Thùy Dương và trái táo trên cành yêu thương
Ngô Tịnh Yên
Monday, April 20, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=93748&z=3
Trước khi đọc tiếp những dòng chữ trong bài viết này, xin quý vị hãy ghé vào trang mạng www.senhoa.com để mua những đôi bông tai do các em bé Việt Nam ở Cambodia làm, để giúp vào quỹ điều hành cơ sở của tổ chức từ thiện VOICE (Vietnamese Overseas Initiative for Conscience Empowerment). Tổ chức này đang giúp nhiều đồng hương Việt khốn khó tại một đất nước không phải là quê hương mình, giúp các em bé gái bị bọn buôn người (human trafficking) hãm hại làm lại cuộc đời, đó là lý do tôi viết bài này.
Thời gian gần đây, trên sân khấu của Trung Tâm Ca Nhạc Asia đã xuất hiện một gương mặt trẻ trung xinh xắn tên Thùy Dương đến từ Úc đang làm MC cho các show nhạc. Tuy nhiên, tôi không quan tâm lắm, vì có thêm một bông hoa trong vườn văn nghệ thì cũng tốt thôi. Cho đến khi tôi biết được rằng cô gái tên Nguyễn Thùy Dương này (vốn là một luật sư) còn là giám đốc điều hành của VOICE, có trụ sở chính tại thủ đô Washington, Hoa Kỳ, giúp định cư cho các thuyền nhân Việt Nam bị kẹt lại từ gần 20 năm nay tại Philippines, đến các nước thứ ba như Hoa Kỳ, Úc, Canada, Na Uy, v.v...
Ðã có một số bài viết về vai trò MC (và đôi khi hát) của cô, riêng bài viết này tôi chỉ nói đến một khía cạnh khác rất đáng trân trọng, đó là công việc từ thiện mà cô đang làm. Nhìn tấm hình Thùy Dương chụp với các em bé ở Cambodia, tôi như thấy lại hình ảnh và hoài bão của mình 20 năm xưa, đã từng làm những việc như thế, rồi vì hoàn cảnh và thời cuộc mà phải bỏ dở dang ước mộng của mình.
Nhớ lại, tim tôi đã đau đớn bao lần mỗi khi đọc những bản tin về các bé gái VN bị bắt cóc hay bị chính cha mẹ bán qua Cambodia để phục vụ trong các nhà thổ. Ðau đớn vì con người sao lại có thể làm ra những chuyện bất nhân ghê gớm như vậy? Xem videoclip “Hy Sinh” (Sacrifice) do tổ chức Di Dân Quốc Tế (IOM) thực hiện ở trang mạng senhoa, lòng tôi lại nghẹn ngào một lần nữa với hình ảnh các em bé gái Việt bị ép bán dâm trong các động điếm để trả nợ cho cha mẹ. Ða số các em đều nhiễm HIV và chết trước 21 tuổi. Một nhà sư đã phải thốt lên: “Chúng ta không còn cảm thấy xấu hổ khi làm những việc vô đạo đức nữa”.
Còn videoclip “Everybody's Free” cho thấy những con số thống kê kinh hoàng: 50% gia đình Việt Nam đã từng đem bán một đứa con gái của mình, có khi chỉ để lấy tiền làm những việc không cần thiết; tuổi trung bình của một bé gái bị đưa vào kỹ nghệ mãi dâm là 13 tuổi (thực tế còn có em nhỏ tuổi hơn); 1 triệu người Việt đang sống không giấy tờ ở Cambodia, và 30% phụ nữ Việt đang hoạt động trong kỹ nghệ sex ở nước này...
VOICE đã được thành lập một cách bán chính thức từ năm 1997 tại Manila, Philippines, như một văn phòng trợ giúp pháp lý có tên là Văn Phòng Ðại Diện Cộng Ðồng Việt Nam tại Úc, để giúp tái định cư khoảng 2,500 thuyền nhân Việt Nam còn bị kẹt tại Philippines mà không có nước nào nhận cho định cư, đã hoạt động rất hiệu quả, nên tính từ năm 2000 đến cuối năm 2008, đã tìm được chốn định cư cho tất cả số thuyền nhân Việt Nam không may còn bị kẹt lại.
Ðược biết từ cuối năm qua, hoạt động của VOICE tại Philippines đã đóng cửa, sau khi 15 hồ sơ chót của các thuyền nhân Việt Nam tại đây đã được giải quyết hết, để họ lên đường đi định cư tại các nước khác. Trong một bài phỏng vấn, Thùy Dương cho biết: “Tuy nhiên các công tác của VOICE cũng còn nhiều tại các nước khác, như Cambodia, Thái Lan... khi vẫn có nhiều cô gái Việt Nam, lên đến hàng chục ngàn cô, đang sống lây lất tại các nước này, sau khi bị bán hay bị lừa sang đây làm gái mãi dâm, bóc lột trong các cơ xưởng lao động, chưa kể đến đông đảo các người Việt lập nghiệp tại đây từ lâu, từ mấy đời qua, vẫn còn bị đối xử kỳ thị, con cháu họ không được đến trường học... VOICE sẵn sàng trợ giúp cho các người xấu số này, về các mặt pháp lý, tài chánh, giáo dục, xã hội, y tế, v.v...”
Hành trình đến với tình thương của MC Thùy Dương cứ như là một huyền thoại, rằng ngày xưa có một cô bé theo gia đình vượt biển đến trại tị nạn Hồng Kông lúc chỉ mới có 5 tuổi... cô từng kể lại là có một lần đoàn sinh viên Việt Nam từ Hoa Kỳ đến thăm trại tị nạn đã cho cô một trái táo. Ðó là lần đầu tiên trong đời, một cô bé Việt Nam được cầm trên tay một trái táo, cô thích nó đến nỗi không dám ăn, mà chỉ nâng niu, ôm trái táo vào lòng kể cả trong giấc ngủ...
Nó đã để lại trong tâm hồn cô bé một kỷ niệm đẹp, và một dấu hỏi cho chính mình: Bao giờ có dịp để trao lại trái táo đó cho những trẻ em bất hạnh đang cần đến nó? Ân tình đó gieo vào lòng cô một mơ ước: Rồi sẽ có một ngày... được trao lại cho những người khốn khổ trái táo trên cành yêu thương mà cô đã từng được nhận trong cuộc đời...
Một ngày trong mơ đã đến. Sau khi tốt nghiệp trường luật, cô đã tình nguyện về vùng Ðông Nam Á, sống cùng, chia sẻ với trẻ em và người bất hạnh trong sáu tháng, vẫn chưa đành từ giã họ, cô tình nguyện ở lại thêm sáu tháng nữa... Sau khi về lại Úc, cô lại tình nguyện sang Washington DC, để cùng mọi người vận động, thuyết phục thế giới tự do tiếp nhận những người tị nạn còn sống vất vưởng nơi các quốc gia tạm dung.
Trái tim tôi đang bị tổn thương, nhưng so với sự bất hạnh của các bé gái Việt ở Cambodia và các phụ nữ đang lầm lụi sống trong địa ngục trần gian nơi các nhà thổ, thì thấy nỗi đau của mình thật nhỏ nhoi và tầm thường quá! Nếu thiên đường và địa ngục ở ngay chính thế gian này đây, thì xin quý vị hãy mang thiên đường đến cho những đóa sen vẫn nở đẹp tươi trong bùn, vẫn rực rỡ khi vươn lên từ địa ngục trần gian. Xin hãy chuyền trái táo từ trên tay Thùy Dương qua nhiều bàn tay khác đang cần được săn sóc quan tâm và tình yêu thương giữa con người với nhau.
“Người hãy trao một nụ hồng nhân ái
Cuộc sống bao la những tình người tìm thấy”
Xin cám ơn việc làm của MC Thùy Dương, đã cho tôi lấy lại niềm tin vào cuộc đời, rằng trên đời này vẫn còn đó những tấm lòng và những người biết sống tử tế với nhau.
No comments:
Post a Comment