Thursday, April 9, 2009

GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG TẠI NHẬT BẢN

Lễ Giổ Tổ Hùng Vương Tại Nhật Bản
vietnamexodus Wednesday, 08, April
http://www.vietnamexodus.org/vne0508/modules.php?name=News&file=article&sid=2333

Con Rồng Cháu Tiên

Ánh nắng đổ vàng trên công viên trước cửa khu nhà tôi sống. Tokyo hôm nay lộng lẫy như nàng tiên mùa xuân khoác trên mình bộ áo sặc sỡ. Mùa xuân đã về thật rồi! Nắng mới tràn đầy trên những cây đào đang e ấp khoe màu hồng phấn.
Vợ chồng tôi lại hối hả đi về phía nhà ga. Hôm nay, 29-3-09, chồng tôi, một công dân nước Nhật hăm hở theo vợ (Việt) đi tìm cội nguồn trong ngày giỗ Quốc Tổ.
Người Việt định cư ở Nhật chỉ có một con số khiêm nhường. Tuy vậy, hàng năm Hiệp Hội Người Việt ở đây cũng đều tổ chức cúng giỗ Vua Hùng, ghi ơn Quốc Tổ, và để con cháu của ngài tụ hợp lại với nhau trong tình thân ái.
Tụi tôi còn đang luẩn quẩn chuyển tàu trong nhà ga Otemachi thì nhận được điện thoại của anh Ngọc thông báo rằng chỉ còn 10 phút nữa là tới giờ khai mạc, nhắc tụi tôi hãy cố gắng tới cho kịp.
Thực sự thì từ Otemachi tới Hội Quán YUAI nằm trong khu phố Shibakoen chỉ có 4 ga (chừng 8 phút), nhưng khi tụi tôi leo lên được tới lầu 9 của tòa nhà YUAI thì đã nghe tiếng ông Hội Trưởng Nguyễn Phương Khanh đang tố cáo giới chức cầm quyền cộng sản Việt Nam tham lam ăn hối lộ, đàn áp dân chủ, bắt bớ người dân đi khiếu kiện, cướp đất của nhà thờ để xây công viên (vụ Thái Hà). Nhân viên công quyền móc nối đi ăn cắp ở xứ người rồi chuyên chở về Việt Nam bán (qua vụ nhân viên hàng không Việt Nam bị cảnh sát Nhật bắt nhốt điều tra). Những lời phát biểu sau cùng, ông tỏ lời tri ân đến toàn thể quý khách đã bớt chút thời gian đến tham dự lễ hội ngày hôm nay, và ông cũng gửi lời cám ơn chính phủ Nhật Bản, cảm ơn các hội đoàn như Thập Tự Nhật Bản, Bản Bộ Tị Nạn và Hội Liên Đới (CSA) cùng toàn thể những nhà hảo tâm đã cưu mang người dân Việt Nam tị nạn cộng sản được sống bình an nơi đất nước giầu lòng nhân ái này. Những công ơn đó người Việt luôn khắc ghi trong lòng. Trong tinh thần nhớ về cuội nguồn, nhớ về công lao dựng nước giữ nước mở mang bờ cõi của tiền nhân.

Ông Hội Trưởng Nguyễn Phương Khanh
http://www.vietnamexodus.org/vne0508/vnenews1/bandocviet/lemyhan/Rongtien.htm

Tôi đứng ngoài nhìn vào hội trường, có khá nhiều gương mặt quen thuộc của những năm trước. Bà con ta ngồi theo hình chữ L, tất cả đều hướng mắt mắt lên khán đài nơi có đặt bàn thờ Quốc Tổ với hai con rồng uốn lượn.
Ngay từ thủa còn thơ nằm trong lòng ông nội, tôi vẫn được nghe ông thủ thỉ kể chuyện ngày xửa ngày xưa, cái ngày mà bà Âu Cơ lấy Vua Lạc Long Quân và đẻ ra một cái bọc chứa trăm quả trứng, sau đó nở ra 100 người con. Bởi vì Lạc Long Quân là giống Rồng còn bà Âu Cơ thuộc giống Tiên nên họ chia 50 người con theo mẹ lên núi, 50 người con còn lại theo cha xuống biển và một năm gặp lại nhau ở sống Tương. Từ 100 người con đó, tộc Việt sinh sôi nảy nở cho đến tận ngày nay. Và tôi, một công dân nước Việt luôn tự hào mang trong mình dòng máu Tiên Rồng.

Oki Akashi
http://www.vietnamexodus.org/vne0508/vnenews1/bandocviet/lemyhan/Rongtien.htm

Sau diễn văn của ông Hội Trưởng Nguyễn Phương Khanh là lời phát biểu của ngài Oki Akashi, Hội Trưởng Hội Liên Đới Người Tị Nạn Đông Dương (CSA). Ông gửi lời chào quý khách tham dự và chúc cộng đồng người Việt tại Nhật luôn vững mạnh, đoàn kết tương trợ lẫn nhau. Ông cũng nhắc nhở rằng vì ngày nay Nhật Bản không còn chương trình đón tiếp người tị nạn, nên người dân nào gặp khó khăn cần sự giúp đỡ thì liên lạc trực tiếp đến Hội Liên Đới. Ông còn tỏ lời cảm ơn cộng đồng người Việt đã ưu ái đón tiếp tiếp ông nồng nhiệt, ông muốn phát biểu nhiều hơn nữa nhưng không muốn dài dòng vì đoán chắc mọi người đều đói bụng, xin được chấm dứt để mọi người nhập tiệc trong tiếng vỗ tay vang dội.
Ông Khanh giới thiệu một quý khách người Nhật khác, ngài Honma Dân Biểu đơn vị Shinagawa Tokyo nâng nhập tiệc.

Ông Honma
http://www.vietnamexodus.org/vne0508/vnenews1/bandocviet/lemyhan/Rongtien.htm

Cả hội trường lúc này như ong vỡ tổ, ồn nào náo nhiệt bất thường. Món ăn đã được bày biện sẵn ở trên bàn từ trước. Khi còn ngồi nghe quý khách phát biểu, bụng dạ tôi đánh trống thùng thùng, giờ nghe được ăn là nhào tới liền không cần khách sáo. Từ ngày quán Đồng Nai đóng cửa, vợ chồng tôi chưa ghé lại quán ăn Việt lần nào. Hình như cũng nhớ hương vị Việt, chồng tôi lăm lăm dĩa, đũa trên tay.

Bà con nhập tiệc
http://www.vietnamexodus.org/vne0508/vnenews1/bandocviet/lemyhan/Rongtien.htm

Cũng tương tự như những năm trước, các món ăn thuần túy của quê mình: chả giò, gỏi cuốn, bánh tét, chả lụa, gỏi đu đủ trộn tôm thịt... Đặc biệt lần này có thêm món mít non trộn nghêu do phu nhân của ông Hội Trưởng trổ tài. Ngay trên bàn, một nồi thịt bò la-gu bốc khói nghi ngút trông thật hấp dẫn. Lúc đầu tôi tưởng là cà ri Ấn Độ nấu theo kiểu Việt Nam nên giới thiệu với chồng mình, thật là tẽn tò.
- Itadakimasu (xin mời nhập tiệc)
Tôi gắp một ít gỏi đu đủ vào dĩa rồi ăn thử, chẳng biết tại mình lạt mồm lạt miệng hay là chị Ngọc bỏ bếp lâu ngày nên lục nghề mà món ruột ưa thích nhất của tôi nay cứ như ăn phải rác, chả ngon tí nào. Tôi lại đưa tay nhón một cái gỏi cuốn chấm nước sốt cho lên miệng. Wow! ngon tuyệt! Ai làm món nước chấm này quả là xuất sắc. Sau này hỏi thăm tôi mới biết cũng là do phu nhân của ông Hội Trưởng Hiệp Hội người Việt. Ông Khanh thật là có phước, phu nhân của ông vừa xinh đẹp, vừa đảm đang việc nhà lại giỏi giang việc nước. Hơn nữa, chị rất giỏi Nhật ngữ. Chồng tôi bảo chị Võ nói tiếng Nhật y hệt như sách vở, và mang chị ra làm gương để tôi noi theo cố mà học tiếng Nhật. Tôi cũng hiểu rằng sinh sống tại Nhật điều quan trọng đầu tiên là phải học ngôn ngữ xứ họ. Thế nhưng, cứ mỗi lần mở sách học tiếng Nhật là đầu óc tôi quay cuồng, mắt thì díp tịp lại buồn ngủ, nên 9 năm sống tại đây, vốn liếng tiếng Nhật của tôi chỉ có được mỗi câu "Oyasuminasai" (chúc ngủ ngon)
Bà con ta coi chừng ai cũng ấm bụng thì tiết mục văn nghệ bắt đầu. Vì không có dàn nhạc đệm nên các ca sĩ miệt vườn tụi tôi hát bằng karaoke. Anh Nguyễn Hoàng mở đầu chương trình bằng ca khúc Chân Tình. Anh là một trong những giọng ca xuất sắc nhất của hiệp hội, phải mà anh còn trẻ một chút thì tôi đề nghị anh ghi danh tham dự thi giọng ca vàng của trung tâm ASIA hoặc Thúy Nga Paris tổ chức tuyển lựa ca sĩ hàng năm.
Các ca sĩ hát bằng cả tấm lòng mà người hướng dẫn chương trình cũng dí dỏm không kém. Tôi tò tò theo sau hai cô ca sĩ nhí để xin được chụp một tấm hình. Hai cô bé thật dễ thương trong bộ áo dài truyền thống của dân Việt. Thế nhưng hai cô người mẫu đỏng đảnh này không chịu cho chụp hình, nên làm cho bà "nhiếp ảnh gia" này mệt đứt hơi! Chú Long, một người dân sống ở vùng Fujisawa lại gần tôi nói nhỏ:
- Sanh lấy một đứa cho ổng đi, sao lại cứ đòi chụp hình con của người khác.
- Dạ, già cả rồi chú ơi! Sanh đẻ gì nữa chớ!
Cả hai chú cháu tôi lại phá ra cười. Tôi chỉ gặp chú vài lần mỗi khi có lễ lạt như vầy. Chú Long tính tình cởi mở, và có khiếu hài hước. Lần nào hiệp hội có kêu gọi bà con đi biểu tình, chú và mọi người trong gia đình đều tham gia nồng nhiệt. Tôi nhớ lần theo bà con đi biểu tình chống Trung Cộng cướp Hoàngsa, Trường Sa của Việt Nam ta. Chú cũng là một cái loa hô hào hăng say nhất. Lần đi cổ động ủng hộ cho Tây Tạng, chú cũng có mặt. Lần lên Nagano chống rước đuốc Olympic Bắc kinh, chú cũng không vắng mặt. Chú Long quê ở Cam ranh, có được 6 người con cả trai lẫn gái. Chú chỉ cho tôi từng người đâu là con trai, con gái, đâu là dâu, là rể cũng như những đứa cháu nội ngoại của mình đang chạy lăng xăng quanh quẩn nơi đây.

Cuối cùng thì tôi cũng chụp được tấm ảnh hai cô ca sĩ nhí
http://www.vietnamexodus.org/vne0508/vnenews1/bandocviet/lemyhan/Rongtien.htm

Chương trình văn nghệ được ngưng lại ít phút để dành cho trò chơi lô tô có thưởng. Phần thưởng là những món quà do Nike tài trợ, tuy không giá trị là bao nhưng đã góp phần tăng không khí hào hứng cho buổi tiệc. Tôi hy vọng những năm kế tiếp sẽ có thêm nhiều tài trợ từ các nhà hảo tâm khác để giúp cho ban tổ chức chuẩn bị chu đáo hơn, thu hút nhiều bà con người Việt mình tham dự hơn.
Chồng tôi ghé tai vợ nhắc nhở rằng em có tặng sách cho ai thì tặng đi kẻo tiệc gần tàn rồi. Lúc này tôi mới sực nhớ ra là mình mang theo 5 cuốn sách để tặng cho vài người quen biết, nhưng vì ham vui quá mà quên biến luôn, nếu chồng không nhắc chắc có nước mang về nhà. Tôi kéo anh Ngô Diệp lại, ngỏ ý tặng cho anh. Thật sự tôi không quen biết nhiều nên chỉ ký tặng được 4 cuốn, còn dư một cuốn chưa biết tặng cho ai thì anh Diệp đề nghị rằng nên tặng cho độc giả của Hiệp Hội. Anh Diệp sẽ thông báo là chỉ còn một cuốn sách duy nhất, tác giả có nhã ý tặng quý khách nào là người chạy lên đầu tiên. Tôi đồng ý theo giải pháp anh đưa ra.
Ba cuốn sách ký tặng lần lượt được trao cho từng người, chỉ còn cuốn của anh Âu Minh Dũng mà tìm mãi không thấy anh đâu, nên tôi để sang bên cạnh. Anh Diệp vừa thông báo xong thì nhiều người ào ào đổ lên sân khấu đòi nhận sách. Sách chỉ còn một cuốn mà số người quá đông nên anh Diệp lại đề nghị oẳn tù tì, người chiến thắng sau cùng sẽ là người nhận sách. Lúc đầu thì cả nhóm xúm lại oẳn tù tì, nhưng vì người ra cái búa, người ra cái kéo, người lại ra tờ giấy nên họ cãi nhau ì xèo vì ai cũng đòi mình là người chiến thắng. Sau cùng từng cặp chia ra và người chiến thắng lại đấu với nhau cho đến khi chỉ còn lại một người. Anh Hoàng là người đã dành được cuốn sách, anh nâng niu ôm ấp nó trong lòng làm tôi cảm thấy mát dạ. Đứa con tinh thần của tôi được nhiều người yêu quý, trân trọng làm tôi thật sự xúc động, không cất nên lời.
Ông hội trưởng đề nghị tôi góp vui một bài hát, anh Ngọc ngồi kế bên cũng gật đầu đồng tình lại còn đề nghị tôi nên hát song ca. Tôi liền hỏi ngược lại:
- Hát với ai? Hát chung với anh à ?
- Không, anh có biết hát đâu, Hân hát với Hoàng đi.
Tôi nhoẻn cười, ừ thì hát với ca sĩ Hoàng, và tôi kéo anh Hoàng lại đề nghị chọn bản nhạc. Anh Hoàng ngập ngừng mắt liếc sang bên phía tên Phát Xít choòng tôi đang ngồi kế đó, hỏi:
- Tôi thì cũng muốn hát chung với chị lắm mà có phiền gì ảnh không chị?
- Không sao, anh đừng có lo.
Tụi tôi chọn bài hát tình tự quê hương và ngồi chờ tới lượt. Trong thời gian đó, anh Dũng đã quay trở lại hội quán đến tìm tôi nhận sách. Anh khăng khăng đòi trả tiền ủng hộ tác giả, chứ nhất định khoong chịu nhận không. Anh bảo rằng nhận chữ ký tặng của tác giả là đủ rồi. Tôi chẳng biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn chân thành.
Tiếng loa phóng thanh vang lên:"xin mời anh chị nào đăng ký bài hát Rước Tình Về Với Quê Hương lên sân khấu"

Nguyễn Hoàng, Mỹ Hân
http://www.vietnamexodus.org/vne0508/vnenews1/bandocviet/lemyhan/Rongtien.htm

Hai ca sĩ miệt vườn tui tôi tự tin bước ra, gì chứ hát karaoke với tôi chỉ là chuyện nhỏ. Tiếng nhạc tình tự quê hương được dạo lên, tôi chăm chú nhìn vào màn ảnh ti vi rồi húych nhẹ anh Hoàng:
- Anh hát trước đấy!
Giọng nam trầm của anh bay bổng:
Anh xin đưa em về
Về quê hương ta đó
Anh xin đưa em về
Về quê hương tuyệt vời
Đèn trăng treo tuốt trên cao
Ánh sao như muôn ngọn nến
Lập lòe đom đóm hoa đăng
Hỡi em theo anh về nhà


Tôi tiếp lời anh:
Em theo anh đi về
Về quê hương ta sống
Em theo anh đi về
Về quê hương mặn nồng
Đồng xanh như gái chưa con
Lúa non xôn xao chào đón
Bầy chim nghệ sĩ khoe khoang
Thấy em đua nhau hòa đàn


Anh Hoàng tiếp giọng;
Em thấy không em
Em thấy không em
Quê hương ta ơi
Quê hương tuyệt vời!
Quê hương tuyệt vời!
Gió mát trăng thanh
Ôi gió mát trăng thanh
Ru tình ta như sóng
Ru con tuyệt vời

Tôi cũng lập lại điệp khúc này;
Anh thấy không anh
Anh thấy không anh
Quê hương ta ơi
Quê hương tuyệt vời!
Quê hương tuyệt vời ....


Hát đến đây lòng tôi se lại, đau nhói. Câu nói hồi nãy của chú Long lại vang vảng bên tai:
- Cô có đọc tin tức trong nước không cô?
- Dạ có chú.
- Cô có biết tin gì mới không ?
- Sáng nay cháu chưa đọc báo, có tin gì mới không chú ?
- Cộng Sản nó bán hết nước rồi cô, Trường Sa, Hoàng Sa, đất ở
biên giới phía Bắc rồi thì boxit ở Tây Nguyên nữa ... lần lượt tụi nó bán hết cô à. Dân Trung Cộng sang Việt nam như đi chợ, mình ở đây về còn khó hơn tụi nó.
Tôi chỉ biết thở dài, báo chí trong nước cũng lên tiếng cảnh báo rằng các nhà thầu Trung Quốc khi trúng thầu tại Việt Nam thì họ mang theo cả ngàn công nhân của họ qua, nguyên vật liệu đều dùng hàng của họ. Tôi không hiểu nhà cầm quyền Việt Nam nghĩ gì và làm gì? Hay họ là người của Trung Cộng hết cả rồi.
Quê hương của tôi đẹp như vậy, tuyệt vời như vậy chẳng lẽ sẽ bị Tàu hóa hết hay sao ???
Bài hát kết thúc trong tiếng vỗ tay vang dội của bà con ta ủng hộ tinh thần. Tôi quay trở vào chỗ ngồi, chú Long lại cất tiếng hỏi:
- Cô hát mà cô có biết tác giả của bài hát này không ?
- Dạ, của Hoàng Thi Thơ phải không chú.
Chú Long gật đầu, rồi hỏi tiếp:
- Sách do cô viết thật hả ? Sao cô giỏi quá vậy!
Nghe chú khen tặng tôi cũng chỉ biết cười và có nhã ý muốn tặng chú một cuốn. Chú vui vẻ ghi địa chỉ cho tôi rồi mời khi nào rảnh xuống nhà chú chơi biết.
Một nhóm người Nhật vẫn còn đứng cạnh bàn ăn nhìn tôi rồi chỉ xuống cuốn sách cạnh đó ý hỏi có phải chính tôi là tác giả. Tôi cũng chỉ gật đầu cười, ngay lập tức các ông kéo lại xin được chụp hình kỷ niệm. Hỏi ra tôi được biết các ông là nhân viên của một anh trong ban tổ chức. Anh mở công ty về xây cất và là một gương mặt thành công của người Việt tị nạn trên đất Nhật. Anh có giọng hát nam trầm rất hay trong bản nhạc Cô Thắm về Làng.
Bữa tiệc giao lưu kết thúc, bà con ta vẫn còn nấn ná chưa ai chịu về. Đây là lần đầu tiên vợ chồng tôi ở lại đến phút cuối, hiếm hoi lắm mới có một ngày vui như vầy.
Thôi thì hẹn năm sau nhé!
31-3-2009
Lê Mỹ Hân


No comments: