Trịnh Công Sơn có phải là nhạc sĩ phản chiến?
http://www.angelfire.com/zine2/risingsun/Literature/TrinhCongSon_CoPhaiLaNhacSiPhanChien.html
Anh Tuấn
Nói đến Trịnh Công Sơn thì nhiều người nhớ đến các bài tình ca của ông và cũng không ít người nghĩ đến lập trường phản chiến của Trịnh Công Sơn với Ca Khúc Da Vàng mà thời nửa sau thập niên 1960 nhiều trí thức miền Nam biết đến. Những lời lẽ trong Ca Khúc Da Vàng thì chắc là nhiều người đã biết vì chúng được nhắc đến nhiều.
Chẳng hạn như:
Ðại bác đêm đêm dội về thành phố
Người phu quét đường dừng chổi lắng nghe.
…
Hàng vạn tấn bom trút xuống đầu làng
Hàng vạn tấn bom trút xuống ruộng đồng cửa nhà Việt Nam cháy đỏ cuối thôn.
Hàng vạn chuyến xe, claymore lựu đạn
Hàng vạn chuyến xe mang vô thị thành từng vùng thịt xương có mẹ có em
(Đại bác ru đêm, trong tập Ca Khúc Da Vàng, xuất bản năm 1967)
Hay là:
Ôi đêm dài hỏa châu đốt sang
Cho giòng máu trong con phai mầu
Ôi đêm dài Việt Nam buốt cóng
Xin cầm lấy con tim của nhau
Ôi da vàng Việt Nam cháy nóng
Ðêm mở mắt nghe đêm kêu gào
(Đêm bây giờ đêm mai, , trong tập Ca Khúc Da Vàng, xuất bản năm 1967)
Từ nhiều năm nay đã có nhiều người ca ngợi các bản nhạc phản chiến và thái độ phản chiến của Trịnh Công Sơn nhưng cũng có những người lên án các bản nhạc và thái độ này. Nói chung những khen chê xoay quanh lập trường phản chiến của Trịnh Công Sơn. Từ những khía cạnh nhìn khác nhau mà người ta khen hoặc chê. Tuy nhiên, ngoài những lời ca về tình yêu thì Trịnh Công Sơn lại cũng có những lời ca có liên quan đến thời cuộc nhưng lại không có nét phản chiến chút nào.
Bao nhiêu năm nay, những người nhắc đến Trịnh Công Sơn để khen cũng như để chê dường như quên bẵng hoặc không biết đến các lời nhạc này. Phần lớn các lời nhạc này được viết trong khoảng thời gian từ 1968 đến 1975, một số bài nằm trong tập nhạc Kinh Việt Nam, Ta Phải Thấy Mặt Trời. Sở dĩ ít người biết hay nhắc đến phải chăng vì sau 1968 các bài nhạc của Trịnh Công Sơn bị cấm nên khó phổ biến hay là vì chúng không hợp với cách suy nghĩ và tình cảm của người dân miền Nam, đặc biệt là giới trí thức thời đó?
Xin trích ra một số lời ca như sau:
Trích trong bài Chờ Nhìn Quê Hương Sáng Chói trong tập Kinh Việt Nam, xuất bản năm 1968:
Nơi đây tôi chờ, nơi kia anh chờ
Trong căn nhà nhỏ Mẹ cũng ngồi chờ
Anh lính ngồi chờ trên đồi hoang vu
Người tù ngồi chờ bóng tối mịt mù
Chờ đã bao năm, chờ đã bao năm, chờ đã bao năm ...
Ðiệp khúc 1:
Chờ mai này ta dậy trong tiếng hò reo
Chờ cho lòng căm thù đến lúc chìm sâu
Chờ hoà bình đến, chờ tiếng bom im
Chờ bước đi trên những con đường không chông mìn
Chờ đường giao thông chấp nối chuyến xe qua ba miền
Chờ tin mừng sông chờ núi cũng chờ mong
Chờ trên vừng trán mẹ thắp lên bình minh
Chờ khô nước mắt, chờ đá reo ca
Chờ áo cơm nuôi cho những trẻ con không nhà
Chờ ngày Việt Nam thống nhất cho những tình thương vỡ bờ
Ðiệp khúc 2:
Chờ tiếng kèn đưa về đây những đà n con
Chờ tim người không còn nuôi những hờn căm
Chờ đêm không cấm, chờ sáng thênh thang
Chờ lúa thơm lên dưới những bà n tay dân mình
Chờ lòng yêu thương đất nước quyết đi xây thanh bình
Chờ trống dồn tin mừng khắp phố làng ta
Chờ nghe từ đất dậy tiếng ca tự do
Chờ cây thay lá, chờ kết bông hoa
Chờ thấy ta đi trong phố phường không xa lạ
Chờ nhìn quê hương sáng chói mắt mẹ ngày nay chưa mờ
Có một số dấu hỏi đặt ra với lời nhạc này:
Tại sao lại “Nơi đây tôi chờ, nơi kia anh chờ”? Với một người dân sống ở miền Nam thì chờ cái gì? Nếu người ấy chỉ lo làm ăn thì chỉ mong cho được yên ổn mà làm ăn những cũng không thể mang tâm trạng luôn luôn chờ đời, khắc khoải như thế, còn những người hoạt động chính trị với lập trường chống cộng thì cũng không mang tâm trạng chờ đợi như vậy.
Rồi thì “Trong căn nhà nhỏ Mẹ cũng ngồi chờ”. Mẹ nào ngồi chờ trong căn nhà nhỏ nhỉ, mà chờ cái gì mới được?
Sau đó là “Anh lính ngồi chờ, trên đồi hoang vu”. Anh lính Việt Nam Cộng Hòa thì đóng trong đồn, có đâu mà lại ngồi “trên đồi hoang vu” mà chờ.
Lại còn “Người tù ngồi chờ bóng tối mịt mù”. Người tù nào ngồi chờ trong bóng tối mịt mù . Nếu là tù vì trộm cắp, cướp giựt thì chẳng ai đem vào bài hát làm gì. Thế thì tù về chính trị mới là đáng nhắc đến, mà ở miền Nam người bị tù vì chính trị phần lớn là vì hoạt động cho Cộng Sản.
Trong Điệp Khúc 1 người nghe biết được những người ở trên chờ cái gì. Đó là:
“Chờ mai này ta dậy trong tiếng hò reo”… “Chờ đường giao thông chấp nối chuyến xe qua ba miền”. Như thế là những người trên chờ đất nước “thống nhất”, cũng có nghĩa là chờ ngày Cộng Sản chiếm được miền Nam. Vào thời đó thì chỉ có Cộng Sản là đem quân đánh miền Nam với danh nghĩa là “thống nhất” chứ miền Nam có đánh miền Bắc để thống nhất đâu. Mà “tiếng kèn đưa về đây những đàn con” tức là đàn con đó ở xa đến, đàn con này không phải là quân đội Việt Nam Cộng Hòa vì quân đội VNCH đóng ngay tại thành phố và tại vùng chính phủ VNCH kiểm soát. Chỉ có “đàn con” của quân đội Cộng Sản thì mới ở xa mà về.
Lời ca như trên thì chính quyền Việt Nam Cộng Hòa cấm là phải. Nhưng điều đáng nói ở đây là qua những lời ca trên, Trịnh Công Sơn không còn đứng ở lập trường phản chiến nữa mà chấp nhận tham gia cuộc chiến và tham gia vào phía bên Cộng Sản với lòng mong mỏi là phe Cộng Sản sẽ thắng trận, chiếm được miền Nam. Qua những lời ca này, chẳng những Trịnh Công Sơn từ bỏ lập trường phản chiến mà đứng về phe gây chiến tranh, tức là Cộng Sản Việt Nam.
Người đọc có thể nói rằng, trong lời ca Trịnh Công Sơn vẫn mong mỏi hòa bình đấy thôi. Lời ca đó là:
“Chờ cho lòng căm thù đến lúc chìm sâu
Chờ hoà bình đến, chờ tiếng bom im”
Hoặc:
“Chờ tim người không còn nuôi những hờn căm”
Nếu Trịnh Công Sơn mong mỏi hòa bình, mong cho mọi người không hận thù, hờn căm nữa thì đúng là Trịnh Công Sơn ghét chiến tranh, đúng là phản chiến rồi.
Tuy nhiên Hòa Bình cũng là luận điệu tuyên truyền của Cộng Sản trong suốt thời gian mấy chục năm CSVN nỗ lực đánh chiếm miền Nam. Trong thời gian đang thôn tínn miền Nam thì hai chiêu bài chính của CSVN đưa ra để dụ trí thức miền Nam hoạt động cho CSVN là Hòa Bình và Quyền Dân Tộc Tự Quyết.
Chiêu bài Hòa Bình đòi hỏi hòa bình với mọi giá, kể cả việc chấp nhận “thống nhất” với CS nhắm vào mục đính kêu gọi người dân và chính quyền miền Nam hãy ngưng đánh nhau, và ngưng tay đánh nhau có nghĩa là sẽ bị lực lượng quân sự Cộng Sản đánh bại và chiếm luôn miền Nam. Có lẽ Trịnh Công Sơn cũng tin rằng rồi thì hết chiến tranh, hai miền thống nhất thì mọi sự sẽ hoàn tốt đẹp như trong bài hát. Nhưng dù Trịnh Công Sơn thực tình tin như vậy thì những bài hát ca ngợi hòa bình của Trịnh Công Sơn được những kẻ cầm quyền CS hiếu chiến sử dụng với mục đích đánh chiếm miền Nam. Rồi sau khi thống nhất rồi thực tế không giống như những gì giống như Trịnh Công Sơn viết trong bài hát mà cũng không thấy Trịnh Công Sơn lên tiếng nói gì về chuyện này thì đó là một dấu hỏi trong muôn vàn dấu hỏi mà nhiều người đã đặt ra khi nghĩ về Trịnh Công Sơn.
Chiêu bài Quyền Dân Tộc Tự Quyết đòi hỏi dành quyền tự quyết về tay dân miền Nam, nghĩa là miền Nam phải đuổi quân đội Mỹ đi, không để cho Mỹ can thiệp vào miền Nam nữa và miền Nam không nhận sự trợ giúp của Mỹ nữa. Đòi hỏi này tuy không đả động gì đến Cộng Sản hay nêu lên nguyện vọng muốn biến miền Nam thành Cộng Sản cả nhưng ai cũng có thể thấy khi miền Nam ngưng nhận sự trợ giúp của Mỹ và miền Bắc tiếp tục nhận sự trợ giúp của Liên Xô và Trung Quốc, và tiếp tục đem quân đội đánh miền Nam thì ai sẽ có lợi nhất khi miền Nam ngưng nhận sự trợ giúp của Mỹ. Người được lợi nhất là đảng Cộng Sản Việt Nam chứ không phải nhân dân miền Nam. Sau khi miền Nam không còn sự trợ giúp của Mỹ thì nhân dân miền Nam cũng chẳng có lực lượng gì mà bảo vệ quyền tự quyết của mình trước sự tấn công của quân đội Cộng Sản Việt Nam .
Nói là ai cũng thấy thì hơi quá, vì tại miền Nam lúc đó cũng có người không thấy điều đó. Đó là những người đi theo Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và những người tham gia các phong trào sinh viên, học sinh tranh đấu do cán bộ CS chỉ đạo. Chỉ có sau khi quân đội CSVN chiếm miền Nam thì những người đó mới thấy cái gọi là Quyền Tự Quyết của dân miền Nam đó bị xâm phạm thô bạo như thế nào và người xâm phạm nó chính là CSVN, là những kẻ hô hào, xúi dân miền Nam đuổi Mỹ đi.
Chẳng riêng gì tại miền Nam mà phe Cộng Sản mới sử dụng chiêu bài Hòa Bình để ngăn cản ý chí chiến đấu của phe chống Cộng, suốt trong thời gian Chiến Tranh Lạnh, Liên Xô bỏ tiền của cho cơ quan KGB dùng chiêu bài Hòa Bình để ủng hộ, đẩy mạnh phong trào phản chiến tại các nước Tây phương. Phong trào phản chiến tại các nước Tây phương phản đối chính phủ các nước này sản xuất vũ khí, trong khi Liên Xô dốc hết tiền của vào việc chế tạo vũ khí. Phong trào phản chiến tại các nước Tây phương phản đối chính phủ các nước này đem quân đội hay vũ khí trợ giúp cho các nước đang bị các đảng Cộng Sản do Liên Xô trợ giúp tấn công hay lật đổ chính quyền. Cái chính sách sử dụng chiêu bài Hòa Bình chung của khối Xô Viết là như vậy thì CSVN cũng nằm trong chính sách đó. Ở đây chúng ta thấy lời ca ca tụng cảnh hòa bình của Trịnh Công Sơn hoàn phù hợp với chính sách đó của khối Xô Viết và của CSVN.
Bạn có thể nói Trịnh Công Sơn không phải là nhạc sĩ duy nhất làm bài hát mong mỏi hòa bình, còn nhiều nhạc sĩ nữa cũng làm, trong đó có cả nhạc sĩ Phạm Duy. Nhưng nhiều lời ca cho thấy là Trịnh Công Sơn làm bài hát mong mỏi hòa bình trong cảnh thống nhất, nghĩa là muốn có hòa bình sau khi CSVN chiếm được miền Nam, không phải là loại hòa bình mà hai bên cùng buông súng rồi miền nào sống ở miền đó, không xâm phạm đến nhau như nhiều nhạc sĩ khác mong mỏi.
Xin mời bạn đọc tiếp tục thưởng thức lời nhạc phi phản chiến của Trịnh Công Sơn:
Đoạn sau đây trích trong bài Huế Sài Gòn Hà Nội trong tập Ta Phải Thấy Mặt Trời, xuất bản năm 1969:
Huế Sài Gòn Hà Nội Quê hương ơi sao vẫn còn xa
Huế Sài Gòn Hà Nội Bao nhiêu năm sao vẫn thờ ơ
Việt Nam ơi còn bao lâu những con người ngồi nhớ thương nhau
Triệu chân em Triệu chân anh Hỡi ba miền vùng lên cách mạng
Ðã đến lúc nối tấm lòng chung
Tuổi thanh niên hãy đi bằng những bước tiền phong
Từ Trung Nam Bắc chờ mong nung đốt
….
Huế Sài Gòn Hà Nội hai mươi năm tiếng khóc lầm than
Huế Sài Gòn Hà Nội trong ta đau trái tim Việt Nam
Ðạn bom ơi lòng tham ơi khí giới nào diệt nổi dân ta
Việt Nam ơi bừng cơn mơ cho mắt nhìn sạch tan căm thù
….
Ngày vui lớn sẽ qua trăm cầu
Mẹ dâng miếng cau rồi dâng ngọn trầu
Cho hai miền trùng phùng lòng thấy nao nao
Ngày-Nam-Ðêm-Bắc tình chan trong mắt sẽ thấy trăm bình minh ngọt ngào
Trong những câu đầu tiên tác giả gợi nên lòng mong muốn được thống nhất, “Huế Sài Gòn Hà Nội quê hương ơi sao vẫn còn xa”, rồi tác giả thúc dục “Triệu chân em Triệu chân anh Hỡi ba miền vùng lên cách mạng”. Vào lúc đó làm cách mạng như thế nào mà có thể nối liền Hà Nội, Huế và Sài Gòn được nếu không phải là dùng “bạo lực cách mạng” để lật đổ chính quyền miền Nam và để CSVN chiếm miền Nam? Nếu đã hô hào thanh niên “vùng lên làm cách mạng” để hưởng ứng việc CSVN dùng “bạo lực cách mạng” chiếm miền Nam thì có còn gọi là phản chiến nữa hay không? Thiết nghĩ người phản chiến là người phản đối chiến tranh dưới mọi hình thức, người không thích bắn giết và không muốn tham gia bắn giết. Còn người từ chối tham gia chiến tranh của một bên và gia nhập bên kia, lại làm bài hát kêu gọi mọi người gia nhập phe mình chọn để đánh bại phe kia thì người đó đâu thể gọi là phản chiến được.
Rồi đến câu “Ðạn bom ơi lòng tham ơi khí giới nào diệt nổi dân ta” thì người đọc phải tự hỏi “đạn bom” nào tiêu diệt dân ta? Và “dân ta” ở đây là ai mà bị đạn bom tiêu diệt? Còn “lòng tham” ở đây là “lòng tham” nào? Tác giả đã ủng hộ việc thống nhất của đảng CSVN thì tất nhiên tác giả đâu còn xem ý muốn thống nhất đó là lòng tham. Vậy thì “lòng tham” ở đây phải chăng là “lòng tham” của Mỹ, muốn đem “đạn bom” tiêu diệt “dân ta” để chiếm nước ta?
Hình ảnh “Ngày Nam đêm Bắc, tình chan trong mắt” mà tác giả mô tả đó thật khác với cái viễn tượng mà chính quyền Việt Nam Cộng Hòa và những người chống cộng đã cảnh cáo một khi Cộng Sản Việt Nam chiếm miền Nam. Cái lý do mà chính quyền miền Nam đưa ra để kêu gọi người dân chống Cộng là: “Cộng Sản bần cùng hóa nhân dân”, vì Cộng Sản chủ trương tiêu diệt tư hữu nên khi Cộng Sản chiếm miền Nam thì nhiều người sẽ bị mất tài sản, nông dân sẽ bị mất ruộng đất, nhiều người sẽ trở nên nghèo khổ. “Cộng Sản chủ trương Tam Vô: vô tổ quốc, vô gia đình và vô tôn giáo”. Chế độ Cộng Sản là một chế độ độc tài, một khi Cộng Sản nắm quyền thì các quyền của người dân đều bị tước bỏ. Mọi người nhìn những gì đã xảy ra tại miền Nam sau khi CSVN chiếm miền Nam đều có thể thấy những lời cảnh cáo của chính quyền miền Nam đều trở thành sự thực, còn cái hình ảnh “Ngày Nam đêm Bắc, tình chan trong mắt sẽ thấy trăm bình minh ngọt ngào” thì chỉ là lời nói rỗng, nghe hay, nhưng không có thật. Chẳng những không có “trăm bình minh ngọt ngào” mà có người còn mơ ước sau một đêm ngủ dậy thấy mọi sự sẽ trở lại như thời trước 30-4-1975, sẽ thấy những cán bộ ăn nói sặc mùi căm thù biến mất. Nhưng giấc mơ đó đã không trở thành sự thật.
Sau đây là một số đoạn trích lời bài hát Chưa Mòn Giấc Mơ, trong tập Ta Phải Thấy Mặt Trời, xuất bản năm 1969:
“Ta bước bước đi, bước bước hoài, trên quê hương dấu yêu này
Dù trăm năm dài, ngày đêm ta cứ quyết chiến đấu mãi
Ðánh trăm quân thù
Mặt đất âm u đang dọn ngày về trong câu thề máu xương
….
Ta bước bước đi, bước bước hoà i, trên quê hương dấu yêu này
Ta nối nối tay cất tiếng cười thách đố ai cướp đất này
….
Ta bước bước đi, bước bước hoài,
trên quê hương dấu yêu này
Ruộng khô cấy lại, nhà tan ta xây.
Quyết chí sớm tối giữ thơm con người
Ngàn năm dân ta qua mọi ngục tù
Chưa hao mòn giấc mơ.”
Những lời nhạc như “Dù trăm năm dài, ngày đêm ta cứ quyết chiến đấu mãi
Ðánh trăm quân thù. Mặt đất âm u đang dọn ngày về trong câu thề máu xương” có phải là biểu lộ thái độ phản chiến không? Phản chiến gì mà lại “ngày đêm ta cứ quyết chiến đấu mãi”, như thế là quyết chiến, hiếu chiến chứ nào phải phản chiến! Rồi lại thề thốt “Mặt đất âm u đang dọn ngày về trong câu thề máu xương” như thế là quyết hy sinh xương máu trong chiến đấu chứ không phải là phản đối chiến tranh nữa, như thế là tham chiến với thái độ hăng hái, tích cực chứ không phải là phản đối chiến tranh.
Mà như thế là thái độ tham chiến đứng về phe nào? Lời ca “Ta nối nối tay cất tiếng cười thách đố ai cướp đất này” cho thấy cái nhìn của Trịnh Công Sơn lúc đó xem miền Nam bị cướp đất. Ai bị xem là kẻ đi cướp đất? Chắc chắn không phải là phe Cộng Sản vì Trịnh Công Sơn lúc đó đang trốn tránh chính quyền miền Nam và liên hệ, hoạt động với các cán bộ CS. Vậy thì kẻ đi cướp đất mà Trịnh Công Sơn nói ở đây chính là Mỹ và Trịnh Công Sơn hô hào, thề đem xương máu ra mà chiến đấu chống “đế quốc Mỹ”. Cái nhìn này rất phù hợp với lời nói của ông Hồ Chí Minh khi ông làm bài thơ có câu “giặc Mỹ cướp nước ta”.
Lời ca “Ruộng khô cấy lại, nhà tan ta xây.” là tả cảnh vùng “giải phóng”, khi nhà bị bom đạn tàn phá thì lại xây lại. Còn những chữ “Ngàn năm dân ta qua mọi ngục tù” thì “dân ta” ở đây thuộc phe CS thì mới bị chính quyền miền Nam bỏ tù.
Bài hát Cho Quê Hương Mỉm Cười dưới đây cho thấy cái nhìn của Trịnh Công Sơn về cuộc chiến tranh lúc đó như thế nào:
“Trên thân em đã có vết bầm
Trên da anh thịt xương tra tấn
Trên thân chị nhục nhằn đau thương
Xin nuôi thêm dòng máu quật cường
Triệu bàn tay chúng ta đấm tan trên mặt tôi đòi
Trong tim con người lòng tin làm khí giới
Ta hiên ngang bên thú mặt người
Một bầy thú tay sai cho người ngoài
Triệu bàn chân chúng ta bước đi trên mặt đất này
Trong tim con người là một đồng lúa mới
Ta nung sôi ý chí mặt trời
Chặt cùm xích cho quê hương mỉm cười
Triệu bàn tay chúng ta đấm tan trên mặt tôi đòi
Trong tim con người lòng tin làm khí giới
Ta hiên ngang bên thú mặt người
Một bầy thú tay sai cho người ngoài
Triệu bàn chân chúng ta bước đi trên mặt đất này
Trong tim con người là một đồng lúa mới
Ta nung sôi ý chí mặt trời
Chặt cùm xích cho quê hương mỉm cười”
Những lời “Trên thân em đã có vết bầm. Trên da anh thịt xương tra tấn. Trên thân chị nhục nhằn đau thương” là nói về các cán bộ CS bị chính quyền miền Nam bắt và bị tra tấn.
Còn những lời “Triệu bàn tay chúng ta đấm tan trên mặt tôi đòi. Trong tim con người lòng tin làm khí giới. Ta hiên ngang bên thú mặt người. Một bầy thú tay sai cho người ngoài” cho thấy Trịnh Công Sơn xem những người cầm quyền trong chính quyền VNCH như là “bọn tôi đòi”, “bầy thú tay sai cho người ngoài”, nghĩa là Trịnh Công Sơn có cái nhìn giống như là những người CSVN tuyên truyền về chế độ miền Nam, đó là một “chế độ bù nhìn”, “làm tay sai cho ngoại bang”.
Bài hát mà nhiều người biết đến và nhắc đến là bài Nối Vòng Tay Lớn, trong tập nhạc Kinh Việt Nam, xuất bản năm 1968 có câu:
“Gặp nhau mừng như bão cát quay cuồng trời rộng
Bàn tay ta nắm nối tròn một vòng Việt Nam.”
…
“Từ Bắc vô Nam nối liền nắm tay
Ta đi từ đồng hoang vu vượt hết núi đồi”
Những lời “Bàn tay ta nắm nối tròn một vòng Việt Nam.” và “Từ Bắc vô Nam nối liền nắm tay” thể hiện lòng mong mỏi thống nhất, rất là phù hợp với chiêu bài thống nhất của đảng CSVN trong kế hoạch đánh chiếm miền Nam. Đảng CSVN hoàn toàn lờ đi việc đánh chiếm miền Nam để “đưa” miền Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa, mà chỉ nói “thống nhất” mà thôi. Khi đã thống nhất rồi, đảng CSVN nắm được miền Nam rồi thì ai không chịu “tiến lên” con đường xã hội chủ nghĩa thì chỉ có đi tù hoặc bị giết chết.
Cái ngày “từ Bắc vô Nam nối liền nắm tay” đó đã đến đúng như Trịnh Công Sơn mong mỏi, đó là ngày 30-4-1975. Thảo nào mà Trịnh Công Sơn lên đài phát thanh hát bài Nối Vòng Tay Lớn vào ngày 30-4-1975 vì đó là ngày mà Trịnh Công Sơn mong mỏi khi viết những lời nhạc trên.
Sau này, khi đi ra hải ngoại, có người đã chỉ trích Trịnh Công Sơn trốn lính, làm nhạc phản chiến là biểu hiện của thái độ hèn nhát. Nhưng đoạn văn sau đây đăng trên báo Sài Gòn Giải Phóng thì thuật lại lý do tại sao Trịnh Công Sơn không đi lính cho chế độ VNCH:
“Hỏi: Anh cương quyết không cầm súng cho chế độ Sài Gòn vì ảnh hưởng từ người cha đã khuất...?
Trịnh Công Sơn: Tôi nhớ mãi hình dáng cha tôi, một con người sống thiết tha với lý tưởng yêu nước của mình. Từ bé tôi đã phải chuyển trường đến 16 lần để cùng gia đình lênh đênh theo ông khắp nơi. Rồi ông bị bắt, nhiều lần, và cả tuổi thơ của tôi dường như ngập chìm trong nỗi sợ hãi tiếng xe Jeep rít lên trong đêm. Cha tôi đã ở trong tù còn nhiều hơn ở nhà, và kỷ niệm không thể nào phai nhạt trong tôi, đó là những đêm tôi được phép vào thăm và ở lại với cha trong nhà lao Thừa Phủ Huế. Hình ảnh cha tôi đã lớn dần lên trong tôi bằng sự thương yêu, kính trọng. Ông đã hy sinh sau hiệp định Giơneve và đó cũng là lý do thiêng liêng nhất không cho phép tôi cầm súng cho quân đội Sài Gòn... “
Trong các bài viết bàn về Trịnh Công Sơn không thấy nói gì về lý do tại sao cha của Trịnh Công Sơn bị tù nhiều lần và bị qua đời trong trường hợp nào. Nhưng qua cách trả lời trên thì người đọc thấy dường như là Trịnh Công Sơn ghét chế độ VNCH nên đã không đi lính. Từ chối không đi lính cho chế độ Sài Gòn nhưng sau đó Trịnh Công Sơn đã gia nhập phong trào những cán bộ CS lập ra để lật đổ chế độ Sài Gòn. Nếu quả đúng như báo Sài Gòn Giải Phóng đã ghi lại thì lý do Trịnh Công Sơn không đi lính không phải là ghét chiến tranh mà vì ghét chế độ Sài Gòn. Đó đâu phải là thái độ phản chiến, mà chỉ là thái độ chọn lựa bên để tham chiến.
Nếu Trịnh Công Sơn vì ghét chiến tranh nên không đi lính và làm nhạc phản chiến thì thái độ về sau Trịnh Công Sơn gia nhập phong trào tranh đấu của sinh viên, học sinh do cán bộ CS chỉ đạo để lật đổ chính quyền miền Nam là ngược lại với tinh thần phản đối chiến tranh lúc đầu. Nhưng nếu Trịnh Công Sơn vì ghét chế độ miền Nam nên không đi lính và làm nhạc phản chiến thì thái độ này lại phù hợp với việc sau này Trịnh Công Sơn tham gia hoạt động trong phong trào nhằm lật đổ chế độ miền Nam. Và thái độ này không phải là thái độ phản chiến.
Cũng theo báo Sài Gòn Giải Phóng, Trịnh Công Sơn đã nói về thời kỳ sau Ca Khúc Da Vàng như sau:
“Hỏi: Những năm 70 người ta đã tìm thấy ở anh một chất giọng mới...
Trịnh Công Sơn: Bắt đầu từ những năm 70, tôi bị cuốn hút vào phong trào tranh đấu của sinh viên-học sinh, đó là những tháng ngày tôi sống hết mình và say sưa nhất, tôi viết trong niềm phấn khích mãnh liệt của những đêm không ngủ và chứa chan niềm hy vọng. "Ta đã thấy mặt trời" được hát tại giảng đường Ðại học Huế, hát trong những ngày đấu tranh sôi bỏng nhất. Bạn bè tôi lúc ấy tôi biết rất rõ chí hướng của họ, và kính phục họ, như chị Cao Thị Quế Hương, chị là người thúc đẩy tôi viết mạnh mẽ nhất... “
Như vậy chính Trịnh Công Sơn đã nhận là có sự tham gia vào phong trào tranh đấu của sinh viên, học sinh do cán bộ CS tổ chức để lật đổ chính quyền miền Nam. Trịnh Công Sơn nói rằng chính TCS biết rõ chí hướng của những tham gia trong phong trào sinh viên học sinh tranh đấu lúc đó, nghĩa là lật đổ chế độ miền Nam, và đã làm nhạc để đóng góp vào phong trào này. Trịnh Công Sơn nói về thời kỳ đó như sau trong một buổi phỏng vấn khác:
“Chính yếu là ở Huế. Mỗi năm tôi ở đây khoảng 7 tháng, viết lách và sáng tác. Sáng tác xong đem vào Sài Gòn in ấn. Phần lớn là in chui chứ không có giấy phép của chính quyền Sài Gòn. Rồi người ta phổ biến trong quần chúng, trong phong trào”.
“Người ta” ở đây là các cán bộ CS nằm vùng tại miền Nam. Một trong những cách phổ biến “trong quần chúng, trong phong trào” là tổ chức các buổi cắm trại, hoặc các buổi đi làm việc thiện nguyện. Việc thiện nguyện chỉ là bình phong, điều chính là thu hút các học sinh, sinh viên, dạy cho họ các bài hát, dùng các bài hát khêu gợi tình cảm mong mỏi thống nhất, ghét chế độ miền Nam, rồi lựa ra những người nào dùng được lôi kéo vào chính trị, tổ chức các vụ biểu tình, xuống đường đòi đuổi Mỹ ra khỏi miền Nam, đòi hòa bình, nghĩa là đòi chính quyền miền Nam phải ngưng chiến đấu. Cùng với những bài hát của Trịnh Công Sơn thì những người tổ chức các buổi họp mặt cũng dạy học sinh, sinh viên hát các bài hát khác của cán bộ CS. Một trong những bài hát đuợc nhiều người biết là bài Tự Nguyện với lời ca như:
“Nếu là chim tôi sẽ là loài bồ câu trắng,
Nếu là hoa tôi sẽ là một đóa hướng dương,
Nếu là mây tôi sẽ là một vầng mây ấm,
Nếu là người tôi xin chết cho quê hương”.
(Trương Quốc Khánh)
Dưới cái nhìn vô tư của các học sinh, sinh viên thời đó thì đây là bài hát có những hình ảnh đẹp với “bồ câu trắng”, “hoa hướng dương”, “vầng mây ấm”, “xin chết cho quê hương”, nhưng sau 30-4-1975 thì có cán bộ CS đã giải thích “hoa hướng dương” ở đây người viết bài hát dùng để tượng trưng cho người CS, do một câu chuyện nào đã xảy ra trong lịch sử mà hoa hướng dương được dùng làm biểu tượng cho người CS.
Đây là một thí dụ cho thấy những ý nghĩa lấp lửng trong các bài hát được cán bộ CS sử dụng trong các phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên và các bài hát của Trịnh Công Sơn cũng cùng một loại, nghĩa là kín đáo làm theo đúng luận điệu tuyên truyền của CSVN lúc đó nhưng không để cho người nghe thấy là chúng phục vụ cho CSVN.
Nếu có ai còn nghi ngờ rằng Trịnh Công Sơn chỉ là người ghét chiến tranh và không đứng về phe nào cả thì xin đọc lời của bài Huyền Thoại Mẹ được làm sau 1975:
“Ðêm chong đèn ngồi nhớ lại
Tứng câu chuyện ngày xưa.
Mẹ về đứng dưới mưa
Che đàn con nằm ngủ
Canh từng bước chân thù.
Mẹ ngồi dưới cơn mưa.
Mẹ lội qua con suối,
Dưới mưa bom không ngại
Mẹ nhẹ nhàng đưa lối,
Tiễn con qua núi đồị
Mẹ chìm trong đêm tối,
Gió mưa tóc che lối con đị
Ðêm chong đèn ngồi nhớ lại
Tứng câu chuyện ngày xưa.
Mẹ về đứng dưới mưa,
Che tứng căn nhà nhỏ
Xoá sạch vết con về
Mẹ ngồi dưới cơn mưa
Mẹ là gió uốn quanh,
Trên đời con thầm lặng
Trong câu hát thanh bình.
Mẹ làm gió mong manh.
Mẹ là nước chứa chan,
Trôi dùm con phiền muộn
Cho đời mãi trong lành
Mẹ chìm dưới gian nan.”
Những lời “Mẹ về đứng dưới mưa. Che đàn con nằm ngủ. Canh từng bước chân thù” tả cảnh bà mẹ che giấu du kích. “Bước chân thù” ở đây là bước chân lính Việt Nam Cộng Hòa. Bà mẹ này canh chừng lính VNCH trong khi du kích đang ngủ.
Những lời “Mẹ lội qua con suối, Dưới mưa bom không ngại, Mẹ nhẹ nhàng đưa lối, Tiễn con qua núi đồi” tả cảnh bà mẹ làm giao liên, dắt đường đưa lối cho bộ đội CS.
Còn đoạn “Che từng căn nhà nhỏ. Xoá sạch vết con về” tả hành động của bà mẹ xóa hết dâu tích của quân du kích CS để lính VNCH không biết là du kích đã về ở nhà bà mẹ.
Trịnh Công Sơn đã trả lời báo Sài Gòn Giải Phóng về trường hợp làm bài hát này như sau:
“Cũng như với "Huyền thoại mẹ", nhân chuyến ra Quảng Bình thăm bảo tàng cách mạng, nhìn tấm ảnh mẹ Suốt chèo thuyền, tóc xõa bay tung trên bầu trời, và có dịp về thăm các bà mẹ nuôi giấu cách mạng ngày xưa, nghe mẹ kể chuyện, tôi có thể hình dung hết với những tứ nhạc bay cùng mái tóc và cuộc đời gieo neo của mẹ. Tôi cũng có một bà mẹ mà tôi yêu quý nhất. Và "Huyền thoại mẹ" là sự cộng hưởng của nhiều mảng đời của mẹ, để tạc thành hình ảnh thiêng liêng của bà mẹ Việt Nam nói chung.”
Một nhạc sĩ ca ngợi những người ủng hộ, giúp đỡ lính chiến thì nhạc sĩ đó có còn có thái độ phản đối chiến tranh nữa hay không hay đó là thái độ ủng hộ chiến tranh, xem cuộc chiến tranh đó là chính đáng, là có chính nghĩa? Lời của bài Huyền Thoại Mẹ cho thấy Trịnh Công Sơn đứng hẳn về phía CSVN và ca tụng những người đã đóng góp cho công cuộc chiến đấu của CSVN.
Cuối cùng, để trả lời câu hỏi “Trịnh Công Sơn có phải là nhạc sĩ phản chiến không” thì tốt nhất là mô tả những gì Trịnh Công Sơn làm hơn là dùng cách trả lời có hay không. Trịnh Công Sơn có làm một số bài nhạc than thở về chiến tranh về thân phận con người, nhưng đồng thời cũng làm một số bài nhạc kêu gọi, thúc giục mọi người tham gia chiến đấu, ca ngợi những người bên phía CS đã có công đóng góp cho chiến tranh.
Giai đoạn phản chiến nếu muốn nói chính xác là giai đoạn Ca Khúc Da Vàng, từ 1965 cho đến 1968. Sau đó, từ 1968 trở đi, Trịnh Công Sơn không còn phản chiến nữa mà tham gia vào cuộc chiến đấu, đứng vào hàng ngũ những người CS, chống lại chế độ miền Nam.
1 comment:
Cam on bai phân tích. Nhờ có bài này tôi đã hiểu TCS là người của lẽ phải, bởi đứng về phía cộng sản, có nguyện vọng thống nhất non sông chính là chính nghĩa
Post a Comment