Wednesday, April 1, 2009

TÌNH CẢNH LAO ĐỘNG XUẤT KHẨU Ở NƯỚC NGOÀI

Tình cảnh người lao động Việt Nam thất nghiệp tại CH Séc

Ánh Nguyệt

Bài đăng ngày 01/04/2009 - Cập nhật lần cuối ngày 01/04/2009 14:28 TU

http://www.rfi.fr/actuvi/articles/112/article_3057.asp

Hồi hương hay bám trụ chờ việc làm, câu hỏi khó giải đáp đối với người lao động Việt Nam đang thất nghiệp tại Cộng Hòa Séc. Theo các tổ chức cứu trợ của người Việt giúp đỡ đồng hương, có cả ngàn người thất nghiệp đang sống lay lắt hàng ngày vẫn tới Trung Tâm Sapa tại Praha chờ việc làm và nhận cứu trợ

Trước tình trạng thất nghiệp gia tăng do khủng hoảng kinh tế, chính phủ Cộng Hòa Séc đã quyết định ưu tiên dành chỗ làm cho công dân trong nước và hỗ trợ phương tiện cho công nhân nước ngoài bị sa thải hồi hương tự nguyện. Ngoài vé máy bay về nước miễn phí, mỗi người nước ngoài thất nghiệp không thuộc khối Liên Hiệp Châu Âu được trợ giúp 500 euros.

Theo con số mới nhất, đã có khoảng 800 công nhân nước ngoài thất nghiệp tại Cộng Hòa Séc hưởng ứng chính sách này, trong đó có chưa đến 40 người Việt Nam. Trong khi đó, theo các tổ chức cứu trợ của người Việt giúp đỡ đồng hương, có cả ngàn người thất nghiệp đang sống lay lắt hàng ngày vẫn tới Trung Tâm Sapa tại Praha chờ việc làm và nhận cứu trợ.

Đại đa số các công nhân này đến từ miền bắc và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình. Tíếp xúc với chúng tôi, các em ngại đưa tên thật, nhưng sẵn sàng kể lại cuộc sống khốn khó trên đất người.

Cũng may là trong hoàn cảnh bi thương này, các em còn thể nương tựa phần nào vào tình tương thân tương trợ của đồng bào. Các em đã tụ tập về Niệm Phật Đường trong Trung Tâm Sapa, một mặt, để lãnh lương thực tiếp tế, mặt khác, nhờ bác Hoa Tâm Vũ Thị Thư liên lạc với các công ty của người Việt giới thiệu việc làm, vì bác Thư là người sống lâu năm tại đây, sẵn sàng giúp đỡ mọi người.

Ngoài ra, Hội Người Việt Nam tại Cộng Hòa Séc cũng đã có chương trình Áo Ấm Tình Thương giúp đỡ công nhân thất nghiệp.

Một đìều đáng nói là trong lúc hàng ngàn công nhân Việt Nam đang khốn đốn tại Cộng Hòa Séc, thì từ trong nước, vẫn có người tiếp tục chạy vạy sang đây với hy vọng được đổi đời. Theo ông Lê Minh Cầu, chủ tịch Hiệp Hội Môi Giới Lao Động tại Cộng Hòa Séc, trong nước cần có thông tin đầy đủ và trung thực về hoàn cảnh người lao động thất nghiệp tại Cộng Hòa Séc.

Với phóng sự hôm nay, RFI Việt ngữ muốn gióng lên tiếng chuông cảnh báo cho những người lao động trong nước muốn đổi đời tại nuớc ngoài, cụ thể là tại Cộng Hòa Séc.

Mời quý vị nghe tạp chí :

Nhịp Cầu Tri Âm_20090401

http://www.rfi.fr/actuvi/articles/112/article_3057.asp

--------------------------------------------------------------------

Tình cảnh của người lao động Việt Nam tại Malaysia

Thanh Phương

Bài đăng ngày 30/03/2009 - Cập nhật lần cuối ngày 30/03/2009 13:34 TU

http://www.rfi.fr/actuvi/articles/111/article_3027.asp

Là một trong những thị trường xuất khẩu lao động hàng đầu của Việt Nam, nhưng cũng chính tại Malaysia, nhiều người lao động đang phải sống và làm việc như những nô lệ thời hiện đại, nhất là trong bối cảnh kinh tế đang bị suy giảm trầm trọng.

Trong những năm gần đây, Malaysia là một trong những thị trường xuất khẩu lao động hàng đầu của Việt Nam. Theo thẩm định, hiện có khoảng 130 ngàn công nhân Việt Nam đang làm việc trên đất Malaysia. Nhưng cũng chính tại nơi đây mà nhiều người lao động Việt Nam đang phải sống và làm việc như là những nô lệ thời hiện đại, nhất là trong bối cảnh kinh tế Malaysia cũng đang bị suy giảm trầm trọng.

Malaysia tiếp nhận ngày càng nhiều lao động nước ngoài, để thay thế công nhân bản xứ làm những công việc nặng nhọc, như nhận xét của kỹ nghệ gia Phan Văn Trường, hiện làm việc tại Malaysia :

Ông Phan Văn Trường -Kuala Lumpur

http://www.rfi.fr/actuvi/articles/111/article_3027.asp

Theo thẩm định, hiện có khoảng 2, 2 triệu người lao động ngoại quốc đang làm việc tại Malaysia, chủ yếu là trong các đồn điền hoặc trong các ngành sản xuất. Nhưng nay kinh tế của Malaysia cũng đang có nguy cơ bị suy thoái. Ngày 10 tháng 3 vừa qua, chính phủ nước này đã loan báo một kế hoạch kích cầu 16 tỷ đôla, nhưng đồng thời cũng dự báo rằng, cho dù với kế hoạch đó, kinh tế Malaysia trong năm nay sẽ sụt giảm 1%.

Trong bối cảnh suy thoái như vậy, chính phủ Kuala Lumpur vào tháng giêng đã cấm tuyển dụng nhân công ngoại quốc trong khu vực sản xuất và dịch vụ, đồng thời đã cắt giảm 70% số giấy phép lao động dành cho công nhân nước ngoài trong hai tháng đầu năm.

Trong tháng ba, theo yêu cầu của các công đoàn, Malaysia cũng đã hủy visa nhập cảnh của 55 ngàn công nhân Bangladesh. Người lao động Việt Nam dĩ nhiên cũng bị ảnh hưởng lây, tức là nhiều người cũng bị mất việc. Thế nhưng, những người chưa bị sa thải thì lại càng phải làm việc nhiều hơn, gần như là một nô lệ.

Uỷ ban bảo vệ người lao động Việt Nam, một tổ chức có trụ sở ở Ba Lan, cách đây vài ngày có đăng trên trang Web của tổ chức này lời kể của một vị linh mục nói về tình cảnh của công nhân Việt Nam trên đất Malaysia. Vị linh mục này xin được miễn nêu tên để tránh trở ngại cho công tác thiện nguyện giúp người lao động.

Được phái đến Malaysia để chăm sóc mục vụ cho công nhân Công giáo và tìm cách liên đới với tất cả công nhân Việt Nam tại một số địa phận, vị linh mục nói trên đã đi thăm nhiều nơi làm việc, nơi ở và nơi giam giữ người Việt Nam và như vậy là đã tận mắt chứng kiến tình trạng khốn khổ cùng cực của người lao động Việt Nam.

Như trường hợp một nữ công nhân bị mệt khi đang làm việc, người quản lý đưa cô vào nghỉ trong nhà vệ sinh. Vì thấy đã lâu mà cô này không quay trở lại, người quản lý mở cửa nhà vệ sinh thì cô đã chết. Một nhóm công nhân khác về cho biết là họ đã bị bán cho các nơi làm việc đến hai lần rồi và có ít nhất hai trường hợp đã bị bán làm người giúp việc và làm vợ bé cho người Malaysia.

Rất nhiều công nhân lãnh mức lương đã rất thấp, vậy mà mỗi tháng còn bị môi giới thu tiền rất cao, khiến họ thậm chí không đủ tiền để sống, chứ đừng nói đến chuyện gởi về gia đình.

Trong bối cảnh kinh tế khủng hoảng, nhiều công nhân thất nghiệp do công ty không có việc làm và bần cùng sinh đạo tặc, một số người đã lập thành những băng cướp, chuyên đi cướp của của chính người đồng hương. Vị linh mục nói trên đã có gặp 56 bà mẹ từ Hải Dương Nghệ An, Hà Tĩnh, bị bọn cướp xông vào nhà khống chế và cướp đi những gì họ có.

Các công nhân đến Malaysia đều bị công ty môi giới thu giữ hết giấy tờ tùy thân, nên nhiều người bị bắt vào tù vì tộI không mang giấy tờ trên người. Theo lờI kể của vị linh mục, một số bà mẹ trẻ đang bị giam từ nhiều tháng qua mà không có bạn bè, người thân đến thăm và cũng không đủ tiền để chạy lo mọi chi phí để khỏi tù và bay về Việt Nam.

Không chỉ trên trang web của Uỷ ban bảo vệ người lao động mà báo chí ở Việt Nam từ nhiều tháng qua cũng đã từng báo động về tình cảnh của người lao động Việt Nam ở Malaysia.

Như tờ Lao Động, số ra vào tháng 12 đã kể lại trường hợp một công nhân dù chưa hết hợp đồng nhưng đã phải trốn về nước vì quá cực khổ. Sau khi vay của ngân hàng 20 triệu đồng để đóng cho môi giớI, anh này đã sang Malaysia vào cuối năm 2005. Lúc đầu lương hàng tháng là 800 ringgit, nhưng dần dần bị giảm bớt, thu nhập không bao giờ vượt quá mức tương đương vớI 2 triệu đồng Việt Nam, thậm chí có những tháng không được trả lương, nên cuối cùng anh ta phải trốn về nước, nợ thì chưa trả hết và tiền để dành trong ba năm lao động chỉ đủ để mua hai điện thoại di động.

Tờ Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh trong một bài báo đăng vào tháng 2 vừa qua cho biết nhiều lao động nghèo tỉnh Nghệ An sống vất vưởng, đói rách vì bị ăn chặn tiền, bị bỏ rơi, phải điện thoại về cầu cứu để giúp đưa họ về nước.

Báo điện tử Dân Trí, cũng trong tháng hai, nêu lên trường hợp một lao động nữ ở Hậu Giang bị bắt nhốt gần nữa năm trời một cách oan ức, mà công ty môi giới cũng không thèm can thiệp. Sau khi trốn về nước, cô gái này phải phải cật lực làm thuê làm mướn để trả nợ tiền vay để xuất khẩu lao động. Thảm thương hơn là trường hợp một thanh niên từ Hà Tĩnh sang Malayasia làm việc cùng với anh trai, bị một nhóm người xông vào phòng đâm chết vào tháng 11 vừa qua, theo tin của tờ Dân Trí.

Nói chung, cũng giống như ở Đài Loan, hầu hết các công nhân Việt Nam sau khi xuất khẩu lao động sang Malaysia làm việc đều gặp tình trạng đem con bỏ chợ, gần như chẳng có nơi nào bảo vệ khi quyền lợiI của họ bị xâm hại, cho nên cuối cùng hoặc trở thành những nô lệ thời hiện đại Malaysia hoặc phải trở về nước vớI nợ nần chồng chất, đã nghèo lại còn nghèo hơn.

No comments: