ăn canh rau dền / Mẹ thương tôi yếu tôi mềm / Gửi sang bên Chị bình yên hơn nhà / Chẳng giầu mớ bảy mớ ba / Chị cho áo ấm cho quà cho chăn…”. Rồi bài hát “Hoa Mộc Miên” mà thế hệ thanh niên thời chúng tôi đã hát một cách mê say: “… Ôi, những cánh hóa mộc miên, trong nắng bay theo gió triền miên…”
Nhưng,… Trên đời thường hay gặp chữ “nhưng” này… Nhưng những “đồng chí tốt” ở cái nước “láng giềng tốt” bên kia biên giới chẳng hề tốt tí nào sau ngày tái ngộ. Nó đã làm những tình cảm nồng ấm trong lòng lớp người như tôi nguội lạnh, thậm chí phản cảm, và nghi ngờ rằng, tất cả những điều tốt đẹp xưa kia phải chăng là để đưa những kẻ ngây thơ như tôi vào tròng… để rồi, như một nhà thơ nào đó đã đưa ra những vần thơ ngô nghê: “Bên ni biên giới là mình / Bên tê biên giới vẫn tình anh em”… và rồi trong số đó, biết đâu không xuất hiện những kẻ ngây thơ hơn,… cam tâm làm tôi đòi cho anh bạn “đồng chí tốt” kia?
Tôi muốn điểm qua một vài sự kiện để các bạn đọc chia sẻ.

Hành vi nhỏ… dã tâm lớn
Lướt nhanh trên mạng những ngày này, chúng ta luôn tìm được nhiều thông tin đắt giá:
Thương lái Trung Quốc (dân thường nói ngắn gọn, là bọn Tàu) về các chợ nông thôn Việt Nam thu mua móng trâu với giá rất cao, thậm chí những cái móng từ 4 chân của một con trâu được bọn Tàu mua với giá hơn hẳn một con trâu. Thế là nông dân Việt Nam và bọn “trâu tặc” ra sức chặt móng trâu đem bán,… vẫn còn lãi một con trâu thịt mang bán ở chợ. Chỉ một thời gian rất ngắn, bọn chúng đã triệt phá tan hoang sức kéo của nông dân nghèo Việt Nam. Tiếp đó, dân loan tin cho nhau, hàng lũ lái trâu từ bên Tàu tràn qua biên giới để “tiếp thị” bán trâu. Trong cái lũ thương lái mới này còn có cả kẻ tiếp thị bán trâu sắt (máy kéo). Dân tình vỡ lẽ: Thì ra chúng thu mua móng trâu là vì như thế!
Ở một nơi khác, thương lái Tàu đi các chợ thu mua rễ hồi, thế là những bọn “hồi tặc” mở chiến dịch triệt phá rừng hồi, một dược liệu quý hiếm của Việt Nam; chúng mua râu ngô non, xúi giục nông dân triệt phá nương ngô mang bán, đánh vào trúng cái dạ dày của những người mà bọn Tàu gọi là “đồng chí tốt” Việt Nam; chúng thu mua mèo nhằm triệt phá một nguồn trừ chuột cắn lúa; rồi chúng mua ốc bươu vàng, xúi giục nông dân nuôi ốc bươu vàng tràn ngập đồng ruộng phá hoại mùa màng, tấn công vào chiến lược an ninh lương thực của quốc gia “láng giềng tốt” Việt Nam.
Hàng tốp thương lái Tàu xuất hiện từ Hà Giang cho đến Lâm Đồng để thu mua chè vàng, là thứ chè chặt thô phơi tái, không cần chế biến. Thương lái Tàu mua chè vàng với giá rất cao, kích thích nông dân chặt trụi đồi chè mang bán. Thế là thương lái Tàu đã triệt hạ vùng nguyên liệu cho các nhà máy chè Việt Nam. Không còn con đường nào khác, các doanh nghiệp chè Việt Nam phải sang mua chè nguyên liệu từ Trung Quốc. Đến khi nông dân Việt Nam cần trồng lại đồi chè, thì các “đồng chí tốt” từ bên kia biên giới, vì tình quốc tế vô sản lại lọ mọ xuất hiện, “giúp” mua giống chè từ Trung Quốc chở qua cho nông dân Việt Nam.
Thâm độc hơn, chúng mở chiến dịch thu mua dây đồng vụn với giá cao “trên trời”, đẩy từng đoàn “đồng tặc” lùng sục chặt trộm dây đồng từ các đường điện cao thế, băm nát mạng lưới điện quốc gia của nước “láng giềng tốt” để nước này đốt đèn dầu đi theo họ “hướng tới tương lai”. Có nơi, bọn “đồng tặc” lẻn vào kho ăn cắp từng cuộn dây đồng mới “coong” mang bán, thì “các đồng chí tốt” lên mặt đạo đức: “Ấy chết, cái ngộ không mua cái cuộn dây tôồng ăn cắp tài sản xã hội chủ nghĩa của các tôồng chí tâu lố!” (Chúng tôi không mua cái cuộn dây đồng ăn cắp tài sản xã hội chủ nghĩa của các đồng chí đâu nhé).
Cho đến khi bọn thương lái Tàu đi thu mua cáp quang phế liệu, thì các nhà đương cục của chúng ta mới được phen ngớ ra, không hiểu bọn chúng mua cái “của nợ” này để làm gì. Vì mua dây đồng thì còn có thể hiểu là chúng lấy nguyên liệu, nhưng cáp quang thì thật không thể hiểu được chúng mua để làm gì? Đến khi dân nghèo lặn xuống biển chặt phá mạng cáp quang viễn thông, thì mới “ngã ngửa” ra, là chúng đang phá hoại con đường huyết mạch thông tin của Việt Nam… Chắc là các “đồng chí Việt Nam” nghĩ mãi không biết xử thế nào với những người “đồng chí tốt” bên nước vô sản Trung Hoa, đành phải đưa ra tòa vài thằng dân nghèo “trót dại” lặn xuống biển chặt trộm cáp quang.

“Láng giềng tốt” giúp… xây dựng các công trình thủy lợi
Sau 1954, Việt Nam được Trung Quốc giúp xây dựng nhiều công trình thủy lợi. Tôi đã tiến hành một cuộc phỏng vấn với Giáo sư TTA, Viện trưởng một viện nghiên cứu thủy lợi ở Hà Nội về sự giúp đỡ thủy lợi của người “đồng chí tốt”, vị Giáo sư kéo tôi vào phòng làm việc và cho xem một video clip quay suốt dọc dòng sông biên giới Việt – Trung.
Trời ơi, chúng ta không thể tưởng tượng được, người “đồng chí tốt” đã làm những trò gì đâu! Các “đồng chí” xây 120 cái kè chắn chéo dòng nước trên các dòng sông biên giới, tạo những luồng nước xoáy để làm sạt lở bờ phía Việt Nam, ăn cắp đất mang về phía đất nước “láng giềng tốt” bên kia biên giới. Đất bồi sang phía bắc đến đâu, các đồng chí xây nhà cao tầng và kéo giai cấp vô sản quốc tế Trung Hoa đến đó.
Xem xong clip của Giáo sư TTA, tôi bàng hoàng… Tất cả các triều đại Đường, Nguyên, Tống, Minh, Thanh, chưa có bất kỳ một triều đại nào trước Triều đại cộng sản Trung Hoa sử dụng những biện pháp tồi tệ như vậy với Việt Nam.
Việt Nam đã đối đầu với những đế quốc lớn, đã đối mặt với đủ loại thủ đoạn tàn bạo của nhiều loại đế quốc, nhưng có lẽ đây là ngón đòn xâm lược thâm hiểm và bẩn thỉu nhất của một loại đế quốc mới nổi: Đế quốc Trung Cộng.
Tôi hỏi Giáo sư TTA: “Ông có thể cho biết, có công trình thủy lợi nào mà Cộng sản Trung Hoa giúp Việt Nam không chứa đựng những “yếu tố đểu” tương tự như vậy không?”. Ông chau mày trầm ngâm suy nghĩ hồi lâu…
“Tôi khó trả lời anh quá”, Giáo sư nói với tôi như vậy.

Đến hành vi gây ô nhiễm môi trường “gien” Việt Nam
Trên đường phố và sân bay Việt Nam hôm nay tràn ngập người Trung Quốc. Tôi vừa ngồi ở sân bay Đà Nẵng. Tôi đến hơi trễ, hỏi anh bạn ngồi bên phải tôi: “Máy bay Hà Nội gọi vào chưa?”, thì nghe câu hỏi lại bằng tiếng Tàu “Shen ma?” (Cái gì?). Tôi quay bên trái hỏi, thì lại nghe “Shen ma?”. Tôi quay phía sau hỏi, lại thấy “Ni shuo shen ma?” (Ông nói cái gì?)… Tôi ngỡ ngàng, tưởng mình lạc vào sân bay Bắc Kinh.
Làng sinh viên HACINKO (Phố Ngụy Như Kontum) không còn chỗ cho thuê vì hơn 500 người Trung Quốc đã “trấn” ở đó. Họ chen lấn trong thang máy và trong nhà ăn, thậm chí chiếm đứt thang máy để chơi đùa leo lên leo xuống, không cho bất kỳ ai sử dụng thang máy. Người Tàu đến đó mở hàng ăn, hàng bán quần áo, mua bán tấp nập như một chợ Tàu. Tối tối sinh viên Tàu trượt patin và la ó huyên náo một góc phố… Họ làm cho tôi liên tưởng tới hai mươi vạn quân Tàu Tưởng tràn vào Việt Nam năm 1945,… ghẻ lở, bẩn thỉu, ngông nghênh và láo xược.
Sao mà người Trung Quốc thắng thầu lắm thế? Chuyện bauxite Tây Nguyên đã có quá nhiều người nói rồi. Tôi đơn cử vài chuyện vặt vãnh khác: Chỉ ở một tỉnh ở rất gần Hà Nội thôi, Trung Quốc chưa làm xong Nhà máy điện HB, hàng ngàn công nhân Tàu chưa kịp rút, thì Tàu đã thắng thầu làm Nhà máy điện MK, và hàng ngàn công nhân Tàu lại xuất hiện. Những người Tàu từ các cơ sở sản xuất này lan tỏa khắp nơi để gieo rắc “hạt giống đỏ” cho cách mạng vô sản Trung Hoa, đỡ cho các công ty xuất khẩu lao động Việt Nam và các công ty môi giới hôn nhân khỏi phải xuất con gái qua Tàu… Tôi có dịp trao đổi với các chị phụ trách hội phụ nữ ở mấy tỉnh Tây Nguyên, thì được biết, các chị đang rất lo ngại, chưa biết xử lý thế nào với nạn con gái Tây Nguyên có bầu với công nhân Tàu (!).
Chúng ta nhìn thấy một cảnh tượng đang đến gần: Đội quân thứ 5 của Trung Cộng đang ngày càng được mở rộng. Cần cảnh báo: Khi Trung Cộng mới sáp nhập Tân Cương vào Trung Quốc, dân Hán ở đây chỉ chiếm chừng 4-5%. Sau nửa thế kỷ, dân Hán đã lên tới 45%. Tôi nhớ đã đọc ở đâu đó, chúng ta có thể rất cần đặt câu hỏi: “Bao giờ dân tộc Việt Nam trở thành dân tộc thiểu số trên chính đất nước mình?”.

Và rồi xoa dịu bằng mấy công trình văn hóa?
Gần đây chắc là Trung Nam Hải đã nhận ra sự phẫn nộ của dân chúng Việt Nam trước những hành vi xâm lược của họ, họ đã “kỷ niệm” cho dân Việt Nam mấy pha ngoạn mục: Trước hết là 30 triệu USD xây dựng ký túc xá cho Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh để đào tạo cán bộ cho Đảng. Tiếp đó là Cung Văn hóa hữu nghị Việt – Trung, chắc rồi đến Viện Khổng Tử,… và rồi không biết còn những thứ gì nữa.
*
Viết đến đây, tôi chợt nhớ cái thời lớp thanh niên chúng tôi say mê theo các nghệ sỹ ca ngợi,… những cánh hoa mộc miên bay tới đâu, tình hữu nghị của dân tộc Trung Hoa lan tỏa đến đó… Sao mà lãng mạn.
Ngẫu nhiên, tôi ngồi để hồi tưởng tâm tình lãng mạn theo những “Cánh hoa mộc miên” với Giáo sư Phạm Huy Tiến, một nhà địa chất, cũng có thời đi tu nghiệp “tiến tu Giáo sư” ở Học viện Địa chất Bắc Kinh (đối diện Học viện Khoáng nghiệp của tôi). Giáo sư Tiến cười rũ ngắt lời tôi: “Các bố nhầm hết rồi. Các nghệ sỹ cũng nhầm rồi. Cánh rừng mộc miên khi xưa nằm trên đất Việt Nam. Bọn địa chất chúng tôi lăn lộn ở đó quá nhiều. Cả đỉnh thác Bản Giốc nữa, cánh địa chất chúng tôi từng lên đó nấu cơm ăn… Nhưng rồi Trung Quốc lấn chiếm, nuốt toàn bộ cánh rừng mộc miên vào lòng Tổ quốc Trung Hoa”… Và thế là những cánh hoa mộc miên lại hồn nhiên bay “từ đất Trung Hoa”, lan tỏa tình hữu nghị “vạn cổ trường sinh” giữa hai dân tộc.
Ấy thế mà, trong khi tôi được nghe các bạn nghệ sỹ của chúng ta ca ngợi “Hoa mộc miên mọc đến đâu, lan tỏa tình thữu nghị của dân tộc Trung Hoa đến đó”, thì, trong một trang mạng nào đó, tôi lại nghe những người cộng sản Bắc Kinh lập luận: “Hoa mộc miên bay đến đâu gieo hạt đến đó; Cây mộc miên mọc ở đâu, đất trung Hoa ở đó. Việt Nam chỉ có cây tre, làm gì có cây hoa mộc miên!”.
*
Trung Hoa là một đất nước có một đảng lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối. Như vậy có thể suy luận, mà không sợ sai lầm: Tất cả những sự kiện nêu trong bài viết này đều do các nhà lãnh đạo cộng sản Trung Quốc đưa đường chỉ lối.
Chính những người cộng sản Trung Hoa đã làm tan vỡ hoàn toàn tình cảm nồng ấm của những người thuộc thế hệ chúng tôi với một đất nước đã sinh ra Đức Tổ Vũ Hồn của dòng tộc của tôi, một đất nước, mà có thời tôi đã coi là Tổ quốc thứ hai của mình.
VCĐ
HC Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

Chú thích:
[1] Đại diện Triều đình nhà Đường cai trị nước ta, giống như Quan Toàn quyền thời Pháp thuộc.
[2] Đậu phụ cho lên men và muối mặn, một món ăn khoái khẩu của người Trung Hoa.




No comments: