Saturday, April 11, 2009

CHỐNG ĐỘC QUYỀN SÁCH GIÁO KHOA

Giáo dục
CHỐNG ĐỘC QUYỀN SÁCH GIÁO KHOA
Cần một cuộc cải cách có hệ thống

GS Hoàng Tụy
Thứ sáu, 10/04/2009 02:25GMT+7
http://www.nld.com.vn/20090410022537715P0C1017/can-mot-cuoc-cai-cach-co-he-thong.htm

Giao cho hiệu trưởng lựa chọn sách giáo khoa dạy ở trường mình là chủ trương không thích hợp
Trước khi áp dụng một chương trình, nhiều sách giáo khoa (SGK) cần phải nghiên cứu một cách thấu đáo, nghiên cứu thật kỹ rồi mới làm. Hạn chế việc thí điểm, nếu còn thí điểm có nghĩa là còn sự ỷ lại, thiếu tôn trọng học sinh. Học sinh không phải là “chuột bạch” để đem ra thí nghiệm.

Nên có nhiều bộ sách

Thông thường, SGK bậc học phổ thông được sử dụng ổn định trong 20-30 năm. Nhưng ổn định trên cơ sở nào? Đương nhiên không phải bằng cách của VN hiện nay là Nhà nước tổ chức biên soạn SGK (giao cho một tổ chức, một nhóm biên soạn) và sử dụng thống nhất trong cả nước. Cách tổ chức, biên soạn và phát hành SGK như hiện nay khiến năm nào người ta cũng phê phán những sai lầm trong sách, năm này qua năm khác cũng không sửa hết. Với cách tổ chức này, giáo viên chỉ việc dạy đúng theo SGK, không phát huy được sự sáng tạo, sáng kiến.

20 năm trước, khi làm chủ tịch hội đồng duyệt SGK toán của Bộ GD-ĐT, tôi đã đề xuất nên có nhiều bộ SGK để giáo viên tùy ý lựa chọn phù hợp với điều kiện, khả năng của mình. Lúc đó Bộ GD-ĐT đã thuận theo đề xuất này và cho phép biên soạn tối thiểu hai bộ SGK. Nhưng trong khi thực hiện, xảy ra một vấn đề là có một bộ do nhóm biên soạn miền Bắc thực hiện, một do nhóm biên soạn miền Nam làm.

Vô hình trung, mỗi miền lại chọn một bộ riêng, do nhóm biên soạn miền đó thực hiện. Điều này đã gây bức xúc cho một số người: Tại sao đất nước thống nhất mà vẫn có hai bộ SGK cho hai miền? Vì thế Quốc hội đã phải “quyết” sử dụng một bộ SGK thống nhất cho cả nước. Đây là một điều rất đáng tiếc, lẽ ra phải thấy được ý tưởng một chương trình nhiều SGK là đúng, còn việc thực hiện chưa tốt thì phải sửa chữa, thay đổi.

Các nước chỉ quy định chương trình bắt buộc, còn việc thực hiện (giảng dạy) có nhiều cách khác nhau. Chương trình đó thường không chi tiết đến mức không còn chỗ cho người viết sách phát huy sáng kiến. chương trình học chỉ quy định mỗi môn học trong một năm học sinh phải nắm được kiến thức gì, làm được việc gì, còn việc thực hiện như thế nào tùy thuộc vào mỗi giáo viên.

Vì vậy, muốn thực hiện có hiệu quả, phải căn cứ trên đối tượng là học sinh, vùng này khác vùng kia. Tóm lại, phải căn cứ vào đối tượng học sinh, điều kiện dạy và học, thời điểm cụ thể, phương tiện dạy và học và cả trình độ giáo viên... Giáo viên nào tự thấy không đủ sức phát huy được nhiều sáng tạo thì phải “bám” chặt theo SGK, người có trình độ và tâm huyết hơn thì để cho họ được tự do trong việc thực hiện chương trình.

Sẽ có cơ chế chọn lọc tự nhiên

Mấy ngày nay, khi Bộ GD-ĐT đưa ra chủ trương “hiệu trưởng có quyền chọn SGK”, tức là sẽ có nhiều bộ SGK, một số người lập tức phản ứng. Họ cho rằng, làm như vậy sẽ “loạn” SGK; sách hay, sách dở đều được xuất bản, không bảo đảm chất lượng... Đây cũng là lý do để người ta cho rằng cần phải có một bộ SGK thống nhất.

Song lo ngại này cũng là điểm cần lưu ý, phải ngăn chặn được tình trạng “loạn” SGK. Câu hỏi đặt ra là biện pháp nào? Câu trả lời, đó là bộ phải xây dựng và quy định một chương trình chuẩn, bất cứ ai nếu thấy đủ kinh nghiệm, trình độ cũng có thể viết SGK. Nhưng trước khi in, các bản thảo SGK này phải được trình lên hội đồng duyệt SGK của Bộ GD-ĐT. Hội đồng này phải xét duyệt từng bản thảo cặn kẽ, xem bản thảo nào đáp ứng được thì cho phép in.

Khi in phải ghi rõ “Được phép dùng trong các trường phổ thông”. Như vậy, nhóm biên soạn của Bộ GD-ĐT cũng được phép viết SGK và cũng phải đưa ra hội đồng, xét duyệt một cách bình đẳng như các tác giả khác. trong từng thời điểm, có thể lựa chọn hai - ba bộ SGK khác nhau cùng được phép sử dụng trong các trường phổ thông.

Khi sử dụng, sẽ có cơ chế chọn lọc tự nhiên, cuốn nào hay tất nhiên sẽ được nhiều người lựa chọn. Đây là lý do, tại sao ở các nước phát triển, dù không độc quyền SGK nhưng sau một thời gian, chỉ còn một - hai cuốn được sử dụng phổ biến. Mỗi SGK có thể có một số ưu điểm khác nhau, giáo viên có thể căn cứ vào đó như có thêm những tài liệu tham khảo khi giảng dạy.

Để tránh lãng phí, kinh nghiệm của nhiều nước là tổ chức triển lãm sách vào mùa hè ở nhiều địa phương. Các giáo viên đến đó, lựa chọn cuốn nào thích hợp nhất với điều kiện cụ thể ở địa phương mình thì đăng ký. Căn cứ vào thống kê này, cuốn sách nào được lựa chọn nhiều nhất thì in, phát hành nhiều tại địa phương đó.

Tôi đánh giá cao việc mạnh dạn áp dụng trở lại chủ trương một chương trình, nhiều bộ SGK nhưng cũng phải nói thẳng rằng đây cũng chỉ là một trong những sáng kiến “lẻ tẻ” của ngành giáo dục. Cần thực hiện một cuộc cải cách để thấy rõ tư duy làm giáo dục mới một cách có hệ thống, trên cơ sở đó mới thực hiện các sáng kiến một cách có hiệu quả.

----------------------------------------

Không thể giao cho hiệu trưởng quyền “to” thế
Việc giao cho hiệu trưởng các trường được chủ động lựa chọn và quyết định cuốn SGK nào được đưa vào dạy và học ở trường mình thể hiện sự đổi mới của Bộ GD-ĐT. Song chủ trương này không thích hợp vì giao cho cá nhân hiệu trưởng một quyền quá lớn. Về mặt chuyên môn, mỗi hiệu trưởng dù có xuất sắc, cũng chỉ giỏi một - hai môn chứ không thể giỏi tất cả các môn để được phép lựa chọn SGK. Việc lựa chọn này của các trường nên để các tổ bộ môn của các giáo viên họp lại, đánh giá và thống nhất lựa chọn SGK phù hợp nhất với điều kiện trường mình trong số các SGK đã được Bộ GD-ĐT cho phép lưu hành.

GS Hoàng Tụy

No comments: