Tuesday, April 7, 2009

PHÁT TRIỂN TÂY NGUYÊN XANH

Phát triển Tây Nguyên xanh
8:32 AM, 04/12/2008
http://baodaidoanket.net/ddk/mdNews.ddk?id=12077
Đại dự án khai thác và chế biến quặng nhôm (bauxite) ở Tây Nguyên đang bắt đầu triển khai được các nhà chuyên môn đánh giá là đi theo một quy trình ngược. Về lâu dài, dự án này lấp ló một “vedan” khổng lồ đe doạ nghiêm trọng môi trường sinh thái toàn diện.

Tại một cuộc hội thảo khoa học tổ chức ở Đắc Nông cuối tháng 10-2008, hầu hết các nhà khoa học đều phản đối kế hoạch khai thác bauxite ở Tây Nguyên và cảnh báo dự án này còn quá nhiều rủi ro không tính hết được cũng như còn quá nhiều bất cập chưa được tính đến. Quyết định khai thác bauxite ở Tây Nguyên không được cân nhắc theo 6 yếu tố đã được đúc kết từ kinh nghiệm khai thác bauxite trên thế giới (có nguồn điện dồi dào; có nguồn nước dồi dào; vị trí và địa thế thuận lợi để giải quyết vấn đề môi trường như nước thải và bùn đỏ; có khả năng giảm đến mức thấp nhất chi phí vận tải; có trữ lượng dồi dào; có nguồn lao động rẻ). Chủ trương tiến hành khai thác bauxite Tây Nguyên chủ yếu chỉ dựa vào 2 yếu tố cuối cùng có tầm quan trọng thấp nhất: trữ lượng dồi dào và có nguồn lao động rẻ. Bốn yếu tố đầu quan trọng hơn và thực sự là những yếu tố quyết định thì lại bị bỏ qua. Kết cấu hạ tầng phải có cho khai thác không được xây dựng trước khi tiến hành việc khai thác và sơ chế quặng. Các kế hoạch giải quyết vấn đề an sinh xã hội có liên quan tới toàn vùng Tây Nguyên hầu như chưa có hoặc chỉ mới... nghĩ đến!

Theo các nhà khoa học, nếu thực hiện theo dự án, toàn bộ vùng Tây Nguyên trở thành nguồn cung cấp nguyên liệu cho các “đại gia” ở nước ngoài cho tới cuối thế kỷ này. Trong khi, Tây Nguyên phải trả giá rất đắt về sinh thái, môi trường và các vấn đề xã hội thì ngành công nghiệp nhôm của Việt Nam vẫn chỉ là con số không.

Là một quốc gia đất chật người đông, lại là nước đi sau trong khu vực đang phát triển năng động và cạnh tranh nhất hành tinh, các nhà khoa học cho rằng kinh tế Việt Nam chỉ có thể phát triển dựa trên sự phát huy nguồn lực con người và tìm cách làm ra ngày càng nhiều của cải hơn trên đất mà mình đang sống.
Trên đất, chứ không phải đào dưới đất, không phải là khai thác tài nguyên khoáng sản, lấy tài nguyên không tái tạo được đem đi bán và bán đi cả môi trường tự nhiên, cả không gian sinh sống.

Đã có nhiều tài liệu nói về tiềm năng kinh tế to lớn của Tây Nguyên cũng như tầm quan trọng đặc biệt của nó đối với an ninh quốc phòng của cả nước. Các nhà khoa học, cũng như các nhà nghiên cứu về văn hoá Tây Nguyên đều cho rằng phát triển một Tây Nguyên Xanh sẽ là xu hướng thích hợp nhất cho việc phát huy các tiềm năng của Tây Nguyên, tạo khả năng phát triển bền vững và gìn giữ môi trường, gìn giữ nguồn nước. Điều đó không những không thể thiếu được để nuôi sống con người và tự nhiên toàn vùng mà còn có lợi cho các vùng xung quanh, riêng phía Nam xuống tận đến vùng miền Đông Nam Bộ là một khu vực phát triển mạnh nhất của nước ta hiện nay. Các nhà nghiên cứu cũng cảnh báo rằng, hiện ta vẫn chưa có một chiến lược phát triển Tây Nguyên được xây dựng theo hướng đi của thời đại, trên cơ sở những thành tựu khoa học và công nghệ mới nhất của văn minh nhân loại, cũng như trên cơ sở nhận thức đầy đủ những nguy cơ mới của biến đổi khí hậu và môi trường, những thách thức và cơ hội của hội nhập vào nền kinh tế thế giới đầy biến động.

Với vị trí đặc thù và tầm quan trọng chiến lược, việc phát triển Tây Nguyên lẽ ra phải là nhiệm vụ của cả nước, phải do Trung ương trực tiếp chỉ đạo điều hành, phân cấp cho địa phương cũng phải trong khuôn khổ chiến lược phát triển do Trung ương xây dựng. Không thể “khoán trắng” Tây Nguyên cho một tỉnh, một ngành, một tập đoàn bị chi phối bởi tư tưởng “nhiệm kỳ”, “GDP tỉnh”, hay “lợi ích nhóm”...
Ngày 5- 11-2008, các nhà khoa học đã có thư gửi lãnh đạo Đảng và Nhà nước đề nghị tạm dừng khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Họ hy vọng sau vụ Vedan, Chính phủ đã quyết liệt hơn trong việc ngăn chặn những vi phạm mới, không vì lợi ích trước mắt mà hy sinh môi trường. Mới đây, Chính phủ đã từ chối một dự án thép trị giá 4 - 5 tỷ USD để bảo vệ môi trường ở vịnh Vân Phong. Mong rằng tinh thần này sẽ tiếp tục được vận dụng cho đại dự án bauxite ở Tây Nguyên.
Hữu Nguyên

No comments: