Vấn đề pháp lý trong vụ bauxite
Lê Minh Phiếu
Cập nhật: 12:33 GMT - thứ tư, 22 tháng 4, 2009
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2009/04/090422_leminhphieu_bauxite.shtml
Việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên được dư luận đặc biệt chú ý vì việc khai thác có quy mô và tẩm ảnh hưởng rất to lớn nhưng lại chứa đựng nhiều rủi ro và bất cập.
Ngoài những khía cạnh liên quan đến hiệu quả kinh tế, ảnh hưởng đến môi trường, đời sống, văn hóa ở Tây Nguyên và anh ninh quốc phòng như đã có nhiều người đề cập, việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên cũng chứa đựng nhiều điều chưa ổn về mặt pháp lý, trong đó có nhiều điều vi phạm pháp luật.
Trước hết là về quy trình thẩm tra các dự án.
Việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên có tác động đặc biệt lớn đối với văn hóa, đời sống ở Tây Nguyên. Sự ảnh hưởng về kinh tế, môi trường và an ninh quốc phòng của nó có thể lan rộng đến cả nước.
Tầm quan trọng của nó đối với quốc gia là không thể nào chối cãi.
Khoản 3 Điều 47 Luật Đầu tư hiện hành quy định, đối với dự án quan trọng quốc gia thì Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư và quy định tiêu chuẩn dự án, Chính phủ quy định trình tự, thủ tục thẩm tra và cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
Thế nhưng, các dự án khai thác bauxite và luyện nhôm ở Tây Nguyên đã được thông qua và thậm chí đã được tiến hành mà chưa được Quốc hội thông qua. Điều này là chưa phù hợp với quy định của pháp luật.
Một điểm nữa là sự hiện diện của công nhân Trung Quốc.
Để bảo vệ cơ hội việc làm cho lao động trong nước, pháp luật hầu hết các nước đều đưa ra những hạn chế với mức độ khác nhau áp dụng cho lao động nước ngoài.
Đối với Việt Nam vốn là một nước thiếu việc làm cho lao động phổ thông, pháp luật Việt Nam không chấp nhận lao động phổ thông nước ngoài tham gia vào thị trường lao động trong nước.
Điều 133 Bộ luật Lao động Việt Nam và Điều 3, Nghị định số 34/2008/NĐ-CP ngày 25/3/2008 của Chính phủ quy định về tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam qui định: người nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải là nhà quản lý, giám đốc điều hành hoặc chuyên gia.
Theo giải thích từ ngữ tại Khoản 2 và 3 - Điều 2 của Nghị định 34 nói trên, những công nhân làm những công việc phổ thông trên các công trường khai thác bauxite ở Tây Nguyên không thể nào là nhà quản lý, giám đốc điều hành hoặc chuyên gia.
Vì vậy, việc công nhân Trung Quốc làm việc ở Việt Nam là hoàn toàn bất hợp pháp.
Chưa kể, trừ một số đối tượng đặc biệt, các lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam từ 3 tháng trở lên phải có giấy phép lao động.
Như đã nói trên, các công nhân Trung Quốc làm những việc phổ thông không thể nào đủ điều kiện để được cấp giấy phép lao động (vì họ không thuộc diện được phép làm việc tại Việt Nam).
Vậy các công nhân Trung Quốc làm việc tại Việt Nam trong khoảng thời gian bao lâu?
Ai chi phối?
Điểm cần chú ý nữa chính là cổ phần chi phối của phía Việt Nam.
Trong Quyết định 167/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác và chế biến bauxite , đối với các dự án bauxite trên Tây Nguyên, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) sẽ nắm cổ phần chi phối (trên 50%) "để đảm bảo sự chủ động và phát triển bền vững".
Lập luận này cũng thường được đưa ra để trấn an những người quan tâm.
Trên thực tế, cổ phần chi phối là một điều kiện tốt, nhưng kết quả từ yếu tố này mang lại sẽ không như nhiều người trông đợi, bởi nó tùy thuộc nhiều vào những điều khoản cụ thể trong điều lệ của liên doanh, cũng như việc thi hành trên thực tế.
Việc nắm cổ phần chi phối này sẽ chẳng có ý nghĩa gì "để đảm bảo sự chủ động" trong trường hợp điều lệ liên doanh đòi hỏi số thành viên/cổ đông thông qua một quyết định đại diện cho một tỷ lệ cao hơn tỷ lệ vốn do phía Việt Nam nắm giữ.
Chẳng hạn trường hợp tỷ lệ vốn của phía Việt Nam là 55% vốn điều lệ của liên doanh, mà điều lệ lại quy định rằng, các quyết định phải được thông qua khi được số thành viên/cổ đông đại diện cho ít nhất 56% vốn điều lệ chấp thuận.
Lúc này, các quyết định sẽ chẳng thể nào được thông qua nếu như không có sự đồng ý của phía Trung Quốc.
Trên thực tế, vai trò chủ đạo và chi phối của phía Việt Nam có thể bị đặt nghi vấn khi hiện tại đã có một số lượng lớn công nhân Trung Quốc trên các công trường.
Bởi lẽ, đây là điều vừa bất hợp pháp, vừa làm mất đi cơ hội việc làm cho những người lao động địa phương.
Muốn đảm bảo sự chủ động và phát triển bền vững thì tại sao phía Việt Nam không đảm bảo được tính hợp pháp của việc thực hiện dự án cũng như cơ hội việc làm cho người dân Việt Nam vốn đang thiếu việc làm trầm trọng?
Như vậy, ngoài những vấn đề chưa ổn về mặt hiệu quả kinh tế, môi trường, văn hóa, đời sống người dân và an ninh quốc phòng, việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên còn chứa đựng nhiều điều chưa ổn về mặt pháp lý.
Đây là điều mà Chính phủ Việt Nam cần xem xét lại để "đảm bảo sự chủ động và phát triển bền vững".
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của sinh viên Lê Minh Phiếu, hiện đang học tại Pháp. Anh cũng là người được mời dự cuộc rước đuốc Olympics tại Việt Nam mùa hè năm ngoái nhưng đã không được cho phép cầm ngọn đuốc sau khi đã sẵn sàng trong chặng tại TPHCM.
No comments:
Post a Comment