Sunday, October 25, 2009
HỌC TIẾN SĨ ĐỂ LÀM GÌ ?
Học tiến sỹ để làm gì?
Anh Đức
22/09/2009 - 11:51
http://www.bayvut.com.au/nh%E1%BB%8Bp-s%E1%BB%91ng/h%E1%BB%8Dc-ti%E1%BA%BFn-s%E1%BB%B9-%C4%91%E1%BB%83-l%C3%A0m-g%C3%AC
Mấy ngày nay, chủ đề tiến sỹ được bàn luận sôi nổi trên báo chí trong nước, quanh chuyện Hà Nội đặt chỉ tiêu 100% tiến sĩ đối với cán bộ cấp thành ủy quản lý vào năm 2020. Anh Đức phỏng vấn một số bạn đã hoặc đang lấy bằng tiến sĩ ở Úc. Tên thật các nhân vật trong bài đã được thay.
“May mắn”
Chữ này để trong ngoặc kép vì nó là câu nói của một tiến sĩ vừa về nước gần một năm. Anh Hùng, nguyên là nghiên cứu sinh ngành kinh tế học vĩ mô, đã được thăng chức ngay lập tức tại một tổng công ty nhà nước, khi vừa nhận lại công việc. Anh cho hay: “Tôi có mục đích từ trước khi đi học, cơ quan cũng có nhu cầu nhân lực trình độ cao. Có lẽ tôi là người may mắn vì con đường đã mở sẵn. Tôi nghĩ đó là một đền bù xứng đáng cho công sức nghiên cứu đã bỏ ra suốt bốn năm qua.”
Cùng may mắn như anh Hùng, phải kể đến một tiến sĩ khác từ Canberra trở về. Anh được cử giữ chức vụ cao trong một Bộ quan trọng. Quan điểm rất rõ ràng: “Tôi nghĩ, xác định đi làm nghiên cứu sinh để được cất nhắc là chuyện hết sức bình thường. Nó cũng như là động lực để tôi phấn đấu. Tôi cho rằng, nghiên cứu sinh ở nước ngoài là một đảm bảo khá vững vàng rồi.”
Lỡ chuyến "tàu ngồi"
Lại là một anh khác, giảng viên đại học tại Hà Nội, khi chỉ còn ba tháng nữa để hoàn thành luận án, thì ở cơ quan, mọi cuộc bầu bán cho một nhiệm kỳ mới 5 năm đã được hoàn tất. Không còn ghế nào để ngồi, dù là phó bộ môn chẳng hạn.
Anh Trường tâm sự: “Mình không phải là người ham quyền chức. Nhưng môi trường làm việc ở đây nó đòi hỏi như vậy. Nếu anh không có quyền, anh không thể cải tiến, thay đổi được gì hết. Lỡ chuyến tàu ngồi thì chỉ có đứng thôi. Mình vẫn đứng giảng như trước. Nhưng ngay cả việc phổ biến những điều mới mẻ lĩnh hội được ở nước ngoài cũng khó khăn, vì mình không can thiệp được vào nội dung thi cử, nên vẫn phải dạy theo chương trình cũ có sẵn của người khác. Người khác phần lớn là những người không chịu đi học nước ngoài, chỉ ở nhà để chờ cơ hội.”
“Làm ở trong nước thôi”
Chia sẻ với trường hợp “không chịu đi học nước ngoài”, là câu chuyện của một bạn trẻ quyết định chỉ “làm trong nước thôi.”
Đã học thạc sĩ ở Mỹ về, đang làm trưởng phòng một công ty truyền thông lớn, ngoại ngữ cực tốt, thông minh lanh lợi, gia đình cũng có quan hệ, bố mẹ chưa nghỉ hưu, cậu thú nhận: “Đi làm tiến sĩ ở nước ngoài thì em không ngại vất vả. Nhưng vấn đề là mất cơ hội như chơi. Công việc của em đang thuận lợi, dại gì mà bỏ đi trong mấy năm. Đúng là cơ quan cũng yêu cầu lãnh đạo phải có bằng cấp. Em cân nhắc chán, rồi quyết định ghi danh thi vào một cơ sở đào tạo ở Hà Nội lần đầu tiên tuyển sinh tiến sĩ!”
Một chị bạn khác, đang học tiếng ở Sydney, tính là xong rồi sẽ đăng ký chương trình nghiên cứu sinh ngành quan hệ quốc tế ở đây, thì bất ngờ có giấy của cơ quan gọi về. Thế là khăn gói ra về, bỏ luôn cả chứng chỉ ngoại ngữ chưa kịp lấy. “Tớ phải về thôi, có một chân thư ký cho sếp lớn, không về không được. Còn học tiếp thì từ từ tính, làm ở nhà cho nó khỏe.”
"Chạy" chức
Không phải chạy để vào chức, mà chạy để khỏi bị đề bạt.
“Chưa bao giờ tôi mảy may nghĩ học xong về nước sẽ làm ông này bà kia. Công việc của tôi thuần túy về kỹ thuật. Tôi thích máy móc, giờ mà bắt tôi ngồi bàn giấy, thì quả là cực hình”, anh Hải, một nghiên cứu sinh ngành điện tử viễn thông, từng được Bay Vút nhắc đến, tâm sự thành thật.
Chị Hồng, giảng viên, nghiên cứu sinh về xã hội học cũng có chung quan điểm: “Cơ quan mình hiện thiếu hụt cán bộ nghiêm trọng. Mình chưa học xong mà lãnh đạo đã nhắc nhở phải về gánh vác trách nhiệm quản lý. Mình rất sợ nghĩ đến lúc đó, sẽ không còn thời gian để làm nghiên cứu chuyên môn. Có lẽ mình phải chuyển cơ quan, hoặc tìm cách không về nữa” (cười).
Không kết luận
Chúng tôi không có ý định làm cuộc điều tra, cũng không có khả năng khái quát toàn bộ vấn đề về mục đích của những người làm tiến sĩ. Cuộc sống luôn phong phú và mỗi người đều có những hoàn cảnh, xuất phát điểm và tâm thế riêng.
Điểm chung là, phần lớn những người được hỏi đều chia sẻ rằng, trước hết phải là sự say mê chuyên môn của mình. Học tiến sĩ ở nước ngoài không phải chuyện đùa, không thể hời hợt. Sau đó là khả năng thích ứng. Về nguyên tắc, đã đạt trình độ tiến sĩ, phải là những người có khả năng thích ứng với mọi vị trí công tác: nghiên cứu chuyên sâu, hay quản lý điều hành.
Tuy nhiên, môi trường làm việc văn minh, lành mạnh là phải, một mặt, tạo điều kiện cho mọi người được tham gia đóng góp, một mặt tôn trọng quyền lựa chọn của mỗi cá nhân. Bởi vì, từ bất kỳ vị trí nào, người có thực tài cũng có thể đóng góp cho xã hội nhất định, bằng bài giảng trên lớp, bằng một vấn đề lý thuyết chuyên môn, bằng một phát minh kỹ thuật, hay bằng một sách lược có ích cho người dân…
Không phải ngẫu nhiên mà các đời tổng thống Mỹ vẫn tự hào tuyên ngôn về một xứ sở “sẵn sàng tạo cơ hội cho tất cả mọi người bất kể vị trí xã hội”. Trong khoa học xã hội, gần đây, các học giả cũng chỉ ra xu hướng phát triển là mở rộng không gian sống cho con người, cũng nhằm phòng ngừa các xung đột luôn luôn tiềm tàng nảy sinh trong một môi trường bí bách.
Nếu đứng từ quan điểm này, thì những chỉ tiêu phần trăm kể trên, tiếp tục thể hiện tư duy duy ý chí nặng nề, bất chấp hiện thực phong phú của cuộc sống và con người.
Khi anh mở cánh cửa ưu tiên cho một nhóm lợi ích này, đồng thời với việc anh khép cánh cửa với những người kém ưu tiên hơn, vì một tiêu chí bằng cấp hay quan hệ. Điều đó, và những gì tương tự như thế bấy lâu nay, không những không khuyến khích người ta phấn đấu, nắm bắt các cơ hội, mà một cách mỉa mai, đã và đang biến khá nhiều người thành những con người ‘cơ hội’.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment