Wednesday, April 1, 2009

PHẠM QUANG TUẤN GÓP Ý TRƯƠNG NHÂN TUẤN VỀ BIỂN ĐÔNG

Góp ý cùng ông Trương Nhân Tuấn về giải pháp cho Biển Đông

Phạm Quang Tuấn

01/04/2009 9:15 chiều

http://www.talawas.org/?p=2000

bài của ông Trương Nhân Tuấn khá dài và tranh luận rất nhiều điểm trong bài của tôi, nên tôi xin theo thứ tự trích dẫn từng điểm mà phản hồi để độc giả không cần dở qua dở lại. Phải trích dẫn nguyên văn vì nếu không sẽ bị buộc tội là trích dẫn sai! Cuối cùng tôi sẽ vắn tắt so sánh hai giải pháp của Dương Danh Huy và Trương Nhân Tuấn.

*

Trương Nhân Tuấn viết: Về «giải pháp Biển Đông» của ông Huy, đáng lẽ phải gọi lại cho đúng là «giải pháp Biển Đông» của Mark Valencia, là một vụ «cầm nhầm» thật đáng tiếc.

Xin trả lời: Có cầm nhầm hay không xin để Dương Danh Huy trả lời, tôi không quan tâm ai nghĩ ra giải pháp mà chỉ quan tâm xem nó có phải là một giải pháp tốt hay không.

*

Trương Nhân Tuấn viết: Ta thấy các đảo đang trong vòng tranh chấp thuộc HS và TS đều thuộc về Việt Nam và Việt Nam có đủ bằng chứng lịch sử và pháp lý để chứng minh chủ quyền của mình.

Xin trả lời: Là một người Việt Nam, dĩ nhiên tôi đồng ý điểm này! Vấn đề là khi đem ra Liên Hiệp Quốc hay tòa án quốc tế thì ai thắng, ai có luật sư giỏi, ai có nhiều ảnh hưởng việc chọn quan tòa, ai có nhiều đồng minh và nhiều trọng lượng kinh tế, và giả hoặc nếu Trung Quốc thấy là Việt Nam hay ai khác có thể thắng thì họ có chịu đem ra xử không? Lối “hành xử nước lớn” này ta thấy thường xuyên, không những ở Trung Quốc mà ngay ở Mỹ (không chấp nhận tòa án Tội ác Chiến tranh Thế giới, không ký Luật Biển LHQ, v.v.).

*

Trương Nhân Tuấn viết: Ông Phạm Quang Tuấn viết thế này: «Xin để ý là nhóm Dương Danh Huy không hề nói là đem Hoàng Sa, Trường Sa ‘dâng’ cho Trung Quốc hay ai khác cả như Trương Nhân Tuấn đã viết. Trái lại, họ luôn luôn nhấn mạnh là Việt Nam vẫn phải bảo vệ chủ quyền ở Trường Sa, Hoàng Sa, chỉ nói là việc phân chia Biển Đông cần làm trước hoặc làm song song.» Đúng vậy, trong bài «Giải pháp Biển Đông», ông Huy không dọn sân để nhà nước CS Việt Nam cống HS và TS cho Trung Quốc, mà ở đây ông Huy chỉ nhiễm phải «bùa» Mark Valencia, chỉ dọn sân cho Phi Luật Tân vào hưởng các đảo TS của Việt Nam (và hải phận phải có của chúng). Nhưng trong bài «Chủ quyền của Việt Nam tại bãi Tu Chính - Vũng Mây và vùng trũng Nam Côn Sơn» mà ông Phạm Quang Tuấn vì lý do kỹ thuật nên không nói tới, ông Huy rõ ràng dọn sân cho nhà nước cống TS cho Tàu.

Xin trả lời: Có lẽ ông Trương Nhân Tuấn muốn nói về bài “Chủ quyền của Việt Nam ở vùng Nam Côn Sơn, Tu Chính - Vũng Mây” của Dương Danh Huy và Lê Minh Phiếu chăng? Bài đó nói rằng vùng NCS-TC-VM chắc chắn là thuộc về Việt Nam, không có dính dáng gì đến cuộc tranh chấp Trường Sa. Tức là, nhóm Dương Danh Huy muốn đánh một hồi chuông cảnh báo cho dân chúng Việt Nam biết cái dã tâm của Trung Quốc đang dùng tranh chấp Trường Sa làm cái cớ để mở một “mặt trận mới” (đây chính là cái mặt trận “lưỡi bò” mà ông Trương Nhân Tuấn lầm tưởng chỉ là “hỏa mù có công dụng đánh lạc hướng Việt Nam”). Một bài viết như vậy, mà ông Trương Nhân Tuấn gọi là “dọn sân cho nhà nước cống TS cho Tàu” thì đúng là phỉ báng và chụp mũ thô bạo.

*

Trương Nhân Tuấn viết: “Ông Phạm Quang Tuấn viết thế này: «Chỉ trong vòng 30 năm nữa, Trung Quốc sẽ trở thành siêu cường, kể cả trên mặt biển»… «Đánh nhau trên biển không phải như trên đất liền mà có thể dùng ‘tiêu thổ kháng chiến’, ‘du kích chiến’, ‘đường mòn Hồ Chí Minh’, ‘địa đạo Củ Chi’, ‘bẫy cọp’ hay chỉ dựa vào lòng yêu nước và can đảm hy sinh…» «30 năm nữa, ngay cả Mỹ cũng sẽ không còn đủ sức và nhất là đủ ý chí để đè nén tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông»… «Vì vậy, dùng sức mạnh đối với Trung Quốc hay ỷ vào sức mạnh của Mỹ để đòi lại Hoàng Sa và chiếm lại hết Trường Sa là điều hoàn toàn không tưởng đối với Việt Nam, và mỗi năm lại càng thêm không tưởng. Việt Nam chỉ có thể dùng luật pháp và ngoại giao, và đó là giải pháp của Dương Danh Huy đề nghị.» Lý luận này không khác lý luận của ông Dương Danh Huy khi so sánh Việt Nam với Gruzia trong bài dẫn trên. Tôi nghĩ các lý luận này phản ảnh tâm trạng sợ sệt, như tâm trạng của nhà nước CSViệt Nam hiện nay, nhưng nó không có căn cứ. Lối phân tích vấn đề Trung Quốc của ông Phạm Quang Tuấn rất phiến diện và sai lầm. Ông chỉ thấy bề mặt mà không thấy bề trong, bề sâu, tức về những mâu thuẫn nội tại, những bất an của xã hội Trung Quốc. Trung Quốc có quá nhiều yếu điểm để có thể sụp đổ một cách bất ngờ. Các vấn đề này không thể chỉ nói suông mà cần có luận cứ, dữ kiện xác đáng, không thể viết trong bài này. Tôi chỉ đặt một câu hỏi để suy nghĩ: Trung Quốc sẽ ra sao sau cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay?

Xin trả lời: Việc gì cũng có thể xảy ra, và Trung Quốc cũng có thể không bao giờ trở thành siêu cường. Tuy nhiên, không nước nào, cơ quan nào hay nhà nghiên cứu (thứ thiệt) nào cho rằng việc đó có xác suất cao, và không nước nào hay tổ chức quốc tế nào hoạch định chính sách lâu dài của họ theo giả thiết “Trung Quốc sẽ không trở thành siêu cường”. Bất cứ giải pháp nào dựa trên giả thiết đó nên cho ngay vào sọt rác vì chỉ là một loại “tự sướng”, theo lời Trương Nhân Tuấn.

*

Trương Nhân Tuấn viết: Và đương nhiên không ai ngu xuẩn đề nghị một phương pháp đương đầu với Trung Quốc, nhưng cho kẻ thù thấy mình khiếp nhược là một việc phải tránh bằng mọi cách.

Xin trả lời: Liên kết các nước nhỏ để chống nước lớn, đó là một kế sách ngàn xưa, từ thời Tô Tần và trước nữa, không phải là tỏ sự khiếp nhược mà là tỏ sự khôn ngoan.

*

Trương Nhân Tuấn viết: “Trong khi đó, theo lý luận thuần lý, muốn giải quyết vấn đề Biển Đông, tức phân chia hải phận Biển Đông, trước tiên phải giải quyết chủ quyền HS và TS, vì theo Luật Biển các đảo ở đây cũng có hải phận riêng của nó.”

Xin trả lời: Như tôi đã chỉ ra trong bài trước, Luật Biển nói không rõ và do đó tầm cỡ hải phận của các đảo (12 hải lý hay 200 hải lý) là một vấn đề chỉ có thể giải quyết bằng thương thuyết. Mà nếu theo phương cách thương thuyết này thì các nước nhỏ như Việt Nam lại càng cần liên minh để có thế khi tranh cãi với Trung Quốc.

*

Trương Nhân Tuấn viết: Không thể phân định hải phận Biển Đông nếu không giải quyết vấn đề chủ quyền HS và TS. Chỉ có giải pháp này, Việt Nam mới bảo toàn được quyền lợi của mình. Đây là chủ trương của tôi cũng như nhiều học giả khác của Việt Nam và quốc tế.

Xin trả lời: Giải pháp này dĩ nhiên là tốt nhất cho Việt Nam nếu thực hiện được. Nó cũng có thể dẫn đến việc Việt Nam mất hết quyền lợi vào tay Trung Quốc, nếu Việt Nam khăng khăng chống lại Trung Quốc và tất cả các nước khác trong vùng. Có thể gọi là giải pháp Lotto, nhưng chơi Lotto có nhiều hy vọng thắng hơn.

*

Trương Nhân Tuấn viết: Đảng CS Việt Nam đặt quyền lợi đảng phái, cá nhân trên quyền lợi đất nước. Để giảm thiểu mất mát, họ chủ trương các đảo HS và TS chỉ có 12 hải lý lãnh hải mà không có ZEE 200 hải lý.

Xin trả lời: EEZ 200 hải lý của HS-TS chưa bao giờ được ai chính thức chấp nhận, trừ Trung Quốc. Thực tế thì Trung Quốc đã chiếm HS và rất khó đòi lại được. Vậy, cổ võ cho HS có EEZ như Trương Nhân Tuấn chính là trực tiếp tiếp tay cho Trung Quốc, ít ra là trong lúc này. Mà khi họ đã được EEZ 200 hải lý thì đừng hòng họ nhả ra!

*

Trương Nhân Tuấn viết: Về công hàm của ông Phạm Văn Đồng… [Khi Trương Nhân Tuấn nói về Phạm Văn Đồng thì quả thật là unstoppable, nên xin miễn trích hết mà chỉ tóm tắt. Ý chính của Trương Nhân Tuấn là: công hàm Phạm Văn Đồng có giá trị pháp lý, điều đó hoàn toàn không thể chối cãi được. Giải pháp của Trương Nhân Tuấn là:] Nhà nước CSVN bỏ tên nước, đặt lại tên nước… thay đổi quốc kỳ, quốc ca, hiến pháp… thay đổi tất cả những gì dính líu đến VNDCCH và CHXHCN Việt Nam để lập một nền cộng hòa mới, tổ chức bầu cử tự do, lập chính quyền thực sự của dân, do dân và vì dân; đoạn tuyệt với quá khứ sai lầm của VNDCCH. Nhà nước mới, trên nền tảng dân chủ, thảo luận về một bộ luật «hòa giải dân tộc», trong đó qui định phương cách phục hồi danh dự cũng như việc đền bồi xứng đáng cho các thành phần quân nhân công chức VNCH nạn nhân của chính sách học tập cải tạo. Lập ra điều luật cấm sử dụng tiếng «ngụy» đối với những người thuộc chế độ cũ. Đền bồi cho các nạn nhân do cải tạo công thuơng nghiệp, đánh tư sản mại bản, kinh tế mới; làm luật phục hồi danh dự (cho người quá vãng) và đền bồi tương xứng cho nạn nhân của cộng sản như vụ Cải cách Ruộng đất, Nhân văn - Giai phẩm, vụ án «xét lại chống Đảng» v.v… Nếu những người này đã mất thì đền bồi cho con cháu của họ. Cho tu bổ các nghĩa trang liệt sĩ, không phân biệt Nam Bắc, dân tộc Kinh, Thuợng, không phân biệt cuộc chiến 1975, 1979 hay cuộc chiến với Campuchia v.v… Đứng trên quan điểm đó, một nước Việt Nam mới, dân chủ, hoàn toàn đủ tư cách và tính chính thống, long trọng tuyên bố trước cộng đồng thế giới kế thừa di sản VNCH. Trên căn bản như thế Việt Nam đương nhiên có chủ quyền tại HS và TS, như VNCH, từ đó làm căn bản giải quyết các tranh chấp chủ quyền HS và TS bằng một trọng tài quốc tế, sau đó phân định hải phận Biển Đông với các nước khác. Trên tinh thần đó, với sự hưởng ứng của toàn khối dân tộc, Việt Nam sẽ đứng ở thế mạnh, hay ở thế không ai có thể bắt nạt, toàn dân một lòng chắc chắn đủ khả năng để tự bảo vệ lãnh thổ và lãnh hải của tổ tiên để lại.

Xin trả lời: Giải pháp này nghe sướng quá! Tôi hy vọng Đảng Cộng sản nghe theo. Còn nếu họ không nghe, thì lại… tự sướng nữa rồi! Tuy nhiên, giải pháp này không giải quyết được gì cả về cái công hàm Phạm Văn Đồng, bởi vì:

- Nếu nước Việt Nam mới tuyên bố thừa hưởng di sản VNCH thì có thừa hưởng từ vĩ tuyến 17 trở ra không? Chắc là không rồi vì VNCH đâu có phải là chủ miền đó! Còn nếu đã chấp nhận miền Bắc là lãnh thổ của mình, thì phải kế thừa những hiệp định, thỏa thuận của các chính quyền miền Bắc trước đó.

- Nếu chính “nhà nước CSVN bỏ tên nước, đặt lại tên nước”, v.v. như Trương Nhân Tuấn đề nghị, thì hóa ra là một cuộc thay đổi chính thể một cách hòa bình rồi, đâu có cớ gì để tuyên bố là không kế thừa?

- Việc thay đổi chính thể là chuyện nội bộ, không ảnh hưởng đến các thỏa thuận lãnh thổ với ngoại quốc. Chẳng hạn, khi Quốc dân Đảng, rồi Đảng Cộng sản chiếm được Trung Quốc bằng võ lực, hai chính thể này vẫn phải tôn trọng chủ quyền của Anh và Bồ ở Hongkong và Macao dù rằng những hiệp ước về hai nhượng địa này được ký bởi chính quyền quân chủ mà họ đã lật đổ. Họ phải thương lượng những hiệp ước mới để lấy lại Hongkong và Macao chứ không chỉ giản dị quyên bố “không kế thừa chế độ quân chủ” là xong!

- Một tiền lệ là Guantanamo Bay: đây là một vùng đất nằm kè kè ngay trên đất nước Cuba, rõ ràng là đất của Cuba chứ không phải chỉ là một hòn đảo xa xăm ngoài khơi như HS-TS. Khi Castro làm cách mạng thành công, ông ta tuyên bố không công nhận hiệp ước cũ và đòi đuổi Mỹ ra khỏi Guantanamo (giống như cách làm của nước Việt Nam mới của Trương Nhân Tuấn). Kết quả Mỹ có chịu bỏ không?

- Do đó, đưa ra trọng tài quốc tế thì chắc gì nước Việt Nam mới của Trương Nhân Tuấn sẽ thắng được Trung Quốc?

- Và nếu Trung Quốc không chịu trọng tài thì làm gì được họ?

*

Trương Nhân Tuấn viết: Đá Rockall: tôi viết sai chính tả, nhưng không phải vì không biết, mà tôi viết theo cách viết của hồ sơ Bộ Ngoại giao Việt Nam phát hành 2002. (Kiểm chứng ở Sổ tay pháp lý cho người đi biển do Tuần Việt Nam tóm lược và đăng tải 16-03-2009. Sách do Bộ Ngoại giao, Ban Biên giới Chính phủ và NXB Chính trị Quốc gia phát hành, năm 2002.

Xin trả lời: Viết theo cách viết sai thì tức là… viết sai. Xin đề nghị từ giờ ông Trương Nhân Tuấn nên tra cứu tài liệu gốc bằng tiếng Anh hay Pháp thay vì theo những bài báo của Tuần Việt Nam (tuy Tuần Việt Nam cũng là một tờ báo tương đối khá đấy, có đăng những bài của Dương Danh Huy!).

*

Trương Nhân Tuấn viết: Ông Phạm Quang Tuấn viết rằng: «trong khi thực ra Anh đã chính thức rút lại đòi hỏi này từ năm 1997 để tuân thủ Luật Biển». Sai! Ông Phạm Quang Tuấn không nắm vững hết các vấn đề của đảo này.

Xin trả lời: Không sai đâu ạ, trừ phi ông chỉ xem Tuần Việt Nam. Xin ông Trương Nhân Tuấn xem ở đây[1] có đủ chi tiết, các lời tuyên bố chính thức, thông cáo chính thức, và bản đồ đánh cá chính thức của chính phủ Anh. Bài này kết luận: “In the light of recent events, Rockall is effectively now merely an unimportant piece of rock with vestigial insular status in international law. Its sole legal importance now for the UK - which, as seen, has reiterated its title to it - is that it remains in technical sense an ‘island’ and therefore continues generate a territorial sea. This 12-mile enclave still totally contained within the new St Kilda based 200-mile zone (as seen above) as Rockall does not even create a further bulge to British limits through its remaining circular 12-mile territorial sea.” Vậy là Anh rút hẳn đòi hỏi EEZ cho Rockall rồi, còn gì để cãi nữa?

*

Trương Nhân Tuấn viết: Ông trích dẫn thiếu câu văn của tôi, làm sai ý nghĩa của nó: “Anh vẫn giữ nguyên tuyên bố 200 hải lý quyền khai thác”. Thực ra nguyên văn là: «Mặc dầu hiện nay Anh đã rút lại đòi hỏi về hải phận ZEE nhưng về thềm lục địa họ vẫn giữ nguyên tuyên bố 200 hải lý quyền khai thác». Tức là về ZEE của Rockall thì Anh rút lại đòi hỏi, nhưng về thềm lục địa 200 hải lý thì họ vẫn giữ nguyên hồ sơ.

Xin trả lời: Tôi không hiểu nổi “rút lại đòi hỏi về ZEE” và “vẫn giữ nguyên tuyên bố 200 hải lý quyền khai thác” thì khác nhau thế nào? EEZ (vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý) với “200 hải lý quyền khai thác” khác nhau chỗ nào? Và “giữ nguyên hồ sơ” có nghĩa là gì và có công hiệu pháp lý hay quốc tế gì không? Tuy nhiên, tài liệu của Symmons kể trên cho thấy là dù vặn vẹo đu giây thế nào thì câu của Trương Nhân Tuấn vẫn sai. Anh chỉ còn giữ chủ quyền của hòn Rockall với cái lãnh hải 12 hải lý của nó mà thôi.

*

Trương Nhân Tuấn viết: Như thế tiền lệ này ủng hộ tôi hay ông Huy? Điểm này cho thấy sẽ cực kỳ nguy hiểm nếu lý luận rằng các đảo HS và TS là các đảo nhỏ, không có hiệu lực v.v…

Xin trả lời: Theo như tài liệu đã dẫn thì rõ ràng là tiền lệ này ủng hộ ông Huy rồi!

*

Trương Nhân Tuấn viết: Về ExxonMobil, ông Phạm Quang Tuấn viết như sau: «Những người quen thuộc với UNCLOS và tình hình Biển Đông cũng sẽ thấy ngay một số điểm sai quan trọng trong những luận cứ của Trương Nhân Tuấn. Chẳng hạn, ông Tuấn nói rằng Exxon Mobil rời bỏ Việt Nam vì áp lực của Trung Quốc, một việc chưa hề xảy ra (Exxon Mobil quả đã bị áp lực trong năm 2008 nhưng đã tuyên bố là không rời bỏ hợp đồng khai thác với Việt Nam).» Tức là Ông Phạm Quang Tuấn chỉ nhắc đến «điểm sai quan trọng» là trường hợp Exxon-Mobil mà bỏ qua điểm đúng quan trọng khác là việc BP cuốn gói. Nhưng quả thật là ExxonMobil không rút lui hay họ tuyên bố làm cứng để giữ thể diện? Thực tế hôm nay là họ đã không còn bất kỳ hoạt động nào tại Tu Chính - Vũng Mây. BP trước khi hủy bỏ hợp đồng trong tuần qua cũng ngưng khảo cứu như thế hồi tháng 6 năm 2007. Ông PQ Tuấn viết như để phản công, nhưng thâm tâm là tự an ủi mình, dầu sao cũng còn một tia hy vọng. Nhưng hy vọng khi nào sẽ trở thành hiện thực? Ngồi chờ nhà nước CS Việt Nam? Chờ họ là chờ ngày ExxonMobil tuyên bố hủy bỏ hợp đồng.

Xin trả lời: Đã viết thì phải viết cho đúng, cho chính xác. Nếu Trương Nhân Tuấn viết là Exxon Mobil “chưa khai thác” thì không có vấn đề gì, nhưng ông viết là Exxon Mobil “rút khỏi Việt Nam”. Một việc chưa xảy ra mà viết khơi khơi như thể nó đã xảy ra rồi, như vậy mới chính là “tự an ủi mình” để có “một tia hy vọng”.

*

Trương Nhân Tuấn viết: Về vấn đề vùng nước giữa quần đảo, ông Phạm Quang Tuấn viết: «Trương Nhân Tuấn còn viết rằng ‘nước nào có chủ quyền ở [Trường Sa] (và Hoàng Sa) đương nhiên chiếm lĩnh cả Biển Đông, vì biển giữa quần đảo được coi là nội hải’. Hoàn toàn sai, 100%! Thực ra, điều khoản ‘nội hải’ này của UNCLOS chỉ áp dụng cho các quốc gia quần đảo (archipelagic states) như Philippines, Indonesia, chứ không áp dụng cho những quần đảo không phải là quốc gia, như Trường Sa. Tôi cho rằng đây là một sự cố ý ngụy biện chứ không phải là không biết, vì ngay sau đó thì Trương Nhân Tuấn đã viết nguyên si thành ngữ ‘quốc gia quần đảo’ trong UNCLOS: ‘Theo Luật Biển 1982: Quốc gia quần đảo có chủ quyền với vùng nước, vùng trời và vùng đáy và lòng đất tương ứng cũng như tài nguyên ở đó’. Trương Nhân Tuấn đã đưa ra những lý lẽ ngụy biện, ‘luật rừng’ mà Trung Quốc dùng để bảo vệ lưỡi bò của mình, và bảo đó là luật biển quốc tế!» Thực ra ông Phạm Quang Tuấn phê phán như thế mới là sai 100%, vì ông không nắm vững các điều cơ bản của Luật Biển. Theo định nghĩa của Luật Biển 1982, vùng nước quần đảo được xác định như sau: Vùng nước quần đảo là vùng nước nằm phía bên trong của đường cơ sở quần đảo. Vùng nước này không phải là nội thủy nhưng quốc gia quần đảo có chủ quyền với vùng nước, vùng trời và vùng đáy và lòng đất tương ứng cũng như tài nguyên ở đó. (Xem http://tuanvietnam.net/vn/nghexemdoc/sachhaynendoc/6399/index.aspx). Như vậy, vùng nước quần đảo có quy chế pháp lý gần giống với nội thủy, chỉ trừ quy chế qua lại không gây hại.

Xin trả lời: Một lần nữa xin đề nghị ông Trương Nhân Tuấn chịu khó coi bản gốc tiếng Anh hay tiếng Pháp của UNCLOS thay vì dựa vào Sổ tay Pháp lý của báo Tuần Việt Nam. Như tôi đã nói trong bài trước và Trương Nhân Tuấn không đọc kỹ (?), những điều khoản về cái mà ông gọi là “gần như nội hải” hay “vùng nước quần đảo” này CHỈ ÁP DỤNG CHO CÁC QUỐC GIA QUẦN ĐẢO NHƯ PHILIPPINES MÀ THÔI, không áp dụng cho những quần đảo tự nó không phải là quốc gia như HS-TS. Toàn bộ những điều khoản về “archipelagic waters” này, từ Điều 46 tới Điều 54, nằm trong PART IV: ARCHIPELAGIC STATES (PHẦN IV: CÁC QUỐC GIA QUẦN ĐẢO) của UNCLOS, và mỗi điều khoản đều nhắc lại điều này.

Ngay cả khi giả dụ TS là “quốc gia”, thì vùng nội hải tối đa của “Trường Sa Quốc” cũng không được quá 9 lần diện tích đất, tức là không quá 45 km vuông, hay chừng 10 phần triệu của Biển Đông! (Điều 47 UNCLOS.)

*

Trương Nhân Tuấn viết: Như thế khi tôi nói nước nào làm chủ HS và TS là làm chủ cả Biển Đông sai hay sao?

Xin trả lời: Vâng, nói thế là sai bét, như đã chứng minh ở trên.

*

Trương Nhân Tuấn viết: Về các Atlas, ông Phạm Quang Tuấn viết: «Còn nhiều chi tiết sai bậy hay thổi phồng khác, như: ‘Hầu hết các Atlas nước ngoài đều ghi nhận công hàm năm 1958 của ông Phạm Văn Đồng đã công nhận HS và TS thuộc chủ quyền của Tàu’. Atlas thường đâu có ghi nhận những công hàm như vậy?» Ông Phạm Quang Tuấn cho tôi viết «sai bậy». Ông viết: «Atlas thường đâu có ghi nhận những công hàm như vậy». Theo tôi đây mới là cái sai bậy của người nghiên cứu khoa học. Ông Phạm Quang Tuấn đã không đi kiểm chứng, tìm và đưa một vài trường hợp các Atlas năm 2008 của các nước lớn không có ghi nhận như vậy để phản biện, sau đó lên tiếng phê bình. Đây là một lối làm việc nguy hiểm, trước hết không kiểm chứng dữ kiện, sau là phản đối trên cảm tính chứ không dựa trên các nguồn dữ kiện khác, phản khoa học. Tôi thì nhờ kiểm chứng tôi mới biết ông Huy đã đưa bằng chứng sai trong bài «Chủ quyền Tu Chính -Vũng Mây». Cá nhân tôi thỉnh thoảng đi các thư viện, các văn khố nước Pháp để làm nghiên cứu. Tôi đọc và ghi nhớ, sau đó ghi lại một vài dữ kiện, khi có dịp thì nói ra. Ông Tuấn không tin là quyền của ông nhưng ông không được quyền phỉ báng người khác là sai, bậy. Ở đây tôi không có nhu cầu phải làm photo những trang Atlas có ghi nhận công hàm của ông Đồng để chứng minh mình đúng hay sai. Tôi chỉ đưa tên Atlas quan trọng, nên ghi nhớ, trang số mấy, năm nào, nhà xuất bản là đủ.

Xin trả lời: Khi khẳng định một chuyện gì, nhất là một chuyện khó tin hay vô lý, người viết phải chứng minh chứ sao lại đòi hỏi người đọc chứng minh cái phản đề của nó! Ông Trương Nhân Tuấn nói rằng “hầu hết các Atlas nước ngoài đều ghi nhận công hàm năm 1958 của ông Phạm Văn Đồng…”, một chuyện hết sức khó tin và vô lý, thì chính ông phải chứng minh cái “hầu hết” đó chứ sao lại bắt người ta chứng minh ngược lại!

Câu của Trương Nhân Tuấn khó tin và vô lý bởi vì không cần phải đi tìm “những Atlas năm 2008″ mới biết là các atlas dù bất cứ năm nào cũng không bao giờ đăng hay nói về những công hàm chính phủ kiểu đó, mà chi đăng những bản đồ, tọa độ, khí hậu, dân số, index, v.v. Cuốn L’Atlas des Atlas của Courrier International, dẫn chứng duy nhất của Trương Nhân Tuấn, là một trường hợp đặc biệt chứ không phải là loại atlas thông thường tiêu biểu như ông Trương Nhân Tuấn muốn ta nghĩ. Cuốn đó được nhà xuất bản giới thiệu như sau[2]: “… l’idée de cet ouvrage est simple. Regarder comment les autres pays, les autres États ou les journaux et les mouvements militants représentent le monde - ou leur monde”. Tức là, đây là một cuốn Atlas đặc biệt, chuyên chú về những tranh chấp lãnh thổ giữa các quốc gia và cả những “phong trào chiến đấu” (militant movements), như nói ở một bài giới thiệu: “La troisième partie (Frontières) est la plus importante (plus de la moitié de l’ouvrage). Son découpage est en lui-même intéressant puisqu’il reflète l’évolution permanente du découpage du monde[...] À l’intérieur de chacune de ces régions du monde, plusieurs exemples ont été sélectionnés par les auteurs pour illustrer les problèmes de frontières et de revendications territoriales à partir de cartes d’atlas et d’articles de presse.”[3]

Từ một trường hợp ngoại lệ duy nhất đó mà bảo là “hầu hết atlas…” thì thật là phóng đại kỷ lục!

*

Trương Nhân Tuấn viết: Về thái độ phi khoa học và phỉ báng người khác một cách hồ đồ của ông Phạm Quang Tuấn trong bài này, tôi cũng cho là ông viết bài trong một trạng thái không bình tĩnh, tôi không chấp.

Xin cám ơn sự độ lượng của ông Trương Nhân Tuấn và hy vọng trong bài này tôi không lỡ tay phỉ báng ông một cách hồ đồ. Cũng mong ông chịu khó đọc bản gốc UNCLOS[4] vì bàn những chuyện này không thể dựa vào Sổ tay Pháp lý của báo chí, dù là báo khá như Tuần Việt Nam.

Kết luận

Để chấm dứt, xin có vài lời vắn tắt so sánh “giải pháp” của Trương Nhân Tuấn với giải pháp của nhóm Dương Danh Huy. Dương Danh Huy đưa ra một giải pháp “Hợp quần gây sức mạnh” rất hợp lý và phù hợp tình trạng chính trị quân sự thế giới. Tôi nghĩ Trung Quốc đang bắt đầu toát mồ hôi khi thấy giải pháp liên minh Đông Nam Á kiểu này bắt đầu được lưu hành rộng rãi.

Trong khi đó, Trương Nhân Tuấn dùng hết tâm trí để chứng minh và nhấn mạnh rằng (a) công hàm Phạm Văn Đồng có giá trị pháp lý nhất quyết không thể chối cãi được (Tàu sẽ đồng ý quá!), và (b) công hàm đó là “chi-tiết-cơ-bản-giải-quyết-mọi-vấn-đề-tranh-chấp” (Tàu mà viết cũng không mạnh hơn được!) Ông kêu gọi mọi người phải nói thật nhiều hai chuyện đó, kể cả trên talawas (Tàu cũng chỉ mong vậy). Nhưng ông không đưa ra được cách nào hợp lý để hóa giải cái mà ông cho là sự thật chắc chắn đó, ngoại trừ những khẩu hiệu lên gân, “tự sướng” như “… với sự hưởng ứng của toàn khối dân tộc, Việt Nam sẽ đứng ở thế mạnh, hay ở thế không ai có thể bắt nạt, toàn dân một lòng chắc chắn đủ khả năng để tự bảo vệ lãnh thổ và lãnh hải của tổ tiên để lại”. Trung Quốc chắc sẽ vô cùng thú vị và khoái trá khi được nghe “giải pháp” Trương Nhân Tuấn (cũng như những lời ông đòi hỏi HS-TS phải có EEZ, một cách dâng mỡ cho mèo Tàu). Dĩ nhiên, tôi không bảo Trương Nhân Tuấn là tay sai của ai cả, như ông đã chụp mũ Dương Danh Huy, mà chỉ mong ông (và những người Việt theo ông, nếu có) cẩn thận suy nghĩ kẻo bị Trung Quốc lợi dụng, to miệng cổ võ những cái mà họ đang thèm muốn.

© 2009 Phạm Quang Tuấn

© 2009 talawas blog

---------------------------------------------------------

[1]Clive R. Symmons, Ireland and the Rockall Dispute: An Analysis of Recent Developments, IBRU Boundary and Security Bulletin Spring, 1998, http://www.dur.ac.uk/resources/ibru/publications/full/bsb6-1_symmons.pdf]

[2] http://boutique.courrierinternational.com/autres-produits-69/l-039-atlas-des-atlas-551.html

[3] http://www.afdg.org/spip/article.php3?id_article=93

[4] United Nations Law of the Sea (UNCLOS): http://www.un.org/Depts/los/convention_agreements/convention_overview_convention.htm

No comments: