Thursday, April 9, 2009

TRUNG QUỐC LẤN CHIẾM THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG

Trung Quốc Lấn Chiếm Thị Trường Lao Động Ở Việt Nam
Ngô Văn
Phát thanh/cập nhật: 08/04/2009
http://radiochantroimoi.com/spip.php?article5409
Ở vào thời kỳ hội nhập, toàn cầu hóa thì chuyện người nước ngoài đến Việt Nam đầu tư hay lập hãng chỉ là điều bình thường. Muốn phát triển kinh tế thì quốc gia nào cũng kêu gọi tư bản ngoại quốc vào nước mình làm ăn. Nhiều quốc gia còn có những chính sách ưu đãi cho thành phần này trong phạm vi luật lệ cho phép. Ngay cả các nước đã phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Đức. Nhật ...vẫn mở cửa đón nhận người ngoại quốc đến đầu tư, lập hãng xưởng. Tuy được mời, nhưng đương nhiên các nhà đầu tư ngoại quốc vẫn phải tuân theo luật lệ của nước sở tại.

Đầu tư và xuất khẩu lao động là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau, nên không phải hễ cứ đến lập hãng xưởng ở một quốc gia nào đó, là chủ đầu tư liên hệ có quyền đem bao nhiêu công nhân theo cũng được. Trên nguyên tắc chủ đầu tư chỉ có quyền đưa một số người từ nước mình sang để đảm nhận việc điều hành, quản lý, kỹ thuật chuyên môn..., với sự chấp thuận của quốc gia sở tại. Nghĩa là phải có chiếu khán nhập cảnh với tư cách đi làm. Ngoại trừ một số ngành nghề truyền thống, hoặc mang tính cách kỹ thuật, mà quốc gia sở tại không thể cung cấp công nhân được, thì đối với những công nhân bình thường, chủ đầu tư phải tuyển dụng người địa phương, để tránh tình trạng người ngoại quốc cướp công ăn việc làm của người bản xứ. Một điều quan trọng khác là , chủ đầu tư phải tuyển người địa phương vào trong ban lãnh đạo, quản lý xí nghiệp. Nếu vi phạm, có thể bị sẽ bị phạt nặng nhẹ tùy theo trường hợp; từ cảnh cáo, truy tố ra tòa, cho đến rút giấy phét hoạt động.

Một quốc gia đang trên đà phát triển thì chắc chắn tỷ lệ thất nghiệp ở nước đó phải thấp. Gần hai thập niên nay Việt Nam ở trường hợp này; thế nhưng người dân vẫn không có việc làm, phải tha hương cầu thực qua chính sách xuất khẩu lao động của chính quyền CSVN . Đây là chuyện ngược đời. Nhưng cũng chưa nghịch lý bằng việc lao động Trung quốc đang đổ vào Việt Nam gần cả chục năm nay mà chẳng một cơ quan chức năng nào của chính quyền CSVN lên tiếng báo động . Trong khi đó thì chính bộ Lao Động CSVN lại báo động là trong năm nay số người thất nghiệp của VN sẽ ở khoảng 4 trăm ngàn người. Nghị định 105/2003/NĐ-CP về tuyển dụng và quản lý lao động nước ngoài do chính quyền Hà Nội đưa ra quy định tỷ lệ lao động nước ngoài không được quá 3% tổng số lao động trong doanh nghiệp. Ngày 12/9/2007, Nghị định này được đề nghị tu chính , để siết chặt quản lý người lao động nước ngoài. Thế nhưng, chẳng hề ảnh hưởng gì đến việc các hãng thầu, xí nghiệp Trung quốc đưa lao động vào Việt Nam làm việc. Điều này đã làm cho nhiều người bức xúc, nhưng chẳng dám lên tiếng. Chỉ khi vấn đề khai thác Bô-xít tại Tây nguyên bị phản đối mạnh, thì vấn đề lao động Trung quốc vào Việt Nam làm việc trái phép mới được nhiều doanh nghiệp nội địa và một số quan chức đề cập đến.

Trong buổi hội thảo do Tổng hội Xây dựng Việt Nam tổ chức tại Hà Nội vào cuối tháng 3 vừa qua, thông tin về việc có nhiều lao động chân tay Trung quốc theo các nhà thầu nước họ vào Việt Nam mới được nói ra. Các nhà thầu Việt Nam đều than rằng, hầu như những dự đấu thầu lớn án lớn đều rơi vào tay các công ty nước ngoài, chủ yếu là Trung quốc. Và từ đó họ đưa máy móc, thiết bị, hàng hóa và công nhân sang để thực hiện công trình. Dù rằng lực lượng lao động chân tay tại chỗ cũng không hề thiếu. Ông Nguyễn Công Lục, Vụ trưởng Kinh tế, cho biết, chỉ riêng tại công trình xây dựng nhiệt điện ở Quảng Ninh đã có hơn 2000 công nhân Trung quốc. Ông Trần Văn Huỳnh, chủ tịch Hiệp hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cũng nói rằng, Trung quốc đang đảm nhận hơn chục công trình xây dựng nhà máy xi măng, nhiều nhà máy điện lớn ở Việt Nam, và như vậy con số công nhân Trung quốc được đưa sang phải gấp nhiều lần. Bên cạnh đó, theo ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam, thì những máy móc thiết bị được đưa vào phục vụ công trình là những loại mà Việt Nam có thể sản xuất được.

Không biết các hãng Trung quốc trúng thầu khai thác bô xít ở Tây nguyên vào lúc nào, mà theo một số tin tức thì nay đã có vài ngàn lao động chân tay người Trung quốc đang xây dựng các cơ sở hạ tầng. Khi bước vào hoạt động, thì số công nhân Trung quốc hẳn sẽ lên đến hàng vạn người, và chắc chắn sẽ còn có thêm lực lượng bảo vệ cho những công nhân này.

Từ bao năm qua, Trung Quốc đã lấn đất, lấn biển, chiếm đảo, chiếm thị trường hàng hoá của Việt Nam. Nay ,họ đang lấn chiếm thêm thị trường lao động, cướp công ăn việc làm của người Việt Nam. Những sự lấn chiếm này không thể xẩy ra được, nếu không có sự tiếp tay của lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam. Vì thế, để chặn đứng sự lấn chiếm của Trung Quốc, và đòi lại những gì đã mất, người dân Việt Nam chỉ còn cách duy nhất là chấm dứt sự cai trị của những người đã và đang tiếp tay cho việc lấn chiếm này. Nếu không, thì rồi ra Việt Nam sẽ chẳng còn gì. Mọi thứ sẽ dần dần lọt vào tay Trung Quốc.


No comments: