Đã có chính phủ lo rồi! Đã có Đảng lo rồi!
Phan Thuỷ
04/04/2009 7:06 sáng
http://www.talawas.org/?p=2186
Một mảnh cối ghim giữa ngực mày
Chỉ có cách đó thì mày mới chết
—-
Cò súng mày vừa buông, ngón tay tụi tao đã thò tay vào rồi đó…
Những câu thơ của nhà thơ Bùi Chí Vinh với các từ ngữ vô cùng đơn giản nhưng đã đủ làm uất hận hàng triệu con tim người Việt Nam về sự hy sinh trong cuộc chiến chống bọn xâm lăng Trung Quốc 1979. Tiếng súng nổ ra ở biên giới, hàng hàng lớp lớp thanh niên ra trận và đổ máu để dạy cho quân Thiên triều một bài học về truyền thống yêu nước của người Việt Nam trong công cuộc bảo vệ tổ quốc. Cuộc chiến đã kết thúc nhưng dư âm của nó vẫn âm ỉ cho đến ngày nay. Nhà văn Mạc Ngôn đã cao hứng tuyên chiến với người Việt trong tác phẩm Ma chiến hữu: “Cuộc chiến tranh của chúng ta là chính nghĩa, đất nước Việt Nam phụ thuộc vào Trung Quốc và người Trung Quốc đem quân đi đánh vì người Việt Nam nổi loạn.” Ngay lập tức câu nói này đã làm dấy lên làn sóng người Việt phản đối trong lẫn ngoài nước trên mạng. Nhưng có một điều rất ngạc nhiên là báo chí trong nước hoàn toàn vô cảm về vấn đề này. Dư luận cho rằng ông Mạc Ngôn là người Trung Quốc nên ông ta có quyền bảo vệ đất nước mình. Đó là điều tất nhiên, nhưng vấn đề cốt lõi là Nhà xuất bản Văn học và Công ti Văn hoá Phương Nam lại cho lưu hành tác phẩm Ma chiến hữu rộng rãi, bán với giá cao và thậm chí còn tán dương tác phẩm, một hành động đi ngược lại đường lối dân tộc, trong khi thì tập truyện ngắn Rồng đá của Vũ Ngọc Tiến - Lê Mai có nhắc đến cuộc chiến tranh biên giới lại bị thu hồi và những người đã tham gia xuất bản cuốn sách trên cũng có chung số phận hẩm hiu, bị cách chức. Và còn nữa những hoạt động nhằm vinh danh các chiến sĩ đã hy sinh cho đất nước cũng không được tổ chức.
Sự thật đã rõ, người dân không được quyền thể hiện lòng yêu nước của mình trong bất cứ hình thức nào. Cứ nhìn vào gương đấu tranh của Điếu Cày, Lưu Thị Công Nhân thì biết. Người dân biểu tình để chống Thiên triều ư, sẽ bị vào tù, mất hết nhà cửa và bị xét xử tùy tiện. Chưa hết, nhà nước còn dâng cả vùng bauxite Tây Nguyên cho Trung Quốc tràn vào khai thác bất chấp sự phản đối giận dữ của nhân dân. Chính vì vậy nhà văn Mạc Ngôn mới có thể ba hoa với những lời lẽ ngạo mạn trong tác phẩm Ma chiến hữu, có lẽ ông ta biết rằng các quan chức Việt Nam đã tự nguyện trở thành Trần Ích Tắc sẵn lòng dọn đường cho bọn Thiên triều âm mưu vẽ lại bản đồ.
Bài thơ này chẳng thể nào ngâm
Khi chữ nghĩa đứng xếp hàng giận dữ
Xin lỗi cặp chân nào trắng thế kia đang lẳng lơ khiêu vũ
Xin lỗi luôn móng vuốt bọn xâm lăng đang vẽ lại bản đồ
Xin lỗi lũ cõng rắn cắn gà nhà, xin lỗi những âm mưu
Mượn những câu thơ của Bùi Chí Vinh để thấy được rằng các hợp đồng ăn chia bán nước cầu vinh sẽ đem về hàng tỷ đô la kếch xù về cho lãnh đạo. Nhà nước chúng ta rất cần tiền. Vấn đề bauxite Tây Nguyên đã chứng minh điều đó, bất chấp ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và nguy cơ lớn về an ninh quốc phòng. Các nhà đầu tư nước ngoài cứ đổ tiền ODA thật nhiều vào để người dân chứng kiến một đất nước ngày càng hỗn loạn. Thành phố Sài Gòn, Hòn ngọc Viễn Đông ngày nào, giờ đây bị bằm nát như tương, lớp lớp lô cốt mọc lên như nấm mùa mưa, những dòng suối xe gắn máy, xe hơi chen chúc nhau từng bước một trên những làn đường nhỏ như chỉ vừa đủ cho một chiếc xe đạp chạy qua. Người Việt Nam đã bị liệt kháng rồi ư? Có thể vậy vì chẳng thấy người dân nào đưa ý kiến lên các buổi họp dân phố hay báo chí. Hoặc có châm biếm đi nữa thì cũng đâu lại vào đấy. Người dân đã quen không có vai trò và tiếng nói trong chính đất nước độc lập dân chủ của mình. Nhìn sang nước ngoài thấy người Hàn Quốc biểu tình chống Nhật, chống Trung Quốc bởi những lời lẽ ngạo mạn đe dọa đất nước họ hay Philippin lên tiếng cảnh cáo Trung Quốc về Biển Đông để bảo vệ vùng biển của tổ quốc họ, mới thấy đất nước Việt Nam mình quả là có một không hai. Học giả Nguyễn Văn Vĩnh đã nói rằng người Việt gì cũng cười, vui cũng hì mà buồn cũng hì. Thưa ông, người Việt Nam phải cười thôi, cười… ra nước mắt để khỏi bị stress nặng, để khỏi phải bị nổ tung đầu óc vì phải bị khóa miệng trước những chính sách nhà nước ban hành. Đúng hay sai ư? Đã có chính phủ lo rồi! Trung Quốc chiếm Trường Sa, Hoàng Sa định xâm lăng Việt Nam ư? Đã có Đảng lo rồi.
Vì vậy gần đây Thành phố Hà Nội bị một cơn tiểu hồng thủy mà người dân phải tự chế ra bè để làm phương tiện giao thông chính tự cứu mình. Thế nhưng “quan lớn” Hà Nội lại tuyên bố thẳng thừng “Người dân không chịu tự cứu mình, lúc nào cũng chực chờ trông mong vào nhà nước”. Thưa ngài, chẳng phải các ông lãnh đạo đã luôn chỉ thị rằng bất cứ chuyện gì cũng phải báo cáo lên cấp trên và chờ đợi các ngài duyệt rồi mới được thi hành hay sao? Không lẽ người dân dám làm trái lệnh? Nước Nga có phê phán rằng: “Nhà nước Việt Nam đừng ôm hết việc về mình, hãy để quyền tự quyết cho người dân”. Thế nhưng lời người là vậy, còn lời các lãnh đạo vẫn là chờ… và chờ…
Và cứ thế đường dân dân cứ đi, đường quan quan cứ đi. Chỉ có những người nông dân nghèo khổ quê mùa mới dám tập họp lại để biểu tình đòi công lý cho đất đai của họ đã bị chính quyền tịch thu một cách thô bạo, vì quan lớn hiểu rằng chỉ có đất đai mới giúp quan phất lên nhanh chóng. Nhưng luật nước không cho người dân được rộng quyền ăn nói thì làm sao có luật cho phép họ được biểu tình chống đối chính quyền. Đương nhiên những người nông dân đấu tranh để giành đất đai, để chống lại đói nghèo, chống lại bọn cường hào ác bá có những kết cuộc rất đau lòng. Nhưng đau hơn hết là thái độ thờ ơ của chính những người dân khác, của báo chí trước những băng rôn biểu ngữ trên đường phố. Người dân có lẽ đã quá quen với cảnh vô cảm với chính quyền, họ xa lạ với những hoàn cảnh nhức nhối xung quanh. Còn các nhà báo ư? Họ chỉ được cho phép khai thác những đề tài “hot” như Hoa hậu Quốc tế, Duyên dáng Việt Nam, thời trang, phim ảnh mì ăn liền v.v…, và phóng viên hãy quên đi những đề tài hóc búa chỉ đem đến phiền muộn cho nhà nước. Một thể chế quan dạy dân nghe lệnh răm rắp không dám trái lệnh quả thật là chuyện tưởng như đùa trong một đất nước có truyền thống yêu nước và chống lại bạo quân bạo quyền như nước Việt Nam từ xưa đến nay. Còn đâu nữa những câu nói hùng hồn của những chiến sĩ cách mạng giúp dân nghèo xóa bất công xã hội trước đây: “Dậy mà đi, dậy mà đi hỡi đồng bào ơi!”…
Vì đường quan quan cứ đi nên đương nhiên những tiêu cực, tham nhũng xảy ra là điều không thể tránh khỏi. Báo chí những ngày qua liên tục đăng tin quan chức các tỉnh ăn chặn tiền Tết của dân nghèo, chính quyền đã ngăn chặn kịp thời và yêu cầu các cơ quan xử lý nghiệm vụ việc. Tác giả bài này cũng vội chạy đến nhà bà mẹ liệt sĩ của mình. Đến nơi tôi đưa mẹ tờ báo Thanh niên hồ hởi thông báo cho mẹ rằng nhà nước đã tăng lương hưu lên đến 650.0000đ một tháng, rằng mẹ có được lãnh đủ hay không hay cũng bị cắt xén, rằng… Mẹ tôi chỉ cười: “Thôi con ạ, tháng này mẹ lãnh được 350.000đ, tốt hơn những năm trước chỉ được 200.000đ thôi. Đừng bắt mẹ phải cầm báo lên phường. Con kiến mà kiện củ khoai sao?”
Vâng, thưa mẹ, con kiến mà kiện củ khoai sao? Trong một đất nước độc lập dân chủ, người dân được hướng dẫn rằng đừng nên quan tâm gì đến chính trị xã hội, tình hình đất nước, tham nhũng, quan liêu, hãy cứ sống như cái kiến củ khoai, chỉ có nhà nước độc quyền ra lệnh và phán dạy. Đảng cần làm kinh tế để đưa đất nước lên giàu mạnh nên tự ý dâng vùng bauxite Tây Nguyên cho Trung Quốc đưa hàng vạn người vào khai thác. Hàng chục ngàn người Việt Nam đang bị mất việc nhưng nước ta lại tạo điều kiện công ăn việc làm tốt đẹp cho hàng vạn công nhân Trung Quốc. Nhân dân quyết liệt phản đối công việc bạo ngược này nhưng biết kiện ai? Con kiến mà kiện củ khoai sao? Thật đau lòng cho người Việt Nam có lương tri phải bất lực trước những viễn cảnh đen tối đầy thách thức này. Cũng may còn có những bài thơ yêu nước, cảnh cáo bọn giặc phương Bắc với những lời lẽ đanh thép, ca ngợi các chiến sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc.
Ta yêu Tổ quốc bằng bài thơ giữ nước
Đại cáo Bình Ngô một thuở lên đường
Ta yêu Tổ quốc bằng bài thơ dựng nên cột mốc
Biết giữ gìn từng tấc đất biên cương
……..
Tương lai không dành cho bọn sâu bọ làm người
Không thuộc độc quyền lũ rước voi giày mả tổ
Không nằm trong tay đám cõng rắn cắn gà nhà
Tuơng lai là của những kẻ đứng mũi chịu sào dám đem hạt gạo xẻ làm đôi
Bài thơ nói lên chí khí của dân tộc từ thời Lý Thường Kiệt, Quang Trung, Nguyễn Trãi cho đến hậu Bình Ngô là một “đòn” đánh thẳng vào bọn bạo quyền chỉ biết lấp đô la vào đầy túi, đẩy nhân dân vào thế đứng nhìn bọn giặc tràn vào đất nước với những lời lẽ ngạo mạn mà cộng đồng quốc tế còn không chấp nhận được.
Cũng may mà Lưu Quang Vũ đã không còn sống để chứng kiến một đất nước rơi vào thời Lê Chiêu Thống, nếu còn sống chắc chắn ông sẽ không chịu đứng yên để nhìn “công lý thành một ký lông”, nhà thơ nhà biên kịch của chúng ta nhất định sẽ đại diện nhân dân “kiện” chính quyền đã bán rẻ đất nước, buộc nhân dân phải cúi đầu im miệng trước bọn Thiên triều Trung Quốc bằng một vở kịch được đặt tên: NƯỚC NAM VUA NAM Ở, CỦA DÂN HAY CỦA LÃNH ĐẠO?
3 -2009
© 2009 Phan Thuỷ
© 2009 talawas blog
No comments:
Post a Comment