Wednesday, April 22, 2009

HẢI NGOẠI TƯỞNG NIỆM THÁNG TƯ ĐEN

Tuần tưởng niệm Tháng Tư Ðen tại Lê Văn Duyệt Foundation
Nguyên Huy/Người Việt
Tuesday, April 21, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=93813&z=1
Tổ chức Lê Văn Duyệt Foundation của Giáo Sư Nguyễn Thanh Liêm và các nhà trí thức gốc miền Nam đã tổ chức “Tuần Tưởng Niệm Tháng Tư Ðen” tại trụ sở của hội trên đường Brookhurst, thành phố Westminster suốt trong hai ngày Thứ Bẩy và Chủ Nhật cuối tuần vừa qua. Tuần tưởng niệm này còn kéo dài tới Thứ Bẩy 25 Tháng Tư tới đây với những cuộc thuyết trình đúc kết chuỗi sinh hoạt này.

Giáo Sư Nguyễn Thanh Liêm khai mạc “Tuần 30.4” tại trụ sở hội Lê Văn Duyệt Foundation.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/93813-medium_NVHN-090421-ThangTuDen%201.jpg

Vào lúc 12:30 trưa hôm Thứ Bẩy 18 Tháng Tư vừa qua, chương trình được khai mạc. Trong khuôn viên không được rộng rãi lắm của hội Lê Văn Duyệt Foundation, đồng hương các giới đến tham dự đông chật trong và ngoài hội trường.
Giáo Sư Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Liêm đã mở đầu tuần lễ sinh hoạt tương niệm Tháng Tư Ðen qua những lời chào mừng khách tham dự, nhắc nhớ đến biến cố 30 Tháng Tư không thể quên nơi phần lớn người Việt tị nạn Cộng Sản ở hải ngoại.
Giáo sư nói: “Chúng ta phải nên nhìn lại quá khứ thì mới nhận định được tương lai. Ðó chính là mục đích mà hội Lê Văn Duyệt Foundation tổ chức Tuần Lễ Ba Mươi Tháng Tư”.

Trong buổi sinh hoạt đầu tiên này có ba thuyết trình viên là Giáo Sư Trần Ðông Phong với đề tài “Những nguyên nhân đưa đến ngày 30 Tháng Tư”, Giáo Sư Phạm Cao Dương với đề tài “Sáu mươi năm nhìn lại” và ông Võ Long Triều với đề tài “Những ngày cuối cùng”. Ngoài ra còn có hai cựu sĩ quan QLVNCH nói về “Giờ phút cuối cùng” ở trường Bộ Binh Thủ Ðức và tại Vùng 4 Chiến Thuật.

Nói về những nguyên nhân dẫn đến biến cố 30 Tháng Tư năm 1975, Giáo Sư Trần Ðông Phong cho rằng có rất nhiều xin được tạm chia làm những nguyên nhân khách quan và chủ quan và Giáo Sư Phong xin chỉ nói về những nguyên nhân khách quan. Giáo Sư Phong đã lược lại lịch sử Việt Nam từ trước và sau Ðệ II Thế Chiến, Việt Nam đã lỡ mất nhiều cơ hội liên lạc với Hoa Kỳ trong khi Hoa Kỳ đang có chủ trương trả lại độc lập cho các nước bị đô hộ. Vì lỡ mất những cơ hội này nên Việt Nam rơi vào tay Cộng Sản. Giáo Sư Phong cũng cho rằng phía những người Quốc Gia vì muốn chống lại Cộng Sản nên phải dựa vào Pháp (chính quyền Bảo Ðại, Nguyễn Văn Thinh, Nguyễn Văn Xuân) và sau này dựa vào Mỹ (Ðệ I và Ðệ II VNCH). Nhưng Cộng Sản đã khéo che giấu sự lệ thuộc Nga-Tầu của họ và khéo tuyên truyền vu cho phía người Quốc Gia là Việt gian nên đã được người dân nông thôn ủng hộ.
Nhận định “người dân nông thông ủng hộ Việt Cộng” này của thuyết trình viên đã khiến một số người tham dự không đồng ý.

Trong phần trình bày của Giáo Sư Phạm Cao Dương về đề tài “Sáu mươi năm sau nhìn lại”, nhà sử học này đã nhấn mạnh đến một sự việc diễn ra trong việc Pháp đã phải trao trả phần đất “Nam kỳ tự trị” về cho tổ quốc Việt Nam cách đây 60 năm. Trên phương diện sử học, Giáo Sư Phạm Cao Dương thấy “đó là biến cố quan trọng trong lịch sử Việt Nam hơn là hai cuộc chiến tranh đã để lại những hậu quả tiêu cực”. Phần đất Nam kỳ bị Pháp cắt khỏi Việt Nam để hoàn toàn là lãnh thổ của Pháp với những quy chế như tại chính quốc từ những Hiệp Ước Nhâm Tuất, Giáp Tuất khi Pháp đánh chiếm được toàn Việt Nam đặt Việt Nam thành một nước bảo hộ với ba miền ba quy chế chính trị khác nhau. Nay trước những đòi hỏi của các nhà cách mạng Việt Nam, những cuộc tranh đấu chính trị của các nhân vật chính trị phía Quốc Gia Việt Nam, Pháp đã phải trả Nam kỳ về cho Việt Nam để Việt Nam vẹn toàn lại được lãnh thổ. Ngày nay Cộng Sản Việt Nam cưỡng chiếm được Việt Nam đã thừa hưởng được cả một di sản đấu tranh của người Quốc Gia. Ấy thế mà nay Cộng Sản Việt Nam lại vì quyền lợi riêng tư của đảng, cam tâm nhượng đất dâng biển và để Cộng Sản Tầu vào khai thác qui mô trong lãnh thổ Việt Nam. Chúng ta đã phân tích về hậu quả của việc Trung Cộng khai thác các mỏ Bâu xít, nhưng chưa để ý đến khía cạnh quân sự bởi theo những nhà chiến lược quân sự thì Trung Cộng muốn Trung Hoa như một con gà mà cái mình là lục địa Trung Hoa, cái đầu là Triều Tiên và đôi chân với cặp cựa gà là Việt Nam và Nam Á. Sự khai thác khoáng sản ở Việt Nam, biết đâu chẳng là cả việc khai thác cả Uranium mà có nhiều dư luận đã đề cập đến khi Hoa Kỳ còn có mặt ở Việt Nam.

Thuyết trình viên thứ ba là ông Võ Long Triều, cựu ủy viên thanh niên (bộ trưởng) của Nội Các Chiến Tranh Nguyễn Cao Kỳ và sau đó là dân biểu của Quốc Hội VNCH. Ông Võ Long Triều nói về “Những ngày cuối cùng” với những câu chuyện mà ông được mắt thấy tai nghe trong những ngày cuối cùng ấy. Với lối kể chuyện có duyên, nhiều lúc chân thực đúng như bản chất dân “Nam kỳ”, ông đã làm cho mọi người cười vui trong nước mắt. Ông kể đến những cái “ngây thơ” chính trị của những nhà lãnh đạo Việt Nam trong những giờ phút cuối cùng ấy. Bài nói chuyện của ông Võ Long Triều có ba điểm làm nhiều người lưu tâm. Thứ nhất là trong những giờ phút nghiêm trọng ấy địch đã đến ngoài cửa ngõ, có người đã nói với ông Tổng Thống Dương Văn Minh là “Hãy kêu cứu với Trung Cộng”. Thứ hai là, sau giờ phút “đầu hàng”, ông Dương Văn Minh bị bọn Cộng Sản lùa xuống dưới hầm Dinh Ðộc Lập cùng một số thân cận của ông, ông nằm chắp tay lên bụng than là phải chấp nhận số phận (!)Thứ ba là việc quân Cộng Sản cho diễn lại giờ phút tiến vào Dinh Ðộc Lập để báo chí truyền thông quay phim chụp hình.
Ông Võ Long Triều đã kết thúc cho bài nói chuyện của mình rằng sau 30 Tháng Tư 1975, chúng ta đã mất quá nhiều nhưng có một cái không mất được mà còn nguyên vẹn đó là không một người miền Nam nào Cộng Sản cải tạo được cả. Hơn thế nữa, số người Việt Nam ra nước ngoài tị nạn Cộng Sản đã hình thành được một cộng đồng Việt Nam lớn mạnh làm được nhiều việc mà nhà cầm quyền Cộng Sản Hà Nội với đủ lợi thế trong tay vẫn chưa làm được. Ông nói: “Chúng ta thua một trận chiến, nhưng không thua trận giặc này”.

Ðược biết sang ngày hôm sau Chủ Nhật 19 Tháng Tư, cũng tại trụ sở Hội Lê Văn Duyệt Foundation, có 5 cuộc thuyết trình và hội thảo nữa. Ðó cuộc thuyết trình của cựu Dân Biểu Nguyễn Lý Tưởng với đề tài “Trong ngục tù Cộng Sản”, của nhà văn Nguyễn Hữu Của với đề tài “Xã hội miền Nam dưới chế độ Cộng Sản”, của ông Huỳnh Văn Lang với đề tài “Sau ba mươi năm”, của Giáo Sư Nguyễn Thanh Liêm với đề tài “Chính sách Việt kiều vận và Nghị Quyết 36 của Cộng Sản” và các bài nhận định của Linh Mục Tâm Duy và bà Nguyễn Duyên Trang, hội trưởng Hội Biên Hòa.

Vào ngày Thứ Bẩy 25 Tháng Tư tới đây cũng tại trụ sở này, lúc 1 giờ sẽ kết thúc tuần lễ tưởng niệm với một đề tài lớn là “Hướng đến tương lai. Thấy gì? Nên làm gì? và Có thể làm gì? Chủ đề này sẽ được các ông Ðặng Ðình Long, cựu thẩm phán VNCH, các cựu dân biểu Bùi Văn Nhân, Nguyễn Lý Tưởng, Võ Long Triều và học giả Huỳnh Văn Lang thảo luận cùng mọi người đến tham dự.

Qua suốt những buổi sinh hoạt tưởng niệm này, phần văn nghệ giúp vui được các bạn trẻ trong cộng đồng đến tham gia đóng góp khá đông. (N.H.)

Một bạn trẻ lên giúp vui văn nghệ qua bài hát nhớ về Saigon trong chương trình tưởng niệm Tháng Tư tại Lê Văn Duyệt Foundation
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/93813-medium_NVHN-090421-ThangTUDen%202.jpg

No comments: