Sunday, October 4, 2009
ĐỐI LẬP và PHẢN BIỆN
“Đối lập” và “Phản biện”
Trương Phước Trường
04/10/2009 1:25 sáng
http://www.talawas.org/?p=11085
Tại một quốc gia dân chủ, thông thường một đảng được đa số người dân tín nhiệm bầu ra (hoặc trực tiếp, hoặc theo đa số số ghế trong Hạ Nghị Viện), sẽ ra nắm quyền và những đảng còn lại sẽ đóng vai trò “đối lập”.
Danh từ “đối lập” thật ra không diễn tả được trọn vẹn tất cả ý nghĩa và vai trò của những đảng “không nắm quyền” vì mới nghe qua, người ta có một cảm giác rất tiêu cực về hai chữ “đối lập”, trong khi thực tế kinh nghiệm của những quốc gia dân chủ cho ta thấy vai trò của những đảng đối lập thật ra rất tích cực và quan trọng. Có thể nói, không có “đối lập”, người dân một nước dân chủ sẽ “chẳng biết đâu mà lường” đối với các chính sách của nhà nước. Vì sao? Vì sẽ không có những người làm các công việc kiểm tra, giám sát, phân tích: vạch rõ ra các lổ hổng, các ngõ cụt, các điểm thiếu thực tế, các sự thiếu cân bằng, các sai lầm về lý luận, v.v. trong các chính sách của nhà nước.
Trên nguyên tắc, một người dân biểu của một đảng “đối lập” mang những trách nhiệm đối với người dân không thua gì trách nhiệm của những người dân biểu thuộc đảng đang nắm quyền. Chỉ khác nhau ở chỗ là “đối lập” không nắm quyền và vì thế họ không thể trực tiếp xây dựng cho các chính sách cho nhà nước. Tuy nhiên, họ vẫn có thể gián tiếp góp phần xây dựng cho các chính sách ấy bằng nhiệm vụ kiểm tra, phân tích, thẩm định, chất vấn về các chính sách của nhà nước trước quốc hội. Vai trò gián tiếp ấy quan trọng không kém gì vai trò trực tiếp của nhà nước. Nếu không có những người kiểm tra và thẩm định các chính sách thì có khi chính sách sai, kém hiệu quả mà cũng chẳng ai biết đến, hay khi biết đến thì sự việc đã quá trễ rồi. Người dân một nước dân chủ vì nhờ có các đảng đối lập (ngoài vai trò của báo chí tự do) mà am tường và cập nhật hơn hơn về các chính sách của nhà nước. Nhờ thế mà họ mới có thể có khả năng quyết định tối hậu ai là người sẽ lãnh đạo họ.
Nói vắn tắt, người dân một nước dân chủ chọn chính phủ để lãnh đạo họ, và nếu không nhờ có sự hiện diện của những đảng “đối lập” thì sự chọn lựa ấy gần như vô nghĩa. Nói một cách chính xác, các đảng “đối lập” không phải là các tổ chức chỉ lo “chống” lại nhà nước như người ta hiểu lầm nó. Một đảng đối lập mà chỉ lo làm các công việc tiêu cực ấy thì chẳng bao giờ mong được sự tín nhiệm của người dân để ra nắm quyền. Thêm vào đó, thực tế của các quốc gia dân chủ cho ta thấy tài năng lãnh đạo của những người trong các đảng đang cầm quyền ít khi nào rơi vào tình trạng bế tắc và tệ mạt đến mức độ các đảng phái đối lập cần phải “chống đối” toàn diện. Vì thế, nói chung, các công việc bình thường của các đảng “đối lập” hầu như chỉ gồm việc theo dõi giám sát và có khi cũng có thể phải bổ sung thêm cho các chính sách của nhà nước (nếu muốn được uy tín với người dân là một đảng “đối lập” có thiện chí xây dựng hơn là chỉ “chống phá”). Đó là trách nhiệm chính yếu của “đối lập”. Đối lập để xây dựng (dù là gián tiếp) cho đường lối và chính sách của đất nước họ. Đối lập nhưng không “đứng ngoài lề”, và sau cùng “đối lập” như những công dân bình đẳng với người nắm quyền, chứ không phải vì không có quyền lực trong tay mà trở thành dân “hạ cấp” (second class citizens).
Bây giờ ta thử tìm hiểu về các vai trò “đối lập” (nếu có) trong một quốc gia thiếu dân chủ.
Trước nhất, ngay từ định nghĩa của chữ “thiếu dân chủ”, ta đã hiểu rằng nếu không có dân chủ thực sự tức là người dân không có quyền tối hậu chọn lựa các cá nhân để lãnh đạo mình và các chính sách do nhà nước đưa ra thì nói làm chi đến quyền “đối lập”. Tuy nhiên, vì để tạo ra một không khí “khoa học” và có vẻ như dân chủ – dù là dân chủ kiểu “tối ưu”, tức là “đồng thuận” (100 phần trăm thay vì chỉ cần đa số đồng ý) người ta vẫn có thể chứng kiến những sự “đối lập giả tạo” trong những quốc gia thiếu dân chủ qua hình thức của những cơ quan hay tổ chức gọi là “nghiên cứu” để “phản biện”. Nhưng thế nào là “phản biện”?
Đưa ra một vài ví dụ. Hai “viện” nghiên cứu về chính sách phát triển kinh tế có thể đưa ra hai loại chính sách hoàn toàn trái ngược nhau: (1) tăng thuế lợi tức đối với người giàu và tăng ngân sách của chính phủ cho người nghèo, hoặc (2) giảm thuế lợi tức cho người giàu và cắt ngân sách của chính phủ cho người nghèo. Rõ ràng là hai loại chính sách nầy “phản biện” nhau, nhưng không cần đến những sự “nghiên cứu” cao siêu thì người ta mới nhận ra được các đường lối phát triển “trái ngược” nhau như vậy. Vấn đề chính yếu trong chính sách không phải là “phản biện” mà thực sự là ai có quyền chọn lựa và quyết định tối hậu để đưa ra các chính sách. Thêm vào đó, thực tế của các vấn đề chính sách (kinh tế hay chính trị, ngoại giao, và cả quân sự) thường không phải là vấn đề chính sách “trắng” hay “đen” mà thường là ở mức độ và ở các chi tiết nhiều hơn là ở các vấn đề triết học trừu tượng hay lý thuyết cao siêu. Vì thế có khi sự chọn lựa giữa (1) và (2) còn tùy theo thời điểm của thế giới và tùy theo mức độ cân bằng (hay mất cân bằng) trong hiện tại. Vì vậy, để quyết định cần phải chọn đường lối nào, người ta cần quyền quyết định và những con người có trách nhiệm hơn là những con người chỉ biết lo có sự “nghiên cứu”. “Phản biện” vì thế có khi chẳng mang đến lợi ích thực tế gì nếu như không có quyền “đối lập” thật sự, vi “đối lập” – như trên đã trình bày chi tiết, không phải là quyền “chống đối” suông một cách vô trách nhiệm mà quả thật là một trách nhiệm đứng ra thay cho quyền chọn lựa tối hậu của người dân. Nếu như người dân không có quyền để chọn lựa thì dù cho có quyền “phản biện”, quyền ấy để cho ai và “đại diện” được cho ai?
Nói tóm lại, việc xây dựng các chính sách phục vụ cho đất nước và cho người dân có khi không cần phải có các sự “chống đối” dù trên lý thuyết hay thực tế. Chỉ cần có các quyền thay đổi vì nói chung, kinh nghiệm của các xã hội đã phát triển cho ta thấy, phát triển không nhất thiết là lúc nào cũng cần “cách mạng” tức là đạp đổ tất cả những gì đã hay đang được xây dựng, mà quả thật là cần nhiều hơn các quyền kiểm tra, phân tích, giám sát để bổ sung những gì cần xây dựng thêm và thay đổi những gì không có hiệu quả. Đó chính là ý nghĩa thật sự của hai chữ “đối lập” trong một quốc gia dân chủ. Không có “đối lập” tích cực thì dù có phản biện từ trong hay ngoài nước, từ cá nhân hay đoàn thể, cũng là vô tích sự, và chỉ có giá trị, nhiều lắm là như những bức “tâm thư” cho những con người không bao giờ cần đọc.
© 2009 Trương Phước Trường
© 2009 talawas blog
Phản hồi
Đào Nguyên nói:
04/10/2009 lúc 7:00 chiều
Đọc bài này xong tôi thú thật mình không rõ tác giả muốn nói điều chi. Có thể tác giả vừa viết bài vừa ráng giữ bánh lái hầu tránh việc chạy lộn lề chăng? Tôi nghĩ “đối lập” vì có thiểu số trong quốc hội thuộc về lập pháp, trong khi “phản biện” thuộc dân quyền (quyền tự do tư tưởng và ngôn luận của cá nhân hay các hội đoàn trên báo chí truyền thông dân sự, cũng thường được xem là đệ tứ quyền). Vì thế, tôi e rằng phán đoán sơ sài ảnh hưởng của hai sinh hoạt này trong công tác xây dựng quốc gia sẽ dẫn đến nhiều kết quả sai lạc. Thật ra trong một thể chế dân chủ, không phải chỉ có phe đối lập trong quốc hội và những “phản biện” dân sự lên tiếng kiểm điểm việc thực thi và hiệu quả của các chính sách qua công tác của các cơ quan hành pháp cũng như việc thi hành các luật pháp của các cơ quan tư pháp, mà ngay cả đảng cầm quyền (đảng chiếm đa số trong quốc hội) cũng phải làm việc này. Điều khác nhau giữa đảng cầm quyền và các đảng “đối lập” cùng các nhóm “phản biện” dân sự là đảng cầm quyền có thể đề xuất luật mới để cải tiến các tệ trạng trong hành pháp và tư pháp rất dễ dàng vì họ nắm đa số trong quốc hội. Trong khi đó, một đảng “đối lập” chỉ có thể lên tiếng, tạo hậu thuẫn, thương thuyết và thuyết phục các đảng thiểu số khác trong quốc hội để đổi thay trong lập pháp. Đảng “đối lập” cũng sẵn sang dùng các nhóm “phản biện” dân sự để vận động quần chúng hầu có thể đạt đa số trong cuộc bầu cử lần tới, để làm thay đổi chính quyền. Dĩ nhiên, các điều trên chỉ được thực hiện trong một đất nước theo thể chế dân chủ (tôi nghĩ là dân chủ kiểu Anh quốc theo sự trình bày của tác giả). Trong thể chế dân chủ kiểu CHXHCN của Việt Nam ta ngày nay với điều 4 hiến pháp treo lơ lửng trong quốc hội cũng như trong pháp đình và trên đầu những sinh hoạt truyền thông báo chí (của dân chúng?) thì “đối lập” hay “phản biện” có chăng chỉ là những cái bánh vẽ. Tóm lại, tôi luôn hy vọng vào “phản biện” trong tình thế của đất nước hiện tại, dẫu biết rằng tiếng nói của trí thức rất phù du so với hành động quả cảm của một sinh viên trước họng súng của xe tăng. “Phản biện” đã chứng tỏ rằng những chuyên gia Việt Nam thuần túy đã lột xác thành trí thức, và họ đã và đang lột xác lần nữa để họp lại thành những nhóm sĩ phu của dân tộc. Ánh sáng dầu le lói nhưng vẫn hơn cái bóng tối rất đáng sợ trong sự im lặng của những chuyên gia tài ba nước Việt nơì quốc nội (có thể hiểu được!) cũng như nơi hải ngoại (không hiểu tại sao?). Nhớ lại giai đoạn đó, tôi chợt nhớ ý của hai câu trong một bài thơ của ông Nguyễn Hữu Đang:
Ngày đêm muôn vạn hành tinh nổ(nhưng)Lặng ngắt thinh không vũ trụ (vẫn) mờ (câm)
Các chữ trong ngoặc kép do tôi thêm vào.
dat nói:
04/10/2009 lúc 1:37 chiều
ĐCSVN là “đỉnh cao của trí tuệ” rồi thì cần gì tới đối lập, phản biện? Nghị định 97 vừa ban hành và có hiệu lực ngày 15/9/2009 và chuẩn bị cho hầu tòa một số người “đối lập” không phải là bằng chứng cho nhận định đó sao?
Tôn Văn nói:
04/10/2009 lúc 6:29 sáng
Trong tình hình phong trào phản biện có những khởi sắc sôi nổi và những bước tiến về chất đáng khích lệ, bài viết „Đối lập và phản biện“ của tác giả Trương Phước Trường có thể coi như bước mở đầu xem xét hiện tượng xã hội này; đó là điều tích cực. Tuy nhiên do chưa nhìn nhận thấu đáo nội hàm của „đối lập“ và „phản biện“ nên tác giả đã đi đến kết luận không mấy sáng sủa: „Không có “đối lập” tích cực thì dù có phản biện từ trong hay ngoài nước, từ cá nhân hay đoàn thể, cũng là vô tích sự, và chỉ có giá trị, nhiều lắm là như những bức “tâm thư” cho những con người không bao giờ cần đọc.“
Sự thực thì, trong khi „đối lập“ mang tính chất chính trị: Đối lập là một đảng hay một nhóm hội đưa ra sự chống đối và phủ quyết đường lối của (đảng) cầm quyền thì „phản biện“ mang tính trí thức, học thuật nhiều hơn. Đứng về tổng thể, trí thức luôn là nền tảng cho phát triển xã hội trong mọi thời đại; nó mang tính tiếp nối và phát triển. Chính trị chỉ là một hình thái trong một giai đoạn lịch sử cụ thể. Từ đó thấy rằng phong trào phản biện xã hội hiện nay ở Việt Nam là rất đáng trân trọng và hy vọng.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment