Trao đổi về ĐI TÌM CÁI TÔI ĐÃ MẤT của Nguyễn Khải
Nguyễn Đăng Mạnh
Cập nhật : 26/04/2009 22:01
http://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/trao-111oi-ve-111i-tim-cai-toi-111a-mat-cua-nguyen-khai/
Trước khi mất, Nguyễn Khải gửi lại cho đời bài viết Đi tìm cái tôi đã mất. Bài được đưa lên mạng (có thể đọc trên mạng Diễn Đàn : (1), (2), (3)). Vương Trí Nhàn và Huệ Chi có lời bình luận trên Talawas (i). Về hai bài bình luận này, tôi có chỗ nhất trí, có chỗ chưa tán thành.
Mỗi người cầm bút chúng ta hãy nhớ lại chính bản thân mình thời chiến tranh với phong trào hợp tác hóa trong sản xuất và chế độ quan liêu bao cấp mà xem. Đúng là hồi ấy chủ nghĩa tập thể bầy đàn lấn át cá nhân, thủ tiêu tự do cá nhân. Nhưng có phải hồi ấy, tuy vật chất vô cùng cực khổ, ta vẫn cảm thấy thoải mái, vui vẻ đấy chứ ! Các học thuyết về đấu tranh giai cấp, về chuyên chính vô sản, rồi đường lối văn nghệ phục vụ chính trị và chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa v.v., ta có băn khoăn, nghi ngờ gì đâu !
Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống yêu nước rất mạnh và lâu đời. Cho nên đánh Pháp, đánh Mỹ, giải phóng dân tộc là rất thuận lòng dân (sau này có thể phát hiện con đường khác hay hơn, nhưng là chuyện sau này, mãi sau này). Mà ai là người phát động và lãnh đạo hai cuộc kháng chiến được gọi là “thần thánh” ấy ? Đảng cộng sản và cụ Hồ chứ ai. Vậy thì tin Đảng, tin cụ Hồ là điều dĩ nhiên. Mà tin Đảng, tin cụ Hồ, tức là tin ở chủ nghĩa xã hội, ở tập thể bầy đàn, tin ở học thuyết giai cấp của Mác - Lê Nin, tin ở đường lối văn nghệ phục vụ chính trị và chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Ngoài ra chiến tranh là hoàn cảnh rất thuận lợi cho sự phát triển tư tưởng bầy đàn và thủ tiêu ý thức cá nhân :
Một người, đâu phải nhân gian
Sống chăng, một đốm lửa tàn mà thôi !
(Tố Hữu)
Việc hoài nghi và đi đến phủ nhận những “chân lý” ấy chỉ là chuyện sau này – sau 1975 và nhất là sau Đại hội Đảng Cộng sản thứ VI (1986).
Lòng yêu nước khiến cho nhiều người, tuy cách mạng chẳng đem lại cho một chút quyền lợi gì, cũng hăng hái tham gia kháng chiến, sẵn sàng chịu đựng mọi gian khổ, lòng đầy tin tưởng (trong số này có không ít người thuộc giai cấp địa chủ, tư sản và tầng lớp trí thức cao cấp). Huống chi Nguyễn Khải là người được cách mạng vớt lên từ cống rãnh, tắm gội cho sạch sẽ, lại cấp cho một cái nghề sang trọng, vừa có danh, vừa có lợi.
Cho nên những tác phẩm Nguyễn Khải viết thời chiến tranh đâu phải là giả dối. Một người nhát, không biết bơi, rất sợ nước, vậy mà tự nguyện vượt biển ra Cồn Cỏ để viết Họ sống và chiến đấu thì không thể nói là giả dối được.
Huệ Chi nói, có “ những người thông minh quá, tinh quái quá […] nên đã biết biến “dối” thành “thật” ”. Tôi nghĩ, làm gì có chuyện ấy ! Người ta có thể nói dối ở đâu đâu, chứ không thể nói dối trong văn chương được. Có thể diễn đạt như thế này thì đúng hơn : hồi đó họ đã nói dối một cách thành thực. Nhưng nói cho thật đúng thì lúc đó họ cũng không hoàn toàn nói dối. Nhận thức của họ có thể không phản ánh đúng sự thật, niềm tin của họ có thể mù quáng, nhưng lòng yêu nước của họ là có thật chứ ! Cho nên những tác phẩm của họ đã từng làm chúng ta xúc động thật sự, xúc động một cách thành thật. Nhớ lại mà xem có đúng thế không ?
Trong bài viết của mình, Vương Trí Nhàn có dẫn lời Dương Tường rằng trong Nguyễn Khải có hai con người “ Một Nguyễn Khải khôn khéo giả dối và một Nguyễn Khải thành thật trắng trợn. Một Nguyễn Khải hèn nhát và một Nguyễn Khải khinh ghét tay Nguyễn Khải hèn nhát kia. Và sự tranh chấp giữa hai con người ấy không bao giờ ngã ngũ ”. Và Vương Trí Nhàn nói thêm : “ Sự tranh chấp ở đây thực ra chỉ là bề ngoài, trên sàn diễn, trước mặt bàn dân thiên hạ. Chứ ở hậu trường, Nguyễn Khải yêu cả hai con người đó ở mình. Ông sống hoà hợp với cả hai. Tùy trường hợp mà ông đưa con người này hay con người kia ra để làm hàng. Lối nghĩ này đã giúp ông thành công chói lọi trong suốt đường đời ”.
Những nhận xét ấy không hẳn sai. Nhưng theo tôi, hai con người ấy ở Nguyễn Khải chỉ xuất hiện một cách thật sự rõ rệt và hoàn toàn tự giác trong tâm trí anh từ sau năm 1975. Mà cũng xuất hiện dần dần, ngày một sáng rõ hơn trong quá trình suy ngẫm nhờ trải nghiệm bản thân và những sự kiện trong nước, ngoài nước khiến anh thức tỉnh. Năm 1993, trong truyện Anh hùng bĩ vận (trong tập truyện ngắn Một thời gió bụi, nxb Lao Động, 1993), Nguyễn Khải viết : hồi ấy “ là một viên chức nhà nước ăn lương để viết văn. Không nghĩ ngợi gì nhiều, trăn trở gì nhiều, không sóng gió, không chìm nổi. Đôi lúc cũng muốn bơi ngược một tí, rẽ ngang một tý, nhưng rồi mệt quá lại khuôn mình theo dòng chảy, theo dòng mà bơi, bơi cùng với đồng đội, vừa an toàn vừa vui vẻ ”. “ Bơi ngược một tý ” có nghĩa là viết theo kinh nghiệm cá nhân. Viết được như thế trước 1975 là chỗ hấp dẫn và hơn người của Nguyễn Khải – tôi gọi là “ khoán chui ” tư tưởng. Bây giờ đọc lại, thấy những tư tưởng gọi là khoán chui ấy thực ra cũng có ghê gớm gì lắm đâu, có gì thật trái nghịch với kinh nghiệm cộng đồng đâu.
Vâng, tôi cho rằng, sự xung đột giữa hai con người ở Nguyễn Khải như Dương Tường từng nói chỉ thực sự diễn ra trong ý thức tự giác của Nguyễn Khải mãi sau này.
Còn vì sao phải đợi đến khi sắp từ giã cõi đời, Nguyễn Khải mới nói ra sự thật của lòng mình một cách “ thành thật và trắng trợn ”, thì tưởng chẳng có gì khó hiểu. Nguyễn Khải là người nhát, quá nhát. Nhưng chết rồi thì còn sợ gì nữa, còn có quyền lợi gì phải mất nữa ! Mặt khác phải nói rằng, con người ta khi đã ngộ ra được điều gì thì trong lòng bức xúc không chịu được, phải nói ra để giải tỏa. Dostoievsky nói : “ Thật là nặng nề khi phải một mình ôm giữ sự thật ”. Vả lại nói ra như thế cũng là một đóng góp cho đời chứ, cũng là trách nhiệm của một người viết văn chứ !
Nguyễn Khải đúng là một con người thông minh, khôn ngoan. Nhưng theo tôi, cũng chỉ là khôn vặt, một thứ “ tiểu trí ” mà thôi. Mà nói chung, dân tộc ta là thế, không có đại trí đâu. Một dân tộc nông dân láu cá thế thôi. Một sự khôn ngoan chỉ vừa đủ để “ biết lui biết tới ” mong được sống yên ổn với đời. Lời Trang Tử, chính Nguyễn Khải dẫn ra trong bài viết của mình, đã diễn tả rất đúng cái khôn của anh “ con chim bay cao để tránh được tên, được bẫy, con chuột đào hang sâu để tránh được hoạ bị khói hun ”. Nguyễn Khải (và những người Việt Nam khôn ngoan nhất cũng thế thôi) đâu phải là một đầu óc “ đại trí ” để có thể vượt được thời thế, thoát được ra khỏi bầu không khí tâm lý của cả cộng đồng dân tộc đang đắm đuối trong một tín ngưỡng. Anh nói đúng : “ Một trí tuệ sáng láng nhất vẫn cứ bị ràng buộc bởi nhiều vòng tự giác và không tự giác của thời thế, của cuộc đời ”. Nhất là Nguyễn Khải, con người mà cái danh cái lợi của cá nhân đều gắn với thời thế, đều nhờ vào thời thế. Cho nên anh thú nhận : “ Những năm 50, 60 của thế kỷ XX, với tôi là những năm tràn đầy niềm tin. Nhìn vào đâu tôi cũng thấy được, dân tộc tôi được [...] tôi vui là chuyện có thật, những trang viết của tôi vào những năm ấy là rất thành thật ”.
Cuộc đời Nguyễn Khải, như anh nói, thật là may mắn. Anh được đủ mọi thứ : danh, lợi, địa vị cao trong làng văn, giải thưởng Hồ Chí Minh… Khi được trao giải thưởng (năm 2000), anh cảm thấy : “ Mừng thì rất mừng nhưng tôi đã nhận ra ngay đây là tấm bia mộ sang trọng cắm lên một đời văn đã tới hồi phải kết thúc ”.
Dương Tường thích câu này, nhưng Vương Trí Nhàn thì cho là dối trá. Vì theo chỗ anh viết, Nguyễn Khải mồm thì nói thế, nhưng thực bụng vẫn nâng niu, ôm ấp, vẫn rất tự hào về những gì mình đã viết. Điều này tôi cho cũng dễ hiểu. “ Văn mình vợ người ” mà. Người viết nào chả quý cái văn của mình, cũng như người mẹ nào chả quý đứa con mình đẻ ra, dù nó xấu xí, kém cỏi thế nào. Nhưng cái văn ấy có giá trị đến đâu, có thể sống lâu dài hay chết yểu lại là chuyện khác. Thông minh, tỉnh táo như Nguyễn Khải tất nhiên là thừa biết điều đó. Cho nên câu nói trên của Nguyễn Khải không hẳn là dối trá. Có điều trong giọng nói có vị chua chát cay đắng đấy. Đó là lối nói hờn, nói dỗi. Hờn dỗi với đời, hờn dỗi với cái phận của mình.
Nghĩ đến sự nghiệp cả một đời có thể sẽ trở thành số không, trở thành hư vô, cay đắng lắm chứ !
Con người ta ai chả muốn sống mãi với đời. Dù đời là bể khổ, nhưng khổ vẫn hơn là chết. Khốn nỗi ai rồi cũng phải chết. Đó là tấn bi kịch lớn nhất của loài người. Vậy thì phải nghĩ ra cách gì để chống lại cái chết chứ ? Người ta tìm đến tôn giáo để được an ủi bằng đức tin : thân xác dù trở thành tro bụi nhưng linh hồn vẫn tồn tại, và nếu chịu khó tu nhân tích đức thì còn có thể được lên thiên đàng nữa kia. Vua chúa thì ướp xác và xây lăng tẩm thật đồ sộ nguy nga. Những nhà lãnh đạo quốc gia thì muốn tên mình được đặt cho phố này, phố nọ (có chuyện tranh nhau phố to phố nhỏ nữa đấy !). Những đấng anh hùng hào kiệt, những bậc thánh hiền thì lo lập công, lập đức, lập ngôn để tên tuổi lưu truyền muôn đời trong sử sách. “ Người chết thật là chết, khi nào họ chết hẳn trong lòng người sống ” (Lỗ Tấn). Có một cách thực hiện sự bất tử một cách bình dân đại chúng nhất, hầu như ai cũng có thể làm được : sinh con, đẻ cái, nhất là sinh con trai. Nó sẽ giữ mãi dòng họ cho mình và cúng giỗ, tưởng nhớ mình mãi mãi.
Còn anh viết văn thì mong sống mãi cùng tác phẩm của mình. Không dám nói ra miệng đâu, vì xấu hổ lắm ! Nhưng âm thầm trong bụng, anh nào chẳng muốn như vậy : chẳng được như cụ Nguyễn Du bất tử với Truyện Kiều thì cũng không đến nỗi bị đời quên ngay khi vừa nằm xuống. Nhưng có phải muốn mà được đâu! Mình có phải thiên tài đâu. Là “ đại tài ” cũng chưa chắc. Ôi thật là cay đắng ! “ Tôi là nhà văn của một thời, thời hết thì văn phải chết, tuyển tập, toàn tập thành giấy lộn cho con cháu bán cân. Buồn nhỉ ? Nghĩ lại cũng chả có gì phải buồn, con người vốn sống trong những chiều kích hữu hạn lại mơ tưởng những gì do con người làm ra sẽ thuộc về vĩnh viễn, có hoạ rồ ! Tất nhiên vẫn có nhiều công trình của trí tuệ thuộc về cõi bất tử nhưng là của các thiên tài. Với bộ não con sâu cái kiến ngước nhìn những cái đầu khổng lồ ấy làm gì cho thêm buồn ra ”. Đúng là giọng nói hờn nói dỗi đầy vị chua chát, đắng cay của một cây bút chưa biết tuổi thọ của sự nghiệp mình được bao lăm khi thân xác sắp trở thành tro bụi.
Láng Hạ, Hà Nội, 29- 9- 2008
Nguyễn Đăng Mạnh
----------------------------------
i Vương Trí Nhàn : Một cách nghĩ khác về Nguyễn Khải
Nguyễn Huệ Chi : Về bài Một cách nghĩ khác về Nguyễn Khải của Vương Trí Nhàn
1 comment:
Ông Nguyễn Khải "đánh mất cái tôi" vì hèn, vì mắc chứng bệnh "teo hòn dái", Hơn nữa ông đã Phạm Tội Ác - vì miếng cơm manh áo, vì uy tín cá nhân, đưa ngòi bút của mình quá đà, làm hại người khác. Nếu những người cầm bút ở VN tiếp tục hèn như Nguyễn Khải thì chúng ta còn phải đọc tâm sự "Đi Tìm Cái Tôi Đã Mất" dài dài nhưng ở những dạng khác, dưới những cái tên khác.
Cũng với cái ý đó, xin góp một bài thơ.
BỆNH NAN Y
Khám tổng quát
cho nhân viên một công ty
bác sĩ thấy hầu hết
mắc một chứng bệnh lạ kỳ
bệnh Teo Hòn Dái
Người bệnh ăn ngủ, ỉa đái
vẫn bình thường
không nhiễm trùng
không sốt
không nhức xương
không đau bắp thịt
đi đứng nằm ngồi
cũng giống như bao người khác
chỉ trong lúc làm ra và giới thiệu sản phẩm
mặt tái xanh
tim đập nhanh
mắt nhìn quanh lấm lét
Lúc ấy hòn dái teo đét
chỉ bằng hạt tiêu
trên người
mồ hôi vã ra như tắm
Công ty ấy
không sản xuất hàng công nghệ
không kinh doanh hàng ăn
mà chỉ làm ra tượng tranh
và nhiều mặt hàng
liên quan đến chữ viết
Đó chính là Hội Nhà Văn
Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam
Trên đường giao lưu thơ văn
gặp các cây bút đến từ Việt Nam
các bạn tôi
bắt tay người này
khen chữ dùng sang cả
vỗ vai bác kia
khen tứ hay ý lạ
có sáng kiến làm mới thể thơ
Riêng tôi
gặp họ
chỉ thích nắn sờ
hai hòn dái
Phạm Đức Nhì
Post a Comment