Chủ nghĩa tư bản và nền tảng luân lý
Edward Celeson
03/04/2009 7:00 sáng
http://www.talawas.org/?p=2056
Vitduc (www.x-cafevn.org) dịch, Đinh Tuấn Minh hiệu đính
*
“Nền kinh tế thị trường, tức chủ nghĩa tư bản, hiện đang bị khinh ghét hơn bất cứ thứ gì khác. Trong điều kiện xã hội hiện tại, khi gặp những gì không hài lòng, người ta thường đỗ lỗi cho chủ nghĩa tư bản.” Ludwig von Mises viết như thế vào tháng Giêng năm 1947(1). Thật ra, chủ nghĩa tư bản đã mang tiếng xấu từ trườc đó rất lâu. John Ruskin từng phỉ báng Adam Smith là “… một gã Xcốtlen nửa người nửa ngợm đang cố tình rao giảng những lời báng bổ thánh thần: nào là ‘Hãy căm thù thượng đế, chúa tể của các ngươi, kệ xác những luật lệ của ông ta, và hãy luôn ngắm nghé tài sản của bọn láng giềng’”(2). Cứ như thế, từ nhiều năm qua, những người theo chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa xã hội Fabian đã tạo ra một kho tư liệu tuyên truyền khổng lồ chống lại chủ nghĩa tư bản.
Trong những giai đoạn khủng hoảng kinh tế, chủ nghĩa tư bản phải đương đầu với sự chống đối còn kinh khủng hơn thế nữa. Trong cuộc Đại Khủng Hoảng [giai đoạn 1929-1932 – ND] một quyển sách do nhiều tác giả Cơ Đốc giáo có viết như sau: “Tương lai của các cộng đồng Thiên chúa giáo tùy thuộc hoàn toàn vào việc Thiên chúa giáo, hay đúng ra là những tín đồ Thiên chúa giáo, có quyết tâm chấm dứt ủng hộ chủ nghĩa tư bản và bất công xã hội hay không” (3). Những tuyên bố như thế vào thời đó không phải là ít. Trong quá khứ không xa, mọi người đều có cảm nhận rằng có vẻ như những người càng có khuynh hướng Phúc Âm chính thống (orthodox and evangelical wing) thì càng ủng hộ chủ nghĩa tư bản, và điều này đã được xác nhận qua dữ liệu thống kê. Nhưng ngày nay, một nhóm những người có ảnh hưởng rộng lớn trong giáo phái Phúc Âm đã thẳng thừng phủ nhận quan điểm bảo thủ về kinh tế và chính trị này và cho đó là phi Thiên chúa giáo.
Theo tôi, có lẽ một trong những nhiệm vụ cấp bách nhất của chúng ta hiện nay là tìm hiểu vì sao một số trí thức quan tâm đến những vấn đề xã hội, trong đó có cả những tín đồ Thiên chúa giáo, lại căm thù chủ nghĩa tư bản đến thế. Cũng không loại trừ những thành phần đối kháng theo khuynh hướng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa chỉ muốn hủy diệt chủ nghĩa tư bản cũng như quốc gia của chúng ta [nước Mỹ - ND] nhằm phục vụ cho quyền lợi của họ. Thế nhưng vẫn còn nhiều người tử tế và có thiện chí khác vẫn cứ phản đối nền kinh tế thị trường chỉ vì họ không hiểu được nó là gì.
*
Không tồn tại xã hội Utopia thời Tiền-Công-Nghiệp
Xét về mặt thời gian, điều ngụy biện đầu tiên cần phải phá bỏ là khái niệm tiền-tư- bản-chủ-nghĩa của xã hội loài người. Người ta rất dễ dàng thêu dệt ra một giai đoạn bình dị như thiên đàng mà ở đó người nông dân có một cuộc sống an lành hoàn toàn gần gũi với thiên nhiên, giống như đem “người man khai lương thiện” (Noble savage) trong thiên đường thời nguyên thủy mà Jean Jacques Rousseau hình dung đến sống trong thời trung cổ vậy. Thomas Hobbes (1588–679) lập luận có cơ sở hơn khi cho rằng cuộc sống hoang dã ngày xưa rất “tồi tệ, tàn bạo và ngắn ngủi”. Adam Smith (1723-1790) còn ghi nhận rằng trong thời kỳ của ông, “người ta thường gặp trên vùng cao nguyên ở Xcốtlen những người mẹ sinh đến 20 con nhưng chưa đến hai trong số đó có thể sống sót” (4). Nên nhớ rằng đây là chuyện xảy ra chỉ mới hai thế kỷ trước. Có nhà văn còn viết rằng tử suất của thị dân thời trung cổ cao hơn cả sinh suất, vì thế các thành phố, nếu muốn tồn tại, phải liên tục chiêu mộ dân nhập cư từ những vùng thôn quê (5). Những trận đói nghiêm trọng cũng thường xảy ra vào thời kỳ này. Gần đây hơn, E.A. Wrigley cho rằng cách đây gần ba thế kỷ, ở một số họ đạo mà ông nghiên cứu, tử suất tỉ lệ thuận với giá lúa mì vào thời đó (6). Ngoài ra còn phải kể đến nạn ô nhiễm môi trường ở mức độ khủng khiếp do mọi thứ rác rưởi đều được thải ra đường. Như vậy, cuộc sống vào cái gọi là thời kỳ tiền công nghiệp không có gì là tuyệt vời cả, thậm chí là tốc độ cải thiện đời sống trong thời kỳ đó chậm hơn nhiều khi so sánh với giai đoạn hiện đại ngày nay. Vì thế, rõ ràng là không có cơ sở lịch sử khi cho rằng mọi thứ đều hoàn hảo trước khi con rắn tư bản chủ nghĩa xuất hiện làm băng hoại cái thiên đàng hạ giới của loài người.
Một quan niệm khác cho rằng sinh hoạt xã hội và chính trị của loài người tương đối đơn giản trong thời kỳ tiền tư bản. Suy diễn đó được hình thành như sau: cuộc sống vào thập niên 1890 đơn giản hơn ngày nay, suy ra nó càng đơn giản hơn vào thập niên 1690 hay 1590 chẳng hạn. Lại sai nữa. Theo như lời kể của một số vị cao niên còn sống, đời sống con người, chỉ có ở giai đoạn sau cùng của thời kỳ Victorian, là tương đối đơn giản mà thôi; còn lại thì cuộc sống ở cuối thế kỷ 17 hay thời kỳ tiền công nghiệp cũng đều không khác mấy với cuộc sống ngày nay. Chẳng hạn như ở Pháp, “những quy định cho nghề dệt trong thời kỳ từ 1666 đến 1730 dài đến 2000 trang giấy in” (7). Hình phạt cho những ai vi phạm những quy định này cũng rất nghiêm khắc. Vô số người bị xử tử vì những vi phạm kinh tế mà lẽ ra không đáng để gán tội hình sự. Và cũng nên nhớ rằng những chuyện như vậy đã diễn ra ngay cả trước khi cuộc sống bị cuộc Cách Mạng Công Nghiệp làm cho rối ren, hay ít ra là như người ta vẫn kể. Rõ ràng không phải vì nhu cầu thực tiễn của cuộc sống mà những quy định cho nghề dệt vào thời kỳ đó lại phức tạp đến vậy - với một ngành dệt thủ công thì việc gì phải cần đến hàng ngàn trang luật lệ như thế - mà chính là do quan điểm cai trị của nhà cầm quyền. Điều này có nghĩa là con người vào thời đó “đã có một lòng tin vững chắc vào nhà nước trong việc sử dụng luật pháp như là một phương tiện hiệu quả để đạt được tất cả cũng như bất kỳ mục tiêu nào mà họ muốn” (8). Quả là hiện đại!
*
Adam Smith và nguyên tắc pháp trị
Adam Smith thường bị xem là một kẻ vô chính phủ. Thời nay nếu ai tin vào tự do thương mại, người đó hẳn cũng chấp nhận sự hiện hữu tất yếu của nhà nước. Dù là ngày càng có nhiều người theo khuynh hướng vô chính phủ - cũng có thể đó là phản ứng chống lại sự thái quá của chủ nghĩa nhà nước (statism) – nhưng điều này không có nghĩa là mô hình vô chính phủ là một mô hình tất yếu để thay thế cho mô hình nhà nước toàn trị. Smith phân biệt rất rõ ràng khái niệm “luật pháp vì công lý” và những mưu toan lố bịch của những kẻ muốn gây áp lực lên nhà nước để thao túng thị trường nhằm thu lợi cho riêng mình (9). Theo Smith, nhiệm vụ của nhà nước là thực thi công lý chứ không phải quản lý công việc của từng người dân. Ông còn quan niệm rằng nhà nước phải có nhiệm vụ chống ngoại xâm để bảo vệ quốc gia, duy trì “một số công trình công cộng và một số định chế công cộng” vì lợi ích chung của toàn dân, chẳng hạn như những dịch vụ mà nhà nước rất khó thu phí sử dụng từ dân như việc sử dụng hải đăng, lòng đường và lề đường trước nhà của người dân. Rõ ràng là Smith vẫn còn tin vào vai trò của nhà nước, tuy nhiên, cũng như Thomas Jefferson, ông cho rằng “hoạt động của nhà nước nên đơn giản và tiết kiệm.” Ngày nay có nhiều người đang nghiên cứu trở lại hai tác phẩm kinh điển ấn hành năm 1776, The Wealth of Nations [Của cải của các Quốc gia] và “Bản tuyên ngôn độc lập.” Hy vọng mô hình nhà nước hạn chế (limited government) sẽ lại được ưa chuộng trong thời gian sắp tới.
*
Chủ nghĩa tư bản và lòng tham
Một ngụy biện khác nữa cho rằng Adam Smith là kẻ tôn thờ lòng tham, rằng chấp nhận sự tàn bạo của tự do kinh doanh - “ai cũng giành giật cho mình, khôn sống mống chết.” Xin nhắc lại, đây là nhận định chung của nhiều người, cả phe tư bản lẫn xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên Smith không có ý như thế khi nói về chủ nghĩa tư bản. So với những lên án khác chống lại tự do kinh doanh thì sự ngộ nhận này gây thiệt hại nhiều hơn cả: cả hai phe Cơ Đốc giáo và nhân đạo chủ nghĩa đều lên án tự do kinh doanh là xấu xa và đồi bại. Henry Thomas Buckle, một sử gia người Anh vào thế kỷ 19, đã có một nhận xét đáng chú ý về vấn đề này. Trong tác phẩm The Theory of Moral Sentiments [Lý thuyết về những tình cảm luân lý], Smith nhấn mạnh sự thương cảm, thế nhưng 17 năm sau, tác phẩm The Wealth of Nations lại được viết dựa trên chủ đề “… một động lực phát triển lớn của toàn nhân loại, của mọi lợi ích, giai cấp, ở mọi thời đại, mọi quốc gia, là tính ích kỷ.” Thế là mọi người đều dựa vào đó mà cho rằng Adam Smith chỉ biết sùng bái lòng tham, chớ ít ai hiểu được rằng trước đó Smith cũng đã từng sùng bái tình thương người như thế nào. Buckle mô tả sự thay đổi quan điểm đột ngột của Smith như sau:
“Như thế Adam Smith đã thay đổi hoàn toàn những tiền đề mà ông đã dùng cho những nghiên cứu trước đây. Trước đây, ông cho rằng con người vốn có tính thông cảm, nay thì lại cho rằng con người vốn ích kỷ, luôn làm giàu vì những mục tiêu hèn hạ và bẩn thỉu. Có vẻ như lòng nhân từ và những cảm xúc con người không còn ảnh hưởng gì đến hành động của chúng ta. Quả thực Adam Smith hầu như không hề thừa nhận có lòng nhân đạo trong lý thuyết về động lực phát triển của ông (10).”
Có lẽ vì Buckle quá hâm mộ tác phẩm The Wealth of Nations, thậm chí còn đề cao nó như là “một tác phẩm quan trọng nhất từ trước đến nay”, nên ông không hề có định kiến gì về Adam Smith. Do đó, để giải thích cho sự thay đổi đột ngột trong cơ sở lý luận của Smith, ông cho rằng Smith cố gắng tìm hiểu cả hai mặt của vấn đề, rằng hai tác phẩm này “bổ sung cho nhau chớ không đối chọi”, rằng trong mỗi chúng ta đều có chút vị tha và ích kỷ. Cho dù ý đồ thật sự của Smith là như thế nào thì cái hình ảnh về lòng tham mà ông mô tả trong tác phẩm The Wealth of Nations cũng đã đi vào tiềm thức của quần chúng. Chỉ có điều là tôi không rõ có bao nhiêu người lớn tiếng nhất lên án vấn đề này đã từng đọc qua tác phẩm đó.
Một trong những tác giả cùng thời với chúng ta, Richard C. Cornuelle, cũng đã từng cố gắng giải quyết cái dilemma (song đề trái ngược) này. Ông ta lấy dẫn chứng từ tác phẩm quen thuộc Fable of the Bees [Chuyện Ngụ Ngôn của loài Ong], do Mandeville xuất bản năm 1705, một câu chuyện châm biếm, mà ngay ở tiêu đề của quyển sách này đã chỉ rõ, nhằm chứng tỏ rằng “Thói xấu cá nhân làm lợi cho cộng đồng.” Vấn đề đáng bàn ở đây là liệu lòng tham của một cá nhân có giúp tạo ra phúc lợi xã hội hay không bằng cách kích thích hoạt động kinh tế và từ đó nâng cao mức sống cho mọi người. Quan niệm trước đây thì cho rằng không ai có thể thu lợi ngoại trừ có ai đó chịu thiệt thòi, rằng chúng ta chỉ có thể làm giàu bằng cách bần cùng hóa kẻ khác. Cornuelle viết:
“Mandeville chỉ đơn thuần đưa ra cái dilemma ‘thói xấu cá nhân - lợi ích cộng đồng’. Chính Adam Smith mới là người đi tìm lời giải cho nó. Trong tác phẩm bất hủ The Wealth of Nations, ông đã giải thích một cách rõ ràng và đầy đủ cho cả thế giới nguyên nhân thành công của hoạt động thương mại. Giọng văn của ông chứa đầy sự ngạc nhiên, cứ như là ngay cả ông cũng không thể tin nổi vào những phát hiện của chính mình… (11)”
Smith vô cùng kinh ngạc khi phát hiện ra rằng lợi ích lâu dài thật sự của từng cá thể cũng chính là lợi ích chung của mọi người, rằng điều gì tốt cho một người cũng chính là điều tốt nhất cho tất cả. Nếu thật sự là thế thì có vẻ như không hề có mâu thuẫn gì trong hệ thống tư tưởng trước đấy của Adam Smith dựa trên sự cảm thông hay là dựa trên lòng tham lam như ông đã viết trong tác phẩm The Wealth of Nations sau này. Smith cho rằng người buôn bán trong khi tìm cách kiếm lời, dưới sự điều khiển của một “bàn tay vô hình”, đã vô tình tạo ra phúc lợi xã hội, một kết quả mà anh ta không hề nghĩ đến (12). Ý tưởng này thật thú vị: như vậy, cái gì tốt cho nhà nông thì đều tốt cho người tiêu dùng, cái gì tốt cho công nhân thì cũng tốt cho người quản lý, cái gì tốt cho nước Nga, Trung Hoa Cộng Sản, Cuba, và những quốc gia láng giềng thân thiện hơn thì cũng tốt cho Hoa Kỳ và ngược lại. Nghe thì hay đấy, nhưng liệu có thật như thế không?
Nếu chúng ta cho rằng cái gì tốt cho mỗi người đều sẽ tốt cho mọi người, thì câu hỏi tiếp theo là liệu chúng ta có tự động nhận ra những điều đúng đắn để mà làm hay không. Dĩ nhiên chúng ta cần phải phân biệt giữa sự tham lam mù quáng và sự theo đuổi quyền lợi cá nhân có suy xét. Tuy nhiên ngay cả khi có sự phân biệt đó, lịch sử cũng có rất ít bằng chứng cho thấy con người lúc nào cũng có đủ sáng suốt để làm những điều đúng. Thật đáng tiếc là sau khi tác phẩm này được phát hành, người ta có khuynh hướng tin rằng nếu người kinh doanh hành động một cách “tự nhiên” theo bản năng thì kết quả sẽ chắc chắn có lợi cho xã hội.
Cũng nên nhớ rằng Adam Smith sinh ra vào thời mà Newton đang làm cho cả thế giới chú ý đến “lý thuyết hợp nhất vật lý học và thiên văn học” nổi tiếng của ông, lý thuyết đưa ra giải pháp cho bài toán vũ trụ bí ẩn mà những công trình nghiên cứu của Copernicus, Kepler và Galileo đã đặt ra cho ngành thiên văn và vật lý học từ 1543. Hậu quả công trình đó là làm cho người ta bắt đầu có thói quen đi tìm các qui luật cơ học cho tất cả mọi thứ, từ cách hành vi của con người, cho tới các hành vi của xã hội, của nhà nước, đến tất cả mọi phương diện của cuộc sống. Cứ như con người là một cái máy vậy. Điển hình là bài tiểu luận nổi tiếng vào năm 1798 của Malthus, trong đó ông cảnh báo rằng dân số của loài người sẽ không ngừng tăng và đến một lúc nào đó sẽ vượt quá mọi khả năng cung ứng thực phẩm, khiến cho việc cải thiện đời sống con người trở thành bất khả. Không trách vì sao ông và người bạn tốt của mình là Ricardo đã làm cho ngành kinh tế học phải mang một cái tên nữa là “ngành khoa học sầu bi” (dismal science.)
*
Cuộc cải cách ở Anh quốc và thị trường tự do
Dù là vẫn tồn tại một số ít các trí thức thời đó có khuynh hướng phó mặc cho thiên nhiên, thứ chủ trương “không làm gì cả” vốn thường được đại chúng gán ghép với xã hội laissez faire, thì dù là trước và sau 1800, vẫn không thiếu những cố gắng cải tổ xã hội. Chính trong những thập niên giữa hai thế kỷ XVIII và XIX này, William Wilberforce và Clapham Sect đã cật lực đấu tranh xóa bỏ nạn nô lệ. Quả thực điều kiện lúc đó hoàn toàn không thuận lợi cho cải cách xã hội vì Cách mạng Pháp bắt đầu vào năm 1789 và cuộc chiến giữa Napoléon và thế giới chỉ chấm dứt sau trận Waterloo vào năm 1815. Trong khoảng thời gian một phần tư thế kỷ đó, cho dù là không có xung đột liên tục nhưng xã hội luôn xáo trộn do chiến tranh hay tin đồn sắp có chiến tranh. Bất chấp những bất ổn đó, Wilberforce và những cộng sự của ông đã vận động được người dân Anh xoá bỏ luật buôn bán nô lệ (việc vận chuyển nô lệ từ Phi Châu đến Mỹ Châu) vào năm 1807. Sau cuộc chiến với Napoléon, chính phủ Anh và hải quân Hoàng gia Anh dốc toàn lực vào việc xóa bỏ tận gốc nạn buôn bán nô lệ đồng thời làm áp lực để những quốc gia khác cùng hợp tác thực hiện. Sau cuộc Nội Chiến [ở Hoa Kỳ, 1860-1864], cùng với bản tuyên bố giải phóng nô lệ ở Hoa Kỳ, gần như đồng thời với việc xóa bỏ nạn nô lệ ở những nước Mỹ la tinh, có vẻ như nhân loại sắp sửa thật sự được hưởng tự do. Cải cách xã hội quả đã mang lại kết quả tốt.
Trong cuộc đấu tranh đòi giải phóng nô lệ kéo dài nhiều thập niên này, trong số những người không ủng hộ, có nhiều người tranh luận hùng hồn rằng điều tốt nhất có thể làm đối với nạn buôn bán nô lệ là phớt lờ nó; hy vọng một ngày nào đó nó sẽ tự biến mất. Theo họ thì thật là khó hiểu khi thấy người Anh chủ trương laissez faire trong sinh hoạt kinh tế nhưng lại tham gia tích cực vào việc xóa bỏ nạn buôn bán nô lệ ở những nơi xa xôi mà họ không hề có thẩm quyền. Có vẻ sẽ hợp lý hơn nếu như người Anh chỉ chuyên tâm vào công việc kinh doanh của mình, tức là kiếm tiền, và cứ để mặc cho chuyện buôn bán nô lệ dần dần “biến đi”.
Những nhà cải cách Anh quốc vào đầu và giữa thế kỷ XIX không chủ trương vô chính phủ - Đây là một yếu tố cực kỳ quan trọng. Họ tin tưởng vào một sự tự do trong khuôn khổ luật pháp - Luật của Thượng Đế. Đối với họ, buôn bán nô lệ trái với Luật của Thượng Đế, nên họ quyết đấu tranh xóa bỏ nó. Nếu như chúng ta cho rằng tất cả những luật lệ hay dàn xếp chính trị nào không hợp với đạo lý đều cần phải bị loại bỏ thì chắc là ngày nay chúng ta cũng cần phải làm một cuộc cách mạng. [Nhưng điều này không diễn ra] vì có lẽ chúng ta đã quá quen khuất phục trước quyền lực rồi. Sự áp bức của Chủ nghĩa Phát Xít và Cộng Sản suốt nửa thế kỷ qua đã chứng minh rằng quyền lực có thể trở nên tha hoá, rằng tiến bộ không phải tất sẽ đến, và rằng tự do không phải tự dưng mà có.
Cuộc cải cách vĩ đại ở Anh quốc vào thế kỷ XIX mặc dù đã đạt được những thành quả to lớn nhưng vẫn chưa được hiểu đúng và hầu như đã đi vào quên lãng. Wilberforce và đồng sự đã đạt được những thay đổi về mặt cơ cấu xã hội nhiều hơn bất kỳ một cuộc cải cách nào khác trong lịch sử (13). Trong bối cảnh này, phong trào đòi tự do mậu dịch và tự do kinh doanh dưới triều nữ hoàng Victoria bắt đầu, những người đi đầu trong phong trào này là những tín đồ Thiên Chúa giáo rất sùng đạo, họ thậm chí xem đây như là một cuộc thánh chiến. Trước khi có phong trào này, người Anh cũng đã xóa bỏ việc sử dụng nô lệ trong đồn điền của họ ở những nước thuộc địa (khi Wilberforce qua đời vào năm 1833 thì dự luật xóa bỏ nô lệ này vẫn còn đang được tranh cãi ở Quốc Hội Anh, nhưng ông cũng có đủ cơ sở để biết trước rằng dự luật này sẽ được thông qua); nhiều người Anh lúc đó tin rằng sau vấn đề xóa bỏ nô lệ thì mục tiêu tiếp theo của quốc gia sẽ là vấn đề tự do mậu dịch và tự do kinh doanh. Trong một tài liệu của Hội Tự Do Mậu Dịch vừa ra đời người ta thấy có câu “… tổ chức này được thành lập một cách chính đáng giống như Hội Chống Nô Lệ vậy.” (14) Mặc dù ai cũng biết đây là thuộc lĩnh vực kinh tế, nhưng tư cách chính đáng và chủ trương cải cách của cuộc vận động này vẫn được thể hiện xuyên suốt.
*
Bãi bỏ Đạo Luật Ngô
Mục tiêu của những nhà vận động cải cách kinh tế là “Chương trình nông nghiệp Anh quốc,” Đạo Luật Ngô mà ai cũng biết, là một hệ thống thuế biểu nhập khẩu rất phức tạp nhằm ngăn cản việc nhập khẩu hạt ngô trừ phi giá ngô trong nước lên quá cao đến độ không ai mua nổi. Đối với Richard Cobden, John Bright và những thành viên khác của Liên đoàn chống Đạo Luật Ngô, việc cố tình làm cho thực phẩm trở nên khan hiếm và đắt đỏ một cách không cần thiết là tội lỗi và độc ác, và không có một thứ luật pháp nào có thể biện giải cho chủ trương phi đạo đức này. Ngay cả ngài Ashley, vị bá tước thứ bảy của dòng họ Shaftesbury, với tư cách là một quý tộc địa chủ thì ông hẳn sẽ phải mất nhiều hơn là được nếu như thị trường Anh quốc bị ngập tràn bởi nguồn nông sản dồi dào từ Hoa Kỳ, vẫn bỏ phiếu ủng hộ tự do mua bán thực phẩm chỉ vì ông tin rằng đó là việc làm đúng đắn. Còn ở Hoa Kỳ thì ngược lại, trong giai đoạn 40 năm sống dưới Chương Trình Nông Nghiệp Liên Bang, kể từ khi Henry Wallace “cắt bông giết lợn” [để giữ giá nông sản] vào mùa xuân 1933, nếu quý vị nào còn nhớ, hầu như không thấy có mấy nỗ lực muốn giải quyết vấn đề một cách phù hợp với đạo lý. Đó không phải là cách nhìn của những con người vào đầu thời
Nỗ lực vận động phi thường này cuối cùng đã được đền bù xứng đáng. Đến năm 1846, Liên đoàn chống Đạo Luật Ngô đã loại bỏ được Đạo luật Ngô đáng căm ghét, và nông sản giá rẻ từ Hoa Kỳ bắt đầu tràn ngập thị trường Anh quốc (và sau đó là thị trường Tây Âu) giúp cho dân lao động tại Anh có được những bữa ăn tử tế với giá cả phải chăng. Những năm sau đó người Anh lần lược bãi bỏ những chính sách thuế nhập khẩu còn lại mà những nước láng giềng cũng đang có khuynh hướng làm theo. Giao thương quốc tế vào cuối thời Victoria có được một môi trường phát triển cực kỳ thuận lợi, sự bùng phát của những hoạt động sáng tạo đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế và mang đến thịnh vượng cho cả thể giới cũng như tại Hoa Kỳ. Lòng tin của họ vào tự do hẳn có cơ sở rất vững chắc. Những người Anh được tự do mua bán tỏ ra rất lạc quan cho tương lai, “đồng thời chắc cũng thấy ngượng cho những dự đoán tiêu cực theo học thuyết kinh tế bi quan” mà Malthus và Ricardo đã đưa ra trước đó một thế hệ. Họ “đã có nhiệt tâm nắm bắt và tinh lọc những điều hữu ích từ học thuyết kinh tế của một người Pháp là Frederic Bastiat” (16). Họ tin rằng hòa bình và tiến bộ chính là thành quả của một đường lối kinh tế đúng đắn, nhận định đó có vẻ đúng, ít ra là trong thời gian ngắn hạn. Những ai trong chúng ta còn phải chịu đựng và thất vọng vì những xung đột, xáo trộn cùng sự nghèo khổ gần như muôn đời của phần lớn các quốc gia trên thế giới, sẽ thấy khá hơn nếu chịu khó nghiên cứu thời kỳ
*
Xưa và nay
Dĩ nhiên là những vị đó và những giai đoạn lịch sử của họ sẽ là những đề tài lý thú cho chúng ta nghiên cứu, nhất là sự tương phản giữa thời đại trước và hiện tại. Có một tác giả đã viết “… ở đầu thế kỷ XIX, thành phần tinh hoa của tầng lớp trung lưu đã tin vào đạo lý, vào cải tổ hệ thống tôn giáo và nhà nước, vào hành động hợp đạo lý, và vào nền kinh tế laissez-faire” (17). Một sử gia công minh trong tương lai, nếu có so sánh những cải cách của người Anh thời Victoria trong bối cảnh của họ với những cải cách của chúng ta trong bối cảnh thời đại ngày nay, hẳn sẽ phải viết về những người Anh thời Victoria như sau: “Chưa từng bao giờ có ít chương trình hành động lại làm được nhiều điều với ít tốn kém như thế.” Còn đối với những cố gắng tốn kém hàng tỉ đô la của chúng ta nhằm thay đổi cả thế giới, thì nhà sử học đó hẵn phải viết là “Chưa từng bao giờ có nhiều chương trình hành động với mức phí tổn khủng khiếp nhưng lại làm được ít thứ đến thế.” Phải chăng chủ nghĩa tư bản còn có thể mang lại nhiều thứ khác mà bấy lâu nay chúng ta chưa hề biết. Với bao nhiêu chuơng trình thất bại của phe xã hội chủ nghĩa chung quanh ta, có lẽ đã đến lúc chúng ta nên tìm hiểu xem chủ nghĩa tư bản đã vận hành tốt đến nhường nào trong quá khứ.
*
Tín ngưỡng và tự do
Những ý kiến ủng hộ chủ trương kinh tế thời
Sau những lời tán tụng chủ nghĩa tư bản, một áng văn bậc thầy có thể sánh với Hazlitt và von Mises viết vào những lúc thăng hoa nhất, Polanyi lại chuyển sang cảnh báo chúng ta rằng thị trường tự do “… sẽ tiêu diệt con người và biến môi trường quanh ta thành nơi hoang dã”. Điều khiến ông e ngại tự do là hành vi mà con người sẽ, mà thật sự là họ đã, làm khi họ được thả lỏng. Kiểm lại lịch sử nền tự do của nhân loại từ thời Cộng Hòa La Mã đến nay, ta hẳn cũng sẽ hiểu được những lo lắng của Polanyi không phải là vô cớ. Nói cách khác, trong suốt chiều dài lịch sử, tự do thật sự chỉ đến với những ai có trách nhiệm và đạo đức cao. Muốn thế, thị trường tự do và nhà nước tự do cần phải được xây dựng dựa trên cơ sở đạo lý vững chắc. Đây cũng chính là luận điểm mà Edmund Burke từng chỉ ra ngay từ những ngày đầu của Cách mạng Pháp:
“Con người chỉ nên được phép hưởng tự do trong chừng mực tương xứng với khả năng đức hạnh kiềm chế những cơn thèm khát của chính bản thân họ … xã hội không thể tồn tại trừ phi ở đâu đó có một quyền lực kiểm soát ý muốn và sự thèm khát của con người, và họ sẽ ít phải chịu kiểm soát từ bên ngoài nếu như trong họ có đạo lý, và chịu nhiều hơn nếu họ không có. Dường như tạo hóa đã có một thứ luật ngầm định không cho những ai ham muốn quá độ được hưởng tự do, bằng cách buộc họ phải trở thành tù nhân của những tham vọng của chính mình.”
Nguồn: Capitalism and Morality by Edward Celeson
----------------------------------------------------------
Chú thích:
(1) Ludwig von Mises, Planned Chaos, p. 17.
(2) Robert B. Downs, Books that Changed the World, p. 43.
(3) Christian Message for the World Today. E. Stanley Jones and nine other churchmen are listed as the authors. The quotation from Chapter II, page 45, was apparently written by Basil Mathews.
(4) Adam Smith, The Wealth of Nations (Modern Library edition), p. 79.
(5) Warren S. Thompson, Population Problems, p. 73.
(6) E. A. Wrigley, Population and History, p. 66.
(7) John Chamberlain, The Roots of Capitalism, p. 20.
(8) John M. Ferguson, Landmarks of Economic Thought, p. 36.
(9) Smith, p. 651.
(10) Henry Thomas Buckle, History of Civilization in
(11) Richard C. Cornuelle, Reclaiming the American Dream, pp. 47-48.
(12) Smith, p. 423.
13) Earle E. Cairns, Saints and Society, p. 43.
(14) George Barnett Smith, The Life and Speeches of the Right Hon. John Bright, M.P., Vol. I, p. 133.
15 Dean Russell, Frederic Bastiat: Ideas and Influence, p. 66.
(16) Ibid., p. 69.
(17) Robert Langbaum, The Victorian Age, p. 9.
(18) Karl Polanyi, The Great Transformation, pp. 3-5.
No comments:
Post a Comment