Sunday, April 19, 2009

VÀI GHI NHẬN VỀ VIỆC BÁO DU LỊCH BỊ ĐÌNH BẢN

Vài ghi nhận về việc báo Du Lịch tạm đình bản
Trương Nhân Tuấn
19/04/2009 7:27 sáng
http://www.talawas.org/?p=3051

Theo
tin của BBC, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa quyết định đình bản báo Du Lịch trong ba tháng vì ’sai phạm nghiêm trọng’ trong số Tết Kỷ Sửu 2009. Các sai phạm là: «không ‘thông tin trung thực’, không tuân thủ ‘tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước’ và đã ‘kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước’ ». Quyết định này do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp ký ngày 14 tháng 4 năm 2009. Bộ này cũng nói: Trong thời gian đình bản ba tháng, sẽ có biện pháp củng cố, kiện toàn tổ chức tờ báo và nhân sự lãnh đạo. Như thế số phận của ban biên tập báo Du Lịch đã được quyết định.
Theo
tin của RFA thì ban biên tập báo Du Lịch tuân thủ quyết định này và không đưa vấn đề ra trước một tòa án, (ít nhất đến lúc bài này được đăng).

Nhưng thực sự thì báo Du Lịch có phạm các tội như Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã «kết án» hay không?
Các tội ở đây gồm ba tội: một là thông tin không trung thực, hai là không tuân thủ tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và ba là kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước.
Số báo Du Lịch Xuân Kỷ Sửu có hai bài viết đề cập rất sơ lược tình trạng tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải giữa Việt Nam và Trung Quốc là các bài «Ải Nam Quan» và bài «Tản mạn cho đảo xa». Nếu xét theo nội dung hai bài báo thì có lẽ bài «Ải Nam Quan» bị qui vào tội 1 và tội 2, nhưng bài «Tản mạn cho đảo xa» không thể kết bất kỳ một tội nào được. Không lẽ yêu nước khi chưa cho phép thì cũng là một tội hay sao? Thực ra, nếu ban biên tập báo Du Lịch phạm tội: «kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước» như Bộ TT&TT đã lên án thì không thể chỉ bị tạm đình bản ba tháng đơn thuần được. Và tội gọi là «không tuân thủ tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng» có thể gọi là một tội hay không nếu đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước sai (như vụ khai thác bô-xít là chủ trương lớn của Đảng và nhà nước)? Và nếu chủ trương của Đảng và nhà nước sai, báo Du Lịch viết lại cho đúng, thì đây có là tội «thông tin không trung thực» hay không?
Theo tôi, báo Du Lịch có phạm tội hay không, Bộ TT&TT không có quyền kết luận, cho dầu là nhân viên dưới quyền của mình, nhất là với những tội danh vu vơ, không bằng chứng, mà theo hình luật có thể bị hình phạt nặng. Đây là công việc của tòa án. Nội vụ vấn đề này có nhiều khuất tất. Vấn đề pháp lý xin dành cho các chuyên gia về pháp lý. Người viết xin có vài dòng về hai tội «thông tin không trung thực» và «không tuân thủ tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước».
Trước hết nên tìm hiểu chủ trương của Đảng và nhà nước về Ải Nam Quan như thế nào? Chủ trương này có đúng hay không? Báo Du Lịch thông tin về Ải Nam Quan ra sao? Sau đó mới có thể kết luận là báo này có phạm các tội đã dẫn trên hay không.

1. Chủ trương của nhà nước về Ải Nam Quan

Chủ trương này được biết đến qua các bài phỏng vấn của các viên chức phụ trách phân định và cắm mốc biên giới Việt-Trung. Có nhiều bài báo, bài phỏng vấn của các vị như Lê Công Phụng, Nguyễn Dy Niên, Vũ Dũng… trong quá khứ. Mới nhất là
bài báo đăng trên VietNamNet vào ngày 2 tháng 1 năm 2009. Theo đó, ông Dũng nói về Ải Nam Quan, tức khu vực Hữu Nghị Quan, nguyên văn như sau:
Theo các tài liệu lịch sử đang được lưu giữ, Trấn Nam Quan hay còn gọi là Ải Nam Quan đều nằm bên phía Trung Quốc, đường biên giới nằm phía nam Trấn Nam Quan. Theo “Đại Nam Nhất thống chí”, Trấn Nam Quan được xây dựng từ thời nhà Minh; sau đó, đời Nhà Thanh cho tu bổ lại vào năm 1726. Dấu tích lịch sử quan trọng của khu vực cửa khẩu Hữu nghị là mốc 19 cũ do Pháp Thanh cắm năm 1894. Vừa qua ta và Trung Quốc đã tiến hành cắm mốc 1117 trùng với vị trí mốc 19 cũ, đường biên giới đi qua Km số 0, mốc 19 cũ đến điểm cách điểm nối ray hiện tại 148m. Như vậy có thể khẳng định đường biên giới tại cửa khẩu Hữu nghị vừa được PGCM là phù hợp với lịch sử và thực tiễn quản lý ở khu vực này.
«Chủ trương của Đảng và nhà nước» là lời tuyên bố của ông Vũ Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Nhưng chủ trương của Đảng và nhà nước về Ải Nam Quan như thế có đúng với thực tế hay không? Kiểm chứng với các tài liệu lịch sử, tôi cho rằng những dữ kiện của ông Vũ Dũng về khu vực Nam Quan đều sai hoặc không chính xác.

a. Ông Vũ Dũng dẫn Đại Nam nhất thống chí để nói rằng đường biên giới luôn nằm phía nam của Nam Quan. Việc này không chính xác. Vì ở phía nam nhưng đường biên giới cách cổng này bao nhiêu mét? Ông Lê Công Phụng, người tiền nhiệm của ông Vũ Dũng cũng đã từng nói như thế, nay ông Dũng lặp lại. Ở Hà Nội hay Sài Gòn cũng đều phía nam của Nam Quan, không lẽ đường biên giới đi qua các nơi đây? Nó không chính xác là vì thế.

b. Cột mốc tại Nam Quan
Xét các tài liệu lịch sử (tài liệu phân định biên giới Pháp-Thanh 1885-1897, CAOM, Indo, GGI, các thùng carton số 65353 đến số 65360):
-
Biên bản phân định biên giới số 4, ký kết ngày 7 tháng 4 năm 1886 giữa hai phái đoàn Pháp-Thanh, phân định từ Nam Quan đến Bình Nhi, xem, nguyên văn như sau:
La Commission de Délimitation Franco-Chinoise a reconnu, le sept avril mil huit cent quatre-vingt-six, qu’à partir du point situé à cent mètres en avant de la Porte de Nam-Quan, sur la route de Nam-Quan à Ðồng-Ðăng, la frontière remonte à l’Ouest jusqu’au sommet de la montagne rocheuse sur lequel est situé le fort marqué A sur le croquis ci-joint, suit à partir de ce fort le haut de la muraille rocheuse qui domine la route de Ðồng-Ðăng jusqu’au point marqué B sur le croquis…
Tạm dịch như sau:
Ủy ban Pháp-Trung Phân định Biên giới nhìn nhận, nhằm ngày bẩy tháng tư năm một ngàn tám trăm tám mươi sáu, từ một điểm được xác định cách cổng Nam Quan 100 thước trên đường từ Nam Quan về Ðồng Ðăng, đường biên giới theo hướng Tây đi lên đến đỉnh ngọn núi đá mà trên đó có một đồn binh được đánh dấu là điểm A trên sơ đồ kèm theo đây, sau đó đường biên giới đi từ điểm này, theo đường nối đỉnh cao của dãy núi đá nhìn xuống con đường Ðồng Ðăng, cho đến điểm B đánh dấu trên sơ đồ…
Biên bản này xác định đường biên giới qua một điểm trên đường từ Nam Quan về Đồng Đăng, cách cổng 100m.
- Biên bản cắm mốc ngày 15 tháng 12 năm 1890 (xem hình) do đại tá Frandin lập: 3e section de Nam Quan à Bình Nhi. 1e borne: sur le chemin de Nam Quan à Dong Dang (à 100m, au S de la porte). Cột thứ nhất: trên đường từ Nam Quan về Đồng Đăng (cách cổng 100m về phía nam).
- Xét Biên bản phân giới của đại tá Galliéni 19 tháng 6 năm 1894, là biên bản chung cuộc của đoạn biên giới Quảng Tây, cũng là giác thư, hay nghị định thư (?) kết thúc công trình phân giới cắm mốc vùng Quảng Tây, công nhận công trình của Frandin ghi trên, kết quả cột mốc Nam Quan mang số 18, được cắm không thay đổi, tức trên đường từ Nam Quan về Đồng Đăng, cách cổng 100m về phía nam (xem hình).

Như thế, từ lúc phân định biên giới, 7 tháng 4 năm 1886, sang lúc phân giới cắm mốc 15 tháng 12 năm 1890, và biên bản tổng kết cắm mốc 19 tháng 6 năm 1894, hai bên Pháp và nhà Thanh đã luôn nhất trí rằng đường biên giới tại cổng Nam Quan đi qua một điểm trên con đường từ Nam Quan về Đồng Đăng, cách cổng 100m về hướng nam. Điểm đó sau này là cột mốc phân giới mang số 18, tên là Trấn Nam Quan Ngoại 鎭南關外.
«Chủ trương của Đảng và nhà nước» hoàn toàn không nhắc đến cột mốc số 18.

c. Cột ki lô mét zéro: Ông Vũ Dũng nói: đường biên giới đi qua Km số 0, mốc 19 cũ đến điểm cách điểm nối ray… Cột ki lô mét 0 không phải là cột mốc biên giới. Cột này chỉ ghi nhận số ki lô mét trên đường quốc lộ. Vì sao ông Dũng nói đường biên giới đi qua cột ki lô mét 0 trên đường quốc lộ mà không nói đến cột mốc số 18? Cột 18 đã ra sao?
Tài liệu mang tên Vấn đề biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc do NXB Sự Thật ấn hành năm 1979, trang 10 có ghi: «phía Trung-Quốc đã ủi nát mốc biên giới số 18 nằm cách cửa Nam Quan 100m trên đường quốc lộ để xóa vết tích đường biên giới lịch sử, rồi đặt cột mốc ki-lô-mét 0 đường bộ sâu vào lãnh thổ Việt Nam trên 100m, coi đó là vị trí đường quốc giới giữa hai nước ở khu vực này.»
Xem:
http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=14530&rb=0302
Thì ra cột mốc 18 bây giờ trở thành cột ki lô mét zéro; cột Km 0, theo tài liệu dẫn trên, lùi về Việt Nam khoảng 100m.
Nhưng trên thực tế, theo các nhân chứng, cột ki lô mét 0 hiện nay cách cổng Nam Quan ít ra là 4 hay 5 trăm mét.

d. Cột mốc số 19: Ông Vũ Dũng nói: Dấu tích lịch sử quan trọng của khu vực cửa khẩu Hữu nghị là mốc 19 cũ do Pháp Thanh cắm năm 1894…
Ông Dũng nói việc này hoàn toàn sai. Di tích tại cổng Nam Quan (Hữu Nghị Quan) là cột số 18 chứ không phải cột số 19. Cột mốc số 19 cách cột số 18, tức cách cổng Nam Quan, theo bản đồ của Sở Địa dư Đông Dương (SGI) dưới đây, ít nhất là 500 m về hướng đông.

e. Điểm nối ray: Điểm nối ray không thấy trên bản đồ SGI vì lý do đường ray chỉ đặt sau này. Theo tài liệu Vấn đề biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc dẫn trên, trang 10, nguyên văn như sau:
Năm 1955, tại khu vực Hữu Nghị Quan, khi giúp Việt Nam khôi phục đoạn đường sắt từ biên giới Việt Trung đến Yên Viên, gần Hà Nội, lợi dụng lòng tin của Việt Nam, phía Trung Quốc đã đặt điểm nối ray đường sắt Việt-Trung sâu trong lãnh thổ Việt Nam trên 300m so với đường biên giới lịch sử, coi điểm nối ray là điểm mà đường biên giới giữa hai nước đi qua.
Xem:
http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=14530&rb=0302
Như thế đường biên giới hiện nay cách điểm nối ray 148m. Đó cũng là đất mà Việt Nam bị mất cho Trung Quốc qua Hiệp ước phân định biên giới 25-12-1999.

2. Báo Du Lịch nói về Ải Nam Quan như thế nào?


Có thể nội dung bài này thể hiện qua nội dung bài thơ «Hận Nam Quan» của Hoàng Cầm dẫn trong bài. Có người nói báo Du Lịch «hàm ý» cho rằng nhà nước làm mất Ải Nam Quan cho Trung Quốc.
Báo Du Lịch có «hàm ý» như thế không, mọi người có nhận định riêng của mình. Nhưng giả sử báo này có nói thế, thì báo này có «loan tin không trung thực» không?
Không có điều gì chắc chắn.
Ông Vũ Dũng trích dẫn Đại Nam nhất thống chí cho rằng Ải Nam Quan của Trung Quốc. Vấn đề là ta nên hiểu «ải» có ý nghĩa như thế nào.

a. Ải là cái cổng Nam Quan:
- Theo Phương Ðình địa dư chí của cụ Nguyễn Văn Siêu (NXB Văn hóa - Thông tin, Hà Nội 2001, biên tập Đặng Thị Huệ, tr. 451): «Ải Nam Quan ở địa phận hai xã Ðồng Ðăng và Bảo Lâm châu Văn Uyên. Phía Bắc giáp địa giới châu Bằng Tường tỉnh Quảng Tây Trung Quốc, hai bên tả hữu núi đá cao ngất, ở giữa mở một cửa quan, cánh cửa có khóa, chỉ khi có việc sứ mới mở, tên là cửa Nam Quan (một tên là Ðại Nam Quan, một tên là Trấn Di Quan, lại có tên là Trấn Nam Quan».
Theo tài liệu này Ải Nam Quan thuộc địa phận hai xã Đồng Đăng và Bảo Lâm, như thế ải thuộc Việt Nam.
- Theo Địa dư các tỉnh Bắc Kỳ của Ngô Vi Liễn, Phạm Văn Thư và Đỗ Đình Nghiêm, (Nhà in Lê Văn Tân xuất bản, Hà Nội, 1926), cửa Nam Quan ở ngay biên giới Trung Quốc và Việt Nam. Từ Hà Nội lên đến Lạng Sơn là 150 km; đến cây số 152 là chợ Kỳ Lừa; đến cây số 158 là Tam Lung; đến cây số 162 là Đồng Đăng; đến cây số 167 là cửa Nam Quan đi sang Long Châu bên Tàu. Như vậy từ Đồng Đăng lên cửa Nam Quan có 5 km; từ Kỳ Lừa lên Nam Quan mất 15 km và từ tỉnh lỵ Lạng Sơn lên Nam Quan là 17 km.
Tài liệu này cho rằng đường biên giới đi ngang qua của ải.
- Theo Đại Nam nhất thống chí (thực ra ghi chép ở điểm này rất giống với Đại Thanh nhất thống chí) Trấn Nam Quan thuộc nội địa nuớc Tàu, dựng dưới đời vua Gia Tĩnh (1522-1566) nhà Minh. Năm 1726, dưới đời nhà Thanh, niên hiệu Ung Chính thứ ba, quan Án sát tỉnh Quảng Tây là Cam Nhũ Lai có cho tu bổ lại cửa quan này. Cửa này dài 110 trượng (khoảng 50m), có đề ba chữ Trấn Nam Quan.
Như thế, giữa các sử liệu nước nhà cũng đã có những mâu thuẫn. Phương Đình địa dư chí thì nói ải này thuộc địa phận hai xã Bảo Lâm và Đồng Đăng, tức thuộc Việt Nam. Còn Địa dư các tỉnh Bắc Kỳ thì nói ải này ở ngay biên giới Việt-Trung.
Nếu báo Du Lịch tham khảo ở Phương Đình hay Địa dư các tỉnh Bắc Kỳ thì báo này nói sai hay nói đúng?
Nếu kết tội báo nói sai, thì nguồn dẫn của báo này sai, người viết không có tội. Người ta đâu có bịa sử ra để viết mà kết tội loan tin không trung thực?

b. Ải là một đoạn đường qua núi:
Định nghĩa ải là một đoạn đường qua núi, thí dụ: «Ải Chi Lăng, không phải cổng hay cửa mà là một trận đồ hiểm ác… một thung lũng hẹp, hình bầu dục, chiều dài Bắc-Nam khoảng 4km. Có hai cửa, cửa phía Bắc gọi là Quý Môn Quan, cửa phía Nam gọi là Ngõ Thề. Ải Chi Lăng cách Hà Nội chừng 110km và cách biên giới 60km» (nguồn Phong Trang, tháng 4-2002, «Chiều mưa biên giới anh đi về đâu», báo Chuyển Luân 27).
Như thế Ải Nam Quan cũng là một thung lũng hẹp, hai bên là «núi đá cao ngất», bắt đầu từ Đồng Đăng và chấm dứt ở Quang Thiên Ải (gần Bằng Tường, Trung Quốc), dài tổng cộng 5 Km. Cổng Nam Quan (Hữu Nghị Quan) được dựng lên giữa ải, đánh dấu biên giới hai nước, mỗi bên có khoảng 2,5 Km.
Phần «ải» của Việt Nam hôm nay còn hay mất?
Theo bản đồ phân giới khu vực 249 C dưới đây, do ông Nguyễn Ngọc Giao đưa lên mạng từ nhiều năm trước, so sánh nó với bản đồ SGI, ta thấy: toàn bộ khu núi đá phía bắc Đồng Đăng đã thuộc về Trung Quốc. Ải Nam Quan của Việt Nam như thế đã mất hoàn toàn.
Việt Nam không còn Ải Nam Quan nữa. Báo Du Lịch, giả sử có hàm ý rằng Nam Quan đã mất cho Trung Quốc, thì họ viết đúng hay sai?

3. Nam Quan, những tang thuơng và hùng tráng của lịch sử (Dẫn từ
tài liệu của Hà Mai Phương và Lưu Chu Thanh Tao):

Cửa Nam Quan từng là nơi diễn ra và chứng kiến nhiều cảnh tang thương và hùng tráng trong suốt thời gian của Việt sử nghĩa là từ thời nước ta lập quốc cho tới nay. Năm 40 Tây lịch Hai Bà Trưng khởi nghĩa chống lại ách đô hộ của nhà Đông Hán, Nam Quan đã là cửa ngõ xâm lược của danh tướng Mã Viện… Thời nhà Minh xâm lăng đô hộ nước ta, năm 1406, ông Nguyễn Trãi theo cha là Nguyễn Phi Khanh bị bắt sang Tàu cùng cha con Hồ Quý Ly. Tại ải Nam Quan, Nguyễn Trãi đã vâng nghe theo lời cha ghi nhớ hận Nam Quan và sau này phò Bình Định Vương Lê Lợi đánh đuổi được quân Minh, thu hồi lại nền tự chủ cho nước nhà… Nhục Nam Quan là hành động ươn hèn của Mạc Đăng Dung và bày tôi đã quỳ gối dâng biểu, dâng đất xin hàng nhà Tống vào năm 1541 để bảo vệ quyền lực cho dòng họ nhà Mạc - Ngược lại, Nam Quan cũng đánh dấu nhiều chiến công huy hoàng của dân tộc Việt bất khuất như năm 40 Thái thú Tô Định bị nghĩa quân của Hai Bà Trưng đánh đuổi phải bỏ chạy về Tàu qua ngả Nam Quan… Năm 981 vua Lê Đại Hành đã chém đầu Hầu Nhân Bảo và đánh đuổi tàn quân nhà Tống ở cửa Nam Quan. Đời nhà Lý, năm 1060, quân xâm lược nhà Tống lại bị chặn đánh ở Nam Quan và Lạng Châu tức Lạng Sơn… Đời nhà Trần, năm 1285 Trấn Nam Vương Thoát Hoan phải nhục nhã chui vào ống đồng trốn chạy về Tàu qua Trấn Nam Quan… Năm 1427, Liễu Thăng bị phục binh của nghĩa quân Bình Định Vương Lê Lợi chém chết ở Đảo Mã Pha thuộc ải Chi Lăng, ở về phía nam cửa Nam Quan khoảng 50 km, và tàn quân Minh cũng phải theo cửa Nam Quan mà trốn chạy về nước… Cảnh này lại tái diễn sau chiến thắng oanh liệt của vua Quang Trung Nguyễn Huệ ở Đống Đa vào mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789. Tàn quân nhà Thanh của Tôn Sĩ Nghị cũng lũ luợt chạy qua cửa Nam Quan để thoát về Tàu.. ..

3. Trở lại vấn đề báo Du Lịch, như thế chủ trương của nhà nước, qua lời của ông Vũ Dũng, hoàn toàn sai, nhà nước đã làm mất đất Ải Nam Quan cho Trung Quốc. Tương tự vấn đề khai thác bô-xít hiện nay, đây mặc dầu là «chủ trương lớn» của Đảng và nhà nước, nhưng hoàn toàn sai, rất nhiều người lên tiếng phản đối. Vấn đề để mất Nam Quan, ông Dũng cố gắng đưa Đại Nam nhất thống chí vào để biện hộ, nhưng không hề thuyết phục.
Báo Du Lịch có tội «thông tin không trung thực» hay không, tòa án dư luận đã phán xét. Theo đó những người yêu nước chỉ được vinh danh. Riêng những người làm nhục Nam Quan, mặc dầu họ có cả bộ máy đàn áp qui mô, pháp luật cũng do họ nắm, họ có thể phân xử bất kỳ ai dưới bất kỳ tội trạng nào, nhưng họ không thể bóp chết lòng yêu nước của mọi người. Hiện nay nguy cơ mất Biển Đông là có thật. Nhà nước này hiện nay cũng có chủ trương Biển Đông, như đã có các chủ trương ở Nam Quan, Bản Giốc… Có người viết về Biển Đông theo lối dọn sân cho nhà nước đem Biển Đông, HSTS cống cho Trung Quốc, thì lại được vinh danh. Những người phản biện lại, hay ai lên tiếng về Biển Đông, HSTS là của Việt Nam, thảy đều bị bôi nhọ, bị bắt, bị đàn áp, mất việc làm… Có người đến nay vẫn ngồi tù chưa ra.
Hận Nam Quan của báo Du Lịch đánh dấu một thời kỳ mới: yêu nước là tội phạm. Trí thức từ nay khôn hồn ngậm miệng lại. Ngậm miệng là ăn tiền, mở miệng là lãnh đủ.

© 2009 Trương Nhân Tuấn
© 2009 talawas blog


No comments: