Friday, April 10, 2009

NHÀ VĂN VŨ THƯ HIÊN TRÒ CHUYỆN VỚI X-CAFE (2)

Nhà văn Vũ Thư Hiên trò chuyện với X-cafe (tiếp theo)
http://www.x-cafevn.org/node/1573

Tv viet_nam:
Chào Ông Vũ Thư Hiền,
Ông là Nhà Văn, chắc chắn Ông hiểu biết nhiều về Phong tục, tập quán của người Việt. Ông là nhà đấu tranh Dân chủ, chắc chắn Ông hiểu về Dân chủ. Vậy xin được phép hỏi Ông:
1/ Theo tôi hiểu thì "Tự do","Dân chủ" ra đời dựa trên việc nghiên cứu cuộc sống của người dân mà hình thành nên. Người Âu - Mỹ, khi đến tuổi trưởng thành thì họ đều rời xa gia đình, sống một cuộc sống tự lập. Mỗi cá nhân là "cái rốn" của vũ trụ. Họ tự do hành động và tự chịu trách nhiệm về những hành động đó. Tự do, dân chủ ra đời trên cơ sở đó. Hiểu như vậy có đúng hay không?
Nếu tôi hiểu đúng, Việt Nam ta có cuộc sống khác với Âu - Mỹ. Văn hoá chúng ta là văn hoá Gia đình, Cộng đồng, Làng xã. Trong cái nền Văn hoá ấy, mỗi cá nhân đều không thuộc về bản thân chúng ta, mỗi cá nhân phải hy sinh đôi chút lợi ích, đôi chút tự do, dân chủ, và đôi khi cả tính mạng để bảo vệ cho cái "Gia đình", cái Cộng đồng mình tham gia được bền vững. Bản thân trong Văn hoá Việt đã không phù hợp với giá trị Tự do, Dân chủ kiểu Âu -Mỹ. Vậy tại sao không dựa trên đời sống, văn hoá Việt để xây dựng nên mô hình Tự do, Dân chủ riêng cho Việt Nam, sao cho phù hợp? Tại sao lại cứ phải giống Âu - Mỹ?
2/ Theo Ông thì Ông hiểu nghĩa của "Tự do","Dân chủ","Nhân quyền" một cách tương đối hay tuyệt đối? Và nếu có thể thì tại sao nên hiểu như vậy?
3/ Nhiều người (trong đó có tôi) cho rằng "Đa Đảng tất loạn". Ông có thể kiến giải để tôi có thể mở mang thêm không?
Cuối cùng, xin kính chúc Ông và Gia đình An Khang, Thịnh vượng!
Nhà văn Vũ Thư Hiên:
Chào ông Tvviet_nam,
Tôi có mấy ý thô thiển sau đây để trao đổi cùng ông:
1. Ông viết: “Theo tôi hiểu thì (khái niệm) "Tự do","Dân chủ" ra đời dựa trên việc nghiên cứu cuộc sống của người dân mà hình thành nên”.
Tôi nghĩ khác: mọi khái niệm được biểu đạt bằng ngôn ngữ bao giờ cũng đến (có) sau cảm nhận (tri giác). Từ ngữ là cái vỏ bọc cho tri giác mơ hồ, giúp cho nó có hình dạng cụ thể hơn (hơn, chứ chưa chắc đúng). Một người thượng cổ bị trói, khi được thả, anh ta có cảm nhận tự do trước khi có từ “tự do” để chỉ sự cảm nhận ấy. Cho nên những từ biểu đạt khái niệm “tự do”, “dân chủ” không ra đời trong việc nghiên cứu nào , chúng chỉ hình thành với tư cách cái vỏ chung để nói lên (nói thay) sự cảm nhận, cho nên ở khái niệm chung không có (và không thể có) “tự do Tây”, “tự do ta”, “dân chủ Tây”, “dân chủ ta”. Từ những khái niệm chung cho cả nhân loại ấy, với nội hàm chung ấy, khi triển khai, áp dụng vào hoàn cảnh thực tế thì ta có thể nói tới những điểm đặc thù của khái niệm trong những quy chiếu không gian và thời gian cụ thể (chẳng hạn nền dân chủ ở Athena chỉ mới là nền dân chủ hiệp hội, dành cho chủ nô, khi nô lệ chưa được nằm trong khái niệm “người”).
2. Trong thời đại hiện nay, khi tầm tri thức của các dân chúng trong các quốc gia không còn chênh lệch ở mức thời cổ Hi Lạp, La Mã, thì cái phần chung (được hiểu) của những khái niệm, nội hàm của những khái niệm ấy, không còn những khác biệt như trước. Thí dụ: quyền của người dân “được làm những việc mà pháp luật không cấm” nay được áp dụng phổ cập trong đa số quốc gia. Những quốc gia nào không áp dụng điều ấy hiển nhiên được coi là những quốc gia không dân chủ.
3. Mọi khái niệm đều tương đối, chúng được sửa chữa, bổ sung theo thời gian.
4. Tôi không quan niệm “đa đảng tất loạn”. Tôi quan niệm “một đảng tất độc tài”. Nhưng như thế không hề có nghĩa tôi quan niệm càng nhiều đảng càng tốt (như đảng yêu bia, đảng yêu vốt-ka ơ mấy nước Đông Âu chẳng hạn). Trong bầu cử dân chủ thể nào cũng có đảng thắng cử để chấp chính (thực hiện việc quản trị xã hội theo hiến pháp), nhưng nó không thể coi mình là đảng cầm quyền để tha hồ tự tung tự tác vì đã có những đảng thua cử sẽ đóng vai trò đảng đối lập để ngăn cản xu hướng lạm quyền. Mà quyền thì bao giờ cũng đi với lạm quyền như hình với bóng, là lẽ tự nhiên. đã có quá nhiều chứng cứ lịch sử.
Xin chúc ông và gia quyến một Năm Mới tốt lành.
Kính,

Tv nuocmua:
Chào bác Hiên,
Nhân sắp năm mới, chúc bác và gia đình nhiều sức khỏe, nhiều điều như ý.
Mấy bửa rày rảnh chút nào lo đọc Đêm Giữa Ban Ngày. Đọc xong, cháu thấy bản chất của NN VN hiện tại cũng không đổi thay lắm so với thời '60. Người ta vẫn tranh dành quyền lực, vẫn coi thường luật pháp, thẳng tay đàn áp nhiều người chỉ có suy nghĩ không đồng ý với việc họ làm.
Cách hành xữ của công an qua nhiều nhân vật, đặt biệt Huỳnh Ngự vẫn là cách hành xữ của công an hiện nay, từ công an phường, cảnh sát giao thông, hay công an cửa khẩu. Hành xữ của NN trong đám tang ông Dương Bạch Mai vẫn còn diễn ra với tướng Trần Độ, ông Hoành Minh Chính. Những Kỳ Vân, Vũ Thu Hiên ngày nay là Lê Thi Công Nhân, là Điếu Cày, phải chịu đàn áp, tù đày bởi chỉ suy nghĩ và nói ra suy nghĩ chính con người họ. Như vậy, bản chất chế độ vẫn không thay đổi.
Những người có suy nghĩ khác với chế độ ngày nay, từ những người cộng sản, đến những người không cộng sản cũng giống như chế độ vậy, chưa có thay đổi nhiều. Họ cũng có suy nghĩ muốn đóng góp, xây dựng đổi thay ý thức của nhà cầm quyền, hay một vài phản kháng dân sự. Những người đối lập trong nước hiện nay vẫn làm những gì bác Vũ Thu Hiên, tướng Đặng Kim Giang hay nhiều người khác trong "Vụ án xét lại" trong "Nhân Văn - Gia Phẩm" đã làm qua. Và ồi họ cũng sẽ bị bỏ tù, đàn áp bởi chế độ.
Hơn nữa thế kỹ rồi, cả người độc tài phá lẫn người muốn đóng góp xây dựng công lý đều chưa thay đổi, có phải dân tộc Việt chưa kiếm ra được giải pháp cho tương lai? Bác Hiên, bác đã nhận xét và viết ra từ lâu, "lưu manh khó thể trở thành người tử tế," như vậy nếu đi theo con đường thay đổi kẻ lưu manh thành người tử tế, có phải là con đường cụt. Nếu cứ để chế độ luôn đào tạo ra kẻ lưu manh, làm sao dân tộc Việt sẽ còn người tử tế sau này?
Cháu có vài lời muốn bác nhắc nhở, mong bác giúp dùm.
Nhà văn Vũ Thư Hiên:
Bạn nuocmua ơi,
Tôi không nhớ có phải Aristote nói câu này không: “người ta không thể tắm hai lần trong một dòng sông”? (Trí nhớ của người già tệ lắm – nó rất hay lầm lẫn tên người và địa danh). Tức là dòng sông chảy liên tục, và lần thứ hai anh tắm thì dòng sông đã khác, nó không phải là dòng sông anh tắm lần trước.
Sự thay đổi là có đấy chứ, nhiều nữa là khác. Thí dụ, về mặt kinh tế thì chế độ bao cấp đã được thay thế bằng kinh tế thị trường (thêm cái đuôi: định hướng xã hội chủ nghĩa), về mặt chuyên chính vô sản thì “những tên phản động” đều được đưa ra xử - ông Hà Sĩ Phu viết những bản văn chống chủ nghĩa cộng sản thì bị xử về tội “làm lộ bí mật nhà nước”; ông Hoàng Hải (Điếu Cày) chống Trung Quốc xâm lược thì bị xử về tội “trốn thuế”. Nghĩa là nếu như trước kia người ta cứ việc vô tư khoá tay kẻ thậm chí mới có “tư tưởng chống đối”, đẩy lên xe bịt bùng cho nó đến cái chốn tù mù cả về không gian lẫn thời gian, thì nay người ta đã phải bỏ công dựng một sân khấu nhiều màu sắc như thật để diễn vở “chính quy”. Kịch bản tồi, đạo diễn tồi, diễn viên tồi, mọi thứ đều tồi, mặc, người ta vẫn diễn, không cần biết khán giả nghĩ gì, như là diễn tuồng cho gà vịt xem vậy.
Hoàn cảnh có khác trước chứ. Nhưng bản chất thì không. Người đã trót đem lòng yêu tự do vẫn tiếp tục tranh đấu. Kẻ cầm quyền vẫn lăm lăm con dao để thiến mọi biểu hiện tự do, mà đêm vẫn chưa ngon giấc, chỉ e mình thiến sót.
Xã hội dân chủ không có mục đích biến tên lưu manh thành người lương thiện. Công việc của nó là tạo ra và hoàn thiện không ngừng một bộ máy quản trị xã hội an toàn cho những người lương thiện, ngăn chặn những tên lưu manh (trong đó có những tên ăn cắp không vặt chút nào được gọi một cách sang trọng là tham nhũng).
Mong bạn đừng ngã lòng khi nhìn thấy cái bề ngoài ù lì của xã hội mà không muốn đi cùng những người đang đấu tranh cho cái xã hội mới ấy.

Tv buiphan:
Thưa ông Vũ Thư Hiên, giả thử vào thập niên 60 thế kỷ trước, chính quyền miền Bắc VN không ngả theo Trung quốc chống "bọn Liên Xô Xét Lại", không tạo ra vụ truy bức oan nghiệt "bọn Xét Lại Chống Đảng", mà vẫn trung thành như một đồng minh Đông Âu ở Á châu thì Việt Nam ngày nay sẽ như thế nào theo sự hình dung của ông?.
Nhà văn Vũ Thư Hiên:
Bạn thân mến,
Tôi nghĩ ta không nên, và không bao giờ nên, giả định lịch sử. Đó là một việc vô ích. Lịch sử dài, lịch sử ngắn đều hình thành từ rất nhiều nguyên nhân, nhiều thành tố hợp lại.
Người ta không ngoa ngoắt khi nói: “Với một chữ nếu, ta có thể bỏ cả Paris vào trong một cái chai”.
Tôi hiểu ý bạn. Giả thử tình hình như bạn nói thì chắc chắn là Việt Nam không giống như Việt Nam hôm nay, thế thôi. Chứ còn đi xa hơn, bảo nó không giống là không giống thế nào thì lại sa vào giả định lịch sử mất rồi.

Tv Eric Joisel:
Kính chào bác Vũ Thư Hiên. Cháu nghe đến bác đã lâu, từ hồi đài Á Châu tự do mới thành lập. Nay nhờ có mạng Internet mà những người cùng chí hướng không còn rời rạc với nhau nữa. Cháu xin phép hỏi bác hai câu:
Bác nghĩ thế nào về chữ "duyên" và "nghiệp" mà người ta hay nói? Cụ thể hơn: giống cây xứ lạnh thì không trồng được ở xứ nóng, ấy là duyên vậy. Nếu có thứ gì đó mọc được thì là do thổ nhưỡng, khí hậu thích hợp với nó. Vậy bác có cho rằng cái mà dân ta đang chịu có phải là vô cớ mà đến? Hay là vì nhân duyên, tính chất của nó hợp với ta?
Câu hỏi thứ hai: bác nghĩ sao về một câu trong kinh Phật: "Bồ đề tâm có công năng bẻ gãy mọi ác pháp", nhưng người ta lại có câu "ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh"?
Năm mới, chúc bác thân tâm thường an lạc, chúc cho mọi người dân Việt có được tinh thần tinh tấn dũng mãnh, sớm thấy Niết Bàn.
Nhà văn Vũ Thư Hiên:
Chào bạn Eric Joisel
Về cái chuyện “duyên” “nghiệp” tôi mù tịt. Hình như những bậc tu hành khi giảng giải chuyện này cũng lúng túng, coi như là chuyện phải “ngộ”, chứ không phải chuyện cần chứng minh.
Thí dụ của bạn: “giống cây xứ lạnh thì không trồng được ở xứ nóng, ấy là duyên” cũng không thuyết phục”. Khoai tây có nguồn gốc ở Peru, được thuần hoá và trồng khoảng thời gian 800-900 trước CN, đến thế kỷ 16 mới được đem vào châu Âu. Peru là xứ nhiệt đới (chỉ ở vùng núi mới lạnh, nhưng ở đó người ta không trồng khoai tây). Mang nó về châu Âu (mùa đông lạnh, có tuyết), nó sống. Trồng ở nước Nga lạnh giá nó cũng sống. Rồi giống khoai ấy, ta gọi là khoai Tây vì được mang từ Pháp vào, năm 1945-46 trồng ở bãi giữa sông Hồng (Hà Nội) chỉ cho củ bằng ngón chân cái. Bây giờ củ của nó to chẳng kém gì khoai châu Âu.
Từ thí dụ về “duyên” ấy, câu hỏi của bạn nên giới hạn trong chuyện “nhân” “quả”. Mà chuyện ấy cũng mung lung lắm, không dễ hiểu, không dễ giải thích. Nói theo Phật pháp chắc bạn còn hiểu hơn tôi: có “quả” nào không từ “nhân” mà ra? Mà cái “quả” cũng có nhiều mặt – đối với người này là “được”, với người kia là “chịu”. Vậy cái “nhân” đem phân tích kỹ thì đâu có đơn nhất.
Còn về câu trong kinh Phật: "Bồ đề tâm có công năng bẻ gãy mọi ác pháp", với câu "Ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh" mà bạn đưa ra như chúng mâu thuẫn nhau, thì tôi hiểu cách khác. "Ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh" là nói về hiện tượng, một biểu hiện nhân quả, còn “Bồ đề tâm có công năng bẻ gãy mọi ác pháp” là nói về vũ khí (ta gọi là công cụ, phương tiện cho nó hiền lành chút, gọi vũ khí nghe ghê quá) để bẻ gãy, chế ngự cái Ác. Lấy Ác chống Ác thì lại sinh ra Ác, chỉ lấy cái Tâm Thiện mà chống Ác thì mới chế hoá được nó mà thôi. Thí dụ người đấu tranh cho dân chủ mà có mục đích trả thù, hay chỉ muốn được giành cái ghế tên độc tài đang ngồi thì làm sao có thể có dân chủ được ở cuối con đường tranh đấu?

Tv viet_nam:
Cám ơn Ông đã bớt chút thời gian để hồi đáp!
Tuy nhiên, cách hiểu của Ông về Tự do, Dân chủ lại càng củng cố cho cách hiểu của tôi.
1/ Hoàn toàn đồng ý với Ông rằng \"biểu đạt về ngôn ngữ luôn đến sau cảm nhận\". Nhưng cảm nhận của một con người là dựa trên môi trường sống, dựa trên nền Văn hoá mà những cá thể đó đang sống, dựa trên phong tục, tập quán mà cá thể đó phải phụ thuộc, phải tuân theo... Ta đều biết \"Tự do , Dân chủ\" xuất phát từ nước Mỹ. Vậy theo cách hiểu của Ông, đó là do sự cảm nhận của người dân Mỹ thông qua môi trường sống, môi trường Văn hoá... của riêng họ mà hình thành nên. Cái văn bản về \"Tự do, Dân chủ, Nhân quyền\" ấy là sự kết tinh từ cái cảm nhận của người dân Mỹ. Vậy nếu nói rằng sự kết tinh ấy không dựa trên cơ sở nghiên cứu, tổng hợp các cảm nhận thì rõ ràng là không hợp lý!
Văn hoá Mỹ, lối sống Mỹ cũng bắt nguồn từ Châu Âu, nên cái cảm nhận của người Mỹ và người Châu Âu là khá tương đồng. Vì vậy, khi sử dụng giá trị Mỹ vào Châu Âu ta thấy nó không bị khập khiễng.
Nhưng như vậy không có nghĩa là cảm nhận Mỹ có thể áp đặt cho \"cảm nhận\" Á, \"cảm nhận\" Phi... Mỗi nơi, mỗi khu vực sẽ có nền Văn hoá khác nhau, lối sống khác nhau, phong tục tập quán khác nhau... sẽ dẫn tới cảm nhận khác nhau. Vậy tại sao không kết tinh từ cái cảm nhận của Quốc gia đó, của khu vực đó, mà cứ phải áp đặt cảm nhận Mỹ?. Ta đều hiểu mỗi giá trị đều mang tính tương đối, có thể phù hợp với nơi này nhưng chưa chắc đã phù hợp với nơi khác. Vậy tại sao ta không tìm cái phù hợp với mình mà cứ phải vay mượn những cái chưa chắc đã phù hợp?
2/ Có thể hai câu hỏi sau của tôi khá trừu tượng. Tôi xin gộp lại thành một câu hỏi thôi: Theo Ông, nếu Việt Nam có \"Dân chủ, đa Đảng\", thì ĐCS có được coi là một Đảng phái hay không? Hay cần phải dẹp bỏ?
Nhà văn Vũ Thư Hiên:
Chào bạn,
Về hai từ “tự do”, “dân chủ” (và 2 khái niệm về 2 từ đó), tôi e rằng cuộc đối thoại của chúng ta giống cuộc đối thoại của hai cái tai cối xay.
Khi tôi nói về “tự do”, “dân chủ” nói chung, về nội dung cơ bản của 2 khái niệm ấy thì bạn lại nói về cái khác – về cảm nhận về “tự do”, “dân chủ” ở từng vùng địa lý (đã thế thì phải xác định cụ thể mốc thời gian, và nhiều thứ khác nữa cho mỗi vùng, mỗi nước mới rõ). Và cũng phải nói cho chính xác hơn khái niệm ấy thuộc về nhóm, lớp xã hội nào trong vùng địa lý đó. Ở châu Á, ở châu Phi cũng có những nhóm xã hội hiểu khái niệm “tự do”, “dân chủ” không khác gì khái niệm được thừa nhận (bởi đa số) ở châu Âu. Và ngược lại.
Trong tuổi trẻ tôi được dạy dỗ rất kỹ về “tự do trong khuôn khổ”, “tự do trong kỷ luật”, “tự do có giới hạn”. Do không hiểu đến nơi đến chốn nội hàm của khái niệm có vị trí thống trị ấy, tôi chỉ mới trót dại phát biểu ý nghĩ của mình về tổ chức xã hội trong đó tôi là thành viên thì người ta đã cho tôi vào tù 9 năm để cho tôi được “cải tạo tư tưởng” cho “tiến bộ”.
Bạn viết: “Ta đều hiểu mỗi giá trị đều mang tính tương đối, có thể phù hợp với nơi này nhưng chưa chắc đã phù hợp với nơi khác. Vậy tại sao ta không tìm cái phù hợp với mình mà cứ phải vay mượn những cái chưa chắc đã phù hợp?”, tôi hoàn toàn tán thành. Mình sẽ có, sẽ phải tìm ra nếu chưa có, cái phù hợp với mình trong mọi lĩnh vực đời sống (người Anh lái xe bên trái là cái của họ, hợp với họ, có chết ai đâu), chẳng cần vay mượn ai (nhưng phải tham khảo tất cả để chọn cái gì tốt thì học, và đừng tự ái vì phải học). Dân chủ không phải là một chủ thuyết như “chủ nghĩa Mác khoa học”, cấm không được xem xét nó đúng hay sai (xem xét nó sẽ phạm tội “xét lại”, bị bỏ tù, hoặc tệ hơn, bị bắn bỏ). Nó chỉ là một cách quản lý xã hội bình thường, trong đó người dân được quyền đòi sửa đổi chỗ này, bỏ chỗ kia mà không làm sao cả.
Tôi không hề cho “dân chủ” Mỹ là hoàn hảo, mọi quốc gia dân chủ phải sao chép cái “dân chủ” của Mỹ. Cứ xem lịch sử hình thành nước Mỹ thì biết. Mọi mô hình dân chủ có sẵn đều ở dạng bất toàn. Nhưng nó có ưu điểm là luôn “tự phủ định” (theo lý thuyết Marx) trong sự vận động về phía hoàn thiện hơn, phù hợp với bước tiến (mọi mặt) của xã hội.
Tôi chỉ cầu Trời cho lên Thiên Đàng càng sớm càng tốt những nhà cầm quyền cứ vin vào “cái của ta” (khác với cái “tự do”, “dân chủ” mà nhân loại đã đạt tới) là “vô cùng sáng suốt”, là “duy nhất đúng đắn”, để tha hồ “xử lý” lũ gà vịt nằm trong lồng của họ! Và cho lên đấy luôn thể những người ủng hộ họ nữa, kẻo những người ấy buồn.
Tôi sinh ra trong một gia đình mà cha mẹ đều là cộng sản, hoạt động trong phong trào giải phóng dân tộc từ trước khi đảng cộng sản thành lập. Trong phong trào dân tộc thời bây giờ có nhiều xu hướng khác nhau, nhưng các đảng, các nhóm không coi nhau là thù, là đối thủ, mà là anh em, là bè bạn. Họ đều là những người yêu nước, bất kể màu sắc. Sự khác nhau giữa người này với người kia trong giai đoạn ấy chỉ ở sự lựa chọn phương tiện hữu hiệu nhất để đạt tới mục đích. Tình thương yêu, đùm bọc nhau ấy tôi được thấy bằng mắt mình. Nó đẹp lắm. Về sau này cái đẹp ấy mất dần và rồi mất hết, cùng với chủ trương bá quyền lãnh đạo của đảng cộng sản khi nó trở thành đảng duy nhất, độc tôn cai trị xã hội. Điều này tôi, và cả thế hệ tôi nữa, hiểu ra khá muộn màng. Mặc dầu những tội lỗi đảng cộng sản đã gây ra cho dân tộc, cho đồng bào, tôi vẫn khẳng định trong tôi điều này: đảng cộng sản đã có một giai đoạn rất quang vinh trong phong trào giải phóng dân tộc. Đó là lẽ công bằng lịch sử. Lịch sử phải công bằng.
Quan niệm của tôi: trong một xã hội Việt Nam dân chủ, mọi đảng phái đều có quyền tồn tại, không loại trừ đảng cộng sản. Trong các quốc gia Đông Âu chỉ có Ba Lan là nước duy nhất cấm đảng cộng sản hoạt động, cấm tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản (được ghi trong Hiến pháp). Tôi đã đến các nước Đông Âu nhiều lần, trước và sau khi chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước đó tiêu vong. Những gì tôi quan sát được cho phép tôi nghĩ rằng người Ba Lan đã không đúng bao nhiêu trong quyết định ấy. Cái đó trái với khái niệm của tôi về dân chủ. Nhưng đó là ý nghĩ của người ngoài cuộc. Người Ba Lan có cách nghĩ của họ. Rất có thể đó là do Đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan đã gây ra quá nhiều tội lỗi cho tổ quốc Ba Lan (điển hình là nó đã im lặng – tán thành hoặc không phản đối – việc Liên Xô hành quyết hàng chục ngàn người yêu nước Ba Lan tại khu rừng Katưn ở Smolenks và trong các trại tập trung) để đến nỗi người dân Ba Lan đã bỏ phiếu cho một Hiến pháp như vậy.
Hi vọng mấy lời nói thêm này của tôi làm cho chúng ta hiểu nhau hơn.

Tv NguonGioMoi:
Tôi đề nghị chúng ta nên lợi dụng thời gian quý báu mà bác Thư Hiên dành cho ta để bàn những chuyện gì gần gũi với bác Thư Hiên hơn. Ai vẫn còn muốn tranh cãi về chủ đề chủ thuyết nào thích hợp với VN nên mở bích riêng! Tôi quả thích chuyện ngắn của bác Thư Hiên đưa lên. Bác nào, hay bác Thư Hiên có thể giới thiệu thêm về các sách báo bác đã viết. Tôi nghĩ nhiều người muốn đọc thêm những tác phẩm khác của bác ngoài quyển "Đêm giữa ban ngày". Bên diễn đàn tiếng Đức có người hỏi, tại sao bác ở Đức 2, 3 năm mà sao không thấy ghi trong tiểu sử. Phải chăng lúc đó bác làm "đặc công" ở đó nên dấu?
Nhà văn Vũ Thư Hiên:
Chào bạn,
Trên diễn đàn Việt Nam Thư quán có giới thiệu một cuốn sách nữa của tôi, nếu bạn có ý muốn muốn tìm đọc:
http://vnthuquan.net/truyen/truyen.a...3237nvn&cochu=
Tôi ở Đức 2 năm (2000-2001) sau khi đến Pháp theo lời mời của International Parliament of Writers và Uỷ ban Nhân quyền thành phố Nuremberg (Nurnberg).
Tôi xin giới thiệu thêm về tôi: tôi không những là “đặc công đỏ”, “biệt kích đỏ”, “Việt Cộng nằm vùng”… , mà còn là “người của Tổng cục 2” nếu tin lời chửi bới của một số người-không người do một vị ma cô từ Hà Nội chạy ra nước ngoài khởi xướng, và một “minh chủ” của một tổ chức gọi là “đấu tranh cho dân chủ” nữa kìa.

Tv reader:
Cháu chào bác Vũ Thư Hiên
Bác Hiên ơi bác cho cháu hỏi là ngày xưa ở Hà Nội trước 1954 người ta có truyền thống chửi khách nếu khách không mua hàng không hả bác ? Đặc biệt là sau Tết họ gọi vào mua mở hàng cho họ, từ chối là họ chửi cả năm luôn. Nhà cháu trước 54 chả có ai ở Hà Nội cả nên không hỏi được, cảm ơn bác ạ, chúc bác năm mới sức khỏe.
Nhà văn Vũ Thư Hiên:
Chào bạn,
Tôi không thể trả lời bạn về những chuyện ở Hà Nội trong thời gian từ 1946 đến 1954 vì lúc ấy tôi ở vùng kháng chiến
Trước năm 1946 ở Hà Nội cũng như trên toàn cõi Việt Nam không có tục lệ chửi khách nếu khách không mua hàng. Chửi bới được coi là hành vi vô văn hoá trong mọi trường hợp (nhất là trong những gia đình "có gia giáo", là cái được mọi gia đình hướng tới). Gia đình vào thời ấy mặc nhiên được coi như thành tố cơ sở của xã hội. Trong gia đình nào cũng có một cái roi mây (thường là một cái phất trần) treo trên tường, biểu hiện quyền uy của bề trên, gia trưởng (cha hoặc ông, nếu ông còn sống). Tôi được nghe chuyện bác tôi, đã là một công chức, có vợ con, nghĩa là trưởng thành rồi, vẫn bị ông nội tôi bắt nằm xuống chịu mấy roi khi bác tôi phạm điều sai quấy. Chuyện ấy bây giờ nghe có vẻ lạc hậu, “phong kiến”, nhưng nó chứng tỏ coi gia đình là thành tố cơ sở của xã hội là tốt hơn các tổ chức xã hội.
Xin coi đây chỉ là câu chuyện kể để ta cùng suy ngẫm, không phải sự hoài cổ của người già ước mong “bao giờ cho đến ngày xưa”.

Tv viet_nam:
Thưa Ông, rất cám ơn vì Ông đã hồi đáp,
Hoàn toàn đồng ý với Ông, "cuộc đối thoại của chúng ta giống cuộc đối thoại của hai cái tai cối xay". Ông nhìn nhận hiện tượng Xã hội dưới con mắt Chính trị, còn tôi thì nhìn nhận Chính trị dưới hiện tượng Xã hội. Xuất phát điểm khác nhau thì khó mà đi song hành. Âu đó cũng là một Quy luật tất yếu vậy.
"Tự do, Dân chủ, Nhân quyền" là khái niệm mà mỗi Quốc gia, mỗi khu vực Địa lý có cách hiểu khác nhau, cách giải thích khác nhau, nên bản thân cách ứng dụng nó cũng khác nhau, sao cho phù hợp với Văn hoá, với lối sống... của từng khu vực. Đó là lý do tại sao trong thưc tế, "dân chủ Mỹ" khác "dân chủ Anh", khác "dân chủ Nhật". Và đó cũng là lý do tại sao cựu Thủ Tướng Nhật từng tuyến bố: "Không nên áp dụng một cách mù quáng Tự do, Nhân quyền vào Châu Á".
Thưa Ông, Việt Nam ta đã từng mắc một sai lầm lớn dưới thời CCRD. Đó là bất cứ cái gì của Tư sản, của Đế quốc, của Thực dân đều là sai và cần phải xoá bỏ. Từ kết luận trên đã dẫn tới nhiều hậu quả đau lòng. Vậy phải chăng ngày nay chúng ta không thể lấy đó làm bài học? Tại sao cứ cái gì của CS, liên quan đến CS thì đều là xấu xa, bẩn thỉu... và đều cần phải phá bỏ? Tại sao cứ cái gì của TB thì đều tốt, đều đúng đắn... và cần phải áp dung?
Việt Nam đã từng sai lầm khi áp dụng nguyên xi Học thuyết Marx-Lenin vào Việt Nam mà bỏ qua yếu tố phù hợp với Văn hoá, lối sống, phong tục tập quán... của Dân tộc. Vậy phải chăng chúng ta lại tiếp tục sai lầm khi bê nguyên xi cái định nghĩa "Tự do, Dân chủ, Nhân quyền, đa Nguyên, đa Đảng" của người khác về và áp dụng? Phải chăng người Việt ta thích thú khi đi trên "vết xe đổ"?
Đó là lý do tại sao tôi đề cập đến "Tự do, Dân chủ, Nhân quyền" và sự khác biệt về yếu tố Văn hoá, Xã hội, thưa Ông.
Thưa Ông,
Tôi cũng sinh ra trong Gia đình CS nòi, và cũng chính cái Gia đình đó "ném" tôi ra đường khi còn bé xíu. Cuộc sống lang thang, bụi đời cũng chiếm đến 2/3 số tuổi của tôi. Nhưng chính cuộc sống lang thang đó đã dạy cho tôi nhiều điều trong cuộc sống. Tôi chẳng thèm yêu - ghét CNCS hay CNTB, mà tôi chỉ nhìn nhận nó dưới hiện tượng Xã hội.
Khi Ông cho rằng "Mọi Đảng phái đều có quyền tồn tại", có thể hiểu đó là nghĩa đen của định nghĩa "đa Nguyên, đa Đảng". Theo tôi, đó là một cách hiểu có thể gây hại cho Đất nước.
Một Quốc gia mà có hai hay nhiều Đảng phái khác nhau về Hệ thống lý luận, có sự khác nhau về Giai cấp, khác nhau về Xuât phát điểm, Quan điểm... là một Quốc gia luôn tiềm ẩn sự bất ổn, luôn ẩn chứa khả năng nội chiến... ở trong lòng. Chỉ nội việc Bầu cử, mỗi lần thay đổi Đảng phái cầm quyền là lại một lần có nguy cơ bị sửa đổi Hiến Pháp, nguy cơ bị đình trệ Kinh tế do biểu tình... như Thái Lan. Hay nhẹ hơn, khi Đảng phái cầm quyền muốn cải cách Kinh tế, nhưng Đảng phái đối lập thì cứ nhất mực chống bất cứ cái gì được đưa ra, không cần biết đúng sai, gây nên nạn Lạm phát đại phi mã ở Zimbabwe.... Đấy là chưa kể việc lợi dụng sự khác biệt về Tôn giáo, về Dân tộc, về Văn hoá để mưu lợi riêng, có thể dẫn đến nội chiến.
Một Quốc gia muốn ổn định và phát triển thì trong lòng Quốc gia đó phải không tiềm ẩn nguy cơ. Hay nói trắng ra là không thể cho phép có hơn 1 Hệ thống lý luận, có hơn 1 vấn đề Giai cấp... cho dù đó có là Quốc gia có nền Dân chủ, đa Nguyên đi nữa.
Mỹ, Anh, Pháp... có nền Dân chủ, đa Đảng, có cả Đảng CS. Nhưng họ biết cách cấm đoán ĐCS thông qua hệ thống Luật có từ thời chiến tranh lạnh. Họ biết cấm ĐCS tuyên truyền, giáo dục dưới mọi hình thức... Hay nói cho chính xác thì ĐCS ở các nước này chỉ là "con chim cảnh" mà thôi. "Dân chủ" hay "Cộng hoà" thì cũng vẫn cùng một xuất phát điểm, cùng một học thuyết. Có chăng chỉ là sự khác nhau về Phương pháp quản lý, về lợi ích mà thôi. Nên về căn bản là không có tiềm ẩn sự nổi loạn ở bên trong.
Vậy thì nền Dân chủ kiểu Âu - Mỹ cũng đâu có gì khác biệt với nền Dân chủ kiểu Singapore? Cũng chỉ là "Dân chủ giả hiệu" vậy thôi.
Và chắc chắn một điều, nếu là người có thực tâm với Dân tộc, thực sự mong muốn Việt Nam phát triển, thì cho dù có áp dụng mô hình Dân chủ thì cũng phải áp dung "Dân chủ giả hiệư". Hoặc là theo TB, cấm tuyệt nọc các học thuyết CNCS, CN Dân tộc quá khích, CNFX hay bất cứ thứ chủ nghĩa nào mà có sự khác biệt. Hoặc theo học thuyết CNCS, cho đa Đảng nhưng cũng cấm tuyệt nọc những học thuyết khác vậy.
Nói dài dòng như vậy, mục đích cuối cùng của tôi cũng chỉ muốn chỉ ra rằng: Từ lý thuyết đến thực tế là cách xa nhau một trời một vực. Khi muốn áp dụng cái gì thì không nên chỉ nhìn vào định nghĩa, chỉ nhìn vào sự thành công của người khác, mà phải biến đổi sao cho phù hợp với "sự khác biệt" của chúng ta.
Kính,
Nhà văn Vũ Thư Hiên:
Chào bạn,
Tôi thấy chúng ta có nhiều điểm rất ăn ý với nhau.
Bạn đặt câu hỏi:
“Tại sao cứ cái gì của CS, liên quan đến CS thì đều là xấu xa, bẩn thỉu... và đều cần phải phá bỏ? Tại sao cứ cái gì của TB thì đều tốt, đều đúng đắn... và cần phải áp dung?Việt Nam đã từng sai lầm khi áp dụng nguyên xi Học thuyết Marx-Lenin vào Việt Nam mà bỏ qua yếu tố phù hợp với Văn hoá, lối sống, phong tục tập quán... của Dân tộc. Vậy phải chăng chúng ta lại tiếp tục sai lầm khi bê nguyên xi cái định nghĩa "Tự do, Dân chủ, Nhân quyền, đa Nguyên, đa Đảng" của người khác về và áp dụng? Phải chăng người Việt ta thích thú khi đi trên "vết xe đổ"?”
Tôi hoàn toàn đồng ý.
Chỉ kẻ ngu đần mới bê nguyên xi một cái gì đó của người khác vào nhà mình mà không cần biết nó có hợp hay không. Mặt khác, kẻ khăng khăng coi mình là đúng nhất, không chịu học hỏi những gì người khác đã tìm được, coi đó là bài học cho mình, cũng ngu đần không kém, mà còn hơn.
Một số thí dụ bạn đưa ra không thuyết phục được tôi. Tôi cũng có thể đưa ra những thí dụ ngược lại. Nhưng thí dụ cụ thể là chuyện vặt. Cái quan trọng là nguyên tắc. Nguyên tắc “bê nguyên xi” là nguyên tắc tồi.
Tôi và bạn đều đã đưa ra quan điểm của mình về xã hội dân chủ, tôi sẽ không trở lại đề tài này nữa. Tôi thích câu nói của Nelson Mandela “Thế giới của chúng ta là tổng thể của những nhận thức khác nhau”. Thế giới là như thế, tự nhiên là thế.
Tôi không coi quan điểm của mình là đúng, hoặc duy nhất đúng, tôi thường rút ra những kết luận (cho mình) từ những trải nghiệm bản thân. Tôi nghĩ tôi chẳng đòi hỏi gì nhiều cho lắm, khi muốn được là tôi.
Tôi không muốn số phận của tôi bị định đoạt bởi kẻ nào khác, cho dù kẻ ấy tự xưng được “lịch sử giao phó”, là người “duy nhất đúng đắn và vô cùng sáng suốt” do thiên bẩm. Tôi không thích sống trong tù chỉ vì kẻ tốt bụng đó nghĩ rằng nhà tù sẽ làm cho tôi tốt hơn. Bi kịch cho một con người là cái dễ cảm thấy hơn bi kịch của một dân tộc. Cái đau của một con người là cụ thể, rõ ràng hơn cái đau của một dân tộc.
Xây dựng một xã hội tốt hơn cái hiện có là sự tìm kiếm tự nhiên, trước nay vẫn có, sau này tiếp tục có, là một thuộc tính của loài người. Cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu về kinh tế, khởi đầu từ nước Mỹ, cho ta thấy tính bất toàn của cách quản lý xã hội hiện có của các quốc gia dân chủ, nó đòi hỏi một sự sửa đổi. Và không phải một lần là xong. Những vấn nạn mới sẽ xuất hiện và cứ thế còn phải sửa đổi nữa, không ngừng.
Cái chết chỉ đến với mô hình xã hội nào được chế tạo một lần cho mãi mãi.

Tv caphao:

Lần nữa, xin chào ông Vũ Thư Hiên,
Tôi có một số thắc mắc gửi ông nhưng không được hồi đáp. Mặc dù ông có viết:
“Nhân tiện đây tôi cũng xin các bạn tha lỗi cho tôi khi không thấy có sự hồi đáp cho những vấn đề khác nhau được các bạn nêu ra. Quan điểm của tôi về những vấn đề đó nằm rải rác trong những phát biểu đơn sơ của tôi. Cũng có những vấn đề thuộc những phạm trù nằm ngoài sự hiểu biết tôi, xin các bạn tìm hiểu ở nơi khác, người khác. Tôi là người yêu văn học và có viết văn khi nào mình thích viết. ...”
Sở dĩ tôi hỏi câu số 1 vì có sự không nhất quán giữa chi tiết trong cuốn ĐGBN với lời kể của ông ở đây.
Trong ĐGBN, ông viết rằng cụ thân sinh chỉ kể một câu chuyện bi đát, không đề cập nhân vật cụ thể, ở thread này, ông bảo cụ thân sinh và ông Nguyễn Tạo cùng kể câu chuyện đó nên tôi muốn xác định lại.
Các câu hỏi số 3, 4 cũng là những câu hỏi bình thường theo mạch logic của vấn đề ông đã nêu ra, tôi muốn được ông phân tích kỹ hơn, có lý có tình hơn chứ không chỉ kết luận sự kiện theo kiểu cảm tính.
Nói chung, theo tôi hiểu, viết hồi ký thường mang tính chủ quan, phản ảnh tâm trạng yêu ghét của mình chứ không thể hoàn toàn khách quan, trung thực (cho dù người viết mong muốn là chính xác, trung thực).
Lý do, không ai có thể nhớ lại một cách chính xác những câu đối đáp để viết lại như máy ghi âm, thứ hai, cùng sự kiện xẩy ra nhưng có thể nhận định, suy nghĩ, đánh giá của người viết vẫn lệch lạc, phiến diện,... Đặc biệt, một số chi tiết nhỏ nhưng quan trọng có thể diễn dịch sai,...
Cho nên, tôi nghĩ có thể ông khó trả lời các câu hỏi số 3, 4 cho thuyết phục vì nói thế nào cũng sẽ vấp phải những mâu thuẫn với những chi tiết trong ĐGBN. Do đó, lờ đi là một cách hay nhất!
Nhiều chuyện mới xảy ra gần đây, có nhiều nhân chứng nhưng vẫn có kẻ nói ngược, người nói xuôi, chẳng biết tin ai. Chẳng hạn, chuyện chiếc tăng nào húc đổ cổng Dinh Độc lập; ông Bùi Tín hay ông nào yêu cầu ông Dương Văn Minh bàn giao chính quyền,... còn cãi nhau chán.
Ông có đồng ý với nhưng suy nghĩ như thế này của tôi không ạ?
Nhà văn Vũ Thư Hiên:
Thưa ông caphao,
Tôi không trả lời những vấn đề ông nêu ra không phải vì “khó trả lời các câu hỏi số 3, 4 cho thuyết phục vì nói thế nào cũng sẽ vấp phải những mâu thuẫn với những chi tiết trong ĐGBN. Do đó, lờ đi là một cách hay nhất!” Là khách mời của một diễn đàn, tôi cho rằng tôi có quyền trả lời hay không trả lời câu hỏi này hay câu hỏi khác, có thể vì khó trả lời mà lờ đi như ông kết luận, mà cũng có thể vì tôi cho là không cần thiết, hoặc đơn giản vì tôi không có thời giờ cho một câu hỏi mà tôi cho rằng không quan trọng.
Khi ông bắt bẻ: “Sở dĩ tôi hỏi câu số 1 vì có sự không nhất quán giữa chi tiết trong cuốn ĐGBN với lời kể của ông ở đây. Trong ĐGBN, ông viết rằng cụ thân sinh chỉ kể một câu chuyện bi đát, không đề cập nhân vật cụ thể, ở thread này, ông bảo cụ thân sinh và ông Nguyễn Tạo cùng kể câu chuyện đó nên tôi muốn xác định lại”. Ông cho là không nhất quán khi tôi viết trong một câu trả lời tóm tắt: “Chuyện về bà Xuân thì tôi được hai người kể là cha tôi và ông Nguyễn Tạo (bí danh Tạo cuội, nguyên phó giám đốc Nha Công an Việt Nam), tôi tin chuyện này là có thật”. Tôi trả lời ngắn về một người được nhắc đến, chứ không viết dàn trải từng trường hợp hai người kể với đầy đủ những điều ông đòi được biết: ở đâu, tại sao, thế nào?
Tôi đã viết trong phần tự bạch của cuốn ĐGBN: “Là cái nhìn từ phía người trong cuộc, hồi ức của tôi, cũng như mọi hồi ức khác, không thể tránh khỏi những gì mang tính chủ quan trong sự lựa chọn, trình bày các sự kiện. Nhưng, cũng lại với tư cách hồi ức, nó vẫn là một thứ bằng chứng, cho dù chỉ là bằng chứng từ một phía”. Tin hay không tin lời quyền của ông. Không ai đòi ông phải tin cả.
Còn các câu hỏi khác của ông, tôi đề nghị ông nên tìm thêm nhiều tài liệu để có được lời giải đáp ngõ hầu thoả mãn ông.
Cuốn ĐGBN không có mục đích viết về một nhân vật nào, nó là một mưu toan miêu tả một mô hình xã hội, một thể chế theo tôi là bất xứng với CON NGƯỜI.
Khi ông viết: “Thật ra, nếu Bộ chính trị không đồng ý để cụ Hồ công khai chuyện vợ con thì có biết bao nhiêu cách để đảm bảo cuộc sống riêng tư của cụ một cách bí mật”, thì đó là sự diễn dịch theo logic “của ông”, nó có thể được đưa ra như một đề tài riêng biệt, xứng đáng để làm một tiểu luận, hoặc hơn nữa, một cuốn sách.
Tôi không có ý định viết về một đề tài như thế. Tôi xin nhắc lại một câu trả lời của tôi cho một câu hỏi trong diễn đàn này để ông hiểu thêm về chuyện tại sao tôi viết ĐGBN:
“Trong việc đấu tranh nằm thay thế chế độ quản lý xã hội theo cách độc tài bằng chế độ quản lý xã hội theo cách dân chủ, tôi nhận thấy có hai trường phái: Một trường phái nhằm vào việc phá huỷ tận nền móng chế độ (tạm gọi là trường phái “phá đền”). Một trường phái cho rằng muốn phá huỷ nền móng của chế độ thì phải phá huỷ thần tượng trước đã (tạm gọi là trường phái “đập tượng”)
Tôi không đi với phái “đập tượng” vì ít chú ý đến “tượng”. Thành thử tôi không thể có câu trả lời thấu đáo về chuyện này”.
Kính ông,

Tv caphao:
Cám ơn ông đã trả lời. Tôi tin ông trả lời thành thật.
Tuy nhiên có điều là rất nhiều người đã tin ông, những người chưa có một giờ phút sống dưới chế độ CS, chưa có kinh nghiệm vào giai đoạn 1950-1970... ở miền bắc, họ căn cứ vào hồi ký của ông rồi bình luận, phê phán như đinh đóng cột về cái xã hội, chính quyền, lãnh đạo hồi đó,... Như vậy lịch sử sau này có bị lệch lạc không? (vì theo ông nói ở trên, do tính chủ quan của hồi ức). Với cách nhìn như vậy, văn bản chính thống của nhà nước, của sử gia chân chính có thể gây nhiễu bởi những hồi ức chủ quan không kiểm chứng. Đặc biệt, tâm lý phần lớn dân Việt thích nghe, tin những thông tin truyền miệng hơn là thông tin chính thức, khoa học. (Bởi vậy, chuyện mê tín, buôn thần bán thánh ở VN vẫn tồn tại)
Dù sao ông cũng có uy tín đối với một số người nên tôi muốn được tìm hiểu rõ hơn một số vấn đề nếu có thể được.
Nhà văn Vũ Thư Hiên:
Xin ông đừng quá lo lắng cho các “văn bản chính thống của nhà nước, của sử gia chân chính có thể gây nhiễu bởi những hồi ức chủ quan không kiểm chứng” mà hại cho sức khoẻ.
Các “văn bản chính thống của nhà nước, của sử gia chân chính” được sự bảo vệ rốt ráo của trên 600 tờ báo của hệ thống nhà nước, của các đài phát thanh, truyền hình, và rất nhiều nhà xuất bản ở khắp 67 tỉnh thành trên cả nước (cũng là của nhà nước hết). Ấy là chưa kể một hệ thống tự kiểm duyệt và kiểm duyệt đã được thiết lập vững chắc trên nửa thế kỷ. Theo bài bản của Goebbels: “Nói mãi, nói mãi, rồi sự giả sẽ được tiếp nhận như sự thật”, các “văn bản chính thống của nhà nước, của sử gia chân chính” chắc chắn sẽ được sống khoẻ chừng nào cái nhà nước ấy chưa trút hơi cuối cùng. Sau cái chết của nhà nước phát xít Đức, các sự thật của Goebbels đã được trưng bày trong các bảo tàng tội ác, với dòng chữ “xin đừng sờ mó”.
Tôi tin ông không chia sẻ cái nhìn của tôi đối với các “văn bản chính thống của nhà nước, của sử gia chân chính”.

Tv caphao:
Thật ra không phải là tôi không chia sẻ cái nhìn của ông đối với các văn bản chính thống. Nhưng dù sao đó cũng là một nguồn thông tin. Ngay từ thời Xuân thu vẫn có những sử gia trung thực như Thái sử Bá, huống hồ thời nay.
Tôi chỉ băn khoăn vì khi lướt qua một số trang web khác, chẳng hạn dcvonline.com ... ở đó nhiều người chỉ coi trọng nguồn thông tin cá nhân (dạng hồi ức), và phủ định các nguồn khác; đặc biệt là ít chịu phân tích, đối chiếu so sánh để đánh giá độ chính xác, khách quan. Phần lớn cũng quan niệm đơn giản: "ta đúng, địch sai", "ta khách quan, địch xuyên tạc", ...
Nói chung, các sử liệu do các sử quan các triều đại chép vẫn là nguồn sử liệu chính thống. Việc bổ sung tư liệu từ các nguồn khác rất cần thiết, tuy nhiên nếu không khách quan, khoa học trong việc xử lý thì nó cũng như nguồn kia nhưng mà trái chiều thôi.
Nhà văn Vũ Thư Hiên:
Chào ông,
Tôi vui mừng thấy ông có thể chia sẻ với tôi cái nhìn đối với các văn bản chính thống.
Tôi tạm hiểu mấy chữ “các văn bản chính thống” mà ông dùng ở đây có nghĩa “các văn bản của nhà nước”, còn nó có xứng đáng được gọi là “chính thống” hay không thì chắc ta còn phải bàn lại về ngữ nghĩa của từ này. Tôi cũng đồng ý với ông rằng “dù sao nó vẫn là một nguồn thông tin”. Chắc chắn là như vậy, ngay cả khi người ta cần viện dẫn nó để phản bác.
Ông viết: “Tôi chỉ băn khoăn vì khi lướt qua một số trang web khác, chẳng hạn dcvonline.com ... ở đó nhiều người chỉ coi trọng nguồn thông tin cá nhân (dạng hồi ức), và phủ định các nguồn khác; đặc biệt là ít chịu phân tích, đối chiếu so sánh để đánh giá độ chính xác, khách quan. Phần lớn cũng quan niệm đơn giản: "ta đúng, địch sai", "ta khách quan, địch xuyên tạc",...
Băn khoăn của ông là dễ hiểu, nhưng nó không phải là băn khoăn chung của mọi người quan tâm đến sử học. Sử học không nằm trong dcvonline.net (.net chứ không phải .com, vì còn có danchimviet.com), sử học có chỗ nằm của nó. Đã có những mưu toan viết lại sử Việt Nam thời cận đại, không giống với sử “chính thống”, nếu ông chịu khó tìm đọc.
Nhưng từ chỗ băn khoăn ấy mà đi tới kết luận “Nói chung, các sử liệu do các sử quan các triều đại chép vẫn là nguồn sử liệu chính thống. Việc bổ sung tư liệu từ các nguồn khác rất cần thiết, tuy nhiên nếu không khách quan, khoa học trong việc xử lý thì nó cũng như nguồn kia nhưng mà trái chiều thôi” thì e không ổn, thưa ông.
Trong lịch sử nước ta thời cận đại do các sử quan triều đại cộng sản chép có rất nhiều điểm còn phải tranh cãi, chẳng hạn như đoạn về vai trò của các đảng phái cách mạng khác trong cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp giải phóng dân tộc (xin xem Lịch sử ĐCSVN, bản tóm tắt, nhà xuất bản Sự Thật, Hà Nội 1985) được miêu tả như không có gì đáng nói, mà tất cả chỉ bắt đầu từ lúc ĐCSVN ra đời. Tôi lớn lên trong một gia đình cha mẹ đều là cộng sản trong giai đoạn trước Cách mạng Tháng Tám mà tôi còn thấy nó không phải là như thế, thì tôi chắc đoạn ấy rồi phải viết lại, tất nhiên bằng ngòi bút khách quan của sử gia có lương tâm.
Đất nước ta chưa có những sử quan như mấy anh em quan thái sử bên Tầu thời xưa: “… khi Thôi Trữ giết vua Tề thì quan thái sử nước Tề viết: “Thôi Trữ giết vua của mình là Trang Công”. Quan thái sử bị giết, người em lên thay vẫn viết như vậy nên bị giết luôn. Ngay lúc đó người em thứ ba lên thay không thêm bớt một chữ. Thôi trữ sợ, không dám giết nữa”.
Ông nói những người viết những chuyện hoặc đưa ra đâu đó những chi tiết có liên quan đến sử thời bây giờ chỉ là những người nghe kể lại chứ không có bằng chứng thì ông cũng có thể phản bác Tư Mã Thiên viết cuốn Sử Ký đã bịa chuyện thời Tần Thuỷ Hoàng đế khi Tư Mã Thiên ra đời sau Tần Thuỷ Hoàng hơn 100 năm (Tư Mã Thiên sinh năm 145 trước CN, còn Tần Thuỷ Hoàng sinh năm 259 trước CN) mà dám miêu tả triều đình Tần Thuỷ Hoàng với những đoạn đối thoại sinh động như thể ông là người chứng kiến (xin xem Sử Ký Tư Mã Thiên chương Tần Thuỷ Hoàng Bản Kỷ).
May thay, những người mà ông nghi ngờ bịa chuyện không phải là sử gia, cũng không phải là người có ý định viết sử. Nhưng biết đâu đấy, những chuyện “nghe hơi nồi chõ” của thời bây giờ đến một lúc nào đó lại chẳng đóng vai trò chất kích thích cho sự tìm hiểu các sử liệu cho một Tư Mã Thiên của Việt Nam sau này.

TV caphao:
Thưa ông, sử gia Tư Mã Thiên có được uy tín lớn lao nhờ công trình là cuốn Sử ký và không ai tranh cãi về chuyện ông sống sau Tần Thủy Hoàng 100 năm.
Không ai đòi hỏi và không thể bắt các sử gia chứng kiến mọi chuyện để viết sử vì đó là yêu cầu vô lý, bất khả. Sử gia chân chính trước hết là một người khách quan, trung thực, không định kiến, không cảm tính vì những đụng chạm cá nhân của mình đối với lịch sử. Người viết sử tài giỏi học sẽ lọc trong mớ hỗn độn thông tin thật giả lẫn lộn, cả "chính thống" và "phi chính thống" ấy một cách logic, hợp lý theo các nguyên tắc chuẩn mực của phương pháp nghiên cứu lịch sử để viết nên lịch sử. Có thể nói Tư Mã Thiên là một người như vậy.
Với tôi, người ngoại đạo về lịch sử nhưng cũng muốn làm sáng tỏ những điều băn khoăn, đặc biệt ông là người cung cấp tư liệu sơ cấp (có thể nói như vậy vì tài liệu viết được xuất bản do ông) nên muốn được tìm hiểu thêm.
Những nguồn thông tin từ ông cũng là quan trọng nhưng thật tình mà nói, người nghiên cứu sử sau này sẽ băn khoăn về tính khách quan, tình chất này phần nào bị giảm bởi vì gia đình và bản thân ông bị những "oan trái" của lịch sử ở giai đoạn đó gây ra. Tuy nhiên, với tuổi tác càng lớn, tôi hy vọng ông sẽ có những đánh giá rõ ràng, chính xác hơn.
Tôi rất cám ơn ông về nhưng đối thoại này. Chúng tôi, những người chỉ mang nickname, có thể nêu ra nhiều vấn đề, ít chịu trách nhiệm về mặt đúng sai nhưng phía ông thì khác. Ông cũng là một người của "lịch sử" nên trách nhiệm nặng nề hơn đối với nội dung và tư liệu ạ.
Nhà văn Vũ Thư Hiên:
Thưa ông,
Cảm ơn ông vì sự trao đổi ý kiến thẳng thắn.
Những nhà viết sử sau này sẽ tìm ra và sẽ thấy nhiều điều mà tôi, hoặc nhiều người trong chúng ta, không thấy. Tôi tin họ cũng sẽ chẳng băn khoăn về tính khách quan khi đọc những điều tôi viết (do tôi và gia đình bị oan trái, cảm ơn ông đã có nhận xét ấy) vì đến lúc đó họ có thể, hoặc may ra, đã có những tài liệu (hoặc chứng cứ) xác thực tốt hơn tôi có (bức thư của chồng chưa cưới của cô Vàng phải chụp ảnh lén từ tài liệu được lưu giữ Tuyệt Mật mới có được, bằng phương tiện của một anh 007 nhà quê, sau đó phải đánh máy lại để không lộ ra người làm việc đó).
Mặc dầu các nhà viết sử chính thống (ta cứ tạm dùng từ đó đi) rất tài ba trong sự ém nhẹm và bịa đặt – xin nhấn rất mạnh rằng tôi không tin họ một tẹo nào, trong thực tế đó là những tên bồi bút không hơn không kém - những nhà viết sử tương lai chắc chắn sẽ viết được những trang sử trung thực. Những người vì lý do này hay lý do khác dính chặt với chế độ độc tài nên không còn khả năng tin ở cái gì khác ngoài những văn bản chính thống là những người đáng thương.
Chưa bao giờ tôi cảm thấy trách nhiệm của người cầm bút bằng khi tôi viết ĐGBN.
Tôi viết vì không thể không viết. Tôi viết với lòng mong muốn để đồng bào tôi được biết điều cần biết, không phải để thoả chí tò mò của người đọc, mà để họ hiểu mình đang sống trong một mô hình xã hội bất xứng như thế nào, đặng có sự lựa chọn cần thiết.
Kính,

Tv Leningrad:
Bác Vũ Thư Hiên .Thật không ngờ bác chính là Kim Ân , người đã dịch cuốn " Bông Hồng Vàng và Bình Minh Mưa " của Pauxtopsky . Đó là cuốn sách văn học mà cháu rất ưa thích. Xin cám ơn bác và chúc bác có một năm mới với nhiều may mắn. Nhân tiện đây , trong cuốn "Đêm giữa ban ngày" , bác có thắc mắc rằng ông Huỳnh Ngự hiện giờ ra sao . Cháu tìm trên mạng thì thấy trang này http://vnca.cand.com.vn/News/PrintView.aspx?ID=51174,phải chăng đó chính là người mà bác nhắc tới trong cuốn hồi kí?
Nhà văn Vũ Thư Hiên:
Chào bạn,
Cảm ơn bạn rất nhiều vì thông tin về Huỳnh Ngự. Tin cuối cùng tôi được biết sau khi tôi ra khỏi nhà tù ít lâu là ông ta bị buộc nghỉ hưu vì là người Việt gốc… Hoa. Tin này do một người bạn làm CA cho biết. Nếu tin ấy đúng, thì có nghĩa là sau này Huỳnh Ngự đã được phục hồi.
Đọc bài báo bạn chỉ cho tôi, tôi càng thấy rõ hơn thói trí trá trong mọi việc của Trần Quốc Hoàn (uỷ viên Bộ Chính trị, bộ trưởng Bộ Công an). Càng thấy rõ hơn vì sao có quá nhiều người oan uổng bị sống (và bị chết nữa) trong các trại tập trung ở miền Bắc trong những năm ấy, mà tôi được thấy bằng chính mắt mình.
Khi tôi ra tù, theo lệnh miệng của Lê Đức Thọ, các nhà xuất bản, các báo không được đăng, in những gì có tên Vũ Thư Hiên, nhưng nhà xuất bản Văn Học, muốn in Bông Hồng Vàng và tập truyện ngắn của Paustovsky (Bình Minh Mưa) mới đề nghị tôi chọn một tên khác. Tôi chọn tên vợ tôi là Kim Ân.
Việt Nam mình không đáng ghét như tác giả bài Reasons To Hate Vietnam viết đâu. Tác giả là một người không may – gặp toàn những sản phẩm xã hội chủ nghĩa dối trá kiểu Trần Quốc Hoàn.
Vì thế ở dưới mới có lời bình của một người đọc công bằng: “You're encouraging people to hate Vietnam, note the title: reasons to hate Vietnam. Just because you were a mindless tourist wondering in all the low alleys of Vietnam doesn't mean u should judge the whole nation upon you inferior stay. If you were to title your blog: Why "I" hate Vietnam it wouldn't be so bad”.

Tv ông_Đồ:
Vâng, xin vô cùng cảm ơn ông Vũ Thư Hiên khi ông nhắc tới những người Trốt-kít bằng một bài sưu tập rất dài, công phu.
Tuy nhiên, để tránh làm loãng chủ đề một cách không đáng làm gián đoạn cuộc trao đổi giữa chúng ta với tác phẩm bất hủ " Đêm giữa ban ngày", tôi xin ghi nhận và cám ơn nhã ý nghiên cứu của ông về những người Trốt-kít Việt Nam và tạm khoan nói về họ ngay ở đây, ngay lúc này.
Dù gì, tất cả chúng ta đều mong và tin chắc rằng rồi sẽ tới lúc những điều tiếng oan sai mà họ chịu đựng là tay sai Nga xô... rồi sẽ có lúc Lịch Sử phải lên tiếng phán xét công bằng. Trân trọng.
Nhà văn Vũ Thư Hiên:
Chào bạn,
Cảm ơn bạn quá khen. Nếu ĐGBN đối với bạn là một cái gì đó có ích thì tôi đã lấy làm mừng rồi. Đã có quá nhiều người chết sớm vì những “vĩ đại”, tôi thì lại muốn sống lâu – thời của chúng ta có quá nhiều thú vị, cho dù cũng có quá nhiều sự dở hơi gây nên vô vàn bi kịch.
Bạn nhầm – tôi không biết được bao nhiêu về vụ án "Nhân Văn - Giai Phẩm" vì không phải là người tham gia, cũng không phải nhân chứng.
Tôi xin lỗi nếu đã trả lời không đúng với câu hỏi của bạn về những người Trotskyites. Hi vọng sự nhầm này có thể đem lại cho những bạn lần đầu nghe tới những người đó một sự hiểu biết thêm, thiết nghĩ cũng không thừa.

Tv tranquangminh:
Chào ông Vũ Thư Hiên, tôi xin được có vài lời trao đổi với ông;
Thứ nhất, về cảnh đấu tố trong cải cách ruộng đất, tôi cũng chỉ nghe kể nhiều, vì tôi vốn sinh sống ở miền Nam, được đọc chính những dòng chữ ông viết như : “Người ta lấy gai bưởi cắm vào đầu ngón tay một cô gái, có trời biết cô ta bị tội gì, có thể cô ta chỉ có tội là con địa chủ, cứ mỗi câu hỏi lại nhấn những cái gai sâu thêm một chút làm cho cô gái rú lên vì đau, quằn quại trong dây trói.
Một cụ già tóc bạc phơ bị tròng dây vào cổ, bị lôi xềnh xệch trên đường như một con chó. Lũ trẻ làng rùng rùng chạy theo sau. Chúng vỗ tay, chúng reo hò, chúng cười ngặt nghẽo …” thì tôi thật sự nghĩ rằng “địa ngục trần gian” ngoài Bắc thời đó, có lẽ còn khủng khiếp hơn nhiều những gì ông kể; tôi cũng từng được nghe những nạn nhân (một đồng bào Bắc 54 di cư) kể lại : “đêm, trời tối lắm, tôi núp sau phên cửa, nhòm qua kẽ, chúng lôi một người cho là Việt gian, tay bị trói thúc ké, kéo đến gốc cây đầu làng, rồi trói ngoặc cả người ấy, xong, xử : một thằng dùng mã tấu “phang” vài nhát rất lạnh lùng...vài hôm sau không ai dám lai vãng đến gần gốc cây vẫn còn đẫm mùi máu...ai nấy trong làng đều lặng im ! tôi cũng từng nghĩ rằng, những câu chuyện ghê tởm đó chắc gì có ở ngoài bắc, nhưng đọc được cuốn sách của ông, của chính một nạn nhân, tôi biết mình đã nhầm ! và một lần nữa, tôi có một chữ tin khi nghe được nhiều người kể những chuyện như vậy.
Thông thường, khi thần tượng bị sụp đổ, người ta có khuynh hướng thất vọng, nên rất dễ có những đánh giá cực đoan. Ông thì không như vậy. Hồ Chí Minh là thần tượng của ông. Cha ông từng là bí thư của họ Hồ. Vậy mà khi gia đình ông lâm nạn. Cả hai cha con ông bị vào tù vì một âm mưu bẩn thỉu, họ Hồ biết nhưng lạnh lùng quay lưng. Vậy mà trong toàn bộ cuốn sách, nhận xét về Hồ Chí Minh, ông luôn dùng một thái độ rất khách quan, bình thản. Đây có phải chính là một yếu tố nhỏ khiến cuốn hồi kí của ông đáng tin cậy cho bạn đọc?
Trong chuyện ông cũng có nêu một chi tiết thật thú vị, đó là đảng ta buôn thuốc phiện để bổ sung một phần kinh phí. Vẫn biết, cứu cánh biện minh cho phương tiện, nhưng … Than ôi, không lẽ cái kết luận xỏ lá: “vinh quang nào chẳng xây trên điếm nhục” lại có thể là chân lí thật ư?
Trong toàn bộ cuốn sách của ông đã kể, có nhiều cái chết. Nhưng hầu như chỉ thoáng qua, như một liệt kê. Cái chết của ông Bát cũng vậy, ông cũng chỉ viết vài dòng... Ông Bát là một lão nông. Con gái ông chửa hoang với tay bí thư huyện uỷ. Ông tức, ông chửi thằng bí thư huyện uỷ. Khốn nỗi trong cách hành văn chửi, ông lỡ chửi sang cả cái đảng của tay bí thư kia. Vậy là họ gí cho ông cái “lệnh”, đi tù. Vì tội phản động, tôi muốn hỏi ông : cái xã hội thời đó, ai cũng có thể trở thành “phản động” dễ như vậy sao?
Còn những người tù kia, họ có xót thương ông Bát không? Tôi nghĩ là có, vì khi ông ấy đi, họ “vào tận chỗ ngó ông, mặt buồn rầu. Không ai nói câu nào” kia mà. Nhưng đã thoả thuận “khi chôn thì đặt nó lên mộ ông thay cho bát cơm quả trứng”, vậy mà sao họ nỡ …? Có thể, họ làm vậy do bản năng sinh tồn. Nhà tù kia đã “cải tạo” họ thành dã thú
Có một chi tiết trong truyện, tôi thấy ông viết chưa chính xác. Ông cho rằng, về sau này, đại tướng Nguyễn Chí Thanh, vì mất uy tín quá, cả trong đảng, cả với nhân dân, nên sau này họ không nhắc gì tới tướng Thanh....
Sai lầm của quá khứ cần phải thanh toán sòng phẳng, có như vậy mới có thể hy vọng ở tương lai. Bằng không, cứ xập xí xập ngầu, thì tương lai luôn chỉ là bước tiếp diễn, phát triển của những thối tha trong quá khứ mà thôi.
Tôi không phải là nhà phê bình, và hiển nhiên, bài viết này không phải là một bài phê bình. Tất cả chỉ là những cảm xúc của một người từng đọc tác phẩm “ĐGBN” của ông, và thật sự, tôi rất kính phục một người như ông đã vén lên được một phần nào những bóng đêm của quá khứ cho các thế hệ hôm nay..Kính !
Nhà văn Vũ Thư Hiên:
Bạn thân mến,
Chuyện ĐCSVN buôn thuốc phiện trong kháng chiến chống Pháp (thu mua ở khu vực Tây Bắc) đã thuộc về quá khứ. Đoạn tôi miêu tả vụ cháy kho thuốc phiện ở Tuyên Quang chỉ là chi tiết trong sự miêu tả chân dung ông Nguyễn Lương Bằng mà thôi. Trong mắt tôi, Nguyễn Lương Bằng là người rất đáng kính trong sự hy sinh bản thân vì lợi ích cách mạng, nhưng cũng là người rất đáng khinh vì không có dũng khí đấu tranh chống những sai trái của ban lãnh đạo đảng khi ông nắm cương vị có thể thực hiện được điều ấy (Trưởng ban Thanh tra Đảng, phó chủ tịch Nhà nước). Chuyện buôn thuốc phiện có lẽ chấm dứt vào năm 1985 hoặc 1986. Lúc ấy kho thuốc phiện còn tồn đọng là 144 tấn, mà nhu cầu thuốc phiện cho y tế chỉ là 4 tấn/năm. Người ta đã lo bán số thuốc phiện còn lại đi, và việc này được giao cho ông Lê Quý Quỳnh, nguyên bí thư Hưng Yên. Ông Quỳnh đã vào Sài Gòn để gặp khách hàng từ Malaysia. Những chuyện tương tự chuyện này (với nhiều chi tiết mà tôi biết) tôi không viết trong ĐGBN. Không thể viết mọi chuyện trong một cuốn sách.
Tôi tránh bình luận trong khi miêu tả sự việc (như đoạn nói về cái chết của ông già Nguyễn Thái Bát). Nó là như thế thì cứ để nó là như thế, người viết không nên, và không được phép, “giảng đạo” cho người đọc.
Tôi nhận tôi sai (mà bạn rộng lượng trách là “chưa chính xác”) khi viết “sau này họ không nhắc gì tới tướng Thanh”… nữa. Vào lúc tôi viết ĐGBN đã có một dư luận như thế trong giới cầm quyền, nhưng sau đó thì tình hình đã đổi khác. Nếu bạch hoá vụ tướng Thanh sẽ còn phải bạch hoá nhiều vụ khác, và những người chủ trương như thế, về thực chất là đàn em của tướng Thanh, đã thắng.

Tv Leningrad:
Cho cháu hỏi bác Hiên một câu: có phải sau khi cách mạng tháng 8 thành công thì chính quyền mới đã sử dụng lại hệ thống cảnh sát của chính quyền bảo hộ cũ?
Nhà văn Vũ Thư Hiên:
Chào bạn,
Sau Cách mạng Tháng Tám hệ thống cảnh sát cũ không được sử dụng lại. Trong những ngày đầu tháng 8 và tháng 9 ở Hà Nội thậm chí không có cảnh sát, công an, Tôi không nghe nói đến các vụ trộm cắp như thường nghe về nạn móc túi ở chợ Đồng Xuân, trên xe điện. Tôi cho rằng không khí phấn khởi của nền độc lập mới giành được đã tác động đến cả “phần đáy” của xã hội. Ngay trong đầu năm 1946 công việc giữ gìn trật tự, trị an cũng do các tự vệ các phố và một phần do “công an xung phong” đảm nhiệm (gọi là “công an xung phong, vì những người công an này không ăn lương nhà nước, mà ăn lương… gia đình), những người gọi là “công an xung phong” tự nguyện làm công việc giữ trật tự, đồng thời làm cả việc đối phó với quân đội Pháp vào Việt Nam thay thế quân tiếp phòng Trung Hoa trong bối cảnh rối rắm của những hiệp ước giữa Pháp và chính quyền Trung Hoa, giữa Pháp và chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh.

Tv Hồ Gươm:

Kính chào chú Vũ Thư Hiên,
Nhân đang nói về ông cụ thân sinh của chú là cụ Vũ Đình Huỳnh, hầu hết mọi người chỉ biết rằng cụ Huỳnh có một thời làm bí thư cho ông Hồ và sau đó bị bắt vì tội thành phần “xét lại” thế nhưng vừa rồi cháu có tình cờ đọc được một bài báo trên mạng gọi cụ Vũ Đình Huỳnh là đại tá cận vệ (của ông Hồ) trong chuyến đi sang Pháp năm 1946, trong bài báo khác có chi tiết liên quan đến chuyến đi này thì lại gọi là Kỹ sư mỏ và luyện kim Vũ Đình Huỳnh!
Nếu có thể thì chú Hiên giới thiệu vài đôi nét về cụ thân sinh của chú cho mọi người trên diễn đàn cùng biết được không?
PS: thấy bài báo trong VNN miêu tả rằng ông Nguyễn Hữu Đang khi đó mới 32 tuổi gọi ông Hồ khi đó mới 55 tuổi là cụ xưng con không biết lối xưng hô gọi ông Hồ là cụ xưng con (hay là gọi bác xưng cháu như vẫn thấy tuyên truyền) vào thời điểm đó có phổ biến không thưa chú Hiên?
Nhà văn Vũ Thư Hiên:
1. Nhân có câu hỏi của bạn, tôi thấy nên có mấy lời nhằm làm sáng tỏ chuyện xưng hô giữa ông Hồ Chí Minh và những người cộng sự.
Trong những ngày Cách mạng Tháng Tám, lúc đó tôi 12 tuổi, có nhiều dịp ở gần ông Hồ Chí Minh, tôi không hề thấy những người cộng sự của ông, tuổi tác ít hơn, hoặc sàn sàn với ông, gọi ông bằng “bác” xưng “cháu”.
Cách gọi ông là “bác” là do ông sống độc thân, các đồng chí thường dẫn con cái đến chơi với ông khi ông rảnh, từ “bác” là cách cha mẹ gọi thay các con mà thôi. Chuyện ông Nguyễn Hữu Đang xưng “con” với ông Hồ là chuyện hết sức tầm phào. Tôi thấy cha tôi và các bạn ông thường gọi ông Hồ Chí Minh là “anh”, xưng “tôi’, hoặc “bác” xưng “tôi”. Người mãi mãi gọi ông Hồ bằng “anh”, không thay đổi, là ông Bùi Lâm (hoạt động cách mạng từ khi còn là đảng viên Đảng cộng sản Pháp). Ông Hồ khi nói chuyện với những người cộng sự cũng chỉ dám xưng “bác” với “các cô”, “các chú”, chứ không bao giờ dám gọi họ là “cháu”. Về sau này, trong sự sùng bái ông Hồ Chí Minh đến mức mù quáng, những người xưng là nhà văn, nhà báo đã thêu dệt nhiều điều không có thật về ông ấy. Tuy nhiên, có lẽ do quen miệng, khi nói chuyện với đám đông quần chúng, trong đó có cả những những bậc cha chú tính về tuổi tác mà ông Hồ vẫn xưng “bác”, theo tôi là sự thất lễ.
2. Trong cuốn Đêm Giữa Ban Ngày tôi chỉ viết về cha mẹ tôi khi cần thiết, để dẫn chứng cho sự kiện, vì dù là hồi ký nó nhằm mục đích khác – miêu tả một xã hội. Tôi cũng có ý định viết một cuốn về cha mẹ tôi, nhưng rồi lần lữa vẫn chưa viết được. Viết về cha mẹ mình là viết về cả một thế hệ cách mạng, tôi rất kính trọng thế hệ ấy, tôi hiểu được cả những sai lầm của họ, viết mà không đạt thì bất nhẫn, khó là ở chỗ ấy. Cả cha và mẹ tôi đều là người yêu nước trước khi gặp các tổ chức cộng sản. Cha tôi bị Pháp bắt lần đầu ở Thái Bình khi ông 16 tuổi (năm 1921) vì tội viết truyền đơn kêu gọi chống Pháp. Mẹ tôi là nữ sinh trường trung học Brieux, đã đứng ra tổ chức cuộc bãi khoá đầu tiên của học sinh ở Hà Nội để phản đối nhà cầm quyền thuộc địa xử án Phạm Tất Đắc (năm 1927). Mẹ tôi kém ông Phạm Tất Đắc một tuổi, nhưng đã tự mình cùng với bè bạn lập ra một tổ chức ái quốc của học sinh. Nhờ việc các tổ chức cách mạng tìm nhau để kết hợp hoạt động và sáp nhập nên trong hoạt động chung mà cha mẹ tôi rồi thành vợ chồng. Mẹ tôi chịu nhiều ảnh hưởng của Việt Nam Quốc dân đảng hơn cha tôi do quen biết các đảng viên đảng này trước khi gặp các đảng viên cộng sản, mặc dầu cả hai đều có quan hệ cá nhân với ông Nguyễn Thái Học và ông Xứ Nhu. Tình bạn chiến đấu của họ rất đằm thắm. Trong gia đình tôi không hề, và không khi nào có sự phân biệt các đảng viên quốc dân đảng và cộng sản – tất cả đều là đồng chí, là bạn bè thân thiết. Bây giờ thật khó hình dung những người yêu nước thế hệ các cụ. Họ đều rất trẻ, trẻ lắm, nhưng yêu nước nồng nàn, yêu nước điên cuồng, như là một thứ bệnh vậy.
3. Vào năm 1946, QĐNDVN chưa có quân hàm. Trong chuyến đi Pháp năm ấy, cha tôi trong chức trách bí thư cho chủ tịch nước đã “đóng vai” đại tá theo một quyết định riêng của ông Hồ Chí Minh “để khi gặp người ta, họ có sĩ quan thì mình cũng phải có sĩ quan”. Cái chuyện “đại tá cận vệ” cũng là một chuyện tầm phào, như rất nhiều chuyện tầm phào được nhiều người “viết sử” (chứ không chép sử) tạo ra. Cũng như thế, người ta đã sáng tác ra rằng cha tôi là “trí thức cách mạng”, “kỹ sư mỏ và luyện kim”. Cha tôi ít học, ông chỉ học hết bậc trung học (xưa gọi là trình độ “đíp-lôm – diplôme), rồi đi hoạt động cách mạng. Gia đình tôi là một gia đình tầm thường, ông nội tôi – Vũ Đình Tứ - là một ông lang nhà quê kiêm thầy đồ dạy chữ Nho, không phải là thượng thư Vũ Ngọc Nhạ của triều Nguyễn (cũng có họ với tôi, vai ông) , như có người viết như thế để chê tôi là “không dám nhận ông nội mình”.

Tv TracTreo:

Không thể chối cãi điều này. Tuy nhiên, tôi lại nghĩ rằng, xét (hay đặt tên) một hiện tượng nào đó, phải chịu khó tìm cách đứng ngay trên không gian và thời gian của nó. Từ đó, mới có một góc nhìn tương đối chân xác, dẫu biết rằng, dầu có cố gắng tới đâu, cũng chỉ đạt được một kết quả tương đối.
Có thể tôi là một lão gàn khi [tỏ vẻ] trách cứ ông VTH vì một câu văn có lẽ không có gì quá đáng. Nhưng, tôi thích sự chính danh. Tôi cho rằng không thể gọi một thứ tình cảm tuyệt vời (dẫu có chút hơi hám của sự điên rồ) là một căn bệnh được. Như tôi đã viết, điều đó là bất nhẫn.
Cũng như tôi đã phản đối việc trưng bảng "Tiễn chống cộng cực đoan..." của tqvn2004 ngày ấy. Điều đó không có nghĩa là tôi không ủng hộ mục tiêu của bạn ấy đề ra. Chỉ có điều, tôi muốn có một sự công bằng hết mức có thể.
Ở đây, tôi nghĩ, bỏ đi cái từ "căn bệnh" là một thái độ công bằng tối thiểu đối với những người bị coi là "con bệnh" ấy. Nếu nhà văn Vũ Thư Hiên không phải là một người tôi mến mộ (và có hơi nhiều), sẽ không có những góp ý như thế này.
Nhà văn Vũ Thư Hiên:
Có những lời phản đối mà người bị phản đối khi nghe thì lấy làm sung sướng. Trường hợp tôi bị bạn TracTreo phản đối là như thế.
Tâm thần học có ghi nhận nhiều chứng “cuồng” – chứng cuồng vĩ nhân mà ta đã biết ở nhiều lãnh tụ cộng sản, hoặc ở những “minh chủ” các tổ chức xưng là đấu tranh cho dân chủ, chứng cuồng ám toán ở những người lúc nào cũng tưởng có kẻ rình rập để giết mình, thậm chí có cả chứng cuồng ăn cắp ở những người giàu có hẳn hoi nhưng lúc nào cũng ngứa tay phải thó được một cái gì đó mới thoả, vv…
Những người yêu nước thuộc những thế hệ xa xưa mà tôi có hạnh phúc được gặp, được ngưỡng mộ, là những người dường như chỉ có thể sống với lòng yêu nước của mình, với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Đối với họ, cái đó át hết mọi thứ trên đời. Họ không nghĩ đến mình, không tính toán gì cho mình, chỉ dốc lòng dốc sức lo toan cho sự nghiệp chung. Có một câu chuyện rất cảm động làm tôi nhớ mãi. Ấy là vào hồi Đông Du, có những nhà ái quốc ít học đã đi làm phu khuân vác ở các bến tàu nước Nhật để lấy tiền nuôi các đồng chí trẻ và có khả năng học tập được ngồi ở các giảng đường mà học kinh nghiệm của nước Nhật cho công cuộc phục quốc sau này.
Tôi nói lòng yêu nước say đắm, hết mình ấy như một chứng bệnh là trong ý nghĩa ấy. Tiếc thay, ngày nay tôi không được gặp những người như thế nữa, nói cho đúng, rất hiếm khi được gặp.
Tôi biết, bạn TracTreo, và nhiều bạn khác nữa, cũng yêu mến và ngưỡng mộ những người yêu nước điên cuồng ấy như tôi. Thật đáng mừng.
Nếu bây giờ chúng ta gặp nhau nhỉ? Tôi sẽ mời bạn TracTreo và các bạn cùng tôi cụng ly chúc cho đất nước mình ngày càng có nhiều người mắc chứng “ái quốc cuồng” như người xưa. Được như thế thì cái lũ ngạo mạn tự xưng là sáng suốt trên cả dân tộc sẽ không còn đường sống.

Tv TracTreo:
Thưa ông Vũ Thư Hiên.
Tôi có một câu hỏi dành cho ông, nghĩ tới nghĩ lui đã lâu, hôm nay mạo muội xin đưa ra. Bởi, đây là một câu hỏi mà tôi đã đặt ra cho chính mình và...chưa bao giờ có được câu trả lời thỏa đáng.
Như ai cũng biết, đất nước Việt Nam, người dân Việt Nam, đã phải chịu đựng rất nhiều cuộc binh đao trong lịch sử, chống ngoại xâm cũng như nội chiến tương tàn, chiến tranh toàn diện, hoặc lỗ chỗ, rải rác đều đủ cả. Tâm lý ngán ngẩm, sợ hãi chiến tranh lẫn tâm lý coi chiến tranh là...chuyện thường tình đã mặc định hình thành trong khá nhiều sự suy nghĩ lẫn bản năng của chính mỗi người Việt. Sự mâu thuẫn ấy, là một thực tế khó bác bỏ.
Và, có một điều nữa, mà hình như ai (tôi xin phép được xài chữ "hình như" vì nếu không vậy, sẽ có một vài thành viên trong X-cà này sẽ nhao nhao đòi kiện tôi vì tội...vu khống) cũng thấy, đó là sự nguy hại của cách thức điều hành đất nước của đảng CSVN từ xưa tới hiện nay đối với tiến trình đi lên của một quốc gia. Như một ai đó đã ví, đảng CSVN như những tay chèo ngược giòng nước, ngược giòng xu thế lịch sử của thế giới. Thay vì, để nước VN như một con thuyền xuôi theo giòng chảy, các tay chèo đó đã kềm hãm lại tốc độ tự nhiên của con thuyền. Thành ra, con thuyền đó, nhìn trên thực tế, vẫn có tiến (sức người làm sao cưỡng lại được sức mạnh thiên nhiên), nhưng, hoàn toàn do lực đẩy của xu thế chung, còn các tay chèo thì đang cố sống cố chết làm chậm lại. Ngày nào đảng CSVN còn nắm quyền, ngày ấy dân Việt còn khốn đốn, nước Việt còn lạc hậu so với bình diện chung trên trường quốc tế, phải khứng chịu cái kết quả lẽ ra phải tốt hơn nhiều. Sự kiện đảng CSVN lăn kềnh là một điều nên xảy ra.
Vậy thì, giả dụ như có một trường hợp, cuộc đấu tranh ấy (rút ngắn quãng thời gian đảng CSVN nắm quyền) leo lên đỉnh điểm, chín mùi cho một cuộc đấu tranh bằng bạo lực, súng có thể nổ, nhiều người có thể chết, lãnh thổ VN có thể trở thành miền núi xương sông máu. Chiến tranh, có thể trở thành lối thoát duy nhứt cho ước muốn vào sự chấm dứt một quyền lực suy đồi.
Nếu là ông, lúc đó ông có ủng hộ một cuộc chiến tranh như vậy hay không ? Xin dẫn giải những yếu tố nào để đưa tới quyết định về thái độ của ông.
Trân trọng cám ơn.
Nhà văn Vũ Thư Hiên:
Ưu tư của bạn về hiện tình đất nước và lối thoát cho nó cũng là ưu tư của rất nhiều người. Điều tôi muốn nói với bạn là không phải tới bây giờ mối ưu tư ấy mới xuất hiện. Trong kháng chiến chống Pháp, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản không được đặt ra, nói cách khác người ta (tôi muốn nói: đại đa số quần chúng) không nghĩ tới nó, mà chỉ nghĩ tới cuộc chiến đấu chống thực dân, giành độc lập. Sau năm 1954, khi vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản trở thành vai trò cai trị độc tôn (với cách nói cửa miệng: “dưới sự lãnh đạo tài tình, vô cùng sáng suốt và duy nhất đúng đắn của Đảng”) không còn coi cộng đồng dân tộc ra gì để sa vào hết sai lầm này đến sai lầm khác, thì người ta, trước hết là những người cộng sản thế hệ đầu tiên (về thực chất là những người yêu nước), bắt đầu ngờ vực Đảng áp đặt nền cai trị chuyên chế phi dân chủ lên toàn xã hội. Mối ngờ vực lớn dần thành sự khẳng định cùng với sự chuyên quyền của triều đại Duẩn-Thọ (đặt ban lãnh đạo Đảng lên trên chính tổ chức Đảng). Nhưng không phải ý nghĩ phủ định sự cai trị của Đảng Cộng sản đến ngay lập tức sau sự ngờ vực ấy. Và những người chỉ mới “dám” ngờ vực sự lãnh đạo (cai trị) của Đảng Cộng sản bị đàn áp, cho vào tù (vụ án “nhóm xét lại chống đảng").
Tôi có ghi lại trong cuốn Đêm Giữa Ban Ngày kết luận của cha tôi về ĐCSVN: “Trước Đại hội VI (1986), trước bữa cơm chiều, cả nhà chưa ngồi vào mâm, chỉ có hai cha con với cút rượu và đĩa lạc rang thường lệ, cha tôi đang uống bỗng thừ người ra một lát rồi nói: “Con ạ, những ngày gần đây bố suy nghĩ nhiều về tương lai đất nước mình. Con có biết bố đi đến kết luận gì không? Kết luận của bố là thế này: muốn cho dân tộc ta không thua kém các dân tộc khác, muốn cho đất nước ta được thịnh vượng, dân ta không nghèo khổ mãi thì không thể thiếu một điều kiện tiên quyết: ấy là phải gạt bỏ sự lãnh đạo của Đảng cộng sản. Đảng đến nay đã hết là đội quân tiên phong của cách mạng giải phóng dân tộc rồi. Bây giờ nó đã trở thành chướng ngại vật trên đường phát triển của dân tộc”.
Đó là ý nghĩ của một người hoạt động cách mạng từ nhiều năm trước khi có Đảng Cộng sản, là một trong những đảng viên cộng sản đầu tiên. Nó không khác gì kết luận của bạn, bạn TracTreo ạ.
Nhưng thoát ra bằng cách nào?
Không có, và không thể có câu trả lời duy nhất cho nó. Nhưng đã có những kịch bản khả dĩ, bằng vào kinh nghiệm của các nước cộng sản Đông Âu. Ở Ba Lan, đó là cuộc đấu tranh có tổ chức của Solidarnost (Công đoàn Đoàn Kết), ở Tiệp là phong trào Hiến chương 77, ở Hungaria với Phong trào vận động dân chủ hoá Hungaria, Lực lượng Đổi mới Hungaria, ở Bulgaria (hiền lành hơn) với Hội ủng hộ Dân chủ, Hội chống ô nhiễm môi trường sống vv… Bằng đấu tranh bất bạo động, biết cách lấn từng bước, với những thoả hiệp có lợi cho tiến trình dân chủ hoá, dân chúng ở những nước ấy cuối cùng đã đạt được điều mong muốn – thay thế chính thể độc tài cộng sản bằng chính thể dân chủ.
Rút được kinh nghiệm sụp đổ của chính quyền cộng sản ở Liên Xô (cũ) và các nước Đông Âu, những chính quyền cộng sản còn lại ở Trung Quốc, Bắc Hàn, Việt Nam, Cuba đã tiến hành những biện pháp trấn áp tinh vi hơn (với bề ngoài có vẻ dân chủ hơn, như không thủ tiêu bằng đầu độc, ám sát, bắt cóc…, mà đưa ra toà xử với những bản án bỏ túi, với tội danh được chế biến dù vụng về).
Nhưng kinh nghiệm của các nước Đông Âu vẫn là có ích cho cuộc đấu tranh nhằm dân chủ hoá đất nước ta, với những cải tiến sẽ nảy sinh trong thực tiễn đấu tranh. Tuy ở Việt Nam, cuộc đấu tranh cho dân chủ có nhiều khó khăn hơn ở Đông Âu, trước hết bởi quá khứ đấu tranh cho độc lập dân tộc của Đảng Cộng sản và trình độ dân trí.
Câu trả lời cho câu hỏi: tôi có ủng hộ một cuộc chiến tranh để chấm dứt một quyền lực suy đồi là KHÔNG.
Tôi đã là người lính, tôi biết chiến tranh là thế nào. Trong mọi cuộc chiến tranh người ta thường chỉ nghĩ về hai bên tham chiến, bên được và bên mất ở đoạn kết. Nhưng người mất nhiều nhất là những người không hề dính dáng đến cuộc chiến, không nghĩ tới nó, không muốn có nó, không cần có nó, ngay cả ở những người cầm súng.
Trách nhiệm trước sự tồn vong của dân tộc buộc những người muốn cho dân tộc trường tồn trong sạch sẽ, đẹp đẽ và phát triển ngang hàng với cộng đồng nhân loại là tìm mọi cách có thể để chuyển hoá một hình thái xã hội suy đồi sang một hình thái tốt đẹp hơn bằng những phương tiện phi bạo lực. Tìm mà không thấy là một chuyện khác.
Sự chuyển hoá ấy chỉ có thể có được trong sự chín muồi của những tình thế thường gắn với những biến cố bất ngờ ở bên trong hoặc từ bên ngoài. Ở Đông Âu, cái bên trong ở một nước này lại là cái bên ngoài thuận lợi cho cuộc đấu tranh ở một nước khác. Cái chữ NHẪN dù có đáng ghét, vẫn là cái chúng ta phải vun đắp cho mình.
Nhưng ở thời điểm của một sự bùng nổ lớn bao trùm toàn xã hội mà chính quyền độc tài dùng bạo lực để trấn áp thì nhân dân chẳng còn sự chọn lựa nào khác là dùng bạo lực chống lại bạo lực. Liên Xô sụp đổ vào lúc những công cụ bạo lực (còn rất hùng hậu) không còn tuân lệnh chính quyền độc tài và đứng về phía nhân dân. Chuyện đó có thể xảy ra ở bất cứ nước nào.
Dù không đồng ý với bạn, những ý nghĩ của bạn làm tôi cảm thấy yêu mến bạn hơn.

Tv TracTreo:
Thưa ông Vũ Thư Hiên.
Cám ơn ông về những lời tâm tình rất cởi mở về câu hỏi mới nhứt của tôi. Tuy vậy, tôi có một thắc mắc nhỏ (lại thắc mắc !!!), xin được phép hỏi thêm.
Trong câu trả lời của ông, tôi đọc thấy ở đoạn cuối, ông cho rằng khi tới một lúc nào đó, bạo lực vẫn là một điều cần thiết, khi không thể lẩn tránh được nó. Như vậy, có thể hiểu được ông, phần nào, chấp nhận điều này, như một thế chẳng đặng đừng, để đạt được kết quả tốt đẹp nhứt cho đất nước VN này.
Theo thiển ý, quyết định này không phải là khó lắm với một người ngoại cuộc. Thế nhưng, nếu một người trong cuộc, mà sự quyết định của mình có thể ảnh hưởng tới sự an nguy của khá nhiều người, hay cả quốc dân đồng bào, thì, không thể bảo là không có sự trăn trở cam go, trầy trật.
Tôi giả dụ, một sĩ quan cao cấp trong quân đội, được kêu gọi làm binh biến, thuận theo sự kêu gọi ấy hay không, tôi e...không dễ. Chẳng hạn - xin lỗi ông bạn Taxi810 của tôi - một thành viên của X-Cà phê, hiện đang giữ một chức vụ gì đó khá cao (xin nhớ chỉ là giả dụ mà thôi), có uy tín tuyệt đối với anh em thuộc cấp, nắm khá đủ binh quyền, mà...biết rằng xác suất thành công không phải là không có, sẽ nên cư xử ra sao, theo ý ông ? Tôi xin gác lại mọi chuyện an nguy cá nhân hoặc gia đình, tạm xác định ông bạn của chúng ta không còn ai để lo lắng (đã định cư hết ở nước ngoài chẳng hạn), liệu rằng với xác quyết đặt quyền lợi dân tộc lên trên hết, sự lựa chọn giữa mất mát xương máu (chắc chắn phải có) và sự bình ổn xã hội giả tạo ở bề mặt, cái nào đúng đắn hơn ?
Tôi thường đặt mình vào trường hợp đặc biệt ấy, để cân phân, nhưng chưa bao giờ thỏa mãn. Một VN loạn lạc có thể bùng nổ nội chiến, để hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn, là điều dáng thèm muốn. Nhưng, xương máu đổ ra trước mắt, là một thứ đáng để đôi tay ta phải chờn.
Hãy giúp tôi có một quan điểm (ít nhứt trên lý thuyết) minh bạch hơn.
Nhà văn Vũ Thư Hiên:
Thưa hai bạn TracTreo va BuiPhan,
Môt viễn kiến về tương lai đất nước tất nhiên là cái nên có, và cần có. Viễn kiến, theo cách khoa học, biểu hiện dưới dạng phác thảo kịch bản, (synopsis, libretto) chứ không dưới dạng kịch bản (scenario). Trong những biến động xã hội (ta khoanh vùng trong biến động tự thân, không nói tới biến động từ bên ngoài mà nó có thể dựa vào) dẫn tới sự sụp đổ của một thể chế, cụ thể là nền cai trị độc tài giả hiệu dân chủ (“dân chủ trong xã hội chủ nghĩa gấp vạn lần trong chế độ tư bản”) không thể loại trừ dị bản đảo chính cung đình, hay binh biến (của một đơn vị ở thủ đô chẳng hạn), theo tôi nghĩ. Thế nhưng, đảo chính cung đình hoặc binh biến thường không dẫn tới thể chế dân chủ ngay lập tức sau sự sụp đổ của thể chế độc tài, mà chỉ thay thế nó bằng một hình thức quản trị xã hội tương đối tốt hơn cái vừa bị xoá bỏ (không xét mặt danh xưng, mà xét mặt thực chất). Điều đó không khó hiểu - đảo chính cung đình hoặc binh biến thường do một nhóm nhỏ làm, xuất phát từ quyền lợi của nó (phe nhóm) trước hết, không phải từ nhu cầu tự thân của quảng đại quần chúng biểu hiện qua các tổ chức đại diện, cho dù những cuộc lật đổ ấy thành công cũng là nhờ được quần chúng ủng hộ. Ở Rumania, nhóm sĩ quan quân đội thân Liên Xô và những người cộng sản không ủng hộ đường lối độc tài của Ceaucescu (được Liên Xô hậu thuẫn) đã thành lập Mặt Trận Cứu Quốc vào đêm diễn ra cuộc tàn sát ở tỉnh Timisoara (có hàng ngàn người chết và bị thương), chính tổ chức này đã khai thác biến cố Timisoara để làm đảo chính ở Bucaresti thành công. Những diễn biến sau đó cho ta thấy nền dân chủ ở Rumania không được kiến lập ngay sau đảo chính, và so với các nước khác ở Đông Âu, Rumania tiến chậm hơn trên con đường dân chủ.
Đấu tranh phi bạo lực không chỉ là một khái niệm nhân bản, nó còn là khái niệm có cơ sở thực tế trong thế giới hôm nay. Nhưng điều đó không có nghĩa là quần chúng tranh đấu chỉ có “xin” dân chủ. Ở một điểm nổ nào đó, khi một chính quyền mất hết lương tri ra lệnh tàn sát quần chúng trong cuộc đấu tranh phi bạo lực của họ, thì họ có quyền tự vệ và lúc đó trách nhiệm về máu đổ hoàn toàn thuộc về nhà cầm quyền độc tài.

Tv tungtu:

Ông Hiên thân mến.
Số phận lưu vong, ông ko còn cơ hội sống với đồng bào mình, nhưng tôi vẫn tin trái tim ông yêu đất nước kiểu ông, ông còn viết nghĩ như thế thì trái tim ông sẽ đen tối, tài năng mòn vẹt.
Thức tỉnh hoặc im lặng phù hợp với lứa tuổi ông.
Một người bên làng Ngọc Hà cùng sổ hưu với ông Trung Thành, gửi tới Ông Hiên.
Nhà văn Vũ Thư Hiên:
Thưa ông TungTu,
Cảm ơn ông đã nhắc nhở về sự thức tỉnh (?) và im lặng là phù hợp với lứa tuổi của tôi. Đó là theo cách ông nghĩ (người tự xưng có sổ hưu với ông Nguyễn Trung Thành ở Ngọc Hà). Chắc ông là người luôn thức tỉnh (theo cách nào đó) và biết im lặng cho phù hợp với lứa tuổi của mình.
Tôi, rất tiếc, không phải là ông.
Tôi chưa từng xin phép ai được yêu nước, và cũng chưa thèm nghe kẻ nào dạy tôi cách yêu nước theo kiểu của họ để họ vừa lòng.
Kính,

Tv Sushilover:
Xin được mạn phép đồng ý với Ông đoạn quote này trong giới hạn những cuộc chiến tranh ý thức hệ, nội chiến...
Tôi không dám đồng ý với Ông, nếu đề cập đến một cuộc chiến tranh chống ngoại xâm hay chống lại độc tài...
Từ khi còn ở tiểu học trong Saigon, chúng tôi đã được dạy rằng "Mất nước là mất tất cả!" Sau năm 1975, tôi hiểu thêm được rằng "Sống với độc tài cs là mất tất cả!"
Tôi vừa hân hạnh thưa chuyện cùng Ông về cái "mất"!
Nếu như đất nước chúng ta không còn cs như lời Thân Sinh của Ông mong muốn từ vài thập niên trước; đồng bào, lương dân Việt Nam lại chẳng "được" gì, sao Ông?
Nhà văn Vũ Thư Hiên:
Chào bạn Sushilover,
Nhân dân Việt Nam sẽ được nhiều lắm, bạn ạ, khi chế độ độc tài gọi là xã hội chủ nghĩa không còn. Tôi đã được thấy nhiều cái được ấy ở các nước đã thoát khỏi ách độc tài cộng sản (không cần phải liệt kê chứ?). Cho dù ở những nước ấy cũng còn nhiều cái xấu, nhiều điều chưa ưng ý. Nhưng cách quản trị xã hội dân chủ là cách quản trị tốt hơn bất cứ cách quản trị nào khác mà loài người được biết.Nó biết tự học hỏi, biết rút kinh nghiệm để tự hoàn thiện.
Bạn đừng nghĩ rằng tôi nói KHÔNG với chiến tranh chống ngoại xâm. Tôi chỉ nói KHÔNG với một cuộc chiến tranh (nếu có) chống lại thể chế độc tài, tôi muốn cuộc đấu tranh để thay đổi hình thái quản trị đất nước trong những điều kiện cụ thể của đất nước ta phải là một cuộc đấu tranh phi bạo lực. Nó không phải là cái không thể tránh. Nếu xảy ra nó sẽ là một cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn một lần nữa, và tôi tin rằng chẳng ai muốn có.

Tv lenhandinh:
Dù sao, như trò chuyện, cho phép tôi trình bày vì sao, cá nhân tôi không thể thần tượng ông HCM (Còn Sai hay Đúng, xin chờ những phản hồi, những chỉ dẫn quý giá từ mọi người ) :
(Trích trong bài phỏng vấn nhà văn Dương thu Hương do Quốc Phương – BBC phụ trách )
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/cult...uong_inv.shtml
“….Tôi bắt gặp nhân vật vốn là một chính trị gia vĩ đại này, nhưng đồng thời cũng là một con người khốn khổ. Và tôi mô tả ông ta đúng như điều tôi nhìn thấy dưới ánh sáng của văn chương, chứ không phải dưới chủ đích của chính trị…”… tôi hiểu rằng đây là mối tình lớn nhất của ông. Đây cũng là mối tình đau khổ mà người ta gọi là mối tình định mệnh đối với người đàn ông này…” ( hết trích)
Trong phần trích trên của bà DTHương về con người HCM, có vài điều tôi thấy cần chia xẻ.
Xin tạm thời xét HCM ở hai con người : Con người Chính Trị và Con người Nhân văn.
Con người Chính trị thì ai cũng biết : Nếu không có sẵn tham vọng quyền lực mãnh liệt trong tim, nếu không có sự thông minh nhạy bén cần thiết, khả năng quyết đóan, nếu không tự trang bị những thủ đọan chính trị mà hầu hết sẽ cần đến sự gian trá, tính độc ác và cả sự vô liêm sỉ …, nếu không có tài thỏa hiệp tốt với những mâu thuẫn bên ngòai và bên trọng trên bước đường chông gai mình chọn , và nếu thiếu cả thời cơ …v.v, sẽ rất khó thành công !
HCM có thể gọi là một con người thành công về Chính trị, ông ta có đầy đủ những đặt tính trên, ông quả thật đã khôn khéo, uyển chuyển để triệt để tận dụng lòng yêu nước ngùn ngụt của tòan dân tộc, “sử dụng hiệu quả “ những thành quả của thế hệ sĩ phu yêu nước đi trước, cho mục đích của mình. Nghĩa là trong sư “vĩ đại” (theo bà Hương ) của thành công ấy, ngòai tài năng cá nhân, còn có cả sự thừa hưởng và cả may mắn (gọi là thời cơ ).Trong khi đó, ví dụ như Ngô đình Diệm với chủ thuyết “Nhân vị” của ông , thì có nhiều thiếu sót…và gặp cả sự “không may”, hoặc có thể nhân phẩm của ông Diệm có vài nét đối nghịch, va chạm mạnh ới những điều kiện cần có đã nêu trên của một con người Chính trị, vì vậy ông đã thất bại và mạng vong !
Không đủ “tài” để làm chính trị, nên tôi nể con người Chính Trị của HCM.
Nhưng con người Xã hội, con người Nhân văn của HCM thì ra sao ? cá nhân tôi thấy không có hay không thấy được hoặc…rất “đáng sợ” ! ...
Chia ra Chính trị, Nhân văn cũng chỉ dể phân biệt yêu ghét, nhưng nó vẫn cứ từ một con người . Là con người, tôi sống đơn giản với những chuẩn mực nhân bản gần gũi của “tình người”, của đạo lý tổ tiên Việt tộc.Chỉ muốn tránh xa những điều ác để được là chính mình thôi ! Tránh không được ư ? Xin góp phần đấu tranh với nó vậy !
Không hy vọng cho con tôi, thì hy vọng cho thế hệ mai sau !
Nhà văn Vũ Thư Hiên:
Chào bạn lenhandinh.
Bạn viết dài thế, chắc suy nghĩ còn nhiều hơn. Trả lời ngắn là thất lễ, nhưng tôi không thể trả lời dài được.
Về nhân vật Hồ Chí Minh, có nhiều người muốn biết, mà người biết rõ về ông ấy thì không nhiều. Xin bạn hãy tạm bằng lòng với những gì đã được viết ra, của cả bên tả lẫn bên hữu, để dựa trên cái đó mà suy ngẫm.
Tôi không thấy ông Hồ Chí Minh xuất hiện trong Đỉnh Cao Chói Lọi của bà Dương Thu Hương như một nhân vật tiểu thuyết. Đó chỉ là bức tranh được tác giả vẽ ra với chủ ý. Trong một tiểu luận về văn học Việt Nam đương đại, bà Janine Guillon, một nhà hoạt động văn hoá Pháp viết: “ Cốt truyện này có thể dùng để tạo ra một bi kịch theo kiểu Shakespeare, nhưng hóa ra lại là một truyện dài và nhạt nhẽo, rất dễ đoán trước và có cấu trúc cổ điển, ít sáng tạo, đôi khi khó tin đến mức người ta rất nhanh chóng muốn bỏ mặc cái ông chủ tịch đầm đìa nước mắt và suốt ngày lý luận suông này cho số phận đáng buồn của ông ta”. (Xin lỗi, nếu bạn đã đọc đoạn trích này).
Tôi có thể nói với bạn nhiều hơn về những gì tôi biết và tôi nghĩ về ông Hồ Chí Minh nếu chúng ta có dịp gặp mặt để trò chuyện vào một lúc nào đó. Tại sao lại không có một dịp như thế? Trái đất tròn mà.

Tv Sushilover:
Đã bao giờ trong tâm tư của Ông từng lóe lên nghi vấn (như tôi đã tự hỏi chỉ ít lâu sau biến cố tháng Tư, 1975) là: "Có phải, bằng vào suy nghĩ được quoted lại đó, ta đang góp phần tuyên truyền mạnh mẽ cho việc kéo dài thêm sự cai trị hung tàn của cs trên quê hương chúng ta?"
Một lần nữa, câu hỏi này tôi đặt ra cho Ông là người đã chứng kiến bộ mặt thật của những kẻ mà Ông từng xem là "lãnh tụ" hoặc là "đồng chí". Và hơn thế nữa, bản thân Ông cũng đã từng là nạn nhân trực tiếp của họ!
Các câu hỏi tôi nêu ra hoàn toàn có tính cách tìm hiểu cá nhân. Do đó, nếu bất tiện, xin Ông tự nhiên giữ lại câu trả lời cho riêng mình.
Nhà văn Vũ Thư Hiên:
Bạn ơi,
Tôi không cho rằng chúng ta không hiểu nổi nhau đâu.
Bạn đã có sẵn câu trả lời cho mình khi đưa ra câu hỏi. Chẳng qua bạn chỉ muốn tham khảo thêm mà thôi. Với tôi, câu trả lời cho mình (của bạn) bao giờ cũng quan trọng hơn câu trả lời của người khác (của tôi chẳng hạn). Tôi khẳng định KHÔNG với chủ trương đấu tranh cho dân chủ hoá Việt Nam bằng bạo lực, vì như thế là lại một cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn nữa (một lần đã quá đủ), cũng chỉ là ý kiến của riêng tôi. Mà đó là nói về đại thể, trên bình diện chung. Chứ Phạm Hồng Thái (năm 28 tuổi) khi ném quả bom ở Sa Diện (1924) nhằm giết toàn quyền Martial Merlin không thành, để rồi nhảy xuống Châu Giang tự sát, là làm theo quyết định của riêng ông ấy, cho dù đối với nhiều người khác là manh động. Tiếng bom Sa Diện có tác dụng vô cùng to lớn thức tỉnh đồng bào đứng lên đấu tranh chống thực dân Pháp. Tôi xin trích mấy câu thơ của ông Trần Huy Liệu viết trong thời gian đó để bạn thấy:
Ngồi trông non nước dạ không đành
Nên nhắc đồng cân chữ tử sinh
Một tiếng lôi đình kinh vũ trụ
Tấm gương trung nghĩa động thần minh
Chiếc thân đã gửi cho dòng nước
Trong sử còn ghi mãi tính danh
Hết chuyện thương cho đồ chó chết
Chết mà như bác chết quang vinh.
Cũng như vậy, cuộc khởi nghĩa Yên Bái (1930) diễn ra trong lúc tổ chức Việt Nam Quốc dân đảng đang có nguy cơ tan rã vì gặp nhiều phản bội, nó bị những người cộng sản lên án là manh động, nhưng câu: “Không thành công cũng thành nhân” sống mãi trong lòng những người yêu nước. Có thể khẳng định nếu không có cuộc khởi nghĩa Yên Bái thì sẽ chẳng có được cao trào kháng Pháp sau đó.
Tôi nói KHÔNG với đấu tranh dân chủ bằng bạo lực không phải chỉ dựa trên cảm tính không muốn có thêm một cuộc chiến huynh đệ tương tàn, mà còn dựa trên sự phân tích tình hình cụ thể lịch sử Việt Nam. Đề tài này quá dài cho một câu phúc đáp, xin để các bạn cùng suy nghĩ.


No comments: