Wednesday, April 1, 2009

NHỮNG ĐIỀU CHƯA BIẾT VỀ MAO (7)

Những điều chưa biết về Mao (VII)

Bùi Tín- phỏng dịch và tóm tắt

30-10-2007

http://www.danchimviet.com/php/modules.php?name=News&file=article&sid=4099

Tiếp theo các phần: I , II, III, IV, VVI

Phần VII: Mao với một cuộc chuyển bại thành thắng

1-. Tháng 5-1945, phát xít Đức đầu hàng. Theo đúng thoả thuận Yalta giữa Mỹ-Anh-Liên Xô là ''Liên Xô sẽ tiến công phát xít Nhật 2 đến 3 tháng sau khi quân Đức đầu hàng'', ngày 9-8-1945 một triệu rưởi quân tinh nhuệ của Hồng quân Liên Xô tiến vào Trung Quốc trên một trận tuyến dài 4.600 kilômet phía Đông-Bắc Trung hoa để đánh quân Nhật. Ngày 15-8 Nhật đầu hàng. Đầu tháng 8, Liên Xô ký với chính phủ Tưởng hiệp ước Hữu nghị và liên minh Xô - Trung, công nhận Tưởng cầm đầu chính phủ hợp pháp duy nhất của Trung Quốc; hiệp ước xác định quân đội Liên Xô vào Trung Quốc và Bắc Triều Tiên đánh Nhật và giải giáp quân Nhật khi chúng đầu hàng, sau đó 3 tháng sẽ rút về.

Trong 2 tuần, quân Liên Xô chiếm đóng toàn bộ vùng Mãn Châu, Nội Mông và Bắc Triều Tiên. Mãn châu là vùng giàu có phát triển nhất, sản xuất 70% về công nghiệp nặng. Riêng ở kho vũ khí Thẩm Dương quân Nhật để lại 10 vạn khẩu súng, nhiều khẩu pháo, quân nhu lương thực hàng chục vạn tấn, tất cả được giao lại lặng lẽ cho quân cộng sản của Mao trong vùng. Các chuyên gia đánh giá số chiến lợi phẩm ở Mãn châu lên đến 850 triệu đôla (bằng 2 tỷ đôla hiện nay).

20 vạn quân Trung hoa ở Mãn châu theo Nhật cũng bị quân Liên Xô bắt giữ, số lớn được ''vận động'' thật ra là bắt buộc tham gia Hồng quân của Mao, ghép vào các quân đoàn Hồng quân và một số địa phương quân.

2-. Mỹ Anh và cả Liên Xô ép Mao hoà giải với Tưởng để duy trì hoà bình, Mao chống lại rồi đành nhượng bộ. Mao rất ngại ra khỏi sào huyệt của mình vì luôn sợ bị ám sát. Mỹ cử đại sứ Patrick Hurley đến tận Diên An ngày 28-8-1945 đón Mao đến Trùng Khánh để hội đàm với Tưởng. Cuộc hội đàm kéo dài 45 ngày, Hiệp ước hoà bình Quốc - Cộng được ký ngày 10-10-1945.

Trong khi họp, quân Mỹ - lấy cớ giải giáp quân Nhật, chiếm và giao cho quân Tưởng 2 thành phố lớn Bắc Kinh và Thiên Tân. Mỹ cũng giúp việc chuyển quân Tưởng đang tập trung ở phía Nam lên phía Bắc. Cả Mao và Tưởng đều không thật lòng hoà giải, vẫn quyết sống mái với nhau.

3-. Chiến trường chính là vùng Mãn Châu. Mao cử Lâm Bưu chỉ huy vùng Đông Bắc rộng lớn này, đồng thời lập Cục đông Bắc của đảng Cộng sản. Nhưng Hồng quân ở vào thế yếu, không quen đánh tập trung, đánh lớn theo kiểu chính quy, trong khi quân Tưởng được huấn luyện tốt và thiện chiến hơn. Ngày 15-11-1945 tại Sơn Hải Quan, Hồng quân thua nặng, bỏ chạy, để mất nhiều vũ khí.

Nhiều trận đọ sức sau đó, Hồng quân không quen với hỏa lực lớn, đạn pháo dồn dập, không quân Tưởng tham chiến luôn nên quân của Lâm Bưu thường bỏ chạy, thậm chí đầu hàng, để mất nhiều súng đạn; số bỏ ngũ ngày càng nhiều, có đơn vị mất đến nửa quân số trong 2 tuần. Để tình hình không xấu đi nhanh, quân Liên Xô phải ở lại quá 3 tháng qui định, đến tháng 5-1946 mới gọi là rút hết, nghĩa là quá thời gian quy định 7 tháng nữa. Từ Moscow, Staline lo lắng, yêu cầu Hồng quân tạm rút khỏi các đô thị, về nông thôn chấn chỉnh và huấn luyện lại, tính chuyện lâu dài, Mao đang sốt ruột cứ muốn thắng nhanh, đành phải chấp nhận ý kiến của Staline..

Tướng Đỗ Duật Minh (Tu Yu-ming) của Tưởng từng đánh với quân Nhật nhiều trận lớn, dày dạn kinh nghiệm nay chỉ huy chiến trường Đông Bắc, nhận ra thế Hồng quân nao núng, liền đẩy mạnh tiến công; trong 2 tuần Hồng quân bị đẩy lùi lên phía Bắc và Tây Bắc hướng về biên giới Liên Xô, bỏ lại hầu hết các đô thị, chỉ còn Cáp-nhĩ-tân (Harbin), thành phố gần Liên Xô nhất. Lâm Bưu phải than rằng quân ông đang ở trong thế hỗn loạn không còn tổ chức và kỷ luật.

Lâm Bưu báo cáo thật với Mao rằng dân tình vùng này bất lợi, tỏ ra vẫn trung thành với Tưởng, không ưa nội chiến, còn muốn Hồng quân phục tùng chính phủ trung ương... Trong thế bại, ngày 1-6-1946, Lâm Bưu điện gửi Mao xin phép rút khỏi Cáp-nhĩ-tân . Mao lưỡng lự, đề nghị Staline có cách nào can thiệp kiểu cấp cứu, nhưng Staline e ngại phản ứng quốc tế không đáp ứng. Ngày 3-6 Mao cho phép Lâm Bưu rút khỏi Cáp-nhĩ-tân.

Nhưng... Mao, Lâm Bưu và Hồng quân đã được cấp cứu. Ra sao? bởi ai? Xin xem tiếp:

4-. Người Mỹ, chính phủ Mỹ đã cứu Mao, cứu vô tình, một cách gián tiếp.

Tháng 12-1945 tổng thống Mỹ Truman cử tướng George Marshall sang Trung Quốc nghiên cứu tình hình với mục đích ngăn nội chiến. Marshall từng ở Trung Quốc nhiều năm, không ưa Tưởng vì để tham nhũng lan rộng, cho gia đình ông ta và gia đình nhà vợ quá nhiều đặc quyền kinh tế và chính trị. Marshall cả tin lời Chu Ân Lai: ''chúng tôi muốn áp dụng một nền dân chủ kiểu Hoa kỳ!''. Marshall đến Diên An ngày 4 và 5 thấng 3 - 1946, nói chuyện với Mao rồi báo về cho tổng thống Truman rằng: Mao tỏ ra chân thật, muốn hợp tác chặt chẽ với Mỹ; quân vũ trang ở Mãn Châu chống Tưởng rất ô hợp, ở ngoài tầm chỉ huy của Diên An (!) . Marshall còn gây áp lực với Tưởng buộc phải ngừng việc truy đuổi quân cộng sản khỏi vùng Đông Bắc, nếu không Mỹ sẽ ngừng chi viện và đình chỉ việc chuyển quân Tưởng từ phía Nam lên phía Bắc bằng tàu hải quân của quân đội Mỹ. Marshall cho rằng chỉ có Tưởng là đang vi phạm Hiệp ước hoà bình Quốc - Cộng.

Thế là Tưởng đành phải chấp nhận một cuộc ngừng chiến sự 15 ngày, kể từ ngày 5-6-1946. Mao vừa cho phép Lâm Bưu rời bỏ Cáp-nhĩ-tân, vội điện tiếp: Hãy chờ, không rời bỏ Cáp-nhĩ-tân vội.

Cuộc ngừng chiến sự trên thực tế kéo dài đến 4 tháng.

5-. Trong 4 tháng, một căn cứ dài một ngàn kilômet vuông rộng 500 kilômet vuông, có đường xe lửa nối sang Nga liền một dải với Ngoại Mông và Bắc Hàn được củng cố. Lâm Bưu tận dụng thời gian quý này để chấn chỉnh về mọi mặt quân lính, từ tổ chức, huấn luyện, nuôi quân, mở nhiều lóp cho sỹ quan chỉ huy, tham mưu, thực tập về hợp đồng binh chủng, về vận động chiến, về vũ khí hiện đại. Trại huấn luyện chính quy cho pháo binh, công binh, cả cho không quân được mở với chuyên gia Nga và Nhật bản, số sĩ quan Nhật được lựa chọn trong số tù binh làm sỹ quan huấn luyện. Cũng trong 4 tháng này, Liên Xô chuyển đến nhiều trang bị kỹ thuật, vũ khí mới. Liên Xô còn giao không ồn ào cho quân của Lâm Bưu 900 máy bay Nhật, 700 xe tăng, 3.700 cỗ pháo, cối và phóng lựu, 12 ngàn súng máy, vài trăm ngàn súng trường, phần lớn thu được từ đội quân Quan đông Nhật bản. Ngoài ra từ Bắc Hàn, Liên Xô chuyển sang hơn 2 ngàn toa xe lửa chở vũ khí và quân cụ từ kho và nhà máy Nhật bản trên đất Bắc Hàn. Lại phải kể đến một số vũ khí Đức thu được từ châu Âu cũng được chuyển đến chiến trường này. Lại cần kể đến mấy ngàn tù binh Nhật do Liên Xô bí mật giao cho Hồng quân của Mao, một số không ít tình nguyện ở lại làm huấn luyện viên cho Hồng quân. Vai trò họ rất đắc lực trong hướng dẫn dùng, bảo quản và sửa chữa vũ khí hiện đại Nhật Bản, Chính sỹ quan không quân Nhật đó giúp tạo nên ngành không quân trẻ của Hồng quân Trung hoa. Chỉ sau 4 tháng Hồng quân ở vùng Đông Bắc được củng cố rõ rệt, lớn mạnh hẳn lên về mọi mặt, nhờ cuộc ngừng chiến sự kéo dài do tướng Marshall áp đặt.

6-. Trần Lập Phu (Chen Li -fu) thân cận với Tưởng nhận xét rất xác đáng rằng: về quân sự đang thắng thì phải thừa thắng tiến công mạnh lên nữa; cách đánh rồi ngừng, rồi lại đánh, lại ngừng thế này rất tai hại.

Nửa năm sau của năm 1946, nhờ sự tiếp sức cực kỳ hùng hậu của Staline, lặng lẽ vận chuyển vũ khí của Nga, Đức, Nhật theo quy mô cực lớn cho Mao, tận lực giúp Mao nâng cao tổ chức, trang bị, huấn luyện của đạo Hồng quân Đông Bắc của Lâm Bưu, lại được sự hỗ trợ vô giá của Mỹ trói tay trói chân buộc Tưởng bất động khi đang trên thế thắng ở Đông Bắc, so sánh lực lượng cuối năm thay đổi ngược lại trên chiến trường lớn này. Từ những đội du kích theo cách đánh phân tán lẻ nhỏ, trang bị linh tinh, đội quân của Lâm Bưu như có phép lạ trở thành quân đội chính quy hiện đại, quân phục, dày mũ thống nhất, trang bị thống nhất, có doanh trại và thao trường hiện đại do đội quân Quan Đông Nhật để lại nguyên vẹn, có pháo binh dư dật, lấy lại tinh thần, tự tin mở cuộc tiến công mới, chấm dứt thời kỳ ngừng bắn hơn 4 tháng.

7-. Đầu năm 1947, Tưởng lệnh cho tướng Hồ Tông Nam (Hu Tsung-nan) tiến công thẳng vào Diên An thủ đô đỏ của Mao. Hồ từng tốt nghiệp từ Học viện Quân sự Hoàng Phố ở Quảng Châu do các chuyên gia Liên Xô giảng dạy, do Tưởng làm Hiệu trưởng danh dự. Ngày 18 và 19 -3- 1947 Hồ cho đại quân chiếm Diên An, nhưng Mao và toàn bộ lực lượng, tài liệu, của cải đều di chuyển hoặc phá huỷ hết. Hồ được lệnh mở nhiều cuộc hành quân càn qúet mở rộng, lan ra khắp tỉnh Thiểm Tây và Tứ Xuyên.

Điều kỳ lạ là các đội quân của Mao di chuyển loanh quanh 2 tỉnh ấy khi thì từ chối giáp chiến, khi thì quay lại phục kích lớn và thường giành thắng lợi. Quân của Hồ quần nhau trong vùng rừng núi hiểm trở bị hao hụt từng mảng lớn và đến gần cuối năm phải rút sang phía duyên hải để củng cố, mất đứt hơn 1/3 lực lượng vốn khá tinh nhuệ. Thì ra qua so sánh những tài liệu tham mưu 2 bên, tướng Hồ chơi trò 2 mặt, có thể nói là bán mình làm tay trong cho Mao; phía Mao được biết tỷ mỷ trước hầu hết các cuộc hành quân để né tránh các mũi tiến công và khi thuận lợi thì phục kích hoặc đột kích vào quân của Tưởng. Khi sang Đài Loan, tướng Hồ Tông Nam bị lộ là làm phản, bị truy tố ra toà nhưng Tưởng cho chìm vụ này, vi e ngại chỉ làm xấu thêm đội quân bại trận. Phía Mao cũng không khai thác chuyện này để tô vẽ thêm tiếng tăm của Hồng quân.

8-. Sang năm 1948, Hồng quân đã có thế và lực vượt trội quân Tưởng, liền mở các chiến dịch đại quy mô kiểu vận động chiến từ vùng đông bắc, chiếm thủ đô Bắc kinh rồi vượt sông Dương tử, thực hiện cuộc Nam hạ trong thế chẻ tre.

Chiến dịch lớn thứ nhất diễn ra trên chiến trường Mãn châu nơi 2 năm trước Hồng quân kiệt quệ lùi về phía biên giới Liên Xô. Tưởng giao nhiệm vụ giữ vùng này cho tướng Vệ Lập Hoàng (Wei Li-huang), chỉ huy 55 vạn quân thiện chiến loại nhất. Vệ là tướng lừng danh trên chiến trường chống quân Nhật ở Diến Điện, được báo chí phong là tướng ''Bách chiến bách thắng''. Vệ được Tưởng chọn còn vì cố vấn Mỹ rất mực ca ngợi Vệ, Tưởng hy vọng do vậy Mỹ sẽ tăng đáng kể cung cấp vũ khí hiện đại nhất. Về sau mới biết Vệ là gián điệp đỏ, luồn sâu leo cao. Được Tưởng giao nhiệm vụ, Vệ ngầm báo tin ngay cho đại sứ quán Liên xô ở Paris (Pháp) và phối hợp chặt với bản doanh của Mao. Nhận chức, Vệ lệnh cho quân lính trở về giữ các thành phố ở Mãn châu, để cho Hồng quân tràn lên khắp nơi và bao vây các đô thị.

Tưởng lệnh cho Vệ đánh chiếm thị trấn lớn Tân Châu, nơi hội tụ nhiều đường xe lửa trong vùng Nam Mãn châu, lúc ấy chưa có bên nào chiếm hẳn Tân Châu. Điều này tướng Mỹ Barr, tổng cố vấn quân sự Hoa Kỳ, cũng nhấn mạnh là cần thiết. Vệ lừng khừng trì hoãn thực hiện lệnh này. Lẽ ra phải truất chức Vệ và thay tướng, Tưởng do dự cho đến ngày 15-10-1948 Hồng quân đánh chiếm Tân Châu. Sau trận này, Hồng quân thắt chặt vòng vây các đô thị rồi lần lượt hạ thành. Ngày 2-11-1948 thành phố lớn nhất Mãn châu là Thẩm Dương bị Hồng quân chiếm. Quân của Lâm Bưu đại thắng làm chủ cả vùng Đông Bắc.

Vệ bị Tưởng bắt giữ, bị quản thúc. Dư luận đòi Tưởng truy tố Vệ ra toà án quân sự, Tưởng vẫn tỏ ra mềm yếu không quyết đoán. Ít lâu sau, Vệ sang ở Hông Công. Sau khi Mao toàn thắng, Vệ gửi thư cho Mao ca ngợi hết lời rồi về sống ở Bắc kinh từ 1955, âm thầm chết năm 1960.

9-. Sau chiến thắng Đông Bắc, Lâm Bưu có trong tay 1 triệu 30 vạn quân đầy khí thế. Nhiệm vụ tiếp theo của Lâm là tiến đánh 60 vạn quân của tướng Phó Tác Nghĩa (Fu Tso-yi) đang trấn giữ vùng quanh Bắc kinh. Phó nổi tiếng về chiến công lớn năm 1936 tiêu diệt đội quân Mãn châu do Nhật dựng lên. Phó trung thành rất mực với Tưởng, nhưng sau trận Vệ thua to, Phó mất tự tin và có lúc Phó nghĩ đến đầu hàng, vào tháng 11-1948. Phó cũng e ngại không muốn Bắc Kinh bị tàn phá với biết bao di tích lịch sử và văn hoá vô giá sẽ tan tành. Con gái của Phó lại có cảm tình với CS, nhận làm nội gián, có lần báo cho phía Mao những tin quân sự mật. Tinh thần Phó giao động mạnh nên cuộc chiến đấu lừng khừng, cầm chừng, thường Phó mặc cho cấp dưới tuỳ ý xoay xở đối phó với mọi tình hình. Trận đánh chiếm thành phố Thiên Tân lớn thứ 3 của Trung Quốc vào ngày 15-1-1949 không gay go gì. Ngay sau đó Mao tỏ đồng ý với lời xin đầu hàng của Phó để ngỏ thủ đô Bắc Kinh, kết thúc êm đẹp chiến dịch lớn thứ hai, thường được gọi là Chiến dịch Thiên Tân - Bắc Kinh. Tướng Phó sống ở Bắc Kinh cho đến khi chết vào năm 1974.

10-. Chiến dịch lớn thứ 3 diễn ra ở vùng trung tâm rộng lớn của Trung Quốc, phía Bắc thành phố Nam Kinh vốn là thủ đô của phe Tưởng, diễn ra từ tháng 11-1948 đến tháng 1-1949, với 1 triệu quân lính của cả 2 bên. Chiến dịch này của Mao cũng thuận lợi do có 2 viên tướng của Tưởng, tuy không ở vị trí chỉ huy cao nhất, nhưng đã là đảng viên cộng sản bí mật, một người từ 10 năm, người kia từ 20 năm trước. Đã vậy trong bộ chỉ huy tối cao của Tưởng có 2 gián điệp cộng sản nằm vùng làm công tác tham mưu. Đó là Lưu Phỉ (Liu Fei) và Quách Duy Quý (Kuo Ju-kui). Họ phác ra mệnh lệnh, kế hoạch tác chiến cho các đơn vị, luôn đặt quân Tưởng trong thế bị động, với những sơ xuất cố tình, đồng thời họ sao gửi cho phía cộng sản. Sau chiến dịch này, Quách được cử về chỉ huy quân ở Tứ Xuyên, tại đó Quách dẫn hẳn một quân đoàn sang hàng cộng sản.

Ngày 20-4-1949, 1 triệu 20 vạn hồng quân vượt sông Dương tử về phía Nam; 2 ngày sau, Nam Kinh - thủ đô của Tưởng bị chiếm dễ dàng, chấm dứt 22 năm cầm quyền của chính phủ Quốc dân đảng. Ngày mất Nam kinh (23-4) Tưởng đi máy bay về quê, ngồi lâu bên mộ bà Mẹ, thắp hương, khấn vái, sau đó đến Thượng Hải rồi đi tàu ra Đài Loan.

11-. Mấy tháng sau, Mao yêu cầu Staline gửi gấp cho máy bay và tầu ngầm do quân đội Liên Xô điều khiển, tham gia chiến dịch chiếm Đài loan dự trù sẽ diễn ra năm 1950, thậm chí sớm hơn. Mao nhấn mạnh rằng lúc này đang có đà thắng, trong nội bộ quân Tưởng đã trà trộn nhiều tình báo, tay trong, cơ sở bí mật của đảng cộng sản, cuộc chiến có nhiều thuận lợi.

Staline dè dặt rồi lắc đầu, cho rằng đưa máy bay, tàu chiến Liên Xô sang tham chiến là quá phiêu lưu, đụng đầu với Mỹ và đồng minh của Mỹ, bất lợi trước dư luận toàn thế giới.

12-. Qua những chuyện chưa biết trên đây về Mao, Jung và Jon có ý nêu bật tính cách trái ngược của 2 nhân vật đối lập. Mao thâm độc, tàn ác không tính toán ngần ngại, triệt hạ thẳng tay mọi địch thủ và kẻ có nghi vấn, thà oan còn hơn để lọt lưới, không mảy may động lòng trước đau khổ chết chóc của quần chúng dưới quyền; còn Tưởng thì luôn nặng tình cảm, nhẹ lý trí, thường do dự khi cần trừng trị người vốn theo mình, quý trọng dòng họ, lễ nghi, yêu thương bố mẹ vợ con rất mực.

(còn nữa)


Bài do tác giả gởi. DCVOnline biên tập và minh hoạ

No comments: