Di sản của ông Lý Quang Diệu
Đoàn Xuân Lộc
Viết cho BBCVietnamese.com từ Singapore
Cập nhật: 15:08 GMT - thứ năm, 23 tháng 4, 2009
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2009/04/090423_lyquangdieulegacy.shtml
Đất nước Singapore sẽ như thế nào khi ông Lý Quang Diệu rời chính trường? Liệu rồi di sản của ông có được các thế hệ sau tôn trọng, bảo tồn và trở thành nền tảng cho sự phát triển của đảo quốc này trong tương lai hay không?
Đó là hai câu hỏi chính được đặt ra trong buổi khai mạc chương trình Học bổng báo chí châu Á (Asian Journalism Fellowship) diễn ra tại Viện bảo tàng quốc gia Singapore vào chiều 22 tháng Tư.
Asian Journalism Fellowship là một chương trình học bổng ba tháng do tổ chức Temasek Foundation và Đại học kỹ thuật Nanyang Technological University khởi xướng, dành cho các nhà báo Á châu tới học hỏi tại Singapore.
Chủ đề của ngày khai mạc là: "Singapore thời hậu Lý Quang Diệu - Cơ cấu hóa theo phương pháp Singapore" (Singapre Beyond Lee Kuan Yew: Institutionalisng the Singaporean Way).
Có hơn 200 người thuộc giới ngoại giao, quan chức, nghiên cứu, sinh viên và báo chí tham dự hội thảo
Tương lai PAP và Singapore
Đề cập đến vị trí của đảng People's Action Party (PAP - đảng Nhân dân hành động của ông Lý Quang Diệu) khi ông Lý rời chính trường, ông Ho Kwon Ping, chủ tịch tập đoàn truyền thông MediaCorp và hiệu trưởng Đại học Quản trị Singapore (Singapore Management University) và một trong hai thuyết trình viên của buổi hội thảo, nói rằng thời điểm đó chưa đến nên không thể đoán trước được điều gì.
Tuy vậy, ông cũng nhấn mạnh rằng khó có một lãnh đạo nào trong tương lai nhận được sự tín nhiệm như ông Lý. Đảng PAP tồn tại và duy trì được vị thế trong suốt 50 năm qua và nó có một lãnh đạo có uy tín.
Do đó, cũng theo ông, khi ông Lý vắng bóng, không ai có thể loại trừ khả năng có những rạn nứt trong PAP và vị trí độc tôn của đảng này bị đe dọa.
Và nếu có những sứt mẻ trong PAP hay khi đảng này không còn mang lại những thành quả như đã làm trong năm thập niên qua, liệu đảo quốc này có tồn tại và phát triển hay không?
Mượn khẩu hiệu của tân tổng thống Mỹ, Barack Obama, ông Ho nói: "Vâng chúng ta có thể làm được điều đó". Theo ông, di sản lớn nhất mà ông Lý để lại là đất nước Singapore mà ông đã dành hết tâm huyết gây dựng sẽ tồn tại ngay cả khi ông Lý hay đảng PAP qua đi.
Theo ông Ho, vì Singapore có nhiều cộng đồng dân tộc khác nhau, với những nền văn hóa khác nhau và những xung đột giữa các cộng đồng đó có thể xẩy ra bất cứ lúc nào nên ông Lý luôn coi việc xây dựng đất nước (nation-building) là ưu tiên hàng đầu. Và ông đã rất thành công trong việc này.
Ông nói: "Không người dân Singapore hay người nước ngoài nào ngày hôm nay có thể nghi ngờ về chuyện chúng tôi có chung một bản sắc, những giá trị và khát vọng chung. Đó là một thành quả không nhỏ chút nào".
Duy trì di sản ông Lý?
Phải chăng vì vậy mà di sản của ông Lý sẽ được các thế hệ sau tôn trọng duy trì?
Giáo sư Kishore Mahbubani, thuyết trình viên thứ hai trong buổi hội thảo, không loại trừ khả năng có một sự đảo ngược về di sản của ông Lý hay sự xuất hiện một đảng đối lập đủ mạnh có thể đe dọa hệ thống độc đảng.
Tuy vậy, ông cho rằng hai trường hợp này chỉ là một trong sáu khả năng có thể xẩy ra.
Cũng như ông Ho, giáo sư Mahbubani cho rằng di sản của ông Lý, không dễ dàng 'theo ông xuống mồ' như nhà chính trị học Mỹ, Samuel Huntington, hay một số người khác dự đoán.
Vì theo ông Mahbubani, ông Lý là một nhà lãnh đạo xuất chúng. Ông được coi là kiến trúc sư của đảo quốc này, một chính khách quốc tế có tiếng và là một nhà lãnh đạo có hiệu quả và có sự thuyết phục.
Quan điểm đó cũng thường là nhận xét chung của các quan chức và giới nghiên cứu mà tôi gặp trong những ngày qua ở Singapore.
Khi được hỏi về đâu là nguyên nhân dẫn đến sự thành công (ít nhất về mặt kinh tế) của Singapore, ông Ong Keng Yong, cựu tổng thư ký ASEAN, hiện là đại sứ lưu động của Singapore và giám đốc viện nghiên cứu về chính sách (Institut of Policy Studies), trả lời rằng: "Singapore thành công vì lãnh đạo có một tầm nhìn xa".
Hơn nữa, theo ông Ong Keng Yong, để thuyết phục mọi người theo đuổi tư tưởng của mình, ông Lý có đủ phẩm chất, uy tín và tư cách cá nhân
Ông nói: "Theo tôi, làm một người lãnh đạo giỏi, anh phải có tầm nhìn và phải có uy tín cá nhân. Anh sẽ không thuyết phục được người khác nếu anh không gương mẫu, nếu anh không dám hy sinh, nếu anh không làm những gì anh nói".
"Ông Lý Quang Diệu là một người luôn sống gương mẫu. Ông có một cuộc sống đơn giản, bình dị, không xa hoa. Theo tôi lãnh đạo tài giỏi và đạo đức rất quan trọng".
Đó cũng là lý do tại sao giáo sư Mahbubani thừa nhận rằng ông Lý nghỉ hưu sẽ tạo nên một chỗ trống lớn trên chính trường Singapore.
Nhưng cũng theo ông, Singapore đã và đang làm tất cả để duy trì di sản của ông Lý, như phát triển một hệ thống giáo dục tốt, sự hài hòa giữa các cộng đồng, một lối sống trung thực, không tham nhũng, tuyển chọn công chức dựa trên năng lực, đạo đức chứ không phải trên các mối quan hệ gia đình, bè phái.
Việc Singapore thành lập Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Lee Kuan Yew School of Public Policy) mà giáo sư Mahbubani làm khoa trưởng là một ví dụ.
Bài học Singapore
Một câu hỏi khác cũng được nhiều người quan tâm là tại sao chủ đề về di sản của ông Lý Quang Diệu lại được ra thảo luận lúc này, khi ông đang còn sống, đang còn tại vị?
Phải chăng là những đóng góp của ông Lý trong việc xây dựng và phát triển đảo quốc này là quá hiển nhiên và quá lớn nên Singapore không có gì phải giấu diếm hay nghi ngờ về tầm ảnh hưởng của ông đối với tương lai của họ?
Theo ông Ho, trong lịch sử hiện đại có rất ít các nhà lập quốc hay cách mạng biết chọn thời điểm để rút lui và hơn nữa có khả năng đưa đất nước mình tới một tương lai ổn định và phát triển như ông Lý.
Ông đề cập đến trường hợp Mao Trạch Đông (Trung Quốc), Fidel Castro (Cuba) hay Robert Mugabe (Zimbabwe), những người luôn bám víu chức vụ khi uy tín và vị thế của họ không còn ở đỉnh cao. Theo ông, chính sự ham quyền cố vị đó đã làm tổn hại những thành công ban đầu của họ.
Dù muốn hay không phải thừa nhận rằng Singapore đã thành công, ít nhất về mặt kinh tế. Việc Singapore phát triển và trở thành một trong những quốc gia giàu có nhất thế giới là một ví dụ.
Phải chăng vì tương đối ổn định và phát triển nên người dân Singapore không còn bận tâm nhiều đến các quyền chính trị hay cá nhân?
Remy Choo Zheng Xi, một sinh viên luật khoa tại Đại học quốc gia Singapore và là chủ biên tập The Online Citizen, một trang web cổ vũ cho các quyền dân chủ tại Singapore, cũng thừa nhận rằng có rất ít sinh viên Singapore quan tâm đến chính trị.
Việc ông Lý và đảng PAP tồn tại và độc quyền lãnh đạo trong năm thập niên qua cho thấy tầm ảnh hưởng và vị thế của ông và PAP, khi đảo quốc này không phải là một Bắc Hàn cô lập với thế giới bên ngoài hay một Zimbabwe nghèo nàn, lạc hậu.
Singapore là một nước có trình độ học vấn cao, và đã từ lâu người dân đã tiếp xúc với thế giới bên ngoài, đặc biệt với Mỹ và nhiều nước Tây phương khác. Do đó, tầm nhìn và vốn hiểu biết của họ chắc chắn sẽ cao.
Nhưng phải chăng người dân Singapore tôn trọng và chấp nhận sự lãnh đạo của ông Lý và đảng PAP tại vì ông là một người có tầm nhìn xa và đặc biệt có tư cách đạo đức như đại sứ lưu động Ong Keng Yong nhận xét?
No comments:
Post a Comment