Friday, October 2, 2009

TRUNG QUỐC GIẢM LỤC QUÂN, TĂNG CƯỜNG HẢI QUÂN và KHÔNG QUÂN


Khaleej Times Online
Những bước mạo hiểm gia tăng lực lượng không quân, hải quân của Trung Quốc gây thêm căng thẳng

China air, naval boost risks raising tension
(Reuters)
Ngày 30-9-2009

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2009
Đăng bởi
anhbasam on 01/10/2009
http://anhbasam.com/2009/10/01/314-tq-tang-c%c6%b0%e1%bb%9dng-h%e1%ba%a3i-quankhong-quan-gay-cang-th%e1%ba%b3ng/#respond

Tin từ Bắc Kinh – Trung Quốc lên kế hoạch cắt giảm quân số của mình và tăng cường lực lượng hải quân và không quân, các nguồn tin thân cận với Quân Giải phóng Nhân dân cho biết, động thái đó làm mở rộng thêm tầm với của quân đội nước này và gây thêm nhiều rủi ro căng thẳng trong khu vực.

Trung Quốc, kỷ niệm lần thứ 60 ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân vào thứ Năm này với một cuộc diễu binh khổng lồ, đang nhắm cắt giảm 700.000 quân trong khoảng thời gian từ hai tới ba năm như một phần của nỗ lực hiện đại hóa quân đội đông nhất thế giới của mình để trở thành lực lượng công nghệ cao hơn, hai nguồn tin đã cho biết như vậy.
Quân GPND cũng lên kế hoạch tăng cường nhân sự cho lực lượng hải quân và không quân cũng trong thời kỳ, này, các nguồn tin cho biết. Cả hai nguồn tin đều đề nghị giấu tên để tránh phải chịu hậu quả do đã trao đổi với các phóng viên nước ngoài trong khi không được phép.

Xu Guangyu, một cựu sĩ quan QGP làm việc tại Hội Kiểm soát Vũ trang và Giải trừ Quân bị Trung Quốc được chính phủ yểm trợ, đã nói rằng ông không được nghe về con số 700.000 song biết được những kế hoạch cắt giảm lực lượng đang sắp được thực hiện.
“Vài năm sau, chúng tôi sẽ cắt giảm thêm để chúng tôi có thể tiếp tục cải thiện, trang bị vũ khí và lập ra những đơn vị thiện chiến, ông Xu nói với hãng tin Reuters như vậy. “Các lực lượng bộ binh sẽ vẫn chiếm ưu thế vượt trội, thế nhưng lực lượng hải quân và không quân sẽ được tăng cường cho cân xứng trong QGP.”

Các nhà quan sát về Trung Quốc đang theo dõi những hoạt động triển khai trên phạm vi quốc tế qua các dấu hiệu tăng cường vị thế trên toàn cầu của Trung Quốc được thể hiện trong một chính sách và sự hiện diện ở nước ngoài quả quyết hơn. Các chiến hạm của Trung Quốc đã vươn tới những vùng biển Somalia trong tháng mười hai năm ngoái để trợ giúp các hoạt động tuần tra chống hải tặc.

Mới đây, các tàu lớn của Trung Quốc đã dính líu vào hoạt động va chạm với các tàu giám sát của hoa Kỳ trên những vùng biển ngoài khơi Trung Quốc mà Bắc Kinh tuyên bố là vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Và Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ việc sử dụng vũ lực nhằm đưa Đài Loan dân chủ và tự quản trở về dưới sự cai quản của mình, vùng đất mà họ coi như là lãnh thổ thuộc chủ quyền tối cao của họ. Thế nhưng những mối quan hệ đôi bên đã được cải thiện kể từ cuộc bầu cử Tổng thống Đài Loan – Mã Anh Cửu vào năm ngoái.
Hoạt động quân sự của Trung Quốc ngày càng tăng xung quanh một loạt các vòng cung san hô và đảo đá đang tranh chấp trên Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông] đã gây lo ngại cho Việt Nam, Malaysia và Philippines, những quốc gia có các yêu sách chủ quyền lãnh thổ của riêng mình ở đây. Tuần này Nhật Bản đã thúc giục Trung Quốc cắt giảm kho hạt nhân của mình, minh họa thêm cho mối lo ngại của nước này về sức mạnh của Trung Quốc.

“Việc cắt giảm quân đội không ảnh hưởng lên phần còn lại của châu Á được bao nhiêu, điều mà mọi người đang tỏ ra quan ngại là việc tăng cường lực lượng không quân và hải quân, ví dụ như việc có được tàu sân bay,” đó là nhận xét của ông Ikuo Kayahara, giáo sư nghiên cứu về an ninh thuộc trường Đại học Takushoku và là một thiếu tướng lục quân Nhật hồi hưu.
“Nếu họ đang tăng dần lực lượng [hải quân, không quân] tương đương với số quân cắt giảm, thì điều này là một vấn nạn rất lớn. Thế nhưng tôi thực sự ngạc nhiên không biết trên thực tế điều đó có thể có không.”

Uday Bhaskar, thuộc Quỹ Nghiên cứu Biển Quốc gia ở Ấn Độ, quốc gia có những tranh chấp biên giới nhức nhối từ lâu với Trung Quốc, đã nói rằng bất cứ quân đội đông đảo nào cũng cần phải tập trung vào công nghệ lên trên vấn đề nhân sự.
“Đối với Ấn Độ, tôi nghĩ là nếu người Trung Quốc có khả năng thực hiện chính sách đặc biệt mà họ hiện đang thể hiện một cách rõ ràng này, thì nó sẽ làm nổi lên tính mất cân đối giữa Ấn Độ và Trung Quốc về khả năng quân sự nghiêng về Trung Quốc,” ông nói.

Giảm số lượng, tăng trang bị vũ khí
QGP sinh ra từ Hồng Quân, một đội quân nông dân hùng hậu 5 triệu người, và đã trở thành lực lượng vũ trang quốc gia sau khi nhà lãnh đạo Cộng sản Mao Trạch Đông cướp được chính quyền 60 năm trước.
Những cắt giảm về lực lượng bộ binh và bổ sung cho các quân chủng khác có nghĩa là số lượng đội quân QGP sẽ được rút xuống 2,3 triệu, thế nhưng con số cuối cùng hiện nay không rõ ràng.
Trung Quốc đã cắt giảm số quân trong những năm gần đây để có thêm ngân sách cho việc huấn luyện và nâng cao đời sống cũng như để có thêm vũ khí hiện đại hơn. Hải quân đang xem xét việc cho đóng một tàu sân bay.
Không có nguồn tin nào cho biết chính xác rằng kế hoạch cắt giảm này sẽ được loan báo vào thời gian nào. Nó cần phải được chuẩn thuận của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào.
Một trong các nguồn tin cho biết là Trung Quốc lên kế hoạch loại bỏ và thay thế những phi cơ quá cũ trong khoảng thời gian từ ba đến năm năm tới. Tiến trình này cũng sẽ bao gồm việc tách ra độc lập hệ thống quân y viện và các đoàn văn công, các nguồn tin cho biết.
Xu, một cựu sĩ quan QGP, đã nói rằng theo kế hoạch dài hạn của Bắc Kinh giành cho việc hiện đại hóa quân đội, những cắt giảm quân số có thể xảy ra dần trong thập niên tới.
“Các chi tiêu đang tăng lên, cho nên chúng tôi phải đảm bảo chi tiêu quân sự trong khả năng ngân sách,’ ông nói.
Lực lượng vũ trang Trung Quốc đông hơn rất nhiều so với đội quân lớn thứ hai thế giới của Hoa Kỳ với quân số vào khoảng 1,5 triệu.
Thứ Năm này sẽ được đánh dấu bằng một cuộc trình diễn lực lượng quân đội dọc theo Đại lộ Hòa bình Vĩnh viễn, được trông đợi là sẽ làm nổi bật một đội quân được trang bị vũ khí mới đã được cải tiến, gồm có cả các loại tên lửa.
Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã thực hiện việc hiện đại hóa hải quân bằng dự án riêng của mình, song còn lâu mới loại bỏ được một khoảng cách về công nghệ so với Hoa Kỳ và các cường quốc lớn khác. Hải quân của QGP có khoảng 290.000 người, nhiều tàu chiến đã quá thời hạn sử dụng.
Trung Quốc ngày càng trở nên cao giọng về tham vọng của mình muốn trở thành một cường quốc trên biển, bao gồm cả việc phải làm chủ được những đòi hỏi về hậu cần và công nghệ cho một lực lượng hải quân trên đại dương.
Trung Quốc khoe khoang rằng họ có một lực lượng không quân lớn thứ ba thế giới, với khoảng 400.000 quân và 2.000 chiến đấu cơ.



No comments: