Saturday, October 3, 2009
GIÃ TỪ HỆ THỐNG CHỐNG PHI ĐẠN
Giã từ hệ thống chống tên lửa
Andrew Nagorski
Đinh Minh Đạo dịch
Đăng ngày 2-10-2009
http://danchimviet.com/articles/1537/1/Gia-t-h-thng-chng-ten-la/Page1.html
Lời người dịch: Andrew Nagorski nhiều năm là nhà báo và biên tập viên của tạp chí "Newsweek”. Hiện nay ông là phó chủ tịch hội đồng quản tri, giám đốc phụ trách chính trị cộng đồng của Trung Tâm Nghiên Cứu New York Viện Đông Tây (East- West Institute).
Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu bài viết của ông sau khi chính quyền của tổng thống Obama tuyên bố rút bỏ kế hoạch xây dựng hệ thống chống tên lửa tại Ba Lan và Tiệp Khắc (Cộng hòa Czech). Bài này được đăng trên tạp chí "Newsweek” tiếng Ba Lan, số ra ngày 27-09-2009.
-------------------------------------
Tin Washington từ bỏ ý định xây dựng hệ thống chống tên lửa tại Ba Lan và Tiêp Khắc là một sự chuyền hướng, nhưng không làm chúng ta ngạc nhiên. Trước khi trở thành tổng thống, Obama đã nghi ngờ về kế hoạch này của chính quyền tổng thống Bush. Khi chúng ta được thông báo rằng, ê kíp mới sẽ độc lập đánh giá mức độ đe dọa từ phía Iran và quyết định những trung tâm phòng ngừa, mọi người hầu như đều nghĩ rằng kết cục của sự đánh giá này sẽ là rút bỏ kế hoạch của Bush. Nhưng để tránh đơn giản hóa hay phức tạp hóa sự phân tích cũng như vội vã tính toán lợi hại, để đánh giá đúng đắn quyết định nói trên, chúng ta cần chờ đợi một thời gian.
Rất nhiều người Ba Lan và một số người Tiệp Khắc ủng hộ xây dựng hệ thống chống tên lửa (tỷ lệ người dân ủng hộ của Tiệp Khắc thấp hơn nhiều so với Ba Lan) cho rằng, giờ đây Washington coi nhẹ vai trò các quốc gia của họ và còn lợi dụng nó để cải thiên mối quan hệ với Nga. Chúng ta hiểu được những nỗi thất vọng trên đây của họ, nhưng có thể đây là dự đoán sai lệch. Thưc tế phía Nga đã tiếp nhận tốt quyết định của tổng thống Obama, họ đã tuyên bố hủy bỏ kế hoạch triển khai tên lửa Iskander tại Kaliningrad một ngày sau quyết định của tổng thống Obama, tuy vậy vẫn còn những sự nghi ngờ.
Vậy chúng ta hãy xem xét điều gì đã xẩy ra cho đến thời điểm này, điều gì là hiện thực, điều gỉ là không. Quan trọng hơn cả là chuyện gì sẽ xẩy ra.
Đầu tiên, cần hiểu rõ kế hoạch phòng thủ tên lửa bao gồm những điểm gì và đâu là điểm yếu của nó . Đây có phải là biện pháp tốt nhất để bảo vệ châu Âu và Mỹ trước sự tấn công bằng vũ khí hạt nhân có thể xẩy ra từ phía Iran? Đó có phải là biện pháp chính của Mỹ để tăng cường bảo đảm an ninh cho Ba Lan và các nước hội viên của NATO vẫn đang còn lo sợ mối đe dọa từ nước Nga?
Chính quyền Bush cho rằng hệ thống chống tên lửa sẽ đáp ứng một cách hoàn chỉnh cả hai mục đích trên đây. Nhưng chính quyền mới tại Washington buộc phải coi trọng hơn sự đe dọa từ phía Iran . Những nhà khoa học đã tranh cải rất sôi nổi vấn đề liệu hệ thống chống tên lửa đặt tại trung Âu có hiệu quả làm cho Iran khiếp sợ? EastWest Institute đã tập hợp ê kíp các nhà khoa học Nga và Mỹ cùng các chuyên gia kỹ thuật với một phương pháp chưa từng có trong tiền lệ để cùng đánh giá vấn đề trên, kết quả rút ra kết luận là hệ thống chống tên lửa không làm cho Iran sợ hãi.(Thực chất, viện không đi sâu thảo luận vấn đề kỹ thuật, chúng tôi chỉ tạo điều kiện để các quan điểm khác nhau, ngay cả những phê phán gay gắt nhất của các nhà khoa học đối với kết quả nghiên cứu của viện đựơc công bố trên trang internet của viện).
Tương tự như các nhà khoa học do EastWest Institute tập hợp và nghiên cứu, ê kíp của Obama cũng đi đến kết luận, rằng thiết kế của Bush không phải là phương pháp tốt nhất để bảo vệ một khi Iran tấn công bằng tên lửa tầm ngắn và tầm trung. Dự đoán trong tương lai, hai loại này đe dọa nhiều hơn loại tên lửa tầm xa mà hệ thống chống tên lửa đã dự định phải bảo vệ.
Một điểm nữa cũng rất quan trọng. Tổng thống Obama hoàn toàn đồng ý với quan điểm của người tiền nhiệm Bush, rằng việc xây dựng hệ thống chống tên lửa không nhằm mục đích quân sự chống lại Nga. Dù có triển khai 10 hoăc nhiều hơn số tên lửa tại Ba Lan và đặt hệ thống ra đa tại Tiệp Khắc cũng không đe dọa kho vũ khí hạt nhân của Nga. Tuy vậy Maskova lại nghĩ khác, họ cho rằng những người Ba Lan đã công khai thừa nhận đây sẽ là một công cụ chính trị của họ trong quan hệ đối với Nga.
Vậy điều xấu hay tốt đã xẩy ra? Trở ngại nói trên đã được tháo bỏ. Bây giờ cần thiết tiến hành để tất cả các bên đưa những vấn đề chính cùng quan tâm tiến thêm những bước mới. Sau đây là những gợi ý đối với các bên.
- Đối với Ba Lan: Thủ tướng Donad Tusk đã biểu thị những dấu hiệu lạc quan, ông nói rằng: "Hiên nay Ba Lan sẽ có vị trí gần gũi hơn trong quan hệ đối với Mỹ”. Ông cũng thật có lý khi cho rằng, sự thay đổi đường hướng của Mỹ tạo điều kiện để yêu cầu Mỹ chú ý một cách nghiêm chỉnh hơn đối với những lo ngại của Ba Lan. Chính quyền Obama hiểu rằng, tại Ba Lan, quyết định của họ được tiếp nhận với nhận đinh xấu, nên họ muốn chứng minh rằng họ vẫn quan tâm đến Ba Lan. Ba Lan hãy tận dụng cơ hội này, không những yêu cầu Mỹ giữ đúng kế hoạch triển khai dàn tên lửa Patriot mà còn yêu cầu Mỹ bỏ chế độ visa đối với công dân Ba Lan.
Nhưng trước hết, cần phải chú ý để Ba Lan và các hội viên mới khác của NATO có tiếng nói mạnh hơn trong những vấn đề an ninh. Chính quyền Bush thường sử dụng châu Âu non trẻ để chống lại châu Âu già cỗi. Chính quyền Obama không quan tâm đến phương pháp này. Họ mong muốn, trung Âu nên lựa chọn các vấn đề cần thiết, thảo luận với tây Âu để tìm giải pháp chung, thí dụ như đường lối chính trị đối với Nga và các vấn đề khác.
- Đối với Nga: Chính quyền Nga nên hiểu rằng, chính quyền Obama thật sự muốn hợp tác tốt hơn với họ để tìm giải pháp đối với vấn đề đe dọa hạt nhân từ Iran. Không có bất cứ một âm mưu nào. Nga phải tiếp nhận những tin tức, thực hiện các giải pháp chính trị thống nhất với phương tây để ngăn ngừa có hiệu quả cuộc khủng khoảng hơn là phá vỡ, chia rẽ làm yếu đi sức ép đối với Iran. Nếu bỏ hệ thống chống tên lửa của Bush, không thúc đẩy Moskow tham gia tích cực vào các giải pháp mới, thì quan hệ Mỹ - Nga lại trở lại như trước, nó chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.
Điều thứ hai, Nga phải suy nghĩ nghiêm túc, rằng tại sao những hội viên mới của NATO vẫn tiếp tục cho rằng, họ cần thiết phải có thêm những đảm bảo an ninh. Họ có nhiều bằng chứng để nghi ngờ, rằng Moskow chưa thực tâm công nhận độc lập hoàn toàn của các quốc gia láng giềng, trong đó có Gruzia và Ukraina. Nếu Nga muốn chứng minh rằng sự lo ngại của họ là không có cơ sở, thì phải tiến hành đối thoại với một thiện chí, với một dọng điêu khác với dọng điệu mà Nga thường dùng từ trước đến nay.
- Đối với Mỹ: Chính quyền Obama phải chứng minh được là họ có một kế hoạch hiệu quả để giảm thiểu sự đe dọa và chống lại các tên lửa tầm ngắn, tầm trung và tầm xa của Iran. Mỹ phải thực hiện đầy đủ những hứa hẹn về hợp tác quân sự với Ba Lan và Tiệp Khắc. Mỹ cũng phải có một chính sách phòng thủ đảm bảo cho họ an toàn hơn. Trong cuộc ''chơi” với Nga, Mỹ phải đạt đến kết quả cụ thể với tinh thần hợp tác xây dựng, tránh sự kết thúc chỉ bằng những lời lẽ phô trương hoa mỹ. Tức là phải làm cho Nga nhận rõ sự đe dọa thật sự từ phía Iran và khuyến khích Nga tăng cường hợp tác vì lợi ích chung với các nước láng giềng phía Tây, trong phạm vi rộng hơn của hệ thống an ninh .
Hiện nay tất cả chúng ta đứng trước những thách thức mới, bởi quyết định của chính quyền Obama làm thay đổi luật chơi. Phải chăng đây là một quyết định thông minh? Câu hỏi chỉ được trả lời khi chúng ta được chứng kiến các bước chuyển động tiếp theo của những người chơi chính. Liệu mỗi người chơi có cố gắng giành điểm bằng cách làm mất điểm của những người cùng chơi, hay cuối cùng tất cả mọi người đều hành động với một niềm tin, rằng hoặc cùng được lợi, hoặc cùng bị thiệt hại.
Vac-sa-va, 01-10-2009
© Đàn Chim Việt Online
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment