Friday, April 10, 2009

NHÀ VĂN VŨ THƯ HIÊN TRÒ CHUYỆN VỚI X-CAFE (1)

Nhà văn Vũ Thư Hiên trò chuyện với X-cafe
http://www.x-cafevn.org/node/1543
Cuộc phỏng vấn Nhà văn Vũ Thư Hiên trên diễn đàn X-cafevn bắt đầu từ ngày 17.01.2009. Vì lý do nhân sự và thời gian biên tập, chúng tôi thành thật xin lỗi Nhà văn Vũ Thư Hiên và các bạn về sự chậm trễ trong việc đăng tải cuộc phỏng vấn này.

Diễn đàn X-cafevn: Nhà văn Vũ Thư Hiên là một tên tuổi thường xuyên được nhắc tới trong thời gian vừa qua kể từ khi tác phẩm Đêm giữa ban ngày của ông được ra mắt lần đầu tiên vào năm 1997 tại hải ngoại.
Gần 12 năm nay, những bàn luận không ngừng nghỉ xung quanh tác phẩm Đêm giữa ban ngày đã tạo nên một hiện tượng văn học đặc biệt và nó vẫn là một nguồn tài liệu tham khảo quan trọng, nhất là mỗi khi người ta muốn bàn luận về một nhân vật lịch sử đương đại cũng khá đặc biệt của Việt Nam: nhân vật Hồ Chí Minh, mặc dù cuốn hồi ký Đêm giữa ban ngày được viết ra không phải là để nói về nhân vật đó.
Thành viên của diễn đàn X-cafe cũng đã có nhiều lần nhắc tới tên tuổi Nhà văn Vũ Thư Hiên và tác phẩm của ông trong lúc bàn luận ở những chủ đề liên quan và cũng đã có những bài giới thiệu như topic Nhân vật: Nhà văn Vũ Thư Hiên, hoặc loạt bài về Vụ án xét lại là những bài như vậy.
Hôm nay chúng tôi vui mừng khi được thông báo và trân trọng kính mời các thành viên của diễn đàn X-cafe cùng tham gia cuộc trò chuyện và trao đổi với Nhà văn Vũ Thư Hiên tại diễn đàn X-cafe.

Nhà văn Vũ Thư Hiên:
Chào các bạn,
Xin cảm ơn Ban điều hành diễn đàn X-cafe đã có nhã ý cho tôi cơ hội được tiếp xúc với các bạn thành viên của diễn đàn trong một cuộc trò chuyện thân tình.
Tôi vẫn thường vào đọc X-cafe, và tôi thấy diễn đàn này rất bổ ích cho sự tự do trao đổi ý kiến, không có những quy định cứng nhắc, tạo ra sự trau dồi hiểu biết thực sự cho những người tham gia. Những vấn đề được đề cập cũng rất rộng rãi, nhiều mặt. đặc biệt là những vấn đề liên quan đến hiện tình đất nước, nhờ sự trao đổi ý kiến này mà nhiều vấn đề được làm sáng tỏ, có tác dụng khuyến khích, cổ võ sự tham gia bằng việc làm thực tế nhằm làm sao cho đất nước ngày một tốt hơn.
Xin kính chào tất cả các bạn.


Tv Đạinamtamkiếm:
Xin chào bác Vũ Thư Hiên. Cháu là một thanh niên Việt Nam trẻ, xin phép được trao đổi với bác. Xin bác thông cảm là cháu không (dám) dùng tên thật.
Cháu muốn hỏi bác vài câu hỏi trong đó đa số có liên quan đến thời kỳ mà bác có thể xem như là một nhân chứng lịch sử.
1. Theo bác, sự xuất hiện của CNCS ở Việt Nam có phải là tất yếu hay không? Nói hơi ... trẻ con một chút là nếu không xuất hiện ông Hồ Chí Minh thì CNCS có xuất hiện ở VN?
2. Theo bác, mục đích của ông Hồ trong việc ông Hồ ký các hiệp định với Pháp trong khoảng những năm 46-47 là gì? Mục đích nào là chủ yếu? Có phải là để bắt tay với Pháp để tiêu diệt các thành phần quốc gia hay không? Vai trò và sức mạnh của các thành phần Quốc gia vào thời kỳ đó như thế nào? Nói riêng là cuộc bầu cử năm 46 có thể xem là tương đối công bằng không?
3. Theo như tinh thần của quyển "Ho Chi Minh, a life", thực ra thời gian đó ông Hồ không phải là người điều hành mọi việc theo nguyên tắc độc tài mà theo một cái có thể tạm gọi là mang tính tập thể, nghĩa là thực ra những quyết định quan trọng phải có sự thông qua của tập thể lãnh đạo, điều đó có đúng hay không?
4. Theo bác, ngày 30-4 nên gọi là ngày gì? ngày miền Bắc xâm lược hoàn toàn miền Nam, ngày giải phóng miền Nam hay là ngày thống nhất đất nước? Nói rõ hơn, mặc dù có nhiều yếu tố trong chiến tranh Việt Nam, nhưng tính chất nổi bật nhất trong chiến tranh Việt Nam là gì? nội chiến, hay là cuộc chiến giữa hai khối CS và Tự Do, hoặc là chiến tranh giải phóng dân tộc, hay là chiến tranh Việt-Mỹ?
5. Một câu hỏi riêng tư, bác có coi ông Hồ là kẻ thù không? có coi ông Hồ là người đã làm cho gia đình của bác và bản thân bác chịu nhiều đau khổ?
Nhà văn Vũ Thư Hiên:
Chào bạn Đại Nam Tam Kiếm,
1. Trong lịch sử nhân loại, chủ nghĩa cộng sản xuất hiện như một sản phẩm tự nhiên của sự tìm kiếm không ngừng những hình thái tổ chức xã hội tốt hơn cái hiện có. Ở nước ta, nó tìm được chỗ đứng trong cuộc chiến đấu chống chế độ thực dân, giành độc lập, với tư cách một ảnh hưởng, một hình bóng về cách tổ chức tranh đấu hữu hiệu, hơn là một chủ thuyết. Sau những thất bại của các phong trào Cần vương, Duy Tân, khởi nghĩa Ba Đình, người Việt Nam nhìn thấy những tấm gương cho mình theo ở hai cuộc cách mạng: Cách mạng Tân hợi Trung Quốc và Cách mạng Tháng Mười Nga.
Sự lựa chọn nghiêng về phía CMT10 Nga có mấy lý do:
- Những người Quốc dân đảng Trung Quốc có biểu hiện coi thường những người cách mạng Việt Nam. - Sự e dè của những người yêu nước Việt Nam đối với sự giúp đỡ của Trung Quốc có cội nguồn lịch sử.
- Ảnh hưởng của CMT10 Nga qua ngả Pháp có nhiều thuận lợi, với sách báo Pháp. Người đem chủ nghĩa Marx vào Việt Nam không phải là ông Hồ Chí Minh như người ta thường nghĩ, mà là các học giả Việt Nam giỏi tiếng Pháp, mà Đào Duy Anh là một trong những người đầu tiên. Từ năm 1928 ông đã có những cuốn biên khảo về những vấn đề: lịch sử nhân loại, các vấn đề tôn giáo, dân tộc… mang quan điểm duy vật lịch sử và biện chứng pháp Mác-xít).
- Thắng lợi của CMT10 Nga là một thí dụ tốt về việc tổ chức một đảng cách mạng. Những người chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản (ảnh hưởng lơ mơ, với những khẩu hiệu: người với người là anh em, thế giới đại đồng, mọi người đều có cơm ăn áo mặc, nhà ở…) cũng chia năm bè bảy mối: 1925 xuất hiện Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội (TNCMĐCH), 1928 Tân Việt Cách mạng đảng (TVCMĐ), 1929 Đông dương Cộng sản đảng, rồi riêng kỳ bộ của TNCMĐCH ở Nam kỳ tách khỏi tổ chức này để thành lập An Nam Cộng sản đảng, một nhóm TVCMĐ cũng tách ra để thành lập Đông Dương Cộng sản Liên đoàn… Vì hiểu lơ mơ về chủ nghĩa cộng sản như thế, cho nên nếu xét về mục đích, theo quan điểm của tôi, những người cộng sản đầu tiên ở VN chỉ là những người yêu nước mặc áo cộng sản mà thôi.
2. Hai năm 1945-1946 là giai đoạn rất gay go của đất nước vừa lấy lại được độc lập (nhờ thời cơ), bạn nên đọc nhiều tài liệu từ nhiều nguồn khác nhau để có được một nhận định khách quan đối với từng sự việc.
- Theo những gì tôi được biết thì trong chuyện ngoại giao với Pháp, ông Hồ không có ý định bắt tay với Pháp để tiêu diệt các thành phần quốc gia, giả sử ông ấy có ý định đó thì Pháp cũng chẳng chịu bắt tay ông ấy.
- Việc những người cộng sản muốn tiêu diệt các thành phần quốc gia nằm trong đường lối chiếm lĩnh độc quyền lãnh đạo (bây giờ là độc quyền cai trị), là cái không thể khác. Mà không phải chỉ có các thành phần quốc gia mới là đối tượng để tiêu diệt. Chắc bạn đã biết khẩu hiệu “trí, phú, địa, hoà – đào tận gốc, trốc tận rễ” là của Trần Phú, tổng bí thư đầu tiên của đảng cộng sản. Nếu có thể giả định lịch sử thì ta hoàn toàn có quyền nói: may, trong giai đoạn 1845-1946 không có Trần Phú.
3. Ông Hồ Chí Minh ở cương vị chủ tịch nước, chủ tịch đảng trong một thời gian dài. Ở những giai đoạn khác nhau, có những đặc điểm khác nhau trong công việc điều hành sự vụ của ông ấy. Ở giai đoạn mới thành lập chính quyền, Hồ Chí Minh đóng vai trò quyết định mọi việc, có tham khảo ý kiến của các đồng sự. Từ năm 1964 trở đi Hồ Chí Minh không còn có vai trò ấy nữa, như Tố Hữu nói trong một cuộc hội nghị các cán bộ tuyên giáo ở Hưng Yên: “ông Cụ lẩm cẩm rồi, mọi việc bây giờ do anh Ba (Lê Duẩn) và chúng tôi giải quyết” (1964). Tuy nhiên, tôi không chia sẻ cách nhìn như thể ông Hồ Chí Minh bị sống cách ly như một tù nhân từ thời gian ấy cho đến khi qua đời.
4. Về câu hỏi này của bạn, tôi đã viết khá rõ quan điểm của tôi trong ĐGBN. Nếu có thời giờ mong bạn đọc lại, nhất là mấy chương đầu.
5. Tôi không coi ông Hồ như kẻ thù. Ông ấy là sản phẩm của thời đại ông ấy, ông ấy hành xử theo cách mà sản phẩm ấy được chế tạo. Nhìn từ góc độ ấy ta có thể thấy ông ấy có lúc là nạn nhân của những thủ phạm trong đó có ông ấy là một.
Tôi thích thú thấy bạn đã chịu khó đọc nhiều để có sự quan tâm đến những vấn đề lịch sử. Những vấn đề này rộng, bạn có thể đọc thêm nhiều cuốn sách từ những nguồn khác nhau, với những cách nhìn khác nhau, để có được nhận định riêng cho mình. Xin bạn hãy tin rằng khi nói quan điểm của tôi về những vấn đề bạn hỏi, tôi không có ý giải thích, chứng minh điều tôi nói mà chỉ là sự trao đổi ý kiến thôi. Chúc bạn và các bạn trên diễn đàn X-cafe những ngày Tết vui vẻ, mở đầu co một Năm Mới tốt lành.

Tv Cymbidium:

Xin kính chào ông Hiên, một nhà văn tôi rất ngưỡng mộ với tác phẩm ĐGBN, một trong những quyển sách hay nhất trong tủ sách của tôi. Nếu quả thật ông là VTH thật ở ngoài đời thì đây là một vinh hạnh rất lớn cho tôi.
Cái hay của ông khi viết quyển ĐGBN cũng như Bùi Ngọc Tấn trong quyển Chuyện Kể Năm 2000 là ông và BNT không có một lời lẽ hằn học, kết án nào với cái chính quyền và xứ sở, nơi mà hai ông, và bao nhiêu người khác bị đày đọa trong bấy lâu. Ông và BHT chỉ đóng vai kể truyện, với giọng kể lể thành thật, từ li từ tí một, không giận hờn, không ai oán. Chính điều này làm cho đọc giả khâm phục. Khâm phục không phải vì văn chương hay cú pháp của ông (và của BNT), vì điều này hiển nhiên, nhưng khâm phục vì làm sao hai ông có thể giữ bình tĩnh không căm phận, không thù oán như thế được trong mấy trăm trang sách!
Tất cả họ hàng nội ngoại tôi còn ở Hà Nội và tôi cũng gặp họ ở cả trong nước lẫn ngoại quốc. Theo tôi, điều ngạc nhiên lớn nhất là họ, cũng như ông và BNT qua những tác phẩm của hai ông, không ai có một sự phẫn uất gì với CNCS và chính phủ phi nhân hiện giờ. Họ rất "cool", tiếng giang hồ được hiểu là bình tĩnh. Như thế, tất cả đều bị "brainwashed", nghĩa là bị tẩy não hết rồi chăng? Nghĩa là không còn cảm xúc để còn có thể thổ lộ tình cảm con người? Cái khổ thêm nữa là không ai biết mình bị tẩy não đến độ vô cảm không còn hận thù, căm hờn, vì nhìn chung quanh ai ai cũng bị một thân phận như mình, họ coi đó là điều đương nhiên, không ai thắc mắc. Họ không biết tình cảm là cái mà CNCS phải gột rửa đi từ dân chúng để cai trị cho dễ.
Tôi không hề có tư tưởng xấu nhưng đây là một thắc mắc rất lớn của tôi và tôi rất hy vọng, ngay cả cầu mong là mình sai. Với kinh nghiệm sống từng trải trong chế độ vô nhân bản này, với những khổ đau mà ông đã trải qua, xin ông cắt nghĩa hộ có đúng là con người mất tình cảm trong chế độ CNCS không.
Nhà văn Vũ Thư Hiên:
Chào bạn,
Với ĐGBN và CKN2000, tôi và bạn tôi, Bùi Ngọc Tấn, không viết để chơi. Chúng tôi viết vì sự bất bình. Tức là chúng tôi phải nói ra điều không thể không nói. Cũng như mọi người, chúng tôi cũng biết yêu biết ghét, biết đau khổ và sung sướng, biết cười và biết giận dữ… như ai. Nhưng khi viết (mà người đọc không phải ai cũng giống mình, hiểu như mình hiểu) thì người viết phải biết tự kiềm chế cảm xúc “để cho sự vật nói lên” (Jean Fréville), chứ không nói thay sự vật.
Thái độ “cool” của những người bạn gặp, kể cả những người thân, không có gì lạ. Trước ngày 19.8.1991 (ngày Liên Xô sụp đổ) tôi thấy dân Moskva cũng rất “cool” – người ta vẫn đi mua sắm, trai gái vẫn hẹn hò, rạp chiếu bóng, rạp hát vẫn tấp nập… Nhưng sáng 19.8 tất cả các đường phố Moskva là những dòng sông người. Họ hò hét, họ ca hát để biểu thị những điều lâu nay họ phải giữ kín trong lòng.
Và… Liên Xô sập! Ngày ấy đã đến một cách bất ngờ, cả đối với tôi. Nhưng nó đã đến như một tất yếu, mà trạng thái tâm lý âm ỉ của quần chúng chỉ cần một kích động đúng lúc trong điều kiện thuận lợi là nổ bùng (vụ đảo chính Gorbachov của Yanaev). Vào thời điểm ấy chính Eltsin cũng không hề có lực lượng ủng hộ có thể sờ mó thấy. Tv Văn:
Đọc "Đêm giữa ban ngày" của Vũ Thư Hiên, tôi có cảm giác là nhà văn không có lời lẽ hằn học nào dành cho những người đã hành hạ ông. Đây có thể là biểu hiện của tấm lòng khoan dung đối với kẻ thù, hoặc ông VTH đã hiểu được cái cốt lõi của chính trị Việt Nam, luôn là con tốt trên bàn cờ chính trị thế giới? Thực ra số phận các con người trong "vụ án xét lại chống đảng", được định đoạt bởi ý chí của người nắm quyền lực tại Trung Nam Hải.
Cũng như kết cục 30/04/75 của cuộc chiến tranh Nam - Bắc, thực ra đã có kết quả trước từ những năm 72-73, bác Hiên nhỉ?

Nhà văn Vũ Thư Hiên:
Cũng không hẳn thế đâu, bạn ạ, bọn cầm quyền ở Trung Nam Hải dù tự xưng Thiên Tử (Con Trời), họ chẳng phải là những ông Trời Con, quyết định được mọi diễn biến lịch sử. Những mốc lịch sử hình thành bởi rất nhiều yếu tố - cái tất yếu xen kẽ với cái ngẫu nhiên. Nếu lịch sử chỉ là tay họ viết nên thì nước chúng ta đã là một tỉnh của Trung Quốc từ lâu rồi.


Tv Hồ Gươm: Nhắc đến tên Vũ Thư Hiên là người ta nghĩ ngay đến tác phẩm Đêm giữa ban ngày và nhân vật Hồ Chí Minh, cháu đã đọc nhiều bài phỏng vấn và bài viết về chú mà nhân vật trung tâm được mọi người chú trọng tìm hiểu vẫn không ai khác ngoài nhân vật Hồ Chí Minh và trong cuộc trò chuyện của chú lần này trên diễn đàn X-cafe cháu muốn được hỏi chú một vài câu hỏi cũng chỉ xoay quanh nhân vật này mà thôi.
Câu hỏi đầu tiên mà cháu muốn được hỏi chú là: Theo như tiểu sử chính thức thì Nguyễn Sinh Cung- Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh sinh ngày 19/05/1890. Mới đây chính quyền CHXHCN Việt Nam ngoài việc tổ chức lễ kỷ niệm sinh nhật hàng năm cho lãnh tụ Hồ Chí Minh thì họ còn lấy ngày này làm ngày sơ kết cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" trong toàn Đảng, toàn dân theo chỉ thị số 06-CT/TW do chính Tổng bí thư Nông Đức Mạnh phát động.
Tuy nhiên, theo như một số thông tin không chính thức thì ngày 19/05 không phải là ngày sinh thật sự của ông Hồ Chí Minh mà ngày sinh nhật đó thật ra đã được "ngụy tạo" để nhằm phục vụ cho một mục đích khác và thân sinh của chú, tức cụ Vũ Đình Huỳnh, thư ký của ông Hồ Chí Minh chính là người đã trực tiếp nhận lệnh từ ông Hồ để truyền lệnh cho khắp nơi thực hiện lễ kỷ niệm ngày sinh nhật ( giả) này! Chú có thể xác nhận lại thông tin này đúng sai, thực hư như thế nào?
Câu hỏi thứ hai cháu muốn hỏi chú là: Theo tiểu sử chính thức thì cả đời Hồ Chí Minh sống độc thân, không có vợ có con tuy nhiên trong thời đại thông tin hiện nay thì không cần phải khó khăn lắm người ta cũng có thể dễ dàng tim được ở đâu đó những thông tin có những chi tiết phủ định lại điều trên.
Trong tác phẩm Một cơn gió bụi của cụ Trần Trọng Kim có cho biết Hồ Chí Minh có một người con gái với Đỗ Thị Lạc, gần đây trong cuốn Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh có chi tiết cho biết ông Hồ có hai người con gồm một trai và một gái, điều này trùng lặp với chi tiết được tác giả Dương Thu Hương trình bày trong tác phẩm Đỉnh cao chói lọi mới ra mắt độc giả gần đây.
Từ những thông tin đó, cháu muốn được hỏi chú rằng chú biết gì về chuyện vợ con của ông Hồ Chí Minh và phải chăng ông Hồ không chỉ có vợ có con mà còn có những hai người con gồm một trai và một gái? nếu chuyện này là sự thật thì tên tuổi của những người con này của ông Hồ là gì?
Xin cảm ơn chú.
Nhà văn Vũ Thư Hiên:
Chào bạn Hồ Gươm,
1. Về ngày sinh của ông Hồ Chí Minh không phải là ngày 19.5 tôi đã viết trong ĐGBN. Hôm đó, 19.5.1945, đô đốc Pháp d’Argenlieu từ Hải Phòng đến Hà Nội để hội đàm với ông Hồ Chí Minh. Muốn tạo ra một hình ảnh Hà Nội tưng bừng chào đón ông ta, ông Hồ Chí Minh đã bảo cha tôi thông báo đi các nơi chăng đèn kết hoa với những khẩu hiệu “Vietnam to the vietnamese!”, “Independence or death!”, “Vive Ho Chi Minh!”… Tôi nhớ là trên các đường phố khẩu hiệu bằng tiếng Anh nhiều hơn khẩu hiệu bằng tiếng Pháp, có lẽ để cho d’Argenlieu hiểu rằng nước Việt Nam giờ đây không còn bóng dáng một xứ thuộc địa Pháp nữa. Tôi nghĩ rằng hành động này của ông Hồ Chí Minh là một hành động khôn ngoan về ngoại giao có lợi cho đất nước, ngoài ra ông không có ý đồ nào khác.
2. Tôi không được nghe một lần nào từ những người thân cận với ông Hồ Chí Minh trong thời gian 1945-1946 về người vợ của ông tên Đỗ Thị Lạc. Tôi cũng không có cuốn Một Cơn Gió Bụi trong tay để xem lại ông Trần Trọng Kim viết là người vợ này ở với ông Hồ Chí Minh trong thời kỳ nào. Ông Trần Trọng Kim không biết về ông Hồ Chí Minh bao nhiêu, theo chỗ tôi được biết. Năm 1945, gia đình ông Trần trọng Kim ở số nhà 67 phố Sergent Larrivé (phố Nhà Rượu, sau đổi là Nguyễn Công Trứ), gia đình tôi ở số 65, có một cái sân sau chung, ở đó cha tôi và ông Trần Trọng Kim có những buổi trò chuyện trên chõng tre mùa hè năm ấy. Cha tôi có kể là ông Trần Trọng Kim có hỏi cha tôi: “Hồ Chí Minh có phải là Nguyễn Ái Quốc?”.
Ông Nguyễn Đăng Mạnh chỉ nhắc tới hai cái tên: Trung và Trinh, con của ông Hồ với bà Nông Thị Xuân, trong bản hồi ký của ông bị ai đó tung lên internet (chương viết về Hồ Chí Minh). Chuyện về bà Xuân thì tôi được hai người kể là cha tôi và ông Nguyễn Tạo (bí danh Tạo cuội, nguyên phó giám đốc Nha Công an Việt Nam), tôi tin chuyện này là có thật. Câu chuyện càng có hình hài rõ ràng hơn sau khi bản tố cáo của người chồng chưa cưới của cô Vàng, em bà Xuân, lọt ra ngoài, mà người chuyển sang Liên Xô (cũ) cho tôi đọc là ông Vũ Huy Cương, bạn tù với tôi trong vụ “nhóm xét lại chống đảng" (ông Cương đã mất) Còn về hai người con ông Hồ thì tôi không được biết bao nhiêu. Có người cho tôi biết Nguyễn Tất Trung khi ông Hồ còn sống, cũng như khi ông đã mất, đều không được ở với cha mẹ, mà làm con nuôi lúc ở trong gia đình ông Nguyễn Lương Bằng, lúc ở nhà ông Chu Văn Tấn, sau cùng là ở với ông Vũ Kỳ. Có người còn nói đã đến nhà cô Nguyễn Thị Trinh ở một khu tập thể, thấy ảnh ông Hồ trên ban thờ trong ngày giỗ cha. Trong hồi ký của ông Nguyễn Đăng Mạnh có một chi tiết theo tôi là không thể đúng: Trần Quốc Hoàn “sai” Tạ Quang Chiến (sau làm Tổng cục trưởng Tổng cục Thể thao). Theo chỗ tôi biết về Tạ Quang Chiến (một trong những vệ sĩ đầu tiên của ông Hồ Chí Minh) thì Trần Quốc Hoàn không ở cương vị có thể “sai” Tạ Quang Chiến làm việc này việc nọ được.
Ông Hồ Chí Minh là một người đàn ông, chuyện vợ con của ông tôi không quan tâm. Nhưng trong câu chuyện bi thảm này, những người có lương tri đều lên án ông, ngay cả trong trường hợp ông không trực tiếp ra lệnh giết người phụ nữ bất hạnh, người đã “đầu gối tay ấp”, có con bồng con mang với mình. Ông biết, ông tất nhiên phải biết, nhưng ông đã im lặng, đã quay mặt đi trước tội ác. Người không nhân hậu với người thân của chính mình thì nhân hậu được với ai?

Tv 4Neu:
Xin phép gọi anh là anh, để cho 'trẻ' hơn, và gần gũi hơn với tụi em.
Giới trẻ hiện nay có nhiều người bức xúc về thực trạng của đất nước: chênh lệch giàu nghèo quá mức, công nhân và nông dân là những người bị đối xử tệ bạc nhất, VN đang phát triển không bền vững và theo hướng không có tương lai, quá phụ thuộc vào Trung Quốc... Tụi em cũng nằm trong số những người bức xúc đấy.
Xin phép hỏi anh hai câu: (1) thanh niên trẻ đang mong muốn làm cách mạng, nhưng có vẻ chưa tìm được phương hướng/cách đấu tranh tối ưu trong tình trạng hiện nay. Anh có lời khuyên nào và có thể chỉ ra phương hướng đấu tranh của giới trẻ không? và (2) anh có lời khuyên nào khác ngoài chuyện phương hướng cho anh em thanh niên nhiệt huyết trong hiện tại và tương lai, ví dụ: tôn chỉ, cách tổ chức, thời gian, không gian?
Chúc anh vui khỏe.

Nhà văn Vũ Thư Hiên:
Chào bạn,
Trước hết, xin cảm ơn bạn đã cho tôi một tiếng “anh” nghe mát ruột. Đúng là nghe tiếng ấy thấy mình trẻ lại đấy. Khi nói chuyện với nhau, mình cứ coi nhau là bạn, thế mới vui, bạn trẻ hay bạn già cũng là bạn cả.
Hai câu hỏi bạn đặt ra, xét cho cùng chỉ là một. Mà là câu hỏi khó. Tôi vốn không thích thuyết phục, lại càng e dè khi cho ra một lời khuyên. Người nghĩ đến vận mệnh của đất nước, đến trách nhiệm của mình trước đồng bào sẽ tìm thấy lời khuyên mình muốn có từ trái tim mình. Tôi thiển nghĩ: trong tình hình hiện nay (đối mặt với nền cai trị độc tài) mỗi người muốn thay đổi cách quản trị xã hội hiện hành (mà người ta khẳng định là duy nhất đúng, rằng lịch sử đã lựa chọn) bằng một hình thái quản trị xã hội tốt hơn, trong đó mình được là mình (chứ không phải một cái mình bị nhào nặn theo ý kẻ khác), mỗi người nên coi mình là một chiến sĩ đấu tranh cho sự nghiệp tốt đẹp ấy, rồi tự mình chọn lấy vũ khí, tự mình chọn lấy cách đánh. Chỉ khi nào mình đã là chiến sĩ rồi mình mới tìm thấy những đồng đội không ngờ ờ gần mình đến thế. Tổ chức là cái đến sau, khi chính mình đã quyết định dấn thân cho một lý tưởng.

Tv số đỏ:
Bác Vũ Thư hiên!
Lời đầu tiên em xin chúc bác và gia đình năm mới sức khỏe và thịnh vượng. Cho phép em hỏi bác một câu thôi là: đặc tính mới của dân tộc Việt Nam sau 30 năm dưới chế độ cộng sản có phải là an phận hay không?
Nhà văn Vũ Thư Hiên:
Chào bạn Số Đỏ,
Cảm ơn lời chúc của bạn. Xã hội nào cũng thế, đa số quần chúng đều muốn sống bình thường, không có xáo trộn (trong thời gian sống ở Đức 2 năm tôi có hỏi về tâm thái người Đức thời kỳ phát xít, họ cũng cho biết như vậy). Chỉ ở những điểm biến động, ở khúc gãy của lịch sử ta mới biết được lòng người đông đảo nghĩ gì, muốn gì. Hi vọng là tâm thái an phận, thụ động chỉ là bề ngoài. Trong những người từ trong nước ra mà tôi được gặp, tôi chưa thấy ai nói họ yêu chế độ độc tài cả. Có điều người ta sẽ an phận như thế cho đến khi có tình thế bùng nổ những mâu thuẫn xã hội hết đường giải quyết. Câu hỏi được đặt ra chứng tỏ bạn sốt ruột. Bạn có tin rằng có nhiều người cũng sốt ruột như bạn mà không nói ra không?

Tv buiphan:
Thưa ông Vũ Thư Hiên, trong tình trạng bế tắc gần như hoàn toàn hiện nay của chính quyền Việt Nam mà thực chất là đảng CSVN trong mọi vấn đề của đất nước, thì những người ủng hộ hoặc đấu tranh cho các quyền căn bản của người dân VN có nên tạm thời nghe theo một giải pháp thỏa hiệp nào đó để người dân bớt khổ, hay là cương quyết nói "Không" với độc đảng độc tài để cứu nguy cho Dân Tộc?
Cám ơn ông, một trong số rất ít những con người dũng cảm dám nhìn nhận sự thật là trong một góc độ nào đấy, mình vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm.
Nhà văn Vũ Thư Hiên:
Chào bạn buiphan,
Những người chủ trương “được ăn cả ngã về không” không bao giờ là những người thực sự tranh đấu cho một mục đích. Họ nói cho sướng miệng, để tỏ vẻ ta đây. Tôi thích câu nói không nhớ là của người thông minh nào: “Chính trị là nghệ thuật của những thoả hiệp”.
Hiến chương 77 của những người dân chủ Tiệp Khắc (lúc ấy nước này chưa chia làm hai) mở đầu như thế này:
“Tạp chí Luật Tổng hợp Tiệp Khắc số 120 xuất bản ngày 13-10-1976 đã cho đăng tải bản Công Ước Quốc Tế về Quyền Dân sự và Chính trị (Công ước 1) và bản Công ước Quốc tế về Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa. Những văn kiện này đã được ký kết bởi đại biểu nước Cộng hòa chúng ta vào năm 1968, tái cam kết năm 1975, và có hiệu lực kể từ ngày 23-3-1976. Từ ngày đó trở đi, công dân nước ta có quyền và Nhà Nước có bổn phận phải theo tinh thần của những văn kiện này.
Những quyền tự do cho mỗi cá nhân mà các văn kiện này bảo đảm là những giá trị chính yếu cho nền văn minh nhân loại. Đó là mục tiêu mà hầu hết những lực lượng cấp tiến trong lịch sử đã nhắm tới. Một nền luật pháp nếu bao gọn được các điều này có thể đóng góp rất nhiều cho việc phát triển con người trong xã hội chúng ta.
Chúng tôi chào mừng việc Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Tiệp Khắc đã vươn lên tham gia vào những Công ước này”.
Nếu đọc bằng con mắt của những người “được ăn cả ngã về không” thì riêng câu “Chúng tôi chào mừng việc Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Tiệp Khắc đã vươn lên tham gia vào những Công ước này” đã phạm hai lỗi: một là, thừa nhận chính thể Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Tiệp Khắc, hai là chào mừng việc làm của chính thể ấy.
Người biết thoả hiệp để tiến lên từng bước về phía mục đích kiên quyết đạt tới là người tranh đấu thật sự. Hiến chương 77 đã đoàn kết được toàn dân để có được nền dân chủ hôm nay ở hai nước cộng hoà Séc và Slovak.
Nhưng thoả hiệp cái gì, thoả hiệp như thế nào, đến mức nào… là vấn đề cụ thể của từng hoàn cảnh, từng thời điểm. Có những thoả hiệp thực chất là đầu hàng, phản bội.

Tv NhamThachQuan:
Kính chào anh Vũ Thư Hiên
Trước tiên xin cám ơn X-Cafe đã tạo điều kiện cho mọi người có dịp trò chuyện với Nhà văn Vũ Thư Hiên:. Cũng xin phép được gọi nhà văn là "anh".
Xin được có câu hỏi thứ nhất: "Trong tình hình hiện nay , người Việt (trong nước / ngoài nước) chúng ta nên làm gì để góp sức cho cuộc tranh đấu vì Dân Chủ"
Câu hỏi thứ hai: Được biết cuốn "Đêm Giữa Ban Ngày" của anh Hiên vừa tái bản - Cuốn sách đó đã có trên mạng - Như vậy anh có e ngại sách ra sẽ bị "ế"?
Xin cám ơn anh.
Nhà văn Vũ Thư Hiên:
Chào bạn Nham Thạch Quan,
1. Tôi nghĩ người đặt câu hỏi ấy cho mình đều đã có câu trả lời. Mỗi người khi muốn góp sức với phong trào đấu tranh cho dân chủ sẽ tìm thấy cách tham gia riêng, thích hợp nhất cho mình. Tôi biết một phụ nữ tàn tật, ở hải ngoại sống nhờ trợ cấp xã hội, hàng tháng trích số tiền ít ỏi của mình một khoản nhỏ gửi về giúp gia đình một người đấu tranh cho dân chủ ở trong nước bị cầm tù. Tôi biết ở trong nước có ông chủ tiệm photocopy thường lén lút in giùm những tài liệu về dân chủ để phát tán.
2. Nhà xuất bản Tiếng Quê Hương do nhà văn Uyên Thao trông nom mà tôi biết là một nhà xuất bản bất vụ lợi. Việc tái bản ĐGBN là do có yêu cầu của độc giả không thích đọc trên mạng hoặc tải xuống để đọc.
Cảm ơn bạn đã lo lắng cho nhà xuất bản.

Tv NuocNon:
Cháu xin kính chào chú Vũ Thư Hiên.
Cháu theo dõi chăm chú và rất trân trọng cuộc trò chuyện này. Những cảm xúc của cháu khi đọc Đêm Giữa Ban Ngày thì đã được nhiều anh em ở đây viết hộ, và đã viết rất hay. Một số thắc mắc của cháu cũng đã được anh em hỏi giúp và đã được chú giải đáp rồi.
Cháu còn có một cảm nhận khá lờ mờ nữa khi đọc ĐGBN của chú nói riêng, và khi đọc những cuốn sách viết về VN giai đoạn hậu thực dân đến nay nói chung. Có thể cháu sẽ không thể diễn tả rõ ràng cảm nhận lờ mờ này, chỉ xin ráng nêu ra như một ưu tư muốn tâm tình với chú, và xin được nghe chú nói lên quan điểm của chú.
Cháu cảm thấy cái bi kịch của dân mình, một dân tộc khổ đau nhưng dường như không thể có khả năng gọi nhau và cùng nhau đồng lòng đứng lên thay đổi số phận. Dân mình ra như cứ luôn có khuynh hướng thụ động trông chờ sự xuất hiện và chăn dắt của một "cứu tinh", một "minh chủ"! Phải chăng chính tâm lý ỷ lại này đã dẫn đến hai hậu quả vửa đi đôi vừa rất tai hại:
- một là sự thụ động cam chịu của đám đông quần chúng, ra như đến ù lì, đến nhát sợ trước chế độ bất công; lại còn sự nghi ngờ, kỳ thị, đấu đá nhau giữa các thành phần dân tộc.
- và hai là... khuynh hướng trở thành độc tôn, độc tài của các cá nhân hay các đảng phái khi họ bắt đầu dấn thân tranh đấu. Khuynh hướng này càng ghê gớm và độc hại hơn một khi họ thành công!
Mỗi khi đọc bài viết nào hay nghe ai nói đến nhu cầu cần "minh chủ", tự nhiên cháu lại thấy rất buồn, chú ạ.
Chú có nghĩ như cháu không? Và nếu có, chú thấy có phương cách nào để giúp dân mình bớt thụ động và ỷ lại hơn không?
Xin cám ơn chú nhiều lắm.
Nhà văn Vũ Thư Hiên:
Chào bạn Nước Non,
Về chuyện trạng thái ù lì của dân tộc mình, tôi cũng như bạn, không biết nó là thế nào – có thật thế hay không, hay chỉ là bề nổi mà phần chìm mình không biết, hoặc tâm trạng bức bối trước những bất công trong một xã hội xuống cấp chưa đạt tới sự tích tụ đủ để ta thấy được hình hài của nó?
Câu hỏi ta cần đặt ra cho mình là: ta, chính ta, có ù lì không? Và nếu ta không ù lì, thì ta đã làm được gì, làm được bao nhiêu, cho công việc cần phải làm để có một thể chế tốt hơn, công bằng hơn?
Khuynh hướng độc tôn, độc tài của các cá nhân (trong đảng phái) hay đảng phái là có thật. Nguồn của nó bắt đầu thì hiền lành – chỉ là ý muốn thuyết phục. Khi đã có một tổ chức thì nó trở nên dữ tợn hơn – ý muốn thuyết phục bị đè bẹp bởi ý muốn áp đặt. Cứ thế, khi đã có cả bộ máy đàn áp trong tay thì nó trở thành thể chế độc tài cởi truồng, không biết xấu hổ. Chính vì vậy, một thể chế dân chủ phải là một thể chế có một chốt hãm hữu hiệu nhất để ngăn chặn khuynh hướng này – đó là sự thượng tôn Hiến pháp và pháp luật (được làm ra một cách dân chủ, chứ không phải được ban xuống theo cách độc tài). Trong một xã hội dân chủ vẫn có hiện tượng một đảng thắng thế trong bầu cử tự do, nhưng nó chỉ là một đảng chấp chính, không phải một đảng cầm quyền.
Nhu cầu có lãnh đạo (không đồng nghĩa với minh chủ) bao giờ cũng có, nhưng nhu cầu minh chủ mạnh nhất là ở trong những xã hội lạc hậu. Những người cần minh chủ có thể yên tâm – cung thừa đủ cho cầu. Tôi đã có hân hạnh được biết vài “minh chủ”. Những minh chủ này, may thay, chỉ mới có hình hài người bán thuốc dạo – thuốc của họ là tốt nhất, dùng thuốc của họ là “bách bệnh tiêu tán, vạn bệnh tiêu trừ”, tổ chức của họ là tốt nhất, chỉ có nó mới xứng đáng là đối thủ của chế độ độc tài…vân vân và vân vân.

Tv TracTreo:
Tôi khá là nghi ngờ khái niệm đảng chấp chính-đảng cầm quyền được đa số người Việt Nam biết tới, đừng nói là thấu hiểu.
Một nhược điểm to lớn của bất cứ xã hội nào là một đại bộ phận trong dân chúng không có khái niệm về quyền và trách nhiệm của mình một cách thấu đáo. Một số ít nắm rõ thì lại lợi dụng nó mà không hề muốn quảng bá sự hiểu biết của mình, hoặc quảng bá (chính xác là dạy dỗ) với tính cách chọn lựa, loại bỏ những thứ có hại tới quyền lợi của mình.
Khai dân trí, muôn đời là một kế sách đúng đắn nhứt. Con đường dài hun hút...kể cả đối với những quốc gia tiên tiến. Bởi vì, theo đà tiến của nhân loại, quyền lợi và trách vụ của một công dân mỗi ngày mỗi nhiều hơn, chi tiết hơn.
Tôi muốn hỏi Nhà văn Vũ Thư Hiên: một câu. Đó là, ông đánh giá thế nào về diễn đàn X-cà trong công cuộc khai dân trí ? Xin trả lời thực lòng mà không cần khách sáo. Nếu có thể, xin ông đưa ra những ưu điểm và khuyết điểm của hình thức diễn đàn, X-cà nói riêng, và các diễn đàn Việt ngữ khác, trong mục đích ấy.
Mở rộng thêm, ông có hy vọng gì vào hình thức diễn đàn này không, khi nó không hề là một tổ chức có quy củ, đường lối, chính sách rõ ràng, trong việc hướng tới mục đích là một nền dân chủ cho đất nước Việt Nam.
Xin cám ơn.
Nhà văn Vũ Thư Hiên:
Bạn TracTreo thân mến,
Dân chúng thì bao giờ mà chả vậy – trong cuộc sống thường nhật người ta có biết bao điều cần phải nghĩ, nghĩ về chuyện chính trị thì ai cũng… lười. Một dân tộc luôn phải bận tâm chuyện chính trị là một dân tộc bất hạnh, theo tôi nghĩ.
Tôi không khách sáo khi khen X-cafe. Nó rộng rãi, nó thoáng đãng, là nơi mọi người quan tâm đến chuyện này chuyện khác đều có thể bàn luận. X-cafe không có mục đích nâng cao dân trí cho ai, nó nâng cao dân trí cho chính nó, tức là những người tham gia. Cái cần phải giữ, theo tôi, là sự công bằng trong việc đi tìm sự thật, để biết phân biệt thật giả, đúng sai. Cũng cần giữ thái độ tương kính trong tranh luận. Và đừng biến X-cafe thành một diễn đàn chống cộng. Hãy để cho cả những người còn yêu chủ nghĩa cộng sản, còn yêu chế độ độc tài (hoặc thấy nó là cần thiết) được yêu nó và thoải mái tranh luận với những người không yêu (hoặc không còn yêu). Bạn có đọc Trần Đức Thảo về “Hạt nhân duy lý” không đấy?

Tv buiphan:
Thưa ông Vũ Thư Hiên cho phép tôi được hỏi lại vì chưa thật sự hiểu ý ông.
Khi ông khuyên rằng "đừng biến X-cafe thành một diễn đàn chống cộng" thì đó là một lời khuyên bó hẹp trong diễn đàn này hay có ý khuyên chung cho dân nước Việt đối với chế độ CS độc tài đang nắm quyền và ngự trị trên cả luật pháp hiện nay tại VN, một chế độ đã tha hóa, tàn nhẫn tới mức khiến cho đất nước VN bị biến dạng theo đúng nghĩa đen, dân tộc VN bị biến chất thê thảm và xã hội VN bị tha hóa bởi đủ các chứng bệnh nan y hết thuốc chữa trị?
Với cương vị độc chiếm quyền bính trong hơn nửa thế kỷ từ khi xâm nhập vào VN, đảng CSVN phải chịu tách nhiệm hoàn toàn trước lịch sử, mặc cho khởi đầu nó đã có những ý tưởng đẹp đẽ ra sao của một thứ chủ nghĩa không tưởng, nhưng kết cục đã để lại một xứ sở tan nát cả về vật chất lẫn tâm hồn, đã dồn đất nước, dồn dân tộc vào chân tường của sự tồn tại và phát triển theo nghĩa dành cho một cơ thể bình thường.
Không thể chống cái hậu quả tai hại mà bỏ mặc sự hoành hành của nguyên nhân, lại là thứ Nguyên Nhân của mọi nguyên nhân!. Nói như dân gian thì làm như vậy khác gì "tắm từ vai trở xuống".
Cám ơn ông vì đã ghé thăm tệ quán và cho phép bà con hàn huyên, đặt nhiều câu hỏi và đã giải đáp chúng một cách chí tình, không chỉ là những lời lẽ hoa mỹ là bằng những biện giải đầy thuyết phục.
Nhà văn Vũ Thư Hiên:
Chào bạn buiphan,
Tôi đang nói về một diễn đàn.
Một diễn đàn mở thì mọi ý kiến đều phải được trân trọng. Tôi là người chống độc tài dưới bất kỳ hình thức nào, nhưng nếu thấy có người yêu độc tài phát biểu bảo vệ nó thì tôi vẫn lắng nghe. Tôi nghĩ người dân chủ không nên, và không có quyền nữa, bắt người khác phải yêu cái này, không được yêu cái kia. Điều này không trái ngược với những hành động cần thiết phải chống lại sự hoành hành của thể chế độc tài đang làm cho dân tộc lụn bại. Tôi xin lỗi nếu hiểu sai ý của bạn.

Tv NguonGioMoi:
Bác Thư Hiên,
Cháu có một thắc mắc về việc các Đảng phái người Việt sát hại lẫn nhau trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Nó bắt nguồn từ đâu ra? Chả lẽ đảng phái nào cũng muốn độc tôn? Có lẽ đó là lý do mà các nhóm người Việt thù nhau cho tới bây giờ. Sự thù ghét như vậy đã có trước cả cuộc chiến tranh Việt Mỹ. Nếu cứ nghĩ theo lý trí thì đáng nhẽ ra người Việt phải đoàn kết để đánh đuổi ngoại bang trước đã. Có lẽ đây là một suy nghĩ ngây thơ. Cũng ngây thơ như nhiều nhà trí thức miền Nam, kể cả những người di cư vô từ miền Bắc. Họ cứ nghĩ là, dù cho ai thua ai thắng người Việt sẽ cùng nhau xây dựng lại đất nước, nên không bỏ đi vào năm 75. Kết cuộc là nhiều người sau đó thất vọng phải bỏ nước đi, nếu còn có cơ hội.

Nhà văn Vũ Thư Hiên:
Chào bạn NguonGioMoi,
Tôi, cũng như bạn, vẫn thường nghĩ ngợi về điều này.
Cộng đồng người Tầu sống ly hương hình như đối xử với nhau khá hơn ta. Tôi được biết ở nhiều nước khi cửa hàng của một chủ Tầu Mao mới sang gặp khó khăn về hàng hoá chẳng hạn thì các chủ Tầu Tưởng (gọi thế cho tiện) liền chạy sang giúp; ngày quốc khánh của Tầu Mao hay của Tầu Tưởng thì bên nào trương cờ bên ấy, không có chuyện cãi vã, ăn thua đủ với nhau. Trong trường hợp tương tự chuyện ấy có vẻ khó. Chẳng lẽ đó là do người Tầu chỉ lo chuyện buôn bán nên ít hận thù chính trị?
Xu hướng đảng độc tôn là xu hướng thường có. Nó dễ hiểu. Khi chưa có chính quyền trong tay thì nó thể hiện trong sự dùng nắm đấm đập vào ngực khoe rằng mình nhất. Khi có chính quyền rồi thì có nắm đấm được dùng vào việc khác, ấy là phang vào mặt bất cứ kẻ nào chống lại, thậm chí chỉ mới hó hé vài câu cãi lại.
Hi vọng rằng khi Việt Nam là một nước dân chủ, dân trí được nâng cao hơn thì tình trạng đó sẽ bớt đi.
Nhưng dân chủ không giải quyết được mọi vấn đề ngay lập tức đâu. Nó là cỗ xe luôn chuyển động, không phải một viện bảo tàng với những hiện vật cấm sờ mó. Trên cỗ xe ấy chúng ta còn phải nói chuyện nhiều về vấn đề bạn đặt ra. Nếu tôi còn sống đến ngày ấy.

Tv buiphan:
Thưa ông Vũ Thư Hiên, quan điểm và lời nhận định trên của ông thật là công bằng và sâu sắc.
Một trong những thắc mắc của nhiều người trong đó có tôi, là cách cư xử của ông HCM với người thân trong gia đình. Những người đã mất thì không kể, nhưng ngay cả với những người ruột thịt còn đang sống (anh, chị), hình như ông ấy cũng không quan tâm, làm cho dân chúng cũng không ai dám hỏi thăm, tìm hiểu. Thậm chí sau này, những người đó mất trước hay sau ông Hồ cũng không ai hay biết. Điều này khiến dư luận dân gian cho rằng ông Hồ sống độc thân chỉ cốt để tạo nên hình ảnh của một vị "Á Thánh" vì việc nước mà không màng tới hạnh phúc riêng tư, chứ thực ra thì cuộc sống thiếu đàn bà của ông ấy chỉ là hình thức và do hoàn cảnh đưa đẩy mà thôi.
Vậy xin hỏi, theo đà bạch hóa dần dần về những "bí ẩn HCM", ông Hiên có cùng quan điểm này không
Nhà văn Vũ Thư Hiên:
Chào bạn buiphan,
Trong việc đấu tranh nằm thay thế chế độ quản lý xã hội theo cách độc tài bằng chế độ quản lý xã hội theo cách dân chủ, tôi nhận thấy có hai trường phái:
Một trường phái nhằm vào việc phá huỷ tận nền móng chế độ (tạm gọi là trường phái “phá đền”).
Một trường phái cho rằng muốn phá huỷ nền móng của chế độ thì phải phá huỷ thần tượng trước đã (tạm gọi là trường phái “đập tượng”)
Tôi không đi với phái “đập tượng” vì ít chú ý đến “tượng”. Thành thử tôi không thể có câu trả lời thấu đáo về chuyện này.

Tv NuocNon:
Kính chú Vũ Thư Hiên. Cháu xin hỏi làm thế nào mà gia đình chú, nhất là vợ chú, vượt qua được nỗi sợ "những thế lực ma quỉ" đó??? Cháu nói thiệt, đọc ĐGBN, nếu cháu thương ba của chú và thương chú một, thì cháu thương mẹ của chú và vợ của chú gấp mười lần hơn!
Nhà văn Vũ Thư Hiên:
Khi cho xuất bản ĐGBN tôi đã ở Paris. Ở đây tôi được bảo vệ, không như khi ở Moskva tôi bị đâm và cướp bản thảo.
Gia đình tôi đã “trưởng thành trong nỗi sợ hãi các đồng chí” nên biết cách tự bảo vệ.
Cảm ơn hai bạn đã thăm hỏi và cảm thông với nỗi khổ của những người bị trấn áp.

Tv efacx:
Ông Vũ Thư Hiên đã mang một dáng vẻ mới cho diễn đàn. Hôm nay tôi thấy vui vì được biết thêm về một cách suy nghĩ của những người sống ở hải ngoại. Ông đã đem lại kiến thức mới cho tôi.
Xin hỏi ông 3 câu hỏi:
1. Liệu sự kém cỏi của thể chế VN từ sau 1975 có nguyên nhân Trung Nam Hải không (tôi sinh sau 1975 nên không biết gì nhiều về thời trước đó). "Sự kém cỏi" ở đây tôi muốn nói đến cơ chế giúp đặt người dốt nhưng trung lên trên người giỏi.
2. Những hậu duệ của các nhóm người Elite cũ của VN, sau khi bỏ nước (hoặc bị buộc phải bỏ nước) ra đi, có compétence/competency thế nào khi làm việc với các nhóm người elite khác trên thế giới (Western, China, India, Jews, ...). Nếu ông cho ví dụ và con số thì tốt nhất.
3. Tôi rất muốn tìm hiểu những lý do nào khiến cho trí tuệ người gốc Việt (cả hải nội và hải ngoại) ở vị trí quá lu mờ trong lịch sử nhân loại. Vậy tôi nên đọc những sách gì, thi hành tìm hiểu ra sao?
Vậy tôi có thể chọn con đường đi nào cho riêng mình?
Xin cảm ơn ông tham gia trao đổi.
Nhà văn Vũ Thư Hiên:
Chào bạn efacx,
Vấn đề “lý do nào khiến cho trí tuệ người gốc Việt (cả hải nội và hải ngoại) ở vị trí quá lu mờ trong lịch sử nhân loại” là một câu hỏi lớn cho một hiện tượng có thực. Cần có một cuộc nghiên cứu nghiêm túc của nhiều bộ óc thông minh mới kiếm được câu trả lời. Nó đụng chạm tới mọi lĩnh vực: lịch sử hình thành tộc Việt, sự phát triển của nó qua các thời đại, nhân chủng học, địa lý nhân văn học, xã hội học, tâm lý học…vân vân và vân vân. Tôi ít học, não đã già (quy luật sinh học mà), không có đủ hiểu biết để chia sẻ với bạn trong vấn đề này.
Vấn đề bạn đặt ra rất thú vị. Tôi tin rằng một khi đã nghĩ ngợi nhiều về chuyện đó thì có lúc (không phải tức thì) bạn sẽ giải đáp được cho mình (một phần, hoặc nhiều phần, và không phải đã đủ đúng) vấn đề được đặt ra. Ý muốn “tìm” là cái sẽ dẫn đường cho người muốn hiểu biết, còn có tìm thấy hay không là chuyện về sau. Người không “tìm” sẽ chẳng bao giờ “thấy”.
Là người chứng kiến các đoạn trước và sau Cách mạng Tháng Tám cho đến nay, tôi chỉ có thể chia sẻ với bạn nhận định của tôi về câu hỏi thứ nhất: Liệu sự kém cỏi của thể chế VN từ sau 1975 có nguyên nhân Trung Nam Hải không?
Kém cỏi hay giỏi giang là từ ngữ thuộc phạm trù đánh giá mang tính chủ quan. Chắc chắn ông tổng bí thư Nông Đức Mạnh, hoặc ông Nguyễn Tấn Dũng không đồng ý với nhận định của bạn về sự “kém cỏi” của thể chế Việt Nam. Nửa thế kỷ trước, các ông tổng bí thư Trường Chinh, Lê Duẩn còn cho rằng dưới sự lãnh đạo anh minh của các ông ấy và của ĐCS “vô cùng sáng suốt” và “duy nhất đúng đắn” thể chế Việt Nam còn là đỉnh cao trí tuệ của nhân loại nữa kìa. Trung Nam Hải chỉ có thể khuyên nhủ, giúp rập, cổ võ và thúc đẩy sự “kém cỏi” hay “giỏi giang” ấy mà thôi. Ấy là chưa kể vì “giỏi giang” mà người ta lựa chọn con đường do Trung Nam Hải vạch ra cho họ. Nhân nào sinh quả ấy, tìm nguyên nhân trước hết nên tìm trong cái “ta”, sau mới tới cái “ngoài ta”.

Tv tungtu:
Chào nhà văn Vũ Thư Hiên
1- Cộng sản Việt Nam đạt tỷ lệ sai đúng (%) trong lịch sử?
2- Dân tộc Việt Nam mắc lỗi lầm lịch sử ở những khúc nào? Có phải để 2 triệu người chết đói 45 và sau đó là đấu tố CCRĐ, Nhan van giai phảm, chống đảng (ông là nạn nhân như con tướng Nguyễn Văn Thành thời Gia Long?),tiép nữa là cuộc chiến tương tàn 1965-1975, gần đây là cuộc xô đẩy vượt biên. Chúng ta gán lỗi đó toàn phần do Cộng sản đứng đầu là ông HCM hay dân chúng phải đồng chịu trách nhiệm về chính hành vi mất nhân tính? Các bạn van sỹ, trí thức đày đọa nhau vụ NVGP và xét lại có phải điển hình của xuống cấp đạo lý của dân tộc!
3- Về cá nhân, ông có cảm thấy cô đơn, đau buồn vì khong được đóng góp xay dựng tổ quốc, ông có nghĩ ngày trở về quê hương sẽ thay đối thái độ của mình?
Chúc ông tiếp tục sáng tạo theo trái tim mách bảo, thời gian sàng lọc hoặc bỏ qua tất cả.
Nhà văn Vũ Thư Hiên:
Chào bạn tungtu,
Câu hỏi 1 và 2 xin dành cho các sử gia, các nhà xã hội học. Tôi là anh thợ giày, không dám đi quá nơi giày dép.
Tôi nghĩ dù ở đâu trái tim tôi cũng hướng về đất nước. Và tôi vẫn làm việc cho nó bằng những công việc tôi có thể làm.
Cảm ơn bạn vì lời chúc.

Tv quiteyoungguy:
Kính chào Bác Hiên,
Cháu cũng muốn gọi Bác là anh nhưng vì nhận một sự ủy thác là gửi lời thăm hỏi sức khỏe bác, nên xin giữ nguyên phép tắc. Người ủy thác là ông cụ nhà cháu, người học cùng với Bác ở Nga và thuộc lớp đàn em Bác. Bố cháu nói là nhiều anh em bạn bè học ở Nga thời đó vẫn nhắc về Bác luôn. Xin phép Bác cháu không tiện nêu tên ở đây.
Cháu xin được hỏi Bác một câu: Theo Bác thì có sự tương đồng hay khác biệt gì trong tâm tư tình cảm, vị thế kinh tế cá nhân cũng như các trào lưu xã hội của người trí thức Liên Xô vào những năm 1989-1990 so với giới trí thức Việt nam (nếu có thể gọi như vậy) ở vào thời điểm hiện nay ?
Xin cảm ơn và chúc sức khỏe Bác
Nhà văn Vũ Thư Hiên:
Chào bạn quiteyoungguy,
Xin nhờ bạn chuyển giúp lời thăm hỏi và chúc Năm Mới tốt lành tới cụ thân sinh của bạn và những bạn bè cùng thế hệ còn nhớ tới tôi.
Về chuyện có hay không, nếu có thì nó là thế nào, “sự tương đồng hay khác biệt gì trong tâm tư tình cảm, vị thế kinh tế cá nhân cũng như các trào lưu xã hội của người trí thức Liên Xô vào những năm 1989-1990 so với giới trí thức Việt nam ở vào thời điểm hiện nay”, là chuyện dài dòng văn tự, không thể có câu trả lời dứt khoát “có”, “không có”. Vả lại, như người ta thường nói, mọi sự so sánh đều khập khiễng.
Cảm ơn bạn.

Tv Lui Si HuLim:
Trước hết xin chào tác giả Vũ Thư Hiên với tất cả sự trân trọng của một đọc giả. Ấy là theo thói quen ở đời mà nói, vì với tôi thì Vũ Thư Hiên nhân chứng lịch sử quan trọng hơn Vũ Thư Hiên nhà văn. Xin phép được trích câu ở dưới:
"...Hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới tan rã chính là do sự tha hóa trong lòng nó, sự mục rữa chất người, hay nói theo cách của Lênin, do sự mất nhân tính đi đến chỗ cùng cực. Hệ thống này tan rã không phải trong thời điểm kinh tế suy thoái nhất (của Liên Xô cũng như của các nước Ðông Âu), mà tan rã vào thời điểm dân chúng ở những quốc gia này không còn chịu đựng nổi sự mất nhân tính đi đến chỗ cùng cực(17) ấy, do ý thức được sự mất nhân tính ấy họ không còn có thể điều hòa được với nó..."
Để hỏi tác giả như sau: Tình trạng này (tha hóa, mất nhân tính) có phải đặc thù ở phương Tây, hay cùng khắp trong những thể chế "xã hội chủ nghĩa" trên thế giới? Nếu nó hiện diện ở VN, thì đó có phải là một nguyên do lớn đưa đến những nhục nhằn mà tác giả đã phải gánh chịu hay không? Nhân tính có những đặc tính cụ thể hay không? Và tại sao thiếu nhân tính lại bức bách con người ta đến chỗ "không chịu nổi"?
Tôi cũng hiểu là có thể tôi đang muốn tác giả dùng cái bụng để đo hơn là cái đầu để đếm khi trả lời (nếu tác giả có trả lời), nhưng tôi vốn chú ý đến khía cạnh xã hội của đời sống miền Bắc trong nội chiến hơn là chính trị, nên không có cách nào khác để giải đáp cho những thắc mắc trong lòng ngoài cách đặt câu hỏi như trên. Xin ông thứ lỗi.
Nhà văn Vũ Thư Hiên:
Chào Lui Si HuLim,
Khổng Tử nói “nhân chi sơ tính bổn thiện” (người ta khi mới sinh ra tính vốn lành), Marx cho rằng người ta khi mới sinh ra tính không tốt, không xấu, còn khi ông nói tới nhân tính thì từ này bao hàm khái niệm những tính tốt mà loài người có được trong suốt quá trình hình thành (ăn cắp là xấu, giết người là xấu, tham lam của người là xấu…, giúp đồng loại khi khó khăn là tốt, không hành xử với đồng loại điều mình không muốn làm cho mình là tốt, vv…). Con người, với tư cách kẻ thừa hưởng những tính tốt là con người có nhân tính. Khi nó (với những tính tốt đã có tự nhiên) bị hoàn cảnh xã hội không cho nó được là nó nữa thì ta gọi là “tha hoá” (“tha” là cái không phải “ngã” – mình). Con người không được là mình nữa thì nó rơi vào tình trạng bức bối, và khi tất cả nhân quần của một xã hội bị rơi vào tình trạng đó một cách thường xuyên, rộng khắp, thì đó là sự mất nhân tính đi đến chỗ cùng cực. Tình trạng này đòi hỏi sự thay đổi môi trường sống để cho con người được trở lại là mình, tức là thay đổi hình thái tổ chức và quản lý xã hội. Nhưng khi nào xã hội thay đổi, thay đổi vào thời điểm nào, thì còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác nữa.
Sự mất nhân tính không phải là đặc thù của phương Tây hay phương Đông, nước này hay nước khác. Nó hiện diện trong mọi xã hội, kể cả trong xã hội dân chủ, nhưng xã hội này có ưu điểm là luôn thích nghi với những cái mới trong sự vận động nên nó tốt hơn các xã hội khác cho sự tồn tại của nhân tính.

Tv Lui Si HuLim:
Tôi xin minh định là không đồng ý với nhận định của ông Hiên về Marx, cho dù chính ông Marx có nói là con người bổn sanh phi ác phi thiện. Vì để cho một xã hội tự nguyện công nhận "làm theo sức, hưởng theo nhu cầu", thì mọi thành phần của xã hội đó phải sẳn sàng chia xẻ với những thành phần vì lý do nào đó sản xuất ít hơn là tiêu dùng. Hiển nhiên là Marx không cổ võ một thành phần nào đó được quyền ngồi chơi và cứ lạm dụng công lao của người khác bằng cách thoái thác là tôi không làm việc được. Nên ở đây không đặt vấn đề con người làm biếng, mà giả thuyết con người chỉ có thể sản xuất chừng đó (theo sức). Một người luôn luôn làm hết sức mình dù có dư ra thì cũng chỉ để người khác dùng; hoặc có thể dùng của cải từ sức lao động của người khác mà không phải làm gì (nếu lười biếng, sống bám), mà vẫn cố gắng làm hết sức mình, chỉ có thể là một người tốt, hay thiện, theo nghĩa nhân đạo hay thiên đạo cũng vậy. Thế thì dù Marx có lên án triết học cách mấy (a), thì Marx cũng không thoát khỏi phải đặt căn bản trên những nguyên lý tiên thủy (priori) là thiện hay ác, khi chưa có gì khởi động chuỗi nhân quả.
Từ những lời ông Hiên viết ở trên, tôi tạm kết luận cả Khổng Tử, Marx và ông Hiên đều đồng tình rằng con người vốn nghiêng về thiện, hay những hành động thiện (ví dụ không ăn cắp, không giết người, không tham lam, tóm tắt là không vị kỷ một cách có hại cho người khác, hoặc thậm chí ngược lại - vị tha) là tốt (b). Có lẽ vì cái tốt là tự nhiên nơi con người, e.g. "(với những tính tốt đã có tự nhiên)". Tất nhiên, tất cả những suy luận đến sau mệnh đề tiên khởi này sẽ gặp khó khăn về mặt siêu hình, như các thuyết về chính trị thế kỷ 19 đã vấp phải. Vì tự nhiên thì chẳng cần chứng minh, cũng chẳng thể chứng minh, do đó cứ gọi là tự nhiên thì nói gì cũng được (điển hình là câu "survival of the fittest"); chưa kể là những tánh chất ngược lại với cái được cho là tự nhiên (cái ác) cũng có thể gọi là tự nhiên. Làm sao thiện cũng chính là ác thì tự lý luận thôi không giải tỏa nổi. Nếu phải loại bỏ cả hai, thì chẳng còn thước để đo tốt xấu, và như vậy từ "nhân tính" sẽ hoặc không có nội dung, hoặc vô nghĩa.
Nhưng cứ giả thuyết là trực giác của những người trên (c) là chính xác, và xã hội Bắc Việt đã kinh nghiệm sự tha hóa (d) gây bởi tình trạng nhân tính bị tróc rễ ít nhiều, thì từ khi nào những điều kiện ngoại lai, những ma-nớp hiểm độc bắt đầu xói mòn hay đàn áp tính bản thiện kia nơi công dân miền Bắc? Cái gì đã chia rẽ quốc dân và chính quyền thành 2 khối riêng rẽ, và biến quyền lợi hai bên thành hoàn toàn đối lập nhau? Và sự khủng bố ở mức độ toàn diện như kia không thể hoàn thành trong một ngày một giờ, thì nó lộ diện với tất cả áp lực kia từ bao giờ, và tại sao con người sống trong đó không phản ứng? Kinh nghiệm sống của cá nhân tôi là sự què quặt nơi thân thể, dù trở ngại đi lại đến mức nào cũng dễ chấp nhận hơn khiếm khuyết trong tâm khảm về chính mình.
Một khi con người không thể, hoặc không còn quyền, biết mình là ai, thì khó thể tồn tại được như con người (e). Trừ khi sự mất mát kia được thay thế bởi một hình ảnh hay giá trị bao trùm hơn trong đó cá nhân mất ít nhiều tính độc lập, nhưng vẫn hiện hữu (cá nhân thuộc một bộ tộc hay làng xã hay quốc gia nào đó). Việc người miền Bắc biết sự tha hóa rất trầm trọng, đe dọa sự tồn tại của con người cá nhân, nhưng vẫn chấp nhận nó nổi, với tôi không đến từ suy luận hay chứng cứ khách quan, mà từ một nhận xét đơn thuần: tất cả những người sống ở miền Bắc trước khi chiến tranh chấm dứt mà tôi có dịp tiếp xúc, nhất là những người bị ngược đãi bởi chính sách này hay chính sách kia, đều bất mãn, nhưng vẫn ôm ấp một cái gì đó về một thể chế kia. Họ chẳng được gì, nhưng vẫn thần tượng hóa cách mạng vô sản VN, dù không thể định nghĩa rõ ràng. Cho đến nay họ vẫn nói là có những người bản chất xấu, chứ mục tiêu và hướng điều hành chung của cuộc cách mạng trong quá khứ thì không có gì sai (thí dụ: "giải phóng" miền nam với họ là một mục tiêu khả kính tận ngày nay, dù sau chiến tranh thì rõ ràng là có thu miền Nam vào vòng kiểm soát, nhưng giải phóng miền Nam là điều không thể).
Đây tôi tạm gọi là minh triết của họ, thay vì nếu đó là một con người thì sẽ là Minh Chủ theo nghĩa ông Hiên đã dùng trong tác phẩm của ông. Có thể tâm trạng này là nguyên do họ coi thường tất cả khả năng làm chính trị của những người việt nam khác. Với họ, hình như hoàn toàn không thể có chuyện những cá tính đã giúp cho các "thần thánh" điều hành cuộc cách mạng một cách hiệu quả cũng chính là những phẩm chất đã nhào nặn ra những chính sách có tác dụng thủ tiêu nhân tính và tha hóa cả một xã hội trong đó họ là nạn nhân điển hình. Do đó, áp dụng những chiến lược cũ mà tránh những hệ quả tiêu cực thời trước là hoàn toàn khả thi!
Ông Nguyễn Thanh Giang chẳng hạn, ít nhất đã một lần mạt sát những chuyện đấu tranh bởi những người ông cho là chống cộng ở ngoại quốc. Một người trẻ hơn rất nhiều, sanh ra sau chiến tranh, là kẻ điều hành chính diễn đàn này cho đến gần đây, cũng tuyên bố là anh ta chợt nhận ra có sự sai trái từ nhà cầm quyền VN đương thời từ khi đọc Hà Sĩ Phu, Nguyễn Thanh Giang v.v... Với tôi thì những điểm các ông đưa ra chẳng có gì mới lạ để gọi là phát minh (thấy sáng suốt). Bao nhiêu người khác đã nói từ lâu và nhiều lắm. Tại sao các ông này lại đáng tin hơn chỉ có thể giải thích bằng một cách - không liên quan mấy đến lý lẽ. Hay hỏi cách khác: Theo ông Hiên, có thể nào "chống cộng" khó thể chấp nhận vì tự nó là một hình thức bác bỏ tổng thể mọi thứ trong cuộc cách mạng vừa qua hay không?
Tôi hỏi câu này vì theo tinh thần hiến chương Tiệp Khắc ông Hiên đã trích ở trên, tôi không thể nào hình dung một thể chế dân chủ và tự do tại Việt Nam trong tương lai mà lại triệt để ngăn cấm sự tham gia của những người có khuynh hướng cộng sản, cũng như triệt tiêu những chánh kiến ngược lại, nghĩa là không cộng sản tí nào.

___________________________________________________________________________
a. Vì cho rằng triết học chỉ là võ đoán, trong khi duy vật của ông ta có cơ sở khoa học.
b. Đây là một kết luận tạm thời, vì phương Tây, đặc biệt là nước Mỹ, từ ba chục năm trở lại đây dựng lên một mô hình chủ nghĩa cá nhân sống ích kỷ, tham lam vô độ.
Vì sao nó không đưa tới một tình trạng tha hóa cùng cực, hăm dọa sự sống còn của xã hội đương thời, xin phép không bàn đến ở đây.
c. Tôi không chắc nên dùng chữ "trực giác" với Đức Khổng Tử.
d. Tôi cho rằng ít ai có thể phủ nhận sự tha hóa trong một cuộc sống mọi người đều sợ mà không biết tại sao sợ hay sợ gì, đều nghi ngờ mọi người khác, và luôn luônđấu tranh với mọi người khác: " Có lần Nguyễn Tuân rủ rỉ khuyên chúng tôi phải học thuộc cách chia véc-bờ (5)sợ ở mọi ngôi thứ : tôi sợ anh, anh sợ tôi, chúng ta sợ nó, nó sợ anh, chúng tôi sợ các anh, nó sợ chúng ta, chúng ta sợ chúng nó, các anh sợ chúng tôi vân vân..., cứ thế mà chia. Thuộc hết thì sống mới dễ."(trích Đêm Giữa Ban Ngày).
e. Xin nhìn những người lấy mạng mình đánh cược với sóng dữ đại dương, và đừng xỉa xói là tất cả chỉ vì kinh tế. Vì không phải ai cũng là Mác Xít. Tôi cũng thêm là những người đi HO hoặc đoàn tụ gia đình thì có lẽ chẳng hiểu được chuyện này đầy đủ đâu, vì họ đi máy bay phản lực.
Nhà văn Vũ Thư Hiên:
Câu chuyện đã đến hồi thú vị - giữa chúng ta đã có cái gì đó giống như tranh luận. Tôi xin lỗi nếu để bạn hiểu nhầm rằng tôi nói những điều thuộc “giáo khoa xã hội học”. Tôi tưởng mình phải trả lời cho câu hỏi chỉ gói gọn trong sự muốn biết quan điểm của tôi về vấn đề được đặt ra.
Để đi sâu vào khái niệm nhân tính chắc cần có nhiều nghiên cứu, nhiều tranh luận, và tất nhiên, tốn nhiều thời gian hơn cái mà chúng ta có trong một diễn đàn. Tôi không nói rằng nhân tính là “cái tự nhiên có”, hoàn toàn không phải như vậy. Nó là cái được hình thành trong sự chọn lựa, với tư cách hệ quả, trong quá trình sinh tồn của nhân loại, được thừa nhận như Cái Thiện. Khi Nguyễn Du viết: “Thiện căn ở tại lòng ta” là có hàm ý một Cái Thiện chung chung như thế, không cần đến triết học, cũng không đi vào những hiện tượng cụ thể (chẳng hạn, như vấn đề chưa ngã ngũ hiện nay ở nhiều nước: phá thai là Thiện hay Ác?).
Chuyện con người ý thức được sự tha hoá mà vẫn chịu đựng được nó, vẫn điều hoà được với nó, thậm chí còn bào chữa cho nó bằng “thần tượng hóa cách mạng vô sản VN” như bạn viết (trong tinh thần câu chữ của bạn tôi đã thấy bạn đã trả lời cho hiện tượng này), thuộc một hoặc vài đề tài khác, chẳng hạn: thế nào là “đã ý thức được”, cái mức độ (hoặc cái tầm) của “ý thức được” nằm ở chỗ nào, tại sao “ý thức được mà lại còn… “, khi nào thì sự “ý thức được” sẽ có thể biến thành nhu cầu (và tiến thêm nữa, tới hành động) đòi phá bỏ cái tha hoá con người, vv…?
Câu hỏi của bạn: “Hay hỏi cách khác: Theo ông Hiên, có thể nào "chống cộng" không thể chấp nhận được vì tự nó là một hình thức bác bỏ tổng thể mọi thứ thành quả của cuộc cách mạng vừa qua hay không?” Nếu bạn đọc kỹ, sẽ thấy tôi không hề nghĩ như bạn viết. Tôi cho rằng nếu X-cafe là một diễn đàn “chống cộng” thì tự nó đã loại trừ tinh thần tự do tư tưởng, bình đẳng tranh luận rồi. Một định hướng như vậy sẽ hạn chế những ý kiến khác biệt, kể cả những ý kiến sắm vai trò người cộng sản để kích thích tranh luận.
Tôi xin nhắc lại: “Tôi là người chống độc tài dưới bất kỳ hình thức nào… Tôi nghĩ người dân chủ không nên, và không có quyền nữa, bắt người khác phải yêu cái này, không được yêu cái kia”. Tôi hoàn toàn không khác bạn trong sự “không thể nào hình dung một thể chế dân chủ và tự do tại Việt Nam trong tương lai mà lại triệt để ngăn cấm sự tham gia của những người có khuynh hướng cộng sản…”
Nhân tiện đây tôi cũng xin các bạn tha lỗi cho tôi khi không thấy có sự hồi đáp cho những vấn đề khác nhau được các bạn nêu ra. Quan điểm của tôi về những vấn đề đó nằm rải rác trong những phát biểu đơn sơ của tôi. Cũng có những vấn đề thuộc những phạm trù nằm ngoài sự hiểu biết tôi, xin các bạn tìm hiểu ở nơi khác, người khác. Tôi là người yêu văn học và có viết văn khi nào mình thích viết. Đó là mảnh vườn của tôi. Múa gậy trong vườn người khác là điều tôi không muốn làm.

Tv TQTH:
Thưa ông Vũ Thư Hiên. Tôi hoài nghi về động cơ của những người yệu chế độ độc tài độc đảng. Tôi xin phép được hỏi ông:
1) Ông nghĩ thế nào khi có luồng ý kiến rằng các ông có quyền lực to lớn trong ĐCS hiện nay từ BCT đến các cấp Đảng & NN có ít nhiều quyền lực khác rất sợ bị trả thù (vì các tội ác phản dân hại nước đã gây ra) một khi VN trở thành nước dân chủ tự do cạnh tranh đa nguyên đa đảng? Có phải bởi vì họ SỢ TRẢ THÙ (bỏ điều 4 HP là tự sát) nên họ đã và đang dùng tất cả quyền lực và bộ máy CA đồ sộ hiện có, ra sức đàn áp phong trào dân chủ - những người yêu nước, thương dân mà không yêu ĐCS và tổ quốc XHCN (của ĐCS)?
2) Theo ông đây có phải là lí do chính để những “ông lớn” và người yêu ĐCS sợ VN theo thể chế tự do dân chủ cạnh tranh chính trị đa nguyên đa đảng có lợi cho dân cho nước nhưng lại bất lợi với họ? Có phải bây giờ họ không còn “vô sản” mà đã trở thành “vô số sản” nên càng giàu càng sợ chết không? Ông có thấy lịch sử đang lặp lại như thời kì trước khi “được giải phóng” không?
3) Và ý thứ ba, theo ông có cách nào hữu hiệu để nhà nước dân chủ tương lai bảo đảm cho những ông CS được an toàn hạ cánh bằng cả pháp chế lẫn tình cảm tha thứ của người dân “đánh kẻ chạy đi, không đánh người quay trở lại” ?
Có thể các câu hỏi tôi có vẻ thô thiển nhưng tôi sẽ rất cảm ơn ông quan tâm trả lời vì đó là những tâm tư suy nghĩ của tôi. Nhân đây, trước vài thời khắc tống tiển năm cũ đón mừng năm mới cổ truyền của dân tộc, tôi chân thành cầu chúc ông và toàn thể gia quyến được dồi dào sức khỏe, bằng an, hạnh phúc và tiếp tục đóng góp tất cả những gì có thể tôt đẹp nhất cho 1 nước VN dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ và văn minh.
Nhà văn Vũ Thư Hiên:
Chào bạn TQTH,
Tôi cho rằng những “ông lớn” cũng biết “sợ” đấy. Nhưng sợ những người đang đấu tranh cho dân chủ hoá xã hội Việt Nam thì ít (họ tin rằng họ đủ sức mạnh để đè bẹp sức đối kháng), mà sợ cái trào lưu chung chống độc tài của nhân loại thì nhiều.
Người giàu sợ mất của là lẽ tự nhiên. Cũng là lẽ tự nhiên, họ sẽ tìm đủ cách để không bị mất. Chuyện trước sau gì rồi Việt Nam cũng sẽ thành một nước dân chủ họ cũng biết, nhưng họ còn “câu giờ” để kiếm chác. Trong khi “câu giờ”, họ gửi của cải kiếm được vào các ngân hàng nước ngoài, đầu tư vào bất động sản, mua cổ phiếu (cũng ở nước ngoài)… đủ kiểu. Họ biết rằng họ phải tự lo cho họ hơn là tin vào sự thắng lợi của phong trào dân chủ sẽ bao dung để họ “hạ cánh an toàn”, không bị trừng phạt.
Xin cảm ơn lời chúc Năm Mới của bạn.

(còn tiếp)


No comments: