Tuesday, April 7, 2009

ĐẮC-NÔNG TÁI ĐỊNH CƯ

Xã Ea Pô, Cư Jut, Dăk Nông: 1.000 dân mắc đọa bởi lời hứa suông
VIỄN SỰ - VIỆT DŨNG
06-04-2009 22:55:54 GMT +7
http://www.phapluattp.vn/news/nha-nuoc/view.aspx?news_id=248692
Hơn 200 hộ dân được đưa vào khu tái định cư không điện, không nước, không đất canh tác.Có đóng thuế, có trưởng thôn, có chi bộ Đảng... vẫn bị coi là sống du canh, du cư.

Dù người dân đã vào sống từ tháng 2-2008 nhưng đến giờ, khu tái định cư (TĐC) cho người dân thôn Nam Tiến, xã Ea Pô (Cư Jut, Dăk Nông) chỉ là những ngôi nhà vách ván ọp ẹp, bụi đỏ mù trời và không hề có loại cây nông nghiệp được canh tác.

Cả khu tái định cư như một hoang mạc, nhà cửa đa số bỏ hoang vì người dân đã tứ tán bỏ đi nơi khác. Ảnh: V.SỰ
http://www.phapluattp.vn/img/06-04-2009/5-chot.jpg

Tái định cư hay tự định cư?
Bà Hà Thị Phút ái ngại mời khách vào căn nhà ọp ẹp. Quệt mồ hôi vã đầm đìa, bà Phút kể mình vừa mới đi mót sắn tận bên làng cũ vì đợt này dân khu TĐC đi làm thuê nhiều quá, bà sức yếu không ai thuê mướn. Hơn một năm trước, bà Phút cùng nhiều hộ dân thôn Nam Tiến cũ bỏ làng, giao hết đất đai cho hai công ty cao su Đồng Phú và Vĩnh An về khu TĐC này. Tuy nhiên, bỏ lại 2 ha đất trồng sắn và ngôi nhà tươm tất ở làng cũ mà bà nhận được chỉ là 400 m2 đất sỏi không có khả năng canh tác, nằm chơi vơi trên đỉnh đồi Suối Tre. Từ chủ một rẫy sắn mênh mông, bà Phút trở thành người... mót sắn, làm thuê qua bữa khắp Ea Pô mà vẫn không đủ ăn.
Cạnh nhà bà Phút là gia đình của ông Lục Thanh Tre, dù là chi hội phó Chi hội Nông dân của thôn, ông Tre cũng đang điêu đứng chạy ăn từng bữa. Nghề chính của nhà ông là làm thuê và đi mót sắn. Không chút ái ngại, ông Tre nói: “Cả khu TĐC này rất nhiều người đi làm thuê, mót sắn như nhà tôi vì đất trong khu TĐC không thể canh tác nổi vì toàn đá, sỏi”.

“Chúng tôi bị lừa rồi!”
Ông Lò Khăm Chinh, nguyên phó thôn Nam Tiến, không giấu được sự ấm ức, nói thẳng: “Chúng tôi bị lừa rồi!”. Ông cho biết theo lời hứa ban đầu, 238 hộ dân với 1.083 nhân khẩu sẽ được bố trí vào khu TĐC được đầu tư 11 tỷ đồng với đầy đủ cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên hơn một năm qua, những lời hứa như cứ năm hộ được đào chung một giếng nước, có điện thắp sáng và bảo đảm đất canh tác không thua kém nơi ở cũ... vẫn chỉ là hứa suông. Cả thôn có hai bể nước, một giếng nước nhưng đều không hoạt động, đóng bùn trơ đáy. Người dân phải góp mỗi tháng 50.000 đồng để xách từng can cách khu TĐC hơn một km. Ngay cả lương thực hỗ trợ trong sáu tháng đầu tiên cũng bị cắt khi mới cấp phát được hai tháng.

Bà Hà Thị Phút bên cạnh căn nhà ọp ẹp, không điện, nước trong khu tái định cư. Ảnh: V.SỰ
http://www.phapluattp.vn/img/06-04-2009/5-nhadan.jpg

Bồi thường kiểu tước đoạt
Quệt mồ hôi vã đầy trên trán, anh Hà Văn Tắng và chị Hà Thị Thoa rướm nước mắt khi có người hỏi về hoàn cảnh gia đình. Cặm cụi canh tác hoa màu nhờ trên lô cao su non chưa khép tán, chị Thoa nói mảnh đất mình đang làm “ké” chính là đất cũ của nhà mình. Còn căn chòi ọp ẹp này có nền cũ chính là ngôi nhà gỗ ba gian kiên cố vừa bị di dời. “Hơn một năm trước, 1,5 ha điều đang cho hạt và 1 ha đất của gia đình tôi bị thu hồi để giao cho hai công ty Vĩnh An và Đồng Phú trồng cao su” - chị tiếc rẻ. Tuy nhiên, cho rằng đây là đất rừng, theo sự chấp thuận của chính quyền địa phương, gia đình chị Thoa chỉ được nhận tiền hỗ trợ công khai hoang là năm triệu đồng/ha và bồi thường mỗi gốc điều chỉ 60.000-180.000 đồng. Trong khi đó, nếu gặp vụ tốt, mỗi gốc điều có thể cho thu hoạch khoảng 300 ngàn đồng/năm.
Mức giá bồi thường gốc điều nói trên cũng là mức chung cho hơn 200 hộ dân ở thôn Nam Tiến. Bởi thế gia đình chị Thoa và nhiều hộ dân ở khu TĐC phải quay về làng cũ, canh tác “ké” ngay trên chính mảnh đất của mình. Hiện có khoảng 80 hộ dân hàng ngày phải rời khu TĐC để quay về làng cũ cách đó gần 10 km để canh tác nhờ như chị Thoa. Nhưng hiện nhiều lô cao su của hai công ty trên đã khép tán và chỉ trong thời gian ngắn nữa, người dân sẽ không thể canh tác nữa...

Nguyên phó thôn Lò Khăm Chinh bên bể nước rỉ sét, không một giọt nước trong khu tái định cư
http://www.phapluattp.vn/img/06-04-2009/5-bodoi.jpg

Tuy nhiên đó chưa phải là những gia đình rơi vào hoàn cảnh bi đát nhất. Ông Vi Văn Năng, nguyên trưởng thôn Nam Tiến, đã cung cấp những con số đau lòng: Trong số 193 hộ dân phải giao đất cho doanh nghiệp trồng cao su và di dời đến khu TĐC, ngoài những hộ quay về làng cũ canh tác nhờ và khoảng 20 hộ bám trụ trong khu TĐC bằng nghề làm thuê cuốc mướn, mót khoai sắn, đã có gần 100 hộ bỏ làng phiêu bạt khắp nơi ở Dăk Nông, Dăk Lăk hoặc quay về quê cũ.
“Giờ tôi cũng không biết những gia đình ấy ở đâu. Ruộng rẫy không có, ở khu TĐC thì sống không nổi, chắc họ sẽ khó trơ về...” - ông Năng chua xót.

------------------------------
Làm kinh tế bất chấp dân sinh
Thôn Nam Tiến hình thành từ năm 1992, người lập thôn là Anh hùng LLVT Lương Văn Biêng. Nhận thấy vùng đất Ea Pô có thổ nhưỡng gần với quê nhà ở xã Nam Tiến (Quan Hóa, Thanh Hóa) nên ông đã đưa người dân vào đây khai hoang. Những người dân di cư theo ông Lương Văn Biêng đã không ngại gian khó, kiên trì phá tan một rừng đá tai mèo, hình thành vùng trồng điều lớn nhất xã Ea Pô và lập nên một khu dân cư khá trù phú với gần 1.000 người
Từ thực tế này, năm 1996, UBND huyện Cư Jut đã có Quyết định số 218 thành lập thôn Nam Tiến, trực thuộc xã Ea Pô với đầy đủ bộ máy thôn, chi bộ Đảng. Thậm chí năm 2003, UBND xã Ea Pô còn quyết định truy thu thuế nông nghiệp từ năm 1993, thời điểm người dân bắt đầu canh tác.
Tuy nhiên khi UBND tỉnh Dăk Nông có quyết định giao đất cho hai công ty Đồng Phú và Vĩnh An trồng cao su thì toàn bộ diện tích đất thổ cư và canh tác đã từng được thu thuế của thôn Nam Tiến vẫn bị cho là đất rừng. Hơn 1.000 nhân khẩu trong phạm vi thôn Nam Tiến bị biến thành người di cư tự do, sống du canh, du cư, bất chấp quyết định thành lập thôn từ 12 năm trước và họ đã có công cải tạo, khai hoang vùng đất. Hơn 300 nương rẫy màu mỡ, vỡ hoang từ rừng đá tai mèo đã được giao không cho hai công ty cao su. Người dân thì bị đẩy vào khu TĐC không điện, không nước, không đất canh tác.

No comments: