Saturday, April 4, 2009

VỀ MỘT QUÃNG ĐỜI TRỊNH CÔNG SƠN (Phần IV)

Về Một Quãng Đời Trịnh Công Sơn (phần IV)
Nguyễn Thanh Ty
16/04/2007
http://www.vietnamreview.com/modules.php?name=News&file=article&sid=6162

Chưa Có Lần Nào Hát Hay Như Thế !

Trong những ngày chủ nhật mưa dầm gió bấc, đất nhão, đường trơn, chúng tôi quây quần, có khi nhậu rượu đế với khô sặc của Trần văn Nghị đem từ quê miền Nam lên, có khi nhâm nhi cà phê làm một màn văn nghệ bỏ túi. Nhân vật chính vẫn là Trịnh Công Sơn. Anh đánh đàn, hát. Thỉnh thoảng có bài nào hợp với sáo thì tôi mang sáo ra phụ họa. Anh em cũng luân phiên mỗi người làm vài ba câu, một bản. Tuy nhiên, Sơn vẫn luôn được yêu cầu anh hát chính các nhạc phẩm của anh. Giọng Sơn không trong, không trầm. Một giọng đặc biệt, nhẹ, quyến rũ, truyền cảm, không hay nhưng cảm được người nghe. Anh hát những bài mới làm tại đây như "Chiều một mình qua phố", "Lời buồn thánh", "Vết lăn trầm", "Tiếng hát Dạ Lan" tức "Dấu chân địa đàng" Chúng tôi lặng người ngồi nghe. Không gian yên tĩnh. Thời gian ngừng lại. Ngoài trời mưa vẫn rì rào từng cơn. Không một tiếng vỗ tay, khi Sơn ngừng hát. Chúng tôi sợ tiếng động làm tan biến cái không khí đang quánh đặc lại bởi tiếng hát của Sơn và hồn chúng tôi thành một. Sơn nhẹ nhàng buông đàn. Đôi mắt mơ màng sau đôi kính cận.
Nhưng có một lần Sơn hát hay nhất, xuất thần nhất, tôi không thể nào có dịp nghe lại lần thứ hai. Đó là đêm ở quán cà phê bi da Ngọc Trang. Chiều thứ bảy, sau chầu đãi cơm chiều mà phe Bạch Tín thua tơi bời hoa lá, hai chàng nhất định phục thù cho sáng mai một chầu ăn sáng, có cả phở lẫn cà phê. Tôi vẫn cứ chức trọng tài, hưởng sái. Mãi mê chơi, chúng tôi quên cả thời gian. Chín giờ điện cúp, mà vẫn chưa kết thúc trận final 50 điểm. Nài nỉ chủ quán thắp đèn cầy chơi tiếp. Hai chị em chủ quán đều tên Trang, nể vì mấy ông giáo nên cũng chiều lòng, đốt lên mấy ngọn đèn sáp. Xong, để mặc chúng tôi, hai chị em ôm đàn ngồi hát nho nhỏ trong một góc tối.
Đang đắc ý với điểm vừa thắng quá dễ dàng trong vị thế hai trái bi mắt kính, Tín chợt dừng lại, chống cơ, đột ngột lên tiếng:
- Ôi giời! Rõ là múa rìu qua mắt thợ! Đánh trống trước cửa nhà sấm. Hai em ơi! ông nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đang đứng lù lù một đống đây này, mà hai em lại hát "Diễm Xưa" với Diễm nay thì có chết không cơ chứ!
Hai chị em như chạm phải điện, bật đứng dậy, hấp tấp đua nhau nói:
- Thật hả? Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thật hả? Sao lâu nay chúng em không biết ?
Cũng Tín, cướp lời trước khi Sơn đáp:
- Ấy! Tại các em vô tình thôi! Ngày nào ông chẳng có mặt ở đây.
Cô chị phân bua:
- Mấy em chỉ nghe các bạn hát nhạc của ông Sơn, thấy hay thì bắt chước chớ có bao giờ biết mặt đâu. Không ngờ lại được hân hạnh gặp ở đây!
Tín gạ gẫm:
- Bây giờ các em có muốn nghe chính nhạc sĩ hát không nào?
- Dạ rất muốn, nhưng chỉ sợ ông Sơn không chịu!
Bạch đề nghị:
- Nếu muốn thì hai cô phải chịu hai điều kiện.
- Xin anh cho biết hai điều kiện gì? Một cô hỏi.
Bạch tiếp tục đưa đề nghị:
- Thứ nhất không tính tiền ván bi da này. Thứ hai đãi một chầu cà phê đặc biệt. Chịu không?
Hai cô cười rất tươi:
- Vâng được ạ! Tưởng gì khó khăn chứ hai điều ấy đối với chúng em rất dễ dàng.
Thế là chúng tôi đi rửa tay, vào bàn ngồi chờ cà phê. Tâm mập cứ tủm tỉm cười một mình. Hai chị em cô Trang hình như xuýt xoát tuổi nhau. Dáng người dong dõng, chân dài. Không đẹp nhưng rất có duyên, ưa nhìn. Khi hai cô chuẩn bị ly, tách để pha cà phê chúng tôi mới có dịp ngắm kỹ hơn. Cô chị có mái tóc dài óng ả, buông lơi xuống tận lưng. Hai bàn tay trắng mịn màng. Những ngón tay búp măng thuôn dài. Cô em kiểu tóc ngắn Demi Garçon, dáng trẻ trung, khỏe mạnh. Khi những giọt cà phê bắt đầu rơi xuống, hai chị em vào bàn chung với chúng tôi. Bạch hối:
- Đem đàn ra cho nhạc sĩ chớ!
Hai chị em mới sực nhớ ra cây đàn vẫn còn dựng trong góc quầy. Cô em nhanh nhẹn vào lấy đàn đưa cho Sơn và nói:
- Mời nhạc sĩ!
Bây giờ Tâm mới mở miệng:
- Đừng gọi nhạc sĩ! Anh ấy mắc cỡ. Các em hãy gọi là anh Sơn cho thân.
Quay sang chúng tôi, anh nháy mắt:
- Phải không các ông ?
- Phải! Phải! Đúng vậy! Chúng tôi nhao nhao biểu đồng tình.
Sơn lặng lẽ so dây dàn. Tín gây không khí:
- Ông Sơn nói với các em gái vài tiếng chứ! Các em đang chờ đấy!
- Vâng! Phải đấy ạ! Chúng em đang chờ! Nhưng mời các anh dùng cà phê trước đã.
Sơn nói nhỏ nhẹ:
- Cám ơn các cô! Cám ơn thịnh tình các cô dành cho tôi!
Sơn gốc Huế, nhưng ít khi nói "mô, tê, răng, rứa" với chúng tôi. Nhất là không bao giờ "tau, mi" như những anh "trọ trẹ" khác. Sơn nói tiếng Bắc chuẩn, nhẹ, không nặng trịch như những ông Bắc xưng là dân "Hà Lội" chính cống.
Cô Trang chị náo nức:
- Anh Sơn bắt đầu đi! Cho chúng em thưởng thức đi!
Bạch đế thêm:
- Phải! Ông cho các em thưởng thức đi!
Cô Trang em, nguýt một cái dài đuôi con mắt, ngụ ý hiểu câu nói hai nghĩa của Bạch. Sơn hắng giọng. Bắt đầu dạo đàn. Tiếng đàn theo giai điệu Blue, nhẹ nhàng, rơi từng tiếng một. Sơn hát bản "Ướt mi" đầu tiên.
Vừa dứt, tiếng vỗ tay nho nhỏ của hai cô (đêm khuya không dám vỗ lớn) vang lên ròn rã kèm theo những tiếng xuýt xoa:
- Hay quá! Hay quá! Hát thêm bài nữa đi anh Sơn!
Sơn hát tiếp bài "Thương một người". Rồi trong lúc cao hứng, anh hát luôn hai bài nữa là "Dấu chân địa đàng" và "Diễm xưa". Trong lúc say sưa hát, mắt Sơn nhìn vào khoảng không, thả hồn vào lời ca tiếng nhạc. Chúng tôi cũng say sưa lắng nghe. Trong lúc xuất thần, hình như Sơn quên hết sự vật quanh mình, chỉ còn có âm thanh. Trong cái tĩnh mịch về khuya, dưới ánh sáng lung linh của những ngọn bạch lạp, bóng người chập chờn trên vách, tiếng hát Sơn vang lên, lúc bổng cao, lúc chùng xuống, lúc kể lể, thở than, khiến chúng tôi lịm đi trong ngất ngây cảm xúc. Chúng tôi đã từng nghe Sơn hát nhiều lần, nhưng đây là lần Sơn hát hay nhất. Phải chăng là do cái không khí huyền ảo đêm đó cộng với sự có mặt của hai giai nhân đã làm cho tiếng hát Sơn trở nên tuyệt vời?
Trên đường về, Tín xóa bàn:
- Hôm nay ông Sơn sướng nhé! Được một lúc hai em chiều chuộng, bốc lên tận mây xanh. Sướng nhé! Này, hai ván bi hồi chiều kể như huề nhé!
Tâm phản đối :
- Ý! Đâu được. Tốn cả lít mồ hôi mới thắng được mấy cha, bây giờ xóa bàn đâu có được!
Bạch chen vào cãi:
- Thì lúc nãy ông uống cà phê chùa rồi. Công tôi với ông Tín gạ hai em, ông đâu có góp tiếng nào. Ông cứ ngồi cười tình, thấy ngứa mắt chết mẹ!
Quay sang tôi, Bạch kiếm đồng minh:
- Phải không ông trọng tài?
Phải!!! Lần này tôi được quyền phân xử một cách công minh, chính trực, không phải hổ thẹn với lương tâm. Bởi tôi cũng đã uống ké cà phê chùa và nghe hát miễn phí. Tôi dõng dạc tuyên bố:
- Ông Tín, ông Bạch đúng. Trên nguyên tắc, phe Tâm Sơn thắng. Trên thực tế, phe Tín Bạch đã trả nợ xong. Đêm nay huề. Ngày mai bắt đầu lại từ đầu.
Sơn không tranh cãi, vừa đi vừa huýt sáo. Sơn đang vui.

Uy Vũ Bất Năng Khuất !


Cứ mỗi đầu tháng, sáng thứ hai tuần lễ đầu tiên, toàn thể quân, cán, chính trong Tỉnh đều tề tựu đông đủ tại Hội trường Nông-Lâm-Súc để họp hội nghị, gọi là "Hội thuyết giáo khoa" (?). Mục đích là để nhân viên, cán bộ các ban, ngành có dịp gặp gỡ, trao đổi và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, dưới quyền chủ tọa của Đại tá Bách, Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Lâm Đồng.
Lần nào cũng như lần nào. Buổi hội thảo cứ đều đặn, lập đi lập lại một cách máy móc. Các trưởng ty lần lượt lên bục đọc báo cáo thành quả của Ty mình. Vỗ tay. Nêu ý kiến thắc mắc, giải đáp. Không ý kiến. Thông qua. Cứ như vậy, hết Ty này đến Ty khác. Trong lúc các ông Trưởng ty áo vest, cà vạt lên sân khấu trịnh trọng đọc báo cáo, thì cái đám nhân viên ngồi dưới đâu có để tâm lắng tai nghe những lời vàng ngọc mà vận dụng hết nhãn quan để liếc dọc, nhìn xuôi kiếm tìm người đẹp. Bên phía giáo dục rọi đèn pha qua đám nữ thư ký hành chánh. Ngược lại đám nhân viên tòa Tỉnh chiếu hồ quang qua đám mỹ nhân giáo chức. Người ta không thể nghe được những gì các ông thầm thì với nhau. Nhưng cứ nhìn cái cung cách những cái đầu của các ông chụm lại, rồi ngước lên, miệng cười nham nhở, người ta cũng đoán biết được 99% những gì trong đầu các ông vừa trao đổi. Còn các bà, các cô thì sao? Đây là cơ hội cho quí bà, quí cô tha hồ dùng thì giờ hành chánh đan áo len thoải mái. Bà nào cũng lôi trong giỏ xách ra một cuộn len và đôi que đan. Mắt thì nhìn lên sân khấu ra vẻ rất chăm chú theo dõi lời vàng, tiếng ngọc của thuyết trình viên. Nhưng hai tay thì đan lia lịa. Hai que đan lên xuống nhanh như cái máy. Nhờ vậy thời gian mới trôi qua mau.
Nghỉ giải lao. Họp tiếp. Tỉnh trưởng ban chỉ thị. Ban tổ chức ngỏ lời cảm tạ. Buổi hội thuyết thành công mỹ mãn. Tiếng vỗ tay rần rần. Ai nấy đều cố tạo vẻ hả hê, tỏ ra mình vừa mới được học hỏi thêm nhiều điều mới lạ, hữu ích. Hân hoan ra về.
Có điều bên cánh giáo dục rất bực bội cho là luôn bị chèn ép, ăn hiếp. Chẳng là, cứ nửa buổi nghỉ giải lao, lại có màn văn nghệ giúp vui. Thành phần giúp vui luôn "ưu ái" cho Ty giáo dục. Tội nghiệp cho các cô cứ phải lên hát, múa làm trò...
Cái này thành lệ lâu lắm rồi, từ thời ông Trương Cảnh Ngôn làm Ty trưởng. Lý do được nêu ra để đùn việc là bên giáo dục đông nhân viên, nhất là nữ. Nhân tài nhiều gồm đủ cả thơ, nhạc, văn nghệ, văn gừng...
Đến đời ông Lê Cao Lợi phải è cổ ra gánh tiếp, đâu có lý do gì từ chối. Mà đó là chuyện nhỏ nhặt, cãi lại, mích lòng ông Tỉnh trưởng có mà dại! Cái đám giáo học bổ túc chúng tôi nhất định không tham gia ba cái vụ đó. Mặc dầu ông Lợi có kêu gọi tăng cường nhân sự cho chương trình thêm mới lạ và hấp dẫn. Mấy tháng sau khi chúng tôi được đổi tới, bữa "Hội thuyết giáo khoa", gần đến giờ văn nghệ giải lao, ông Tỉnh trưởng gọi ông Lợi đến kề tai nói nhỏ điều gì, thấy ông Lợi gật đầu lia liạ. Ông Lợi đi thẳng đến đám chúng tôi, đến trước mặt Trịnh công Sơn. Sơn đang phì phà ống vố. Ông Lợi có vẻ hân hoan:
- Này anh Sơn! Ông Tỉnh trưởng nghe tiếng anh, ông rất hâm mộ. Ông nhờ tôi yêu cầu anh lên giúp vui vài tiết mục. Tôi nhận lời rồi. Hân hạnh lắm nhé!
Bất ngờ Sơn lắc đầu:
- Xin ông vui lòng nói lại với ông Tỉnh trưởng, tôi rất cám ơn nhã ý của ông ấy, nhưng tôi không thể làm được.
Ông Lợi chưng hửng. Khựng lại vài giây, ông nài nỉ:
- Anh Sơn, anh ráng giúp tôi lần này thôi. Tôi lỡ hứa rồi, nếu không, tôi mất mặt với ông ấy.
Sơn vẫn nhũn nhặn từ chối. Bất đắc dĩ, ông Lợi phải tới trả lời cho ngài Tỉnh trưởng sự từ chối của Sơn. Một thoáng cau mày, ông cho gọi ông Trần Thiện Hải, trưởng phòng hành chánh (thân phụ nhạc sĩ Trần thiện Thanh) chỉ thị đi mời lẫn nữa. Hai ông cùng đến chỗ Sơn ngồi, khẩn khoản hết lời nhưng Sơn vẫn nhất quyết từ chối. Không khí Hội trường đột nhiên căng thẳng. Mọi con mắt đều đổ dồn về phía chúng tôi, hiện rõ nét chờ đợi và lo âu. Chúng tôi đâm ra chột dạ lo ngại cho Sơn. Ở một tỉnh lẻ, Tỉnh trưởng là vua một cõi. Ai dám trái ý, trái lệnh? Có mà từ chết đến bị thương! Hồi lâu, hai ông không thuyết phục được Sơn, đành phải đến trình lại với Tỉnh trưởng. Đại tá Bách khoát tay ra lệnh cho buổi hội thảo tiếp tục. Từ lúc đó, không khí hội trường trở nên nặng nề cho đến lúc kết thúc.
Buổi trưa, tiếp theo buổi chiều, chúng tôi đặc biệt chiêu đãi Sơn "ê hề, linh đình". Tại nhà hàng Ngọc Hương, bia Tây cà lồ ngã nghiêng, lăn lóc. Thịt bò lúc lắc, tái chanh, dĩa nào bưng ra cũng hết sạch. Chúng tôi sung sướng, cười nói hả hê. Chúng tôi tung hê Sơn như một kẻ thắng trận anh dũng. Sơn đã gột bỏ dùm chúng tôi mặc cảm bị ăn hiếp chất chứa bấy lâu trong lòng.
Bạch phát biểu:
- Ông Sơn ngon! Tôi phục ông! "Dô" với tôi một cái "chăm phần chăm" đi ông!
Tín cười hềnh hệch khoe khoang:
- Đã bảo mà! Tín này mà lăng xê ai thì phải biết! Mấy cụ chưa biết cái vụ hai em bé cà phê Ngọc Trang mê tít thò lò ông Sơn nhà mình đâu nhá. Cũng một tay Tín này đấy! Nào chúng ta cùng với ông Sơn "vít đê"
(*) cối này nhé !
(*) Vider: Tiếng Pháp, làm cạn
Mọi người đồng hưởng ứng:
- Dô...dô... Tín ngửa cổ, tu một hơi hết sạch ly cối bia đầy tràn. Sơn cũng rất vui vẻ. Hết ly này đến ly khác. Lúc cụng người này, lúc cụng người kia. Ly nào cũng trăm phần trăm. Anh càng uống mặt càng tái, càng tỉnh. Ông trùm Lãng cẩn thận, cảnh giác, vẫn giọng hơi cà:
- Này! này! Tôi lưu ý mấy ông nhé! Đặc... đặc biệt là ông Sơn! Nó sẽ tìm cách trả thù mình đấy!
Nghị, tính cộc, nóng nảy:
- Sợ đếch gì! Nó làm chó gì mình? Không dạy chỗ này thì dạy chỗ khác! Nó sa thải mình được à?
Lãng vẫn dè chừng:
- Ừ! Rồi mấy ông chờ xem! Tớ ở đây đã bảy năm rồi. Hồi đó, tớ đâu có mang theo cái tủ lạnh này (sốt rét). Tại tớ bướng, nó đày tớ vào vào trong núi năm năm đấy.
Chúng tôi nghe nói cũng giật mình lo cho Sơn trong những ngày sắp tới. Nhưng Đại tá Bách đã không làm điều đó. Sơn vẫn vô sự. Cả ông Lê Cao Lợi cũng không làm điều đó, mặc dù Sơn đã làm ông mất mặt lòng tự ái của ông bị tổn thương nặng. Sau này, Sơn còn lạm dụng lòng tốt của ông, bỏ mặc trường lớp, học trò cho ông già Thống, lên Đà Lạt ở cả tháng trời. Sẽ kể ở đoạn sau. Riêng tôi, với thái độ Sơn làm sáng nay, tôi cho đó là một hành động can đảm, khí tiết của một nhà giáo, ít ai làm được hoặc dám làm, kể cả tôi, nếu lâm vào trường hợp đó.
Tôi thật sự khâm phục Sơn và hiểu được thế nào là ý nghĩa của câu "uy vũ bất năng khuất.

Xuất Xứ Vài Nhạc Phẩm: Những Mối Tình, Một Thoáng Mây Bay

Ngoài những nhạc phẩm như Biển Nhớ; Nhìn Những Mùa Thu Đi;Dã Tràng Ca... Sơn sáng tác ở Qui Nhơn năm 62-64;Chiều Một Mình Qua Phố; Lời Buồn Thánh; Vết Lăn Trầm... Sơn sáng tác tại Bảo Lộc, tôi biết rõ thời gian và hoàn cảnh tạo nên, tôi còn được biết thêm xuất xứ một vài nhạc phẩm khá hay liên quan đến những mối tình mà anh gọi là Một Thoáng Mây Bay do anh kể lại. Những chuyện này được kể nay một ít, mai một ít, trong những ngày mưa gió ủ ê, sụt sùi, dai dẳng. Hai anh em chúng tôi đem đàn sáo ra hòa điệu. Rồi cũng chán. Lại cà phê thuốc lá. Khói thuốc mù trời, mờ khung cửa sổ. Thường tôi khơi mào:
- Buồn qua! Kể chuyện nghe chơi ông Sơn!
Tôi thích nghe Sơn kể chuyện. Anh kể chuyện có duyên và hấp dẫn. Bất cứ chuyện gì qua Sơn kể đều trở nên hay và dí dõm. Anh vừa nói vừa ra điệu bộ làm cho câu chuyện sống động và lôi cuốn người nghe từ đầu đến cuối. Như chuyện anh Tây già bụng bự chẳng hạn. Tôi mà kể chắc vô duyên và lạt nhách. Nhưng nhìn Sơn vụt đứng dậy, lui một bước, hai tay đấm vào nhau, miệng nói "Hay...xì" rồi trở về chỗ ngồi cũ, mặt tỉnh bơ, không một nhếch mép, chúng tôi cười bò lăn. Khi mọi người dứt cười, anh mới cười.

Từ Ướt Mi đến Thương Một Người và Ca Sĩ Thanh Thúy:

Thuở còn trọ học ở Sài Gòn, năm đó tôi mười bảy tuổi -Sơn kể- đêm nào tôi cũng lò dò đến phòng trà ca nhạc để nghe Thanh Thúy hát. Dần dần hình bóng Thanh Thúy đã ăn sâu vào trong tôi lúc nào không biết.
Nói yêu Thanh Thúy thì cũng chưa hẳn. Vì tôi nhỏ tuổi hơn, lại nhiều mặc cảm nghèo và vô danh. Trong khi đó Thanh Thúy là một ca sĩ đang lên, kẻ đón người đưa tấp nập. Biết vậy, nhưng tôi không thể không đêm nào thiếu hình ảnh và tiếng hát của nàng. Có đêm tôi chỉ đủ tiền để mua một ly nước chanh. Đêm đêm tôi thao thức với những khát khao, mơ ước là phải làm một cái gì đó để tỏ cho Thanh Thúy biết là tôi đang rất ngưỡng mộ nàng. Cái khát vọng đó đã giúp tôi viết nên bản nhạc "Ướt Mi" đầu tiên trong đời.
Khi hoàn thành, tôi nắn nót chép lại thật kỹ càng và luôn mang theo bên mình chờ có dịp tặng nàng. Với sự nhút nhát của tuổi trẻ, tôi không dám đưa tặng ngay mà phải chờ khá lâu mới có cơ hội. Một hôm tôi đánh bạo, tìm một chỗ sát bục sân khấu, dự định khi nàng vừa dứt tiếng hát là tôi sẽ đứng lên đưa luôn. Đã mấy lần định làm vẫn không kịp. Nàng vừa cúi đầu chào khán thính giả là đã có người chực sẵn rước đi ngay. Cái đêm định mệnh mà tôi quyết tâm an bài đã thành công. Khi cầm bản nhạc trong tay, nghe mấy lời lí nhí của tôi, nàng chỉ thoáng nhìn tôi một chút rồi quay gót về hậu trường. Đêm đó tôi nôn nao không ngủ được. Trong lòng nổi dậy biết bao là mộng mơ, thắc mắc. Những câu hỏi cứ hiện ra trong đầu, nhưng tôi không dám trả lời dễ dàng cho mình thỏa mãn. Nhưng câu hỏi cứ trở đi, trở lại trong tôi là: - Liệu nàng có để ý gì đến bản nhạc mà tôi đã thao thức bao đêm để làm nên vì nàng không? Hay nàng chỉ khách sáo cầm hờ rồi vứt bỏ nó ở đâu đó! Vứt đi! Tim tôi đau nhói khi nghĩ đến hai chữ ấy.
Suốt gần một tuần, tôi hồi hộp theo dõi nàng mỗi đêm, đón từng ánh mắt nàng nhìn xuống khán giả thử xem nàng có dừng lại nơi tôi không, để tôi hy vọng. Nhưng không, vẫn như mọi lần. Một cái nhìn chung để gây cảm tình chung. Mãi đến hai tuần sau, khi tôi sắp tuyệt vọng vì mỏi mòn chờ đợi thì một đêm kia, khi bước lên bục diễn, dàn nhạc dạo khúc mở đầu thì nàng ra dấu cho ban nhạc tạm im tiếng cho nàng nói vài lời.
- Thưa quí vị! - Nàng bắt đầu nói và tôi hồi hộp chờ đợi.- Đêm nay Thúy sẽ trình bày một tác phẩm mới của một nhạc sĩ rất lạ, tặng cho Thúy. Đó là nhạc phẩm "Ướt Mi" của tác giả Trịnh Công Sơn. Hy vọng rằng đêm nay sẽ có sự hiện diện của tác giả để Thúy được nói vài lời cám ơn.
Nói xong, nàng quay sang ban nhạc, đưa bản nhạc của tôi cho họ dạo nhạc bắt đầu. Nàng cất tiếng hát. Tôi run lên trong lòng vì sung sướng và xúc động. Khi dứt tiếng hát, nàng dừng lại khá lâu, có ý chờ người tặng nhạc. Tôi thu hết can đảm, bước tới bục, ngước lên và nói:
- Xin cám ơn Thanh Thúy đã hát bài nhạc của tôi.
Nàng a lên một tiếng ra vẻ bất ngờ rồi nói tiếp:
- Thúy rất cám ơn anh đã tặng cho bản nhạc. Thúy muốn nói chuyện riêng với anh được không?
Tôi luống cuống gật đầu. Lúc ấy tôi sung sướng quá, hạnh phúc quá nên không tìm ra được lời nào để đáp lại. Tôi cùng nàng đón taxi về nhà nàng. Nhà nàng ở sâu trong một ngõ hẽm. Căn nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi: tủ lạnh, quạt máy. Mọi vật dụng trong nhà đều sang trọng, đắt tiền. Tối hôm ấy nàng cùng tôi nói đủ thứ chuyện. Tôi không còn nhớ chuyện gì ra chuyện gì. Tôi kể cho nàng nghe hoàn cảnh của tôi từ Huế vào trọ học. Nàng kể cho tôi nghe cuộc đời nàng từ Phan Thiết lớn lên... Sau cùng nàng đề nghị tôi dọn về ở chung, nàng sẽ giúp tôi ăn học. Tôi sung sướng nhận lời. Bắt đầu từ đó, tôi ở hẳn nhà nàng và chú tâm học hành không phải lo sinh kế nữa. (Sơn không kể trước đó đã làm nghề gì có tiền ăn học). Thời gian sau tôi sáng tác thêm một bản nữa để tặng nàng và kín đáo bày tỏ cảm tình của mình. Đó là bản "Thương Một Người".
Đến đây tôi sốt ruột, dục:
- Theo ông kể nãy giờ thì tôi đoán nhanh rằng, ông với bà Thúy sẽ rất hạnh phúc với mối tình lãng mạn đầy thơ mộng với một bầy nhóc con, chớ đâu phải đêm đêm nằm đây với tôi nghe ếch, nhái, ễnh ương kêu!
Giọng Sơn vẫn trầm trầm, đều đều:
- Ông đừng sốt ruột đoán mò. Sắp đến đoạn chót rồi! Trong thời gian ở đó -Sơn tiếp- tôi nhận ra rằng Thúy đã ân cần giúp đỡ tôi chỉ bằng sự tốt bụng và thương hại mà thôi. Tôi muốn từ bỏ, ra đi nhưng chưa có dịp. Nàng bận rộn suốt ngày. Hết người này đến tập hát, người nọ mời đi nhà hàng. Toàn những ông tai to mặt lớn. Rất ít khi nàng ở nhà lâu vài tiếng đồng hồ. Một hôm, vừa về đến nhà, nàng rất vui vẻ nói với tôi:
- Sơn nè! Tuần tới có buổi dạ vũ lớn lắm do ông X tổ chức, sẽ có đầy đủ các ông các bà có thế lực lớn tham dự. Thúy có được một vé cho Sơn đây. Ngày đó đi với Thúy cho vui nhé!
Tôi phân vân, lo lắng cho Thúy biết là tôi không có bộ đồ nào coi được để mặc đi bên cạnh nàng. Thúy cười ngất và bảo tôi đừng lo. Nàng dẫn tôi ra hiệu may đặt cho tôi một bộ "Smoking". Đến ngày thử áo tôi suy nghĩ nhiều: Có nên dự hay không? Tôi có nên tiếp tục ở đây nữa hay không? Khi đem bộ Smoking về để trên giường, tôi ngắm nhìn nó và lòng đã quyết định: Phải ra đi! Năm giờ chiều hôm đó, tôi viết một bức thư ngắn cám ơn Thúy đã dành cho tôi sự ưu ái, giúp đỡ trong thời gian qua. Cài bức thư trên bộ áo, tôi xách va li ra xích lô, giã từ căn nhà của Thúy, không bao giờ quay trở lại nữa.
Sơn rít một hơi dài ống vố, ngửa mặt lên trần nhà từ từ nhả khói, chấm dứt câu chuyện. Tôi nghe tiếng ống vố gõ nhè nhẹ xuống mặt bàn cọc...cọc...cọc...đều đều, buồn như tiếng thạch sùng tắc lưỡi trong đêm.

Sơn không chịu kể gì về mối liên hệ giữa mình với cô ca sĩ Kim Vui. Gặng hỏi, cũng chỉ cười và nói - Bạn thôi- Tôi không tin. Tôi nghĩ là Sơn không muốn tiết lộ vì một lý do nào đó.
Trước Giáng Sinh năm 1964 mấy ngày, Sơn nhận được một gói quà khá lớn từ Sài Gòn gửi lên qua đường bưu điện. Tình cờ hôm đó chúng tôi có mặt đông đủ để bàn về các tiết mục vui chơi trong những ngày Noel sắp tới. Khi Sơn ôm gói quà về, nét mặt vui vẻ lắm. Chúng tôi tò mò muốn coi thử cái gì bên trong và do ai gửi nên hối Sơn mau mau mở ra xem.
Gói quà được bao bọc cẩn thận nhiều lớp giấy bên ngoài. Lớp trong cùng là một hộp bằng "cạc tông" bọc giấy hoa. Ở chéo góc phải có thắt một cái nơ màu đỏ. Trên mặt hộp viết hàng chữ "Thân gửi anh Sơn" phía dưới là hai chữ "Kim Vui".
Chúng tôi ồ lên một lượt: Kim Vui! Có phải Kim Vui là cô ca sĩ có hàm răng trắng, đẹp làm mẫu quảng cáo cho hãng kem đánh răng "Leyna" kem trắng, chỉ hồng đó không? Sơn gật đầu xác nhận. Sơn bắt đầu lấy dao rọc giấy, cẩn thận rọc tờ giấy hoa, bên trong lộ ra một hộp màu nhủ vàng, to cỡ cuốn vở học trò, dày hơn hai lóng tay. Sơn dừng lại, ngắm nghía. Xoay dọc, xoay ngang, ý chừng đang đoán thử cái gì bên trong. Tín sốt ruột, dục:
- Mở mẹ nó ra xem thì biết ngay nó là cái gì! Oản tù tì ra cái gì ra cái này cho xong! Ỡm ờ mãi! Gớm!
Đạo cản lại:
- Ơ! Hay nhỉ! Cái ông Tín nhà này hay nhỉ! Của người ta mà ông làm như của ông không bằng!
Tín trả đũa tức khắc:
- Lại cái ông Đạo Sữa rồi! Sao ông cứ hay lái xe rác vào mồm em thế!
Nói xong, Tín cười hăng hắc. Cuối cùng thì cái hộp cũng được mở ra. Đó là một hộp "sô cô la". Từng thỏi, từng thỏi màu nâu đậm, thơm ngát nằm ngay ngắn trên lớp xốp mềm, trắng tinh, khêu gợi và kích thích.
Tín vỗ tay, giả giọng Bắc ngọng:
- Hay quá! Thế nà "Lô En" lày chúng em có "Sô cô na" ăn dzồi!!!
Bạch góp ý đề nghị:
- Ông Sơn! Chia mỗi người một miếng, ăn và uống với nước trà Đỗ Hữu ướp sói là số dzách!
Sơn gạt phăng:
- Thôi mấy cha! Không có ăn uống gì hết. Tôi cất làm kỷ niệm! Cha nào đụng vô là tôi quyết bảo vệ như bảo vệ Phật pháp đó nghe!
Nghe Sơn nói, anh nào cũng tiu nghĩu, cụt hứng. Sơn đã nói thật và làm thật. Anh nâng niu chiếc hộp một cách trìu mến và đem nó cất vào chiếc vali da. Mỗi tối anh lại đem nó ra ngắm nghía. Ngoài hộp bánh ra, không một phong thư, không một dòng chữ nào thêm, ngoài mấy chữ "Thân gửi anh Sơn". Nhìn cách anh trân trọng nó, chắc chắn nó phải chứa đựng một tâm tình sâu đậm, thắm thiết lắm mà cô ca sĩ Kim Vui đã kín đáo gói trong đó.
Qua Tết Nguyên Đán, hộp sô cô la đã lên mốc xanh. Sơn xuýt xoa, tiếc lắm. Lấy giấy bổi lau hết mốc rồi đem cất lại. Một tuần nữa, mốc tràn ra cả ngoài hộp. Sơn sợ lây lan sang quần áo nên đành đem bỏ.
Mãi về sau, nhiều lần tôi cố gạ gẫm Sơn để biết thêm đôi chút chuyện tình bí ẩn, nhưng Sơn vẫn không hé nửa lời.

Diễm của Diễm Xưa:

Sơn bắt đầu câu chuyện. Hai chị em đều đẹp và quí phái. Tôi theo cô Diễm. Mối tình học trò, có lẽ đơn phương, kéo dài từ khi tôi còn ở Huế cho đến lúc vào Sài Gòn trọ học. Cha mẹ Diễm khó và không thích tôi. Nhưng tôi vẫn cứ đeo đuổi hình bóng của Diễm, bởi Diễm cũng chưa có biểu hiện nào xa lánh tôi và cũng không có lời lẽ cự tuyệt. Năm đó tôi thi trượt Bac II. Diễm đậu và vào Sài Gòn để vào đại học Văn Khoa. Còn tôi thì về lại Huế, bỏ ngang việc học vì gia đình đang lâm cảnh sa sút. Phần buồn, phần tự ái, tôi không còn tìm cách liên lạc với Diễm nữa. Có lẽ vì vậy mà Diễm cũng lơ luôn.
Diễm đâu biết rằng trong thời gian này tôi đau khổ nhất. Tôi đã cố nén mọi khổ đau trong im lặng. Sự khổ đau và nhớ nhung dày vò tôi từng đêm, tôi đã phải viết nên bài "Diễm Xưa" để trút bớt nỗi khổ đau trong lòng. Nhưng có điều lạ là khi tôi viết xong bản nhạc này, tôi lại thấy lòng mình thanh thản, nhẹ nhàng. Tôi cảm thấy vơi đi rất nhiều nỗi nhớ và tình yêu. Trong lòng tôi bấy giờ chỉ còn một chút tình mong manh như sương, như khói. Nó không còn nồng nàn, mãnh liệt như trước kia. Một dịp tôi vào Sài Gòn, tìm đến cư xá nơi Diễm đang nội trú với ý định tặng nàng bản nhạc để làm kỷ niệm một thời tuổi trẻ, rồi thôi.
Nhưng không gặp được Diễm. Tôi nhờ mấy cô bạn gái đang đứng ngoài cổng trao lại dùm. Khi tôi quay lưng đi được một quãng thì nghe tiếng Diễm từ trên "ban công" gọi theo:
- Anh Sơn! Anh Sơn! Anh Sơn ơi!
Nhưng tôi không ngoái lại. Tôi cắm đầu đi thẳng. Tiếng gọi tên tôi vẫn còn văng vẳng sau lưng. Từ ấy đến nay, tôi tự nhủ lòng, sẽ không bao giờ tìm gặp lại Diễm nữa.

* Những chuyện nầy do Sơn kể lại, tôi không rõ sự thực mấy mươi phần trăm. Hy vọng những nhân vật còn sống sẽ bổ túc thêm.

Tôn Nữ Bích Khê và Biển Nhớ:

Nhóm học sinh Nha Trang khăn gói ra Qui Nhơn học Sư phạm vào khoảng mười mấy người. Trong đó có cô Tôn nữ Bích Khê. Bích Khê còn hai người em gái nữa: Thuần Khê và Cẩm Khê. Bích Khê người dáng người nhỏ, tròn lẵn, nước da ngăm ngăm như màu da của Sơn. Khê thường đánh tóc rối, búi thành một búi ngược ra sau đỉnh đầu. Mang guốc cao gót hiệu Dakao, đi chân sáo. Đứng xa nhìn dáng Bích Khê đi trông giống như con sáo nhỏ đang nhảy nhót trong sân. Cái búi tóc nhảy tưng tưng theo nhịp bước nhún nhảy, người ta có cảm tưởng một lúc nào đó nó sẽ kéo người chủ té ngửa ra sau. Bích Khê không đẹp. Nhưng có duyên. Càng nhìn lâu càng quyến rũ.
Bích Khê cũng là một trong ba mươi người trong ban hợp xướng. Trong thời gian tập văn nghệ, Sơn đều vui vẻ, thân ái với mọi người. Mặc dù học chung hai năm, nhưng tôi không biết rõ chuyện tình cảm giữa Sơn và Khê bằng ông Đinh Cường. Hầu như ngày nào cũng có rất nhiều cô đến nhà trọ của Sơn. Sau khi bài "Biển Nhớ" được sáng tác và đưa vào chương trình tập dượt thì giáo sinh mới để ý tới Bích Khê vì câu "trời cao níu bước sơn khê". Bàn tán là vì không biết Sơn vô tình hay dụng ý ghép hai tên Sơn và Khê vào trong để nói lên tình cảm của mình?
Bản "Nhìn Những Mùa Thu Đi" cũng trong trường hợp tương tự. Trong lớp tôi đã có ba Thu rồi. Các lớp khác chí ít cũng có một hay hai Thu nữa. Nếu cứ suy luận kiểu của ông Đinh Cường thì không biết Thu nào đã yêu Sơn và ngược lại.
Mãn khóa, chia tay. Bận rộn, không ai có thì giờ để ý đến ai. Chăm chú, hồi hộp đợi danh sách bổ nhiệm, xem cuộc đời đưa đẩy số phận mình tới phương trời nào. Lúc chung sống với Sơn, có lần tôi hỏi Sơn về chuyện Bích Khê như anh em đã đồn đoán. Sơn cười và cho biết giữa Sơn và Khê cũng như các bạn gái khác chỉ là tình bạn học và văn nghệ. Chữ sơn khê chỉ là sự ngẫu nhiên trùng hợp.

Khánh Ly với Tình Ca Trịnh Công Sơn:

Đầu năm 1965, Việt Cộng gia tăng áp lực quân sự, quyết cắt đứt trục lộ giao thông Sài Gòn Đà Lạt. Đoạn đường từ Định Quán đến đèo Madagui thường xuyên bị đắp mô. Việt Cộng làm chủ đoạn đường đó từ 5 giờ chiều đến 8 giờ sáng hôm sau. Khi sương mù tan dần, đoàn xe Command-Car của Tiểu khu Lâm Đồng chầm chậm đi mở đường và phá mô thì đoàn xe khách cũng từ từ nối đuôi theo. Đoạn đường ngắn chừng vài chục cây số mà muốn vượt qua phải mất hơn bốn tiếng đồng hồ.
Sở dĩ Việt Cộng chọn khúc đường này để quấy phá liên tục là vì địa thế hiểm trở của nó. Đường lên đèo, xuống dốc, quanh co rất ngặt, nằm theo triền núi, một bên là vách đá dựng, một bên là vực sâu. Chung quanh là rừng nứa, tre, lồ ồ bạt ngàn, che phủ mịt mùng. Sương mù từng đám dầy đặc là là sát mặt đất suốt ngày, nắng cũng như mưa. Cách nhau một trăm thước, xe sau không thể nhìn thấy xe trước. Máy bay thám sát L19 quần đảo trên đầu cũng không tài nào phát hiện được địa điểm Việt Cộng đang lùa dân vào rừng "học tập" bên dưới.
Một lần từ Sài Gòn về, Trịnh công Sơn được Giải phóng quân "mời" vào "ổ" cùng hàng trăm hành khách khác để học tập chính sách và đường lối của mặt trận Giải Phóng Miền Nam. Đến tối mịt, hú vía, mấy "ổng" thả cho về. Sơn kể lại:
- Sợ muốn "teo bu gi" luôn! Đang lúc hàng chục chiếc xe nối đuôi nhau lên đèo, qua khỏi cái đèo này là coi như đã đến nhà, thình lình mấy "ổng" xuất hiện, ngoắc tay, ra hiệu cho xe ngừng lại.
Mọi người trong xe đều kêu lên nho nhỏ:- Chết rồi! Việt Cộng chận đường rồi! Làm sao bây giờ? Người nọ hỏi người kia. Không có câu trả lời. Việt Cộng chỉ có sáu người. Họ đi dép râu, mũ tai bèo, mặc bà ba đen. Vai mang súng CKC hoặc Garant M1. Quanh thắt lưng đeo lủng lẳng mấy trái lựu đạn trông giống cái chày đâm tiêu. Người nào cũng ốm đói, nước da vàng ủng. Họ dẫn đám người đi quanh co dưới rừng nứa dầy bịt, âm u. Ánh mặt trời thỉnh thoảng loé vài tia, xoi thủng cái không gian đặc sệt im lặng và lạnh lẽo. Hơn nửa cây số, Sơn đoán chừng, tất cả dừng lại dưới một vòm cây đã được phát dọn hết các gốc tre nứa. Tất cả ngồi bệt xuống đất để nghe một người trong bọn họ giảng giải về chủ trương, chính sách MTGPMN. Đang thao thao nửa chừng, bỗng tên nọ dừng lại và săm săm đi thẳng đến tôi, đưa tay giật phăng cái mắt kiếng. Tôi điếng hồn nghĩ thầm, chắc mình có gì đặc biệt nên nó chú ý chăng! Nhưng sau đó, thấy ai mang kính cũng đều bị giật xuống hết, tôi mới hoàn hồn.
Tên giảng bài nói - Khi đang học tập, các "đồng chí" không được phép đeo kiếng. Đeo kiếng là tỏ thái độ không nghiêm túc, coi thường các tài liệu và các nghị quyết trên đưa xuống, nhất là coi thường chính trị viên! - Không một ai dám ho he. -Thế là các "đồng chí" đã mau chóng tiếp thu các chính sách, đường lối cách mạng. Thế là tốt. Vẫn một mình hắn nói. Vừa hỏi, vừa trả lời. Tiếp tục, không cần cầm tài liệu, tên chính trị viên nói liên tục, thao thao như nước chảy, không ngưng nghỉ. Đám chúng tôi phần sợ, phần lạnh và đói run, lại còn lo âu vì tiếng máy bay quần trên đầu, lúc gần lúc xa, không biết nó dội bom lúc nào. Trong lúc tên này giảng thuyết thì những tên khác chia nhau đứng gác rải rác chung quanh, súng chĩa lên trời chực bắn. Suốt hai tiếng đồng hồ lâu như hai năm, bài học mới chấm dứt. - Ta tạm nghỉ- Tên chính trị viên tuyên bố- Hẹn sẽ gặp lại các đồng chí một ngày gần đây. Thôi các đồng chí về nghỉ khỏe nhé!
Ra được đến đường lộ, leo lên xe, xe lăn bánh, cả tài xế lẫn hành khách mới hú hồn, thờ phào nhẹ nhõm. Bây giờ mọi người mới cảm thấy mót tiểu. Bác tài xế lên tiếng: - Tôi bị mấy lần rồi mà vẫn cứ muốn đái trong quần! Mấy ông, mấy bà lần đầu chắc phải sợ lắm phải không?- Một ông khách đáp giọng chán chường: - Ối thời buổi này, trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết. Mình người dân, một cổ hai tròng. May mà mấy cha nội cho về chớ giữ chơi vài bữa, nữa tháng thì mình lại càng khổ với đám cảnh sát, an ninh quân đội phía quốc gia nữa. Tôi nghe đến đó giật mình. Sơn tiếp- Nếu tôi bị giữ trong đó thì coi như "lúa" rồi!
Từ đó, Sơn đổi tuyến đường Bảo Lộc - Sài Gòn thành Bảo Lộc - Đà Lạt. Từ Đà Lạt, Sơn tình cờ biết Khánh Ly. Và cũng từ Đà Lạt, Sơn dần dần được nhiều người biết tiếng hơn. Liên tục ba năm, Khánh Ly đã lăng xê nhạc Trịnh Công Sơn chùa trên Đài Phát Thanh Đà Lạt. Chồng Khánh Ly là quản đốc đài. Nhưng nhạc Trịnh Công Sơn và tiếng hát Khánh Ly chỉ được biết trong một môi trường nhỏ hẹp, đóng khung ở Đà Lạt mà thôi. Mãi đến năm 1967, nhờ thành phần sinh viên thiên tả ở Sài Gòn tổ chức đưa hai người về hát tại đây mới gây được tiếng vang và ảnh hưởng sâu rộng trong giới sinh viên, nhất là những tổ chức phản chiến do Huỳnh Tấn Mẫm cầm đầu.
Tuy Bảo Lộc - Đà Lạt rất gần, 72 Km, tôi nhiều lần ghé Đà Lạt du hí ít hôm trước khi về Nha Trang, tôi vẫn chưa một lần biết mặt Khánh Ly. Lý do là tôi không thích chui vào mấy cái phòng trà hoặc vũ trường. Mấy nơi đó không hợp với khẩu vị của tôi. Uống cà phê nghe nhạc, tôi chỉ chọn có hai nơi là Cà phê Tùng và Cà phê Thủy Tạ.
Nhưng tôi biết nhiều về Khánh Ly là nhờ mỗi lần từ Đà Lạt về, Sơn vui vẻ kể cho tôi nghe những ngày vui chơi ở đó. Dĩ nhiên, chỉ là những chuyện bình thường như đi ăn, đi nhảy, đi nghe nhạc uống cà phê hoặc những buổi đi lang thang bàn chuyện văn nghệ... kỳ dư những chuyện khác như nhiều người đồn đoán tôi không nghe Sơn kể.
Một lần, mới lên Đà Lạt có một hôm, Sơn hớt hãi chạy về, nét mặt còn hốt hoảng. Tôi hỏi :
- Chuyện gì vậy ông? Việt Cộng giật mìn sập cầu Đại Nga hả? (Cây cầu này gần Tùng Nghĩa ranh giới Tuyên Đức-Lâm Đồng).
- Sập cầu thì ai nói làm gì! Tôi suýt chết ông ạ!
- Ủa! Đoạn đường từ đây lên Đà Lạt có một tiểu đoàn Biệt Động Quân giữ an ninh mà Việt Cộng còn dám ra đón đường nữa sao?
- Không! Không phải là Việt Cộng! Để từ từ tôi kể cho ông nghe!
Sơn châm một điếu Bastos xanh, rít một hơi dài xong bắt đầu thong thả kể:
-Thường thường tôi lên trển, ở nhà người bạn (Có lẽ căn phòng Đinh Cường thuê để vẽ chăng? Không nghe Sơn nói đến). Đến tối mới cùng Khánh Ly, sau khi hát ở phòng trà ra, cùng nhau đi ăn, đi nhảy. Có lúc lang thang quanh bờ hồ nói chuyện trên trời dưới đất đến khuya mới chịu về. Khánh Ly có nếp sống phóng khoáng như Tây. Nhiều lần có những cử chỉ thân mật quá tôi cũng đâm ngại. Tôi có lần tỏ ý ấy thì Khánh Ly gạt ngang:
- Anh Sơn đừng ngại! Mai với chồng sống rất tự do, khoáng đạt. Anh ấy hiểu Mai mà! Không có gì đâu! Nghe thế tôi cũng yên tâm. Lâu dần không còn để ý nữa. Chồng Khánh Ly là Đại úy Quang, quản đốc đài phát thanh Đà Lạt. Nhờ Khánh Ly nói giúp nên đã "lăng xê" nhạc của tôi lên đài. Lần này, trước mặt chồng mà Khánh Ly quàng vai tôi, vừa kéo đi, vừa quay lại bảo chồng:
- Tối nay "moa" với Sơn đi chơi về nếu trễ, "toa" ở nhà trông con và đi ngủ, đừng đợi nhé!
Tối hôm đó đang nhảy, có người báo, chồng Khánh Ly xách súng tìm tôi. Hoảng quá, tôi vọt ngõ sau, đến nhà một người bạn khác ngủ. Sáng sớm ra lấy vé xe về đây gấp.
Sau lần "Vertigo" toát mồ hôi lạnh đó, Sơn nằm lì ở Bảo Lộc cả tháng không đi Sài Gòn và Đà Lạt nữa.
Một hôm Sơn nhận được thư của Khánh Ly nhắn lên. Đọc thư xong, Sơn rất mừng và cho tôi biết mọi việc đã êm. Khánh Ly đã dàn xếp gia đình. Chồng Khánh Ly hiểu lầm mà thôi. Sơn lại tiếp tục lên Đà Lạt đóng đô dài dài. Nhưng dạo sau, mỗi lần đi chơi đều có mặt Quang, chồng Khánh Ly đi cùng.




No comments: