Wednesday, April 8, 2009

ĐƯỜNG SÀI GÒN , QUAN HÀ NỘI

LẨM CẨM SÀI GÒN THIÊN HẠ SỰ số 305
Đường Sài Gòn, quan Hà Nội
Văn Quang, Viễn Đông Daily News
05.04.2009
http://www.viendongdaily.com/Contents.aspx?contentid=6086&item=L%E1%BA%A9m%20C%E1%BA%A9m%20S%C3%A0i%20G%C3%B2n

Nói đến đường sá giữa TP. Sài Gòn bây giờ là nói đến "lô cốt" và kẹt xe. Người dân thành phố đã và đang chịu đựng nỗi khổ đó từng giờ. Tiếng kêu rên cũng đã quá nhiều và trở nên nghẹt cả cái lỗ tai. Cơ quan chức năng quýnh quáng đưa ra nhiều biện pháp, nhưng rồi cũng chẳng đi đến đâu, chẳng giải quyết được gì, mỗi ngày các lô cốt cứ mọc lên ở khắp mọi con đường lớn nhỏ.

"Tai nạn" mới đang tới

Người ta có cảm tưởng như các cơ quan chức năng này đang tủm tỉm cười nói thầm với nhau: "Thì cứ phải đưa ra giải pháp như thế để có câu trả lời với người dân thôi, chứ còn việc đào đường dựng lô cốt vẫn cứ làm". Bằng cớ là sáng 2-4 vừa qua, ông Nguyễn Văn Bảy, Giám đốc Ban Quản lý Dự án thoát nước đô thị thuộc Trung tâm điều hành chống ngập nước TP. Sài Gòn cho biết từ ngày 11-4, sẽ có thêm 75 “lô cốt” với tổng chiều dài hơn 2km sẽ mọc trên 3 tuyến đường 3/2 (Q.11), đường Chu Văn An (Q.6) và đường Phạm Văn Chí (Q.6) gia nhập vào “ma trận lô cốt” của TP. Sài Gòn.
Trong khi đó, Phó Giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước thành phố cảnh báo trong thời gian thi công, tình trạng ngập tại các tuyến đường sẽ nghiêm trọng hơn.
Mưa, triều cường tăng cao cùng với tình trạng “lô cốt” giăng ngang trên nhiều tuyến đường sẽ làm cho nhiều khu vực tại TP. Sài Gòn có nguy cơ ngập dữ dội vào mùa mưa tới.
Thế là người dân Sài Gòn lại đón nhận thêm một "tai nạn" mới: ngập lụt.

Hai con đường lớn giữa thành phố thành sông

Chẳng cần đợi đến mùa mưa, trong tuần này, mới chỉ có vài trận mưa trái mùa nhẹ nhàng mà nhiều người dân trong thành phố Sài Gòn đã… bơi trên đường phố.
Những ngày qua, mỗi khi trời kéo mây đen là người dân ở các tuyến hẻm dọc đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, lại nơm nớp lo... chạy ngập. Đầu tháng 3-2009, chỉ một trận mưa lớn, hàng trăm căn nhà ở khu vực này đã chìm trong nước, khiến người dân hết sức khổ sở.
Nguyên nhân chính là các cống thoát nước bị “bóp” nghẹt. Hiện nay nhiều công trình đang làm đã thay thế các tuyến cống thoát nước băng ngang đường bằng những ống nhựa nhỏ loại 200-300 mm khiến cho nước thoát không kịp, gây ra tình trạng ngập úng. Ngoài ra, tại nhiều khu vực, đơn vị thi công còn chặn ngang dòng chảy bằng các bao cát cũng gây ra tình trạng ngập úng nặng nề.
Chiều 4-3, sau một cơn mưa nhỏ, đường Nguyễn Hữu Cảnh (P.22, Q. Bình Thạnh, TP. Sài Gòn) bị ngập sâu trong nước khoảng 0,5m đã làm nhiều xe gắn máy chết máy đã phải dừng bất động. Cảnh kẹt xe và lội nước kéo dài từ cầu Sài Gòn đến cầu Thủ Thiêm từ 15g ngày 4-3 liên tục trong nhiều giờ liền,. Ngươi dân méo mặt vì bao nhiêu công việc bị bỏ dở dang, gây ảnh hưởng trầm trọng đến mọi sinh hoạt của xã hội.
Nguyên nhân được người dân tại đây cho biết, do công trường xây dựng cầu Thủ Thiêm lập “lô cốt” thu hẹp làn đường khiến nhiều xe bị dồn đọng kẹt cứng. Thêm vào đó, nước ngập cũng đã làm cho tình trạng kẹt xe thêm nghiêm trọng hơn.
Người dân tại đây đã rất thất vọng thất vọng vì đường Nguyễn Hữu Cảnh là một dự án tiêu tốn rất nhiều tiền nhưng khi đưa vào sử dụng chưa được bao lâu thì tình trạng mưa nhỏ cũng ngập. Cũng theo người dân, nếu mưa lớn như cơn mưa trái mùa vào đầu tháng 3-2009 vừa qua nước ngập lên đến nửa nhà.

Gồng mình chịu đựng thêm 10 năm nữa

Mùa mưa năm 2009 sẽ đến sớm theo dự báo của Phòng Dự báo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, năm nay mùa mưa tại các tỉnh phía Nam đến sớm hơn mọi năm, khoảng từ ngày 25-4 trở đi, TP. Sài Gòn và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long sẽ lần lượt bước vào mùa mưa. Riêng TP. Sài Gòn, dự báo mùa mưa năm nay lượng mưa sẽ tăng cao.
Mới đầu mùa mưa mà nước ngập nửa nhà, vậy có khả năng nay mai nước ở những con đường này sẽ ngập tới… gần tới mái nhà? Dân tình sẽ còn điêu đứng hơn.
Theo thống kê của Trung tâm Chống ngập TP, tính đến đầu năm 2008, trên địa bàn 20/24 quận huyện của TP. Sài Gòn có 100 điểm ngập. Tuy nhiên, con số này có thể sẽ nhiều hơn nếu được thống kê thêm.
Câu hỏi được đăt ra là đến bao giờ tình trạng ngập úng ở TP. Sài Gòn sẽ giảm? Ông Nguyễn Ngọc Công Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP. Sài Gòn trả lời rằng: khi nào dự án lắp đặt các cống ngăn triều từ xa ở TP. Sài Gòn thực hiện xong thì tình trạng ngập mới giảm thiểu. Tuy nhiên, nếu có đủ tiền thực hiện thì đến năm 2020 dự án này mới có thể hoàn thành.
Đấy là mới nói đến "giảm thiểu ngập lụt" chứ chưa nói đến hết hẳn.
Thôi thì người dân Sài Gòn hãy cố gắng gồng mình chịu đựng cảnh ngập lụt này thêm 10 năm nữa thì may ra mới hết bơi trong thành phố.

Chưa hết 10 năm lại đến trăm năm

Một "vấn nạn" khác, cũng có liên quan tới việc đào đường là những "màng nhện" đang dăng tứ phía trên khắp các thành phố Việt Nam cần phải đưa xuống lòng đường.
Ai cũng nhìn thấy trên bất cứ cột điện nào trên đường phố cũng có những "búi tó" to tướng lằng nhằng ngang dọc, xiên xẹo nằm vắt ngang qua mọi nẻo đường. Đôi khi dây điện còn chùng xuống gây trở ngại giao thông và cũng đã từng gây ra tai nạn, quấn vào cổ người đi đường. Nếu là đi xe gắn máy thì sự nguy hiểm khôn lường. Không ít đường dây điện mắc dày đặc che khuất cả bảng hiệu của các cửa hàng. Và nguy hiểm hơn cho người dân khi chập điện, cháy nổ, tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Đó là tình trạng các "màng nhện", tức là hệ thống các loại dây điện dăng tứ tung trên mọi con đường tại hầu hết các thành phố lớn ở Việt Nam, hàng trăm năm nữa cũng chưa thể làm cho nó biến mất.
Các bạn đừng cho là tôi… phịa chuyện hoặc "vĩ đại hoá" sự việc. Nói có sách mách có chứng.
Đây là lời kết luận của chính ông "nhà nước". Ông Lê Mạnh Hà – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. Sài Gòn – kết luận vào sáng ngày 3-4, trong cuộc họp bàn về các biện pháp giải quyết tình trạng ngổn ngang các loại dây điện trên các tuyến đường. Ông này nói:
"Không chỉ vài năm nữa mà ngay cả… 100 năm nữa, hệ thống dây điện của TP. Sài Gòn vẫn không thể ngầm hóa. Hiện tại các tuyến đường trên địa bàn thành phố đang bị xới tung lên vì “lô cốt” để thực hiện các công trình trọng điểm. Giờ thêm việc ngầm hóa hệ thống đường dây điện sẽ là nhiệm vụ khó khả thi và cần thời gian rất dài."
Nếu ngầm hoá các loại dây cáp treo lơ lửng này, tất nhiên lại phải đào xới tung các con đường, lại dựng thêm hàng ngàn lô cốt một lần nữa?

Nét "đặc trưng" của những đường phố VN?

Đó là các loại dây điện đèn chiếu sáng, dây điện thoại, dây truyền hình cáp, Internet… Thế nên người dân gọi đó là "màng nhện" của thành phố. Nét "đặc trưng" về sự lạc hậu của những đường phố ở Việt Nam. Ở những nước văn minh chắc không có cảnh "vui mắt" này.
Có nhiều doanh nghiệp viễn thông đã treo các loại cáp thông tin trên hệ thống trụ điện một cách tùy tiện, cẩu thả, thiếu kỹ thuật và có thể nói là rất thiếu trách nhiệm. Điều này không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự an toàn vận hành hệ thống điện và an toàn của người dân”

TP. Sài Gòn hiện có khoảng 191.022 trụ điện có treo cáp ở các con đường.

Trong lúc hệ thống “mạng nhện” trên khắp các tuyến đường ở thành phố đang tiếp tục “giăng tơ” thì Tổng công ty điện lực Việt Nam (gọi tắt là điện lực) và các doanh nghiệp viễn thông có đường dây đi “nhờ” trên các cột điện vẫn đang quanh quẩn tìm giải pháp về thu tiền sử dụng cột điện. Nói cho rõ hơn là ông điện lực đang làm chủ các cột điện buộc các ông treo cáp nhờ phải tăng tiền thuê cột điện.
Việc tranh chấp về giá thuê trụ điện giữa điện lực VN và các doanh nghiệp viễn thông vẫn chưa tìm hướng giải quyết hợp lý. Bên ngoài, công nhân của các doanh nghiệp viễn thông đang tiếp tục mắc những sợi cáp lên trụ điện để nối Internet, nối truyền hình cáp cho người dân. Còn người dân chỉ biết thở dài, lắc đầu mỗi khi nhìn lên hệ thống “mạng nhện” của thành phố.
Một thực tế là ngành điện cho thuê trụ điện treo cáp viễn thông nhưng lại không kiểm soát được số lượng dây cáp mắc trên trụ đó. Ông Lê Mạnh Hà nói thêm: “Cùng số tiền thuê cột nhưng có doanh nghiệp mắc 100 sợi cáp, có doanh nghiệp mắc cả ngàn sợi cũng không thể biết được. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp mắc cáp “ké” mà không phải trả tiền”.
Hiện nay trên toàn quốc có khoảng gần 1 triệu cột điện có treo cáp thông tin. Báo cáo của 63 công ty điện lực cho biết năm 2008, số tiền thu được về việc cho thuê treo cáp khoảng 81 tỉ đồng.

Cò kè bớt một thêm hai giữa các đại gia

Phía điện lực VN cho rằng mức giá cho thuê cột điện hiện tại được áp dụng từ năm 2003 đến nay, không còn phù hợp với thực tế. Hơn nữa, mức giá này quá thấp. Chẳng hạn, tại TP. Sài Gòn, năm 2008, Điện lực TP. Sài Gòn thu được 34 tỉ đồng từ tiền cho thuê cột điện; tính trung bình mỗi tháng, các đơn vị viễn thông chỉ tốn khoảng 16.500 đồng cho một cột điện. Trong khi đó, theo thông tin Điện Lực VN có được, năm 2008, Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (xin gọi tắt là Bưu Chính Viễn Thông) chi ra 67 tỉ đồng để thuê cột điện treo cáp trên toàn quốc, so với mức lãi hơn 12.000 tỉ đồng của Bưu Chính Viễn Thông thì con số này quá nhỏ.
Nói thẳng ra Điện Lực VN thấy thời buổi này, cái gì cũng tăng giá và doanh nghiệp thuê cột điện được lời quá nhiều nên phải tăng giá mới đúng là "biết kinh doanh". Mặc dầu bề ngoài họ nói là việc Điện Lực cho thuê cột điện là trách nhiệm xã hội để bảo đảm thông tin liên lạc xuyên suốt chứ không đặt mục đích kinh doanh và việc tăng giá thuê cột điện nhằm đầu tư lại cho cột điện và các chương trình khác.
Thế nhưng lập tức gặp phải sự phản đối của các doanh nghiệp viễn thông thuê cột điện. Họ cho rằng với mức thuê như vậy thì chỉ cần 10 doanh nghiệp viễn thông treo cáp, trong một năm, Điện Lực đã thu hồi được vốn và thu lãi lớn trong các năm sau bởi trên cả nước có hàng triệu cột điện. Hơn thế, đây còn là sự “bắt chẹt” kiểu độc quyền.

Mức tăng giá thuê từ 6 đến 8 lần

Theo tính toán của doanh nghiệp Saigon Postel, với giá thuê mới chi phí của hãng bị đội lên 6 lần, tương đương với 60 tỷ một năm. Chi phí mà Bưu Chính Viễn Thông trả cho việc thuê cột lớn gấp 3 lần so với số tiền mà các doanh nghiệp khác bỏ ra. Nhà khai thác này đang thuê với số lượng cột lớn nhất. Do vậy, quan điểm của Bưu Chính Viễn Thông là tiếp tục thương lượng với Điện Lực để tìm được giá thuê hợp lý nhất bảo đảm có lợi cho cả hai. Ngoài ra, về lâu dài Bưu Chính Viễn Thông sẽ tiếp tục nâng cấp hạ tầng, ngầm hóa cáp thậm chí là tính tới giải pháp tự xây dựng cột.
Phía Viettel thì cũng cho biết từ trước đến nay hãng vẫn hợp tác với Điện Lực theo hình thức dùng chung hạ tầng, Điện lực cho mượn cột, đổi lại Viettel phải kéo cáp và hỗ trợ một số sợi dây nếu nhà điện có nhu cầu. Số khác thì Viettel ký hợp đồng thuê. Theo một quan chức Viettel, giá thuê mới mà Điện Lực đưa ra với mức tăng tới 8 lần là vượt quá sức chịu đựng của doanh nghiệp khác. Do vậy, thay vì cứ mãi phải thương lượng, hãng đang thực hiện giải pháp "tự lực cánh sinh", tức là tự dựng cột điện, tự xây bể cáp ngầm.
Chưa biết cuộc tranh cãi giữa Điện Lực và các doanh nghiệp viễn thông khi nào mới đi đến hồi kết, nhưng dẫu kết cục thế nào thì chi phí đội lên cuối cùng cũng lại giáng vào người người dân. Trong khi đó, kế hoạch ngầm hóa cáp điện và viễn thông vẫn còn rất xa vời.
Nói tóm lại các đại gia trong làng viễn thông, làng điện lực dù là của nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân vẫn cứ gầm ghè nhau, anh "vớ được" miếng to phải chia cho tôi một ít, nếu không tôi phá đám.

Sợi (dây điện) buồn con nhện dăng mau

Chuyện cái cột điện chẳng qua chỉ là một điển hình về sự tranh chấp kéo lùi bước tiến của hầu hết những tiến bộ có thể có được ở Việt Nam mà thôi. Nếu tất cả các bên ngồi lại với nhau, thật sự lo nghĩ đến quyền lợi của người dân, phục vụ nhân dân (mặc dù vẫn tính tiền đầy đủ), chắc chắn việc ngầm hoá các đường dây điện nhùng nhằng hiện nay sẽ được giải quyết không tới một trăm năm như lời tuyên bố hùng hồn như quá bi quan của ông Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. Sài Gòn. Một trăm năm nữa thì ông và chúng tôi cũng ra người thiên cổ rồi, làm gì có cơ hội được nhìn thấy những con đường sạch đẹp ở các thành phố Việt Nam nữa. Thà rằng ông nói "việc ngầm hoá không bao giờ thực hiện được" cho dân yên tâm ngắm cột điện với màng nhện và may ra có ông thi sĩ nào làm được bài thơ "sợi (dây điện) buồn con nhện dăng mau, em ơi hãy ngủ anh hầu quạt đây" cho hợp tình hợp cảnh khi bị cúp điện.
Nhưng nói về đường sá Sài Gòn thì còn quá nhiều chuyện để nói. Từ những con đường mang tên trùng nhau đến cái số nhà cũng rắc rối khiến người dân ở ngay thành phố Sài Gòn cũng chiu thua, không tìm ra địa chỉ, đừng nói là người ở xa tới. Chuyện đó tôi sẽ tường trình trong một bài khác.

Bây giờ xin điểm qua vài nét về cung cách làm việc của quan Hà Nội. Chỉ cần một thí dụ điển hình, bạn đọc có thể hình dung ra nỗi khổ của người dân mỗi khi có công việc đến "cửa quan" bị hành như thế nào.

Đi lại 6 tháng, chưa đóng nổi bảo hiểm xã hội

Một công việc giản dị bình thường, không phải là chuyện xin xỏ, vậy mà cũng bị hành lên hành xuống đủ kiểu.
Công ty BSC cử chị Phương là nhân viên kế toán đến Sở Lao động - Thương binh- Xã hội (LĐTBXH) thành phố Hà Nội để "đăng ký" thang bậc lương làm căn cứ để đóng bảo hiểm xã hội. Nhưng cứ sau mỗi lần đến đến Sở LĐTB-XH TP. Hà Nội thì chị lại được nhân viên phụ trách hướng dẫn viện ra đủ lý do từ chối, khiến chị không biết đường nào mà lần. Đi lại đến 6 tháng liền mà vẫn chưa xong. Chị kể về "con đường đau khổ" chị đang trải qua:
Lần thứ nhất, chị được anh Đinh Xuân Thắng, viên chức phụ trách quản lý khu vực doanh nghiệp (DN) Thanh Xuân (Sở LĐTB-XH TP.Hà Nội) xem qua thang bảng lương rồi bảo "ra xem bảng hướng dẫn về làm lại". Khi chép hướng dẫn, chị thấy thang bảng lương của công ty mình đã đầy đủ so với hướng dẫn. Chị trần tình với anh Thắng thì anh bảo: cứ đem về làm lại, hôm sau đem đến.
Chị đành phải theo lệnh quan, quan bảo mang hồ sơ về, thì phải mang về, song quả tình là chị chẳng biết phải làm lại cái gì.
Lần thứ hai, chị Phương lại đem thang bảng lương lên gặp anh Thắng. Anh xem qua rồi bảo, thang bảng lương chưa được, phải đem về làm lại. Chị Phương hỏi: "Phải làm lại chỗ nào?", thì anh Thắng không trả lời rồi bỏ đi mất.

Từ quan Thắng đến quan Huy

Sau nhiều lần lên đăng ký không được, sáng ngày 3-3-2009, chị Phương lại đem hồ sơ đến Sở LĐTB-XH TP.Hà Nội để đăng ký thì được anh Huy, cùng phòng với anh Thắng xem qua rồi cho biết thêm một tí nữa là: "Biên bản họp công ty chưa được nên phải làm lại”.
Chị Phương bối rối không biết thế nào là chưa được, thì được anh Huy hướng dẫn chị và một số người đem tập thang bảng lương của Công ty CP Thương mại dịch vụ Thiên Cơ (anh cho là đã làm đúng) đem đi photo về làm mẫu.
Nghe lời anh Huy, chị Phương làm theo "mẫu" hồ sơ này rồi đem đến nộp. Nhưng bất ngờ thay, chiều ngày 3-3-2009, sau khi làm lại biên bản họp công ty theo như anh Huy hướng dẫn và đưa cho anh Thắng xem, thì chị Phương được anh Thắng bảo... về làm lại, với lý do biên bản không có tổng số lao động, không có tỷ lệ phần trăm thông qua…
Chị Phương không nén được phẫn nộ, nghẹn ngào kể: “Sáng được nhân viên của Sở giới thiệu về làm lại theo đơn mẫu của Công ty Thương mại dịch vụ Thiên Cơ, nhưng chiều đem đến nộp thì lại bị bắt làm lại vì trong biên bản không có tổng số lao động, tỷ lệ phần trăm nhất trí… Mà những mục này lại đã có trong biên bản họp công ty tôi đã trình khi đến đăng ký lần trước!”.
Thế là vừa tròn 6 tháng, có mỗi việc cỏn con, Công Ty giao cho chị làm vẫn không xong. Cũng may mà chủ Công Ty hiểu biết và thông cảm với những nhân viên vác giấy tờ đến các cửa quan nên chị không bị đuổi việc.

Cái gật đầu của quan sao mà khó đến thế

Cũng tại Sở LĐTB-XH TP. Hà Nội chiều ngày 3-3-2009, chị H. (xin được giấu tên, có lẽ vì sợ bị các quan trù dập) - nhân viên của Công ty C.H. "khoe", chị đã cất công đăng ký thang bảng lương đóng BHXH cho công ty cả thảy... 8 lần. Lần thứ 8, sau nhiều lần bị các quan bắt chỉnh sửa hồ sơ, chị mới hoàn tất nhiệm vụ với công ty.
Chị H. kể, lần đầu chị đến Phòng Đăng ký thang bảng lương, đem theo hệ thang lương, bảng lương với bậc lương trên 5% (quy định mức tối thiểu với lao động công ty chị là 5%), bị anh Thắng yêu cầu về làm lại với mức... 5%.
Chị H. đành ngậm ngùi đem thang bảng lương về chỉnh xuống mức 5% như anh Thắng yêu cầu.
Sau đó, khi đến Phòng Đăng ký Sở LĐTB-XH Hà Nội, chị H. không được anh Thắng hướng dẫn cụ thể cần phải làm những biên bản giấy tờ gì. Ngay đến cả bản Tiêu chuẩn chức danh của công ty, chị không có cũng chẳng thấy anh Thắng nhắc làm. Chỉ đến khi chị hỏi có phải làm không thì mới được anh Thắng cho biết: Có phải làm.
Sau nhiều lần đến Sở LĐTB-XH không gặp được anh Thắng, cuối cùng chị H. đành gọi điện thoại cho anh thì được hẹn hôm sau đến. Theo đúng hẹn, chiều ngày 3-3-2009, chị H.đến và phải xin mãi thì mới được anh Thắng… gật đầu.
Ôi, cái gật đầu của quan sao mà khó khăn đến thế. Chị H. hú hồn. Trong khi đó nhiều nhân viên của các doanh nghiệp vẫn còn đứng trước cửa trụ sở của Sở LĐTBXH lòng nặng trĩu lo âu không biết đến bao giờ mới hoàn tất được thủ tục.
Nhưng trong cuộc đời đi làm công của chị sẽ còn gặp hàng trăm kiểu hành dân tơi bời hoa lá như thế nữa ở những "cửa quan" khác. Chuyện dài nhiều tập này sẽ còn tiếp diễn đến bao giờ, thưa các "nhà quan" Hà Nội?

No comments: