Monday, October 26, 2009
HOA KỲ KHÔNG NÊN LO NGẠI QUÁ ĐÁNG TRƯỚC TRUNG QUỐC
Mỹ không nên lo ngại quá đáng trước Trung Quốc
Mai Vân
Bài đăng ngày 25/10/2009 - Cập nhật lần cuối ngày 25/10/2009 17:04 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/118/article_5446.asp
''Một cặp kỳ lạ'' : Trang bià tuần báo The Economist của Anh nổi bật với hàng tựa đập mắt này, giới thiệu hồ sơ đặc biệt dài 14 trang nói về quan hệ Mỹ Trung, nội dung xác định là vào lúc này, hai nước rất cần đến nhau, nhưng vẫn chưa thể tin tưởng nhau.
Trong bài xã luận, The Economist kêu gọi Hoa Kỳ cần phải tự tin hơn rất nhiều trong quan hệ với đối thủ cạnh tranh sát sườn nhất của mình. Trong rất nhiều lãnh vực, hai nước hiện đang ở trên cùng một con thuyền. Kinh tế hai bên đã gắn chặt với nhau, đặc biệt trong thập niên vừa qua. Washington là con nợ lớn nhất hành tinh, trong lúc Bắc Kinh trở thành chủ nợ lớn nhất của Mỹ. Đối với tuần báo Anh, thế giới hiện đang phải đối phó với rất nhiều vấn đề, từ biến đổi khí hậu cho đến vực dậy kinh tế, và đang yêu cầu Hoa Kỳ và Trung Quốc hợp sức với nhau để giải quyết.
Thế nhưng, quan hệ giữa hai cường quốc này vẫn còn bị chi phối bởi nỗi lo ngại về một cuộc chiến tranh lạnh mới, thậm chí một cuộc chiến thực thụ giữa hai bên. Một số người tại Washington đã coi Trung Quốc là một đế quốc Phổ hiếu chiến của thời nay, đang tăng cường tiềm lực quân sự để thách thức vai trò bảo vệ hòa bình tại châu Á của Mỹ (và bảo vệ chủ quyền Đài Loan). Một cách ngấm ngầm, Trung Quốc đóng cho mình một chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên, trong lúc các tướng lãnh của họ thường tránh không tiếp xúc với các đồng nhiệm Mỹ.
Làm cơ sở cho cuộc cạnh tranh chiến lược đó là đà vươn lên của Bắc Kinh về mặt kinh tế. Các công ty Trung Quốc ''thâu tóm'' từng mảng lớn của Châu Phi và Châu Mỹ La tinh, thân thiện với các chế độ bị Phương Tây tẩy chay. Với khối ngoại tệ dự trữ to lớn trong tay, kèm theo tài mặc cả, đầu tư của Trung Quốc tại Phương Tây sẽ gia tăng nhanh chóng trong những năm tới đây. Và quan trọng hơn cả, các điều vừa kể, Trung Quốc hiện nắm giữ món nợ 800 tỷ đô la của chính phủ Mỹ, đủ để cho họ có quyền sinh sát trên nền kinh tế Hoa Kỳ.
Theo The Economist, căng thẳng Mỹ - Trung sẽ còn gia tăng trong một vài năm tới vì hai lý do. Trước hết là vì vào năm 2012, sẽ có bầu cử tại Mỹ và tại Đài Loan, trong lúc ở Trung Quốc sẽ diễn ra Đại Hội đảng Cộng sản. Lý do thứ hai là thay đổi trong cách đánh giá sức mạnh của nhau. Hiện nay, người ta thường nói đến nhóm G2, bao gồm Trung Quốc và Hoa Kỳ, hàm ý rằng trọng lượng hai nước trên thế giới gần tương đương với nhau. Tuy nhiên, tuần báo Anh khẳng định, nhận xét đó vừa sai lạc, vừa nguy hiểm.
Trung Quốc còn thua kém Mỹ trên nhiều mặt
Tạp chí Anh giải thích, trước tiên kinh tế Trung Quốc không bằng 1/3 kinh tế Mỹ tính theo giá trị trên thị trường hối đoái hiện hữu. Kế đến là GDP trên đầu người của Trung Quốc chỉ bằng 1/14 của Mỹ. Chênh lệch về mặt công nghệ học giữa hai bên vẫn còn rất to lớn. Về quốc phòng, ngân sách Hoa Kỳ vẫn cao hơn gấp 6 lần so với Trung Quốc. Mặt khác, về món nợ của Mỹ, dưới dạng công trái phiếu, thì Trung Quốc rõ ràng không có lợi gì với một đồng đôla giảm giá, vì nó sẽ tác hại đến kinh tế Trung Quốc.
Trên bình diện thương mại, The Economist nhận thấy là thâm thủng thương mại to lớn của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc sẽ giảm thiểu vào lúc người dân Mỹ bớt tiêu xài, trong lúc kế hoạch kích thích kinh tế của Trung Quốc lại thúc đẩy mức tiêu thụ nội điạ. Ngoài ra, việc tố cáo một cách quá đáng xu hướng bánh trướng kinh tế của Trung Quốc ở nước ngoài có thể dẫn đến nguy cơ là khuyến khích bảo hộ mậu dịch tại Mỹ, trong khi thất nghiệp ở Hoa Kỳ rất cao.
Riêng về phương diện uy lực điạ lý chiến lược, theo The Economist, Trung Quốc không có sức và cũng không có ý muốn thách thức Hoa Kỳ. Cho dù lãnh đạo Trung Quốc hiện đang cắm mốc của mình trên sân khấu thế giới, nhưng mối quan tâm lớn của họ hiện nay là tình hình bất bình xã hội đang sôi sục trong nước với hàng năm có đến hàng chục ngàn cuộc biểu tình. Cùng với những thành tựu kinh tế, đã xuất hiện đủ loại căng thẳng - từ xã hội, văn hoá, đến dân số, và tôn giáo. Điều này ám ảnh chế độ và giải thích lý do vì sao giới lãnh đạo lại sử dụng đến chiêu bài chủ nghiã dân tộc.
Cho nên theo the Economist, Hoa Kỳ sẽ sai lầm khi dựa trên những khó khăn của chính mình để tiếp cận với Trung Quốc. Điều đáng lo ngại là một nước Mỹ, vì e dè trước Trung Quốc, có thể có một thái độ quá cứng rắn trên bình diện kinh tế, đặc biệt là thương mại, nhưng lại không cứng rắn trên mặt nhân quyền. Tạp chí Anh không tán đồng việc tổng thống Obama áp thuế trên vỏ xe hơi của Trung Quốc, xem đấy là một sự khuyến khích chế độ bảo hộ mậu dịch. Với nạn thất nghiệp gia tăng có thể lên đến 10%, sức ép sẽ gia tăng lên Quốc hội Mỹ, để tố cáo ngành xuất khẩu của Trung Quốc và việc Bắc Kinh giử đồng nhân dân tệ ở mức thấp. Đối với The Economist, đấy là những điều đáng ngại vì cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ đều sẽ bị thua thiệt nếu xẩy ra chiến tranh thương mại.
Tạp chí kết luận, nếu tự do kinh tế là một giá trị của Mỹ mà tổng thống Obama không nên hy sinh trong chuyến viếng thăm đầu tiên Trung Quốc của ông, thì còn một giá trị khác nữa ông cũng không nên hy sinh, đó là quyền tự do của con người. Thái độ độc đoán của Bắc Kinh không thể dễ chấp nhận hơn chỉ vì Trung Quốc là một cường quốc đang vươn lên, hay là vì nhân quyền là một món hàng để mặc cả, được nêu lên khi cần thiết mà thôi. Việc ông Obama cần đến Trung Quốc để củng cố kinh tế toàn cầu và đối phó với hiện tượng biến đổi khí hậu không có nghiã là lãnh đạo của thế giới tự do tránh né chỉ trích chế độ chính trị Trung Quốc.
Việc ông Obama tránh gặp đức Đạt Lai Lạt Ma tại Washignton vào tháng này, theo The Economist, chỉ là một miếng bánh vô ích mà ông tặng cho Bắc Kinh. Lý do là vì dù thế nào chăng nữa thì đảng Cộng sản Trung Quốc luôn luôn muốn tô điểm hình ảnh của mình trong nước, vì thế sẽ phải cho thấy là chuyến viếng thăm của tổng thống Mỹ thành công, cũng như mong muốn của ông Obama.
Trung Quốc tăng trưởng nhanh nhưng chưa thể hiện đại hóa
Cũng nhìn sang Trung Quốc, tạp chí Le Courrier International tuần này, trích dẫn hai sử gia nguời Hoa, giải thích tại sao Trung Quốc vẫn không hiện đại hoá được, tựa hồ sơ mục tranh luận.
Theo ông Kim Quan Đào và bà Lưu Thanh Phong, cặp vợ chồng sử gia làm việc tại Hong Kong, lịch sử Trung Quốc là một chuỗi nối tiếp nhau của các thời kỳ phồn thịnh và bất ổn định xã hội. Chu kỳ khắc nghiệt này trong mắt hai sử gia có thể lại đang diễn ra.
Nhìn lại thế kỷ 20, hai sử gia đánh giá, Trung Quốc có hai thời kỳ phát triển kinh tế nhanh chóng : đó là giai đoạn 20 năm, từ 1900 đến 1920, và giai đoạn hiện nay, khởi sự năm 1979, với chính sách cải tổ của ông Đặng Tiểu Bình. Hai giai đoạn này có những điểm tưong đồng : kinh tế phát triển rất nhanh, tăng trưởng đều trên 10% và tất cả những thành phố lớn hiện đại Trung Quốc đều hình thành vào giai đoạn này, với những vùng ven biển có mức sống cao, không kém gì những nước tiên tiến thời đó. Người dân Thượng Hải chẳng hạn, đã sớm có radio, chỉ hai năm sau khi chiếc máy này đươc sáng chế ở phương Tây.
Thế nhưng tại sao giai đoạn hiện đại hoá này chỉ kéo dài có 20 năm ? Theo hai sử gia, đó là vì sự chuyển biến nhanh chóng của xã hội dẫn đến những vấn đề nan giải. Những cải tổ vào thời cuối trào nhà Thanh dựa trên mô hình định chế chính trị kinh tế phương Tây và Nhật Bản.
Thành phần ưu tú và tiền bạc của họ hướng về các thành thị, những thành phố ven biển giàu lên trong lúc mà vùng nông thôn tiếp tục thiếu thốn. Sự chênh lệch giữa những người giàu và nghèo gia tăng, cũng như giữa những vùng phiá đông và phiá tây. Một tình trạng không khác gì ngày nay. Và trong những năm 20, nông thôn với những đám đông đói khổ ngày càng nhiều đã trở thành những nơi phát sinh bất ổn định. Thời kỳ cách mạng đã đến.
Đối với hai sử gia Kim Quan Đào và Lưu Thanh Phong, những gì xẩy ra vào thời kỳ phát triển nhanh đầu thế kỷ 20 có khả năng tái diễn, nếu nhìn vào tình trạng hiện nay ở Trung Quốc. Ngày nay trong lúc mà kinh tế và xã hội Trung Quốc chuyển biến nhanh, thì các định chế dựa trên một ý thức hệ xơ cứng không mảy may thay đổi.
Theo hai sử gia này, không nên chờ đợi bất ổn định xã hội thêm nghiêm trọng và kinh tế yếu đi để tìm cách đói phó với khủng hoảng, mà phải hành động ngay bây giờ, phải cải tổ chính trị, phải xây dựng một cái khung hiện đại, trở thành một nhà nước pháp quyền thật sự, thoát khỏi chế độ Đảng và Nhà nước chỉ là một. Cần phải hành xử dựa trên Hiến pháp, một hiến pháp giới hạn và giám sát quyền hạn chính quyền.
Dư luận có tiếng nói đối với hành vi của các công chức và luật lệ phải minh bạch.
Có thế, Trung Quốc mới hiện đại hoá được đất nước và xã hội, thoát ra được chu kỳ khắc nghiệt phát triển và bất ổn định. Đối với hai sử gia, Hồng Kông và Đài Loan có những kinh nghiệm mà Trung Quốc có thể sử dụng trong việc hiện đại hoá.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment