Sunday, April 12, 2009

VỀ THĂM LẠI NHÀ TÙ XƯA

Về thăm lại nhà tù xưa
Huy Phương
Saturday, April 11, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=93371&z=97
Nghị Sĩ John McCain đã trở lại nhà tù Hỏa Lò tại Hà Nội của Cộng Sản, một lần năm 2000 với vợ và con trai, và mới đây vào đầu Tháng Tư, 2009, nơi ông đã trải qua hơn năm năm bị giam cầm (1967-1973). Khi chiếc phi cơ A-4 của ông bị bắn rơi, John McCain nhảy dù xuống hồ Trúc Bạch, bị gãy hai tay và bể đầu gối, bị đâm bằng lưỡi lê, đánh bằng báng súng làm xương vai bị gẫy và hằng trăm người đã bu quanh, lột trần, khạc nhổ vào mặt, đánh và đá ông. Trong nhà tù, ông đã bị tra khảo tàn nhẫn, bị đánh đập gẫy nhiều xương sườn và hai răng, bị kiết lỵ, suy nhược và ông đã có lần muốn tự sát bằng cách treo cổ nhưng không thành công.
Mỗi lần về thăm nơi giam giữ xưa của một người tù cũ, ông luôn luôn được tiếp đón niềm nở, ồn ào vì vai trò Nghị Sĩ Hoa Kỳ và tiếng nói có sức mạnh của ông tại Quốc Hội Mỹ. Trước khi chấm dứt cuộc viếng thăm nhà tù này, người ta đã đưa cuốn sổ lưu niệm đến ông, và ông chỉ viết mấy chữ “Best wishes- John McCain, US Senate, Arizona.” Ông John McCain đã hai lần về thăm nhà tù này. Việt Nam hãnh diện đón tiếp ông. Việc đó có ý nghĩa gì? Ông là người không bao giờ quên quá khứ, hay muốn nói một lời hòa giải với kẻ thù xưa? Với cương vị đại diện cho dân chúng Mỹ, ông không thể viết hay nói gì hơn bằng những dòng chữ có tính cách xã giao lấy lệ, nhưng tôi nghĩ trong lòng ông, ông có thể tha thứ, nhưng chắc chắn không bao giờ quên những điều đau đớn, ô nhục tận cùng ông đã phải chịu đựng trong những ngày bị giam cầm nơi đây.

Bỗng dưng lòng tôi cũng dấy lên một niềm ao ước, giá như có một ngày nào đó, mình có thể trở lại thăm những nhà tù xưa. Dù đã hơn 30 năm qua, nhưng từng dãy nhà, từng gốc cây, từng con suối và từng khuôn mặt thân quen của những người sống và những người đã chết như còn hiển hiện trong tâm trí tôi. Tôi còn nhớ cả những tiếng của cô xướng ngôn viên đài phát thanh Hà Nội the thé sắt máu trong tiếng loa phóng thanh rè rè trong đêm, chấm dứt buổi phát thanh tối, và sau đó là tiếng kẻng ngủ gióng giả kêu gọi mọi người trở về với tự do riêng của mình, khi chiếc mùng cá nhân được buông xuống.
Tôi như còn có thể nghe rõ tiếng kẻng tù giục giã mỗi sáng tinh mơ, tiếng chim rừng khắc khoải “nhớ con đứt ruột,” và cả tiếng chim buổi sáng dịu dàng đến hót trên cành cây cao, đầu lán trại của tôi. Những ngày ấy thật đã qua rồi, nhưng cũng như tất cả bạn bè cùng hoàn cảnh, chúng tôi không bao giờ quên được.
Tôi sẽ về lại trên con đường “thập tự” nắng cháy từ ga Yên Bái đến bến thuyền Thác Bà để tìm lại những em bé đã bị xúi giục ném đá vào bọn tù “ngụy” từ trong Nam mới chuyển ra. Ðã hơn 30 năm rồi, ngày ấy các em chỉ mới lên 10 hay 12, tuy cánh tay còn non yếu nhưng đã đủ sức ném những viên đá đủ làm vỡ đầu chúng tôi. Bây giờ các em đã trưởng thành, dù đi “bộ đội,” làm công nhân hay đi bán sức lao động ở nước ngoài thì cũng đã đủ trí khôn để biết rằng bây giờ, ai là người đáng cho các em nguyền rủa và ném đá nhất. Cho tôi tìm lại những cụ già mắt hấp hem ở ven đường, hay những thiếu nữ trong bản làng, ngày chúng tôi mới đến còn nghi ngờ, dè dặt, nhưng đã dành nhiều tình cảm lưu luyến khi chúng tôi lên xe trở về Nam. Ông già người Tày, ngày trước đã vứt ra đường mấy củ sắn nóng khi chúng tôi đi qua, ngày nay chắc không còn nữa, mộ ông ở đâu cho tôi về thắp nén hương cho ông, đặt vào tay con cháu ông chút quà gọi là nhớ ơn Phiếu Mẫu. Tôi sẽ xin viếng thăm bếp lửa của những nhà sàn thượng du nhả khói để xin hơ hai bàn tay giá lạnh của một ngày đã xa lắm, mà tôi thường mơ ước trong những buổi chiều Mùa Ðông thất thểu cùng toán tù trên đường về trại.
Như tôi còn nghe được những tiếng kêu cứu trong đêm khi lán tù có người bệnh cần cấp cứu. Như tôi còn hình dung lại bạn bè của tôi, những con ma đói hiện hình, những đêm “ngồi đồng,” phê bình, kiểm thảo, cắn xé nhau dưới ngọn đèn leo lét, như những oan hồn từ địa ngục hiện về.
Cho tôi tìm lại con đường dốc “bá thở” mỗi ngày chúng tôi phải đi qua, vất vả, chán chường và lấm lem. Cho tôi về lại con suối trong veo đã cho chúng tôi giặt giũ được phiền muộn trong chốc lát. Cho tôi tìm lại được những vạt giường tre của mỗi thằng tù bề ngang sáu tấc, những đêm trăn trở vì giá buốt, bụng lép, thân ve và trăn trở vì nỗi nhớ nhà. Cho tôi tìm lại ngọn đồi sỏi đá, nơi mà bạn bè tôi đã được đem đến trên chiếc xe bò vùi thân bởi người tù hình sự, không biết có còn bia mộ gì không, bạn đã trở về miền Nam chưa hay thân xác đã tan biến vào lòng đất mà oan hồn còn vướng vất đâu đây!
Bây giờ những nhà tù bằng tre lá do bàn tay của chính những người tù miền Nam dựng nên có lẽ đã không còn nữa. Những nhà tù bây giờ đã kiên cố, vững chãi hơn cùng với chế độ, muốn chế độ mạnh phải xây nhiều nhà tù và tuyển dụng thêm nhiều công an cai tù hơn nữa. Ba Ðen, đứa con lai đen bất hạnh của hai dòng máu Việt-Phi Châu không biết đã qua đến nhà tù thứ mấy mươi? Những đứa trẻ được đưa vào trại “cải tạo” qua những lần công an lùng bắt cho đủ chỉ tiêu, đã quên hẳn tên cha mẹ, trú quán, không có một nơi để về, bây giờ đã ra sao?
Tôi nghĩ một ngày nào đó, tôi sẽ về thăm lại nhà tù cũ. Tất cả chắc đã đổi thay, lán trại, cây cối, ruộng nương, núi rừng và cả những người dân ở đó. Ba mươi năm là một thời gian quá dài của một đời người và với những đổi thay, nhưng có lẽ còn quá ngắn để làm cho một người tù cũ như tôi quên được những ngày tháng ấy. Tôi sẽ không đánh lên một “tiếng kẻng tù gắt gỏng” mà tôi không bao giờ muốn nghe lại, dù một lần, tôi muốn có một tiếng chuông chùa nơi ấy, sẽ âm vang đến núi rừng để lên tiếng gọi những linh hồn oan khuất. Ðã bao nhiêu người nằm lại trên núi rừng Việt Bắc cho tôi có mặt nơi này hôm nay.
Trở lại những nơi này, tôi sợ lòng mình quá yếu đuối, tôi làm được gì cho bạn bè, chiến hữu ngoài những dòng nước mắt. Giá mà trên trái đất này không còn một nơi nào gọi là nhà tù nữa.

Ta, tên tù biệt xứ

Lê vòng xích ta tên tù lưu xứ
Biệt quê hương giữa cuộc chiến vừa tàn
Vì tham sống ta ôm niềm đau nhục
Bạn chết là - đã chọn lấy vinh quang.
Ðao trong tay người tù làm kiếm sĩ
Chém tre già, bạt nứa, hát nghêu ngao
Ai đi luận anh hùng lúc chiến bại
Mà lòng người vẫn dấy một niềm đau,
Sáng ra đi đất trời còn hợp nhất
Ðể tâm không ta lầm lũi bước lên ngàn
Buổi tối đến lờ mờ đèn âm phủ
Ta nhìn ta nhức nhối vết dao đâm.
Bạn, quất ta những lằn roi rất ngọt
Thù, mép môi nói những điệu ân cần
Ta rỏ máu đi quật mồ dĩ vãng
Moi ruột gan dùng tế lũ hung thần.
Hồn thượng du nghìn đời thèm hột muối
Ruột thắt đau theo những nhịp kẻng chiều
Ta với bản năng dở người dở thú
Trong vũng lầy thường thảng thốt gào kêu.
Những buổi trưa soi mình trong giếng cạn
Ta thấy ta, tên người ngợm cổ sơ
Cả thế gian như lạc vào nguyên thủy
Ta nghe ta, thân thối rữa từng giờ.
Tiếng vượn hú bên rừng ngàn năm cũ
Ta trở về thời hoang dại ngu ngơ
Bao vây ta ôi núi rừng trùng điệp
Biết phương mô mẹ đợi với em chờ.
Ta biết đau nỗi đau mình quá nhỏ
Thiên hạ còn mang nặng vết thương chung
Thân hèn mọn không làm nên chuyện lớn
Trong xót xa còn lẫn nỗi thẹn thùng.
Tóc từng sợi theo chân năm tháng bạc
Tim phôi pha những thương nhớ bao ngày
Nhìn người trước, người sau đà mất biệt
Nhìn lại ta, thân xa xứ lưu đày.
Mai ta về tìm trong vôi gạch đổ
Chẳng thấy chi trong những cái đi tìm
Ngẩng mặt nhìn trời, trời vân vũ
Ta bật cười như thể một tên điên.


No comments: