Sunday, April 19, 2009

KỊCH BẢN XÂM THỰC VIỆT NAM CỦA TRUNG QUỐC

Kịch bản “Xâm Thực Việt Nam” của Trung Quốc
Trần Bình Nam
April 19, 2009
http://www.tranbinhnam.com/binhluan/KichBan_XamThuc_VN_Cua_TQ.html
Vụ chính quyền Việt Nam ký giao kèo để Trung Quốc khai thác bauxit tại Tây nguyên trong hai tỉnh Đak Nông và Lâm Đồng được công bố cuối năm 2008 đang trở thành một mối lo cho toàn thể nhân dân Việt Nam trong cũng như ngoài nước.
Lo ngại sự huỷ hoại môi trường là một. Và lo ngại chính là an ninh quốc gia. Vào giữa tháng Tư, 2009 sự quan tâm lên cao điểm.

Báo Tuổi Trẻ online ngày Thứ Năm 16/4/09, qua một phóng sự của hai nhà báo Cảm Văn Kình và Đăng Nam, phản ảnh dư luận quần chúng báo động rằng
"Lao Động phổ thông nước ngoài đã vào Việt Nam”.
Bài báo viết rằng tại nhiều nơi: như nhà máy bauxit ở Bảo Lộc thuộc tỉnh Lâm Đồng, nhà máy nhiệt điện (chạy bằng dầu) ở Quảng Ninh, nhà máy nhiệt điện (chạy bằng than) ở Hải Phòng, nhà máy nhiệt điện Nông Sơn (Quảng Nam) các công trình tại Cà Mâu, số thợ phổ thông (công nhân không có tay nghề gì đặc biệt) người Trung hoa lên đến từ 700 đến 2000 người. Theo ước lượng của báo Tuổi Trẻ tổng số thợ phổ thông Trung Quốc tại Việt Nam hiện nay lên đến hơn 10.000 người, và đang gia tăng.

Trí thức Việt Nam từ trước đến nay thường do dự bày tỏ ý kiến trước các vấn đề quốc gia (sợ Đảng trả thù?) lần này “vì sự lo lắng khôn cùng trước phương cách làm việc chưa thấu triệt và hoàn bị về nhiều mặt cho một dự án có tầm chiến lược sống còn của đất nước như dự án bauxite” cũng đã cùng nhau lên tiếng kiến nghị chính phủ phải xét lại một cách thấu triệt dự án bauxit Tây Nguyên trước khi quá trễ.
Kiến nghị của 135 nhà trí thức gồm khoa học gia, giáo sư đại học, nhà văn, nhà nghiên cứu, trong đó có 72 nhân vật ở trong nước và 63 ở ngoài nước đã được mang tay đến văn phòng các ông Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu xem xét lại dự án khai thác mỏ bauxit tại Tây Nguyên.
Kiến nghị vạch rõ rằng các kiến nghị trước đây của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, của Tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn, của Giáo sư Phạm Duy Hiển, và của các nhà nghiên cứu độc lập khác ở trong nước như nhà văn Nguyên Ngọc, học giả Nguyễn Trung, nhà báo Lê Phú Khải, nhà văn Phạm Đình Trọng, và ở ngoài nước như Tiến sĩ Nguyễn Đức Hiệp chuyên gia về ô nhiễm môi sinh ở Úc, kỹ sư tư vấn Đặng Đình Cung chuyên gia về mỏ ở Pháp... đã nói lên “những bất cập về chính trị, quốc phòng, môi trường, kinh tế, kỹ thuật” của chương trình này.

Kiến nghị của 135 nhà trí thức nêu ra ba điều bất cập:
- Chủ trương lập dự án được công khai hóa vào cuối năm 2008 sang đầu năm 2009, song thực ra nó đã được "ký tắt" với người Trung Quốc từ nhiều năm về trước mà không hề xin ý kiến nhân dân thông qua Quốc Hội do dân bầu ra; toàn bộ báo cáo tiền khả thi chưa bao giờ được trình ra trước nhân dân và đại diện của nhân dân tức Quốc Hội;
- Người Trung Quốc đóng cửa các mỏ khai thác bauxit của họ để chuyển sang khai thác ở Việt Nam, định trút gánh nặng ô nhiễm môi trường cho các thế hệ Việt Nam hôm nay và nhiều đời mai sau – những hành động y hệt như họ đã và đang làm ở châu Phi với sự giúp sức của những chế độ cai trị tham nhũng tại châu lục này, và đang bị dư luận thế giới theo dõi chặt chẽ và hết sức công kích;
- Kỹ thuật, công nghệ và nhân công khai thác dự định du nhập chủ yếu từ Trung Quốc, một cường quốc mới nổi dậy với nền kinh tế đang giàu lên nhưng bên trong vẫn chứa đựng không ít thực trạng bất khả tín, trong đó liên quan đến vấn đề khai thác bauxit là sự "nổi tiếng" của Trung Quốc trên toàn thế giới hiện đại như là một quốc gia gây ô nhiễm môi trường vào bậc nhất, chưa kể những “vấn nạn” khác

Và yêu cầu:
1) Đưa vấn đề dự án bauxit Tây Nguyên ra trước Quốc Hội và mọi chủ trương liên quan phải được Quốc Hội quyết định;
2) Dự án bauxit Tây Nguyên phải chính thức dừng ngay lại, có giám sát chặt chẽ cho tới khi Quốc Hội xem xét toàn bộ báo cáo tiền khả thi và đưa ra những phê chuẩn thích hợp. Kính mong Quốc Hội thấu suốt được tinh thần của đại đa số dân chúng không muốn dự án này tiếp tục vì tất cả những hệ lụy nặng nề của nó;
3) Những nghiên cứu tiền khả thi với vấn đề bauxit Tây Nguyên cần được dư luận rộng rãi tham gia và theo dõi.

Trước dư luận quần chúng và kiến nghị của 135 nhà trí thức, thái độ thận trọng cần có của chính quyền là yêu cầu Trung Quốc tạm ngưng chương trình khai thác bauxit tại Tây nguyên, đồng thời chấn chỉnh chính sách dễ dãi đối với công nhân phổ thông người Trung Quốc vào nước và làm việc tại các công trường do người Trung Quốc lãnh thầu. Có tin nói rằng đa số công nhân phổ thông này vào Việt Nam như du khách du lịch (nghĩa là không cần chiếu khán nhập cảnh) .

Sau cùng cần có luật lệ quy định rõ ràng cho những chuyên viên nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, và có nguyên tắc bảo đảm công việc cho nhân công Việt Nam tại các công trình ký với nước ngoài.

Đây là những đòi hỏi hiển nhiên vì chủ quyền quốc gia và cũng là một vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia, nhất là tại vùng đất chiến lược Tây nguyên .

Trước đây tướng Võ Nguyên Giáp đã lên tiếng về nhiều vấn đề liên quan đến kinh tế và chống tham nhũng, nhưng lần này sự lên tiếng của ông cần được hiểu là sự lo lắng của một chiến lược gia có tầm vóc quốc tế về mặt quốc phòng. Hơn ai hết tướng Võ Nguyên Giáp hiểu giá trị chiến lược của Tây Nguyên. Các nhà chiến lược quân sự am tường về Đông Dương đều đồng ý rằng ai kiếm soát Tây Nguyên, người đó kiểm soát được cả đồng bằng Trung Việt và từ đó kiểm soát được Việt Nam. Và chỉ điểm đó thôi tưởng các nhà lãnh đạo tại Hà Nội cần có sự quan tâm thích đáng .

Cùng lúc báo chí và trí thức trong và ngoài nước tỏ ý lo âu thì dư luận quốc tế cũng bắt đầu quan tâm đến những động thái của Trung Quốc. Sau chuyến thăm viếng Việt Nam của Thượng nghị sĩ John McCain hôm 6 tháng Tư, trong số báo ngày 16/4/2009 tờ tuần báo Time (một trong những tuần báo có nhiều ảnh hưởng chính trị tại Hoa Kỳ) đăng một bài phóng sự với cái tít khá giật gân: “In Vietnam, New Fears of a Chinese 'Invasion’” (Tại Việt Nam có sự lo ngại một cuộc xâm lăng của Trung Quốc) của ký giả
Martha Ann Overland.

Tít giân gân đến độ giáo sư Carl Thayer của Viện Nghiên cứu Quốc Phòng Úc tại đại học New South Wales, một chuyên viên về các vấn đề Việt Nam phải lên tiếng trấn an rằng: Tôi không tin Trung Quốc sẽ chiếm đóng Việt Nam (nguyên văn: But Chinese occupation? I don't believe that!).

Tuy nhiên giáo sư Carl Thayer cũng cho rằng, nếu Trung Quốc có chính sách gì đối với Việt Nam cũng là vì người Việt Nam dại dột đưa cổ vào tròng thôi (nguyên văn: Some of the problems are of Vietnam's own making) và lúc này chính quyền Việt Nam cũng không dễ dàng gì rứt ra khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc (nguyên văn: As more Chinese companies venture across the border and sink millions into new investment projects, Hanoi can't dictate all the terms. Nor can they just close the spigot.).

Bài báo ghi nhận rằng sau khi Việt Nam áp dụng chính sách mở cửa hai thập niên trước Trung Quốc đã ồ ạt đầu tư vào Việt Nam, và hiện nay họ nắm hầu hết các công trình đầu tư có tính quốc phòng như hệ thống giao thông, khai thác hầm mỏ và xây dựng các trung tâm sản xuất điện lực, các cơ sở chế biến xi măng và các cơ sở hóa chất.

Theo ông Nguyễn Văn Thu, Chủ tịch Hiệp hội Kỹ nghệ Cơ giới (Vietnam's Association of Mechanical Industries) thì người Trung Quốc (với sự sắp xếp bên trong về phía chính quyền Việt Nam?) đấu thầu với giá thấp nên thường trúng thầu và các công trình xây cất đều được xây dưới tiêu chuẩn an toàn. Nhưng điều đáng lo nhất là hằng chục ngàn thợ thuyền Trung Quốc nhập Việt mà cơ quan di trú Việt Nam không theo dõi chặt chẽ được gồm cả đầu bếp, công nhân giặt dịa. Họ mang vào Việt Nam ngay cả những vật đơn sơ như cái cầu vệ sinh… là những thứ Việt Nam sản xuất được.

Tiết lộ của ông Nguyễn Văn Thu đưa đến một câu hỏi: Người Trung Quốc có điều gì cần dấu diếm mà phải bố trị nhân sự như vậy. Và chính quyền Việt Nam ở đâu mà không đặt thành vấn đề, một vấn đề liên quan đến chủ quyền quốc gia.

Công ty đồ Nhôm Chinalco (Aluminium Corporation of China) trúng thầu khai thác bauxit ở Tây nguyên. Bauxit là quặng nhôm, một thứ kim loại nhẹ mầu trắng rất cần cho kỹ nghệ chế tạo chiến lược. Theo ước lượng của các chuyên viên hầm mỏ Việt Nam có chừng 8 tỉ tấn quặng bauxit chất lượng cao (đứng hàng thứ ba giàu quặng bauxit trên thế giới).

Kinh nghiệm khai thác bauxit ở nhiều nơi trên thế giới cho thấy sự khai quật bằng cách thô sơ nhất là đào xới (một thứ kỹ thuật khai thác thấp nhất công ty Chinalco định làm ở cao nguyên Việt Nam) sẽ để lại vết đào xới đầy đất đỏ và các phó sản do sự chế biến Nhôm sẽ biến thành bùn. Qua thời gian với những trận mưa lớn dài ngày tại cao nguyên chất độc trong bùn đỏ sẽ thấm vào làm ô nhiễm các nguồn nước chung quanh và dưới mặt đất. Hai con sông Đồng Nai xuất phát từ Lâm Đồng chảy vào đồng bằng nam Việt Nam và sông Xrêpóc xuất phát từ Đak Nông chảy qua Kampuchia trước khi nhập vào sông Cửu Long cuối cùng sẽ mang ô nhiễm đến cho hàng chục triệu dân cư sống chung quanh sông Đồng Nai và sông Cửu Long.Không biết đảng Cộng sản Việt Nam khi ký giao kèo cho phép Chicalno khai thác bauxit có biết rằng chính vì ảnh hưởng đến môi sinh, Trung Quốc đã đóng cửa các công trường khai thác bauxit bằng kỹ thuật thô sơ này trên đất nước của họ để thay vào bằng kỹ thuật khai thác mỏ tối tân ít gây ô nhiểm hơn, nhưng Trung Quốc không muốn mang sang dùng tại Việt Nam?

Mới đây (tháng Ba/2009) Úc châu đã từ chối một giao kèo khai thác quặng kẽm (quặng OZ) 1.8 tỉ mỹ kim của công ty Minmetals của Trung Quốc vì lý do môi trường và an ninh.

Trước quan tâm của nhân dân và trí thức trong ngoài nước, và báo chí quốc tế đảng Cộng sản Việt Nam vẫn chưa thay đổi thái độ. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố tại cuộc họp báo đầu năm ngày 4/2/2009 tại Hà Nội rằng khai thác bauxit tại Tây Nguyên là “chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước” Ông Dũng cho triệu tập một hội nghị nghiên cứu “nên hay không nên” tiến hành dự án bauxit Tây nguyên do một Phó Thủ tướng chủ trì với mục đích để cho vài tiếng nói bất đồng lên tiếng, nhưng đồng thời để cho “gà nhà” (các uỷ viên lãnh đạo cấp tỉnh) lên tiếng tán đồng dự án.

Cho đến giờ này chính quyền Việt Nam hình như chưa triển khai một sách lược nào để thoát ra khỏi móng vuốt của sức mạnh kinh tế của Trung Quốc.

Có tin từ Hà Nội cho biết ngay cả các giới chức an ninh thuộc Bộ Công An đầu tháng Ba/2009 cũng đã chuyển đạt đến Bộ chính trị các quan tâm của Bộ này về sự mất an ninh của quốc gia do sự hiện diện đông đảo thợ thuyền người Trung hoa ở Tây nguyên. Theo các nguồn tin quốc tế, Trung Quốc đã thuê một vùng đất rộng tại tỉnh Munbunkin trong 99 năm của Lào và đang làm chủ nhiều dự án kinh tế trong tỉnh Attapu cũng thuộc Lào. Phối hợp các nguồn tin này cho thấy Trung Quốc có ý đồ kiểm soát vùng cao nguyên Đông Đương.

Tôi đồng ý với giáo sư Carl Thayer rằng Trung Quốc sẽ không xâm lăng Việt Nam bằng võ lực, vì quốc tế sẽ không ngồi yên để Trung Quốc hành động như vậy. Nhưng Trung Quốc đang thực hiện một cuộc xâm thực còn nguy hiểm hơn một cuộc xâm lăng.

Kịch bản có thể là: Trung Quốc không chế Việt Nam bằng kinh tế. Trung Quốc mua chuộc cấp lãnh đạo Việt Nam. Và khi Trung Quốc đã gài được người vào các chức vụ chủ chốt trong quân đội, công an, Trung ương đảng, khối nhân sự này sẽ thực hiện một cuộc cướp quyền cung đình tại Hà nội, thanh toán cấp thời tất cả những ai chống Trung Quốc trong lực lượng vũ trang, trong đảng, trong bộ máy hành chánh. Sau đó Việt Nam sẽ hoàn toàn nằm dưới sự lãnh đạo của Trung Quốc qua một chính quyền bù nhìn thân Trung Quốc tại Hà Nội. Việt Nam sẽ là một Tây tạng thứ hai. Và quốc tế chỉ có thể đứng nhìn chứ không thể can thiệp được.

Nếu chính quyền Hà Nội không nghe lời can gián sáng suốt của nhân dân, của trí thức Việt Nam, của tướng Võ Nguyên Giáp, của dư luận quốc tế, cứ để cho người Trung Quốc tiến hành giao kèo khai thác bauxit ở Tây Nguyên thì đây điểm bắt đầu của màn chót trong chương trình xâm thực Việt Nam của Trung Quốc .

Trần Bình Nam
April 19, 2009

binhnam@sbcglobal.net
www.tranbinhnam.com


No comments: