Wednesday, April 1, 2009

NHỮNG ĐIỀU CHƯA BIẾT VỀ MAO (1)

Những điều chưa biết về Mao (I)

09-10-2007

http://www.danchimviet.com/php/modules.php?name=News&file=article&sid=3994

DCVOnline – Cuốn “Mao: The Untold Story”, của đồng tác giả Jon Halliday và Jung Chang do hai nhà xuất bản, Random House (ISBN 0-224-07126-2) và Knopf (ISBN 0-679-42271-4 ), theo thứ tự phát hành từ 02/06/2005 và 18/10/2005.

Từ 5 tháng 3, 2006 đến 15 tháng 5, 2006 tác giả Từ thứ đã lược dịch và tóm tắt cả 58 chương sách và đăng tải trên DCVOnline thành 11 bài. Bạn đọc DCVOnline đã chú ý đặc biệt đến loạt bài này (trung bình có hơn 3.000 đến hơn 4.000 lượt đọc mỗi kỳ). Ở bài thứ 7, tác giả Từ thứ viết:

Toàn bộ cuốn sách có 58 chương, dày 814 trang. Phần này giới thiệu với quý vị các chương 42 tới 45. Tôi chỉ lược dịch cuốn sách này để giới thiệu với quý vị một phần tội ác của Mao. Ðể không vi phạm bản quyền của nhà xuất bản, tôi xin xác nhận một lần nữa đây không phải là dịch theo nguyên tác.

Xin cám ơn các bạn đã khuyến khích tôi tiếp tục. Tôi không có gì để phải nói với những vị phê phán tôi vì:

(1) Vốn liếng tiếng Việt tôi cũng rất hạn chế, nói gì tiếng Anh, nên công việc lược dịch này chỉ là tạm thời chờ vị nào giỏi hơn thay thế. Cái đóng góp nhỏ mọn này chỉ để giúp những vị nào tạm thời không có bản chính trong tay.

(2) Tôi chẳng có tham vọng gì trong công việc này, ngoài một mục đích phổ biến cho bà con về những tàn ác của Mao đối với nhân dân họ, để qua đó chúng ta cùng hiểu CSVN rõ hơn. Chế độ CSVN hiện nay là đệ tử của Mao, một loạt các chính sách giết người như cải cách ruộng đất, hộ khẩu, hợp tác xã là học của Mao, nên hiểu rõ Mao là hiểu rõ chế độ CSVN.

Một điểm đáng lưu ý, khi bài khởi đăng bạn đọc Feng Nguyễn đã sốt sắng cộng tác, giúp tác giả Từ Thứ và DCVOnline chuyển dịch những nhân danh và địa danh từ Pin Yin sang tiếng Hán Việt để dễ hiểu và tra cứu thêm khi cần.

Nếu cần tham khảo, bạn đọc DCVOnline có thể tìm đọc lại loạt bài “Mao Trạch Đông — Tội ác diệt chủng” của tác giả Từ Thứ tại các đường dẫn theo sau:

Bài 10, Bài 9, Bài 8, Bài 7, Bài 6, Bài 5, Bài 4, Bài 3, 2 và 1

Và hôm nay, 9 tháng 0, 2007, DCVOnline lại có cơ hội giới thiệu với bạn đọc một tác giả khác đã đọc “Mao: The Untold Story” và “tóm tắt, rút gọn, sắp xếp lại thành hơn 10 chủ đề” để DCVOnline lần lượt giới thiệu với bạn đọc.

Xin mời quý độc giả theo dõi phần giới thiệu “Mao: The Untold Story” của tác giả Bùi Tín.

Bùi TínPhỏng dịch và tóm tắt



Phần I: Công trình biên tập đồ sộ công phu

Cuốn sách đồ sộ, khổ lớn, hơn 800 trang, mang tít ''Mao - An Unknown Story'' (nhà xuất bản Globalflair), bản tiếng Pháp ''Mao - Histoire Inconnue '' (nhà xuất bản Gallimard) tạm dịch sang tiếng Việt là ''Những điều chưa biết về Mao'' mới phát hành đầu năm 2007 đã được giới đọc sách và nghiên cứu khắp nơi rất chú ý.

Đây là một bản tiểu sử khá đầy đủ, rất độc đáo về Mao Trạch Đông, sinh tại Hồ Nam ngày 26-12-1893, một nhân vật chính trị tiêu biểu cỡ quốc tế, lãnh tụ cao nhất của đảng Cộng sản Trung Quốc thành lập từ tháng 7 năm 1921, đứng đầu chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Trung hoa đông dân nhất thế giới từ 1-10-1949 đến khi tắt thở vào ngày 9 tháng 9 năm 1976, thọ 83 tuổi.

Cuốn sách độc đáo vì tác giả chính của nó là nữ giáo sư ngôn ngữ học trường Đại Học York ở nước Anh JUNG CHANG (tiếng Việt là Trương Nhung), người gốc Trung quốc; đồng tác giả cuốn sách là JON HALLIDAY, nhà văn, nhà nghiên cứu lịch sử của trường Đại học London, chồng bà Jung.

Trên mạng Talawas, trước đây các bạn Hoài Phi và Vi Huyền đã dịch bài viết tiếng Anh của Ronald Radosh ''Lột trần chân tướng của Mao'' điểm cuốn sách trên đây, một vài báo và mạng cũng giới thiệu qua, nhưng đáng tiếc là còn sơ sài, giản đơn, so với một công trình hơn 800 trang.

Jung Chang sinh năm 1952 trong một dòng họ quý tộc ở Mãn châu sớm tham gia phong trào cách mạng do đảng Cộng sản khởi xướng. Năm mới 14 tuổi cô gái học sinh trung học Jung tươi trẻ, thông minh, hăng say tham gia hàng ngũ Hồng Vệ Binh của Mao Chủ tịch, sau đó bị xua đuổi về nông thôn và trong nhà máy để cải tạo tư tưởng, dọn dẹp những đổ nát tan hoang do chính họ gây nên. Jung trở lại trường học, cặm cụi học tiếng Anh để thành cô giáo Anh văn trong trường đại học Tế Xuyên. Thế rồi cơ duyên dun dủi, năm 1978 cô được học bổng sang Anh, gặp Jon, rồi ở lại London sinh sống và lập nghiệp.

Lần đầu tiên tôi làm quen với vợ chồng JUNG Chang - JON Halliday là vào tháng 5 năm 1995, qua một bạn trong ban tiếng Việt đài phát thanh BBC ở thủ đô London. JUNG và JON có nhã ý mời chúng tôi đến nhà riêng dự bữa cơm thân mật. Lúc ấy cuốn sách đầu tay của JUNG xuất bản cuối năm 1993 ''Wild Swans'' được dịch sang tiếng Pháp ''Les Cygnes Sauvages''(''những con thiên nga hoang dã'') cùng với hơn một chục thứ tiếng khác, đạt kết quả đặc biệt trên thị trường quốc tế, đến nay đã bán 10 triệu cuốn. Chuyện kể tỷ mỷ, sinh động, lạ lẫm, về cuộc đời đầy bi kịch của 3 người đàn bà Trung hoa là bà ngọai, mẹ và bản thân JUNG, đượm mùi vị và mầu sắc rất riêng, đã hấp dẫn độc giả phương Tây.

Sau bữa ăn buổi gặp ấy, JUNG và JON giữ tôi lại rất khuya để trò chuyện về đủ loại tình hình, về quan hệ Việt - Trung, về sự kiện Thiên An Môn, về các nhà đối lập của 2 nước, về chế độ phong kiến châu Á...JUNG có trí nhớ hiếm đầy hình ảnh, tác phong nhậy bén của nhà báo - mồm nói tay ghi, luôn có nhận xét tinh tế riêng. JON có dáng vẻ thâm thuý thận trọng của nhà nghiên cứu. Anh ấy từng sống ở Liên xô, Anbani, từng thuộc trí thức cánh tả, nay đã chuyển chiến tuyến; bản tiếng Anh tác phẩm của JUNG không thể thành và chinh phục độc giả nếu không có JON.

JUNG và JON hôm ấy đã có ý định viết về Mao. ''Hay quá! tuyệt quá!'', tôi nhiều lần thốt lên về ý định ấy.

JUNG hỏi người Việt nghĩ ra sao về Mao? tôi trả lời vắn tắt: nói chung là sùng bái như sùng bái Hồ Chí Minh; có khi còn hơn; nhưng đã có thay đổi, sau khi Liên Xô tan rã, phong trào cộng sản suy thoái, sự đánh giá đầy mâu thuẫn, bấp bênh, nhiều vẻ đậm nhạt, và cả hoang mang...

JUNG và JON cho rằng phải mất 4, 5 năm để hoàn thành. Từ đó đến nay đã hơn 10 năm. Đủ biết công sức bỏ ra không nhỏ, của cả 2 người. Để thực hiện ý định họ nói hôm ấy: sự thật về Mao, sự thật trên hết, sự thật trước hết, chỉ có sự thật mà thôi.

Để thực hiện phương châm ấy, JUNG và JON lao vào việc với nhịp độ kinh người. Hàng trăm chuyến đi xa. Chui vào các kho hồ sơ lưu trữ mật, ''tuyệt mật'',''siêu mật''... ở Bắc kinh, Moscow, Berlin, Sofia (Bulgari), Washington DC, Anh, Thuỵ Sĩ... để tìm kiếm, ghi chép, chụp tài liệu hiếm quý mới, thẩm tra tài liệu cũ.

Lại còn gặp lại vài trăm, vâng chừng 2 trăm nhà chính khách, tổng thống, thủ tướng, bộ trưởng, nghị sỹ, học giả, ký giả, nhà hoạt động xã hội, từ thiện, tôn giáo ...ở mọi khu vực, mọi nước từng có dịp gặp Mao để hỏi kỹ, ''moi'' thêm từ những chi tiết nhỏ nhất.

Cũng phải tìm gặp hàng trăm chính khách, nhà truyền thông, nhà văn, nhà báo, nhà nhiếp ảnh thuộc cánh tả thời cũ, những người từng tin cậy, mê say, sùng bái, tôn thờ Mao để tìm hiểu động cơ nào thúc đẩy họ một thời mù quáng đến vậy.

Công việc sưu tầm tài liệu phong phú nhưng vất vả nhất là trên đất Trung Quốc mênh mông. Một danh sách vài trăm người nữa cần gặp, phỏng vấn, gợi chuyện, ghi âm và đối chiếu sàng lọc. Bắc kinh, Thượng Hải, Hồng Công, Nam Kinh, Qủang Châu, Vũ Hán, Trường sa, Trùng Khánh, Tây An, Diên An, các tỉnh Giang Tây, Quý Châu, Tế Xuyên, Cam Túc, Ninh Hạ, Thiểm Tây...

Họ là những ai vậy? Họ là con rể và cháu nội của Mao Trạch Dân, em ruột của Mao (về tên người trong bài này Mao là chỉ Mao Trạch Đông; chúng tôi dùng tên đã Việt hoá; khi chưa Việt hoá được thì dùng phiên âm la-tinh hoá). Họ là Lý nạp (Li Na), con gái của Mao với Giang Thanh, là Lưu Tùng Sâm (Liu Song-lin), vợ của Mao Ngạn Anh, con cả của Mao. Họ là Mao Tân Vũ (Mao Xin-yu), con của Ngạn Anh, cháu nội của Maohiện còn sống, gần 60 tuổi; là bà là bà Trương Văn Khưu (Zhang Wen-qiu) thông gia với Mao.

Đó là Lý Thục Nhất (Li Shu-yi) bạn của Mao từ những năm 1920; là Lưu Anh (Liu Ying) bạn của Mao từ những năm 1930là Liu Ying, vợ của Lạc Phủ; là Tăng Chí (Zeng Zhi) bạn của Mao, vợ của Đào Chú.

Đó là gần 2 chục y tá, phiên dịch, bảo vệ, phục vụ gần, các cô '' trợ lý '' thân mật, trong đó nổi nhất là Trương Ngọc Phượng, Trương Hàm Chi (Zhang Han-zhi), Châu Phúc Minh (Zhou Fu-ming), Mạnh Cẩm Vân (Meng Jin-yun) và Đường Văn Sinh (Tang Wen Sheng, còn có tên Nancy Tang) phiên dịch tiếng Anh của Mao....

Lại còn các con cháu các cụ, trong gia đình các quan chức lớn từng phục vụ Mao, như Trần Hạo Tô (Chen Hao-su), con trai tướng Trần Nghị; Li Lisa (người Nga), vợ Lý Lập Tam, Li Inna, con gái Lý Lập Tam; Lâm Lập Hành (Lin Li-han), con gái Lâm Bưu; Lưu Thạch Côn (Liu Shi-kun), con rể Diệp Kiếm Anh, nghệ sỹ dương cầm; Tần Tế Mã (Qin Ji-ma), con gái của Bác Cổ; Vương Đan Chi (Wang Dan-zhi), con trai của Vương Minh; Vương Quang Mỹ (Wang Guang Mei) , vợ của Lưu Thiếu Kỳ; Tiết Minh (Xue Ming), vợ của tướng Hạ Long; Trương Ninh (Zhang Ning) vợ của ''Hổ'' con trai Lâm Bưu; Trương Thanh Lâm (Zhang Qing -lin), con rể của Lâm Bưu.

Bản danh sách còn dài, hơn 1 trăm cán bộ, sĩ quan, các cấp, các ngành, từ nguyên uỷ viên Bộ chính trị, uỷ viên trung ương đảng, cho đến người thư ký, nhiếp ảnh, truyền tin, lái xe, nấu bếp, vệ sĩ cho các vị trên đây. Lại còn 67 người là chứng nhân sống của những sự kiện lịch sử, từng dự các đại hội đảng, từng dự cuộc Vạn lý Trường chinh, từng sống ở Diên An với Mao, từng làm việc với vợ chồng Tôn Dật Tiên - Tống Khánh Linh, từng là nạn nhân của những cuộc thanh trừng kinh khủng của Mao, từng dự các phiên toà xử lũ 4 tên, từng là Hồng Vệ Binh nòng cốt, sống sót qua những trại cải tạo của Mao...

Tác giả còn nhiều lần sang Đài Loan gặp trực tiếp 14 nhân vật từng quan hệ với Mao, từ Trần Lập Phu (Chen Li-fu) bạn thân của Tưởng Giới Thạch, Tưởng Duy Quốc (Chiang Weigo) con nuôi của Tưởng, những thủ tướng, bộ trưởng của Tưởng, người lái máy bay riêng của Tưởng, các bạn thân còn sống của Tưởng Kinh Quốc, con trai duy nhất của Tưởng Giới Thạch......

Thú vị nhất có lẽ là cuộc gặp Trương Học Lương (Zheng Xue Liang) vào năm 1993, một tay quân phiệt vùng Mãn Châu, từng thực hiện cuộc bắt cóc Tưởng Giới Thạch ngày 12 tháng 12 năm 1936 ở Tây An(Thiểm Tây), tưởng rằng lập công với đảng Cộng sản để rồi ngay sau đó do bị Staline phản đối (nhằm giữ vững chủ trương Đoàn kết Quốc - Cộng, thực hiện Mặt trận Thống nhất chống Nhật) Trương Học Lương đã phải đích thân cùng Chu Ân Lai đưa Tưởng trở lại Nam kinh, lại còn tự thú đầu hàng và xin nhận Tưởng là Bố nuôi (!); Trương bị Tưởng bỏ tù rồi đưa sang Đài loan giam lỏng; sau khi Tưởng chết (năm 1975) Trương được tổng thống Đài loan Lý Đăng Huy cho tự do, Trương sang sống và mất ở đảo Hawaii Hoa kỳ năm 2001, thọ 102 tuổi.

Một vài nét về công việc thu thập tài liệu công phu nghiêm chỉnh trên đây của 2 vợ chồng tác giả JUNG và JON để thấy cuốn sách về Mao là cuốn tiểu sử đáng tin cậy, với hàng nghìn nhân chứng sống, đầy ắp sự kiện cụ thể sinh động, "nói có sách, mách có chứng" dựa vào toàn là sự thật khách quan được chứng minh chặt chẽ.

Các chế độ cộng sản hiện thực đều sống sau những bức màn sắt, đầy che giấu và lừa dối, nhờ che giấu và lừa dối.

Do đó những điều được biết cho đến nay về Mao chỉ là những điều bộ máy cai trị của đảng Cộng sản muốn tô vẽ cho người ta tin rằng đó là Mao, là Mao thật.

Qua cuốn sách này, một hình ảnh khác, khác hẳn, hoàn toàn khác về Mao được trình bày cặn kẽ, như một luận án khoa học lịch sử mới mẻ về Mao, không có nhiều nhận định và phê phán, ý hẳn các tác giả JUNG và JON muốn dành phần kết luận về nhân vật lịch sử này cho bạn đọc.

Để bạn đọc có khái niệm rõ hơn về cuốn sách đồ số này, xin thông tin thêm vài nét: cuốn sách chia ra làm 6 phần và 58 chương. Phần phụ lục 163 trang, lại còn 32 trang ảnh với 78 bức ảnh, trong đó có nhiều ảnh độc đáo, quý hiếm. Ảnh gia đình, có Mao cùng bố và mẹ, vợ thứ 2 Dương Khai Tuệ vói 2 con Ngạn Anh và Ngạn Thanh; Mao trong căn cứ đỏ, Mao ở Diên An, Mao với Trương Quốc Đào, Mao với Vương Minh, Mao cùng vợ thứ 3 Hạ Tử Trân ở Diên An, Mao đến Trùng Khánh, Giang Thanh với tướng Mỹ George Marshall ở Diên An, Mao bên Staline, Mao ôm Khrouchtchev, Mao tiếp Nixon - Kissinger, cảnh Lưu Thiếu Kỳ và vợ bị đấu tố, Diệp Quần vợ Lâm Bưu cùng 2 con Hổ và Đô Đô...

Sau bài mở đầu khái quát này, sẽ lần lượt giới thiệu với bạn đọc của Đàn Chim Việt hơn một chục chủ đề từ ''Những điều chưa được biết về Mao''; từ Mao trong cuộc Vạn lý Trường chinh đến Mao ở căn cứ Diên An; từ Mao trong quan hệ với Staline đến Mao trong quan hệ với Quốc Dân Đảng Trung quốc, và Mao trong quan hệ với Hoa kỳ và phương Tây; từ Mao trong sự biến Tây An đến Mao trong cuộc chiến tranh Triều Tiên; từ Mao trong cuộc chuyển bại thành thắng và Nam Hạ đến Mao trong Bước nhảy vọt và Mao trong cuộc Cách mạng văn hoá vô sản; từ Mao trong quan hệ gia đình đến Mao trong những ngày hấp hối; cuối cùng là hình ảnh khái quát của Mao qua cuốn sách và Mao trong quan hệ Trung Quốc - Việt Nam.

Vì sách quá dày - 844 trang - nên chúng tôi tóm tắt, rút gọn, sắp xếp lại thành hơn 10 chủ đề trên, tập trung vào những chuyện chưa được biết, vừa bổ ích vừa ly kỳ, nhằm phục vụ bạn đọc một cách gọn gàng, thiết thực. Tôi đọc một mạch cuốn sách hấp dẫn này, rồi trở lại đọc chậm có ghi chép và suy nghĩ. Đúng là cuốn sách quốc tế của năm nay, một công trình đồ sộ, công phu, giá trị cao. Bản tiếng Tây Ban Nha, Đức, Ý, Nhật bản, Nga ... đang lần lượt ra mắt.

Cuốn sách đang được dân Đài loan nhiệt tình tiếp đón, nhưng bị cấm cửa triệt để ở Trung Quốc; tất nhiên ở Việt Nam nữa.

Một trùng hợp lý thú: bức ảnh to tướng của Mao ở Thiên An Môn vừa bị một thanh niên ném lên một gói sơn.

Các nhà dân chủ Trung Quốc đối lập với chế độ độc đảng hiện hành do Mao dựng lên đang khẩn trương đưa nội dung cuốn sách này vào trong nước bằng nhiều đường, đón đầu 2 sự kiện hệ trọng trước mắt : Đại hội lần thứ 17 Đảng Cộng sản Trung Quốc dự định vào tháng 10 năm 2007 này và Thế vận hội Ôlympic - Bắc Kinh sẽ khai mạc ngày 8 tháng 8 năm 2008.

Người Việt Nam ta, trong và ngoài nước, các đảng viên cộng sản, các bạn trẻ đều nên và cần đọc tác phẩm này về Mao, đối chiếu với những điều mình từng biết và chưa biết, sẽ nhận ra nhiều điều bổ ích, làm phong phú thêm hành trang tri thức của mình.

Đưa sự thật vào cuộc sống xã hội là vũ khí mầu nhiệm hàng đầu đột phá vào dinh lũy tư tưởng độc đoán, độc đảng, phi dân chủ, chà đạp các quyền tự do của nhân dân, mở ra con đường thênh thang của tự do, phát triển và hội nhập.

Paris, 05/10/2007.



(Còn nữa)

© DCVOnline

No comments: