Saturday, October 24, 2009
BUỒN CHO PHÁP LUẬT VIỆT NAM
Buồn cho pháp luật Việt Nam
Phalevietnam
23.10.2009
http://www.x-cafevn.org/node/2299
Nghị quyết Đại hội IX (Tháng 4/2001) của Đảng khẳng định nhiệm vụ chiến lược: “Xây dựng nhà Nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng”; với phương châm: “Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật. Mọi cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, mọi công dân có nghĩa vụ chấp hành Hiến pháp và pháp luật “
Sang Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 4/2006) tiếp tục khẳng định mạnh mẽ đường lối xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Đại hội X nêu ra phương hướng: “Xây dựng cơ chế vận hành của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Qua đó chúng ta thấy rằng Đảng và nhà nước cộng sản luôn tỏ ra coi trọng và hết sức quan tâm việc xây dựng một Nhà nước pháp quyền XHCN. Vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền còn nhiều lần được các Lãnh Đạo cao cấp nhất của Đảng và nhà nước ta đề cập đến trong các hội nghị quan trọng, điển hình là bài phát biểu của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XII: “Đảng ta chủ trương xây dựng cơ chế vận hành của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa phải bảo đảm nguyên tắt tất cả các quyền lực Nhà nước đều thuộc về nhân dân, quyền lực Nhà nước là thống nhất…”
Gần đây nhất là trong buổi khai mạc Đại hội đồng lần thứ X hội Luật các nước ASEAN, Chủ Tịch Nước Nguyễn Minh Triết đã phát biểu trước hàng trăm đại biểu quốc tế tham dự hội nghị: "Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân được xác định ở Việt Nam như một xu thế tất yếu khách quan và đã được đưa lên thành một quy tắc Hiến định, thể hiện sự kết hợp tính phổ biến của Nhà nước pháp quyền với những giá trị độc đáo của nó ở Việt Nam”.
Trước quyết tâm xây dựng nhà nước Pháp Quyền XHCN của Đảng và nhà nước đã tạo nên được những dư luận hết sức đồng tình và ủng hộ; mọi tầng lớp dân dân trong nước điều hi vọng vào một tương lai tương sáng cho nền tư pháp của nước nhà khi mà mọi hoạt động của bất kỳ tổ chức cá nhân nào điều nằm trong khuôn khổ luật pháp, và pháp luật đóng vai trò thượng tôn trong xã hội. Từ đó duy trì ổn định về an ninh chính trị, kinh tế xã hội; giảm đến thấp nhất những tệ nạn xã hội, giáo dục người dân sống và làm việc theo pháp luật trong một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh! (???)
Nhưng thực tế đã không như vậy, trong thời gian vừa qua dư luận phải chứng kiến những vụ án mà cách hành xử của các cơ quan thực thi và bảo vệ pháp luật lại chà đạp lên pháp luật một cách trắng trợn, bất chấp luân thường đạo lý, bất chấp lẽ phải và công bằng xã hội. Đặc biệt qua những vụ án đổi trắng thay đen ấy bất cứ người dân nào cũng nhận ra đã có những ô dù rất lớn có thể bao che cả bầu trời.
Nhưng ô dù có lớn đến mấy cũng không thể che hết mắt dư luận, và càng không thể che hết ánh sáng của hàng triệu tòa án công lý do lương tâm của người dân phán xét. Cũng chính từ đây mọi tầng lớp nhân dân đã nhận thức được rằng quyết tâm xây dựng một Nhà nước pháp quyền của Đảng vẫn chỉ là những khẩu hiệu mang tính hình thức chứ không có một chút giá trị cụ thể nào trong xã hội, và cũng chỉ là những lời văn hoa mỹ làm đẹp những Nghị quyết, những báo cáo của một tổ chức chính trị mà thôi!
Để làm sáng tỏ vấn đề và tăng thêm phần thuyết phục chúng ta sẽ cùng nhớ lại một vụ án vô cùng đau lòng:
1.
Vào ngày 12/9/2008, Tòa án Nhân dân quận 9, TP HCM, tuyên án ca sĩ Trí Hải, 22 tuổi, không làm chủ tay lái lúc điều khiển ôtô gây tai nạn khiến 2 người chết, 2 người khác bị thương. Và người thanh niên trẻ này phải chịu mức án là 4 năm 6 tháng tù theo điều 202 Bộ Luật Hình Sự (BLHS). Nhưng sau khi thụ án được chỉ mới được 1 năm anh ta đã chết vào ngày 20/10/2009 vì bệnh phổi tiền sử.
Đây là một vụ án khiến dư luận rất quan tâm và đau xót vì một phút vô ý người thanh niên trẻ tuổi đã tự đánh mất sự nghiệp và tương lai tươi sáng cùng 2 mạng sống con người và bây giờ là chính cả sinh mạng của anh ta. Nhưng bên “tình” còn có “lý”, để duy trì công bằng và công lý cho xã hội, pháp luật đã không thể vì cái “tình” mà nương tay và mức án 4 năm 6 tháng tù mặc dù có nặng nề nhưng đã được dư luận ủng hộ. Chúng ta nên chú ý rằng mức án trên được phán quyết đã bao gồm các tình tiết giảm nhẹ được HĐXX tính đến như bị can đã đầu thú và thành khẩn khai báo, vi phạm lần đầu, đã bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân… Ngoài ra trước khi ca sĩ Trí Hải thụ án đã có tiền sử bệnh gan và phổi cũng có thể xét vào tình tiết giảm nhẹ nhưng không biết Tòa Án có xét đến tình tiết này không?
2.
Cũng một vụ án tương tự ngày 22/10/2009 TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Chu Văn Thưởng nguyên Giám Đốc Sở NN&PTNT với mức án 36 tháng tù treo theo điều 202 BLHS vì lái xe trong tình trạng say rượu đã đụng chết hai người, đồng thời Thưởng đã bỏ mặc nạn nhân và “mớm cung” cho tài xế nhận tội thay nhưng sau cùng cũng đã bị cơ quan điều tra phát hiện.
Bản án của TAND TP Hà Nội đã làm dấy lên sự căm phẫn trong dư luận! Sao lại có một bản án nhẹ như vậy khi mà hậu quả gây ra là sinh mạng của 2 con người? Phải chăng sự khác biệt ở đây ông Chu Văn Thưởng là Đảng viên? Và Hội đồng xét xử thì cho rằng nhân thân của bị cáo “phạm tội lần đầu, bản thân có nhiều thành tích” nên được giảm án?
Rõ ràng là một sự nhạo báng luật pháp khi bất kỳ ai công tác trong ngành luật cũng biết rằng, với hậu quả của ông Thưởng gây ra nếu xét theo điều 202 BLHS ông Thưởng phải bị mức án thấp nhất là ba năm tù giam với điều kiện phải có đủ 3 tình tiết giảm nhẹ mà không có tình tiết tăng nặng nào. Nếu xét cho ông phạm tội lần đầu là tình tiết giảm nhẹ thứ nhất, có nhiều “thành tích” là tình tiết giảm nhẹ thứ hai và đã bồi thường đầy đủ cho gia đình nạn nhân (Điều này không nghe tòa nhắc đến) là tình tiết giảm nhẹ thứ 3; thì phạm tội trong khi say rượu phải là tình tiết tăng nặng thứ nhất phải được tính đến, gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn trách nhiệm và không cứu giúp người bị hại là tình tiết tăng nặng thứ hai, mớm cung, không thành khẩn khai báo là tình tiết tăng nặng thứ ba. Đó là chưa kể không biết ông có bằng lái hay không? Như vậy với những tình tiết tăng nặng như trên thì mức án của ông Thưởng không thể nào chỉ nằm ở mức 3 năm tù giam.
Vậy mà TAND TP Hà Nội chỉ xử lý ông 3 năm tù treo, một bản án để cho là có bản án, để đối phó với dư luận. Như vậy chẳng phải pháp luật đã bị chính một cơ quan thực thi pháp luật chà đạp lên là gì?
3.
Vụ án của ông Chu Văn Thưởng không phải là vụ án duy nhất mà người ta có thể thấy được sự vô lý bất công của bản án, bây giờ chúng ta sẽ cùng xem xét lại một vụ án thứ hai, vụ án có thể coi là gây chấn động dư luận và kỳ bí nhất Việt Nam với kết quả đổi trắng thay đen trắng một cách vô cùng trắng trợn, vụ án PMU18 và Thứ Trưởng Nguyễn Việt Tiến!
Trong lần điều tra bổ sung lần 2 vào cuối năm 2007 Cơ Quan Điều Tra (CQĐT) đã bảo lưu 3 tội danh của Thứ Trưởng Nguyễn Việt Tiến: Cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng, lợi dụng chức vụ và quyền hạn, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và trước đó CQĐT cũng đã “bước đầu” xác định rõ 5 sai phạm của ông Nguyễn Việt Tiến bao gồm:
- Thứ nhất, tự ý điều chuyển 5 ô tô của các dự án ODA. Đây là những chiếc xe “tạm nhập tái xuất”, được miễn thuế nhập khẩu. Sai phạm này của ông Tiến được xác định là gây thất thoát khoảng 4 tỷ đồng tiền thuế.
- Thứ hai, ông Tiến có sai phạm trong dự án cầu Phả Lại, làm dự án này “đội giá” đến 31 tỷ đồng. Mặc dù vậy, chất lượng công trình sau khi khánh thành vẫn rất kém, dẫn đến việc phải chi thêm nhiều tỷ đồng để sửa chữa.
- Thứ ba, ông Tiến duyệt chi sai nguyên tắc 270 triệu đồng khi ký văn bản “hỗ trợ” xây nền chợ xã Văn An (Chí Linh, Hải Dương) để xây dựng chợ, trích từ quỹ “giải phóng mặt bằng”.
- Thứ tư, cơ quan điều tra xác định ông Tiến có dấu hiệu sử dụng trái phép tài sản công.
- Thứ năm, ông Tiến là người phải chịu trách nhiệm chính trong một số dự án do PMU quản lý, như dự án cải tạo, nâng cấp QL2; dự án quốc lộ 10; dự án quốc lộ 18 đoạn Nội Bài - Bắc Ninh…Đây là những dự án xuống cấp trầm trọng hoặc bị đề nghị xuất toán hàng chục tỷ đồng
Cũng trong quá trình điều tra, CQĐT đã nghi ngờ về số tài sản khổng lồ lên đến hàng chục tỷ đồng thuộc sở hữu của Nguyễn Việt Tiến như một biệt thự tại khu đô thị cao cấp Ciputra, 2 mảnh đất 600 m2 ở quận Tây Hồ, một biệt thự ở Trung Hòa - Nhân Chính, một số trang trại và đất làm khách sạn ở Chí Linh, Hải Dương... và Một trang trại ở huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương rộng 7 héc ta do con rể ông Tiến đứng tên. Nếu với đồng lương công chức thì thử hỏi ông Tiến đào đâu ra số tài sản kết xù này? Chẳng lẽ chúng đều từ trên trời rơi xuống?
Và một khi VKSNDTC đã phê duyệt quyết định khởi tố hình sự ông Nguyễn Việt Tiến thì rõ ràng đã có đủ bằng chứng chứng cứ để buộc tội ông, vậy mà sau 18 tháng tạm giam ông Nguyễn Việt Tiến bổng nhiên “vô tội” mặc dù trước đó với các chứng cứ của CQĐT khẳng định chắc nịch ông có vô số tội. Để giải thích cho sự kỳ lạ này Viện phó VKSNDTC Hoàng Nghĩa Mai đã trả lời báo VnExpress việc khởi tố ông Tiến “ngoài chứng cứ pháp lý, còn có cả yếu tố dư luận, do đó việc phê chuẩn khởi tố là không tránh khỏi”. Phát biểu này đã làm sửng sốt dư luận vì nếu nói như ông Mai ở VN lại có chuyện khởi tố theo “dư luận”?
Thay thế ông hai nhà báo kỳ cựu của vụ PMU18 của báo Thanh Niên và Tuổi Trẻ và Thiếu Tướng Phạm Xuân Quắc bên CQĐT phải vào vòng lao lý, và làng báo chí bị thanh trừng mạnh mẽ chưa từng thấy với sự ra đi của hàng loạt nhà báo như Phó Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ Bùi Thanh (Bùi Thanh bị rút cả thẻ nhà báo), Tổng biên tập báo Thanh Niên, Tuổi trẻ, Đại Đoàn Kết…
Vụ án xem như được khép lại với những ẩn số không có lời giải cho đến tận hôm nay!
4.
Sau PMU18 gần đây dư luận lại một phen hoảng hốt khi Nhật Bản tuyên bố ngừng viện trở ODA cho Việt Nam sau khi khởi tố một số lãnh đạo công ty PCI (Nhật Bản) đã đưa hối lộ để giành hợp đồng tư vấn trong dự án ODA Đại Lộ Đông Tây cho ông Huỳnh Ngọc Sĩ Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, Giám đốc Ban quản lý dự án Đại lộ Đông Tây thành phố Hồ Chí Minh với số tiền bị cáo buộc là 820,000 USD. Sau một thời gian điều tra ông Sĩ bị cáo buộc “Lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ” một tội danh chẳng liên quan gì đến hối lộ và được Tòa Án Nhân Dân TP HCM tuyên mức án chỉ có 3 năm tù.
Trong khi phía Nhật đã cung cấp đầy đủ bằng chứng cho phía Việt Nam với 4.000 trang tài liệu nhưng Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cho rằng “Nếu dịch hết nội dung những tài liệu trên cũng phải tốn bạc tỷ”. Có lẽ vì không đủ khả năng dịch ra hay không đủ kinh phí hay có dịch ra mà dịch không chính xác nên không tìm ra tội hối lộ của ông Sĩ chăng?
Còn giải thích cho mức án này HĐXX cho rằng ông Sĩ có nhân thân tốt (có thể hiểu là Đảng viên, gia đình có công với cách mạng) và có nhiều đề nghị của các cơ quan xin xem xét giảm nhẹ tội cho ông Sỹ nên chỉ cho ông mức án có 3 năm tù trong khi nếu bị xử đúng tội Nhận Hối Lộ theo điều 279 BLSH, với số tiền nhận hối lộ khủng khiếp như trên thì ông Sĩ phải chịu mức án Chung thân (vì mức án Tử Hình mới bị bỏ rồi). Đó là chưa kể cho dù tạm gác qua một bên tội Nhận hối lộ thì với tội danh “Lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ” ông cũng phải chịu mức án thấp nhất là 5 năm tù theo khung hình phạt (kể cả tính hết các tình tiết giảm nhẹ)
Qua vụ án này dư rất luận bất bình khi thấy rằng ông Sĩ nhờ “nhân thân” là Đảng viên nên được Pháp Luật cho “ngoại lệ” và nhiều cơ quan khác ủng hộ tội của ông nên gửi đơn yêu cầu Tòa giảm nhẹ tội cho ông! Với một vụ án tưởng chừng đã rõ như ban ngày, bên đưa hối lộ đã nhận tội và bị pháp luật trừng trị còn người nhận hối lộ thì lại “oan uổng” chịu một bản án không lien quan gì đến hối lộ? Nhưng cũng nhờ vậy mà chúng ta mới biết thêm một tội danh nữa của ông Sĩ, giả sử ông Sĩ không bị phía Nhật cáo buộc nhận hối lộ thì có đến thiên thu chúng ta cũng không biết được tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” của ông ta.
Ở trên chỉ là những vụ án tiêu biểu mà bất cứ người dân bình thường nào có đủ năng lực hành vi điều có thể nhận ra ngay sự kỳ lạ bí ẩn của nó huống chi là những người am hiểu pháp luật đang công tác trong các cơ quan lãnh đạo nhà nước. Chúng ta cũng đừng quên một chi tiết rất quan trọng, những vụ án trên là những vụ án nổi đình nổi đám được dư luận hết sức quan tâm theo dõi vậy thử hỏi những vụ án không được dư luận quan tâm thì tình trạng coi thường pháp luật của các cơ quan thực thi pháp luật và tầng lớp các bộ công chức còn diễn ra nghiêm trọng như thế nào nữa?
Và Tòa án nhân dân tối cao Hà Nội và TP HCM có thể xem là hai cơ quan thực thi pháp luật cao nhất quốc gia vậy mà có thể đưa ra những bản án chà đạp lên pháp luật như vậy thì những cơ quan thi hành pháp luật cấp dưới liệu còn tệ hại đến mức nào nữa?
Bị cáo Đinh Xuân Tùng thường đút tay vào túi quần khi trả lời trước tòa
http://i229.photobucket.com/albums/ee63/dienvy_photos/8170tham20phan201.jpg
Thật ra nói các vụ án trên là kỳ lạ bí ẩn là chúng ta nói tránh chứ ai cũng biết rõ nếu không có sự bảo kê và chỉ đạo từ các lãnh đạo cao cấp phía trên thì cho dù gan có to đến mấy TANDTC Hà Nội và HCM cũng không đời nào dám đưa ra những bản án nhạo báng pháp luật vô lý đến như vậy!
5.
Đó là những vụ án lớn còn vụ án nhỏ cấp Tỉnh thì kể ra một vài vụ ai cũng phải giật mình, như vụ xét xử Thẩm phán TAND huyện Cai Lậy, Tiền Giang Đinh Xuân Tùng đã ký khống quyết định công nhận thuận tình ly hôn cho người dân để ông ta dùng quyết định này đi lấy vợ khác. Mọi chuyện vỡ lẽ ra và ông Tùng bị đem ra xét xử, thật trớ trêu thay mặc dù là một thẩm phán am hiểu về pháp luật nhưng khi đứng trước vành móng ngựa ông thản nhiên đút tay vào túi quần như thể đi “dạo mát”; còn bà thẩm phán xét xử bị cáo mà vô gọi bị cáo bằng “anh” và xưng “tôi” như thể đôi bạn thân thiết đang thân mật tâm sự, đặt biệt bà còn bỏ mặt sự trang nghiêm của Tóa án khi cuối xuống bàn nghe điện thoại ngay trong giờ xử án. Đến đây thì chắc hẳn chúng ta cũng đoán ra được mức án mà Tòa sẽ đưa ra cho ông Tùng, ông được miễn hình phạt và cấm đảm nhiệm chức vụ một năm chẳng khác nào cho ông Tùng đi nghỉ mát một năm rồi quay về làm tiếp? Mặc dù theo điều 296 Bộ Luật Hình sự về tội “Ra quyết định trái pháp luật” ông Tùng phải chịu mức án thấp nhất là 6 tháng tù treo, bị cấm đảm nhiệm chức vụ từ 1 đến 5 năm. Chưa kể rõ ràng là có hành vi hối lộ trong vụ án này (Chẳng lẽ ông Tùng ký khống quyết định vì “tình thương mến thương” đối với một người dân không quen biết mà không đòi hỏi chút công lao gì?) đã bị CQĐT làm ngơ.
Chủ toạ phiên toà cúi xuống nghe điện thoại khi HĐXX đang làm việc
http://i229.photobucket.com/albums/ee63/dienvy_photos/8170chutoa.jpg
Theo thống kê trong năm 2007 đã có 35 cán bộ thẩm phán bị kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tính ra là khoảng 1% so với 3350 thẩm phám và tòa án cấp huyện, tỉnh trong cả nước có dính đến tiêu cực. Đó là thống kê trong một năm còn những năm khác không có thống kê thì bao nhiêu nữa và chưa kể ai cũng biết rằng những vụ bị phát hiện chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, vậy tính ra số thẩm phán cán bộ Tòa án tiêu cực chắc chắn sẽ không thể nào dừng lại ở con số 1% trong khi ở những nước có nền tư pháp tiến bộ như Mỹ thì từ năm 1789 đến 2007, hơn 200 năm chỉ có 7 thẩm phán bị kết tội (Theo số liệu của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ).
Còn khi Ông Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam kể, mới đây ông có tháp tùng đoàn thẩm phán của Việt Nam sang Anh. Khi đến thăm tòa án, một thẩm phán của ta hỏi: “Ở Anh, nếu thẩm phán nhận hối lộ thì xử lý ra sao?”. Vị thẩm phán nước bạn trố mắt như bị xúc phạm: “Nhận hối lộ ư? Tôi đã làm việc ở đây 40 năm nhưng chưa bao giờ nghe hoặc chứng kiến có chuyện ấy xảy ra”
Qua đó chúng ta có thể thấy được trong khi cơ quan thực thi pháp luật ở nước ta còn vi phạm pháp luật nhiều và nghiêm trọng đến như vậy thì thử hỏi trên toàn xã hội đã có biết bao nhiêu vụ án bất công đã được xét xử, đã có biết bao nhiêu người vô tội bị xử oan, người có tội được nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật hoặc phải chịu hình phạt không tương xứng?
Đến đây chúng ta không thể không buồn lòng cho Pháp luật Việt Nam, mặc dù được nâng lên vai trò “Thượng tôn” trong xã hội nhưng pháp luật hầu như chỉ có thể răn đe những người dân đen, khốn cùng trong khi một bộ phận quan chức, Đảng viên, những người có tiền của thì vẫn có thể ngang nhiên dẫm đạp lên luật pháp giữa ban ngày ban mặt bất chấp dư luận, bất chấp công bằng lẽ phải.
Thử hỏi với cơ chế hiện nay khi một Đảng viên vi phạm pháp luật muốn bắt giữ họ phải “xin ý kiến” của Đảng ủy và phải được Cấp ủy ra quyết định đình chỉ công tác của người đó rồi mới được bắt giữ, đồng thời việc bố trí cán bộ của Tòa Án do sự xắp xếp của Đảng thì cùng là người trong một nhà, Đảng viên xử Đảng viên như thế nào đây? Có được công bằng và khách quan không? Đó là chưa kể những dây mơ rễ má bên trong mà nhiều khi cho dù có muốn Tòa cũng không dám đụng đến! Có lẽ Nhà nước pháp quyền sẽ chỉ mãi là ước mơ của người dân Việt Nam, một ước mơ trong nhiều ước mơ bình dị khác mà hàng tỉ người trên thế giới này đang được thừa hưởng. Và cái danh xưng mỹ miều “Nhà nước pháp quyền XHCN” chỉ mãi nằm trong những báo cáo, nghị quyết của các kỳ đại hội để tô thêm phần đẹp đẽ cho những báo cáo, nghị quyết đó chứ xã hội sẽ luôn bị vấy bẩn khi quyền lực, vật chất chà đạp lên luật pháp dưới sự chứng kiến bất lực của người dân.
Ngày nào chúng ta chưa xây dựng được cơ chế tam quyền phân lập thì ngày đó pháp luật không thể nào gọi là “Thượng tôn”, có chăng pháp luật chỉ có thể là một ông vua bù nhìn chịu sự sai khiến mà thôi! Và ngày đó chúng ta còn phải buồn nhiều nữa cho Pháp luật Viêt Nam! Cũng như buồn cho chính bản thân chúng ta!
Điều 202. Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ quy định:
1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định;
b) Trong khi say rượu hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác;
c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
d) Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;
đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
Điều 279 Bộ luật Hình sự quy định về tội nhận hối lộ như sau:
“1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Gây hậu quả nghiêm trọng;
b) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;
c) Đã bị kết án về một trong các tội phạm về tham nhũng, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Có tổ chức;
b) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Phạm tội nhiều lần;
d) Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước;
đ) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Của hối lộ có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm:
a) Của hối lộ có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Của hối lộ có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần giá trị của hối lộ, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.
Người lợi dụng chức vụ, quyền hạn có thể nhận hối lộ để làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm của mình vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ. Ví dụ nhận tiền hoặc quà biếu để tuyển dụng một người vào làm việc tại cơ quan, để xét tăng lương trước thời hạn cho người lao động; không lập biên bản để xử lý xây dựng nhà trái phép, không kiểm tra hàng hoá của đối tượng nghi là buôn lậu...
Thủ đoạn và hình thức nhận hối lộ, tài sản dùng để hối lộ rất đa dạng, phong phú. Tài sản dùng để hối lộ có thể là tiền, tài sản hoặc các lợi ích vật chất khác như giấy chuyển nhượng nhà, quyền sử dụng đất, vé đi du lịch, hoặc kể cả quà tặng cho người thân của người có chức vụ, quyền hạn... Tài sản hối lộ có thể được đưa trực tiếp cho người nhận nhưng cũng có thể chuyển gián tiếp qua bưu điện hoặc thông qua người thứ ba hoặc núp dưới các hình thức như cho vay, trả nợ, trả tiền thù lao...
Để kết luận một người phạm tội nhận hối lộ phải có các dấu hiệu sau đây:
Thứ nhất, người nhận hối lộ phải có chức vụ, quyền hạn và đã sử dụng chức vụ, quyền hạn của mình để nhận hối lộ.
Thứ hai, có sự thoả thuận trước về việc nhận và đưa hối lộ giữa người có chức vụ, quyền hạn và người đưa hối lộ nhằm nhận được một lợi ích nào đó và người có chức vụ, quyền hạn đã đồng ý nhận tiền, tài sản mà không phụ thuộc vào việc trên thực tế đã có việc giao và nhận hay chưa. Trong trường hợp người có chức vụ, quyền hạn chủ động đòi hối lộ thì tội phạm hoàn thành kể từ thời điểm người phạm tội tỏ rõ thái độ của mình và người đưa hối lộ chấp nhận sự đòi hỏi đó.
Thứ ba, tài sản dùng để hối lộ phải có giá trị từ 500 nghìn đồng trở lên. Nếu tài sản hối lộ có giá trị dưới 500 nghìn đồng thì người nhận hối lộ chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu hành vi phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội phạm về tham nhũng chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment