Tuesday, April 7, 2009

GIỮ GÌN VĂN HOÁ QUÊ HƯƠNG

GS Trần Văn Điền và những tuyển tập giữ gìn văn hóa quê hương
Bài và hình: Ðỗ Dzũng/Người Việt
Monday, April 06, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=93149&z=1
LITTLE SAIGON, California (NV)- Trong cuộc sống tha hương tại hải ngoại, ít nhiều những bậc thức giả đều muốn làm một điều gì đó để giữ vững văn hóa quê hương mình, và để thế hệ mai sau nhớ tới nguồn gốc, đồng thời giới thiệu cho người dân của quốc gia sở tại biết thêm về cộng đồng của mình.

Giáo Sư Trần Văn Ðiền và ba tuyển tập của ông.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/93149-medium_NVHN-090406-Dien%201.JPG

Giáo Sư Trần Văn Ðiền ký tặng sách
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/93149-medium_NVHN-090406-Dien%202.JPG

Giáo Sư Trần Văn Ðiền, một người đã sống và làm việc tại Hoa Kỳ hơn 30 năm qua, cũng không phải là ngoại lệ.
Ông không phải là một nhà văn hoặc nhà nghiên cứu. Ông chỉ là một nhà giáo thuần túy, lựa chọn những tác phẩm về quê hương mà ông từng được đọc hồi còn nhỏ.
Cho đến nay, ông đã cho xuất bản bốn tuyển tập song ngữ mà tựa đề của cuốn nào cũng có chữ “quê hương.”
Trước đây, ông đã từng làm một tuyển tập có tên “Ngày Xưa Ở Quê Hương Tôi” (Once in Vietnam, bốn tập).
Và mới đây là “Kỷ Niệm Quê Hương” (The Childhood Memories of Vietnam), “Hương Vị Quê Hương” (The Taste of Vietnam) và “Hình Ảnh Quê Hương” (The Image of Vietnam).
“Tôi là người tị nạn, không làm chính trị, và chỉ là một nhà giáo. Nhưng tôi có thái độ chính trị. Tôi muốn mang văn hóa Việt Nam sang đây để giữ vững hình ảnh quê hương, để nhắc nhở thế hệ mai sau và để giới thiệu với người bản xứ cái nét văn hóa độc đáo của quê hương mình,” Giáo Sư Trần Văn Ðiền giải thích về những tuyển tập song ngữ Việt-Anh của ông như vậy.
Ông chia sẻ thêm: “Có nhiều cách để giữ gìn văn hóa, nhưng theo tôi đây là cách làm cụ thể hơn.”
Giáo Sư Trần Văn Ðiền nói thêm: “Qua hình thức song ngữ Việt-Anh, tôi mong giúp độc giả có cơ hội trau dồi thêm Anh Văn và cũng là một dịp giới thiệu cái hay của văn chương Việt với người bản xứ.”
Trong những tuyển tập này, Giáo Sư Trần Văn Ðiền góp nhặt những đoạn văn ngắn trong những bài văn có thể nói là kinh điển của văn học Việt Nam thời trước, đặt tựa và tổng hợp lại.
Trong “Kỷ Niệm Quê Hương” ông chọn một số đoạn văn trong một số bài mà đa số các học sinh ngày trước nếu không biết thuộc lòng thì cũng phải nhận ra sự quen thuộc của các tác giả như Thanh Tịnh, Nhật Tiến, Duyên Anh, Ðỗ Tốn, Võ Hà Anh, Hoàng Ngọc Tuấn và Vũ Trọng Phụng.
Với “Hương Vị Quê Hương,” Giáo Sư Trần Văn Ðiền đã khéo léo chọn những tác phẩm nói về các món ăn quốc hồn quốc túy của Việt Nam mà tiêu biểu là phở của các tác giả Vũ Bằng, Thạch Lam, Võ Phiến, Tô Hoài, Nguyễn Tuân và Toan Ánh.
“Hình Ảnh Quê Hương” được ông dùng các tác phẩm của Tế Hanh, Hoàng Ðạo, Trần Hoài Thư, Hoàng Ngọc Phách, Hoài Văn, Thạch Lam, Vũ Ðình Liên, Ðỗ Thúc Vịnh, Khái Hưng, Trần Cư, Toan Ánh, Nhất Linh, Phạm Quỳnh, Ðông Hồ, Ðoàn Văn Cừ và Trần Tiêu để diễn đạt.
Ngoài những đoạn văn, Giáo Sư Trần Văn Ðiền còn dùng cả thơ và âm nhạc trong các tuyển tập của mình để minh họa những gì ông muốn gởi gắm tới độc giả.
Ví dụ như bài hát “Trường Cũ” do một học sinh trường Bưởi hát mà ông viết lại theo trí nhớ của mình.
Không chỉ là quê hương mà ông còn muốn minh họa những nét văn hóa đặc biệt của người Việt Nam, ví dụ như đoạn văn “Người Chủ Quán” trích từ tác phẩm “Ðất Nước Quê Hương” của Võ Phiến.
Ông giải thích: “Trong ‘Người Chủ Quán’ người đọc sẽ thấy ông chủ quán cùng với vợ con mình trông coi quán phở, không mướn người ngoài. Ðiều này nói lên sự khắng khít của một gia đình Việt Nam và là một nét đặc biệt trong văn hóa chúng ta mà có lẽ nhiều người bản xứ chưa biết tới.”
Cả ba tuyển tập của Giáo Sư Trần Văn Ðiền không dày, trình bày đơn giản, dễ đọc, được minh họa bằng những tranh vẽ của các họa sĩ Kim Bằng, Văn Hiếu và Vi Vi Võ Hùng Kiệt và do Tủ Sách Song Ngữ Hương Việt xuất bản.
Giáo Sư Trần Văn Ðiền từng dạy học tại nhiều trường trung học ở Sài Gòn như Gia Long, Hồ Ngọc Cẩn, Nguyễn Bá Tòng và Hưng Ðạo... từ năm 1956 đến năm 1975.
Ông cũng là tác giả hàng chục cuốn sách văn phạm, tự điển Anh-Việt và tự điển Việt-Anh nổi tiếng ở miền Nam Việt Nam trước đây.
Sau năm 1975, ông và gia đình định cư tại thành phố Grand Rapids, Michigan, một thời gian rồi chuyển về miền Nam California định cư cho đến nay.
Từ khi về hưu, ông đã dịch một số tác phẩm từ tiếng Việt sang tiếng Anh như “Một Linh Mục Trong Tù Cộng Sản” của Linh Mục Ðinh Ngọc Quế, “Ngô Ðình Diệm, Lời Khen Tiếng Chê” của Minh Võ và “Hỏa Lò” của Nguyễn Chí Thiện.
Giáo Sư Trần Văn Ðiền, hiện cư ngụ tại Westminster, là thân phụ của Dân Biểu Trần Thái Văn, dân biểu tiểu bang gốc Việt đầu tiên tại California.
Hiền thê của ông là Nha Sĩ Dư Thị Mỹ Lan, em gái cố Trung Tướng Dư Quốc Ðống, cựu tư lệnh Sư Ðoàn Nhảy Dù QLVNCH.
Cả ba tuyển tập nêu trên hiện có tại các nhà sách Văn Bút, Tự Lực và Tú Quỳnh trong vùng Little Saigon.
Quý vị ở xa muốn có những tuyển tập này có thể liên lạc 714-898-6449. (Ð.D.)

No comments: