Monday, April 6, 2009

KỶ NIỆM ĐỆ TAM CHU NIÊN KHỐI 8406 TẠI MONTREAL

KỶ NIỆM ĐỆ TAM CHU NIÊN KHỐI 8406
TẠI MONTREAL, CANADA

http://www.doi-thoai.com/pictures/Ky%20niem%203%20nam%20Khoi%208406%20tai%20Montreal.pdf
Vào ngày 20-03-2009, anh chị em thuộc Phong Trào Yểm Trợ Khối 8406 tại Canada đã cùng cộng đồng người Việt Montréal, tỉnh bang Québec, Canada, tưng bừng tổ chức ngày kỷ niệm đệ tam chu niên Khối 8406 tại thành phố này.
Tuyên Ngôn Tự Do Dân Chủ cho Việt Nam được công bố tại Việt Nam ngày 8 tháng 4 năm 2006 với 118 chữ ký sơ khởi. Sau đó số người công khai ký tên ủng hộ đã lên tới 2,000 tại quốc nội và nhiều chục ngàn tại hải ngoại. Từ đó, Khối 8406 được thành hình, dùng thời điểm công bố bản Tuyên Ngôn để đặt tên cho Khối. Thấm thoát đã 3 năm. Anh chị em ở trong nước vẫn kiên trì đấu tranh dù gặp đủ mọi hình thức đàn áp tàn bạo và xảo quyệt của nhà cầm quyền cộng sản. 18 người đã bị kết án và cầm tù, đứng đầu là Linh
mục Nguyễn Văn Lý, sau đó là Luật sư Lê Thị Công Nhân và nhiều người khác, thêm 6 người nữa đã bị giam giữ chưa xét xử. Không kể những người chưa mắc vòng lao lý nhưng luôn luôn bị quấy rối, cô lập, tịch thu tài sản như Kỹ sư Đỗ Nam Hải. Điều này chứng tỏ cộng sản rất e ngại những hoạt động và ảnh hưởng của Khối 8406. Cộng sản quyết chí tìm mọi cách để làm cho Khối trở thành tê liệt và đi đến chỗ tan rã. Họ đã lầm. Ba năm qua, Khối 8406 đã trở thành biểu tượng đấu tranh ngày càng lớn của đồng bào
trong nước và được đồng bào hải ngoại coi như một đầu cầu để nối kết công tác đấu tranh giữa trong và ngoài nước.

Ý thức tầm quan trọng của việc yểm trợ Khối 8406 trong công cuộc đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền, anh chị em tại Montréal đã đề xướng việc tổ chức một lễ kỷ niệm đệ tam chu niên có ý nghiã, có chiều sâu, không cần rầm rộ bề ngoài. Anh chị em đã làm được việc này bằng cách mời cộng đồng người Việt tại Montréal tham gia và đóng vai chánh, quy tụ được các đại diện khắp nơi của Canada: ông Trần Văn Bính (Vancouver, British Columbia), cựu Dân biểu Mặc Giao Phạm Hữu Giáo (Calgary, Alberta), ông Đỗ Kỳ Anh (Toronto, Ontario) và một đại diện đến từ Hoa Kỳ: Tiến sĩ Hà Văn Hải, một thành viên của phái đoàn Hoa Kỳ trong hội nghị về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc tại Genève. Ban tổ chức đã mời một số khách hạn chế, khoảng 100 người, nhưng có tính cách đại diện đa dạng. Về phiá người Việt, người ta nhận thấy có Kỹ sư VũVăn Thái, Phó Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt tại Montréal, Bác sĩ Đào Bá Ngọc, chủ Tịch Hội Y sĩ Việt Nam tại Canada và phu nhân, ông Lê Văn Trang, Chủ Tịch Hội Cựu Quân Nhân Quân Lực VNCH Montréal, đặc biệt là sự hiện diện của hai vị nhân sĩ nổi tiếng: Giáo sư Nguyễn Văn Phú, nguyên hiệu trưởng trường Hưng Đạo, Sài Gòn và Bác sĩ Từ Uyên, một nhân vật đã từng lãnh đạo nhiều đoàn thể trong cộng đồng. Về phiá người Canada bản xứ, Luật sư Alain Ouellet đã đưa toàn bộ thành viên của Ủy Ban Yểm Trợ Dân Chủ và Tự Do Tôn Giáo cho Việt Nam do ông làm chủ tịch đến tham dự. Ngoài ra còn một số thân hữu Canada ủng hộ công cuộc tranh đấu cho tự do, dân chủ cũng hăng hái đến họp mặt. Số người Canada tham dự lên tới trên 50 người, nhiều hơn số người Việt Nam. Đó là một hiện tượng ít thấy trong các cuộc hội họp của người Việt.

Trước khi buổi dạ tiệc kỷ niệm khai mạc tại nhà hàng Tong Por nằm tại trung tâm thành phố Montréal, một số thành viên của Ủy Ban Yểm Trợ Dân Chủ và Tự Do Tôn Giáo cho Việt Nam đã tự động thực hiện một cuộc biểu tình “bỏ túi” bất ngờ. Em Frédéric, học sinh trung học 16 tuổi đã vác cờ vàng 3 sọc đỏ cùng với một thiếu nữ Canada vác cờ Québec mở đầu cuộc biểu tình tuần hành, theo sau là những người mang
những tấm bảng “carton” viết những hàng chữ bằng tiếng Pháp có nghiã: “Ủng hộ Khối 8406”, “Tự Do Dân chủ cho Việt Nam”, “Chấm dứt đàn áp tôn giáo”, “Trả tự do cho LM Nguyễn Văn Lý”, “Người Québec ủng hộ người Việt Nam tranh đấu cho nhân quyền” v.v…Đặc biệt ông Victor Charbonneau, Phó Chủ Tịch Ủy Ban Yểm Trợ, người có bộ râu xồm dài gần tới ngực, đã mặc áo T shirt và mang một tấm bảng rất lớn có hình cha Lý bị bịt miệng với những hàng chữ Pháp dưới dạng những câu hỏi: “Đây có phải là công lý?”, “Đây có phải là tự do phát biểu?”. Đoàn biểu tình đã diễn hành qua một số con đường ở khu trung tâm thành phố trước khi trở lại nhà hàng Tong Por. Nhiều người trong các cửa tiệm và khách bộ hành đã theo dõi đoàn biểu tình một cách thích thú, chụp hình và đặt những câu hỏi với những người biểu tình.
Vào lúc 7 giờ 30 chiều, sau khi đoàn biểu tình đã trở về nhà hàng và quan khách đã tề tựu đông đủ, Bác sĩ Đào Bá Ngọc, người điều khiển chương trình, đã mời mọi ngườim đứng lên làm lễ chào quốc kỳ và một phút tưởng niệm những chiến sĩ và đồng bào đã bỏ mình vì tự do. Sau đó, Bác sĩ Ngọc đã nhân danh ban tổ chức cám ơn quan khách hiện diện và nói về ý nghiã của buổi dạ tiệc mừng đệ tam chu niên Khối 8406. Mở đầu phần phát biểu là những lời ghi âm từ Việt Nam gửi qua của Linh mục Phan Văn Lợi, một trong những đại diện chính thức của Khối 8406, và Thượng tọa Thích Thiện Minh. Linh mục Phan Văn Lợi đã nói bằng tiếng Việt và tiếng Pháp, chào mừng và cám ơn quan khách tham dự buổi kỷ niệm đệ tam chu niên Khối 8406 và kêu gọi tiếp tục yểm trợ mạnh mẽ cho Khối để dân Việt Nam sớm thoát khỏi ách đàn áp của cộng sản. Thượng tọa Thích Thiện Minh cũng chào mừng lễ kỷ niệm và cho cử tọa nghe những gian truân, cực khổ Thượng tọa phải kinh qua khi đấu tranh cho công lý và tự do. Tiếp theo chương trình, Kỹ sư Vũ Văn Thái được mời lên diễn đàn để đại diện cộng đồng Người Việt Montréal ngỏ lời cùng cử tọa. Ông đã ca ngợi sự thành hình và những hoạt động của Khối 8406 và nhấn mạnh sự đoàn kết nhất trí của cộng đồng người Việt Montréal trong việc ủng hộ và cùng hành động với Khối 8406 trong công cuộc đấu tranh chung cho tự do và dân chủ tại Việt Nam.

Một nhân vật thu hút nhiều sự chú ý là nữ Dân biểu liên bang Canada gốc Việt Ève-Mary Thái Thị Lạc. Bà đã lên phát biểu với chiếc áo dài Việt Nam mầu xanh da trời và nước da ngăm đen của người vùng biển miền Trung, dù bà rời Việt Nam lúc mới 2 tuổi. Bà đã được hoan nghênh nồng nhiệt qua những lời phát biểu rất chân tình về những việc phải làm cho đồng bào và quê hương sinh quán của bà. Bà kêu gọi mọi người tiếp tay với bà để làm cho chính nghiã của cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ của người Việt Nam phải được thế giới nhìn nhận như cuộc đấu tranh của dân tộc Tây Tạng. Bà cho biết với tư cách phát ngôn nhân về nhân quyền của khối Québecois trong quốc hội Canada, bà sẽ đi thăm Việt Nam trong năm nay để tìm hiểu tình hình tại chỗ và gặp những người cần gặp. Vì vị thế chính trị của bà, ban tổ chức đã mời bà đóng vai chủ tọa buổi lễ kỷ niệm hôm nay.

Diễn giả chính của buổi lễ là nhà văn cựu Dân biểu Mặc Giao Phạm Hữu Giáo, Chủ tịch Ủy Ban Canada
Tự Do Tôn Giáo cho Việt Nam. Theo ông, căn cứ vào những văn bản chính thức và qua những trao đổi với
những người lãnh đạo của Khối thì Khối 8406 không phải là một đảng chính trị với tham vọng quy tụ tất cả
các tổ chức đấu tranh về một mối. Khối chỉ là một phong trào quần chúng có mục tiêu vận động toàn dân
tham gia việc thay đổi chế độ cộng sản hiện hữu bằng phương pháp hòa bình, bất bạo động để mở đường
xây dựng một thể chế mới trong đó chủ quyền tối thượng thuộc về toàn dân. Vì thế, Khối mong muốn
được nắm tay hành động cùng với mọi đoàn thể, mọi cá nhân, không phân biệt đảng phái, tôn giáo, Nam Bắc, trong hay ngoài nước hoặc qúa khứ chính trị, miễn cùng có chung mục đích như nói trên. Một khi chế độ cộng sản đã bị giải thể, việc xây dựng một chế độ mới là công việc của các chính đảng được nhân dân tín nhiệm, Khối 8406 sẽ tự giải tán vì đã hoàn tất nhiệm vụ. Để làm công việc này, ông kêu gọi một hình thức đoàn kết phối hợp theo hàng ngang giữa những đoàn thể và cá nhân, dù ở những vị trí khác nhau, nhưng cùng chung một chiến tuyến, cùng nhắm chung một mục tiêu. Đoàn kết theo hàng dọc với sự chỉ huy chuyên nhất rất khó thực hiện trong xã hội dân chủ đa nguyên nơi chúng ta đang sống. Đừng nói đoàn kết suông. Hãy thực hiện đoàn kết bằng những việc cụ thể không đòi hỏi nhiều nỗ lực, như không chống phá lẫn nhau, không coi sĩ diện và quyền lợi của cá nhân và phe phái lớn hơn quyền lợi của đất nước và dân tộc. Đoàn kết theo hàng ngang là liên kết và phối hợp, không ngồi chỉ trích người khác vì không làm theo ý mình. Trong phần phát biểu bằng Pháp ngữ, ông đã giải thích cho các quan khách ngoại quốc về thắc mắc tại sao người Việt vẫn còn chống đối nhau trong khi chiến tranh đã chấm dứt 34 năm rồi. Ông đã mượn lời của Đức cố Giáo Hoàng Jean Paul II: “Hòa bình không tách rời khỏi nhân quyền và dân quyền” (La paix ne sépare pas des droits de l’homme et des droits du peuple) để nói rằng chúng tôi không muốn kéo dài cuộc chiến tranh với những ngườì cộng sản để trả thù hay tranh giành quyền lợi. Người Việt Nam chỉ muốn đòi lại những quyền của họ, đòi được tôn trọng nhân phẩm và đòi lại đất nước một cách hòa bình từ tay những kẻ hung ác, bất tài và tham nhũng.

Luật sư Alain Ouellet, Chủ Tịch Ủy Ban Yểm Trợ Dân Chủ và Tự Do Tôn Giáo cho Việt Nam cũng lên diễn đàn chào mừng ngày kỷ niệm và cho biết lý do tại sao ông và một số bạn hữu đã thành ập ủy ban yểm trợ cuộc tranh đấu cho chính nghiã của người Việt Nam. Ông cho biết ngay khi còn nhỏ tuổi, ông đã rất bất bình trước những bất công xảy ra trong xã hội. Vì thế ông đã chọn nghề luật sư để có cơ hội bênh vực những người bị oan ức. Nay thấy cộng sản Việt Nam có những hành động phản công lý như cướp đất của tư nhân và tôn giáo, có những hành động bạo tàn như bắt nhốt, hành hạ người vô tội, đặc biệt là vụ Linh mục Nguyễn Văn Lý, lương tâm không cho phép ông ngồi yên, vì thế ông đã thành lập Ủy Ban để tranh đấu chống bất công không những tại Việt Nam mà bất cứ nơi nào trên thế giới.

Tiếp theo Luật sư Alain Ouellet, một số quan khách khác cũng lên phát biểu, trong đó có cựu trung tá Lê Văn Trang và một số người ngoại quốc. Một bà Canada, tay cầm cờ Việt Nam và cờ Québec, đã lên diễn đàn phát biểu rằng không phải người Việt Nam phải biết ơn người Québec, nhưng người Québec phải biết ơn người Việt Nam tỵ nạn vì họ đã đóng góp rất nhiều cho Québec và cho thành phố Montréal này. Điều này qủa không sai, vì chỉ riêng ngành y tế, thành phố Montréal đã có trên 300 bác sĩ Việt Nam làm việc tại
các phòng mạch và các nhà thương, được các thân chủ Canada rất tín nhiệm.

Sau phần nghi lễ và phát biểu, mọi người đã dùng bữa cơm chung thịnh soạn trong tinh thần thân mật. Trong khi ăn, họ còn được thưởng thức những bản nhạc Việt Nam, hoặc hùng dũng, hoặc tình cảm, do một ban hát nghiệp dư trình bầy với sự điều khiển của Bác sĩ Trần Văn Dũng. Các ca sĩ đều là những trí thức đứng tuổi nhưng có tài nghệ và tinh thần rất cao.Khi tiệc tàn, mọi người còn nán lại để chụp hình kỷ niệm, trao đổi địa chỉ, truyện trò về đủ thứ vấn đề.

Buổi kỷ niệm đệ tam chu niên Khối 8406 tại Montréal được coi là thành công, không phải vì số người tham dự hay thu nhập tài chánh (số tiền ủng hộ của thực khách, sau khi trừ chi phí, đã được gửi hết về Việt Nam để giúp đỡ những nạn nhân của đàn áp, bất công), nhưng là sự đoàn kết được thể hiện trong cộng đồng người Việt tại Montréal và Canada trong quyết tâm ủng hộ cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ tại quê nhà. Sự hiện diện đông đảo và tham gia nhiệt tình của những người bạn ngoại quốc cũng là một dấu hiệu tốt, chứng tỏ chính nghiã của chúng ta càng ngày càng được nhìn nhận rộng rãi hơn, và từ đó chúng ta có quyền hy vọng những yểm trợ cụ thể và hữu ích hơn. Tất cả là để đóng góp vào việc giải thể chế độ cộng sản và để sớm thấy ngày tươi sáng của quê hương, dân tộc.
PHONG TRÀO YỂM TRỢ KHỐI 8406 CANADA

No comments: