Wednesday, April 1, 2009

NHỮNG ĐIỀU CHƯA BIẾT VỀ MAO (9)

Những điều chưa biết về Mao (IX)

Bùi Tínphỏng dịch và tóm tắt

06-11-2007

http://www.danchimviet.com/php/modules.php?name=News&file=article&sid=4130

Tiếp theo các phần: I , II, III, IV, V, VI , VIIVIII

Phần IX: Mao trong bước nhảy vọt lớn

1.
Bước nhảy vọt lớn là một sáng kiến “đặc sắc” của Mao diễn ra trong 4 năm từ tháng 5, 1958. Nó là con đẻ chính của “tư tưởng Mao Trạch Đông” nếu như Mao thật sự có tư tưởng riêng của mình. Nhiều sách báo đã nói về bước nhảy vọt này. Jung và Jon cất công đi tìm hàng nghìn tài liệu mới và hằng trăm người còn sống để nói rõ nhưng điều đến nay ít ai biết.

2. Trước hết cần mở đầu với chủ trương “Trăm hoa đua nở’’, thực hiện từ năm 1957 sau khi Đại hội 20 của Đảng CS Liên Xô (tháng 2, 1956) lên án Stalin về tệ sùng bái cá nhân. Mao cảm thấy bị đụng chạm, ở thế nguy hiểm vì tệ sùng bái Mao xem ra không kém gì tệ sùng bái Stalin. Tiếp theo những sự kiện nổi dậy ở Hung và Tiệp là những báo hiệu không tốt lành. Mao cho rằng sở dĩ các nơi đó để nổ ra cuộc đấu tranh đòi tự do dân chủ là lãnh đạo đã mềm yếu, thả lỏng sự đàn áp. Mao nghĩ ra một diệu kế: dử cho mọi người nói hết sự bực bội với lãnh đạo, sau đó sẽ trấn áp khi họ đã lộ mặt. Mao thích thú giảng giải trong lãnh đạo: ta có cần câu dài, phen này sẽ bắt cá lớn.

3. Ngày 27/02/1957 Mao đọc diễn văn dài 4 tiếng, trịnh trọng mời nhân dân phê bình đảng CS, theo khẩu hiệu: Trăm hoa đua nở. Trong nội bộ đảng, Mao chỉ thị: hãy kiên nhẫn chịu trận, hãy để cho những con “bò điên” và lũ “rắn” độc hiện nguyên hình. Quần chúng ngây thỏ nhẹ dạ, nhất là trong giới văn học nghệ thuật, tuổi trẻ mắc bẫy. Báo tay, báo tường mọc như nấm suốt trong 4 tháng.

Họ lên án chế độ độc đoán, bất công, tệ quan liêu xa hoa cửa quyền, không có luật pháp nghiêm.

Ngày 06/06 Mao ra tay. Nhân danh bảo vệ đảng – một tập thể thiêng liêng không ai được đụng đến, Mao tuyên bố thẳng tay thanh trừng mọi phần tử hữu khuynh, chống đảng, ước chừng nửa triệu người. Cuộc săn tìm và thanh trừng đẫm máu diễn ra khắp nơi; riêng ở tỉnh Hồ Nam 10 vạn người bị tố cáo, 1 vạn người bị bắt, tra tấn, và 1 ngàn người bị giết. Những tên “hữu phái” đều bị đưa ra đấu tố, kết tội, đưa đi làm khổ sai vùng Tây và Tây Bắc để đền tội.

Sang năm 1958, Mao chĩa mũi nhọn phê phán vào hàng ngũ cao nhất của đảng và nhà nước, vào 2 nhân vật số 1 và số 2 : chủ tịch Nước Lưu Thiếu Kỳ và Thủ tướng Chu Ân Lai. Mao nghĩ rằng nhân vật số 1 và số 2 mà còn bị đấu tố thì còn có ai có quyền lực dám chống lại Mao. Chu bị Mao lên án đã quản lý kém nền kinh tế, cắt bỏ ngân sách, làm chậm trễ công nghiệp quốc phòng. Ngay sau đó một bộ trưởng của Chu là Hoàng Kính (Huang Jing) – chồng cũ của Giang Thanh, vợ Mao -, do sợ hãi bị bệnh tâm thần, khi gặp bác sỹ là cúi đầu van xin: “hãy thương tôi! Hãy tha tội cho tôi!”. Mao buộc Thủ tướng Chu Ân Lai kiểm thảo trước 1300 cán bộ cao cấp về tội có ý định trì hoãn tốc độ công nghiệp hoá do Mao đề xuất. Tại cuộc họp này, Lưu Thiếu Kỳ cũng phải kiểm thảo về tội cắt giảm ngân sách trái với ý muốn của Mao và xin nhận tội.

4. Tháng 12, 1953, Mao tròn 60 tuổi. Tuy còn khoẻ, Mao nghĩ đến cái chết đến dần. Mao ngày càng tỏ ra sốt ruột. Tham vọng cao nhất của Mao là sớm đưa Trung quốc nhập vào “Câu lạc bộ các siêu cường” và sau đó trở thành siêu cường số 1 của thế giới.

Sau cuộc thanh trừng kết thúc trăm hoa đua nở, Mao đinh ninh không còn ai dám cản trở mình, liền lao vào cuộc “Nhảy vọt lớn” Năm 1953, Mao đề xuất chương trình Công nghiệp hoá sẽ hoàn thành trong 10 đến 15 năm, sẽ lần lượt đuổi kịp và vượt các nước tư bản phát triển, trở thành nước giàu nhất, mạnh nhất.

Năm 1958 Mao đề ra việc công nghiệp hoá phải thực hiện trong vòng 7, 8 năm, thậm chí 5 năm. Việc lập Công xã nhân dân quy mô một xã được thực hiện, với những “công xã vệ tinh” có công xuất tăng nhanh như vệ tinh. Mao dùng Nhân Dân Nhật báo loan tin một công xã ở Hồ Nam có năng xuất lúa 1 tấn 8 trên một mẫu (chừng 666 mét vuông), gấp gần 10 lần so với trước. Theo phóng đại của báo chí, ruộng năng xuất cao, “công xã vệ tinh” ngày càng nhiều, luôn lập kỷ lục mới, có nơi lúa cao sản chen sát nhau để các đội văn công có thể đi lại nhảy múa trên ruộng lúa! Báo cũng đưa tin một nơi năng xuất lúa đạt 70 tấn trên 1 ngàn mét vuông, nghĩa là gấp trăm lần trước đó. Mao tuyên bố rồi lương thực sẽ dư thừa, làm ruộng nhàn hạ như làm vườn, như trồng hoa.

Do tin lúa cao sản rộng khắp, việc thu thuế bằng lương thực tăng theo, thế là trên thực tế nông dân nộp hết sản lượng cũng không đủ, còn gì để ăn! Cán bộ dưới bị trên ép, trừng phạt dân bằng bạo lực, đói kém lan nhanh và đến 1960, 1961 thì chết đói hàng loạt ngày càng rộng.

5. Thế rồi Mao bỗng nghĩ ra sáng kiến diệt chim sẻ để tăng năng xuất. Mọi người tìm mọi phương tiện gây tiếng động, từ trống chiêng, phèng la, kèn còi, mõ... để chim sẻ không có chỗ đậu, mỏi cánh rơi để bị giết. Tám tháng sau cái trò này chấm dứt và phải xin Liên Xô viện trợ cho 20 vạn chim sẻ gây lại giống vì không có chim sẻ bắt sâu, lúa bị gỉảm.

6. Cuối 1958 Mao lại sáng kiến ra lập lò cao luyện sắt thép ở sân nhà nông dân. Thế là hơn 1 triệu lò cao được dựng lên khắp nơi, với mục đích tăng ngay gấp đôi sản lượng gang thép. Già trẻ lớn bé đi sưu tầm “quặng” từ đinh vít, dao, búa, đến bản lề, cuốc, xẻng, cả kẹp tóc, kim khâu, với khẩu hiệu: một cục sắt là một tên đế quốc bị tiêu diệt, để lọt một cái đinh là lọt một tên hữu phái ! không có đủ than, thế là cột nhà, mái rạ, cây cối trong vườn ngoài rừng ra tro hết. Để thu được hơn 10 triệu tấn, gần một nửa là vô dụng vì kém phẩm chất, chỉ là sắt thô. Mao ném vào sự nghiệp phiêu lưu này 10 tỷ ngày công của nông dân để chỉ thu lấy sự tự tàn phá môi trường và của cải, công sức xã hội.

7. Do những tư tưởng cổ hủ, tối tăm kiểu nông dân thất học như trên nên nạn đói kéo dài từ 1958 đến năm 1961, kinh khủng nhất là năm 1960, và theo sưu tầm có ít nhất 63 trường hợp ăn thịt người. Nhiều nơi người dân sống dưới mức sống tối thiểu, chỉ có 1.200 calorie/ngày, trong khi ở các trại khổ sai phát xít ở Đức còn được hơn 1.500 calorie. Tính chung theo thống kê chưa đầy đủ đã có ít nhất 36 triệu dân Trung Quốc là nạn nhân của nạn đói kinh khủng thời kỳ Đại nhảy vọt mà ít người biết đến sau bức màn tre bịt kín. Ngay trong nước người dân không được đi lại trên nước mình do chế độ hộ khẩu nghiêm ngặt và bị ràng buộc bởi chế độ lương thực và thực phẩm theo tem phiếu.

8. Trước đói khổ cực nhục và thanh trừng đẫm máu do Mao gây nên cho toàn dân Trung Quốc, lúc ấy nổi lên một khí phách và nhân cách khác thường: Bành Đức Hoài. Phần trên đã nói chút ít về Bành, một nguyên soái xuất thân từ cố nông, mẹ và em đi ăn mày. Bành có nghị lực, có tấm lòng thương người, khảng khái chống mọi bất công. Bành đã chống Mao từ khi ở căn cứ Giang Tô khi Mao sống ích kỷ, kéo bè phái trong số chỉ huy Hồng quân, hoặc trên đường trường chinh Mao hành hạ quân lính buộc phải đi loanh quanh để đối phó với Trương Quốc Đào, hay khi ở Diên An, Mao thanh trừng tàn bạo, sống sa hoa buông tuồng với phụ nữ; Bành chống việc Mao buộc mọi người hát “Đông phương hồng” và hô “Mao chủ tịch vạn tuế”. Nhiều lần Bành yêu cầu giảm chi phí quân sự đè nặng vai người dân. Bành luôn có tư duy độc lập hiếm có.

Với Bành, không được làm với người khác những điều mình không muốn người khác làm với ta. Mao nói ngược lại: “nguyên tắc của ta là làm cho ngưới khác những gì ta không muốn họ làm với ta”. Mao ghét và thù Bành.

Tháng 5, 1958 bước vào Đại nhảy vọt, Mao bắt Bành cùng 1500 sỹ quan cao cấp phải kiểm điểm và tố cáo lẫn nhau. Sau đó Mao chỉ định Lâm Bưu – luôn là thuộc cấp của Bành – lên là một trong 5 phó chủ tịch Đảng, đứng trên Bành.

Ngày 02/07/1959 Mao triệu tập cuộc họp lớn ở Lư Sơn, bên sông Dương Tử, có mặt hơn 1 trăm nhân vật cao nhất của đảng. Mao chia số đại biểu thành 6 nhóm do một người tin cẩn của Mao cầm đầu mỗi nhóm. Trong nhóm Đông bắc, Bành phát biểu ngay thật ý kiến của mình. Bành chỉ rõ những con số đưa ra về thành tựu nông nghiệp là sai, ngay ở Hồ Nam cũng sai nhiều so với sự thật. Hôm sau Bành lại nói đến trách nhiệm của Mao trong việc luyện thép các lò cao. Bành cũng nói đến những nhà ở và cách sống sa hoa, buông thả của Mao và nhận xét: không nên lạm dụng uy tín cá nhân... Bành còn viết thư góp ý rất thận trọng với Mao về những thiếu sót trong Đại nhảy vọt với hy vọng sẽ có cuộc thảo luận ngay thật.

Mao theo dõi rất kỹ “con mồi” của mình, để yên chí rằng Bành chỉ có một mình, không có mưu đồ chung gì với một ai khác. Mao sao bức thư của Bành để gửi mọi người dự và bắt đầu phản công. Ngày 23-7, Mao khôn khéo nhỏ nhẹ, y như nay Mao mới được nói và là một nạn nhân oan ức: “nay cho tôi được phép nói 1, 2 tiếng, tối qua tôi uống 3 lần thuốc ngủ mà không sao chợp mắt!’’

Mao nói: “Vấn đề tưởng gì, hoá ra là thiếu miếng thịt lợn, thiếu vài cái kẹp tóc, và lúc nào đó không có xà phòng ...”; “nếu người ta chống lại kế hoạch nông thôn thì tôi sẽ lãnh đạo nông dân chống trả”; “nếu quân đội không theo ta thì ta lên núi đánh du kích, nhưng ta biết quân đội theo ta. Cả cuộc họp bàng hoàng; im phăng phắc. Mao cho mọi người hiểu, phải chọn: Bành hay là Mao, và ai mà theo Bành thì Mao sẽ chống trả cho đến chết.

Ngay sau đó Mao gọi Lâm Bưu đến. Lâm Bưu phê phán Bành nặng nề và ủng hộ Mao không điều kiện. Không một ai ho he dám đụng đến Mao nữa. Mao liền biến cuộc họp thành Hội nghị trung ương đảng, với quyết nghị thi hành kỷ luật với nhóm phái hữu gồm: Bành Đức Hoài, Hoàng Khắc Thành, Lạc Phủ, Lý Nhuệ (Li Rui); Lý từng là bí thư riêng của Mao.

Nghị quyết được thông qua không có biểu quyết. Bành bị tù từ đó cho đến chết năm 1976. Lâm Bưu được Mao thưởng cho chức Bộ trưởng quốc phòng thay cho Bành và về sau còn được phong làm nhân vật số 2. Số phận tướng Bành Đức Hoài trở nên bi đát. Ông bị quản chế ở một vùng núi Tứ Xuyên từ 1957. Năm 1961 ông được về thăm quê ở Hồ Nam. Bà con kéo cả ngàn người đến thăm cám ơn ông đã thương cảm và dám nói lên sự thật. Năm 1966 Mao cử một viên tướng đi giải ông về Bắc kinh để giam giữ thì viên tướng này lại cảm phục Bành đến độ xin giải tội cho Bành. Mao bỏ tù luôn viên tướng này. Có kẻ từng đối xử tàn ác với Bành lên tiếng xin ông tha lỗi. Về Bắc kinh, Bành lại bị Mao cho tay chân hành hạ, đánh đập bằng gậy, đi giầy da đá và đạp, làm gẫy 2 xương sườn và ngất xỉu. Ông bị hỏi cung thêm 260 lần vì bị Mao nghi là có âm mưu cùng “bọn xét lại ở Moscow”. Ông bị giam riêng, có lúc như mất trí, nhưng ý chí nguyên vẹn, tháng 9-1970 còn viết lời cuối: “Tôi ngẩng cao đầu và nói lớn trăm lần là lương tâm tôi thanh thản”. Do thể chất vốn cường tráng, Bành tuy bị ung thư ruột và đủ thứ tra tấn, vẫn sống dai 15 năm trong tù. Khi chết, ông được chôn theo một bí danh. Sau khi Mao chết, ngày chết của ông mới được biết là 29/11/1974, thọ 76 tuổi, từ đó cháu chắt mới biết ngày giỗ.

9. Trở lại Lư Sơn tháng 7-1959, dân đang cực kỳ đói kém, Mao vừa trừ khử được Bành, một kẻ dám lên án và phê phán mình, tuy là sự phê phán còn nhẹ nhàng, xa xôi. Mao tỏ ra rất cao tay trong nghệ thuật chính trị để thoát hiểm. Lư Sơn liền mở hội. Nơi đây vốn là nhà nghỉ mùa hè của tổng thống Tưởng Giới Thạch. Khi Mao đến nghỉ, không một xe cộ nào được đến gần nơi đây. Trâu bò cho đến chó mèo và cả ếch nhái cũng bị săn đuổi đi hết. Và Mao sống ở dưới hầm sâu, có mái xi-măng, bê tông cốt thép có khả năng chống bom nguyên tử. Trong cơn vui, Mao cho các quan chức dự họp đưa vợ con đến; ăn uống xa hoa, linh đình, những sơn hào hải vị, mỗi bữa ăn có 12 món khác nhau. Mao đích thân chọn các đoàn ca kịch và diễn viên ca hát múa đến phục vụ. Mao còn cho gọi đến một số vũ nữ trẻ. Còn được biết Mao cho gọi một vũ nữ và một nữ y tá trẻ ở địa phương đến “gặp nói chuyện riêng”. Nơi nào Mao ở cũng có các phòng riêng thiết kế đặc biệt, có sa lông, giường rộng, gương xung quanh, màn che phủ kín, để tiếng động không lọt ra ngoài và không có con mắt nào lọt vào được, để “bí mật quốc gia của lãnh tụ” không mảy may bị tiết lộ.

10. Nhân dịp về Lư Sơn họp, Mao cũng ghé qua làng quê của mình ở xã Thiều Sơn, Hồ Nam Những ngày tháng 6-1959 này, 32 năm Mao mới lần đầu trở về quê cũ. Ở đây đã mấy năm trước một ngôi nhà lớn được xây để đón lãnh tụ về thăm. Quanh nhà này, những gia đình không đáng tin cậy về chính trị đều bị đưa đi xa, để không cho họ tiếp cận Mao hay gặp gỡ người nước ngoài đến thăm viếng quê Mao. Mao ngủ lại 2 đêm ở quê, gặp gỡ một số bà con. Có người nói rõ các báo cáo về thành tựu nông nghiệp của vùng đã bị thổi phồng quá đáng; rằng một số người ngay thật đã bị chụp mũ và đánh đập. Một người làng còn hỏi Mao sao lại bắt nông dân ăn ngủ chung như ở trại lính. Bà con than phiền nhất là đói, đói quá, thường chỉ ăn được có 1 phần 3 hay 1 phần tư dạ dày. Mao mời mấy chục bà con quê nhà một bữa cơm; bà con ăn ngấu nghiến chỉ trong một thóang.

Ở quê Mao không có một ai tán thành chính sách của Mao, từ công xã nhân dân đến thuế nông nghiệp. Có nhiều kêu ca phàn nàn, Mao bèn gọi mấy vị chính quyền của tỉnh để đẩy trách nhiệm cho họ: hãy ghi lại những ý kiến thuộc trách nhiệm của địa phương. Thế là xong. 32 năm mới về làng một lần duy nhất này, về sau Mao không về lần nào nữa.

Jung và Jon cho thấy rằng nhiều người trên thế giới tưởng lầm rằng Mao có lập trường nông dân, quan tâm đến cuộc sống của nông dân, thông cảm với cảnh nghèo khó cực khổ, lạc hậu của nông dân. Không có gì sai hơn. Mao không hề tỏ ra tin yêu, quý trọng nông dân. Mao dửng dưng với đau khổ lao động vất vả đến kiệt sức của họ. Mao không hề động lòng về nạn đói chết hàng loạt, chết hàng chục triệu nông dân trên đất Trung quốc của ông. Mao cũng không hề nhận thấy trách nhiệm rõ ràng của mình trong thất bại hiển nhiên của các chính sách Đại nhảy vọt, công nghiệp hoá, Công xã nhân dân. Tất cả tâm sức của Mao đặt trọn ở xây dựng một nền thống trị cá nhân, một triều đình hùng mạnh của một Hoàng đế đội lốt cộng sản có quyền lực tuyệt đối.

11. Trong vấn đề nông dân, Jung và Jon cho biết Mao chỉ nghĩ đến khi mong muốn chia khu vực ảnh hưởng với Liên Xô. Mao muốn mình sẽ cầm đầu cả khu vực châu Á, châu Phi và Mỹ la tinh. Stalin kiên quyết lắc đầu. Vì Liên Xô vừa là nước ở châu Âu, vừa là nước ở châu Á. Ngay Mông cổ, Triều Tiên, và cả Ấn độ nữa, Liên xô cũng muốn giữ ảnh hưởng của mình. Liên Xô chỉ muốn Trung Quốc nắm Đông Nam Á, như Việt nam, Lào, Cambốt, Indonêxia thôi.

Có lúc Trung Quốc muốn nắm các nước Á – Phi – La (Mỹ la tinh) được coi là nông thôn của thế giới, nhưng Liên Xô không chịu. Liên xô luôn tự nhận là cường quốc hạt nhân hàng đầu của thế giới, ở trên hẳn Trung Quốc một tầm cao. Đây luôn là niềm cay đắng của Mao.

(còn nữa)


Bài do tác giả gởi. DCVOnline biên tập và minh hoạ

Re: Những điều chưa biết về Mao (IX)
2007-11-09 08:27:26

Minh Duc

Trích: Mao-Trạch-Đông đã có mộng đưa TQ thành siêu cường số 1 thế giới.....MTĐông đúng là danh nhân TQ,và cho đến giờ đây:TQ mới từ từ nắm giữ vị trí này

Có điều quan trọng hơn việc TQ thành siêu cường số 1 trên thế giới là dân TQ có được ăn no, mặc ấm, sống hạnh phúc hay không. TQ thành siêu cường số một trên thế giới mà dân TQ ăn đói, thiếu mặc, hàng chục triệu người bị chết đói, sống lúc nào cũng lo sợ phập phồng không dám nói thật những điều mình nghĩ thì cái siêu cường số 1 trên thế giới đó phục vụ cho ai? Nếu nó không phục cho dân TQ thì nó chỉ đem lại hạnh phúc cho Mao và cận thần của Mao mà thôi.

Trích: Jung và Jon cho thấy rằng nhiều người trên thế giới tưởng lầm rằng Mao có lập trường nông dân, quan tâm đến cuộc sống của nông dân, thông cảm với cảnh nghèo khó cực khổ, lạc hậu của nông dân. Không có gì sai hơn. Mao không hề tỏ ra tin yêu, quý trọng nông dân.

CS gọi nông dân là thành phần cơ bản. Cho đến ngày nay, trong sách vở Trung Quốc những phong trào lịch sử do nông dân chủ xướng thì được gọi là tiến bộ. Đó chẳng qua là những người lãnh đạo CS muốn dùng nông dân. Vì nông dân chiếm đa số tại TQ, CS muốn dùng nông dân để làm lính để được số đông nên phỉnh nịnh nông dân để nông dân ra sức chiến đấu cho đảng CS. Khi đã nắm được quyền rồi thì những kẻ lãnh đạo không quan tâm đên việc nông dân đói rét ra sao. Nông dân bị dùng như là công cụ. Điều này, nhiều người đã thấy ngay từ lúc Việt Minh mới xuất hiện. Họ không thể theo Việt Minh được vì họ thấy VM dùng dân như là công cụ chứ không phải là thực lòng quan tâm đến hạnh phúc của dân. Thực tế mấy chục năm qua đã cho thấy rõ.

Trích: Nghị quyết được thông qua không có biểu quyết. Bành bị tù từ đó cho đến chết năm 1976. Lâm Bưu được Mao thưởng cho chức Bộ trưởng quốc phòng thay cho Bành và về sau còn được phong làm nhân vật số 2. Số phận tướng Bành Đức Hoài trở nên bi đát.

Dưới trướng minh quân mới có trực thần. Bành Đức Hoài là trực thần, dám nỏi thẳng nhưng bị hại vì gặp hôn quân. Hôn quân dốt nát, thi hành chính sách sai lầm nhưng bắt tội người vạch ra sai lầm. Bọn đi theo Mao tố Bành Đức Hoài chỉ là những kẻ đi theo phò hôn quân.

Trích: Tháng 12, 1953, Mao tròn 60 tuổi. Tuy còn khoẻ, Mao nghĩ đến cái chết đến dần. Mao ngày càng tỏ ra sốt ruột. Tham vọng cao nhất của Mao là sớm đưa Trung quốc nhập vào “Câu lạc bộ các siêu cường” và sau đó trở thành siêu cường số 1 của thế giới.

Mao muốn TQ trở thành cường quốc là do tham vọng muốn mình lãnh đạo một nước mạnh, có thể áp đảo các nước khác. Đó là tâm lý vì mình, tham quyền lực, sức mạnh, không phải vì đất nước. Vì ham muốn thấy mình đứng đầu thế giới nên nóng vội dùng các biện pháp bá đạo, mất căn bản để phát triển đất nước. Nếu Mao quả thật là vì đất nước thì Mao sẽ phải bình tâm mà nhìn thấy rằng việc hiện đại hóa của TQ không phải là trong vòng một thế hệ mà là nhiều thế hệ. Nếu vì đất nước thì Mao sẽ chấp nhận mình là người khởi đầu việc hiện đại hóa nhưng trong đời mình sẽ không nhìn thấy TQ trở nên đứng đầu thế giới mà các thế hệ tiếp theo mình sẽ tiếp tục sự nghiệp của mình và có thể đến đời con, cháu, chắt mình mới nhìn thấy TQ đuổi kịp các nước tiến bộ. Vì quá tham nghĩ cho bản thân mình nên Mao trở nên mất sáng suốt, đưa ra các chính sách quàng xiên.

Re: Những điều chưa biết về Mao (IX)
2007-11-08 09:57:27

Nguyễn Khánh Đăng


Bành Đức Hoài chắc chắn không “hiền” như nhiều người nghĩ. Trước đây Bành ở trong Quốc Dân Đảng và làm tướng dưới trướng Tưởng Giới Thạch. Sau đó Bành phản đảng, chạy theo phe cộng sản. Là tư lệnh chiến trường của quân đội Trung Cộng trong cuộc chiến tranh Triều Tiên, Bành đã xử tử và bỏ tù biết bao nhiêu lính Tàu đã bị Mỹ bắt trong cuộc chiến Triều Tiên khi họ được trả lại phe công sản khi chiến tranh tạm ngưng. Không gian ác, làm sao loại bỏ những địch thủ khác trong đảng CS để leo vào chính trị bộ rồi nắm chức thống tướng bộ trưởng quốc phòng? Hắn không ác bằng Mao vì chưa có dịp nắm quyền để làm chuyện ác thôi. Bành Đức Hoài chắc chắn cũng không phải là kẻ khờ. Bành chuẩn bị kế hoạch để lật Mao khá kỹ lưỡng, vì nghĩ tình hình chín mùi vì Mao đã phạm quá nhiều sai lầm, cũng như đánh giá rất chính xác rằng Mao đã mất quá nhiều uy tín đối với các uỷ viên trung ương đảng. Nhưng Bành kém trí Mao quá xa, lại không đủ vây cánh cho nên không chơi lại Mao nên phải chết. Khi Mao áp lực những uỷ viên trung ương phải chọn giữa Mao hay Bành, thì Bành tiêu ngay. Bành hay Mao, đều là gian nhân hiệp đảng với nhau. Rồi thằng này lật thằng kia. Chẳng thằng nào hiền. Giả sử Mao bị Bành hạ bệ năm 1959, chưa chắc Mao đã sống được tới năm 1974 như Bành

Re: Những điều chưa biết về Mao (IX)
2007-11-09 08:23:21

Minh Duc

Những phê phán của Bành Đức Hoài nói rõ Mao sai lầm về đường lối. Nếu Mao chấp nhận điều này thì Mao sẽ bị mất uy tín trước đảng và sẽ phải bị hạ bệ. Mao không muốn bị mất chức nên phải diệt Bành Đức Hoài. Nói chung là cách diệt đồng chí dám phê phán trong đảng là vi phạm dân chủ trong đảng. Nhưng cách hành xử của các đảng CS nó là như thế.

No comments: