Thursday, April 16, 2009

BẢN CHẤT CỦA LỊCH SỬ

Bản chất của lịch sử
Hoàng Lại Giang
17/04/2009 4:00 sáng
http://www.talawas.org/?p=2937
Bản chất của lịch sử là trung thực. Nguyên tắc của lịch sử là tiếp nối và kế thừa. Những điều đơn giản ấy ai cũng biết, nhưng trong thực tế không dễ tìm đúng bản chất của lịch sử và triều đại mới thường có xu hướng phủ nhận triều đại cũ. Không ít người muốn cắt lát lịch sử và tôn vinh chính triều đại mình. Điều này dễ làm cho lịch sử biến dạng và như vậy tính trung thực sẽ bị bóp méo và quan trọng hơn là gây ra hiểm hoạ cho một xã hội muốn phát triển.

Không phải ngẫu nhiên mà trong lịch sử phương Đông người ta hay nhắc đến Tư Mã Thiên và Tam thái sử mộ nước Tề. Đấy là những nhà sử học không biết sợ quyền lực mà chỉ biết trọng sự thực, không biết sợ cái chết mà chỉ biết sợ mất nhân cách của một nhà sử học. Vào thời ấy mà Tư Mã Thiên đã lặn lội khắp nơi trên đất Hán để tìm từng thẻ tre, tích góp lại dựng lên bộ sử để lại cho muôn đời. Thời ấy ngay cả Hán Vũ Đế rất muốn xem Tư Mã Thiên viết gì về mình và triều đại mình, nhưng không cách gì ngoài cách nhờ Đông Phương Sóc. Nhưng Đông Phương Sóc dù rất thân với Tư Mã Thiên, cũng… bất lực. Nói thế để thấy tính độc lập của nhà sử học lúc bấy giờ là thiêng liêng. Tính độc lập của nhà sử học không cho phép nhà cầm quyền can thiệp ở bất cứ mức độ nào, nhằm đảm bảo tính trung thực của lịch sử.

Nhắc người để ngẫm về mình. Cho đến nay vẫn còn không ít tranh luận về thời cận đại và ngay cả hiện đại, một phần chúng ta thiếu những nhà sử học đầy khí tiết như Tư Mã Thiên, như ba anh em nhà thái sử nước Tề. Đặc biệt ở thời hiện đại còn do cơ chế. Cơ chế Đảng lãnh đạo toàn diện theo cách hiểu máy móc không phải không gây khó khăn cho nhiều nhà sử học chúng ta trong việc tiếp cận các sự thật lịch sử. Thậm chí tính độc lập của nhà sử học gần như bị triệt tiêu. Chính từ quan điểm này chúng ta đã vô tình “cắt lát” lịch sử, gần như “quên lãng” triều đại có công lớn nhất trong lịch sử mở nước và dựng nước của Chúa Nguyễn và triều Nguyễn.

Từ năm 1558 chúa Nguyễn Hoàng vào Nam bắt đầu một thời kỳ mở cõi cam go và cũng đầy dũng khí của các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn. Đứng ở góc độ vĩ mô, chúng ta lớp hậu sinh nên cúi đầu cảm ơn chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn đã tạo dựng cho chúng ta và các thế hệ nối tiếp một nước Việt Nam hình chữ S kéo dài từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau, giương ngực ra Biển Đông với trên 3000 cây số bờ biển và bãi biển lý tưởng, lưng dựa vào dải Trường Sơn hùng vĩ, tạo thành một thế giữ đất và nước vững chắc cho mọi thế hệ.
Đấy là sự thật lịch sử và nếu ai chối bỏ nó thì cũng đồng nghĩa với việc bắn vào lịch sử. Dẫu “bắn vào lịch sử bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn trả lại anh bằng đại bác” - Thi hào người Dagestan. Từ ngày mon men vào lịch sử không hiểu sao câu nói tưởng vu vơ dọa dẫm này luôn ám ảnh tôi khiến tôi nhiều đêm mất ngủ. Một triều đại chỉ trong vòng chưa đầy 2 thế kỷ đã cho chúng ta một đất nước hoàn chỉnh gấp đôi đất nước mà Vua Hùng và các triều đại nối tiếp xây dựng. Vậy mà một thời do duy ý chí, do tả khuynh… chúng ta đã chối bỏ, thậm chí lên án gay gắt!

Tôi nhớ đã đọc được ở đâu đó ý kiến của một nhà một nhà tư tưởng Pháp: “Dấu hiệu đầu tiên của sự phá vỡ đạo đức xã hội - đó là đánh mất sự thật, bởi vì sự thật mà hiện nay đang được áp dụng trong chúng ta - đó không phải là những gì có trong thực tế mà là những gì chúng ta muốn thuyết phục những người khác”.
Tất nhiên tôi hiểu thời kỳ Chúa Nguyễn và triều Nguyễn là một thời kỳ lịch sử đầy biến động, vô cùng phức tạp. Thế lực nhà Mạc vẫn còn. Những người nhân danh phò Lê không phải không gây áp lực lên xã hội lúc bấy giờ. Và Trịnh Nguyễn phân tranh suốt trên 200 năm đã làm cho sức dân cùng kiệt. Tất cả điều đó tạo tiền đề cho nhiều cuộc nổi dậy của các thế lực khác nhau trong nhân dân, trong đó có cả bọn trộm cướp và những cuộc nổi dậy của nông dân.
Trong những cuộc nổi dậy này, đáng chú ý là cuộc nổi dậy của anh em nhà Tây Sơn. Thực tế, lúc đầu đây không phải là cuộc khởi nghĩa nông dân. Bắt đầu là việc biện Nhạc đánh bạc thua thiệt, thâm quỹ công, rủ hai em chạy lên miền ngược cướp của, sau thì cướp đồn chúa Nguyễn! Dần dần nhờ chính sách an dân, anh em nhà Tây Sơn thu hút ngày càng nhiều dân chúng. Trong anh em nhà Tây Sơn, Nguyễn Huệ là một thiên tài quân sự. Ông đọc được trận chiến khi nó chưa diễn ra, và cầm chắc thắng lợi khi nó bắt đầu. Cùng với thiên tài quân sự, Nguyễn Huệ còn là một nhà lãnh đạo biết chiêu hiền đãi sĩ thật lòng, chịu nghe nhiều ý kiến trái ngược nhau mà không quy chụp một ai khác chính kiến. Nhờ vậy hiền tài về với Nguyễn Huệ ngày một đông. Một người khó tính như La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp, cuối cùng cũng chịu trở về với Nguyễn Huệ sau trận đại thắng quân Thanh.
Đây cũng là thời kỳ Nguyễn Ánh không còn đất dung thân, phải chạy tá túc bên Xiêm ra các đảo Thổ Chu, Phú Quốc, Côn Lôn… Trong nỗi đau tận cùng của một người để mất đất đai của tiên vương, Nguyễn Ánh đã nhờ Xiêm rồi nhờ Pháp… Việc nhờ này ở mặt nào đó không phù hợp với truyền thống của dân tộc. Lịch sử đã cho thấy bao nhiêu lần đất nước ta rơi vào tay quân Tàu vì sự nhờ vả này. Chỉ có điều, lịch sử cho thấy chưa một lần Nguyễn Ánh nhờ quân nhà Thanh. Và điều quan trọng là nhân dân Nam Bộ trước sau vẫn tìm cách giúp đỡ, che chở Nguyễn Ánh - Chắc là họ nghĩ về cái ơn mở cõi của các chúa Nguyễn. Nhân dân miền Nam hoàn toàn không đối lập chúa Nguyễn - mà người đại diện là Nguyễn Ánh - với Nguyễn Huệ. Trong lòng họ, Nguyễn Huệ là người anh hùng đã từng đánh tan 5 vạn quân Xiêm, nhưng Nguyễn Ánh là hậu duệ của chúa Nguyễn - những bậc tiền nhân có công xây dựng nên vùng đất miền Nam.

Nhiều lần tôi tự hỏi, tại sao Nguyễn Ánh không cầu Tàu? Vua quan các triều đại người Việt thường rất gần với Thiên triều về tư tưởng và luôn coi Thiên triều là sức mạnh cứu hộ khi đất nước bị xâm hại. Việc cầu cứu Thiên triều coi như là hiển nhiên, là tất yếu. Ngay cả Tôn Thất Thuyết khi dẫn Hàm Nghi ra Tân Sở, ra hịch Cần Vương… cuối cùng cũng bỏ Hàm Nghi ở lại Hà Tĩnh, dẫn Trần Xuân Soạn qua Tàu cầu viện, mặc dù ông, hơn ai hết biết tháng 5 năm Giáp Thân 1884 Thiên triều đã ký: “Nước Tàu để cho nước Pháp xếp đặt mọi việc ở đất Việt Nam” (Việt Nam sử lược, Trần Trọng Kim, trang 540).
Tôi nghĩ, Nguyễn Ánh không thể không suy nghĩ để chọn lựa người giúp mình lấy lại đất đai của tiên đế. Ông không nhờ Tàu vì lịch sử chắc đã cho ông nhiều bài học thấm thía về việc nhờ vả này. Ông chọn Xiêm, trước hết, đó là nơi đã giúp ông rất nhiều giữa thời hoạn nạn không chốn dung thân. Hai nước có sức mạnh cân bằng. Tôi không rõ những điều khoản gì giữa hai bên trong sự giúp đỡ này. Nhưng giao ước mà ông Bá Đa Lộc ký với đại diện của Louis XVI là de Montmorin thì cụ thể Giao ước có 5 điều khoản:
Khoản 1: Pháp giúp Nguyễn Vương 4 tàu chiến cùng trên 1000 quân trong đó có lục quân, pháo binh, hắc binh và một số súng đạn;
Khoản 2: Nguyễn Vương phải nhường cho Pháp cửa Hội An và đảo Côn Lôn.

Một giao ước sòng phẳng.

Nhưng giao ước đã không thành vì có sự dèm pha của bá tước de Conway nên Pháp hoàng đã không thi hành và Bá Đa Lộc phải mộ non 20 người sang giúp Nguyễn Ánh: đúc súng, tập luyện quân sĩ… (như một loại chuyên gia).

Suy cho cùng không có sự giúp đỡ nào vô tư, trong sáng cả - Thời cổ cận đại cũng như thời hiện đại. Chính trị gia nguời Anh Lord Palmerston từng nói “chúng ta không có kẻ thù vĩnh viễn, cũng như bạn bè muôn đời. Chỉ có quyền lợi là vĩnh viễn và muôn đời mà thôi”. Nguyễn Ánh chắc không nhầm. Mọi sự lệ thuộc đều phải trả giá… Nhớ lại: Thời ấy cuộc chiến đang giữa hồi gay cấn - không thể dừng lại vì thiếu sự giúp đỡ của Liên Xô và Trung Quốc. Cùng với sự giúp đỡ ấy, chính Chủ tịch Hồ Chí Minh phải chấp nhận làm cuộc cách mạng dân chủ: giảm tô, giảm tức, cải cách ruộng đất, chấn chỉnh lại tổ chức bằng cách thay hàng loạt trí thức đã từng dấn thân, từng hy sinh vì cách mạng bằng những người thuộc giai cấp công nông… Đấy là điều mà ngay từ ngày đầu thành lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cố tránh. Với Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc là ưu tiên số một và việc thành lập cho được một chính phủ gồm những hiền tài, không phân biệt thành phần, giai cấp lúc bấy giờ là bảo đảm sự tin cậy của toàn dân.
Ai cũng biết, cải cách ruộng đất đã phá tan nền tảng văn hóa làng xã hàng nghìn năm của dân tộc. Mặc dù phó thủ tướng Võ Nguyên Giáp đã thay mặt Đảng và Nhà nước xin lỗi toàn dân nhưng cái họa của cuộc cải cách ruộng đất là vô cùng to lớn…
Từ năm 1972 Pol Pot đã phản bội ta và sau hòa bình thống nhất chưa bao lâu “người bạn” Khmer Đỏ đã tràn qua biên giới Tây Nam giết hại bao nhiêu dân lành Việt Nam. Đằng sau Khmer Đỏ là ai? Cả thế giới đều biết!
Năm 1974 người anh cả môi răng một thời đã chiếm quần đảo Hoàng Sa của ta…
Năm 1979, họ đánh biên giới phía Bắc nước ta…
Năm 1988, họ đánh chiếm quần đảo Trường Sa, không ít hải quân ta đã hy sinh!
Những nhà chính trị có thể khép lại quá khứ để tạo dựng một nền hòa bình và phát triển cho đất nước. Nhưng những nhà sử học sau 30 năm thì cần được trao đổi, tranh luận để rút ra những bài học cho hiện tại và mai sau.
Nhìn nhận khách quan không phải là bới móc, lên án, thóa mạ,… mà để thông cảm, để thể tất cha ông một thời… dẫu có sai phạm thì những sai phạm đó cũng cần được xem xét, đánh giá trong chính hoàn cảnh lịch sử lúc đó. Khi đánh giá cha ông cũng nên suy xét trên nhiều bình diện và đặt nhiều dấu hỏi: Vì sao? Để thấu tỏ mọi nguồn cơn của người xưa.

Nước Nhật sau thế chiến thứ 2, đại bại! Vậy mà trước sau nhân dân vẫn tin yêu và tôn thờ Nhật hoàng. Thái Lan, Campuchia… rồi Bỉ, Anh, Thụy Điển, Na Uy,… nhân dân vẫn tôn thờ nhà vua, tôn thờ nữ hoàng. Tôi có hỏi tiến sĩ Mory người Nhật tại sao như vậy? Vị tiến sĩ ấy trả lời: đất nước chúng tôi là của tiên vương Nhật hoàng. Người Nhật uống nước biết nhớ nguồn. Không ai dám quên công ơn lập quốc của tiền nhân. Kẻ quên ơn lên án cha ông, kẻ ấy không xứng danh người Nhật. Nhiều chính khách, thủ tướng Nhật hàng năm hay đến ngôi đền Yasukuni để thắp hương chính vì tinh thần ấy.

Tôi nghĩ người Việt mình nên suy nghĩ về tinh thần tôn trọng tiền nhân ấy của người Nhật. Trước tiên là dạy cho con cháu: có cha rồi mới có con. Một đất nước biết tôn trọng tổ tiên là một đất nước biết giá trị của văn hóa. “Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng với nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn” (Hồ Chí Minh nói về văn hóa năm 1942).

Thời phong kiến, đất nước là của vua, thần dân là bề tôi của vua. Vua Chế Mân khi được vua Trần Anh Tông gả Huyền Trân Công chúa liền tặng cho ta hai Châu ô, Lý. “Đó chính là phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra”, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói ở trên. Nếu đòi hỏi nhà vua thời phong kiến nhận thức về đất nước, về dân tộc như thời hiện đại là điều phi lịch sử.

Chính sự đòi hỏi phi lịch sử ấy một thời đã dẫn chúng ta rơi vào chủ nghĩa duy ý chí, tả khuynh…. Nếu mạnh dạn nhìn thẳng vào sự thật, nói hết sự thật như cố tổng bí thư Trường Chinh đã nói ở Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986 thì trong cuộc hội thảo “Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn” cuối năm 2008 là phù hợp với cuộc cách mạng đổi mới tư duy của Đảng.

Sự thật lịch sử là chúa Nguyễn bằng công việc mở cõi đã nhân đôi đất nước chúng ta.

Sự thật lịch sử là Nguyễn Ánh là người đã thống nhất non song gấm vóc của đất nước ta và đặt tên nước là Việt Nam, lập nên vương triều nhà Nguyễn. Đây là một triều đại dẫu còn nhiều bất cập, nhưng xét về đại thể triều đại ấy đã để lại nhiều dấu ấn trong lịch sử. Trước tiên, đó là việc xác định rõ ràng cương vực lãnh thổ nước Việt Nam trên bộ cũng như trên biển. Đến thời Minh Mệnh, lần đầu tiên một bản đồ chi tiết, cụ thể từ Mục Nam Quan đến mũi Cà Mau và các quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam từ Côn Lôn, Phú Quốc đến quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa… đã được xác lập. Có thể đây là cơ sở quan trọng nhất về mặt pháp lý không ai có thể chối cãi được, đánh tráo được… chủ quyền cương giới trên bộ và trên biển của chúng ta.

Tội mà một số người đời sau qui cho Nguyễn Ánh: “cõng rắn cắn gà nhà”, “rước voi giày mả tổ”, có độ lùi thời gian, chúng ta càng rõ đấy là bức xúc mang tính tình thế. Bản chất Nguyễn Ánh là cảnh giác… gần hai mươi “chuyên gia” giúp ông được ông phong tước, hầu, giúp xây dựng gia đình, lương bổng hậu hĩnh, nhưng không có một thực quyền nào ngoài chuyên môn của họ. Và đến khi thống nhất được giang sơn, ông cũng tìm cách đưa họ về nước họ, để giữ nguyên vẹn một quốc gia như ngày nay chúng ta thừa hưởng.

Cũng có người cho chuyến đi sang Pháp của hoàng tử Cảnh tạo cớ cho Tây Dương sau này xâm chiếm nước ta, đặt ách đô hộ gần một trăm năm. Tôi nghĩ, nếu nhìn toàn cục chủ nghĩa tư bản khi phát triển cần thị trường như thế nào… thì ta sẽ thấy cái bi kịch tất yếu của những nước phong kiến, thuần nông như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, và Việt Nam. Trong trường hợp này, cái phi lý lại trở thành cái có lý (Giáo sư Cao Xuân Huy đã phân tích vấn đề nay rất rõ ràng trong “Tư tưởng Phương Đông”).
Điều quan trọng là hôm nay chúng ta có trách nhiệm giữ cho được cương vực lãnh thổ trên bộ và trên biển như những gì mà vua Gia Long, đặc biệt là vua Minh Mệnh đã để lại trên tấm bản đồ hoàn hảo nhất cho đến nay.

Cùng với một đất nước hoàn chỉnh trên, vương triều Nguyễn cũng để lại cho hậu thế những công trình đáng được hậu thế tôn vinh hơn là phỉ báng, hạch tội. Đó là chế độ học hành, thi cử để chọn hiền tài, đến việc đào kênh, rạch, xây dựng đền thờ, lăng tẩm … những công trình mà hôm nay được UNESCO công nhận là di tích vật thể và phi vật thể Cung đình Huế. Tất nhiên tấm huân chương mà còn có hai mặt, huống hồ những công trình đồ sộ như vậy vào thời đại công nghiệp coi như bằng không. Nhưng người Ai Cập vẫn tự hào về Kim Tự Tháp, người Chân Lạp vẫn tự hào về Angkor, người Tàu tự hào về Vạn lý Trường thành, về lăng mộ Tần Thủy Hoàng… Có bao nhiêu triệu người ngã xuống cho niềm tự hào này? Tôi chưa nghe dân tộc nào phỉ báng, lên án cha ông họ như một số người trong chúng ta… hôm nay! Tôi lại nghĩ về người Nhật và cái câu của tiến sĩ Mory: uống nước nhớ nguồn là tư tưởng nhân nghĩa, là đạo lý của người Nhật.

Tất nhiên lịch sử không thể phủ nhận đóng góp lớn lao của Nguyễn Huệ và hoàng đế Quang Trung đã tạo tiền đề cho công cuộc thống nhất của Nguyễn Ánh (có thể khẳng định rằng nếu không có Nguyễn Huệ - hoàng đế Quang Trung tạo tiền đề thì Nguyễn Ánh không dễ thống nhất được giang sơn như trong thực tế.
Tính kế thừa của lịch sử chính là chỗ nhận thức lịch sử theo quan điểm biện chứng: trung thực và khách quan. Nếu thiếu một trong hai yếu tố này thì không còn là lịch sử nữa.

Khi mà chiến tranh đã qua trên ba mươi năm và công cuộc đổi mới đã qua hai mươi năm, một cách nhìn nhận và đánh giá lịch sử thời cận đại như nó vốn có: đó chính là bản chất của lịch sử mà các nhà sử học luôn tự nhắc nhở mình phải cảnh giác với tính chủ quan, duy ý chí của con người ở mọi thời đại.

Thành phố Hồ Chí Minh 15 tháng 3 năm 2009
© 2009 Hoàng Lại Giang
© 2009 talawas blog

No comments: