Quốc Sỉ
Ngô Nhân Dụng
Thursday, October 29, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=103390&z=7
Ngày 3 Tháng Mười vừa qua, Thủ Tướng Ấn Ðộ Manmohan Singh tới tiểu bang Arunachal Pradesh nằm dưới chân Hy Mã Lạp Sơn, để hỗ trợ đảng Quốc Ðại của ông trong một cuộc tranh cử địa phương. Ðối với người lãnh đạo một đảng nắm quyền trong một quốc gia dân chủ tự do, công việc đó là bình thường. Nhưng chính phủ Trung Quốc đã lên tiếng đả kích ông Singh kịch liệt.
Tại sao? Vì từ hơn nửa thế kỷ nay Trung Quốc vẫn đòi Ấn Ðộ phải trả lại một vùng đất trong tiểu bang này mà họ coi là thuộc về Tây Tạng, tức là thuộc chủ quyền của Bắc Kinh.
Khi chính phủ Trung Quốc công kích ông Singh với những lời nặng nề, họ có tính gây chiến với Ấn Ðộ hay không? Ai cũng biết là không. Họ phải nói những lời lẽ hung hăng đó chỉ vì mỗi khi có cơ hội là phải nhắc lại một lập trường cố hữu từ hơn nửa thế kỷ nay. Trung Quốc vẫn coi một vùng 90,000 cây số vuông mà họ gọi là “Nam Tạng” thuộc chủ quyền nước họ. Bộ Ngoại Giao của Bắc Kinh không ngần ngại công kích ông thủ tướng Ấn Ðộ để làm công việc nhắc nhở đó, mặc dù hai nước vẫn giao hảo, khối lượng trao đổi thương mại và đầu tư giữa hai nước vẫn gia tăng, ông Manmohan Singh với các ông Ôn Gia Bảo, Hồ Cẩm Ðào vẫn gặp gỡ và bắt tay nhau trong mấy năm qua.
Chúng ta là người ngoại cuộc, không biết trong cuộc tranh chấp này ai phải ai trái. Nhắc đến chuyện này chỉ để thấy chính phủ một nước khác họ hành động như thế nào khi gặp hoàn cảnh giống như Việt Nam. Trung Quốc đã chiếm quần đảo Hoàng Sa của nước ta từ năm 1974 đến nay và càng ngày càng lấn ép thêm. Trên thế giới hiện vẫn có hàng trăm nước đang tranh chấp nhau về lãnh thổ và hải phận giống như vậy. Không mấy ai có ý định dùng vũ lực giải quyết các bất đồng ý kiến đó. Nhưng mỗi khi có cơ hội thì nước nào cũng tìm cách nhắc lại chủ quyền của mình trên những vùng tranh chấp, cho cả thế giới phải biết. Trừ chính quyền Cộng Sản Việt Nam.
Khi Bắc Kinh đặt ra huyện Tam Sa để chính thức hóa việc chiếm đóng Hoàng Sa và Trường Sa, các thanh niên Việt Nam từ Bắc vào Nam đã biểu tình phản đối, họ đã bị bắt và nhiều người vẫn tiếp tục bị công an đe dọa, sách nhiễu từ gần 2 năm qua. Gần đây nhất, chính quyền tỉnh Quảng Tây lập ra đài phát thanh nói tiếng Việt, đặt tên là Tiếng Nói Vịnh Bắc Bộ thì chính quyền Cộng Sản Việt Nam cũng không phản đối.
Ðài phát thanh Nam Ninh nói tiếng Việt nhắm vào Vịnh Bắc Bộ có mục đích gì? Ông Vương Canh Niên, tổng giám đốc mạng lưới phát thanh quốc tế của Trung Quốc nói hành động này nhằm tuyên truyền đối ngoại “phục vụ đại cục ngoại giao” của nước ông. Trong việc tuyên truyền cho “đại cục ngoại giao” đó tất nhiên có việc củng cố chủ quyền của họ trên các đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa! Họ sẽ nói đi nói lại rằng các đảo trên thuộc về nước họ, nói cho tới bao giờ người Việt nghe quen tai và thấy đó là một chuyện tự nhiên! Ðây là màn mở đầu cho một cuộc “xâm lăng văn hóa” có thể so sánh với công việc Mã Viện đã làm ở Giao Chỉ trước đây gần 2000 năm. Sau khi thắng quân Hai Bà Trương, Phục Ba Tướng Quân đã mở một cuộc “xâm lăng văn hóa và chính trị.” Ông lập ra một hệ thống hành chánh mới, đặt quan Tầu trực tiếp cai trị, bắt dân nước Văn Lang thay đổi phong tục, đặt nền móng cho những chính sách đồng hóa của những Tích Quang, Sĩ Nhiếp sau đó.
Những người cầm đầu Trung Quốc họ cũng không quên chuyện Mã Viện. Khi các cố vấn Trung Quốc đầu tiên sang Việt Nam vào năm theo lời khẩn thiết yêu cầu của Hồ Chí Minh, Mao Trạch Ðông và Lưu Thiếu Kỳ đã nhắc nhở những Bí Thư La Quý Ba và Tướng Vi Quốc Thanh về chuyện Mã Viện. Họ đều dặn dò các ông này là phải nhớ người Việt Nam vẫn còn thù ghét Trung Quốc, phải đối xử với người Việt một cách khôn ngoan khéo léo đừng chạm tự ái của họ. Mao Trạch Ðông không muốn theo gót chân Mã Viện, vì ông ta có những phương pháp xâm lăng mới. Và có những tham vọng lớn hơn.
Vua quan nhà Hán chỉ nghĩ đến chuyện mở rộng cương vực, và củng cố đế quốc qua việc “khai hóa” các dân man di ở chung quanh để đồng hóa họ. Mao Trạch Ðông, người vẫn tự hào là sự nghiệp của mình sẽ lớn hơn cả Tần Thủy Hoàng và Hán Vũ Ðế. Ông có tham vọng dùng chủ nghĩa Cộng Sản thay đổi cả thế giới, theo đúng khẩu hiệu “Bốn Biển Một Nhà” chứ không phải theo lối cũ chỉ tính việc bành trướng một đế quốc. Cho nên Mao Trạch Ðông biết là không cần dùng chính sách Mã Viện, không cần tiến quân chiếm đất, không cần đặt quan Tầu cai trị. Chỉ cần một chính quyền Việt Nam biết học theo và thi hành đúng những chủ trương, những tư tưởng chỉ đạo của Mao Trạch Ðông, là đủ. Từ đó, đảng Cộng Sản Việt Nam đã được Trung Quốc giúp đỡ cả về vũ khí, xe cộ, quân phục, cho tới kim chỉ, cơm gạo, để xây dựng thế giới đại đồng theo trí tưởng tượng của Mao.
Nhưng đối với Cộng Sản Trung Quốc thì mảnh đất Việt Nam chỉ là một bộ phận trong chiến lược toàn cầu của họ. Mao vẫn đề cao chiến lược “lấy nông thôn bao vây thành thị,” như trong cuộc nội chiến ở Trung Hoa. Trên toàn thế giới thì “nông thôn” chính là các nước Á Phi, còn “thành thị” là các nước Tây Phương. Khi nào các nước nghèo ở Á Châu và Phi châu đã được cộng sản hóa, vòng vây kinh tế sẽ thiết chặt, phong trào cách mạng vô sản ở các nước tư bản sẽ bùng nổ.
Ðó là tham vọng của Mao. Ông ủng hộ các đảng Cộng Sản Á Phi trong chiến lược toàn cầu đó. Từ năm 1950 họ vẫn dùng đảng Cộng Sản Việt Nam như một khí cụ để huy động dân Việt đứng ra làm rào cản ngăn ngừa ảnh hưởng của Mỹ và các nước tư bản. Mao không thiết tha đến một nước Việt Nam thống nhất và độc lập. Miễn sao ngăn chặn được ảnh hưởng “Ðế quốc Mỹ” để Mao có thể thực hiện kế hoạch cộng sản hóa vùng Ðông Nam Á rồi dần dần đưa chủ nghĩa Cộng Sản ra toàn thế giới là được rồi.
Ngày nay các người lãnh đạo Trung Quốc chấp nhận đường lối tư bản hóa, không còn tham vọng làm cách mạng vô sản toàn thế giới nữa. Nhưng chính sách bành trướng của Mao vẫn được tiếp tục, với mục đích quốc gia thay thế cho mục tiêu cách mạng quốc tế vô sản.
Nhưng đối với người dân Việt Nam thì mối đe dọa vẫn như cũ. Là một dân tộc nhỏ bé bên cạnh một nước láng giềng khổng lồ, mối lo lớn nhất của dân Việt là bảo vệ bản sắc, giữ gìn văn hóa, xác định chủ quyền trên từng mảnh đất mà tổ tiên để lại. Cho nên, trước việc Bắc Kinh làm thêm một đài phát thanh nói tiếng Việt nhắm vào Vịnh Bắc Bộ, người Việt nào cũng phải báo động với nhau: Họ âm mưu toan tính gì đây?
Trước biến cố đó, đáng lẽ chính quyền Việt Nam nào cũng phải lên tiếng cảnh cáo và phản đối âm mưu tuyên truyền của Bắc Kinh. Ðây là một cơ hội để minh xác chủ quyền nước mình, một dịp đưa ra thêm bằng cớ về chủ quyền của mình cho cả thế giới nhớ; không khác gì khi Bắc Kinh nắm lấy cơ hội ông thủ tướng Ấn Ðộ đến thăm tiểu bang Arunachal Pradesh! Nhưng đảng Cộng Sản Việt Nam đã không làm như thế. Trái lại, ông Nguyễn Anh Dũng, lãnh sự Việt Nam ở Nam Ninh lại lên tiếng hoan nghênh và chúc mừng, mở miệng ca ngợi “quan hệ hữu nghị đời đời xanh tươi” giữa hai đảng Cộng Sản! Phục Ba Tướng Quân Mã Viện nghe lời ca ngợi đó chắc cũng phải mỉm cười nơi chín suối! Ông lãnh sự này đáng được thưởng huy chương Mã Viện! Ðợi đến khi nào họ chính thức đặt tên đài phát thanh đó thành “Tiếng Nói Giao Chỉ” thì mới thấy nhột hay sao?
Thử tưởng tượng nếu bây giờ Việt Nam lập một đài phát thanh ở Châu Ðốc nói tiếng Khờ Me đặt tên là “Diễn Ðàn Thủy Chân Lạp” hay “Tiếng nói Tông Lê Sáp” thì chính phủ Hun Sen có bịt tai, nhắm mắt để yên hay không? Hay một đài phát thanh nói tiếng Lào đặt ở Thanh Hóa, lấy tên là “Tiếng Nói Cánh Ðồng Chum” thì chính phủ Lào có lên tiếng chúc mừng “quan hệ hữu nghị đời đời xanh tươi” hay không? Tưởng tượng xa hơn nữa, Việt Nam có thể lập một đài nói tiếng Quảng Ðông lấy tên là “Tiếng Nói Nam Việt” thì thái độ của chính phủ Bắc Kinh sẽ như thế nào? Ðừng quên rằng Triệu Ðà đã xưng là hoàng đế nước Nam Việt, bao gồm cả nước ta và vùng Lưỡng Quảng. Vào thế kỷ 11, Lý Thường Kiệt đã tấn công chiếm lại một phần đất Nam Việt cũ, trước khi rút về để bảo vệ mạng sống của quân mình! Chủ trương “toàn quân” đó, Lê Lợi sau này vẫn theo đuổi và nhắc lại nhiều lần, ngay trong Bình Ngô Ðại Cáo.
Thái độ “hồ hởi” chúc mừng của đảng Cộng Sản Việt Nam trước hành động “xâm lăng văn hóa” của Bắc Kinh cho thấy họ không xứng đáng đại diện cho dân tộc. Với tất cả những gì các chính quyền Trung Quốc đã đối xử với nước Việt Nam từ 2000 năm nay mà một nhà ngoại giao Việt Nam vẫn nói đến “quan hệ hữu nghị đời đời xanh tươi” thì thật là quốc sỉ.
No comments:
Post a Comment