Sự dối trá trên học đường
http://danluan.org/node/884#comment-form
Những chuyện như thế này diễn ra ngay trước mắt thế hệ trẻ của Việt Nam, thì bảo sao chúng không nói dối?
Nguồn: http://www.dcctvn.net/news.php?id=2662
Tôi xin kể lại một chuyện có thật trong trường tôi xảy ra vừa qua.
Thứ hai ngày 16/3/2009, trường tôi - một trường PTCS cấp 2 khá nổi tiếng trong thành phố - có tồ chức một buổi giao lưu đánh bóng chuyền với đội học sinh cấp 2 Singapore.
Nhìn các em học sinh mình ráo riết tập luyện, tôi thầm nghĩ đến một buổi đấu giao lưu hết sức hào hứng.
Buổi ra chơi hôm ấy, tôi xuống sân trường để theo dõi trận thi đấu. Dĩ nhiên với quán tính tự nhiên, tôi hướng mắt nhìn về đội trường bạn: các em học sinh Singapore trẻ trung, hồn nhiên, vô tư thi đấu, các thầy cô Singapore ngồi quan sát theo dõi dọc 2 bên bờ tường. Nhìn các em đập bóng tôi thấy được rõ sự nhanh nhẹn và tự tin của các em và thầm cảm phục trường bạn.
Rồi đến khi đưa mắt hướng nhìn về đội nhà, tôi mới sững sờ khi thấy trong hàng ngũ đội bóng có 3 khuôn mặt vô cùng quen thuộc - một là anh bảo vệ của trường, hai là thầy phụ trách thiết bị điện tử của trường và ba là thầy tồng phụ trách đội - cả ba đã trà trộn vào đội bóng của học sinh để tiếp tay thi đấu (nhờ sắc vóc nhỏ nhoi vừa vặn với các em học sinh nên đội bạn không hề hay biết). Tôi càng kinh ngạc hơn khi thấy có cả thầy Hiệu trưởng cũng đang ở trong sân theo dõi trận thi đấu ngay cạnh khung thành. Như vậy Thầy hoàn toàn biết có sự dối trá khi đưa người lớn vào đấu thay vị trí của học sinh mà Thầy vẫn làm ngơ.
Tôi thật sự bị sốc vì thấy cảnh này, nhìn các em học sinh Singapore hồn nhiên thi đấu, tôi cảm thấy xấu hổ và nhục nhã thay cho người Việt Nam. Ngay cả trong học đường là nơi dạy dỗ học sinh sự thành thật, không gian lận dối trá mà chính người lớn lại bày trò dối trá trước mặt học sinh.
Hôm sau khi vào lớp học, vừa cho học trò ngồi xuống sau khi thủ tục thầy trò chào nhau đầu giờ đã xong, các em đã vội vã hỏi ngay tôi một câu: Cô có xem trận đấu bóng hôm qua không? Trời ơi, cô ơi, nhục ơi là nhục. Tôi giả vờ như không biết mới hỏi lại: tụi con nói nhục cái gì vậy? - Thì cô không thấy có mấy thầy và chú bảo vệ trà trộn vô đội hình thi đấu của trường minh đó sao?
Đến nước này thì tôi không còn biết phải giải thích với các em ra sao nên đành đánh trống lãng bằng việc lôi các em vào bài học mới để các em không bức xúc về việc gian xảo trong thi đấu nữa.
Xã hội có quá nhiều dối trá, sự thật không còn được tôn trọng, học đường cũng chỉ là chạy theo thành tích cho dù phải dẫm đạp lên sự thật.
Không biết đến bao giờ, con người mới thôi sự lọc lừa, gian trá.
Cầu xin cho sự thật được ngự trị trên khắp quê hương Việt Nam.
Một cô giáo
Ý kiến độc giả :
Re: Sự dối trá trên học đường
Một lần khác, cô cho tả về ông bà. Ông bà nội, ngoại của bé không sống chung với bé mà đều ở xa, thỉnh thoảng mới đến thăm bé vài ngày. Bé chọn tả về ông bà ngoại và viết như thế này:
Ông bà ngoại rất thương yêu em. Ông ngoại lúc còn trẻ dạy tiếng Pháp, nay ông già rồi, ông ở nhà với bà ngoại. Bà ngoại hay mua quà bánh, rồi đưa cho ông ngoại chuyền qua thành phố cho em. Em yêu quí ông bà ngoại đến hết cuộc đời này.
Nhưng khi nộp cô giáo, cô sửa lại trong bài văn của bé như thế này: Ông bà ngoại em sống chung với em trong một nhà, ông bà già rồi. Ông bà rất thương yêu em. Bà em thì thường mua quà bánh cho em, còn ông thì mỗi tối thường dạy em học bài. Em kính trọng ông bà em.
Cầm bài văn về nhà, bé hỏi: Kính trọng có bằng yêu hết cuộc đời không mẹ? và con nói với cô ông ngoại đâu có dạy con học mỗi tối, nhưng cô bảo cứ ghi như vậy!
Lần khác, khi vào những tháng cao điểm cả nước dấy lên tinh thần chống lụt bão. Cô giáo bắt làm một bài văn với hình thức viết thư hỏi thăm ông bà khi quê ông bà bị bão lụt. Khổ nỗi, ông bà nội của bé thì ở SG, ông bà ngoại của bé thì cũng không xa SG mấy, làm gì có bão...! Mà bé mới học lớp 2,lại ở SG thì biết gì về bão lụt! Thật khổ cho các bé! Không biết cái này là dạy bé gian dối hay được xem là kích thích trí tưởng tượng của bé!
Thấy con học, mà xót cả dạ, cứ như là "biết trước tương lai"!
Re: Sự dối trá trên học đường
Ở nhà có bé con học lớp 2. Có một bài tập làm văn trong lớp tả về con vật nuôi trong nhà. Vì ở nhà chỉ có nuôi một con bọ (giống chuột) mà cũng đã chết, nên bé đã tả con bọ và lòng tiếc thương như thế này:
Ba mua cho em một con chuột trắng toát, mình có đốm nâu, 2 mắt nhỏ xíu như hạt tiêu không bao giờ thấy nhắm. Con chuột ăn rất nhiều và ị rất nhiều khiến mẹ mình phải tắm cho nó rất cực. Nhưng vì em vọc nó hoài nên nó đã chết.
Chuột ơi, mình rất yêu cậu, mình xin lỗi cậu, lên trời cho tớ gặp may nhé. Tớ rất hối hận vì tớ thấy cậu dễ thương nên tớ đã vọc cậu. Tớ thật lòng xin lỗi, tớ rất buồn, xin lỗi, tớ sẽ không bao giờ vọc một con chuột nào nữa.
Khi nộp bài, cô giáo gửi trả lại, không một lời hướng dẫn, chỉ phán: không được tả chuột, mà chỉ được tả chó, mèo!!! Khổ nổi, nhà đâu có nuôi chó mèo mà bé nó có tình cảm được. Cuối cùng, cô có một bài văn mẫu tả con mèo đọc cho cả lớp ghi chép!
Còn bài chuột của bé, mẹ bé đành cho bé chép lại vào tập ở nhà để dành làm kỷ niệm.
Re: Sự dối trá trên học đường
Chuyện có thật 100% xảy ra giữa tháng 3 năm 2009
Học sinh lớp 4A trường tiểu học Trần Hưng Đạo thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi, là trường tiểu học tốt nhất của tỉnh, được học về "Anh Đuốc Sống Lê Văn Tám"
Bài học của các cháu đã viết: http://danluan.org/files/u2/anhtamduocsong.jpg
Lê Văn Tám là con một gia đình nghèo, quê ở ĐaCao, Sài Gòn. Cảnh nhà túng thiếu Tám phải đi rong các phố bán lạc rang, Tám thường đi lân la tới một kho xăng, kho đạn của giặc. Căm thù giặc sôi sục, Tám tự đốt thân mình để làm cây đuốt sống, ngọn lửa bùng lên rồi tiếng nổ rền vang, kho đạn của giặc bị tiêu hủy hoàn toàn. Sau này đồng bào Sài Gòn và nhân dân cả nước nhắc tới gương oanh liệt hi sinh vì đất nước, vì dân tộc của Lê Văn Tám, đều quen gọi người thiếu niên anh hùng dũng ấy là "Anh Đuốc Sống".
Tôi hỏi các cháu học trường nào, các cháu rất ngoan "Dạ, cháu học trường Tiểu học Trần Hưng Đạo", tôi hỏi: "Trần Hưng Đạo là ai?", thì tất cả các cháu đều không biết.
(Cũng nói thêm chỗ này: Trường tiểu học Trần Hưng Đạo gần với trường trung học Trần Quốc Tuấn, nhưng nhiều tú tài tương lai rất tự tin cho rằng Trần Quốc Tuấn và Trần Hưng Đạo là hai anh em, Trần Quốc Tuấn là anh nên đặt tên trường cấp 3 còn Trần Hưng Đạo là em nên đặt tên trường cấp 1, cấp 2)
Lời ngỏ
Kính gửi - Các nhà hoạch định quốc sách giáo dục cho Việt Nam; - Các nhà sử học có lương tri. Hãy xem xét nghiêm túc bài lịch sử học thuộc lòng của học sinh lớp Bốn, với 115 từ không phải là ngắn này đã để lại cho các cháu những ấn tượng vào đời như thế nào? Đó là:
Sự dối trá: học thuộc lòng và kể về một nhân vật lịch sử ảo được tạo ra từ sự hoang tưởng; phải chăng sự dối trá được giáo dục trở thành bản năng để tương lai điều hành đất nước.
Lòng thù hận: căm thù giặc sâu sắt đến mức chấp nhận tự hủy hoại thân thể.
Phản khoa học: một thiếu niên tự đốt thân mình lao vào đốt kho xăng, kho đạn, phủ nhận bản năng sống và các phản xạ sinh học.
Tính kiêu ngạo dốt nát: một thiếu niên vẫn dễ dàng đốt kho xăng kho đạn của giặc chỉ với lòng căm thù.
Bản chất hèn nhát: không dám dạy cho các em về tấm gương chống phương Bắc xâm lược là Đức Thánh Trần, đến nổi các em không biết Trần Hưng Đạo là ai.
Lịch sử bất công: giáo dục các cháu căm thù đế quốc phương Tây, không nhắc nhở các cháu cảnh giác láng giềng phương Đông. Trong khi kẻ thù phương Đông lúc nào cũng muốn "nuốt sống" nước ta trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc.
v.v...Đỗ Mai Lộc
No comments:
Post a Comment