Thursday, April 16, 2009

TIN TỨC MỚI NHẤT VỀ MỘT SỐ NHÀ DÂN CHỦ BỊ BẮT

Chuyến đi thăm Trần Đức Thạch không thành
Hà Giang, thông tín viên RFA

2009-04-16
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/The-failed-attempts-to-visit-Writer-tran-duc-thach-in-prison-04162009101252.html
Vào trung tuần tháng 9 năm ngoái, để ngăn chặn cuộc biểu tình vào dịp 50 năm ngày cựu thủ tướng CHXHCNVN Phạm Văn Đồng ký tên vào công hàm thừa nhận vùng lãnh hải của Trung Cộng bao trùm cả quần đảo Hoàng sa và Trường Sa thuộc lãnh hải của Việt Nam, nhà cầm quyền Hà Nội đã bắt giam hàng loạt những nhà đấu tranh dân chủ trong nước.

Nhà thơ Trần Đức Thạch và cô Phạm Thanh Nghiên tại tư gia nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa. Photo courtesy tratudo.net
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/The-failed-attempts-to-visit-Writer-tran-duc-thach-in-prison-04162009101252.html/tranDucThach-305.jpg

Nhà thơ Trần Đức Thạch bị bắt đi biệt tích

Trong số những người bị giam cầm, hoàn cảnh của nhà văn Trần Văn Thạch là bi đát nhất, vì kể từ ngày bị bắt đến nay, ông đã bị mang đi biệt tích gần 7 tháng và hoàn toàn chưa hề nhận được tiếp tế thuốc men hay thực phẩm của gia đình..
Tuần trước, sau khi dò la được ra nơi ông bị giam giữ, một số nhà đấu tranh dân chủ đã rủ nhau đi thăm và tiếp tế cho ông, nhưng chuyến đi tiếp tế này đã không thành. Hà Giang tìm hiểu sự việc và tường trình:
Nhà thơ Trần Đức Thạch, 57 tuổi, hội viên hội nhà văn tỉnh Nghệ An, và là một nhà thơ bất đồng chính kiến, đã được người ta biết đến qua những hồi ký, nhiều áng thơ và các bài viết tố cáo sự vi phạm nhân quyền của nhà nước Hà Nội, cũng như đòi hỏi tự do sáng tác cho văn nghệ sĩ, và dân chủ nhân quyền cho người dân.
Một trong những tác phẩm của ông được nhiều người chú ý là hồi ký có tên ''Hố Chôn Người Ám Ảnh'', kể lại trận đánh ở ấp Tân Lập, vào cuối tháng 4 năm 75, mà ông đã tham dự như một phân đội trưởng trinh sát của quân đội nhân dân.

Ông viết: “Địch đâu chẳng thấy, chỉ thấy những người dân lành bị bắn đổ vật xuống như ngả rạ, tiếng kêu khóc như ri, hàng trăm người bị giết và bị thương, chồng đống lên nhau, máu chảy thành suối.
Đã mấy chục năm qua, khi hàng năm, khắp nơi tưng bừng kỷ niệm chiến thắng 30/4 thì tôi lại bị ám ảnh nhớ về hàng trăm dân lành bị tàn sát ở ấp Tân Lập. Cái hố chôn người bây giờ ra sao? Tôi muốn được quay lại đó để thắp nén hương nói lời tạ tội.”
Nhà thơ Trần Đức Thạch bị an ninh áp tải đi vào sáng ngày 12/9/2008 với tội vi phạm điều 88 bộ luật hình sự, cụ thể là: Làm ra, tàng trữ và lưu hành các tài liệu có nội dung chống lại nhà nước.

Trại giam số 3 Hà Nội

Kể từ khi ông bị bắt đi biệt tích, gia đình và người thân không ai biết ông bị giam ở đâu, mãi cho đến ngày 2 tháng 4 vừa qua, gần 7 tháng sau, người ta mới tìm ra manh mối.
Ông Đăng, một người bạn của nhà thơ cho biết:
“Họ dấu họ không cho biết là anh bị giam ở trại giam nào, đến vừa rồi đấy thì chúng tôi mới được biết, trước đây là họ hãy còn dấu cả cái địa điểm, không biết là giam ở đâu cơ. Bây giờ anh Thạch rất là nguy, không có người nhà, bạn thân bạn bè anh em cũng không được vào thăm.”

Được tin sức khỏe của ông rất yếu sau một lần tuyệt thực, bạn bè tìm cách đi thăm ông, vì thân nhân ông ở rất xa, cũng chưa biết giam ở đâu chưa đến tiếp tế cho ông.
Nhưng muốn đi thăm một tù nhân lại không phải là một điều dễ dàng.

Ông Duy, một người bạn đấu tranh cho dân chủ cho biết:
“Mãi đến khi anh em ở trại giam số 3 của Hà Tây cũ gọi là Hà Nội bây giờ được thả ra thì mới cho biết là Thạch bị giam ở trại giam số 3 Hà Nội bây giờ. Anh Vi Đức Hồi, anh Nhàn, Phan Hùng, đã chực vào thăm, nhưng giám trưởng không cho gặp và tránh mặt đi.
Cuối cùng không còn cách nào anh em mới bàn nhau nhờ anh Nhàn, nhà ở gần trại giam số 3 đi liên hệ với một số anh em ở trong trại giam và an ninh bảo vệ.”

Không cho gặp mặt

Tại sao mọi người đã đi lên đi xuống mấy lần mà chưa được gặp nhà thơ Trần Đức Thạch?
Ông Đăng cho biết một trong những lý do được nhà cầm quyền Hà Nội đưa ra là vì nhà thơ đang bị tạm giam cho nên chưa được gặp. Nhưng theo đúng luật VN thì thời gian tạm giam chỉ được kéo dài 4 tháng.“Đúng ra là chỉ có 4 tháng, thế nhưng bây giờ họ kéo dài đến hơn 7 tháng rồi, họ không xử, mà thậm chí họ không cho thăm gặp. Chúng tôi có đi thăm nhưng mà ở trong trại thì họ không cho chúng tôi vào thăm gặp được.
Chúng tôi tìm thăm gặp ba bốn lần rồi, bốn lần rồi, thì chúng tôi thấy là ở cái chế độ CSVN sao nó lại như vậy, chứ ở các nước dân chủ trên thế giới người ta không bao giờ người ta làm như thế, dù là như thế nào thì cũng phải cho anh em thăm gặp.”

Tại sao luật đã không cho phép được thăm trong thời gian tạm giam mà các anh em dân chủ lại hy vọng là ông Nhàn có thể giúp dàn xếp cho cuộc thăm viếng này? Ông Nhàn có câu trả lời:
“Chưa gặp được, nhưng mà gặp được người trực tiếp nói chuyện với mình. Mình chỉ hỏi 3 câu thôi. Mình giới thiệu mình như thế như thế, tôi có một người bạn tôi cần phải đến thăm, thế thì các anh có cho thăm không? Thế họ bảo có cho thăm mà vào thăm thứ Ba.
Thứ hai là các anh có cho gửi quà cáp để thăm nuôi? Bảo đồng ý, nhưng mà phải thứ Ba tuần sau. Và câu cuối cùng mình hỏi là thế thì chúng tôi cần phải cám ơn anh như thế nào? Anh ta cũng nói là tùy thôi, một cách vui vẻ không có gì làm cho hai bên phải khó chịu cả. Thì nói chung là mình chắp mối như thế là được.”

Những người bạn của nhà thơ Trần Đức Thạch muốn được đi thăm ông trong tù, họ muốn thời gian tạm giam của ông phải chấm dứt, họ muốn ông được xét xử. Anh Đăng phát biểu:
“Họ phải cho phép chúng tôi và người thân của nhà anh Thạch được gặp anh ấy và được biết sức khỏe anh ấy như thế nào. Phải xử người ta, nếu như anh Thạch vô tội thì phải trả tự do cho anh Thạch. Họ không xử, và thứ hai nữa họ cũng không cho gặp, thế cho nên là chúng tôi thấy rất bất bình.”

Bao giờ thì người thân và bạn bè của nhà thơ Trần Đức Thạch sẽ được đi thăm ông trong tù?
Bao giờ thì ông mới thực sự được thoát ra khỏi cái khoảng tối âm u của thời gian tạm giam đã hết hạn cách đây ba tháng?
Và nhất là bao giờ thì ông sẽ được xét xử theo luật định?

Dư luận cho rằng chỉ bao giờ nhà cầm quyền Hà Nội quyết định thực sự tôn trọng những quyền làm người căn bản của người dân, thì những nguyện vọng chính đáng này của thân hữu và gia đình ông mới có trở thành hiện thực mà không còn là những ước mơ nữa.



Tình trạng trong tù của Nguyễn Hoàng Hải và Phạm Thanh Nghiên
Trà Mi, phóng viên RFA
2009-04-16
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Vietnamese-writers-in-prison-TMi-04162009154002.html
Hai trong số các trường hợp của những người cầm bút tại Việt Nam đang bị giam cầm vì thể hiện quan điểm bất đồng mà Văn bút Quốc tế quan tâm là anh Nguyễn Hoàng Hải và chị Phạm Thanh Nghiên.

Mong chờ công lý


Anh Hoàng Hải, tức blogger Điếu Cày, thành viên Câu Lạc Bộ Nhà báo Tự do gặp rắc rối với chính quyền sau các bài viết phản ánh quan điểm cá nhân về thực trạng xã hội và hoạt động biểu tình chống Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa-Trường Sa.
Anh bị bắt tháng 4 rồi bị đưa ra xét xử hồi tháng 9 năm ngoái với bản án 2 năm rưỡi tù giam vì tội danh trốn thuế.

Anh Hoàng Hải, tức blogger Điếu Cày
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/The-2008-vietnam-human-rights-award-10312008112911.html/DieuCay-174.jpg

Hỏi thăm chị Tân, vợ anh Hải, về tình hình của anh hiện nay trong trại giam, chúng tôi được biết ngày 30/3 vừa qua, anh Hải đã bị chuyển từ trại giam Chí Hoà đến trại giam Cái Tàu, xã Khánh An, huyện U Minh, Cà Mau.
Chị Tân, vợ anh Hải, thuật lại:
“Sau thời hạn tạm giam kéo dài rất lâu và toà xử phúc thẩm xong, tôi mới được thăm nuôi chồng tôi, mỗi tháng 1 lần. Mỗi lần như vậy được từ 15-30 phút, tùy theo.
Thực tế trại giam Cái Tàu chỉ dành cho những tội phạm ở khu vực đồng bằng Sông Cửu Long, miền Tây. Còn thành phố HCM đổ ra thì phải đưa đi Bình Thuận. Còn vì sao họ không chuyển về Bình Thuận, Hàm ân mà lại chuyển đi Cái Tàu thì tôi cũng không rõ.
Theo tôi, có lẽ họ cũng muốn gián tíêp gây khó khăn cho gia đình thôi. Quả tình, đi xuống đấy, sự thăm viếng rất là khó khăn. Để gặp đựơc anh Hải, tôi cũng rất khó khăn.
Như hôm vừa rồi, họ cho rằng tôi không hợp pháp khi gặp anh vì tôi là vợ cũ đã ly hôn của anh, thì không đựơc phép thăm. Tôi nói rằng những trại giam khác đều cho phép tôi vào, vì các con tôi phải đi học, tôi có thể đại diện cho các cháu không? Họ mới đưa vào cho lãnh đạo giải quyết. Khoảng 2 tiếng đồng hồ sau họ mới cho tôi vào gặp anh.
Điều kiện trại giam, theo như chính quản giáo trại Cái Tàu nói, thì không thể bằng ở trại giam Chí Hoà được. Đường xá đi lại xa xôi quá, ngồi ô tô 10 tiếng mới tới, xuống đi xe ôm vào khoảng 20 cây số nữa.”

Về tình trạng sức khoẻ của anh Hoàng Hải, chị Tân cho biết:
“Sức khoẻ tương đối ổn hơn so với lần họ đưa anh trở lại điều tra về việc gì khác. Đợt đó sức khoẻ anh ấy kém. Còn nhìn chung tất nhiên không thể bằng khi ở bên ngoài.
Anh Hải cũng gửi lời thăm và cảm ơn tất cả những ngừơi đã quan tâm đến việc của anh ấy. Tôi có nói với anh Hải rằng ở ngoài này tôi vẫn tiến hành khởi kiện ngừơi thuê nhà tôi bội tín đẩy chúng tôi vào tình cảnh như vậy.
Vị quản giáo trong đấy nghe xong lưu ý tôi rằng không nên thưa kiện gì nhiều nữa, vì nếu thưa kiện gì nữa sẽ rất khó khăn cho anh Hải.
Anh Hải rất muốn công lý phải được thực hiện, kể cả bây giờ hay khi anh ra tù. Anh ấy rất muốn làm cho vụ việc này sáng tỏ để mọi ngừơi thấy rằng người ta ép buộc chúng tôi vào một bản án như vậy hoàn toàn bất công.
Gia đình tôi ở ngoài cũng cùng chung 1 suy nghĩ như vậy. Chúng tôi khẳng định chẳng bao giờ chúng tôi có tội như vậy. Chẳng qua là họ buộc vào để bắt anh Hải vì một cái tội khác thôi. Anh Hải cùng một số ngừơi bạn biểu tình chống Trung Quốc lấy đảo Hoàng Sa-Trừơng Sa của Việt Nam.
Họ cho đấy là hành động phản động, chống đối lại chính quyền. Họ không có chứng cứ gì để bắt về việc đó. Cho nên họ mới phải mượn việc này.”

Bao giờ mới xét xử?

Cô Phạm Thanh Nghiên, nhà báo tự do và là một cây bút mạng, bị bắt từ tháng 9 năm ngoái vì những bài viết và hành động biểu tình tại gia phản đối thái độ của nhà nước Việt Nam trước việc Trung Quốc chiếm Trừơng Sa-Hoàng Sa.

Cô Phạm Thanh Nghiên. Photo courtesy of ThanhNienLacViet
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/dissident-beaten-hard-by-alleged-police-in-civilian-clothes-07062008220610.html/phamthanhnghien-150.jpg

Người nhà cô cho biết cách đây mấy tháng, cô đã nhận lệnh gia hạn tạm giam thêm 4 tháng nữa, sau 4 tháng tạm giam ban đầu.
Theo lời bà Nguyễn Thị Lợi, thân mẫu của cô Nghiên, kể từ ngày cô bị bắt 18/9 năm ngoái tới nay, cô vẫn bị giam cầm không án lệnh, không được đưa ra toà xét xử, và người nhà cũng không được phép tiếp xúc thăm nuôi.
Bà Lợi phát biểu:
“Tôi vẫn được gửi quà bánh vào đó, còn gặp thì chưa đựơc gặp. Tôi có hỏi bên an ninh, họ bảo em nó khoẻ. Giờ chỉ nghe thế biết thế thôi chứ có nhìn thấy đâu ạ!
Em nó chỉ có đấu tranh cho tự do, nhân quyền, tự do ngôn luận, tự do báo chí và nói sự thật thôi, ví dụ như em nó bảo Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam.
Thế thôi, chứ còn trong lệnh bắt thì họ quy tội phạm điều 88, tuyên truyền chống phá nhà nước. Cũng chẳng biết cầu cứu ở đâu. Đợi hết hai lần gia hạn hết 8 tháng tôi lại hỏi tiếp xem họ có mang ra xử không. Mà nếu họ không xử, lúc đó tôi cũng chả biết phải làm thế nào.
Tôi bây giờ già rồi. Con tôi làm những việc không phải là sai. Bây giờ chỉ có nhờ tất cả những qúy vị làm sao có được quyền dân chủ như tất cả mọi nước. Nhờ quý vị mọi nơi lên tiếng giúp thôi, chứ còn cũng chẳng biết phải làm thế nào.”

Trong danh sách 7 ngòi bút dân chủ bị giam cầm tại Việt Nam được Văn bút Quốc tế lên tiếng bảo vệ, ngoài anh Hoàng Hải và chị Thanh Nghiên, còn có nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, nhà báo tự do Phạm Văn Trội, phóng viên mạng Lê Thị Kim Thu, nhà thơ Nguyễn Văn Túc, ngòi bút trẻ Ngô Quỳnh.
Tất cả họ đều bị bắt trong chiến dịch đàn áp những tiếng nói bất đồng chống Trung Quốc hồi tháng 8, tháng 9 năm ngoái và bị giam giữ dài hạn kể từ đó đến nay dù không có bản án xét xử của toà.

No comments: