Saturday, April 4, 2009

THIẾU NHI VIỆT NAM TRONG MẠNG LƯỚI MẠI DÂM TẠI CAM BỐT

Trẻ Việt Nam mại dâm tại Cămpuchia:
Một Vấn Đề Không Thể Chìm Vào Quên Lãng

Thanh Trúc, phóng viên đài RFA
2009-04-02
http://www.rfa.org/vietnamese/programs/OverseasVietnamese/Activist-Said-Concern-On-Vietnamese-Child-Trafficking-In-Cambodia-A-Must%20%20-04022009172349.html

Thiếu nhi Việt Nam trong mạng lưới mại dâm ở Kampuchia:

Trẻ em cũng bị rao bán trên internet. Photo from internet
http://www.rfa.org/vietnamese/programs/OverseasVietnamese/Activist-Said-Concern-On-Vietnamese-Child-Trafficking-In-Cambodia-A-Must%20%20-04022009172349.html/treembiraobanvinet.jpg

VIDEO : Mại dâm trẻ em Campuchia
http://www.youtube.com/watch?v=Dpnmk3twUfg&eurl

Những em gái Nhỏ Việt Nam ở vùng quê giáp giới Kampuchea tiếp tục trở thành nạn nhân của mạng lưới mại dâm thiếu nhi bên Xứ Chùa Tháp. Một lần nữa, thảm trạng này được nhân chứng là Linh mục Martino từng dấn thân vào những hang ổ tối tăm ở Kampuchia để tìm hiểu và cứu giúp các nạn nhân tuổi nhỏ khốn khổ ấy.

Cả một khu hang ổ do người Việt Nam làm chủ

Trở lại với mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi kỳ này, Linh mục Martino thuật lại chuyến đi Kampuchea cách đây hai tháng với cùng mục đích. Mời quý vị theo dõi sau đây.
LM Martino : Giống như tôi đã nói trong lần trước, cứ mỗi năm tôi lấy ngày nghỉ của mình để đi những chuyến đi như vậy, thì năm nay tôi đi từ giữa tháng 1 cho đến giữa tháng 2, rồi tôi về Việt Nam với những công việc của những tổ chức từ thiện mà tôi cũng là thành viên.
Bên cạnh đó tôi cũng đi Kampuchea và lần này tôi còn dẫn theo một người em họ của tôi từ Việt Nam với hy vọng là sau này người em đó có thể giúp tôi trong những công việc mà chúng tôi đang làm tại Việt Nam cũng như ở Kampuchea.

Thanh Trúc : Và trong chuyến đi này, những địa điểm nào của Kampuchea mà Linh Mục ghé qua ?
LM Martino : Chúng tôi đi về Siem Reap, nơi có ngôi đền nổi tiếng Angkor Wat.

Thanh Trúc : Thưa, chuyến đi này có gì khác những chuyến đi trước ?
LM Martino : Nó khác ở chỗ là trong những lần trước mình vào các động như một người Singapore businessman vào đó để ăn chơi, thì lần này chúng tôi không vào những động do người Kampuchea làm chủ mà trong đó có nuôi những cô gái Việt Nam; lần này tôi và người em họ của tôi vào các động mại dâm do người Việt Nam làm chủ nhan nhãn khắp nơi ở Siem Reap mà ai đi qua đó nguyên cả một khu phố Việt Nam thì đều biết cả.
Nhưng mà chúng tôi lân la vào đó để rồi từ từ chúng tôi mới tìm ra được đường mối đến chỗ nào bán các trẻ em mà thôi. Còn các cô gái qua đó mại dâm thì nhan nhãn khắp nơi, và một cô gái như vậy giá chỉ 5 dôla cho một lần đi khách.
Nhưng khi chúng tôi vào đó thì đó là đầu mối đầu tiên để chúng tôi tìm hiểu những nơi bán các em nhỏ để làm nô lệ tình dục, tức là đây là nơi các bà chủ, các mụ tú bà đều là người Việt cả, và các trẻ em bị bán cho các động bên đó cũng toàn là người Việt Nam.

Những bé gái từ 10 đến 15 tuổi

Thanh Trúc : Dạ vâng. Thưa, câu chuyện diễn tiến như thế nào ?
LM Martino : Lần này chúng tôi vào trong một vai khác. Người em họ của tôi tuy ở Việt Nam nhưng nói tiếng Anh rất là chuẫn, cho nên người em họ của tôi đóng vai một hưóng dẫn viên người Việt dẫn tôi - là một người việt Nam nhưng sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, không biết tiếng Việt, chỉ biết tiếng Anh mà thôi, qua Kampuchea đi chơi.
Và những tú bà bên đó không biết tiếng Anh cho nên người em họ của tôi phải là người thông dịch viên cho tôi. Khi chúng tôi đến thì thực sự câu chuyện rất là dài dòng nhưng tôi cố gắng kể ngắn cùng quý vị.
Chúng tôi đến đó vào ban chiều. Trước hêt tôi muốn người em họ của tôi làm quen với những cảnh đó, bởi vì nếu người em họ của tôi mà chỉ sơ suất một tí thì có thể hai anh em chúng tôi sẽ phải chết. Chiều hôm đó chúng tôi đến một quán cà phê trá hình mà trong đó có những phòng nghỉ.
Chúng tôi đến đó ngồi uống cà phê và lân la hỏi chuyện này nọ để cho người em họ của tôi quen với không khí.
Tối hôm đó khi chúng tôi trở lại thì tôi không muốn cảnh trả giá và tất cả mọi thứ diễn ra ở ngoài bởi vì nó quá lộ liễu, cho nên tôi nói với người em họ của tôi là thông dịch và bảo với họ là cho tất cả các cô gái vào trong một căn phòng.
Khi chúng tôi vào trong phòng đó, bởi vì họ đã biết thông tin từ buổi chiều là tôi chỉ muốn các cô gái nhỏ tuổi mà thôi, thì mụ tú bà bảo là các em nhỏ chưa có tập trung đủ. Bà nói rất rõ là để gọi điện thoại cho nó đã, có đứa thì đang đi chùa, có đứa thì đang ở nhà học bài, khi nào có khách thì mới dẫn tụi nó tới thôi. Thế là bà ta gọi tập trung được khoang 7-8 em, khoảng 14-15 tuổi.
Tôi nói qua người thông dịch là tôi còn muốn các em nhỏ hơn nữa, nhỏ hơn nữa. Cuối cùng một mụ tú bà quay qua đứa con gái của mình và giới thiệu với tôi là nếu tôi không muốn những đứa nhỏ này thì bà ta sẵn sàng bán đứa con gái của bà cho tôi.
Thật sự lúc đó tôi cảm thấy người em họ của tôi không thể chịu đựng được cảnh đó nữa, bởi vì người em họ của tôi không thể tin nổi một người mẹ nhẫn tâm đến độ bán con của mình, trả giá trên thân xác con của mình. Và tôi cảm thấy người em của tôi sắp sửa buông rơi (bỏ cuộc) cho nên tôi đồng ý sẽ không đi với đứa con của bà đó, nhưng đi với những đứa trẻ lớn hơn tức khoảng 14-15 tuổi như vậy để cho đứa em của tôi có thể thoát ra khỏi cảnh tượng đó.

Sẵn sàng bán con gái ruột 11 tuổi cho khách chơi

Thanh Trúc : Linh Mục, ông dựa vào điều gì để có thể đoan chắc rằng em gái nhỏ đó là con của người tú bà ?
LM Martino : Tôi biết được đó là con gái ruột của bà bởi vì chiều hôm đó khi chúng tôi vào để nói chuyện thì bà ta gọi với bé gái là mẹ con, rồi sau này khi chúng tôi trả tiền thì có cho đứa bé đó, mà tôi nghĩ khoảng 11-12 tuổi, vài đồng tiền dư thì nó đưa cho mẹ nó nhưng bà ta bảo là "thôi, mẹ không lấy đâu. Con giữ lấy để mua xoài mà ăn".

Thanh Trúc : Dạ vâng. Rồi sau đó câu chuyện diễn tiến tiếp như thế nào ?
LM Martino : Như quý vị biết là tôi vẫn thuê nhiều em, lý do là để cho các em nói chuyện với nhau giúp tôi hiểu những gì các em nói. Tôi hiểu được 2 em đó, một em 16 tuổi và một em 14 tuổi, cả hai đều đến từ tỉnh An Giang và đã làm trong đường dây này khoảng độ 4 tới 6 năm nay.
Điều này có nghĩa là em 16 tuổi khi vô đó thì em mới 11 tuổi. Đại khái các em không biết tiếng Anh, chỉ biết những từ rất là tục tỉu để dùng trong vấn đề quan hệ thân xác mà thôi. Các em chi biết những cử chỉ đó và ngôn từ đó để nói với khách chớ còn những câu hỏi thì các em thật sự gần như không hiểu tôi nói gì.
Nhưng mà tôi cũng cố gắng hỏi tại sao các em cứ phải ở đây và mỗi lần đi như vậy - lúc đó tôi đồng ý trả cho mỗi em 30 đôla, tức là một giá rất cao.

Thanh Trúc : 30 đôla một em hay là 30 đôla hai em ?
LM Martino : 30 đôla một em. Thì tôi có đặt câu hỏi là hai em sẽ được bao nhiêu, đại khái các em bảo là được 5 đôla sau một lần đi khách với giá 30 đôla như vậy. Nhưng mà giống như tôi đã nói, tôi trả giá cao bởi vì tôi có thể trả xuống thấp hơn nữa nhưng tôi cảm nhận được là người em họ của tôi đã căng thẳng đến mức không thể chịu đựng nổi, cho nên tôi chấp nhận giá đó để cho người em họ của tôi thoát ra.

Thanh Trúc : Tức là Linh Mục ở lại với các em gái nhỏ và người em họ đi ra.
LM Martino : Vâng, đi ra ngoài. Và sau đó thì người em họ của tôi - một con người rất là chín chắn, biết suy nghĩ - cậu ta nói với tôi rằng đó là lần đầu tiên trên đời cậu ta có ý nghĩ muốn giết một người nào đó, tức là cậu ta bị căng thẳng tới tột độ như vậy và không thể chấp nhận những điều đang điễn ra trước mắt mình.

Kampuchia khác Thái Lan và Việt Nam

Thanh Trúc : Thưa LM Martino, từ khi câu chuyện này, người em họ của ông nói riêng, và những người nghe câu chuyện này nói chung, có thể hiểu ra được điều gì?
LM Martino : Khi tôi dẫn em đi qua đó tôi dạy em rất là nhiều để cho em hiểu được. Du khách chúng ta đi chúng ta nhìn thấy như vầy: Dọc hai bên quốc lộ của Kampuchea, những tấm bảng quảng cáo rất là lớn viết như thế này : "Cambodia welcomes Responsible Tourists! Join us to protect children", tức là "Vương quốc Kampuchea hân hoan chào đón du khách có trách nhiệm. Chúng tôi xin mời quý vị hãy cùng với chúng tôi bảo vệ trẻ em". Và họ cho những đường dây hotline, tắc những đường dây có thể gọi bất cứ lúc nào để báo những điều đó.
Tôi chỉ những tấm bảng đó cho người em của tôi và tôi nói "Em nghĩ lý do tại sao người ta phải có những tấm bảng như vậy?"
Rồi hơn nữa, khi chúng tôi đi những quán ba - nếu quý vị từng về Việt Nam quý vị biết khi qua khu Phạm Ngũ Lão, khu phố Tây, những quán ba, những người nước ngoài họ rất là nhiều, nhưng mà quý vị sẽ để ý là những người nước ngoài đi qua Việt Nam, đặc biệt là những người lớn tuổi (50-60 tuổi) và là người da trắng, họ thường đi du lịch cả vợ chồng.
Tôi chỉ cho người em họ của tôi và hỏi là có bao giờ em đặt câu hỏi khi em đi ngoài đường ở Kampuchea, ở Phnom Penh cũng như ở Siem Reap, đặc biệt vô những quán ba, có bao giờ em nhìn thấy là 9 trên 10 người là những người đàn ông 60-70-80 tuổi đi du lịch bên đây một mình.
Và khi chúng tôi nói chuyện với họ thì họ luôn luôn bảo là họ qua bên này ở cả mấy tháng, nhiều khi họ ở cả năm. Tôi đặt câu hỏi cho người em của tôi là em có nghĩ tại sao những người đàn ông già cả như vậy mà qua Kampuchea và ở lại không? Và tại sao họ không đi du lịch với vợ, với con của họ? Họ qua đây chỉ mỗi mục địch là tìm những đứa trẻ để ăn ở và sống với những đứa trẻ đó.

Thanh Trúc : Thưa LM Martino, theo như Linh Mục thì vấn đề du khách đến Kampuchea để tìm kiếm và gần gũi với những dứa trẻ làm nghề mại dâm, thì ở Kampuchea cái tình trạng đó tệ hại hơn so với Việt Nam ?
LM Martino : Thực sự chúng ta là những người lớn, chúng ta nghe đài đều hiểu Thái Lan được biết đến như là thiên đường của tình dục, nhưng mà hầu hết những người qua Thái Lan là những người đã lớn tuổi, tức là những cô gái điếm tuổi đã lớn rồi. Còn qua Kampuchea thì hầu hết họ đến đó, nói thật với quý vị là họ tìm những đứa bé. Có những em giống như quý vị đã từng nhìn thấy qua video, nó chỉ 5 hay 7 tuổi, thân thể các em chưa phát triển. Ở Kampuchea thì chuyện đó nhan nhãn khắp nơi. Dĩ nhiên là chính phủ lâu lâu cũng phải bắt một vụ để cho có tiếng như vặy, nhưng mà thực sự phải nói là vô cùng đau lòng, thưa quý vị, và nó rất là kinh hoàng. Tôi biết là ở Việt Nam cũng có nhưng thực sự nó rất là kín đáo và là số ít nếu so với Kampuchea..
Cách đây 3-4 tuần tôi có đọc được một thống kê của hội bảo vệ nhân quyền của chính phủ Hoa Kỳ, họ bảo là 3/5 người đàn ông da trắng đến Kampuchea chủ yếu là để tìm tình dục nơi các trẻ em. Đó là con số của cơ quan nhân quyền của chính phủ Hoa Kỳ đưa ra.

Như hạt cát trên biển

Thanh Trúc : Thế thì, theo như lời Linh Mục nói, ở Việt Nam tuy là kín đáo, tuy là ít hơn Kampuchea, nhưng vấn đề sờ sờ trước mắt là ở ngay Kampuchea, ở Siem Reap hay ở Phnom Penh, thì các bé gái chung đụng với khách ngoại quốc đến mua dâm lại là những bé gái Việt Nam. Vậy vấn đề đó vẫn xảy ra và vẫn liên quan đến Việt Nam ?
LM Martino : Thực sự đó là một nỗi đau vô cùng bởi vì trong những động của người Kampuchea làm chủ gái Việt đôi lúc có thể nói là chấp nhận được, hiểu được, bởi vì họ không cùng một dòng máu, họ không cũng một ngôn ngữ, họ không chung một con rồng cháu tiên của mình.
Nhưng lần này chúng tôi qua đó thì là cảnh người Việt làm chủ người Việt. Tôi là một người Công Giáo, nhất là một linh mục Công Giáo, tôi không thể đồng ý với tình trạng nô lệ tình dục, buôn bán tình dục, dù cho những người đó là những người lớn, huống hồ đây là những đứa nhỏ. Nó đau lòng lắm, thưa quý vị.
Khi vô trong đó, khi nghe tiếng Việt là ngôn ngữ chính, các em không biết tiếng Kam, tức tiếng Kampuchea mà bên đó người ta gọi là tiếng Kam. Điều đó chứng minh cho tôi biết những em này không phải được sinh ra và lớn lên ở Kampuchea, mà những em này là những em bị đưa từ Việt Nam qua Kampuchea, bởi vì chúng tôi cũng có ghé thăm những ngôi nhà Việt Nam bên đó cùng với những tổ chức làm từ thiện thì chúng tôi thấy nếu các em sinh ra và lớn lên ở Kampuchea thì ít nhất các em còn biết tiếng Kam và tiếng Kam là ngôn ngữ chính. Nhưng mà những em này lại không biết nói tiếng Kam, có nghĩa là đa số các em đó bị đưa qua từ Việt Nam.

Thanh Trúc : Chuyện này đã xảy ra từ cả hai thập niên nay, nhiều người đã nói tới. Có một điều gì trước mắt, có phải đó là sự tuyệt vọng ?
LM Martino : Nếu dùng chữ tuyệt vọng thì có thể nó hơi quá, nhưng mà cũng chính đôi lúc tôi và những người bạn đã từng làm bao nhiêu năm nay bảo là không biết con đường mình sẽ đi đâu. Có nhiều người đã đặt câu hỏi với tôi là "Cha ơi, cha làm như vậy, chứ sẽ cứu được bao nhiêu người?"
Có những lúc tôi muốn buông rơi tất cả, bởi vì tôi cảm thấy những cái gì mình bỏ vào đó thì nó vô cùng nhỏ nhoi. Nhưng rồi tôi lại nghĩ công việc chúng tôi làm thì ít nhất chúng tôi cứu được một người, và nếu đếm trên con số trong 8 năm nay thì chúng tôi và những người bạn đã làm, chúng tôi đã cứu được cũng vài chục người rồi. Vừa rồi tôi đi về Kampuchea và tôi đã đứng ra chủ hôn cho một cô gái mà chúng tôi đã cứu ra.
Nếu dựa trên con số các em bị bán vô với con số chúng ta cứu thoát thì có thể gọi là như một hạt cát trên bãi biển. Đó là điều chúng tôi muốn nói cho quý vị biết chúng ta là những người nghe đài, những người đọc được những điều này thì chúng ta phải có trách nhiệm nói lên tiếng nói cho các em để cho những kẻ có dự định làm những điều vô trách nhiệm đó họ biết được rằng chúng ta đang bảo vệ các em và chúng ta là những người có trách nhiệm. Chúng ta sẽ làm điều đó.

Thanh Trúc : Quý thính giả vừa nghe câu chuyện thật về tệ nạn mại dâm thiếu nhi ở Kampuchea mà đa số nạn nhân là các em gái Việt Nam trong độ tuổi cắp sách đến trường bậc tiểu học.
Mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi tạm dừng ở đây. Thanh Trúc sẽ trờ lại cũng quý vị vào tối Thứ Năm tuần tới



No comments: