Wednesday, December 9, 2009

Đạo Diễn SONG CHI nơi về CUỘC BIỂU TÌNH 9-12-2007

Ðạo diễn Song Chi nói về cuộc biểu tình 9 tháng 12, 2007
Ðinh Quang Anh Thái/Người Việt
Tuesday, December 08, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=105251&z=2

Ðạo diễn Song Chi hiện sống tại Na Uy. Ngày 9 tháng 12 năm 2007, Song Chi có mặt trong cuộc biểu tình tại Sài Gòn chống Trung Quốc.

ÐQAThái: Hôm nay, hồi tưởng lại sự kiện hai năm trước, khi chị tham dự cuộc biểu tình, chị có thể mô tả lại tâm trạng của chị cũng như là quang cảnh lúc đó ra sao?
Song Chi: Cuộc biểu tình xuất phát từ sáng kiến của các blogger, các bạn trẻ trên mạng, chủ yếu do các bạn trẻ, các bạn đã hẹn nhau vào ngày đó để biểu tình phản đối Trung Quốc quyết định thành lập cái quận Tam Sa trên đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Còn với văn nghệ sĩ trí thức thì vào đêm trước hôm đó, bọn Chi gồm có một số anh em văn nghệ sĩ đang ngồi uống cà phê hỏi nhau là mọi người có biết ngày mai các bạn trẻ chuẩn bị biểu tình chống Trung Quốc hay không. Thì lúc đó nhiều người kể cả Chi cũng chưa biết nữa kia. Bọn này còn nói đùa là biểu tình chống đảng Cộng Sản Việt Nam thì chắc là sẽ xuống đường ...

ÐQAThái:
Xin lỗi ngắt lời chị là chị vừa nói là “nếu biểu tình chống đảng Cộng Sản Việt Nam thì biểu tình”?
Song Chi: Vâng, bọn Chi còn nói với nhau như vậy. Lúc đó còn bảo biểu tình chống Trung Quốc hả, nếu biểu tình chống Cộng Sản Việt Nam thì bọn này xuống đường ngay. Ngồi nói đùa như thế nhưng mà sáng hôm sau thì bọn Chi một số văn nghệ sĩ trí thức kể cả Trịnh Cung, Thanh Duyên, Tuấn Khanh, Hà Vũ Trọng... nói chung rất là nhiều, đều đi ra. Ðầu tiên đi ra để xem tình hình như thế nào, ngày đầu tiên là như vậy.
Ðến khi đi xuống khu vực ở phía trước tổng lãnh sự quán của Trung Quốc tại Sài Gòn, buổi sáng hôm đó cũng thấy là khá đông các bạn trẻ đã tập họp ở đó rồi, đã chuẩn bị tất cả các biểu ngữ, băng rôn nọ kia thấy rất là hào hứng, thế là anh em văn nghệ sĩ nhập cuộc luôn, vào đứng với các bạn. Lúc đó buổi đầu tiên như vậy là thành công, phải nói là lúc đó nhà nước cũng bất ngờ, chưa có chuyện gì xảy ra. Buổi sáng hôm đó là Chủ Nhật thì diễn ra được mấy tiếng đồng hồ như vậy tất cả biểu tình rồi hát, hô biểu ngữ ở phía trước, ngay bên ngoài của tòa tổng lãnh sự quán Trung Quốc, bên trong thì thỉnh thoảng thấy mấy người nhân viên của phía bên lãnh sự quán Trung Quốc họ thò đầu ra họ nhìn thôi, còn nói chung là buổi sáng hôm đó không gặp trở ngại nào.

ÐQAT: Thưa chị, sứ quán Trung Quốc ở Sài Gòn nằm ở đường nào?
Song Chi: Ðường Nguyễn Thị Minh Khai bây giờ, hồi xưa là Hồng Thập Tự, góc của nó ngay tại đường Phạm Ngọc Thạch, tức là ngày xưa góc đường Hồng Thập Tự và Duy Tân, rất gần nhà văn hóa thanh niên.

ÐQAThái: Số người biểu tình sáng hôm đó có đông không?
Song Chi: Cũng hơn trăm người, dân chúng đi qua rất là ngạc nhiên vì hồi nào đến giờ chưa thấy có một cuộc biểu tình như vậy. Quần chúng đi ngang họ cũng tò mò, có nhiều người dừng lại, có người cũng đứng lại luôn, rồi có người đi ngang cũng đọc các biểu ngữ. Buổi sáng đó phải nói là thành công, rồi anh em văn nghệ sĩ hào hứng lắm, Tuấn Khanh còn cầm loa chạy tới chạy lui, rồi Trịnh Cung đưa cả con đi mà mọi người nói đùa Trịnh Cung là một trong những người biểu tình lớn tuổi nhất mà con nhỏ nhất.

ÐQAThái: Cháu bé mới sinh ra phải không?
Song Chi: Không, Chi nhớ không lầm là cháu bé một tuổi rồi. Nhưng mà sau này mới biết nhạc sĩ Tô Hải còn lớn tuổi hơn họa sĩ Trịnh Cung. Buổi sáng đầu tiên là như vậy, phải nói rõ ràng đó là sáng kiến của các blogger trên mạng chứ không phải là sáng kiến của anh em văn nghệ sĩ. Sau đó thì anh em văn nghệ sĩ mới tham dự, trước hết là để coi cái đã, thấy có không khí thì đứng vào luôn.
Cho đến trưa thì bên chính quyền tức là ông chủ tịch thành phố, mời tất cả các bạn trẻ vào trong nhà Văn hóa Thanh Niên để trò chuyện và còn hứa cho các bạn biểu tình về vấn đề Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, Trường Sa. Sau đó thì lời hứa đó chính quyền đương nhiên là không thực hiện vì họ hứa để cho sinh viên học sinh yên tâm họ ra về thôi.
Ðến Chủ Nhật sau thì các bạn lại biểu tình tiếp. Lúc đó thì giới nghệ sĩ là đông lắm và các bạn trẻ rất là đông, và bị khó khăn rồi. Hôm đó ngay trước khu vực tổng lãnh sự quán Trung Quốc, họ để sẵn những bảng “cấm tụ tập” rồi, họ không cho đứng khu vực đó, và nguyên khu vực đó buổi sáng có xe cảnh sát, xe các loại. Ngay lúc đó thì các bạn trẻ chuyển qua tập trung ở công viên trước Dinh Ðộc Lập cũ ngày xưa, tức Dinh Thống Nhất bây giờ và tập họp ngay đó. Tình hình khó khăn hơn rất nhiều, còn văn nghệ sĩ thì tất cả những ai mà người ta thấy mặt là người ta không cho qua phía bên kia, người ta bắt ngồi phía bên có quán cà phê vỉa hè trước nhà văn hóa Thanh Niên. Ngay cả nhà Văn hóa Thanh Niên hôm đó họ cũng dẹp luôn, họ không cho mở cửa vì họ sợ là lượng người từ trong nhà Văn hóa Thanh Niên ra thì sẽ đông hơn nữa. Ngay khi bắt đầu tụ tập thì từ khắp nơi công an mặc sắc phục có, thường phục có, rồi những người gọi là dân quân mặc đồ xanh cũng có nữa, xuất hiện và bao vây trong phạm vi hẹp, không cho lan rộng. Sau đó là giằng kéo qua lại, đẩy qua đẩy lại giữa các tự vệ với các anh em sinh viên học sinh, giằng qua giằng lại và cuộc biểu tình diễn ra rất là khó khăn. Thậm chí họ dùng đủ mọi cách, họ để những chiếc xe phá sóng để mà phá sóng điện thoại rồi họ bao vây khu vực đó để người bình thường không đi vào khu vực đó làm đông người thêm; rồi họ chia cắt những người văn nghệ sĩ, bao vây các bạn ở khu công viên đó, rồi bắt đầu giằng kéo qua lại, rồi họ mời một số ông thầy, ông hiệu trưởng nọ kia xuống khuyên các bạn về đừng đi biểu tình, biểu tình ảnh hưởng tới việc học; thậm chí còn dọa các bạn là nếu cứ biểu tình như thế này thì sẽ ảnh hưởng tới hạnh kiểm, tới nọ kia.
Sáng đó Chi còn nhớ Chi đứng cãi nhau với một ông thầy ở trường nào đó Chi không biết. Chi cãi nhau với ông để bênh các bạn. Tình hình là như vậy. Khi mà công an bắt đầu đẩy các em sinh viên, bọn Chi còn cãi với họ rằng “Các anh làm gì thế, đây cũng chỉ là các em học sinh cũng là con em trong nhà của các anh biểu tình để chống Trung Quốc là hoàn toàn hợp lý mà các anh làm gì vậy?” Thế là họ phải ngưng lại nhưng mà họ cứ bao vây không cho di chuyển ra khỏi khu vực đó.
Coi như là lần thứ hai không được thành công. Kể cả lần thứ hai đó ở Hà Nội cũng vậy, chỉ có lần đầu tiên ở cả hai miền, hai thành phố Sài Gòn và Hà Nội là vì nhà nước bị bất ngờ thôi và đến lần thứ ba, Chủ Nhật lần thứ ba đó khi các bạn muốn tổ chức thì hoàn toàn không tổ chức được nữa. Ngay lần thứ hai thì một số khá đông văn nghệ sĩ bị mời lên để làm việc, như anh Cung Tích Biền, Hà Vũ Trọng rồi nhiều lắm đều bị công an mời lên để làm việc.

ÐQAThái: Thưa chị Song Chi, bản thân chị khi xuống đường như vậy, chị có sẵn sàng để đối đầu với một tình huống như thế không?
Song Chi: Thật ra là cuộc biểu tình của sinh viên học sinh cách đây 2 năm thì nó hoàn toàn là sáng kiến của giới trẻ bloger, nó là một chuyện hoàn toàn tự phát nhưng mà sau khi nó diễn ra thì không khí, tinh thần của các bạn trẻ diễn ra rất là mạnh mẽ, tinh thần yêu nước đó cũng làm cho giới trí thức văn nghệ sĩ cũng hào hứng, tất cả đều tham gia và cảm thấy những ngày đó có một không khí rất là lạ, thậm chí những Chủ Nhật kế tiếp cũng vậy, tất cả mọi người bị công an mời lên làm việc nhưng mà tất cả đều cho mọi chuyện rất là bình thường, không có gì phải sợ hãi cả, chỉ sợ cho các em sinh viên học sinh thôi. Bởi vì các em đều bị thầy cô giáo, hiệu trưởng gọi các em lên làm việc và họ còn làm việc với ba mẹ phụ huynh các em để gây khó dễ, chứ còn đối với văn nghệ sĩ chúng tôi chẳng có gì lo ngại cả. Ðối với các em thì ngay sau đó thì lập tức gặp rất nhiều vấn đề, còn đến lần thứ ba thì không khí rất là căng, những ngày đó chỉ có một nhúm sinh viên thôi, các bạn trẻ không có một tấc sắt trong tay mà người ta huy động bao nhiêu lực lượng nào là công an, nào là áo xanh áo vàng, nào là thường phục rồi đủ thứ sắc phục như thế rồi huy động cả xe phá sóng. Vào Chủ Nhật thứ ba thì vắng tanh, vắng ngắt ở khu vực đó rồi có những xe cam-nhông lớn chạy vòng quanh để mà bố ráp nữa, làm không khí rất là kinh khủng.
Thậm chí những ngày đó còn thấy rất nhiều những người Trung Quốc mặc thường phục, họ nói chuyện điện thoại mà nói toàn bằng tiếng Hoa, và họ nói chuyện liên tục có vẻ đang canh khu vực đó, thật là căng. Thực tế là các em sinh viên và dân trí thức biểu tình tay không một cách rất là hòa hoãn với một lý do hoàn toàn xuất phát từ lòng yêu nước nhưng mà họ tạo ra một không khí rất là căng thẳng, không khí y như một cuộc bố ráp vậy. Sau đó mãi đến tháng 1 mới đến nhóm của văn nghệ sĩ và nhóm các bạn trong câu lạc bộ nhà báo tự do biểu tình ở nhà hát thành phố.

ÐQAThái: Chị đánh giá ảnh hưởng của những cuộc biểu tình đó đối với tinh thần yêu nước của đồng bào mình ra sao?
Song Chi: Tôi cho là thế này, ở một đất nước tự do dân chủ thì chuyện biểu tình là chuyện rất là bình thường, nhưng ở một quốc gia không có dân chủ như Việt Nam thì chuyện biểu tình là chuyện hiếm hoi, và chính vì nó hiếm hoi cho nên nó tạo ra một cái gì đó rất là lạ trong những ngày đó. Các bạn trẻ tự nhiên cảm thấy mạnh mẽ hẳn lên, tinh thần rất là hăng hái, kể cả những người dân bình thường cũng vậy. Song Chi cho là những cuộc biểu tình như vậy thực sự tác động đến các bạn trẻ cũng như là đến những người dân rất là nhiều và người ta thức tỉnh về lòng yêu nước đã đành, kể cả cái chuyện người ta lên tiếng nói, nó có một ảnh hưởng như vậy. Chính điều đó nhà nước họ biết nên đó là lý do tại sao họ phải ngăn chặn, một phần là vì tránh làm mất lòng Trung Quốc, nhưng điều thứ hai họ sợ rằng bắt đầu chỉ là cuộc biểu tình chống Trung Quốc như vậy, nhưng sau đó nó phát triển thành cái gì khác thì không ai biết được. Vì thực tế là có những quốc gia có những cuộc biểu tình ban đầu chỉ với lý do tăng lương, muốn có ngày nghỉ cuối tuần gì đó, nhưng sau đó nó trở thành những chuyện khác thì không ai kiểm soát được, đó là điều mà họ lo sợ.

ÐQAThái: Nếu bây giờ chị có cơ hội lên tiếng nói với giới trẻ, với văn nghệ sĩ ở Việt Nam thì chị sẽ nói gì về biến cố 2 năm trước?
Song Chi: Thực ra khi còn ở trong lẫn khi ra nước ngoài, khi ngồi nói chuyện với bạn bè giới văn nghệ sĩ, có những lúc mình cảm thấy hằng ngày mình thấy bao nhiêu chuyện bức xúc như vậy, bao nhiêu điều mình muốn nói, bao nhiêu điều mình muốn làm mà không làm được. Và nhiều lúc bạn bè trong giới văn nghệ sĩ ngồi nói với nhau là người Việt Nam mình không biết đến bao giờ mới thay đổi được. Nếu người Việt Nam vẫn cứ hoặc là an phận, hoặc là lo đi làm kiếm tiền và né tránh tất cả những chuyện liên quan đến chính trị, hoặc là họ có một nỗi sợ hãi ăn sâu trong tiềm thức, sợ hãi chế độ và bàng quang đến việc nước, thì nói thất vọng thì hơi quá đáng nhưng không biết đến bao giờ người Việt Nam mới biết đến tự do dân chủ để mà đứng lên để quyết định số phận của đất nước như những dân tộc Ðông Âu và dân tộc Nga họ đã làm. Nhưng khi gặp những chuyện như Trung Quốc, Hoàng Sa, Trường Sa thì mới phát hiện ra một điều là người Việt bên trong họ vẫn có những nỗi niềm băn khoăn với đất nước, quan tâm đến số phận của đất nước, họ vẫn có những nỗi niềm, nhưng chẳng qua chỉ chưa đến lúc đó thôi, chứ đến lúc thì mình mới thấy điều đó thể hiện ra và rõ ràng. Bằng chứng là càng ngày càng nghe được nhiều tiếng nói phản kháng ở trên mạng cho phép chúng ta hy vọng người Việt thật sự ra họ vẫn quan tâm đến số phận của đất nước và sẽ có một ngày đất nước thay đổi.

ÐQAThái: Với đồng bào, văn nghệ sĩ và thanh niên tại hải ngoại, chị có tâm sự gì muốn nói không?
Song Chi: Vừa rồi Chi có đi qua một số nước, một số thành phố, Chi đi qua Berlin của Ðức, đi qua Praha của Tiệp và đi qua Varsava của Ba Lan nhân dịp kỷ niệm 20 năm bức tường Berlin sụp đổ và 20 năm không còn chủ nghĩa Cộng Sản tại các quốc gia đó. Lúc đầu khi nhìn qua thì mình có cảm giác như khi mình ở trong nước. Ðó là cảm giác người Việt ở trong hay ở ngoài dường như chỉ quan tâm đến số phận của mình, số phận của gia đình mình, chỉ lo kiếm tiền, họ không quan tâm đến chuyện gì khác. Nhưng thực tế không phải như vậy. Ðến khi tiếp xúc với người này người kia thì vẫn cảm thấy ở bên trong tất cả vẫn có một nỗi niềm chung với tương lai số phận của dân tộc, điều đó là điều Chi tin rằng một ngày nào đó đất nước sẽ thay đổi. Mỗi người có một số phận riêng, và tính cách mỗi người góp phần tạo nên số phận đó thì một dân tộc cũng vậy, tính cách của dân tộc sẽ góp phần làm nên số phận của dân tộc đó. Dân tộc Việt Nam có một số nhược điểm đã làm nên bi kịch của đất nước, trong đó có sự chia rẽ, thiếu đoàn kết chẳng hạn, giá như mà người Việt biết được những nhược điểm của mình, bỏ qua những điều đó đoàn kết với nhau lại và một lòng thì chắc chắn tương lai, số phận đất nước sẽ thay đổi. Dân tộc Ba Lan hồi đó có đến hơn 10 triệu người Ba Lan ở nước ngoài, họ đã gởi tiền để ủng hộ cho phong trào công nhân nhân trong nước ở Ba Lan. Theo Chi được biết thì không có một tổ chức đảng phái nào cả, tất cả tập trung sức lực cho phong trào Công Ðoàn Ðoàn Kết thôi và cuối cùng là họ làm được điều mà họ muốn làm. Giá như mà người Việt cũng làm được điều như vậy.

ÐQAThái: Cám ơn đạo diễn Song Chi đã dành thì giờ cho cuộc phỏng vấn của chúng tôi.




No comments: