Thursday, September 24, 2009

TƯỢNG ĐÀI CỦA LÒNG BIẾT ƠN


Tượng đài của lòng biết ơn “Nước Đức đã trao tặng cho chúng tôi cuộc đời thứ hai có đầy đủ Tự Do“
http://www.lyhuong.net/viet/index.php?option=com_content&view=article&id=1511:1511&catid=37:bandoc&Itemid=56
Một tượng đài bày tỏ lòng biết ơn nhân dân và chính quyền Đức đã hào hiệp mở rộng vòng tay cưu mang người tỵ nạn VN đã được khánh thành chiều ngày 12 tháng 9 năm 2009 tại cảng Hamburg, Landungsbrücken. “Hội Xây Dựng Tượng Đài Tỵ Nạn Hamburg“ - tên gọi của tổ chức “thuyền nhân“ Việt Nam - đã gởi thư mời tham dự đến tiến sĩ Wolfgang Schäuble, Bộ Trưởng Nội Vụ Liên Bang Đức Chiến tranh Việt Nam chấm dứt tháng 4-75, miền Nam bị rơi vào tay cộng sản. Nhân dân miền Nam bị cộng sản trả thù, tù đày, bắt bớ, đói khổ… phải bỏ nước ra đi tìm tự do. Nước Đức đã làm một việc chưa từng thấy trong lịch sử quốc gia này: cứu vớt hơn 10 ngàn người Việt tỵ nạn bằng đường biển! Thuyền nhân VN lênh đênh trôi dạt trên những con thuyền mỏng manh ngoài biển cả, sóng gió vùi dập, lâm cảnh thập tử nhất sinh, bị đói khát, bị giông bão, bị hải tặc cướp bóc, hãm hiếp và giết hại, hãi hùng, tuyệt vọng… Tàu Cap Anamur của Đức đã cứu vớt và nước Đức đã tiếp nhận, cho họ nhập cư, cho họ đất sống và một đời sống xứng đáng của con người. Họ và thân nhân họ sau này đã tìm ra một quê hương thứ hai.

Bộ Trưởng Nội Vụ Đức, ông Dr. Wolfgang Schäuble, đã vui vẻ và sốt sắng nhận lời tham dự lễ khánh thành tượng đài. Trong bài diễn văn của ông, được coi như lời tuyên dương cho lý tưởng Tự Do, ông đã khẳng định trong câu phát biểu: “Tự Do chỉ thực sự có giá trị khi nó được lồng trong tình nhân đạo“. Trước tập thể người Việt tỵ nạn từ khắp nơi trên nước Đức kéo về tham dự, ông đã đại diện chính phủ Đức ngỏ lời cám ơn họ rằng: “Nếu đưa ra một thí dụ về sự đa dạng và hội nhập không phải là một đe dọa mà là một cơ hội, thì đó chính là lịch sử của người Việt Nam, những người trước đây là những thuyền nhân tỵ nạn hiện đang hoà hợp chung sống trong xã hội chúng ta. Tôi phải ngỏ lời cám ơn họ về những đóng góp của họ cho nước Đức này, vì họ đã làm cho đất nước chúng ta thêm phần phong phú hơn.“
Ông nói thêm : “Lịch sử hội nhập của thuyền nhân Việt Nam trong xã hội Đức này là một lịch sử thành công tốt đẹp. Rất nhiều người tị nạn Việt Nam nay đã trở thành công dân Đức. Họ thành công tuyệt diệu trong nhiều lãnh vực, đặc biệt là trong lãnh vực học vấn, nhất là giới trẻ.“

Tiến sĩ Rupert Neudeck trước đây 30 năm đã quyên góp từ đồng bào Đức của ông số tiền 1,3 triệu Euro, thuê bao những con tàu Cap Anamur, cứu sống hơn 10 ngàn thuyền nhân xấu số Việt Nam đang bị thế giới ngoảnh mặt làm ngơ ngoài Biển Đông, mang về nơi an bình.
Tiến sĩ Ernst Albrecht, lúc đó còn là thống đốc tiểu bang Niedersachsen, đã vượt qua những trở ngại, chống đối, chỉ trích, những thủ tục quan liêu hành chánh, mau mắn tiếp nhận một ngàn người tỵ nạn Việt Nam đầu tiên vào tiểu bang của ông, mở đầu cho các tiểu bang khác noi theo.
Bà Trúc Phạm, một chứng nhân, một thuyền nhân tí hon theo gia đình vượt biển khi mới tròn 3 tuổi, đã bày tỏ cảm tưởng của mình và nói: “Một đất nước hoàn toàn xa lạ đã trở thành quê hương của chúng tôi. Ngày hôm nay tôi hãnh diện mà nói rằng, trong tôi có hai nhịp đập trong trái tim mình.“
Tiến sĩ Neudeck cũng ngỏ lời cám ơn nhân dân Đức và nhấn mạnh rằng: “Đó là ước mơ và niềm hãnh diện của chính tôi khi nhìn thấy người dân tôi đầy lòng nhân ái đứng đầu thế giới và chúng tôi đã thực hiện được điều nhân bản đó.

Ban tổ chức của người Việt Nam đã dựng nên một chương trình khánh thành tượng đài phong phú, đầy ý nghĩa và thật cảm động, thu hút đông đảo người tham dự, cả Việt lẫn Đức trong không khí trang trọng, vui tươi, có ca nhạc và cả trình diễn múa lân, nhưng vẫn không quên tưởng nhớ đến những con người trước đây 30 năm đã bỏ mình ngoài biển khơi trên con đường tìm Tự Do. Đây là một ngày hội tưng bừng toàn hảo và đã chứng tỏ được một cách rõ rệt rằng: lòng nhân đạo và tình nhân bản chính là món quà dành cho nguời cứu giúp và người được cứu giúp. Sự hội nhập của người Việt Nam trong xã hội Đức hôm nay là một thành công lịch sử trên đất nước này.

Ông Thomas H. Nguyen, hội trưởng hội xây dựng tượng đài tỵ nạn Hamburg, đã gởi đến nhân dân Đức những lời thật cảm động: “Nước Đức đã tặng cho chúng tôi cuộc đời thứ hai sống trong Tự Do, Dân Chủ và trong tình Nhân Bản.“NGÀY LỄ HỘI TƯNG BỪNG CỦA "THUYỀN NHÂN VIỆT NAM"

Bộ trưởng nội vụ liên bang Đức - Dr. Wolfgang Schaeuble - tuyên dương sự hội nhập của người Việt Nam trong buổi lễ khánh thành tượng đài tỵ nạn tại cảng Hamburg.

Bộ trưởng nội vụ liên bang Đức, ông Dr. Wolfgang Schaeuble (đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo, CDU) đã mô tả việc nước Đức tiếp nhận thuyền nhân Việt Nam tỵ nạn cách đây 30 năm là một mẫu mực phải noi theo. Trong bài diễn văn của ông nhân lễ khánh thành tượng đài tỵ nạn vào chiều ngày thứ bày 12.9.2009 ngay tại bến cảng Hamburg, ông đã nói rằng: “Nếu đưa ra một thí dụ về sự đa dạng và hội nhập không phải là một đe dọa mà là một cơ hội, thì đó chính là lịch sử của người Việt Nam, những người trước đây là những thuyền nhân tỵ nạn hiện đang hoà hợp chung sống trong xã hội chúng ta." Ông còn nói thêm: "Tôi nhân danh chính quyền nước Đức cám ơn người Việt Nam, vì chính quý vị đang làm cho đất nước này ngày thêm phong phú."

Một tổ chức của người Việt tỵ nạn mang tên "Hội Xây Dựng Tượng Đài Tỵ Nạn Hamburg", đại diện cho hơn 20.000 thuyền nhân tỵ nạn Việt Nam, đã đứng ra quyên góp để xây dựng một tượng đài bày tỏ lòng biết ơn chính quyền, người dân Đức và ủy ban Cap Anamur do tiến sĩ Rupert Neudeck sáng lập, đã cứu sống và cưu mang họ qua các con tàu nhân đạo Cap Anamur từ năm 1978 đến năm 1986.

Trong số hơn 700 người Đức - Việt tham dự và cựu nhà báo tại Koeln, Dr.Rupert Neudeck- còn có sự tham dự của nhiều giới chức cao cấp nhất trong chính quyền Đức - cựu và đương kim. Điển hình là ông Franz Muentefering (chủ tịch đảng Dân Chủ Xã Hội Đức, SPD), bà Pro. Dr. Karin von Welck (bộ trưởng văn hóa tiểu bang Hamburg), ông Freimut Duve (cựu thượng nghị sĩ, đặc trách khối tự do ngôn luận các quốc gia Âu Châu, SPD) và Dr. Ernst Albrecht (cựu thống đốc tiểu bang Niedersachsen,CDU). Ông Albrecht là vị chính trị gia Đức đầu tiên đã bỏ qua những thủ tục hành chánh khó khăn và rườm để nhanh chóng tiếp nhận thuyền nhân tỵ nạn Việt Nam vào tiều bang của ông, và cũng chính ông vào ngày 03.12.1978 đã ra tận phi trường Langenhagen để đón chào những người Việt tỵ nạn đầu tiên đặt chân trên nước Đức. Những người Việt tỵ nạn này đã liều mình rời bỏ quê hương thân yêu của họ trên những chiếc thuyền mong manh giữa đại dương bao la, để trốn chạy chế độ cộng sản. Họ đã trải qua biết bao nguy khốn với sóng gió bão bùng, bị bọn hải tặc cướp bóc, hãm hiếp hay bị giết chết một cách dã man...nhưng rất ít được cứu sống bởi những chiếc tàu buôn tình cờ đi qua và các quốc gia Tự Do thì vẫn cứ ngoảnh mặt làm ngơ.

Trong buổi lễ khánh thành, ông Muentefering nhắc nhở rằng, sự cứu giúp của nước Đức vào lúc đó đã không trôi chảy như nhiều người nghĩ. Ông nói: " Vào lúc đó, không phải ai ai cũng tán thành ủng hộ việc cứu giúp nhân đạo này. Những người khởi xướng đã phải đối diện với biết bao khó khăn chống đối từ nhiều thế lực khác nhau, đã phải vượt qua nhiều mối nghi ngờ ích kỷ cá nhân".

Với niềm hoan hỉ bất tận, hội trưởng Hội Xây Dựng Tượng Đài Tỵ Nạn Hamburg - Thomas H. Nguyen - đại diện cho tập thể người Việt tỵ nạn trong lời chào đón quan khách rằng : "Ba mươi năm trước đây những con tàu nhân đạo Cap Anamur đã cứu sống chúng tôi trước cái chết cận kề. Ngày hôm nay chúng tôi được quyền hãnh diện một điều rằng, chúng tôi đã trở thành những công dân tốt đóng góp cho quê hương thứ hai của chúng tôi là nước Đức này."

Một biểu ngữ lớn được treo ngay phía sau tượng đài với giòng chữ "Cám ơn nước Đức, Cám ơn Cap Anamur" nằm giữa rừng cờ Đức và cờ Việt Nam bay phất phới khắp khuôn viên cảng Hamburg. Một ca đoàn Công Giáo người tỵ nạn Việt Nam gồm 9 người, nghiêm trang đồng cất tiếng hát bài quốc ca Đức và quốc ca Việt Nam Cộng Hòa. Trong buổi lễ khánh thành tượng đài với hình một quyển sách mở ra, được đúc bằng đồng, trên đó ghi lại những lời tri ân bằng tiếng Đức, Anh và Việt, với hình con tàu nhân đạo Cap Anamur được chạm nổi, còn có chương trình múa lân, tượng trưng cho sự may mắn. Trước đó, hai vị đại diện hai tôn giáo chính của người Việt Nam cử hành lễ mạc niệm những đồng hương xấu số đã bỏ mình dưới lòng đại dương trên con đường đi tìm Tự Do.

(dpa)

No comments: