Thursday, April 2, 2009

HỘI THẢO VỀ NHÂN QUYỀN VIỆT NAM TẠI QUỐC HỘI MỸ

Hội thảo về Nhân quyền Việt Nam tại Quốc hội Hoa Kỳ

Thiện Giao, phóng viên RFA

2009-04-02

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/US-congressional-forum-on-Vietnam-HumanRights-TGiao-04022009111301.html

Chiều ngày 1 tháng Tư, một buổi hội thảo khá đặc biệt liên quan đến tình trạng nhân quyền Việt Nam đã được tổ chức tại Quốc Hội Hoa Kỳ.

Công an ngăn cản một nữ giáo dân phía trước phiên tòa xử 8 giáo dân Thái Hà hôm 8-12-2008. RFA PHOTO

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Hanoi-asks-redemptorist-superior-to-remove-ThaiHa-clergy-what-the-provincial-superior-has-to-say-TMi-12172008120615.html/ThaiHa-Court-305.jpg

Buổi thảo luận xoay quanh các vấn đề của Việt Nam cũng như thể thức xem xét tình trạng nhân quyền mới, sẽ được áp dụng tại Liên Hiệp Quốc trong tương lai, mà gần nhất là buổi điều trần tại Geneva vào ngày 8 tháng Năm, 2009 tới đây.

Có mặt tại buổi Hội Thảo, biên tập viên Thiện Giao tường trình chi tiết.

Xem xét định kỳ toàn cầu

Tham gia Hội Thảo gồm có, các dân biểu liên bang Hoa Kỳ, như Zoe Lofgren, Chris Smith, Joseph Cao, Chủ Tịch Uỷ Hội Tự Do Tôn Giáo Hoa Kỳ, bà Felice Gaer, đại diện các tổ chức cộng đồng Việt Nam, các tổ chức phi chính phủ (NGO) quốc tế, như Human Rights Watch, Phóng Viên Không Biên Giới.

Đại diện ngoại giao của các toà đại sứ Hà Lan, Áo, Mexico, Bulgary, Rumany, Estonia cũng tham gia buổi Hội Thảo.

Chủ Tịch Uỷ Hội Tự Do Tôn Giáo Hoa Kỳ, bà Felice Gaer cho biết, thể thức “Xem Xét Định Kỳ Toàn Cầu” về các vấn đề nhân quyền sẽ được áp dụng vào buổi điều trần ngày 8 tháng Năm tại Geneva. Trong đó, 192 quốc gia sẽ được quan sát định kỳ bởi toàn bộ các thành viên của Liên Hiệp Quốc.

Điều này có nghĩa, một quốc gia, cho dù có là thành viên Uỷ Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc hay không, đều có quyền tham gia vào tiến trình “Xem Xét Định Kỳ Toàn Cầu,” và đặt câu hỏi về vấn đề nhân quyền của bất cứ một quốc gia nào khác.

Nói với đài Á Châu Tự Do, bà Gaer nhận định, rằng phương pháp “Xem Xét Định Kỳ Toàn Cầu” sẽ có ảnh hưởng tích cực đối với vấn đề nhân quyền:

“Thủ tục “Xem Xét Định Kỳ Toàn Cầu” chỉ mới bắt đầu, cần phải được củng cố hơn nữa. Phương cách này có thể mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, hiệu quả chỉ có thể đến nếu thêm nhiều thông tin được cung cấp và các chính phủ phải thực tâm giải quyết những vấn đề còn tồn đọng.

Tôi chưa thấy những tiếp cận nghiêm túc từ phía chính phủ Việt Nam đối với vấn đề nhân quyền trong mấy năm qua. Họ chưa làm những gì mà họ cần phải làm. Tôi nghĩ rằng, phương cách “Xem Xét Định Kỳ Toàn Cầu” sẽ có ảnh hưởng tích cực.”

Nhiều ký giả, blogger, nhà tranh đấu... tiếp tục gặp khó khăn với chính quyền. RFA PHOTO

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Vietnam-has-no-freedom-NTran-03112009122109.html/combo-305.jpg

Tham gia Hội Thảo, bác sĩ Thể Bình, đại diện Tổ Chức Quốc Tế Yểm Trợ Cao Trào Nhân Bản, cùng nhiều tổ chức phi chính phủ khác, đã gởi một bản câu hỏi nhiều đề tài sẽ được đưa ra tại Geneva sắp tới đây:

“Các Hội Đoàn ngồi lại làm việc có Hội Đoàn Việt Nam cũng như quốc tế. Qua làm việc, chúng tôi đưa ra một bản câu hỏi 14 trang, gồm đủ mọi chủ đề liên quan đến nhân quyền tại Việt Nam.

Chúng tôi hy vọng các câu hỏi này sẽ được dân biểu Hoa Kỳ cùng đại diện Hoa Kỳ sẽ có mặt tại buổi tường trình tại Geneva trao lại cho đại diện các quốc gia khác để đặt vấn đề với Việt Nam.”

Nhân quyền tại Việt Nam

Trong khi đề cập đến tình trạng tự do tôn giáo tại Việt Nam, dân biểu liên bang Hoa Kỳ, Chris Smith cũng đã nói đến vấn đề kiểm soát thông tin tại Việt Nam.

Ông nói, rằng ông“hy vọng các công ty Internet hiểu được một điều, là một chính quyền mà muốn duy trì mãi quyền lực thì họ sẽ duy trì 2 điều: lực lượng cảnh sát thật mạnh và khống chế hệ thống tuyên truyền, trong đó có Internet.”

Trong khi đó, nữ dân biểu Zoe Lofgren thì cho rằng buổi Hội Thảo gồm nhiều giới là một tiền lệ, và rằng tình hình nhân quyền tại Việt Nam không nên bị xem nhẹ.

“Tự do tôn giáo tại Việt Nam vẫn còn nhiều tồn đọng; chẳng hạn linh mục Nguyễn Văn Lý vẫn còn ở tù, tình trạng đối xử với Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, với Cao Đài, với Hoà Hảo, và nhiều cộng đồng tôn giáo khác, vẫn còn rất nhiều vấn đề.”

Chủ Tịch Uỷ Hội Tự Do Tôn Giáo Hoa Kỳ, Felice Gaer, cũng nhấn mạnh, rằng Uỷ Hội đã nghiên cứu tình hình tự do tôn giáo Việt Nam trong nhiều năm liền.

Quan điểm của Uỷ Hội là, hiện vẫn còn nhiều vấn đề trầm trọng còn tồn đọng đối với tự do tôn giáo tại Việt Nam; chính phủ vẫn kiểm soát nặng nề, vẫn còn bỏ tù hoặc quản thúc tại gia nhiều tín đồ của các tôn giáo khác nhau.

Việc nhà cầm quyền tiếp tục cầm tù các luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân một cách vô căn cứ chính là hành động làm nhục bất cứ ai tin tưởng vào nhân quyền và tự do tôn giáo:

“Cách hành xử của Việt Nam đối với Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, với đạo Cao Đài và nhiều tôn giáo khác qua các hình thức cấm đoán, xách nhiễu, vân vân, là không thể bị xem nhẹ, và cần phải được chỉnh sửa.”

Đối với chương trình “Xem Xét Định Kỳ Toàn Cầu,” bà chủ tịch Uỷ Hội Tự Do Tôn Giáo Hoa Kỳ, Felice Gaer nói rằng, điều quan trọng của thể thức mới nằm ở chỗ:

Tất cả các cơ quan phi chính phủ (NGO) đều có thể đệ trình tài liệu cho Liên Hiệp Quốc về vấn đề nhân quyền của đất nước mình.

Chẳng hạn, một NGO tại New York, hay một NGO tại thành phố Hồ Chí Minh, nếu muốn, đều được quyền làm chuyện này. Các tài liệu được đệ trình sẽ được đưa lên Internet để tất cả các quốc gia thành viên có thể đọc.

Điều này hết sức quan trọng, vì tất cả mọi NGO đều có quyền đưa thông tin, và tất cả mọi thông tin đều được phổ biến. Điều này giúp phá vỡ sự “câm lặng” so với các thế thức trước đây.

----------------------------------------------

Theo Bạn, Nhân quyền tại Việt Nam đã thật sự được tôn trọng chưa? Hãy gửi đến Ban Việt Ngữ ý kiến của Bạn email: vietweb@rfa.org; hoặc cùng tham gia thảo luận tại
Trang blog Ban Việt ngữ RFA

* * * * *

Điều trần tại Quốc Hội Hoa Kỳ về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam
Wednesday, April 01, 2009

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=92924&z=1

WASHINGTON (NV) - Nhằm chuẩn bị cho một buổi họp của Hội Ðồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc sắp được tổ chức tại Geneva, Thụy Sĩ, một số người đại diện cho các hội tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam đã mang tiếng nói của họ đến một buổi điều trần tại Hoa Thịnh Ðốn. Buổi họp này là nhằm kiểm điểm và thu thập những dữ kiện về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam để phái đoàn Mỹ có thể trình bày tại hội nghị ở Geneva.

Buổi điều trần diễn ra từ 2 giờ đến 3 giờ 30 chiều hôm Thứ Tư, 1 Tháng Tư tại tòa nhà Cannon ở Quốc Hội Hoa Kỳ. Theo một nguồn tin cung cấp cho Nhật Báo Người Việt, một trong những người điều trần là ông Ðỗ Thành Công đại diện đảng Dân Chủ Nhân Dân. Tuy không có mặt, ông Ðoàn Viết Hoạt cũng gởi đến Congressional Caucus on Vietnam một bản nhận xét của ông về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam trong thời gian gần đây.

Ông Ðỗ Thành Công khoảng 50 tuổi là công dân Mỹ, từng bị cộng sản bắt giữ hơn một tháng vào năm 2006 khi ông về Việt Nam. Trình bày trước nữ Dân Biểu Zoe Lofgren và các thành viên trong Congressional Caucus on Vietnam, ông Công nhắc đến sự việc công an từng hành hung nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, nhà giáo Vũ Hùng và nhiều người khác tại chợ Ðồng Xuân ở Hà Nội gần một năm trước đây khi họ kêu gọi tẩy chay chương trình rước đuốc Thế Vận Hội Mùa Hè Bắc Kinh tại Việt Nam.

Một sự việc quan trọng khác cũng được nhắc đến trong buổi điều trần là sự gia tăng đàn áp của nhà nước Việt Nam đối với những ai dùng phương tiện Internet để phổ biến ý kiến chính trị. Nhiều blogger đã lên tiếng về việc Cộng Sản Việt Nam để cho Trung Quốc xâm lấn lãnh thổ tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Một trong các blogger bị nhà nước đàn áp và được nhiều người biết là ông Nguyễn Văn Hải, 57 tuổi, được biết qua tên gọi Ðiếu Cày. Vì bày tỏ tinh thần yêu tổ quốc và tham gia biểu tình chống Trung Quốc ở Sài Gòn, ông Hải bị nhà nước bắt giam với tội danh trốn thuế. Vào Tháng Chín năm ngoái ông Hải bị tuyên án hai năm rưỡi tù.

Trong khi đó, ông Ðoàn Viết Hoạt, 67 tuổi, là một tù nhân lương tâm bị giam cầm gần 20 năm dưới chế độ cộng sản tại Việt Nam và được đến Hoa Kỳ vào năm 1998. Trong bài tường trình gởi đến buổi điều trần hôm Thứ Tư vừa qua, ông Hoạt kêu gọi phái đoàn Mỹ tại hội nghị của Hội Ðồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc hãy gây áp lực với Cộng Sản Việt Nam qua những câu hỏi về quyền bày tỏ ý kiến chính trị của người dân Việt Nam.

Một trong bảy câu hỏi mà ông Hoạt nêu ra là tại sao người Việt Nam không được quyền quyết định mặc dù nhà nước vẫn thường nói “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” nhưng lại không có “dân quyết định.”

Buổi họp của Hội Ðồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc sẽ diễn ra vào ngày 8 Tháng Năm, 2009. Trong buổi họp này, một phái đoàn từ Việt Nam sẽ có dịp trình bày về tình trạng nhân quyền hiện nay ở Việt Nam. Các phái đoàn từ các quốc gia, kể cả từ Hoa Kỳ, có thể chất vấn Việt nam về những quyền tự do căn bản của người dân. Buổi kiểm điểm nhân quyền này diễn ra bốn năm một lần.

Buổi thảo luận vào ngày 1 Tháng Tư vừa qua là nhằm chuẩn bị cho phái đoàn Mỹ tham dự buổi họp của Hội Ðồng Nhân Quyền. Ngoài các tổ chức và cá nhân người Việt Nam, một số tổ chức nhân quyền Mỹ cũng được mời đến để cung cấp những nhận xét về thực trạng ở Việt Nam ngày nay, hầu giúp phái đoàn Mỹ có đủ dữ kiện và những câu hỏi để nêu ra trong cuộc họp ngày 8 Tháng Năm ở Geneva. (h.d.)

No comments: