Wednesday, April 8, 2009

VĂN HOÁ TUỔI TRẺ VIỆT NAM THỜI HỘI NHẬP

Suy nghĩ của một người trẻ trong nước về văn hoá tuổi teen thời hội nhập
vndanchu, X-cafe
06.04.2009
http://www.x-cafevn.org/node/1558

Hôm nay check email thì thấy bài viết của người cháu sinh năm 1991, hiện đang ở Việt Nam, gửi qua xin ý kiến. Nhận thấy bài viết hay nên đem đăng lên đây cho mọi người đọc.

Đây là nguyên văn email:
Chào các chú ..., và các bác!
Các chú bác có khỏe không ạ?
Nếu có thời gian, khi nào rảnh, các chú bác thử đọc bài viết này nhé (do ... mới viết vì cảm thấy quá bức xúc vì văn hóa Việt hiện nay)! Đây là những suy nghĩ chân thực của cháu (có lẽ hơi dài) không biết nói với ai! và cho ý kiến để cháu rút kinh nghiệm khi viết thể loại này về sau! Chúc các chú bác luôn mạnh khỏe và may mắn!
cháu ...

Suy nghĩ của tôi về 'Văn hóa tuổi trẻ Việt Nam "Thời hội nhập"
Ai cũng biết rằng, từ năm 1986, nhà nước Việt Nam mở cửa rộng rãi về mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội. Sau khi mở cửa, văn hóa Việt Nam được tự do hơn, không bị "Vô sản cách" nữa, văn hóa Âu-Mỹ và toàn thế giới cùng văn hóa truyền thống hòa hợp phát triển. Câu nói "hòa nhập chứ không hòa tan" được nhắc đi nhắc lại trong cộng đồng thanh niên. Nhưng thực ra hiện nay câu nói ấy chỉ như một "món trang sức" cửa miệng của họ, chứ thực tế, nó không như thế, dân gian gọi là "nói zẩy mà hổng phải zẩy". Văn hóa tuổi trẻ Việt Nam đã bị Hàn hóa mạnh mẽ.

Rất dễ thấy, khi ra đường ở bất cứ nơi đâu ở Việt Nam, chúng ta sẽ bắt gặp ngay những "Tiểu thư", những "Hot Boy" Hàn Quốc. Trả lời phỏng vấn trên TV thì: "Chúng ta là những 8X, 9X Việt Nam, có văn hóa riêng..." thế mà lại bắt chước toàn diện từ đầu tóc, ăn mặc đến cách ứng xử thường ngày, ai coi những phóng sự kiểu này đều không thể không nhịn cười, hoặc cười xong sẽ cảm thấy tội nghiệp cho văn hóa Việt Nam (hoặc thương hại cho những kẻ làm chương trình đó). Đó có thể chỉ là những trào lưu nhất thời, nhưng không, hiện nay, nó đã trở thành một hiện tượng đáng báo động (nhưng chả có báo chí hay cơ quan nào "báo động" có lẽ vì chưa được "lên tiếng").

Đồng phục teen Hàn (nguồn: Thehe8X)
http://www.x-cafevn.org/forum/files/imagehosting/378749db69b3c0369.jpg

Văn hóa Hàn đã ảnh hưởng từ đầu tới cuối ở Việt Nam, từ nông thôn đến thành thị. Không còn thấy những nét đẹp văn hóa cổ truyền nữa (như mặc áo dài, ăn nói đứng đắn dễ thương,....). Nó không những lan tràn ngoài phố, nó còn lên TV, Báo ảnh các phương tiện thông tin đại chúng. Xem một chương trình giải trí trên đài HTV7 hoặc Let'sViet...... hoặc bất cứ đài nào, ta sẽ thấy những MC Hàn Quốc nói tiếng Việt, những cô gái mồm "YongXiô, ê..." cứ lượn lờ trên TV; Những MC ăn mặc "kì lạ" nhí nha nhí nhảnh õng ẽo (kiểu Hàn Quốc) "nhảy tưng tưng" giữa chợ Bến Thành (MC ấy đã ngoài 30 là nam ca sĩ rất nổi tiếng, tôi xin dấu tên.) chẳng lẽ chúng ta không có văn hóa riêng? Chúng ta đã và đang trực tiếp quảng cáo cho văn hóa "xứ người" mà không biết và cứ "văn hóa 8X, 9X thời hội nhập...."....

Văn hóa Hàn ảnh hưởng sâu sắc nhất có lẽ là phong cách ăn mặc và phong cách ứng xử của giới trẻ Việt. 99% các shop từ sang trọng đến bình dân đều treo bán những bộ quần áo phong cách "Cu-te Hàn" (từ tiếng Anh: Cute - dễ thương - BTT). Mỗi năm, một kiểu quần áo mới ra đời, "làm đa dạng mẫu mã cho thời trang Việt, đa dạng phong cách cho Người Việt" (trích từ chương trình "Thời Trang Và Cuộc Sống" trên kênh HTVC 9) mà thực chất thì chỉ là những mẫu quần áo kiểu Hàn (quá chăng là Đài Loan hoặc Trung Quốc). Những bộ quần áo bó sát người, khăn choàng cổ kín và quần ngắn kiểu Hàn. Con trai thì những chiếc áo màu Tím xanh, chiếc quần Ca-rô và ...dép Lào (hay dép Nhật). Qua vài tháng hoặc một năm, những kiểu ấy không còn được mặc nữa (trở nên phí phạm). Nếu xem những hình trước 1975 ở Sài Gòn thì hầu hết con gái ở đây đều mặc áo dài, không những không chật chội mà còn rất Môđen và dân tộc. (Thế mà trong sách lịch sử thì "Thời Mỹ Ngụy, thanh niên bị ảnh hưởng văn hóa Mỹ sâu đậm, con gái mặc váy ngắn nhiều như điếu đổ...), so với hôm nay thì sao? "văn hóa chúng ta không hòa tan..." thế mà lại trở thành một bản sao của Hàn Quốc.

Ví dụ như những chiếc áo "ngựa vằn" hay "sọc trắng đen" mô-đen năm 2007 - 2008, nếu đến Sài Gòn, mọi người sẽ thấy một "xứ sở ngựa vằn", từ già đến trẻ và tết 2009, nó nghiễm nhiên trở thành "của nợ" và thành mốt của những người thiểu số (ở những khu ổ chuột). Những chiếc áo ấy lúc được giá thì 200 - 300.000 đồng, đến nay thì chỉ còn... 5000 đồng (còn mới, có chữ Hàn Quốc...)

Quần áo, và bây giờ là đầu tóc. Những tiệm cắt tóc mốt nhất là kiểu Hàn Quốc hoặc Đài Loan. Những cô gái thì thi nhau đi sửa kiểu tóc của mình hằng tháng (cho theo mốt hoặc giống ngôi sao Hàn nào đó.) Họ không cần biết mặt họ có hợp với kiểu tóc ấy hay không, chỉ cần "Hàn" là được rồi. có người thì mặt tròn, cắt kiểu tóc "Cu-te Hàn", bỗng dưng nhìn mặt như...cái mâm và đôi lúc giống ...con khỉ! Con trai thì hết kiều của WUZUN thì đến kiểu "Alan lua" rồi thì kiểu "Super Junior"... thật hiếm khi tìm thấy kiểu tóc thề hay tóc cổ đặc trưng người Việt Nam trên đường phố.

Văn hóa Hàn còn ảnh hưởng đến phong cách nói năng và tâm hồn Việt. Bây giờ, người đứng đắn như không được coi trọng. Con gái thì đua đòi theo những tiểu thư Hàn. Nhõng nhẽo và đanh đá. Con trai thì "Cu-te", yểu điệu, yếu đuối. Một bằng chứng xác thực nhất, khi xem phim Hàn, các chàng thất tình thường uống rượu hay đua xe..... thì cái văn hóa đó đã nhanh chóng ảnh hưởng tới người Việt Nam. Con gái cũng uống rượu, con trai mới lớp 6 lớp 7 đã tập hút thuốc, không biết uống rượu thì bị những "nàng Kim-long-lanh" chê là.....yếu đuối (tôi cũng bị vậy.) Bây giờ, lớp 7 lớp 8 hút thuốc, uống rượu đánh nhau (chưa kể chém giết) là chuyện thường. Văn hóa nhậu của phim Hàn cũng đã ảnh hưởng tới Việt Nam rất mạnh mẽ. Lớp 7 lớp 8 đã rủ nhau mua rượu, gà, bỏ lên núi cùng mấy đứa con gái "lớn hơn mình" cả mấy ngày làm gia đình lo lắng, nhà trường chịu thua (ở địa phương của tôi thì thường xuyên.).

Một cái mà bản thân tôi ghét nhất, và có lẽ một số người cũng vậy: khi xem phim Hàn, thanh niên Việt Nam đã copy hết những "thói hư tật xấu" của họ. Bây giờ đầy rẫy trên Internet là những Avatar kiểu Hàn Quốc. những 8X, 9X hiện nay không chụp hình kiểu thường nữa, mà chụp kiểu "Cu-te". Mắt long lanh mở to, liếm cây kẹo Mút to khổng lồ, làm mặt "Baby" (đích thị văn hóa Hàn) làm như ngây thơ trong sáng lắm mà "Cáo Già" một cây! con trai thì thi nhau làm "Hot Boy", chải chuốt kiểu Hàn Quốc,ăn mặc kiểu Hàn, cầm chai rượu hay........hoa, chụp để "Kua gái trên mạng". Trong các blog, đầy rẫy những hình ảnh như vậy, đầy rẫy những hình "khủng bố" (loại hình mà người chụp tỏ ra đau khổ, khóc hay bị thất tình). Còn nhiều những văn hóa kiểu đó nữa (tôi không thể kể hết được), nhưng nó đã và đang ảnh hưởng đến văn hóa Việt Nam đứng đắn - dịu dàng - thẳng thắn.

Teen Việt (nguồn: OnlyU blog)
http://www.x-cafevn.org/forum/files/imagehosting/378749db69b490b77.jpg

Mọi người trẻ bây giờ thường nói những câu tiếng Hàn chen vào tiếng Việt, dù không hiểu tiếng Hàn, nhưng họ vẫn cứ nói, nói cho nó....."Hàn". Con gái Việt Nam bây giờ (nếu những người đứng đắn nhìn thấy) thì sẽ dễ dàng bị phán một câu... nặng (dân gian gọi là "Mất dạy"). Họ mặc chiếc quần ngắn không thể ngắn hơn và đi thản nhiên ra ngoài đường. Trời Sài Gòn nóng nực thì đeo cái khăn choàng cổ dày cộm mặc áo choàng tới đầu gối và...đeo bao tay như bị tâm thần. Mốt hiện nay là áo tím quần ca-rô thấy cả một con đường tím "choáng". Người không bị cận cũng tìm cái kính dày cộm gọng to đeo vô cho giống "sinh viên Hàn". Những thói hư dễ dàng thấy trên phim ảnh Hàn cũng được "áp dụng nhuần nhuyễn" như lười biếng, con gái thì cả ngày ôm con gấu bông to đùng hay cầm cây kẹo mút (mặc dù dã 19, 20). Con gái bỗng dưng được nâng lên tầng thượng đế, thích những thứ xa hoa và lãng mạn kiều Hàn (có lẽ vì lý do đó mà nhiều người thích làm dâu xứ Hàn). Họ thích nhà giàu, thích được nuông chiều, lười lao động, thích những thứ con nít nhí nhảnh (gấu bông, kẹo,...) cứ như NHỮNG ĐỨA TRẺ TO XÁC.

Một buổi tối coi phóng sự về ngôi trường quốc tế Á Châu ở Sài Gòn, tôi không thể không cầm lòng. Quảng cáo về trường mà 2/3 thời gian là quảng cáo về đồng phục trường (kiểu Hàn), quảng cáo về lối sống "công tử tiểu thư Hàn", văn hóa "Hàn" và những trò đua đòi "nhí nhảnh hồn nhiên tuổi học trò". Nhất là lúc bà hiệu trưởng trường phát biểu: "Hãy đến với Á Châu, các bạn sẽ được mặc bộ đồng phục V.I.P và rất "Hàn Quốc". Tôi không thể nào tưởng tượng được một người có trí thức và kinh nghiệm sống 40 năm như bà lại có thể phát biểu một câu "mất cảm hứng" và khinh thường văn hóa Việt Nam như vậy. Rồi còn đưa những Teen VIP của trường lên quảng cáo lối sống Hàn và biện minh về việc coi thường áo dài. Họ bảo "tôi biết áo dài là văn hóa cổ truyền Việt Nam, nhưng trong thời đại này nó không phù hợp với những Girl VIP năng động". Nền giáo dục Việt Nam bắt buộc học sinh mặc đồng phục chỉ vì một mục đích là không phân chia giai cấp giàu nghèo giữa các bạn đồng trang lứa, thế mà ngôi trường "có tiếng"này lại nói đó là "Đồng phục VIP", chẳng lẽ ám chỉ về điều nó chỉ dành cho nhà giàu mới được mặc sao? thay vào đó là đủ điều xấu về Áo Dài. Các trường trung học trên cả nước hiện nay cũng hiểu nỗi khổ của nữ sinh, chỉ bắt mặc áo dài thứ 2, 7 và ngày lễ thế mà bà hiệu trưởng này lại bảo: áo dài làm mất đi vẻ năng động của các Teen thời hội nhập!

Đó là một ví dụ điển hình về văn hóa Hàn tại học đường Việt Nam hiện nay. Văn hóa Hàn cũng đã ảnh hưởng lớn đến nền âm nhạc đương đại. Mặc dù có các chương trình ca nhạc Tiền Chiến, nhạc Trịnh được chiếu mọi lúc trên TV thì đối trọng với nó là nhạc "Hàn lời Việt". Các ca sĩ Việt Nam, không tự khẳng định được mình đã phải du nhập cái văn hóa Hàn về, làm ô uế nhục nhã cho nền âm nhạc Việt Nam. Ví dụ như MyTa (một ca sĩ tài năng Việt Nam) đã phải nhờ đạo diễn Hàn, nhạc sĩ Hàn và "dao kéo Hàn" để tân trang mình. Sau 3 tháng ở xứ Hàn, trở về Tân Sơn Nhất, ai cũng bỡ ngỡ ngạc nhiên - một ngôi sao Hàn Quốc biết nói tiếng Việt!!! đó chỉ là một phần nhỏ. Một nửa ca khúc hiện đại hiện nay của Việt Nam là mang âm hưởng "Cu-te" hay "Baby ngây thơ" của Hàn Quốc như ca sĩ BaThy hay DanTruo... Âm nhạc Việt hiện nay, khi chúng ta nghe xong sẽ cảm thấy yếu đuối chán đời, muốn uống rượu và đua xe như Hàn Quốc. Văn hóa sexy Hàn cũng ảnh hưởng đến những video clip của ca sĩ hiện nay (ví dụ như MinhHan...).

Trên đây chỉ là phần liệt kê một số mặt của văn hóa Hàn ảnh hưởng tới giới trẻ Việt Nam (tất nhiên còn rất nhiều mặt-hầu như là kín hết của cuộc sống). Các nguyên nhân chính và chính nhất theo tôi, đó là do 10 năm gần đây, phim ảnh Đại Hàn được trình chiếu ở Việt Nam rất nhiều (70% phim chiếu trên các đài truyền hình Việt Nam hiện nay là phim tình cảm Hàn). Đó là lỗi của những nhà văn hóa,nhà giáo dục, lỗi do lối tư duy bao cấp "tiền kinh tế thị trường" còn "bỡ ngỡ" của những người "đầu tàu" (vì phim Hàn nhập rẻ và còn được tiền quảng cáo, Bo,...). Họ không những làm kinh tế lạc hậu, phụ thuộc vào nước ngoài, họ còn làm cho cả một thế hệ trẻ Việt nhiễm văn hóa ngoại, quên đi văn hóa dân tộc và làm cho nền tự tôn dân tộc, lòng yêu nước của giới trẻ (ít nhất là của tôi) bị tổn thương (tại sao không là phim Việt Nam, tại sao không là Áo dài,... tại sao không là cám ơn, chia sẻ lịch sự thuần túy mà lại là "ê.....đê.....youngsibúk....cu-te." 8X, 9X Việt bây giờ là một lũ "lai căng" (có lẽ hơi nặng).

Tôi chỉ dám viết bài này, chỉ dám đọc một mình, suy nghĩ một mình chứ không cho bạn bè hay ai đó đọc (vì họ là thế cả mà!), tôi cảm thấy buồn khi văn hóa ngoại lại được ủng hộ toàn diện trên đất nước này. Đối với tôi, ước mơ quê hương "từ xa thấp thoáng muôn tà áo tung bay, ngựa xe như nước trên đường vẫn qua mau..." đã trở nên xa xỉ.

Xin chân thành cảm ơn!

No comments: