Sunday, April 12, 2009

RA MẮT "TỪ ĐIỂN CHỮ NÔM TRÍCH DẪN"

Tự Điển Chữ Nôm Trích Dẫn, một công trình văn học lớn
Bài và hình: Nguyên Huy/Người Việt
Friday, April 10, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=93355&z=3
WESTMINSTER, California (NV) - Chiều hôm nay, Thứ Bẩy 11 Tháng Tư lúc 2 giờ tại Viện Việt Học, Westminster, một công trình văn học lớn là tác phẩm Tự Ðiển Chữ Nôm Trích Dẫn được viện giới thiệu với mọi người.

Hai trong bảy đồng tác giả “Tự Ðiển Chữ Nôm Trích Diễn,” học giả Nguyễn Văn Sâm (trái) và Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích (phải) và cô Kim Ngân của Viện Việt Học.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/93355-medium_NVHN-090410-ChuNom.jpg

Ðây là một công trình văn học của bảy giáo sư học giả gồm các ông Nguyễn Hữu Vinh, Ðặng Thế Kiệt, Nguyễn Doãn Vượng, Lê Văn Ðặng, Nguyễn Văn Sâm, Nguyễn Ngọc Bích, Trần Uyên Thi đã bỏ công nghiên cứu sưu tầm từ nhiều năm nay và nay soạn thảo thành một cuốn tự điển dầy gần 2,000 trang khổ sách lớn do Viện Việt Học ấn hành.

Phần lớn chúng ta đều biết rằng tiếng nói của người Việt không có chữ riêng (hay có mà đã bị một ngàn năm Bắc thuộc làm tiêu tán) phải mượn chữ Hán để thể hiện, đó là chữ Nôm cũng gọi là quốc ngữ. Mãi đến thế kỷ thứ 16 khi những người truyền giáo phương Tây đến đất nước ta, vì nhu cầu truyền giáo đã La Tinh hóa ngôn ngữ Việt Nam để sau trở thành chữ quốc ngữ phổ biến rộng rãi như ngày nay.

Ngày nay dù chữ Nôm đã thành tử ngữ không còn được phổ biến trong các chương trình giáo dục tại Việt Nam qua các chế độ, nhưng chữ Nôm đối với những nhà khảo cứu văn học, những nhà nhân chủng học, những nhà xã hội học và những nhà ngôn ngữ học vẫn rất cần thiết để tra cứu không chỉ về văn học mà còn trong lãnh vực xã hội và lịch sử.

Nhắc đến chữ Nôm có người vẫn còn mơ hồ vì bị ảnh hưởng từ một câu phong dao “nôm na là cha mách qué” khi chữ Hán chiếm vị trí chủ đạo trong sinh hoạt văn học của người Việt trong một thời gian khá dài. Nhưng rất may bên cạnh đó lại có nhiều danh sĩ như muốn phản ứng lại sự lệ thuộc chữ nghĩa đã để lại cho dân tộc ta những áng văn chương bất hủ viết bằng chữ Nôm hay dịch ra chữ Nôm đã át cả nguyên bản chữ Hán. Chúng ta có thể kể các tác phẩm lớn ấy như Truyện Kiều của Nguyễn Du phỏng tác từ truyện Ðoạn Trường Tân Thanh của Trung Hoa, Chinh Phụ Ngâm...

Trong phần đầu cuốn Tự Ðiển Chữ Nôm Trích Dẫn có liệt kê được 69 tác phẩm được viết hay dịch ra chữ Nôm trong đó là những danh tác như Truyện Kiều, Chinh Phụ Ngâm, Cung Oán Ngâm Khúc, Bần Nữ Thán, Lưu Bình Dương Lễ, Nhị Ðộ Mai, Phan Trần (ca dao ta có câu ‘Ðàn ông chớ kể Phong Trần, Ðàn bà chớ kể Thúy Vân Thúy Kiều’ để định giá thiên lệch về mặt đạo đức trong hai tác phẩm này). Theo Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích thì kho tàng văn chương chữ Nôm có cả hàng trăm cuốn chưa được sưu khảo đến.

Cũng theo hai tác giả Nguyễn Văn Sâm và Nguyễn Ngọc Bích thì “chữ Nôm đã có mặt với dân tộc ta trong một thời gian dài để làm trọn vai trò của nó là ghi lại tâm tình, tư tưởng của đông đảo người Việt ngoài tầng lớp trí thức thành đạt trong việc học và sử dụng chữ Hán. Các sáng tác văn chương đi sâu vào quảng đại quần chúng hầu hết được viết bằng chữ Nôm, kể cả những bài văn thơ có tính cách tôn giáo và những văn thư được triều đình phổ biến đến xã thôn nữa”.
Vì thế nên để bảo tồn và phổ biến văn hóa dân tộc thì việc tìm hiểu lại những tác phẩm văn thơ bằng chính văn chữ Nôm là một công việc cần thiết.

Tự Ðiển Chữ Nôm Trích Dẫn sẽ như là cánh cửa mở vào kho tàng văn chương chữ Nôm, là cái gạch nối giữa các thế hệ trẻ với cha ông cách nay nhiều đời. Tác giả Nguyễn Văn Sâm cho biết sự tra cứu tự điển này rất dễ dàng, vừa theo vần ABC, vừa theo bảng tra bằng bộ chữ và nét chữ. Ðặc biệt là một trong những tác giả là cô Trần Uyên Thi đã chuyển được tự điển vào phần nhu liệu điện toán và các bạn trẻ, dù không biết tiếng Nôm cũng có thể viết bằng tiếng Nôm khi chỉ cần gõ lên máy đã cài đặt nhu liệu này vào máy.

Cũng trong buổi ra mắt cuốn tự điển này tại Viện Việt Học, một tác phẩm khác cũng được viện giới thiệu. Ðó là cuốn “Lộc Minh Ðình thi thảo” của Ưng Bình Thúc Giạ Thị, cháu của danh sĩ Tuy Lý Vương mà trong văn học Việt Nam còn truyền tụng tài danh rằng “Văn như Siêu Quát, vô tiền Hán. Thi đáo Tùng, Tuy (Lý Vương) thất thịnh Ðường”.

Công trình của bảy học giả trên lại góp thêm phần duy trì và phát triển nền văn hóa chính thống của dân tộc mà cộng đồng người Việt hải ngoại đã vun bồi phát triển từ hơn 34 năm nay. Trong khi đó ở trong nước, sau những đợt “truy quét văn hóa đồi trụy” và những chính sách văn hóa đảng của nhà nước CSVN thì nền văn hóa dân tộc đã mất đi khá nhiều bản sắc khiến dễ dàng cho ngoại bang phương Bắc đồng hóa.

Quí độc giả muốn có hai tác phẩm này có thể liên lạc về Viện Việt Học, số điện thoại (714) 775-2050 hay email ivsstaff@yahoo.com. (N.H.)


No comments: