Tuesday, April 7, 2009

XUÂN THÀNH CỐ ĐẤM . . . (bút ký)

Xuân Thành cố đấm …
Bút ký: Trần Khải Thanh Thủy
Sunday, April 05, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=93092&z=2

1. Ðôi nét về Bồng Lạng:

Nằm kẹt giữa núi và sông, phía Tây là núi đá vôi, phía Ðông là núi đất sét, chạy dọc theo triền núi là con sông Ðáy hiền hòa chảy. Chính vì có mỏ đá chạy dài 3 km mà với diện tích vẻn vẹn 1,1 km2 thôn Bồng Lạng phải chịu sự xâm lấn của 4 nhà máy xi măng, không kể vài công ty khai thác đá, dăm bảy hợp tác xã sản xuất đá, kèm nhà máy chế biến thức ăn gia súc và hóa chất.
450 ha đất đã bị các nhà máy thi nhau ngốn sạch, người dân không những đứng trước hiểm họa môi trường, mà còn hiểm họa... mất đất, cũng tức là mất đi nguồn sống của mình từ bao đời. Ðã thế 800 hộ gia đình, với số nhân khẩu là 3,000 người, cũng là 3000 lá phổi phải căng ra hít khói, bụi, thán khí từ các nhà máy chế biến đá và xi măng thải ra. Cho dù mỗi người có mọc thêm vài ba lá phổi hoặc tăng dung tích lên gấp hai, ba lần, thì việc nhiễm các chứng bệnh hiểm nghèo như ung thư đường hô hấp, viêm gan B, suy nhược cơ thể do ô nhiễm môi trường là điều không thể tránh khỏi. Hiện tại, 3 nhà máy xi măng Hoàng Long, Thanh Liêm, Tràng An chưa đi vào hoạt động nhưng khắp làng đã như một công trường khai thác khổng lồ, nơi này nổ mìn, nơi kia nghiền đá, chỗ khác xây dựng nhà máy xi măng... Hàng ngày cả vài trăm chiếc xe tải đủ loại lớn nhỏ ra vào vận chuyển, khai thác, thi nhau gầm rú. Bụi đá, bụi đường thải ra, bốc lên cao, khuấy trắng một vùng trời Bồng Lạng.
Than với tôi về tình trạng ô nhiễm trong thôn, Chị Cao Thúy Hòa, cư dân lâu đời bộc bạch:
- Bình thường 32 cái răng đè một cái lưỡi là quá đủ rồi, sao cái thôn Bồng Lạng bé nhỏ bằng lòng bàn tay quê chị phải gánh đủ mọi thứ “đầu cua tai nheo” thế hở giời? Trước đó là các xí nghiệp, công ty, hợp tác xã khai thác đá, ùng ùng oàng oàng suốt ngày, bây giờ đảng và chính phủ còn vác cả 4 nhà máy xi măng về nữa. Trăm cái răng đè một cái lưỡi, thử hỏi 3000 người dân trong thôn còn sống được không, hay lưỡi bị đè nặng thụt tít tận cuống họng, nói không ra hơi, miệng cũng chẳng mở ra được vì bị... răng nghiến, lợi đè?
Ngôi nhà chị nằm ngay cạnh bờ sông, bình thường mọi tiếng động do khai thác đá cũng được dòng sông khỏa lấp phần nào, vậy mà từ khi 3 nhà máy xi măng nhảy vào, gia đình chị chưa ngày nào được yên. Ngôi nhà mái bằng bị bụi phủ trắng xóa, đi ngủ dù ban ngày cũng phải mắc màn chống bụi, mà những bữa cơm phủ lồng bàn cũng không thể nào tránh khỏi bụi.
Tại thôn Bồng Lạng, điều dễ thấy nhất là cảnh người dân phải thực hiện cảnh “kín cổng, cao tường”. Một số nhà được coi là “có của ăn, của để” do có nguồn thu từ mỏ đá, còn phải làm nhà kính trong suốt, để ngăn cả tiếng ồn lẫn bụi đá. Nhiều gia đình phải sắm máy bơm nước để vệ sinh cây cối vì chỉ vài hôm không tắm táp, cọ rửa là cây được mặc một lớp áo trắng xóa, đặc quánh, cứng đơ như cây giả bày bán trong cửa hàng mậu dịch thời bao cấp. Ngay cạnh nhà máy chế biến thức ăn gia súc và hóa chất là giếng nước của cả thôn, vì vậy nguồn nước ít nhiều cũng bị nhiễm sen. Nước là mầm sống, cũng là mầm bệnh, mầm chết. Chỉ bụi đá không cũng đủ để người dân phải lo lắng, rồi giờ lại thêm cả hóa chất, cả bụi xi măng, thán khí, không biết tình trạng Bồng Lạng sẽ ra sao? Hay kết quả nhỡn tiền không tránh khỏi là mất đất, mất việc, mất nguồn sống, cả thôn chỉ còn nước bồng bế nhau đi khắp nơi để kiếm tiền mua từng lạng gạo sống lay lắt qua ngày? Hoặc chí ít cũng là bồng bế nhau đi khắp các bệnh viện huyện, tỉnh, trung ương để mua từng “lạng” sống?

2- Bàng hoàng nhớ lại:

Chứng kiến cảnh 5 nhà máy chen chúc trong một thôn, ăn hết 90% đất canh tác của người dân, tôi không khỏi bàng hoàng khi nhớ về một vùng đất chết của Hải Dương (Thôn Trại Xanh, xã Duy Tân, huyện Kinh Môn) nơi có con sông Kinh Môn, Kinh Thầy chảy qua, nơi tôi và các phóng viên từng đến viết bài phản ảnh:”Quê hương là chùm khế... ngạt”. Vẻn vẹn 1000 người trong 3 đến 400 nóc nhà mà 181 người trong các gia đình buộc phải đứng đơn kiện vì trong vòng hai năm 2004, 2005 hàng loạt người chết trẻ vì các bệnh hiểm nghèo như viêm gan, viêm đường hô hấp, ung thư gan, phổi, đau mắt hột... Một loạt tên tuổi như Phan Văn Hải, Lê Văn Ban, Ngô Văn Quân, Ngô Văn Nghẻ, Nguyễn Văn Hiên, Nguyễn Thị Kiền, Nguyễn Văn Muộn, Phạm Văn Ðàn... cùng ở độ tuổi 40- 45, tính đến nay đều đã nhập hộ khẩu cõi âm được dăm năm! Chỉ ba tháng cuối năm, cả tám người là Ðào Văn Hợp, Nguyễn Thị Hữu, Ngô Văn Phiên, Phạm Văn Ðài, Phạm Văn Quốc, Dương Văn Miễn và Lê Văn Tuyền cùng rủ nhau sang thế giới bên kia ăn Tết! Riêng Phạm Văn Quốc và Lê Văn Tuyền còn dắt tay nhau đến trình diện Diêm Vương trong một ngày, bỏ lại vợ con nheo nhóc góa bụa tang thương nơi mặt đất...
Ngày tôi tìm về làng cũng là ngày cả làng kèn trống tiễn đưa hai người con của làng “sống gửi, thác về” nhập lại hộ khẩu Diêm Vương, gọi Diêm Vương ra nhận mặt... Vừa kịp dừng chân ở bến đò Xanh đã nghe Bà Ðinh thị Hồng, bán hàng nước rơm rớm nước mắt, than: Rặt người chết trẻ, giời ơi, sao con sông Kinh Môn hai ba năm gần đây dữ dằn thế?
... Thực tình chỉ vẻn vẹn một khúc sông quê có tới 8 nhà máy xi măng lò đứng cùng một lô cơ sở nghiền đá của công ty cổ phần khai thác đá và khoáng sản tỉnh hoạt động, nhả khói và chất độc vô tội vạ xuống đầu mọi người... Quang cảnh trong thôn suốt ngày mờ mờ ảo trong làn bụi khói, hệt cảnh: “Khói trường thành lung lay bóng nguyệt” trong “Chinh phụ ngâm khúc” của bà Ðoàn thị Ðiểm hoặc cảnh kinh thành Ăng-lê Mùa Ðông khi sương mù phủ đặc vào sáng sớm.
Theo số liệu đo đạc của Sở Tài Nguyên và Môi Trường trên công văn số 265/QLMT ngày 3/9/2005 tại xã (trong vòng bán kính 700 mét đổ lại) mà chúng tôi mò mẫm tìm được, đã kết luận: “Hàm lượng bụi, khí sun-fu-rơ (SO2) đều vượt tiêu chuẩn cho phép từ 20-60 %. Trong vòng 300 mét, vượt quá 200- 340%. Với bụi, tại vị trí cách ống khói 300 mét là 466 đến 1.033%. Vị trí cách ống khói 700 mét, chỉ số vượt tương ứng là 66-166%... “Quả là những số liệu kinh khiếp, hãi hùng. Chưa đủ, cậu bạn đi cùng còn cẩn thận lấy bút dạ gạch dưới chân những từ mà công văn mô tả, nhằm nhấn mạnh cho tôi biết: “Ô nhiễm bụi và khí thải SO2 nặng nhất khi có gió và khi 4 lò đứng mới lắp đặt cùng đồng loạt nhả khói.”
Chỉ ở lại làng một buổi, theo cảm nhận chủ quan của hai chúng tôi, ô nhiễm tiếng ồn trong vòng bán kính từ 500 mét đổ lại (kể từ vị trí ống khói) cũng không thể nào chịu nổi, bởi suốt buổi cứ âm âm u u như tiếng máy bay vọng từ xa lại trong những ngày sơ tán tránh máy bay Mỹ...
Giữa ngày tang lễ, bao nhiêu hương khói, hoa tươi cũng không át được một thứ mùi đặc sệt như cóc chết, trứng thối do khí sun-fu-rơ tạo thành từ các chất thải của lò, không kể lượng bụi khổng lồ khủng khiếp trút xuống suốt dọc đường làng, khiến cánh đồng lúa hai bên đường và cửa sổ, cửa chính các ngôi nhà, đều được phủ bụi trắng xóa.
Bác Sĩ Lê thị Bìa, giám đốc trung tâm y tế huyện, ngậm ngùi bày tỏ: - Dân kêu nhiều lắm, cả vùng 749 ha của xã, với 6.000 dân chia làm 5 thôn, thì thôn Trại Xanh bị hành nặng nhất, tỷ lệ mắc bệnh hiểm nghèo cũng nặng nhất, khi đưa ra bệnh viện huyện, đa phần phải chuyển lên tuyến trung ương rồi bị bệnh viện trả về, chết âm thầm tại nhà, thật đau đớn...

Hình 1: Công an chặn các ngả đường vào thôn Bồng Lạng và xộc vào trụ sở của công ty Ðại Xuân (bên trái) để đàn áp vợ giám đốc và các thành viên trong công ty. (Ảnh: do người dân Bồng Lạng cung cấp).
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/93092-medium_VN_XuanThanh_ChanDuong.JPG

Hình 2: Núi đá này chẳng mấy nỗi sẽ biến mất khi cả 4 nhà máy “lò đứng” thi đua đục phá lấy nguyên liệu làm xi măng, đem lợi nhuận cho đảng và nhà nứơc còn bệnh tật và nghèo khó cho người dân địa phương. (Hình: của người Bồng Lạng)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/93140-medium_VN_XuanThanh_nui_da.JPG

Hình3: Hàng trăm Công an, cảnh sát cơ động đến để đàn áp người dân ở Xuân Thành. (Hình của dân Bồng Lạng)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/93140-medium_VN_XuanThanh_Danap.JPG

Khi tôi đưa ra lá đơn của anh Lê Văn Dự đứng đầu danh sách 181 người khiếu kiện về tình trạng ô nhiễm của thôn kèm một loạt tên những người chết non, chết yểu, cùng lời phản ánh của bà con: “Sống ngắc ngoải trên đảo bụi”, chị bảo:
- Ðúng thế, chỉ tiếc lãnh đạo huyện vừa bảo thủ, vừa thiếu hiểu biết, đã nghe theo những lời báo cáo láo của tay Nguyễn Trọng Ðạo (bí thư Ðảng ủy xã) còn đến bệnh viện lấy số liệu về vặt lại cơ quan y tế chúng tôi: “Cả xã này có ai phải đến bệnh viện rồi bị chết đâu? Chẳng qua chỉ là dân gian! So với trước, tình hình bệnh tật có vẻ tăng nhưng đâu chỉ riêng xã này? Ðâu phải bụi bặm từ lò xi măng gây ra? Ống khói cao thế kia, bụi phát lên trời chứ đâu có rơi thẳng vào cổ họng dân mà hễ cứ ung thư, đau mắt, viêm gan là đổi cho bụi nhà máy, bụi khai thác đá?”
Hôm ấy, chỉ sau 4 tiếng đồng hồ ở lại, cả người và xe chúng tôi được phủ một lớp bụi công nghiệp dày đặc, đọng vào cả các nếp gấp trên quần áo rồi luồn sâu tới các khe kẽ của cơ thể, khiến cậu bạn ngứa ngáy không thể nào về lại nhà tận Hà Nội được, mà phải “xin phép anh chị” cho phép em được “tẩy trần” tại đây( khi đó nhà tôi còn ở ven cầu Ðuống cách Hà Nội 10 km).
Cho đến tận lúc này, khi đã ra khỏi “tọa độ bụi, tọa độ chết” gần 4 năm trời, tôi vẫn nhớ như in cuộc nói chuyện và tâm trạng của cậu Mạc Văn Sừ, làm nghề lái đò trên sông Kinh Thầy.
- So với thôn Trại Xanh xã Duy Tân, nơi có 181 người đi kiện, thôn Lĩnh Ðông, xã Phạm Mệnh bọn em chưa bị coi là xã có tỷ lệ ô nhiễm cao nhất... song cả nhà em đều có triệu chứng khó thở, cay mắt, ù tai... Vợ em mới 37 tuổi đã ung thư vòm họng... Suốt hai năm trời em phải phóng xe lên tận miền Ngược lấy thuốc của các bà lang - mỗi lần nửa triệu bạc cho vợ uống mà bệnh ngày một nặng...
Sừ rơm rớm nói tiếp:
- Ðầu tháng 2, khi đưa đến bệnh viện, các bác sĩ bảo: “Cô ấy muốn ăn gì thì cho ăn đi, chả cầm cự được bao lâu nữa đâu, đến ông thứ trưởng Trịnh Tố Tâm, anh hùng lao động, dũng sĩ diệt Mỹ từ năm 1965, bị mắc bệnh này, cả nước dốc toàn lực để chữa, Bộ Lao Ðộng Thương Binh Xã Hội kêu gọi lãnh đạo và cán bộ nhân viên trong Bộ ủng hộ mỗi người một ngày lương sang tận Singapore chữa theo tiêu chuẩn 400 USD một ngày còn chẳng ăn thua nữa là... Nhà cậu làm gì còn nước mà đòi tát! Bao nhiêu khói xi măng và bụi đá nó quẩn hết trong gan phổi, vòm họng, lồng ngực làm phổi vợ cậu nứt nẻ khô xác ra rồi”... Em không biết nó sẽ bỏ mấy bố con em lại mà ra đi lúc nào, đau đớn quá các anh, các chị ơi...
Cùng trong cảnh phát triển kinh tế bất chấp ô nhiễm môi trường, bất chấp chất lượng cuộc sống đang xuống cấp hàng ngày, hàng giờ, lượng ô nhiễm luôn ở mức báo động, quá mức cho phép hàng 5, 7 chục lần, rồi đây người dân Bồng Lạng sẽ ra sao? Hay khi cả 3 nhà máy xi măng cùng hoạt động trong phạm vi 1,1 km2, tuôn khí độc xuống đầu người dân kể từ đầu làng đến cuối làng thì Bồng Lạng sẽ trở thành một Trại Xanh thứ hai của Việt Nam, thành đảo bụi, nơi 3000 con người sống ngắc ngoải? Và nếu lãnh đạo tỉnh, huyện bất chấp công văn của thủ tướng chính phủ, của Bộ Quốc Phòng, cứ cố tình cho công ty phát triển và xây dụng Xuân Thành vào chiếm dụng 65 ha đất của dân, làm nhà máy xi măng thứ 4, công suất lớn gấp 2, gấp 3 lần ba nhà máy xi măng trước thì... hậu quả còn khủng khiếp đến đâu?

3. Lãnh đạo nói gì?

Kể từ ngày 16/5/2005, ông Nguyễn Tấn Dũng - Thủ tướng Chính phủ nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã có Quyết định số 108/QÐ-TTg phê duyệt về việc Quy hoạch phát triển công nghiệp Xi măng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 như sau: “Yêu cầu rà soát lại quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng, chủ yếu tập trung chuyển các nhà máy xi măng công nghệ lò đứng sang lò quay, hạn chế đầu tư, phát triển các nhà máy xi măng thuộc nhóm B”. Có nghĩa là trong danh mục các dự án đầu tư của quy hoạch từ 2005 đến 2020 thì dự án giành cho nhà máy xi măng Xuân Thành (thuộc lò đứng, nhóm B) là phải hạn chế?
Ngày 4/6/2008, Bộ Xây dựng có văn bản số 1054/BXD-VLXD gửi 14 tỉnh, thành phố phía Bắc (trong đó có Hà Nam) về việc “ngừng xây dựng các nhà máy xi măng”.
Cụ thể hơn, ngày 26/8/2008, Bộ Quốc Phòng ra văn bản số 4376 do Thượng Tướng Nguyễn Khắc Nghiêm - Thứ Trưởng Bộ Quốc Phòng ký, gửi UBND tỉnh Hà Nam với nội dung: “Về vị trí các khu mỏ nguyên liệu và mặt bằng nhà máy... Dự án nhà máy xi măng Xuân Thành không nằm trong quyết định phê duyệt Quy hoạch được thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm xi măng ở Việt Nam đến năm 2020. Căn cứ quyết định của thủ tướng chính phủ và để không ảnh hưởng đến nhiệm vụ quốc phòng trên địa bàn, Bộ Quốc Phòng đề nghị UBND tỉnh Hà Nam chỉ đạo không triển khai thực hiện dự án nhà máy Xi Măng Xuân Thành”.
Không biết có phải vì điếc không sợ súng, coi thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, chỉ đơn thuần là Nguyễn... tán dóc, hay quá coi thường kỷ cương phép nước, không phải “quân lệnh như sơn” mà ngược lại quân lệnh như những... vệt son bôi môi của cánh chị em, quệt một cái là thành trắng bệch, mà ngày 16-12-2008, chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam Ðinh Văn Cương ký lệnh cưỡng chế để giám đốc công an tỉnh Hà Nam Trần Xuân Lộc đem 500 quân xuống thôn Bồng Lạng tàn sát bà con, đến mức:
Ðầy làng vọng tiếng công an
Rụng rời con trẻ, hoang tàn xóm thôn

Trong lá đơn gửi Chủ Tịch Nước Nguyễn Minh Triết, Thủ Tướng Chính Phủ Nguyễn Tấn Dũng, Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng, tố cáo Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam ra lệnh cưỡng chế bắt người vô cớ, chị Hoàng thị Huệ, cư dân thôn Bồng Lạng tả lại:
Khoảng 9 giờ sáng ngày 16-12-2008, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam, là ông Ðinh Văn Cương (Chủ tịch); ông Trần Xuân Lộc (giám đốc Công an tỉnh) ra lệnh đưa khoảng 500-600 công an, từ giám đốc trở xuống đến học viên và công an viên, đến địa bàn thôn, đông như quân Nguyên, chặn các ngả đường bao vây để bắt chị Nguyễn thị Nhan (vợ giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn Ðại Xuân), trong đó có 19 người, đa phần là con em thương binh liệt sĩ. Công an họ tàn bạo lắm, dùng dùi cui điện, vòi rồng phun nước, bình xịt hơi cay, lá chắn, vụt chị tím người, co rúm áo quần, trật hết lưng... Họ xốc nách lôi ra ấn vào cửa xe. Em dâu, em họ chị là chị Ngà, chị Hoa và chú lái xe cho công ty cũng bị đánh dã man (trong khi chị lên xưởng để điều hành công việc cho công nhân của chị), làm chúng tôi quá bất bình về việc làm trên của chính quyền và pháp luật...

4- Thay cho lời kết

Xin mượn lại câu thơ khá phổ biến của Nữ sĩ nổi tiếng Hồ Xuân Hương để khép lại bài viết:
Cố đấm ăn xôi xôi lại hẩm
Cầm bằng làm mướn, mướn không công
Việc “cố đấm “ của công ty xây dựng và phát triển Xuân Thành có thành hay không phụ thuộc hoàn toàn vào thái độ của ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam. Hy vọng không vì những đồng tiền bẩn của giám đốc công ty Xuân Thành làm cho mù mắt, mà ông Trương Xuân Lộc ký mệnh lệnh quái gở để 500 công an tràn vào làng đàn áp dân, buộc người dân Bồng Lạng phải giao đất bằng mọi giá, kể cả giá máu.
Về phía công ty Xuân Thành, chắc mẩm việc “cố đấm ăn xôi” của mình có kết cục tốt đẹp: “Cố đấm ăn xôi, xôi lại dẻo” nên mới bỏ tiền triệu, tiền tỉ ra để mua một lúc hai quan chức to ngất nghểu của tỉnh gồm chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Ðinh Văn Cương và giám đốc công an Trần Xuân Lộc như thế.
Quả là Hà Nam (hay cả Việt Nam?) ô uế nhất... hai ông này.

Bồng Lạng 3-2009
Trần Khải Thanh Thủy


No comments: