Friday, April 24, 2009

VIỆT NAM NHẮC NHỞ NHIỀU HƠN VỀ HOÀNG SA

Sẽ nhắc nhớ nhiều hơn về Hoàng Sa
Lao Động số 90 Ngày 24/04/2009 Cập nhật: 8:04 AM, 24/04/2009
http://www.laodong.com.vn/Home/Se-nhac-nho-nhieu-hon-ve-Hoang-Sa/20094/135712.laodong
(LĐ) - Một cán bộ UBND huyện đảo Hoàng Sa cho biết, sau khi UBND TP.Đà Nẵng công bố quyết định bổ nhiệm Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa (25.4.2009), chính quyền mới của huyện đảo này cũng theo đó được kiện toàn.
Đặc biệt, huyện Hoàng Sa sẽ cùng với Sở Nội vụ, xúc tiến lại đề án xây dựng trụ sở, bộ máy chính quyền chuyên trách, bảo tàng và một số chương trình tuyên truyền, giáo dục khác về Hoàng Sa.
Như vậy, những thông tin, tư liệu về Hoàng Sa sẽ có điều kiện đến với rộng rãi công chúng, học sinh, sinh viên hơn. Và những câu chuyện sống động về Hoàng Sa của những nhân chứng, người từng sống và làm việc tại Hoàng Sa sẽ được kể nhiều hơn. Họ sẽ không còn "cô đơn" với ký ức của mình...

Một Hoàng Sa linh thiêng
"Đã thành nếp, thành lề thói lâu đời, khi đi Hoàng Sa, bất cứ người nào, dù dân thường, lính hay sĩ quan, viên chức đều mang theo rất nhiều hương hoa, áo giấy để đốt cho tiền nhân, những người dân Việt đã nằm lại trên đảo. Ở đảo chính Hoàng Sa còn có cả ngôi miếu thờ tượng Phật Bà Quan Âm, giếng nước cổ, có một cả khu nghĩa địa của tiền nhân Việt..." - ông Nguyễn Nhự - 83 tuổi, xã Bắc An, Hoà Tiến, Hoà Vang, TP.Đà Nẵng - bồi hồi kể lại.
Ông Nhự là một trong số ít những người đi ra Hoàng Sa đến 3 nhiệm kỳ (9 tháng, từ 1968-1971), bởi theo ông: "Tôi bỏ cuốc bên ruộng, leo lên bờ là thành viên chức ngành khí tượng. Những công việc của tôi do các anh chị đồng nghiệp hướng dẫn, chứ không được đào tạo qua trường lớp nào như người khác. Bởi con đông nên tôi phải chịu khó, xung phong đi Hoàng Sa nhiều lần. Tôi đi Hoàng Sa, cơ quan lo toàn bộ chuyện ăn ở, lương 6.000 đồng/tháng, ở nhà vợ và 5 con nhận đầy đủ".

Nhân chứng sống Hoàng Sa - ông Nguyễn Nhự - tại vườn nhà
http://www.laodong.com.vn/Uploaded_LAODONG/thanhhuyenlt/20090424/HSa3-90.jpg

Ông kể, công việc thường ngày của cán bộ thuỷ văn cũng như lính địa phương quân ở Hoàng Sa rất nhàn hạ. Giờ rảnh rỗi, họ thường kéo nhau ra miếu thờ Phật Bà Quan Âm để hóng mát, xem cá. Đó là ngôi miếu cổ sát mép biển phía nam của đảo chính. Trước miếu có hai phiến đá to, nhô hẳn ra mặt biển, tạo hàm ếch lớn. Đó là nơi mà vô vàn cá hồi, cá nhám, cá khế, tôm mực... tung tăng trong làn nước trong vắt như tiên cảnh.
Tại đây, ngoài tượng Phật bằng đá cao khoảng 1,5 mét, còn có 2 ghế cố định bằng bêtông, giường thờ... Trên đó có để cuốn sổ vừa ghi bằng tiếng Pháp, vừa tiếng Việt. Câu chuyện trong cuốn sổ cho biết, người Pháp đã cho phu đưa tượng Phật cổ vô Đà Nẵng. Việc vận chuyển qua biển cả lại êm xuôi, nhưng khi cập bến sông Hàn - đoạn gần Cổ viện Chăm, Phật tượng này bỗng nặng trĩu, bao nhiêu cần cẩu to, hiện đại đến cũng không nhấc lên nổi hoặc bị gãy. Hoảng sợ trước sự linh thiêng của tượng, họ đã vội chuyển tượng ra lại Hoàng Sa, đặt tại vị trí cũ và tu bổ miếu thờ.
"Sách lưu niệm ghi sờ sờ ở đấy, vậy mà có người không tin. Một hôm nọ, có 2 cậu lính địa phương quân thấy quá nhiều cá trước miếu nên rủ nhau đem lựu đạn ra đánh. Kẻ trước người sau dắt díu nhau ra khoảng 10 mét, rồi người đi trước rút chốt. Thế nhưng không hiểu sao, cậu lính đó không chịu ném lựu đạn, mặc cho người bạn phía sau hoảng hốt hối thúc. Lựu đạn nổ, cá không chết, nhưng cả 2 người đều phải bị nằm lại tại nghĩa địa với tiền nhân trên đảo, với 2 tấm chiếu cá nhân. Từ đó, không còn ai dám đánh cá trên đảo bằng lựu đạn, thuốc nổ nữa".
Chúng tôi một mực không tin, nhưng ông Nhự quả quyết rằng, 2 người lính ấy chết có ít nhất 30 người trên đảo bấy giờ chứng kiến, chôn cất họ.
Và cả câu chuyện về súc gỗ thần kỳ bên miếu thờ Phật. Ông Nhự kể rằng, chính vì mình hay siêng năng chuyện hậu cần, cơm nước, nên khi thấy súc gỗ to, chắc, ông đã mang rìu ra định chẻ làm củi. Nhưng nhiều lần leo lên đều trượt ngã. Ông đã nhờ mấy người lính ra đẩy giúp. Nhưng sức trẻ của họ cũng chịu thua khi bổ rìu xuống là gỗ toé lửa lên bất thường.
Những câu chuyện nửa thực, nửa hư của ông lão ở tuổi 86 có thể khó thuyết phục người nghe, nhưng chúng tôi trân trọng bởi đó là những kỷ niệm, điều ông tin tưởng, ấp ủ cả một đời người. Song có điều thật mà nhiều "công dân" Hoàng Sa xác nhận, đó là ngôi miếu thờ là nơi ấm áp nhất trong tâm linh người đi biển, đảo. Nhất là đối những tàu cá ngư dân dạt vào tránh bão ở Hoàng Sa, họ lên đảo thắp hương tại miếu, hướng tâm linh đến đức Phật, tạ ơn sự che chở của đảo.
Bây giờ ở tuổi xế chiều, ông Nhự an nhàn nơi đồng quê với ruộng vườn ở Hoà Tiến. Mười cô con gái đã thành gia thất, cậu con trai út... thứ 14 của ông cũng đã sinh con. Nhưng những kỷ niệm, câu chuyện về một Hoàng Sa linh thiêng vẫn in đậm trong tâm trí ông và được hăng hái kể như chuyện mới vừa xảy ra.

Ngọn "hải đăng" Hoàng Sa
Ông Nguyễn Duy Nhất - Phó GĐ Sở Nội vụ Đà Nẵng, một trong những cán bộ kiêm nhiệm của chính quyền Hoàng Sa tại cơ quan thường trú của huyện đảo ở Đà Nẵng - đã tỏ ra vui mừng trước việc UBND TP sẽ bổ nhiệm chủ tịch mới của huyện.
Ông nói: "Việc đầu tiên của chính quyền mới của UBND huyện đảo Hoàng Sa là sẽ nỗ lực sưu tầm, tìm kiếm những thông tin, dữ liệu về Hoàng Sa để xuất bản cuốn kỷ yếu đầu tiên của huyện đảo. Tiếp đó, chúng tôi sẽ khởi động lại dự án xây dựng trụ sở UBND huyện Hoàng Sa, Bảo tàng Hoàng Sa và bộ máy cán bộ chuyên trách của UBND huyện".
Theo ông Nhất, thì đề án xây dựng trụ sở UBND huyện đảo Hoàng Sa đã có từ vài năm trước đây. Hiện các bộ, ngành trung ương đã cơ bản thông qua, tuy nhiên còn một vài vướng mắc về kế hoạch tài chính nên chưa thực hiện được. Dịp này là cơ hội tốt để xúc tiến lại dự án đó.
Tôi thực sự xúc động bởi những kế hoạch, dự định công tác của chính quyền Hoàng Sa lại trùng hợp với nguyện vọng của những "công dân hiếm" của huyện đảo. GĐ Sở Nội vụ Đà Nẵng - người mà theo kế hoạch sẽ được bổ nhiệm làm Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa (vào 25.4 tới) - ông Đặng Công Ngữ vui mừng thông báo: "Sau thông tin về buổi họp mặt của chính quyền và nhân dân huyện đảo Hoàng Sa hôm 20.4 trên báo chí, đã có thêm 4 - 5 người, là những nhân chứng sống của Hoàng Sa từ các nơi đã liên lạc với Sở Nội vụ. Sẽ có thêm nhiều thông tin, dữ liệu về Hoàng Sa từ những câu chuyện của họ".
Tôi lại tò mò hỏi ông, là Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa, với số ít những "công dân hiếm", già, nơi làm việc sẽ không có cảnh đông đúc dân chúng chen nhau giải quyết những thủ tục hành chính, không có cảnh kiện tụng việc tranh chấp đất đai..., vậy ông sẽ làm gì?
Ông Ngữ rất muốn chia sẻ dự định của chính quyền, nhưng chưa tiện nói trước: "Chúng tôi đã có sẵn những kế hoạch, nhưng làm đến đâu sẽ nói đến đấy vậy". Thế sau này, học sinh, sinh viên, những người dân của địa phương khác tò mò đến thăm UBND huyện đảo Hoàng Sa, kể cả đoàn khách nước ngoài thì ông sẽ "tiếp" họ bằng những câu chuyện gì? "Hơn 500 hiện vật, thư tịch... hiện có ở Bảo tàng Hoàng Sa (đặt tại trụ sở cơ quan thường trú UBND huyện Hoàng Sa tại Đà Nẵng - PV), những câu chuyện từ các nhân chứng, sách báo, kỷ yếu... về Hoàng Sa sẽ giúp chúng tôi giới thiệu với du khách" - ông Ngữ cũng kết thúc câu chuyện dở dang với những lời từ chối khéo léo.
Tuy vậy, một thông tin mới đến từ GĐ Sở GDĐT Đà Nẵng, ông Huỳnh Văn Hoa - đã giải thích thêm: "Kể từ năm học 2009-2010, ngành GDĐT Đà Nẵng sẽ chính thức đưa vào chương trình chính khoá, dạy về lịch sử, văn học, địa lý địa phương, trong đó có chương trình giáo dục lịch sử về Hoàng Sa. Đây là chủ trương lớn của Bộ GDĐT, và đề án của Sở GDĐT cũng đã được UBND TP.Đà Nẵng thông qua.
Ngoài ra, thực hiện chủ trương "Trường học thân thiện, học sinh tích cực", ngành GDĐT Đà Nẵng sẽ tổ chức cho các thầy cô, học sinh, sinh viên đi tham quan, tìm hiểu văn hoá, lịch sử của các bảo tàng, đình làng, các công trình văn hoá, trong đó sẽ đến tham quan các địa chỉ liên quan đến Hoàng Sa.
Chúng tôi cũng sẽ đề nghị UBND huyện đảo Hoàng Sa phối hợp với Sở GDĐT, tạo điều kiện cho ngành giáo dục đưa giáo viên, học sinh đến tham quan Bảo tàng Hoàng Sa. Tổ chức các buổi ngoại khoá để các thầy cô và học sinh có dịp nghe các nhân chứng sống của Hoàng Sa kể chuyện lịch sử...".
Như vậy, những ước nguyện, mong muốn mà các nhân chứng đã một phần nào được đáp ứng. Hoàng Sa sẽ được nhắc nhớ nhiều hơn, nhất là cho thế hệ mai sau. Những chương trình, kế hoạch đó sẽ là "ngọn hải đăng" Hoàng Sa từ đất liền.
Thanh Hải

Hoàng Sa tươi đẹp trong trí nhớ
Lao Động số 89 Ngày 23/04/2009 Cập nhật: 7:55 AM, 23/04/2009
http://www.laodong.com.vn/Home/Hoang-Sa-tuoi-dep-trong-tri-nho/20094/135478.laodong
(LĐ) - Theo kế hoạch, ngày 25.4, Đà Nẵng sẽ tổ chức lễ bổ nhiệm trực tiếp Chủ tịch của UBND huyện đảo Hoàng Sa. Theo đó, huyện này sẽ tập hợp tư liệu xuất bản kỷ yếu về Hoàng Sa, xây dựng bảo tàng để trưng bày, giới thiệu những hiện vật, thư tịch... về Hoàng Sa.
Và một cuộc họp mặt "đặc biệt" giữa chính quyền và công dân huyện đảo Hoàng Sa, TP.Đà Nẵng vừa diễn ra ngày 20.4 hết sức cảm động. Sự "đặc biệt" không chỉ ở con số dưới... mười người, mà còn ở thái độ của lãnh đạo chính quyền từ cung cách quan tâm, cư xử cho đến xưng hô... hết sức trân trọng, nâng niu những "công dân hiếm" của mình.
Họ là năm trong số ít những nhân chứng từng sống và làm việc tại Hoàng Sa, giờ đều ở tuổi "thất thập cổ lai hy". Dù mắt họ đã mờ, chân yếu, nhưng trong ký ức, một thời trai trẻ ở Hoàng Sa vẫn hào hùng, tươi đẹp như ngày nào. Hoàng Sa - dải đất thiêng liêng của tổ quốc - trong những câu chuyện kể của họ giàu đẹp, lung linh đến lạ thường, nhưng cũng mang nỗi khắc khoải, thổn thức, bởi với họ, những ký ức đẹp đẽ ấy giờ chỉ còn là hoài niệm...

Bài 1: Người công binh và giấc mơ dang dở

Tôi vào Internet, mở Google Earth cho ông xem ảnh về đảo Hoàng Sa bây giờ. Mắt ông sáng lên vì bắt gặp những hình ảnh thân quen, nhưng rồi chợt chùng xuống ngay. Lặng thinh một hồi, ông chỉ tay vào bản đồ nói tiếp: "Lẽ ra cái sân bay ấy giờ là của Việt Nam mình, do chính tay chúng tôi xây dựng...".
Ông là Nguyễn Văn Cúc, 61 tuổi, nguyên là lính công binh thời quân đội Sài Gòn cũ, là người cuối cùng rời Hoàng Sa - tháng giêng 1974. Ông Cúc bị bắt trong chuyến công tác thứ tư ra Hoàng Sa khảo sát, thiết kế để xây dựng một sân bay trên đảo..

Duyên nợ với Hoàng Sa
Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi của chính quyền UBND huyện đảo Hoàng Sa và 5 công dân của mình - những người từng sống, làm việc trên đảo Hoàng Sa trước năm 1974 vào chiều 20.4.2009 làm tôi giật mình: Các cụ đã quá già yếu, có người đã nói trước quên sau, những câu chuyện, những kỷ niệm, kỷ vật quý giá về Hoàng Sa không mấy chốc sẽ theo các cụ về Tây Thiên cực lạc.
Đó là lý do tôi lần theo địa chỉ, đến gõ cửa nhà của từng cụ để mong được hóng chuyện về Hoàng Sa.

Người trẻ nhất trong số 5 nhân chứng sống Hoàng Sa tại Đà Nẵng là ông Nguyễn Văn Cúc, 61 tuổi, sống nhàn cư trong một ngôi nhà cổ tại phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng. Ngôi nhà ông rợp mát bởi bóng những hàng xoài rậm lá, gió biển thốc vào lồng lộng làm loãng đi cái oi bức của trưa hè.
Cũng như những nhân chứng khác của Hoàng Sa, ông Cúc rất sẵn lòng kể chuyện về Hoàng Sa với bất cứ ai. Mà sao không hồ hởi được, bởi một thời trai trẻ oanh liệt của ông đã gắn bó với vùng biển đảo ấy. Nơi đó cũng đánh dấu mốc lịch sử lớn nhất cuộc đời ông.
Ông đã lao nhọc tham gia kiến tạo hạ tầng trên đảo, thương quý những sinh cảnh tuyệt vời của tạo hoá nơi ấy, rồi đến bờ vực của sự sống - còn khi xảy ra hải chiến - 1974, để trở về với đất liền. Ông nói: "Con người ai cũng có số mệnh định sẵn. Và tôi như có duyên số với Hoàng Sa". Ông Cúc sinh ra trong một gia đình ngư dân ở làng chài Mân Thái, trên bán đảo Sơn Trà. Ông cha đã bao đời lênh đênh trên biển làm nghề đánh cá.
Nhưng ông chỉ được theo cha vài lần ra khơi, vì còn phải đi học. Để khỏi đối đầu với những cuộc chiến sinh tử thời loạn lạc, năm 1970, ông đã xin vào làm công binh kiến tạo ở Liên đoàn 8, Đại đội 812 thuộc quân đội Sài Gòn cũ, đóng tại Đà Nẵng. Nhưng rồi thời gian tham gia xây dựng cầu, đường, xây nhà gia binh chưa được bao lâu thì ông Cúc bị điều đi Hoàng Sa.
Cái lý do mà họ chọn ông không chỉ có thể lực tốt, là con nhà ngư dân, mà còn vì ông có bằng thuyền trưởng, có kinh nghiệm đi biển. Và từ năm 1972 - 1973, ông đã 3 lần theo tàu chiến để hải hành đến Hoàng Sa khảo sát, thiết kế, xây dựng cơ sở hạ tầng. Công trình sửa chữa hệ thống bể ngầm chứa nước ngọt trên đảo chính là tiêu tốn nhiều thời gian nhất.
Đó là hệ thống gần 30 hầm ngầm xung quanh ngôi nhà được đặt làm trụ sở của đài khí tượng thuỷ văn, mỗi hầm có sức chứa trên 1.000 mét khối nước, được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Nhiệm vụ của ông Cúc cùng đồng nghiệp là khảo sát, sửa chữa để bền vững hoá và xây thêm bể chứa nước phục vụ nước ngọt cho cả quần đảo Hoàng Sa.
Mỗi nhiệm kỳ đi Hoàng Sa là 3 tháng, nhưng ông đã phải nhiều lần ra vào quần đảo này để khảo sát, thiết kế, phục vụ cho việc lập dự án, chuyển vật tư thiết bị từ đất liền ra. Biển đảo Hoàng Sa hoang sơ tuyệt đẹp đã in đậm trong tâm trí ông Cúc, như tuổi thơ của ông vẫn đầm mình trên biển Mỹ Khê ở quê nhà.

Chuyến hải hành cuối cùng

Ông Cúc thẫn thờ khi nhìn ảnh Hoàng Sa bây giờ (qua Google Earth).
http://www.laodong.com.vn/Uploaded_LAODONG/thanhbinh/20090423/Cuc3-89.jpg

Ông Cúc (đứng) cùng chuẩn uý Thịnh tại cầu tàu trên đảo Hoàng Sa năm 1973 (*).
http://www.laodong.com.vn/avatar.aspx?ID=97879&at=0&ts=236&lm=633761054969270000

Lần ra Hoàng Sa cuối cùng của ông Cúc là thực hiện nhiệm vụ khoan lấy mẫu đất, khảo sát thực địa để phục vụ dự án xây dựng sân bay trên đảo Hoàng Sa. Cùng đi lúc ấy có một chuyên gia người Mỹ, hai sĩ quan quân đội.

Ông Cúc kể: "Trước khi đi, họ dắt tôi lên bộ chỉ huy quân đoàn, cấp cho hàm trung sĩ, rồi ra cảng Tiên Sa, theo tuần dương hạm Lý Thường Kiệt (HQ-16) ra Hoàng Sa đúng ngày 14.1.1974. Sau khi rời HQ-16, chèo xuồng caosu vào đảo, chúng tôi khảo sát, khoan lấy mẫu đất ở 3 vị trí (đầu, giữa và cuối của sân bay - dự kiến sẽ xây) chỉ trong 2 ngày 1 đêm là hoàn tất. Ngày 16.1, đoàn 4 người chúng tôi rời đảo, lên lại HQ-16 để vào bờ.
Tuy nhiên, lần trở về ấy đầy trắc trở khi xảy ra chiến sự trên biển. Tôi cùng hơn 30 lính địa phương quân đóng trên đảo cùng một số cán bộ của đài khí tượng thuỷ văn đã bị bắt, bị dẫn độ đi nhiều nơi, hơn 1 tháng sau, chúng tôi mới được đưa về Hồng Kông, bàn giao cho Hội Chữ thập Đỏ. Từ Hồng Kông bay về sân bay Tân Sơn Nhất, Sài Gòn trên chiếc Boeing 207.

Cuộc trở về từ cõi chết ấy đẫm nước mắt, không chỉ vì mừng vui sống sót, được đông đảo học sinh, sinh viên, báo chí ra tận sân bay chào đón với biểu ngữ "Anh hùng Hoàng Sa đảo trở về", mà chúng tôi còn đứt ruột vì bay ngang qua Hoàng Sa - dải đất thiêng liêng của tổ quốc vừa chìm trong khói lửa, bị tạm mất. Giấc mơ xây dựng sân bay của Việt Nam tại Hoàng Sa của chúng tôi đã thành dang dở.

Năm 1975, chiến tranh kết thúc, ông Cúc về xin vào lái xe cho Ban An ninh quận 3 (Công an quận Sơn Trà bây giờ). Năm 1978 chuyển sang Cty vận tải ôtô Quảng Nam - Đà Nẵng rồi công tác đến năm 1997 mới xin về hưu sớm. Cái làng chài Mân Thái thưa thớt dân cư, quanh năm chỉ nghe sóng vỗ của ông Cúc bây giờ đã xênh xang phố mới.
Bờ biển nghèo, nay san sát resort, nhà hàng cao cấp, nhưng ngôi nhà cổ của ông Cúc vẫn khiêm tốn trong hẻm sâu. Ông Cúc tâm sự: Con tôi những hai gái, một trai. Trong đó, Nguyễn Thành Nhân là thằng con trai mà vợ tôi mang bầu trong lúc chia tay đi Hoàng Sa lần cuối. Lần ra đi định mệnh ấy, tôi luôn day dứt khi nghĩ về đất liền, vợ con. Thế nhưng, bây giờ con tôi ít đứa nào biết về Hoàng Sa, hỏi chuyện về Hoàng Sa cả.
Ngoài một số ít những bài báo gần đây, hiện có quá ít thông tin, sách vở nói về Hoàng Sa. Tôi thường cô đơn với ký ức của mình. May mà đến năm 2007, UBND huyện đảo Hoàng Sa tổ chức gặp mặt những nhân chứng từng sống, làm việc ở Hoàng Sa, tôi mới gặp lại những người đồng cảm với mình. Lần gặp thứ hai này, được biết chính quyền sẽ xuất bản kỷ yếu, sách về Hoàng Sa, tôi càng mừng. Con cháu mình cần phải biết nhiều hơn về mảnh đất thiêng liêng, vợi xa nhưng vô cùng đẹp đẽ ấy của tổ quốc.
Tôi cũng sẵn sàng kể chuyện Hoàng Sa cho các cháu học sinh, sinh viên, nếu ngành giáo dục địa phương tổ chức được những buổi học lịch sử ngoại khoá...
-------------------------------
(*) Ông Cúc (đứng) cùng chuẩn uý Thịnh chụp ảnh lưu niệm tại cầu tàu trên đảo Hoàng Sa năm 1973 (ảnh do nhân vật cung cấp). Ảnh: Thanh Hải.
Thanh Hải


PVK NOTEBOOK (TC PHAN VAN KHAI)
http://blog.360.yahoo.com/blog-1dwEw4khc6enorgfOkE6zNkv72M9FA--?cq=1&p=799
Entry for December 18, 2007 –
NHỮNG NGƯỜI TRẤN THỦ QUẦN ĐẢO HOÀNG SA CỦA TỔ QUỐC VIỆT NAM
Chiều ngày 11.12.2007, UBND huyện đảo Hoàng Sa thành phố Đà Nẵng đã tổ chức một buổi gặp ba người miền Nam từng phục vụ đất nước trên quần đảo Hoàng Sa của Tổ quốc Việt Nam.
Đó là các ÔÔ. Tạ Tấn Hồng, Võ Như Dân và Ngô Tấn Phát, cựu nhân viên Trạm quan trắc khí tượng Hoàng Sa, hiện đang sống tại Đà Nẵng. (Báo Tuổi Trẻ số 342/2007 ngày 13.12.2007 tr. 18. -- Chuyên mục phóng sự).
Buổi gặp khá cảm động và thú vị, vì tất cả đều là những chứng nhân của một thời đoạn lịch sử đáng ghi nhớ.

Trong tư liệu của một người từng hành nghề ký giả tại Saigòn, tôi cũng có một danh sách 43 người, từng sống và chiến đấu bảo vệ Hoàng Sa, từng bị rơi vào tay quân đội TQ trong trận hải chiến ngày 19.1.1974, sau đó, từng bị giải về TQ. Và, ngày 31.1.1974, từng được chính quyền TQ -- qua trung gian của Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế -- chuyển đến Hồng Kông, để giao trả về cho chính phủ Saigòn mà tôi đã có dịp gặp.

Thời gian qua, không biết những người này sinh sống nơi đâu, đời sống thế nào và sức khỏe ra sao. Nhưng nếu quí ôô. Tạ Tấn Hồng, Võ Như Dân và Ngô Tấn Phát vẫn còn, thì hy vọng họ vẫn còn và đang ở đâu đấy, quanh ta. Tôi xin liệt biên sau đây tính danh của họ để UBND huyện đảo Hoàng Sa thành phố Đà Nẵng nếu cần -- như đã từng cần gặp lại các quí ông cựu chuyên viên Trạm quan trắc khí tượng Hoàng Sa như những nhân chứng sống --, thì thử phát đi một lời mời thăm gặp, để thử xem xem trong số họ, -- những nhân chứng sống ấy --, ngày nay ai còn ai mất và để thử xem xem họ sẽ nói những gì với chúng ta về các trận hải chiến bảo vệ quần đảo Hoàng Sa của tổ quốc Việt Nam trong những năm 70 mà họ là những người trong cuộc?SAU ĐÂY LÀ DANH SÁCH NHỮNG NHÂN VIÊN QUÂN SỰ & DÂN SỰ MIỀN NAM TỪNG TRẤN GIỮ QUẦN ĐẢO HOÀNG SA CỦA TỔ QUỐC VIỆT NAM, BỊ QUÂN ĐỘI TQ TẤN CÔNG, TRẤN ÁP VÀ BẮT SỒNG TRONG TRẬN HẢI CHIẾN NGÀY 19.1.1974:

1/-Những SQ & BS Hải quân :
1-HQ Trung úy Lê Văn Trung
2-Trung sĩ Trịnh Vàng
3-Trung sĩ Phan Văn Bạc
4-Trung sĩ Đặng Văn Lân
5-Trung sĩ Thạch Cung
6-Trung sĩ Nguyễn Văn Hội
7-Hạ sĩ Nguyễn Văn Thắng
8-Hạ sĩ Trương Q. Nghiêm
9-Hạ sĩ Trần Văn Chương
10-Hạ sĩ Phan Văn Huy
11-Hạ sĩ Nguyễn Hữu Hùng
12-Hạ sĩ Nguyễn Ngọc Thanh
13-Thủy thủ Lư Chấn Hưng

2/-Những SQ & BS Địa phương quân :
1-Trung úy Phạm Hy
2-Trung sĩ Hồ Ngọc Thạch
3-Trung sĩ Phạm Trúc
4-Trung sĩ Nguyễn Đức
5-Hạ sĩ Huỳnh Tiên
6-Hạ sĩ Phùng Cư
7-Hạ sĩ Trần Hổ
8-Binh I Nguyễn Phùng
9-Binh I Nguyễn Trung Văn
10-Binh I Phan Văn Trình
11-Binh I Lê Hiền
12-Binh I Lê Kim
13-Binh I Đặng Nhứt
14-Binh I Lê Lang
15-Binh II Lê Bé
16-Binh II Nguyễn Hoàng Linh
17-Binh II Phạm Bảy
18-Binh II Lê Văn Ba
19-Binh II Đoàn Mười
20-Binh II Nguyễn Thành Nhi
21-Binh II Nguyễn Văn Đa
22-Binh II Huỳnh Văn Lang
23-Binh II Võ Văn Thắng

3/-Những SQ & BS thuộc Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn I - VICT :
1-Thiếu tá Phạm Văn Hồng
2-Trung úy Võ Hà
3-Trung úy Lê Văn Du
4-Hạ sĩ Đinh Hữu Lễ

& 4/-Nhóm nhân viên khí tượng :
1-Nguyễn Văn Nhượng
2-Đặng Hiền Võ
3-Nguyễn Văn Tân

TỔNG CỘNG : 43 người.

Danh sách này được lấy ra từ một tài liệu ghi chép riêng của tôi từ hồi cuối tháng 1 năm 1974.
Sau 33 năm, nhiều chỗ đã bị mờ.
Do đó, có thể tính danh của những người trong cuộc là không mấy chính xác. Mong quí vị thông cảm.

Hải đăng trên đảo Hoàng Sa (Pattle). Hình chụp trước Thế chiến thứ 2, cho thấy cờ Pháp trên ngọn hải đăng.

Nguồn : HOÀNG SA, LÃNH THỔ VIỆT NAM, Bộ DV&CH, Saigòn tháng 3.1974. Tài liệu riêng của TCPVK.
Tuesday December 18, 2007 - 12:29pm (ICT)


Hải chiến Hoàng Sa 1974
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
http://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BA%A3i_chi%E1%BA%BFn_Ho%C3%A0ng_Sa_1974

Hải chiến Hoàng Sa là một trận chiến giữa
Hải quân Việt Nam Cộng hòaHải quân Trung Quốc từ 17 đến 19 tháng 1 năm 1974 trên quần đảo Hoàng Sa. Sau khi Pháp rút khỏi Đông Dương, Việt Nam Cộng hòa đã thu hồi chủ quyền toàn bộ quần đảo này từ chính phủ bảo hộ Pháp nhưng một phần quần đảo đã bị Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cho quân ra chiếm giữ khi người Pháp rút đi, Việt Nam Cộng hòa chỉ chiếm giữ và thực hiện chủ quyền được một phần quần đảo cho đến khi cuộc hải chiến xảy ra. Sau trận chiến, Trung Quốc đã chiếm đóng toàn bộ quần đảo cho đến nay.

Bối cảnh

Quần đảo Hoàng Sa gồm hai nhóm đảo, nhóm đảo mà Việt Nam Cộng hòa bảo vệ và thực hiện được chủ quyền là nhóm Nguyệt Thiềm hay Trăng Khuyết (Crescent group) và nhóm Bắc đảo hay An Vĩnh/Tuyên Đức (Amphitrite group). Dưới thời Việt Nam Cộng hòa đã có đài khí tượng do Pháp xây, trực thuộc ty khí tượng
Đà Nẵng và được bảo vệ bởi một tiểu đoàn thủy quân lục chiến.
Năm
1956, Hải quân Trung Quốc chiếm đóng đảo Phú Lâm (Woody Island) thuộc nhóm Bắc đảo.
Năm
1958, Trung Quốc cho công bố bản Tuyên ngôn Lãnh hải 4 điểm, trong đó có tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc bao gồm các đảo Đài Loan, Tây Sa (tức Hoàng Sa của Việt Nam) và Nam Sa (tức Trường Sa của Việt Nam), đảo Macclesfield (Trung Sa), quần đảo Bành Hồ (Pescadores)[1].
Vào giai đoạn này, Trung Quốc vẫn là đồng minh hậu thuẫn cho
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiến hành cuộc Chiến tranh Việt Nam chống lại Việt Nam Cộng hòa và Hoa Kỳ.
Ngày
22 tháng 9 năm 1958, báo Nhân Dân đăng công hàm của Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn Đồng gửi Thủ tướng Quốc vụ Viện Trung Quốc, ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của chính phủ Trung Quốc quyết định về hải phận 12 hải lí của Trung Quốc (nhưng thực chất chỉ tranh thủ sự ủng hộ của Trung Quốc trong cuộc chiến tranh Việt Nam chứ không hề có dòng nào khẳng định chủ quyền của Trung Quốc ở 2 quần đảo này)[2].
Năm
1961, chính phủ Việt Nam Cộng hòa ban hành sắc lệnh khẳng định chủ quyền Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam của Việt Nam Cộng hòa.
Trong thời gian
1964-1970, Hải quân Trung Quốc và Hải quân Việt Nam Cộng hòa chạm súng liên tục trên hải phận Hoàng Sa, nhưng không đưa đến thương vong[3]. Trong thời điểm đó, Việt Nam Cộng hòa cũng thiết lập một sân bay nhỏ tại đảo Hoàng Sa.
Năm
1970, Hoa KỳNhật BảnHiệp ước trao trả Okinawa (Okinawa Reversion Treaty) trao trả quần đảo Điếu Ngư (Diaoyu) (tức Sento Shosho hay Senkaku Retto của Nhật Bản) về dưới chủ quyền của Nhật Bản với sự phản đối của Đài Loan và Trung Quốc; và cùng năm Đô đốc Elmo Zumwalt, cựu Tham mưu trưởng Hải quân Hoa Kỳ họp báo tuyên bố tại Guam rằng Hoàng Sa và Trường Sa không nằm trong chiến lược triển khai các hải đảo tiền đồn của Đệ thất Hạm đội Hoa Kỳ. Theo nhận định của Hải quân Việt Nam Cộng hòa thì đây là sự kiện trao đổi giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, và là nguy cơ cho Việt Nam Cộng hòa trong việc bảo vệ Hoàng Sa.[4].
Năm
1971, Hải quân Trung Quốc và Hải quân Việt Nam Cộng hòa tiếp tục chạm súng trên hải phận Hoàng Sa. [5] Những năm cuối của cuộc Chiến tranh Việt Nam, vì nhu cầu chiến trường, tiểu đoàn thủy quân lục chiến của Việt Nam Cộng hòa tại Hoàng Sa được đưa vào đất liền, chỉ còn một trung đội địa phương quân trấn giữ nhóm Nguyệt Thiềm.
Năm
1973, với Hiệp định Paris, Hoa Kỳ và Đệ thất Hạm đội rút quân và thiết bị của Hoa Kỳ ra khỏi quần đảo Hoàng Sa. Như vậy Hoa Kỳ đã xem việc bảo vệ quần đảo này là việc riêng của Việt Nam Cộng hòa.
Năm
1974 Bộ tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng hòa quyết định thiết lập một phi trường trên đảo Hoàng Sa có khả năng chuyên chở vận tải cơ hạng nặng C-7 Caribou để chuyển quân nhanh ra nhóm Nguyệt Thiềm. Khi một phái đoàn của Quân lực Việt Nam Cộng hòa thăm dò một số đảo Hoàng Sa trong việc chuẩn bị thiết lập phi trường nói trên thì khám phá ra sự hiện diện của Hải quân Trung Quốc, và giao tranh xảy ra sau đó.

Tương quan lực lượng

Phía Việt Nam Cộng hòa có 4 chiếm hạm là Tuần dương hạm
Lý Thường Kiệt (HQ-16), Hộ tống hạm Nhật Tảo (HQ-10), Tuần dương hạm Trần Bình Trọng (HQ-5), Khu trục hạm Trần Khánh Dư (HQ-4), một đại đội hải kích thuộc Hải quân Việt Nam Cộng hòa, một số biệt hải (biệt kích hải quân) và một trung đội địa phương quân đang trú phòng tại đảo Hoàng Sa.
Phía Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có 4 chiếm hạm trực tiếp tham gia trận chiến là
Liệp tiềm đĩnh số 274, Liệp tiềm đĩnh số 271, Tảo lôi hạm số 389, Tảo lôi hạm số 391. Sau khi trận chiến đã kết thúc, thì Liệp tiềm đĩnh số 282, Liệp tiềm đĩnh số 281 mới đến tăng viện. Ngoài ra, phía Trung Quốc có hai tàu chở quân số 402 và số 407 (không rõ loại), và lực lượng thuộc Trung đoàn 10 Hải quân lục chiến, trinh sát (không rõ số lượng).
Tương quan lực lượng, mỗi bên có 4 chiến hạm trực tiếp tham chiến. Tuy nhiên, Việt Nam Cộng hòa có ưu thế vượt trội, với các chiến hạm lớn, trang bị pháo và súng lớn hơn, mạnh hơn, nhiều hơn so với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.


Diễn tiến

Ngày
16 tháng 1 năm 1974, Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt sau khi đưa một phái đoàn của Quân lực Việt Nam Cộng hòa thăm dò một số đảo Hoàng Sa phát hiện hai chiến hạm số 402 và số 407 của Hải quân Trung Quốc gần Cam Tuyền, và phát hiện quân Trung Quốc chiếm đóng hoặc cắm cờ Trung Quốc tại các đảo Quang Hòa, Duy Mộng, Vĩnh Lạc.
Sau khi cấp báo về Bộ tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải tại
Đà Nẵng, HQ-16 dùng quang hiệu yêu cầu các chiến hạm Trung Quốc rời lãnh hải Việt Nam. Các chiến hạm Trung Quốc không rời vùng, và cũng dùng quang hiệu yêu cầu phía Việt Nam Cộng hòa rời lãnh hải Trung Quốc.
Ngày
17 tháng 1 năm 1974, Khu trục hạm Trần Khánh Dư (HQ-4) đến Hoàng Sa đổ bộ một toán biệt hải và một đội hải kích xuống Cam Tuyền để nhổ cờ Trung Quốc. Sau đó các chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa rút trở lên tàu. Cùng trong ngày Liệp tiềm đĩnh số 274 và Liệp tiềm đĩnh số 271 của Trung Quốc xuất hiện.
Ngày
18 tháng 1 năm 1974, Đề đốc Lâm Ngươn Tánh, Tư lệnh phó Hải quân Việt Nam Cộng hòa bay ra Bộ tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải tại Đà Nẵng để trực tiếp chỉ huy trận đánh. Ông ban hành lệnh hành quân Hoàng Sa 1 nhằm chiếm lại các đảo Cam Tuyền, Quang Hòa, Duy Mộng, Vĩnh Lạc. Lực lượng hành quân Hoàng Sa 1 được tăng cường thêm Tuần dương hạm Trần Bình Trọng (HQ-5) làm soái hạm cho cuộc hành quân, và Hộ tống hạm Nhật Tảo (HQ-10). Do hải hành lâu ngày chưa kịp tu bổ, HQ-10 tham chiến với một máy bất khiển dụng, chỉ còn một máy hoạt động.
8 giờ 30 ngày
19 tháng 1, hai nhóm Biệt Hải của Việt Nam Cộng hòa gồm 74 người đổ quân đảo Quang Hòa, bị một đại đội của hải quân Trung Quốc tấn công. Cuộc giao tranh dẫn đến thương vong của Hải quân VNCH gồm có 2 người chết và 2 bị thương, các toán Biệt Hải được lệnh rút về HQ-5[6].
10 giờ 22 cùng ngày, 2 chiến hạm của phía Việt Nam Cộng hòa là HQ-16 và HQ-10 tiến vào lòng chảo Hoàng Sa theo thế gọng kìm, nổ súng trước vào các tàu chiến Trung Quốc đang neo đậu trong khu vực này. Các tàu Trung Quốc tích cực di chuyển và phản kích dữ dội. Hai chiến hạm còn lại của Việt Nam Cộng hòa là HQ-4 và HQ-5 tiến vào lòng chảo, tham chiến từ phía tây nam. Sau khoảng 20 phút giao chiến, HQ-10 bốc cháy tại chỗ, HQ-16 trúng đạn pháo phải rút chạy về phía tây. Khu trục hạm HQ-4 và HQ-5 thương tích rất nhẹ, bỏ chạy về phía đông nam, hướng về vịnh Subic, Philippines. Các tàu phía Trung Quốc bị hư hại nặng, một tàu phải ủi bãi, một tàu bốc cháy, không đủ sức đuổi theo.
Trong thời gian xảy ra chiến sự, Bộ tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng hòa nhận được thông báo của Văn phòng Tùy viên Quân sự Hoa Kỳ (DAO) tại
Sài Gòn, cho biết radar Đệ thất Hạm đội ghi nhận một số tàu chiến và chiến đấu cơ từ Hải Nam đang tiến về phía Hoàng Sa. Bộ tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng hòa sau đó yêu cầu Đệ thất Hạm đội trợ giúp, nhưng phía Mỹ từ chối. Các chiến hạm Việt Nam Cộng hòa được lệnh rút bỏ quần đảo Hoàng Sa[7].
Đêm hôm đó, 3 chiến hạm VNCH bị hư hại được lệnh rút về căn cứ. Về đến Đà Nẵng, khi kiểm tra thì mới biết HQ-16 bị chính hỏa lực bạn là HQ-5 bắn trọng thương. Đối với Hộ tống hạm HQ-10 trong ngày 19 đã bị trúng đạn và bị chìm.
Hôm sau,
20 tháng 1, 4 phi cơ MiG-21MiG-23 của Trung Quốc oanh tạc các đảo Cam Tuyền, Vĩnh Lạc, và Hoàng Sa. Tiếp đó, quân Trung Quốc đổ bộ tấn công các đơn vị đồn trú của VNCH trên các đảo này. Sau 20 phút, lực lượng của VNCH trên các đảo bị mất liên lạc[8]

Kết quả

Theo tài liệu của Việt Nam Cộng hòa thì 274 trúng đạn, tay lái bất khiển dụng phải ủi vào bãi san hô để thủy thủ đoàn đào thoát, 271 hoặc 389 bị chìm tại trận, và 389 và 391 bị hư hại nặng. HQ-10 trúng đạn vào pháo tháp bị chìm tại trận, HQ-16 bị hư hại nặng nghiêng 15 độ, HQ-5 và HQ-4 bị hư nhẹ. Gần 50 thủy thủ và hạm trưởng
Ngụy Văn Thà của HQ-10 tử vong. Ngoài ra HQ-5 có 3 quân nhân tử vong và 16 bị thương. Hai ngày sau trận hải chiến, ngày 20 tháng 1, tàu chở dầu Hòa Lan "Kopionella" vớt được 23 người thuộc thủy thủ đoàn của HQ-10 đang trôi dạt trên biển. Đến mười ngày sau, ngày 29 tháng 1, ngư dân Việt Nam vớt được một toán quân nhân Việt Nam Cộng hòa gần Mũi Yến (Qui Nhơn), gồm 1 sĩ quan, 2 hạ sĩ quan và 12 quân nhân thuộc lực lượng đổ bộ lên Quang Hòa, đã dùng bè vượt thoát đảo sau trận hải chiến[9].
Theo một bài "Không thể chấp nhận được!" của
Bùi Thanh đăng trên báo Tuổi Trẻ Online ngày Thứ Năm, 06/12/2007, 08:14 (GMT+7}[10] "Trong trận hải chiến lịch sử và không cân sức này, 58 binh sĩ quân đội Sài Gòn đã ngã xuống nhưng không giữ được mảnh đất thiêng liêng của ông cha."
Theo tài liệu của Trung Quốc thì 274, 271, 389, 391 đều trúng đạn, 281, 282 và 402, 407 bị hư hại trung bình, HQ-10 bị chìm tại trận. Trung Quốc bắt giữ 48 tù binh, trong đó có một người Mỹ
[11]. Trung Quốc có trao trả tù binh sau đó tại Hồng Kông qua Hội Chữ thập đỏ.
Trung Quốc chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa từ thời điểm này. Sau trận chiến, Việt Nam Cộng hòa đã ra nhiều tuyên bố cũng như trưng ra các chứng cớ lịch sử về chủ quyền của mình[
cần dẫn nguồn] và đã được Chính phủ Pháp ủng hộ vì trước đây theo Hòa ước Pháp Thanh thì người Pháp đã thực hiện chủ quyền ở quần đảo này. Tuy nhiên, Trung Quốc đã cho đập phá các bia chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa, đào các mộ của người Việt đã chôn ở đây, xóa các di tích lịch sử của người Việt.
Phản ứng trước vụ việc,
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chỉ tuyên bố rằng "các nước liên quan nên giải quyết mâu thuẫn bằng đàm phán trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, và quan hệ láng giềng". [cần dẫn nguồn] Họ đã không thể làm gì hơn, do Hoàng Sa nằm ngoài tầm kiểm soát của họ, và họ vẫn cần đến viện trợ quân sự và kinh tế của Trung Quốc. Ngay sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền đối với cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc này đã gây ra sự bất bình lớn của Trung Quốc và bắt đầu một thời kỳ quan hệ căng thẳng giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc[12].
Nhà nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay vẫn khẳng định chủ quyền hợp pháp đối với toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và vùng lãnh hải liên quan trên biển Đông.

Xem thêm
Hải chiến Trường Sa 1988

Tham khảo / Chú thich
^ Security Implications of Conflict in the South China Sea: Exploring Potential Triggers of Conflict A Pacific Forum CSIS Special Report, của Ralph A. Cossa, Washington, D.C. Center for Strategic and International Studies, 1998, trang B-2
^ Nhân Dân số 1653, 22 tháng 9 năm 1958
^ Dyadic Militarized Interstate Disputes Data (DyMID), phiên bản 2.0 tabulations
^ Hải Chiến Hoàng Sa, Bão biển Đệ Nhị Hải Sư, tác giả xuất bản, Australia, 1989, trang 101
^ DyMID, đã dẫn trên
^ Counterpart, A South Vietnamese Naval Officer's War Kiem Do and Julie Kane, Naval Institute, Press, Annapolis, Maryland, 1998, chương 10.
^ Thế giới lên án Trung-Cộng xâm lăng Hoàng-Sa của VNCH, Tổng cục chiến tranh chánh trị, Cục tâm lý chiến, QLVNCH, 1974. tr. 8.
^ Thế giới lên án Trung-Cộng xâm lăng Hoàng-Sa của VNCH, Tổng cục chiến tranh chánh trị, Cục tâm lý chiến, QLVNCH, 1974. tr. 10.
^ Thế Giới Lên Án Trung Cộng Xâm Lăng Hoàng Sa Của VNCH. Tài liệu Tổng cục Chiến tranh Chính trị, Bộ Tổng tham mưu QLVNCH, Sài Gòn, 1974, trang 11.
^ Tây Sa Hải Chiến—Thống Kích Nam Việt Hải Quân (西沙海战――痛击南越海军) Tân Hoa Xã 2003-01-20, xem tại đây [13]
và Tây Sa Hải Chiến Tường giãi (đồ) (西 沙 海 战 详 解 [图]), xem tại đây
[14] có ảnh HQ-4 chụp từ tàu Krondstadt của Trung Quốc trước khi nổ súng.
^ Nayan Chanda, Brother Enemy. Wars after war, Harcourt Brace Jovanovich Publisher, 1986, tr.21
^ Không thể chấp nhận được!, Tuổi Trẻ 06/12/2007
^ Bài viết về trận chiến Hoàng Sa trên blog của tác giả Bùi Thanh

Liên kết ngoài
Hải quân Trung tá Lê Văn Thự, Hạm trưởng HQ 16, SỰ THẬT VỀ TRẬN HẢI CHIẾN HOÀNG SA, 2004
Tài liệu Tổng cục Chiến tranh Chính trị, Bộ Tổng tham mưu QLVNCH về hải chiến Hoàng Sa
Cựu phó đề đốc Hải quân Việt Nam Cộng hòa Hồ Văn Kỳ Thoại kể về Hải chiến Hoàng Sa 1974
Bài viết về trận chiến Hoàng Sa trên blog của tác giả Bùi Thanh
Lấy từ “
http://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BA%A3i_chi%E1%BA%BFn_Ho%C3%A0ng_Sa_1974


VIDEO :
Hải chiến Hoàng Sa 1974

http://www.youtube.com/watch?v=Ur7F1mFZ1Dw&eurl=
http://www.youtube.com/watch?v=SjIK-Kef4A0

Hoàng Sa đất Việt Nam - biển Việt Nam
http://xuquang.com/dialinhnk/hoangsa.htm

Hải Chiến Hoàng Sa
Bách Việt Nhân
vietnamexodus Friday, 05, October
http://www.vietnamexodus.org/vne/modules.php?name=News&file=article&sid=2638

Hải Chiến Hoàng Sa
Vũ Hữu San
HaiChien1
http://vuhuusan.110mb.com/haichien1.htm
HaiChien2
http://vuhuusan.110mb.com/haichien2.htm
HaiChien3
http://vuhuusan.110mb.com/haichien3.htm

Trận hải chiến Hoàng Sa
15 Tháng 12 2007 - Cập nhật 12h46 GMT
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/programmes/story/2007/12/vietnamtoday_wk50_2007.shtml

No comments: