Wednesday, December 23, 2009

ĐẠI HỌC : CỔ MÁY HÁI RA TIỀN CHO CÁN BỘ ?

Đại học, cỗ máy hái ra tiền cho cán bộ?
Ngày 23.12.2009 Giờ 08:24
http://www.sgtt.com.vn/Detail23.aspx?ColumnId=23&newsid=61019&fld=HTMG/2009/1222/61019
SGTT - Mức lương của cán bộ cấp trưởng phòng của một trường đại học có thể đạt mức 60 hoặc 90 triệu đồng đi nữa vẫn không lạ nếu như tất cả nằm trong một cơ chế quản lý tài chính hoàn toàn minh bạch và hợp pháp. GS Phạm Phụ - trường đại học Bách khoa TP.HCM trao đổi với phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị chiều ngày 22.12.2009.

Dư luận những ngày vừa qua xôn xao vì việc ban giám hiệu trường đại học Ngân hàng TP.HCM thừa nhận, một cán bộ là giám đốc trung tâm Hợp tác quốc tế của trường này có thu nhập lên tới 86 triệu đồng/tháng, một người khác có chức danh phó giám đốc trung tâm là 50 triệu đồng/tháng. Một số cán bộ lãnh đạo khác của nhà trường cũng có thu nhập khá cao so với mặt bằng thu nhập của cán bộ giảng viên toàn trường, thậm chí có người còn bị cắt giảm.
Trả lời báo chí về vấn đề này, PGS.TS Ngô Hướng, hiệu trưởng trường đại học Ngân hàng TP.HCM lý giải, sở dĩ một số cán bộ làm việc tại trung tâm có thu nhập cao như vậy vì đây là dạng hoạt động dịch vụ của trường, có cơ chế riêng, lấy thu bù chi. Do trung tâm này hoạt động có hiệu quả nên nhà trường có cơ chế khuyến khích là trích 10% trong tổng doanh thu để tăng thu nhập cho cán bộ của trung tâm.

Tuy nhiên, trong bản kiến nghị của tập thể giảng viên khoa thị trường chứng khoán gửi ban giám hiệu trường đại học Ngân hàng TP.HCM ngày 2.10.2009, những người này cho rằng về chế độ phân phối thu nhập, trong quy chế tài chính mới có sự chênh lệch quá lớn giữa những người có chức, quyền so với giáo viên và công nhân viên nhà trường. Mặc dù giảng viên là lực lượng lao động trực tiếp mang lại nguồn thu, nhưng hệ số phân phối thu nhập cho cán bộ lãnh đạo hầu hết đều bằng từ mấy trăm đến cả ngàn phần trăm của giảng viên. Một thực tế bất hợp lý khác là lãnh đạo trường cho phép các trung tâm tự thu, tự chi và hưởng 75% lợi nhuận sau thuế; trong khi kinh phí hoạt động của trung tâm là do trường cấp, cơ sở vật chất hoạt động của các trung tâm là do trường bỏ tiền ra xây dựng, và thương hiệu trung tâm cũng là của toàn thể nhà trường.

Theo GS Phạm Phụ, đây là một trường hợp có thể coi là một điển hình của vấn đề quản lý giáo dục đại học Việt Nam hiện tại. Theo ông, một trường đại học công lập, về nguyên tắc, không được phép hoạt động vì lợi nhuận. Tuy nhiên, hiện nay bộ Giáo dục và đào tạo cho phép các trường thành lập các trung tâm liên kết đào tạo với nước ngoài hoạt động như một cơ-sở-đào-tạo-có-vì-mục-tiêu-lợi-nhuận. Trên thực tế nên coi hoạt động của các cơ sở này như một doanh nghiệp, nguồn thu của các đơn vị này bổ sung cho kinh phí hoạt động của trường đại học (ngoài ngân sách nhà nước và học phí) vốn đã rất eo hẹp. “Vấn đề là chính sách phân phối tài chính của nhà trường, các quy chế về quản lý nguồn thu có đảm bảo sự minh bạch và công bằng hay không”, GS Phạm Phụ phát biểu. Một mặt, giám đốc đơn vị “giáo dục có lợi nhuận” đó có được tuyển dụng dựa trên cơ chế cạnh tranh hay không cũng là vấn đề.
GS Phạm Phụ cho rằng, chính sách tài chính đối với đại học ngoài công lập đang còn là một “mảng mờ”, dễ bị lợi dụng. Đặc biệt là ranh giới giữa giáo dục “vì lợi nhuận” và “không vì lợi nhuận” chưa được minh định một cách rõ ràng. Nhiều trường có mức lợi nhuận 25 – 30%, nhưng hội đồng quản trị vẫn nói không vì lợi nhuận là rất khó chấp nhận.

Một vấn đề khác nữa là, khi ban giám hiệu nhà trường lý giải trung tâm Hợp tác quốc tế của đại học Ngân hàng TP.HCM mỗi năm nộp về cho trường hàng chục tỉ đồng từ nguồn thu học phí (6.000 – 7.000 USD/học viên/năm), liệu ai sẽ đảm bảo chất lượng “dịch vụ” của trung tâm này có tương xứng với mức chi phí mà người học phải chi trả? Về việc này, theo GS Phụ, rất khó có thể nói một cách rạch ròi, bởi vì giáo dục đại học vốn là loại dịch vụ có chất lượng rất khó đánh giá và đặc biệt, thông tin bất đối xứng. Nghĩa là, thị trường này rất bất bình đẳng về thông tin giữa người bán và người mua. Người mua được biết rất ít là họ đang mua cái gì và thường có nguy cơ nhận được một chất lượng dịch vụ thấp hơn cái giá họ phải trả và kỳ vọng. Khó mà nói được chất lượng có tương xứng với học phí hay không một khi các cơ sở không thực hiện việc minh bạch các nguồn thu chi tài chính.
Do vậy, một cơ chế buộc các cơ sở đào tạo phải công khai, minh bạch là cần thiết và đã được bộ Giáo dục và đào tạo ban hành. Nhưng cho đến nay, thời hạn nộp báo cáo về tình hình và những nội dung thực hiện “ba công khai” cho bộ Giáo dục và đào tạo đã trôi quá một tuần, thông tin mà chúng tôi biết được chỉ có hơn 250/376 trường đại học – cao đẳng gửi báo cáo.

Diệu Thuỳ

ĐH Ngân hàng TP.HCM sẽ tiến hành kiểm toán nội bộ (VNN 23-12-09)

Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM: Nhiều tiền vẫn đi thuê cơ sở (PLTP 23-12-09)


No comments: